Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2023

Dư âm vượt thời gian

                                      ( Mến tặng Thầy Chuyên - Đan viện Châu Thủy )


Đọc Kinh Thánh : Jêrêmia 31,7-17 v Êpheso 1,3-14.

1. Tin Mừng có từ Cựu ước : ( Jer 31,7-17 )
    Mở đầu với lời kêu gọi ca ngợi ( c 7 ), phân đoạn này là một bài Thánh ca tạ ơn ( c 12,13 ) trong đó vẽ ra một viễn tượng tương lai tươi sáng. Tin Mừng ( TM ) ở đây là Thiên Chúa ( TC ) cứu chuộc dân Ngài khỏi chốn lưu đày. Từ Babilon họ sẽ trở về quê hương và bấy giờ nỗi sầu khổ sẽ biến thành niềm vui ( c 11 ). Hình ảnh sống động được vẽ ra ở đây là trong hành trình trở về quê hương, những kẻ lưu đày cùng khổ nhất và bất lực nhất như người mù, người què, phụ nữ mang thai cũng sẽ gia nhập đoàn người đông đảo và dìu dắt nhau đi ( c 8 ), như dân mình chạy trốn dịch trong những năm tháng vừa qua.
    TM không chỉ thông báo cho dân Israel để an ủi họ, nhưng còn thông báo cho các dân tộc. Câu 10-14 là lời rao báo cho các dân tộc biết rằng Israel trở về và họ sẽ vui mừng ca hát tại Sion. TM được thông báo để các dân tộc sẽ biết rằng TC của Israel là TC toàn năng, là TC có quyền trên lịch sử. Israel như một đứa con yêu dấu được người Cha yêu thương sửa phạt, nhưng rồi lại chữa lành, lau sạch nước mắt cho họ. Than khóc sẽ biến thành niềm vui hoan lạc ( c 13 ). Trên mảnh đất quê hương, sự thờ phượng Chúa được tái lập, dân chúng sẽ an cư lạc nghiệp và phồn vinh. Mọi người sẽ sống một cuộc đời sung mãn. Đây là dấu hiệu sự tha thứ của TC đối với tội lỗi của họ. Ngôn ngữ được dùng ở đây là thứ ngôn ngữ yêu thương, chăm sóc, âu yếm của người Cha nhân từ đối với con cái, của người chăn chiên đối với đàn chiên ( 9-10 ). Còn niềm vui nào lớn hơn cho một dân tộc bị thống trị bởi một dân tộc khác, mà lại được giải phóng và được Đức Yavê yêu thương, bồng ẵm ! Chỉ có Yavê là người Cha nhân từ cứu chuộc họ ( c 9 ); và chỉ  mình Ngài đáng được cảm tạ, tôn vinh.
    Bài ca Cứu chuộc của dân Israel cũng là Bài ca Cứu chuộc của mỗi chúng ta. Có niềm vui nào lớn hơn cho chúng ta khi được cứu chuộc khỏi quyền lực và hình phạt của tội lỗi, như tảng đá lấp cửa mồ bị bật tung để Đức Giêsu ( GS ) bước ra khỏi đó vậy. Ma quỉ và quyền lực tối tăm của sự dữ không còn làm chủ cuộc đời chúng ta nữa, nhưng là TC toàn năng đầy lân tuất và giàu lòng thương xót. Những ơn phước dân Israel được hưởng khi họ sống trên mãnh đất quê hương cũng là ơn phước mà chúng ta có được khi mối tương quan giữa chúng ta với TC được nối kết. Như dân Israel, chúng ta được sự sống và sự sống phong phú vì chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài. Bằng môi miệng, bằng đời sống và bằng việc làm, chúng ta hãy dâng lên Bài ca Cứu chuộc để bày tỏ lòng biết ơn sâu xa và chúc tụng Đấng yêu thương đã cứu chuộc chúng ta và ban cho chúng ta cuộc đời sung mãn.
    Làm thơ hay viết văn là để nuôi dưỡng tâm hồn. Những suy tư nếu không viết sau này sẽ quên, sẽ biến mất, lúc ấy muốn tìm lại cũng không có, và hối tiếc cũng không làm gì được.

