Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

Chúa Thánh Thần - Nguồn sống Tình yêu và hoan lạc

        

    "Ôi ! Thánh Thần Thiên Chúa, nói đến Ngài thật là dịu ngọt, vì nói đến Ngài là nói đến Tình yêu" - Đây là cảm nhận của Thomas Merton viết về Chúa Thánh Thần. Khi thông ban Thần khí Chúa cho các Tông đồ, Chúa Giêsu ( GS ) đã làm một cử chỉ hiếm thấy ngày nay, đó là Ngài thổi hơi trên họ và phán : "Anh em hãy nhận lãnh Thánh Thần !"( Jn 20,22 ). "Thổi hơi" hay còn gọi là "Hà hơi". Cử chỉ của Chúa GS tiếp nối một trong những chủ đề được ưa chuộng nhất trong Thánh Kinh : Thánh Thần, hơi thở của Thiên Chúa ( TC ). Có lẽ đây là hình ảnh sống động nhất để nói về Thần khí : Ngài giống như luồng gió thổi. Hàn Mặc Tử trong cơn đau bệnh nằm dưới trăng, nhà thơ thấy được sức mạnh của  gió :
            "Gió rít từng cao trăng ngã ngữa,
            Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô."
    Luồng gió có khi mạnh có khi yếu, nhưng năng lực kỳ diệu thì ẩn bên trong, có sức công phá và làm thay đổi mọi sự. Lúc mạnh thì lướt qua và có thể cuốn phăng tất cả, để lại một trận địa hoang tàn cần phải xây dựng lại từ đầu. Lúc yếu thì êm đềm, nhẹ nhàng, lướt ru như một sự âu yếm vỗ về, cần bảo tồn và nâng dậy những gì tốt lành để phát triển không ngừng và vươn xa hơn nữa.
    Người ta không thấy hình dáng và không biết gió đi từ đâu đến. Các nhà khoa học, các nhà khí tượng học có thể đưa ra cho chúng ta nhiều lý thuyết về việc phát sinh và tàn lụi của các trận bão. Những người đang bị gió bão cuốn đi thì chỉ có một ấn tượng mình bị bao bọc bởi một cái gì huyền bí và mãnh liệt. Chính gió tàn phá và làm cho đất được hoa màu xinh tươi nẩy nở. Đó là chủ thể của sự sống, khi thì tưới mát, lúc lại đốt thiêu. Hòa vào tâm trạng của mình, một nhà thơ đã thổ lộ nỗi niềm :
            "Gió hỡi gió, gào chi thêm dữ vậy
            Hãy ngừng đi, gió hỡi hãy ngừng đi
            Dù kiếp trước trót làm nên tội đấy,
           Thử thách rồi, xin trỏ lối đường đi !"
    Chúng ta không thấy được gió, chỉ nhận ra nó qua bao kết quả diệu kỳ.
    Hơi thở của Thánh Thần TC cũng vậy, Ngài đột phá len lỏi sâu vào tâm hồn mỗi người chúng ta. Ngài bẻ gãy, bứt tung những gì trong chúng ta đang chống lại Ngài, và Ngài cũng làm tươi mát, biến đổi nên phì nhiêu những tâm hồn phó thác cho hoạt động của Ngài. Hơi thở của Thánh Thần TC không ngừng thổi trong tâm hồn chúng ta : Ngọn gió của TC sẽ đưa chúng ta đến nhà Cha hay không là tùy vào ước muốn và thái độ của mỗi người.