2. Hạnh phúc đến từ ơn Cứu độ : ( Ep 1,3-14 )
    Phân đoạn này cũng là bài ca ngợi của những người được cứu chuộc. Niềm vui và lòng biết ơn được Phaolo diễn tả qua những từ ngữ và những hình ảnh sinh động.
    - Trước hết, lịch sử Cứu độ là câu chuyện về Chúa Cứu Thế, cũng là câu chuyện về mỗi chúng ta, một câu chuyện bắt đầu từ trước khi có trời đất muôn vật. Trước khi chưa có vũ trụ, TC đã chọn cách thức cứu độ qua Chúa GS ( c 4 ) vì khi TC tạo dựng con người TC biết trước nhân loại sẽ phạm tội. Chính chúng ta cũng được Ngài chọn từ khi còn trong lòng mẹ. Sự cứu rỗi ở đây được Phaolo nhấn mạnh như một sự hoạch định và chọn lựa tốt nhất của TC, Ngài không để ta "không đời đời" như quan niệm vô vi của Phật giáo và Lão giáo (*). TC đã tạo dựng nên con người thì con người phải tồn tại, Chúa không để ta "không đời đời" có nghĩa là ta vẫn tồn tại. Điều này được thể hiện qua "Kinh Cám ơn" mà Giáo Hội đã truyền dạy. Chúng ta tin rằng Tạo Hóa đã cho chúng ta có mặt trên đời này thì chúng ta cũng luôn được Ngài yêu thương.
    - Thứ hai, sự cứu rỗi cũng được đồng hành như một sự thánh hóa ( c 4, xem thêm Ep 5,27 v Cl 1,22 ). Thánh hóa vừa là bản chất, vừa là mục tiêu của sự cứu rỗi. Người được cứu được đưa vào địa vị Thánh, lúc người đó hoàn toàn đặt niềm tin nơi Chúa GS và được tẩy rửa bởi máu huyết Ngài. Địa vị Thánh là khởi điểm một tiến trình thánh hóa liên tục "cho đến mức hoàn hảo".
    - Thứ ba, sự cứu rỗi được xem là sự  gia nhập vào đại gia đình của TC, một gia đình gồm những người thánh, tức là những người được tẩy rửa bởi máu Chiên Con. Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta được thừa nhận là con cái TC ( c 5 ). Với địa vị con cái này, chúng ta được hưởng mọi phép lành từ Cha thiêng liêng.
    - Thứ tư, trong phân đoạn Kinh Thánh này, Phaolo cho thấy vai trò của Ba Ngôi TC trong công cuộc cứu độ : Chúa Cha hoạch định ( c 4,5 ), Chúa GS thực hiện ( c 5,7 ), Chúa Thánh Thần thánh hóa ( c 13,14 ). Công cuộc cứu độ diễn tiến đúng theo chương trình Chúa Cha ấn định để chúng ta được cứu chuộc.
    Phaolo nhấn mạnh mục đích cứu chuộc là để ta tôn vinh chúc tụng danh Ngài ( được lặp lại bốn lần trong các câu 3,6,12,14 ). Phaolo cho thấy những việc TC đã làm cho ta để ta cảm tạ Ngài về những phước lành thiêng liêng. Những từ ngữ : "ban phước", "chọn", "định trước", "ban ân sủng", "bày tỏ mầu nhiệm về ý muốn Ngài", "được ấn chứng bằng Thánh Thần"... Tất cả đều bày tỏ hành động yêu thương, rộng lượng, khoan dung của TC và tất cả được thực hiện trong Chúa GS. Thành ngữ "trong Đức Kitô" được lặp lại nhiều lần nhằm nhấn mạnh rằng lịch sử cứu độ là câu chuyện về Chúa Cứu Thế. Phần chúng ta, chúng ta được chọn, cứu chuộc và tha thứ ( c 6,7 ),nhận được sự khôn ngoan và hiểu biết ( c 8,9 ), được bảo đảm sự sống đời đời ( c 11-14 )...Vì thế, lịch sử cứu độ cũng là câu chuyện của những người được chọn nói chung và mỗi chúng ta nói riêng. Đây chính là lý do Phaolo mở đầu bức thư với lời ca ngợi "Chúc tụng TC là Thân phụ của Đức GS Kitô, Chúa chúng ta"( c 3a ).
    Làm gì thì làm phải có những giây phút riêng tư thì thầm với Chúa. Khi ta làm thơ, viết văn, sáng tác, là những giây phút gần Chúa nhất. Có những giây phút riêng tư thì thấy cuộc đời mới có ý nghĩa.

3. Trích dẫn quan điểm hạnh phúc của Đức Thánh Cha Phanxico :
    Bạn có thể có khuyết điểm, lo lắng và đôi khi dở hơi, nhưng đừng quên rằng bạn là một tuyệt tác của Thượng đế và cuộc sống của bạn là một công trình vĩ đại nhất trên thế giới.
    Hạnh phúc không phải là một bầu trời không có giông bão, không phải là con đường không có tai nạn, không phải là những công việc không có mệt mỏi, cũng không phải là những mối quan hệ không có những thất vọng, hạnh phúc là nhận ra rằng cuộc đời thật đáng sống bất chấp mọi thử thách và khủng hoảng.
    Hạnh phúc không phải là định mệnh mà là chiến thắng của những ai cố gắng hướng tới nó. Hạnh phúc là ngừng trở thành nạn nhân của các vấn đề nhưng trở thành một diễn viên trong chính lịch sử của bạn. Đó không chỉ là vượt qua những sa mạc bên ngoài, mà còn hơn thế nữa, là tìm thấy miền đất hứa trong mọi ngóc ngách của tâm hồn chúng ta. Đó là cảm ơn Chúa mỗi buổi sáng vì điều kỳ diệu của cuộc sống.
    Hạnh phúc có nghĩa là trở nên một trẻ thơ để sự tự do, hồn nhiên và giản dị bên trong chúng ta được sống. Hạnh phúc cũng là đủ chín chắn để nói “tôi đã sai”; đủ can đảm để nói “hãy tha thứ cho tôi”; đủ nhạy cảm để nói “tôi cần bạn” và đủ yêu thương để nói “tôi yêu bạn”.
    Do đó, cuộc sống của bạn trở thành một khu vườn đầy những cơ hội để được hạnh phúc… Trong mùa xuân, bạn sẽ trở thành một người yêu niềm vui, và nếu là mùa đông bạn có thể trở thành một người yêu mến sự hiểu biết. Và nếu có đi sai đường, bạn chỉ cần bắt đầu lại. Như vậy, bạn sẽ đam mê cuộc sống hơn.
    Và bạn sẽ nhận ra rằng hạnh phúc không phải là có một cuộc sống yên bình mà là biết dùng nước mắt để khoan dung, dùng những mất mát để rèn luyện tính kiên nhẫn, dùng những thất bại để tạo ra sự thanh thản và những trở ngại để mở ra cánh cửa trí tuệ.
    Bạn đừng bao giờ bỏ cuộc, đừng bao giờ từ bỏ những người bạn yêu thương, đừng bao giờ từ bỏ hạnh phúc vì cuộc sống là một vũ điệu đáng kinh ngạc, và bạn là một con người đặc biệt.( Nguồn : Vatican News ).

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, một lần nữa con xin cảm tạ về ơn Cứu rỗi của Ngài đối với con. Xin giúp cho cuộc đời con luôn luôn là bài ca cảm tạ để qua đó mọi người biết rằng có một TC quyền năng, yêu thương và tìm đến để tôn thờ Ngài.
    Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì ơn Cứu độ và phước lành thiêng liêng Ngài ban cho trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Con xin "trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Ngài sẽ đỡ đần cho"( Tv 55,23 )( câu lộc Xuân nhận tại Thánh đài Đức Mẹ Tà pao ). Xin cho đời sống con luôn là bài ca ca tụng Ngài từ nay cho đến cõi đời đời. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