     Chúa chết, làm cho các Môn đệ buồn phiền. Họ đã hy vọng vào Chúa GS, nhưng thập giá làm cho họ nản lòng ! Nỗi buồn nhiều chừng nào thì niềm vui đến sẽ nhân lên gấp bội. Chúa GS sống lại, hiện ra cho họ thấy, niềm hy vọng lại được bùng lên, được bảo đảm và củng cố. Điều này cho chúng ta cảm nhận được Thánh Thần Chúa ban là Thần khí của niềm vui và ơn Cứu độ. "Chính Thánh Thần TC, Đấng làm mọi sự nên trong suốt và mở mắt cho ta nhìn thấy sự hiện diện của Thần Khí TC trong mọi sự quanh ta" ( Henri Nouwen ).
Tin Mừng mở ra với một mầu nhiệm hân hoan : Thánh Thần, ngay từ đầu cuộc hiện hữu nhân loại của Chúa GS đã tạo nên hai niềm vui lớn : Elizabet, chị họ của Đức Maria, nhảy mừng vì được Mẹ Đấng Cứu Thế viếng thăm; Con Trẻ trong lòng cũng nhảy mừng và Maria, dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, biểu lộ sự hân hoan hát lên niềm vui của mình trong kinh Magnificat. Ít lâu sau đó, các Thiên thần loan báo cho các mục đồng một cuộc đản sinh gây bao phấn khởi vui mừng cho cả toàn dân. Thánh Gioan Tông đồ đã nói : "Abraham đã hân hoan nghĩ đến ngày xuất hiện hoa quả của Thánh Thần, ông ta được thấy và đã reo mừng"( Jn 8,56 ). Chúng ta có vui được niềm vui của Magnificat vì Thánh Thần làm phát sinh trong ta niềm tin vào Chúa Kitô không ? Ngược lại hãy thử tưởng tượng : Nếu không có đức tin vào Chúa Kitô, đức tin do Thánh Thần phát sinh trong ta, thì chúng ta sẽ buồn bã biết chừng nào !
    Chúa GS nói cùng các Môn đệ : "Hãy nhận lãnh Thánh Thần". Có nên giới hạn ý nghĩa lời Chúa Kitô ở đây trong các câu chuyện ghi lại các lần hiện ra của Chúa không ? Xin thưa là không ! Chúa luôn nghĩ đến sự hiện diện thường xuyên của Ngài trong Giáo Hội nhờ hoạt động của Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là hồn sống của Giáo Hội. Thời gian của Giáo Hội là thời gian của Thánh Thần hiện diện trong thế giới. Chúng ta có vui mừng khi nghĩ rằng Thánh Thần làm cho Chúa GS hiện diện trong đời sống chúng ta không ? Cha Anmai CSsR trên fb của Ngài dựa vào cuốn "Thiên Chúa và Trần thế" của ĐGH Biển Đức XVI, có kể câu chuyện sau :
    Một thanh niên Do Thái du lịch tới Vatican và đã xin Rửa tội. Khi trở về anh được một người biết rất rõ chuyện Vatican, hỏi :
        - Anh hoàn toàn không biết những gì xảy ra ở Vatican sao ?
        - Biết chứ, tôi biết cả những xấu xa xảy ra ở đó.
        -Vậy mà anh vẫn vào đạo. Vô lý thật !
Anh Do Thái liền tiếp :
        -Vì thế mà tôi mới vào đạo. Bởi loạn đến cỡ đó mà Giáo Hội ấy vẫn đứng vững, thì tôi tin chắc phải có một bàn tay nào đó nâng đỡ.
    Tôi tin rằng, có một cái gì rất quan trọng trong những ngược đời đó. Thực tế, trong giáo hội Công giáo đã không bao giờ thiếu những gương xấu ngoài sức tưởng tượng con người. Vậy mà nó vẫn trụ được, dù lắm khi cả trong nước mắt và kêu than. Nó vẫn tồn tại, vẫn tạo nên được những vị tử đạo và tín hữu lớn, những người sẵn sàng hiến thân đi truyền giáo, làm y tá, cô giáo; điều đó cho thấy phải có một bàn tay nâng đỡ nó.
   

Giáo Hội hiện diện như một chủ thể thật. Nhưng chủ thể đó chỉ hiện diện và tồn tại nhờ Chúa, chứ không do con người.

    "Niềm vui đích thực duy nhất trên trái đất là thoát khỏi ngục tù cái tôi sai lạc của chúng ta, và bước vào tình yêu kết hiệp với Sự Sống - đang sống và ca hát trong bản chất của mọi tạo vật và trong cốt lõi của chính linh hồn mình.
    Trong tình yêu của Ngài, chúng ta sở hữu mọi sự vật và tận hưởng hoa quả của chúng, tìm thấy Ngài trong tất cả. Và do đó, khi chúng ta đi đây đi đó trong thế giới, mọi sự chúng ta gặp gỡ, xem thấy, nghe thấy và tiếp xúc, đều không hề làm ô uế, đều thanh lọc chúng ta và gieo trồng trong chúng ta một điều gì đó về chiêm niệm và về thiên đàng."( Thomas Merton, From "New Seeds of Contemplation" ).
    