(*)  Ghi chú : Bàn về vô vi thì luận trong tư tưởng của Lão giáo và Phật giáo đều có đề cập. Thật sự có khác nhau về cơ bản trong tư tưởng vô vi của hai giáo, đó là sự chấp nhận "cái nguyên lý ban đầu" của Lão không giống "nhân duyên" của Phật, còn hành xử vô vi thì giống nhau. Nguyên lý ban đầu Lão giáo tin rằng : Mọi vật trong vũ trụ đều chuyển động và thay đổi. Nó chuyển động một cách hòa hợp, có trật tự, thế mà họ không tin có Đấng Tạo Hóa. Theo Kinh sách Lão giáo người ta gọi Đạo là sự hoàn toàn, là sự gồm tóm mọi sự vật. Bản dịch Hoa ngữ của câu Kinh Thánh Gioan 1,1 dùng chữ Đạo thay cho chữ Ngôi Lời : "Ban đầu có Đạo, Đạo ở cùng Thiên Chúa và Đạo là Thiên Chúa". 
Với quan niệm và những diễn giải tổng hợp và biện chứng về tư tưởng vô vi, Lão giáo đã sản sinh ra một hệ thống triết học đặc biệt gắn một cách logich nhận thức luận với bản thể luận. Chính vì thế mà học thuyết về vô vi của Lão Tử đã được đồng nhất với giáo thuyết của đạo Phật.




Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

Chết cũng như về...













Sống - Chết  đời  nay  chả  có  gì,
Chẳng qua là một cuộc Phân ly
Ai  trên  trần  thế  rồi  cũng  chết, 
Sống - Chết âm thầm : Một chuyến đi.

Giờ chết đăng quang mới đổi đời,
Giả chừng không chết cũng vậy thôi
Có  chi  mà  sợ  khi  ta  chết,
Chết  được  vinh  phúc  ở  cõi  Trời.

Chết cũng như về bạn chớ lo,
Chết hay chưa chết, phước trời cho
Giêsu  đã  chết  lúc  còn  trẻ,
Chết  để  nhân  gian  được hẹn hò(*).

Thế  giới  này  điên  đảo  cả  rồi,
Loài người phải chết với nhau thôi
Chiến tranh, dịch bệnh, gây tang tóc
Nhà cửa tan hoang  -  Cảnh rối bời !

Máy bay, tên lửa, đầu đạn hạt nhân
Vũ  khí  mỗi  ngày  một  tối  tân
Người dân vô tội đành hứng chịu :
Chết chóc, chia ly, cảnh khốn cùng !

"Chiến tranh bao giờ cũng có kẻ thắng người thua,
Còn nhân dân luôn là người thất bại"(**)
Khốn thay những thằng chuyên ăn hại,
Tiền  của  giả  dư  vẫn  cứ  tham  lòng !

Sống trên đời chỉ một ước mong,
Trước khi chết đừng mất tin vào Chúa
Dẫu đơn độc hay sống đời đôi lứa,
Thì Tình yêu mãi khát vọng đong đầy.

Chết bởi ơn Trời tuyệt lắm thay !
Chết khi đêm xuống cũng như ngày
Bạn  bè  ta  ngủ  say  không  biết,
Chết  đến  bất  ngờ - Họ chẳng  hay.

Chết đâu có chấm hết cuộc đời,
Chia tay là chỉ tạm biệt thôi
Ngày mai ta chết ta đừng sợ,
Để  thấy Thiên thu  vẫy gọi mời.

Chết cũng như về, chớ thở than
Phận đời Thượng Đế đã trao ban
Ngày mai ta chết trong niềm nhớ,
Chẳng có chi đâu phải ngỡ ngàng.

(*) Lời hứa của Chúa Giêsu như một lời hẹn hò dành cho những ai tin vào Ngài, Phúc âm Gioan ghi lại : "Thầy đi và sắm sẵn chỗ cho anh em, Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó"( Jn 14,3 ).
(**) Thơ Nguyễn Duy.

JB.Sĩ Trọng.



Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Câu chuyện nói về cầu nguyện

 

Ông chồng hỏi bà vợ : Ngày nào bà cũng đi nhà thờ cầu nguyện, thế bà có kiếm được những gì chưa ?

Bà vợ ôn tồn : Thường thì tui không kiếm được gì cả, nhưng nói đúng hơn là tui "mất đi nhiều thứ".

Và rồi bà vợ dẫn chứng ra một loạt những thứ mà bà bị mất đi qua việc cầu nguyện thường xuyên :

            Tui mất đi sự ngạo mạn.
            Tui mất đi sự kiêu căng.
            Tui mất đi lòng tham.
            Tui mất đi sự ham hố.
            Tui mất đi sự giận dữ.
            Tui mất đi sự dâm ô.
            Tui mất đi sự đam mê dối trá.
            Tui mất đi khuynh hướng phạm tội.
            Tui mất đi sự bất kiên nhẫn, sự tuyệt vọng và sự nản lòng.

    Đôi khi chúng ta cầu nguyện không phải là để đạt được một thứ gì đó, nhưng là để mất đi những thứ mà đã cản trở ta lớn lên trên đường thiêng liêng.

    Việc cầu nguyện luôn giúp hướng dẫn, thêm sức mạnh và chữa lành.

    Việc cầu nguyện là đường nối kết trực tiếp giữa ta với Thiên Chúa ( TC ).

    Lời cầu nguyện của ta trong năm mới này không nên chỉ tập trung vào việc nài xin TC ban cho ta nhiều thứ ta cần, nhưng thiết nghĩ hơn bao giờ hết là xin Chúa lấy đi khỏi nơi ta những thứ mà đã cản trở ta sống tốt, sống đúng với cha mẹ, với vợ chồng, với con cái, với mọi thành viên trong gia đình và nhất là với TC.

St từ fb của Cha THANH JOSEPH.

Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Tết - Định kỳ, hướng về Xuân vĩnh cửu



        Đọc Thánh Kinh : Sách Giảng viên 1,2-11 v 2,21-26 v  3,1-22 ; Thư Giacobe 1,22-27 v 2,14-26; Tin Mừng Mt 25,31-46.
1. Mọi sự được định kỳ :
    Tết là gì nhỉ ? Tết Tây hay Tết Ta, Tết nào hay hơn ? Tết Tây chỉ có một ngày, Tết mình tới ba ngày, có khi kéo dài hơn cả mười ngày : Ăn Tết hết mồng vẫn còn ăn. Bất kể việc cơ quan, xí nghiệp hay công sở, nghỉ được là nghỉ, kéo nhau đi nhậu được là đi nhậu, công nhân thì vẫn cặm cụi đi làm... Việt Nam nỗi tiếng ăn chơi là vậy đó, người lao động khổ vẫn cứ khổ : "gánh cực mà chạy lên non, cong lưng mà chạy cực còn chạy theo". Phúc Âm Chúa chẳng nói gì về Tết, các sách Cựu ước cũng chẳng viết gì.
    Mỗi lần năm mới đến, chúng ta không khỏi suy nghĩ đến ý nghĩa của thời gian. Sách Giảng viên với những câu thơ suy niệm về thời và kỳ của mọi tạo vật. Đây là những nhận thức của tác giả về sự định kỳ của mọi vật. Người Việt xưa quen gọi tiết thành Tết, là thời điểm chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới, từ đó chúng ta có cái Tết truyền thống như ngày nay. Một thời khắc quan trọng đánh dấu một thời điểm chuyển tiếp của thời gian.