    TC ban cho chúng ta không những chỉ các Hồng ân thụ tạo và đầy giới hạn, nhưng còn ban cho chính mình Ngài với tự do của tình yêu và với vinh phúc của cuộc sống Ba Ngôi. Nhân loại trở nên thành phần không thể thiếu được trong Chúa Ba Ngôi. Đây là một đặc ân, Ngài thuộc về chúng ta. Ngài hiện diện trong mỗi tâm hồn kêu cầu với lòng khiêm nhường và tin cậy. Ngài thuộc về chúng ta đến nỗi người ta không thể nói con người là gì mà không thêm yếu tố này là TC cũng là một thành phần trong sự hiện hữu của con người ( Jn 17,21 ). TC đã trở thành TC của chúng ta. Điều này về phương diện thần học hơi khó hiểu.
    Tại sao Thần khí đã được trao ban cho các Môn đệ ngay từ ngày Chúa Phục sinh, trong lúc đó Giáo Hội sơ khai cho rằng Thần khí được tuôn tràn trong dịp lễ Ngũ Tuần ? ( x Cv 2,1-4 ). Luca chỉ nói đến lời hứa sẽ được thực hiện vào lễ Ngũ Tuần là "quyền năng từ trời cao ban xuống" ( Lc 24,49 ), nhưng ông đưa về tác phẩm thứ hai của ông là sách Tông đồ Công vụ, còn Gioan thì không. Theo một vài tác giả, thật là sai lầm khi muốn dung hòa Gioan và Tông đồ Công vụ, bằng cách giả thiết Gioan nói đến việc trao ban Thần khí lần thứ nhất, còn Luca nói đến việc trao ban Thần khí lần thứ nhì. Không có một dấu chỉ nào cho thấy hai tác giả của hai tác phẩm này biết tới hay để ý tới vấn đề mà tác giả kia bàn đến. Trong thực tế cuộc đời đôi khi còn có những điều ngộ nhận khó hiểu, huống hồ gì là trong lĩnh vực tôn giáo. Nhân tiện người nhà tôi nhắc đến ca sĩ Hồ Lệ Thu làm tôi nhớ đến chuyện của nhà thơ Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
    Ai cũng biết : Bùi Giáng ( BG ) là một hiện tượng đặc biệt của thơ ca VN. Trong di sản văn chương ông để lại cho hậu thế có những bài thơ, những câu thơ lạ lùng, gợi lên nhiều suy nghĩ. Một trong những câu thơ nỗi tiếng của ông là :
            "Bây giờ riêng đối diện tôi,
            Còn hai con mắt, khóc người một con."
Hai câu thơ trên BG viết trong bài "Mắt buồn". Có nhiều giai thoại về BG. Đọc hai câu thơ trên, rất nhiều người nghĩ rằng đây là một "hiện tượng lạ", đôi mắt của ai đó đang làm hai việc khác nhau. Một con mắt thì khóc, và con mắt còn lại không biết đang làm gì ? Dĩ nhiên là không phải cười !
Tứ thơ này cũng đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ( TCS ) viết theo cách của ông, và viết thành bài nhạc tựa đề "Con mắt còn lại" : 
            "Còn hai con mắt khóc người một con
            Còn hai con mắt một con khóc người
            Con mắt còn lại nhìn một thành hai
            Nhìn em yêu thương, nhìn em thú dữ..."
Có thể nhạc TCS là một sự ngẫu hứng dựa trên câu thơ của BG, chứ hoàn toàn không liên quan đến ý nghĩa thật trong câu thơ của cụ BG. Trung niên thi sĩ BG đã khóc một cách rất nghiêm túc, khóc bằng cả hai con mắt, khóc cho một đối tượng, một con người cụ thể đó là người phụ nữ đã có một đứa con.