    Nhận thức của tác giả về sự định kỳ trong sách Giảng viên được diễn tả qua những cặp từ ngữ đối nghịch đi từ những thực tế gần gũi với cuộc sống con người như : sinh / tử, gieo / gặt, giết hại / chữa lành, phá / dựng, khóc / cười, buồn / vui...Với ý niệm về sự định kỳ của muôn vật, tác giả sách Giảng viên một lần nữa xác định nguyên tắc trật tự và hài hòa trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa ( TC ). Công trình sáng tạo được ghi lại trong Sáng thế ký cũng như diễn tiến của lịch sử qua từng thời đại. Con người nhận thức rằng những sự việc xảy ra bao giờ cũng theo thứ tự, cả về không gian lẫn thời gian, trong sự an bài và quan phòng của Chúa là Đấng khôn ngoan đời đời.
    Nhận thức về sự định kỳ của muôn vật là điều cần thiết và hữu ích. Trước hết nhận thức này khuyên con người kiên nhẫn trước những gì đang đối diện, cũng như trước những đổi thay của cuộc đời. Những gian nan thử thách trong cuộc đời rồi cũng đến ngày kết thúc, sau cơn mưa trời lại tạnh. Chúa biết thời điểm nào là tốt đẹp để một biến cố xảy ra trong đời sống mỗi cá nhân cũng như trong lịch sử vì "mọi việc tốt đẹp khi xảy ra đúng kỳ của nó". "Việc gì cũng có lúc có thời của nó"( Gv 3,1 ).
    Một phương diện khác, nhận thức này sẽ nhắc chúng ta không nên bám víu hay hãnh diện về những gì mình đang có, vì khi đến "kỳ" sẽ không còn nữa. Khi đến thời điểm, tiền bạc, danh vọng, sức lực, quyền hành, tiện nghi vật chất...cũng sẽ vụt khỏi tầm tay. Nhận thức về tính cách phù du của mọi công trình và cố gắng của con người sẽ giúp chúng ta thay vì bám víu những gì tạm bợ trần gian, sẽ bám víu vào TC là Đấng bất biến và chuẩn bị cho những gì thuộc cõi vĩnh hằng, hướng tới mùa Xuân vĩnh cửu.
    Cuối cùng, nhận thức về nguyên tắc định kỳ của mọi sự vật cũng giúp chúng ta biết cách sống ở đời. Lời nói và việc làm của người khôn ngoan bao giờ cũng đúng kỳ, đúng lúc. Người khôn ngoan biết lúc nào cần nói, lúc nào cần im lặng, biết dùng lời nói hợp tình hợp cảnh : "Lời hợp thời quý giá biết bao !"( Cn 15,23 ).Người khôn ngoan cũng là người biết "lợi dụng thì giờ" vì đến lúc sẽ không còn cơ hội, thời gian trôi đi không bao giờ quay trở lại. Người khôn ngoan biết đặt và chọn những thứ tự ưu tiên trong cuộc sống, biết lúc nào phải gieo và lúc nào sẽ gặt.

2. Hiện tại và tương lai :
    Năm mới chúng ta thường suy nghĩ về những cái mới. Có cái mới nào đẹp bằng Quê Trời Vĩnh cửu ? Trong Mt 25,31-46 : Cái mới là "thời đại mới", bắt đầu với sự tái lâm của Chúa Cứu Thế và sự phán xét của Ngài. Sự phán xét hoàn toàn đặt căn bản trên việc làm của ta trong quá khứ. Nói khác đi, trong viễn tượng một thời đại mới tương lai, hướng tới mùa Xuân vĩnh cửu, việc làm của quá khứ được nhìn lại hơn là quên đi. Lời Chúa hôm nay không phải là ẩn dụ nhưng là khải thị có tính cách tiên báo về sự phán xét. Chúa GS sẽ là vị quan tòa phán xét mọi người, gồm cả người Do Thái lẫn người ngoại bang, người trong Hội Thánh cũng như ngoài Hội Thánh.
    Trong phân đoạn Tin Mừng nêu trên, trước hết Chúa đã đồng hóa mình với người nghèo, người đói, người đau, người bệnh tật. Chúa đã từng dạy rằng người nào cho một chén nước lã hoặc ân cần tiếp đón một người hèn mọn nào đó, chính là làm việc ấy cho Ngài ( x Mt 10,40-42 ). Tại đây Chúa hoàn toàn đồng hóa mình với những người như thế khi Ngài nói : "Ta đói... Ta khát... Ta trần truồng... Ta là khách lạ..."( x Mt 10, 35-45 ). Không ai khác hơn là chính Ngài đang đói, đang khát, đang trần truồng...!
    Trong khải thị này, sự phán xét không đặt tiêu chuẩn trên những công tác lớn lao hay những thành quả vĩ đại, nhưng trên những bổn phận đơn giản và căn bản trong cuộc sống bình thường như cho người khác miếng cơm manh áo, tiếp rước họ qua đêm, thăm viếng những người đau yếu, tù đày. Đây là những công việc âm thầm, không ồn ào phô trương, không nhãn hiệu, nhưng lại kết hoa cho mùa Xuân Vĩnh cửu. Những chủ đề lớn đối với Kitô hữu như đức tin, ân sủng, tha thứ là những nhận thức cần thiết trong giáo lý cứu rỗi, nhưng không thể thay thế cho những bổn phận căn bản của con người đối với nhau trong xã hội. Thần học lý thuyết phải đi đôi với thần học thực hành. Trong phân đoạn Tin Mừng này, con người được phán xét trên nền tảng thần học thực hành, hay nói cách khác trên nền tảng đạo đức học Kitô giáo : Lời nói đi đôi với việc làm ( x Giacobe 1,22-25 ); "đức tin không việc làm là đức tin chết" ( Giacobe 2,17 v 26b ).
    Điểm cần ghi nhận trong sự phán xét này, cả người được ban phước lẫn người bị rủa sả đều ngạc nhiên. Tất cả không ngờ quá khứ của mình được nhìn lại. Người bị hình phạt không ngờ sự vô tâm của mình đối với nhu cầu người khác, cách tự nhiên với tấm lòng rộng lượng cảm thông không ngờ nhận được sự chú ý và ghi nhận của Chúa. Đúng là "người thánh luôn luôn ngạc nhiên khi nghe những việc làm của họ được kể lại !" Chúng ta đừng bận tâm khi biết mình sống tốt mà có người vẫn ghét mình, vì chính Chúa GS đã nói rằng : "Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước"( Jn 15,18 )( câu lộc Xuân nhận tại Nhà thờ Chánh Tòa trong Thánh lễ Giao thừa ).
    Tết là dịp ta hướng về Xuân Vĩnh cửu. Người ta quen dần với Tết Tây, có người thích phương Tây nên muốn bỏ Tết Ta theo Tết Tây, viện lý do nghe cũng hợp lý : Chống lãng phí lao động, tiết kiệm được thời gian, thuận đường hội nhập v.v...Ý kiến này làm xôn xao dư luận; tranh cãi tưng bừng cả trên giấy và trên mạng... Đến nay tranh luận tạm thời giảm nhiệt, nhưng chưa hẳn là đã nguôi ngoai. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có tập tục và truyền thống riêng, Tin Mừng không bác bỏ điều này.
    Thẳng thắng mà nói : Tết Ta dài quá ! Người VN vui Tết quá đà, lãng phí thì giờ, tổn hại sức khỏe, lao đầu vào giải trí, sa đà tệ nạn...làm ảnh hưởng đến đời sống lành mạnh xã hội. Đấy là điều đáng tiếc, cần được khắc phục. Mọi dân tộc có cách chọn lựa và thực hiện Mừng Năm Mới theo quan niệm và cách thức của họ. Những phân biệt đối xử, xem thường, phỉ báng...đều là trái đạo lý. Nên chăng, ai cũng hiểu đời là cõi tạm, "chỉ có thờ phượng TC là không phù hoa"( sách Giảng viên ), do đó cần hướng về Xuân Vĩnh cửu là giá trị và vẻ đẹp đời sau của một kiếp người.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho con nhận thức được về sự định kỳ của muôn vật để con có thể sống khôn ngoan và thỏa vui trong mọi hoàn cảnh. Trong năm mới này, xin Chúa chỉ dạy con biết phải làm gì để xây dựng Vương quốc Ngài và đầu tư cho những giá trị trường tồn.
    Xin Chúa giúp con nhìn thấy viễn tượng về ngày cuối cùng để con biết quan tâm và đáp ứng nhu cầu người khác trong hiện tại. Xin nhắc nhở con biết Chúa đã đồng hóa chính Ngài với những người đang có nhu cầu, những người đau khổ, bệnh tật, đói nghèo.

P/s : Mời đọc thêm bài "Mùa Xuân, Tết và Năm mới" trên nhãn "Bài suy niệm 4" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.



Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

Một thời để nhớ, một người để kính yêu

    Biết bao lần con nghĩ về Cha, bao kỷ niệm vẫn còn đọng lại trong lòng, dẫu thời gian đã lặng lẽ trôi qua. Người vẫn luôn để lại trong con những ký ức, những ân tình xưa cũ :


            Con muốn gọi "Anh Tư" dấu yêu,
            Vẳng nghe trong gió động sương chiều
            Mái tóc pha bạc màu mây khói,
            Như chút hương tình, chút  lãng  phiêu...

    "Nén bạc và dấu chân voi", một cuốn hồi ký dày hơn 400 trang của Cha Giuse Nguyễn Tiến Lộc, đã để lại trong lòng tôi thật nhiều ấn tượng đẹp : Bởi một con người đã sinh ra như bao nhiêu người khác, nhưng đã dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và tha nhân.

    Đến năm 2022, là tròn 40 năm kể từ ngày chúng con gặp Cha, cùng được làm anh em trong FA ( Huynh đệ Đức Mẹ Truyền tin ) -  Chúng con không làm sao quên được những gì Cha đã "hiện diện và sống" cùng anh em, bao kỷ niệm của một thời khó khăn, thử thách... và hình ảnh một "Anh Tư" luôn đồng hành cùng những vất vả, nâng đỡ những người em của mình với tấm lòng yêu thương trìu mến.

    Cuộc đời của Cha, với bao cuộc hành trình dài không ngơi nghỉ. Chúa đã ban cho Cha rất nhiều, tài năng nhiều mặt, trình độ uyên thâm, biết nhiều ngoại ngữ...và nhất là một trái tim nhân hậu của một người Mục tử. Người ta đã viết nhiều, nói nhiều về Cha, về một vị Linh Mục đa tài, một nhạc sĩ, một lãnh đạo tuyệt vời của Hướng Đạo Việt Nam, Cha đã để lại cho lớp trẻ biết bao giá trị tinh thần tốt đẹp và nhân văn. Đúng như lời Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành đánh giá : "Nhân vật Giuse Tiến Lộc là một trong những tên tuổi nỗi tiếng của Nhà dòng".

    Đọc "Nén bạc và dấu chân voi" chúng con càng cảm nghiệm được nhiều hơn về cuộc đời Cha. Chặng đường 20 năm "Hoa Nhân Aí" với bao tâm huyết, yêu thương dành cho các bệnh nhân phong tại các cơ sở điều trị, nuôi dưỡng, và đặc biệt các em giới trẻ nơi ấy. Cha đã hết sức quan tâm đến mục vụ giới trẻ, giao lưu, giúp đỡ... Sinh hoạt Giới trẻ , như lời Cha chia sẻ : "Hướng Đạo là các em được bén rễ rất sâu về sự phục vụ"; "Hướng đạo một ngày là hướng đạo một đời".

    Do hoàn cảnh mà chúng con không được gặp Cha trong một thời gian dài, nhưng chúng con vẫn dõi theo những hoạt động của Người, và khi nghe ai hát những bài hát sinh hoạt mà ngày xưa Cha tập cho chúng con đầu tiên khi mới sáng tác : "Chúa là cây đàn", "Gặp gỡ Đức Kitô"...thì lòng lại rất vui. Gần đây được gặp lại Cha, thời gian đều làm cho Cha-con mình sức khỏe không còn được như thời trẻ, Cha đã trải qua những cơn bệnh nặng, nhưng chúng con vẫn thấy Cha còn rất minh mẫn, bài giảng vẫn rõ ràng, lôi cuốn, giọng hát vẫn nồng ấm, và nhất là trong Cha vẫn còn bao nhiệt tâm cống hiến cuộc đời còn lại để phục vụ Chúa và anh em tha nhân.

    Nguyện xin Hồng Ân của Chúa luôn tràn đầy trên Cha, để tình thương của Chúa mãi lan tỏa qua tay Ngài.
    Vài hàng đơn sơ con ghi lại trong tâm tình tạ ơn Chúa và tri ân Cha vì tất cả những gì Cha đã dành trọn cho tha nhân, cho lớp trẻ và cho anh em chúng con.

Con : JB.Hoàng Trọng Sĩ.
P/s : Bài viết này đăng trên tuyển tập "Nén bạc hay là dấu chân voi", tập 2, trang 49-50 của Cha Giuse Tiến Lộc.