"Người một con" trong câu thơ của cụ BG là hoa hậu đầu tiên của VNCH năm 1955-1956 - bà Công Thị Nghĩa, tức Hoa hậu Thu Trang. Bà Nghĩa yêu ông đạo diễn Tống Ngọc Hạp và có con với ông. Sau đó bà biết ông này đã có vợ con, nhưng dấu và lừa dối bà. Buồn chán, bà Thu Trang mang con sang Pháp sinh sống, sau khi sang Pháp bà trở thành Tiến sĩ nghiên cứu sử học, bà cũng từng được mời về thỉnh giảng tại một số trường Đại học trong nước, nhưng thân phận Hoa hậu của bà được dấu kỹ không cho ai biết. Lúc bà rời Sài Gòn, thi sĩ BG nhớ bà đến điên dại và vẫn âm thầm với mối tình vô vọng. Thương cảm cho thân phận long đong của bà, ông đã khóc cho người phụ nữ có một đứa con mà ông gọi là "người một con", và khóc cho cuộc tình này bằng đầy đủ hai con mắt, bằng cảm xúc đong đầy trong tâm hồn đa cảm của người thi sĩ. Chất xúc tác tình cảm đó đã kết tinh thành những câu thơ đẹp lộng lẫy, nhưng cũng buồn đến ứa lệ ( theo fb của Nguyễn Thái Sơn ). Đọc thêm những câu thơ trước nối kết với hai câu thơ trên trong bài " Mắt buồn" ta sẽ rõ hơn :
            "Bỏ trăng gió lại cho đời,
            Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
            Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
            Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
            Bây giờ riêng đối diện tôi,
            Còn hai con mắt khóc người một con."
Trong "Mắt buồn" còn có một câu thơ có hai từ "thu" và "trang" :
            "Ấn trang sử lịch thu triền miên trôi."
Thơ BG được xem là hiện tượng dị thường khác biệt của nền thi ca VN. Ông viết thơ bằng một phong cách độc đáo, người ta thường gọi ông là "phù thủy ngôn ngữ". Chữ nghĩa được ông đùa dỡn như kiểu cầm lên đặt xuống vung vẫy một cách huyền ảo, và cùng ông sắp đặt chúng lại xiêu lệch chênh nhau nhưng hay đến không ngờ !
    Từ câu chuyện trên, ta thấy ta không lạ gì cuộc đời, có những chuyện hợp lý mà đôi lúc ta không biết, như thế thì ta cũng không lạ gì về chuyện siêu nhiên mà ta không hiểu thấu.
    Đối với tín hữu, Thần khí là sự sống tuyệt hảo. Ngài được trao ban không ngừng không những vào dịp lễ Ngũ Tuần, mà sau đó nữa. Việc tuôn tràn Thần khí dịp Phục sinh, Hiện xuống và các dịp sau đó đều là những dấu chỉ của cùng một thực tại đã biến đổi thế giới ( x Jn 3,3-8 ), từ khi Chúa GS được tôn vinh ( x Jn 7,37-39 ). Mọi cuộc tuôn đổ Thần Khí chỉ là một. Ngày Phục sinh, các Môn đệ nhận Thần khí để thi hành sứ mệnh; Thần khí trở lại trên họ khi dân mới của TC được thiết lập và sau đó Thần khí tiếp tục phù trợ. Được thánh hóa và biến đổi, như một sự hoán giải thì không ai còn sự nghi ngờ hay hiểu lầm gì nữa. Như vậy, Chúa Thánh Thần mãi là nguồn sống Tình yêu và hoan lạc.
    Qua thái độ và lối sống, Chúa GS bị đóng đinh mà Phúc âm ghi lại, đã mặc khải bản chất Vương quyền bí nhiệm của Ngài : Không muốn thống trị con người, có thể bị con người tấn công. Tuy nhiên Vương quyền đó có khả năng giúp mọi người thắng vượt cái chết một cách vẻ vang trong tình yêu và hoan lạc.
    Cả giữa những người Kitô hữu, phải chăng đã có lắm kẻ đòi Chúa Kitô dẹp tan sự đau khổ, bất công, chiến tranh...cách thần thông đó sao ? Có người nói : Nếu Chúa Kitô là vua thì hãy tạo cho chúng tôi một xã hội tốt đẹp hơn và bấy giờ chúng tôi sẽ tin vào Ngài. Chúa GS không trả lời điều đó bằng phép lạ, Ngài chỉ làm gương bằng một tình yêu và lòng tha thứ tuyệt đối; giây phút cuối cùng trên thập giá, khi gục đầu, Ngài cũng trao ban Thần Khí ( Jn 19,30b ). Với những người thành tâm thiện chí hằng ao ước Vương quốc Ngài chóng đến, thì gương sáng và ân sủng Ngài ban cho các tâm hồn, là đủ.
    Ngày nay hầu như ai cũng biết đến Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ, một cặp đôi vợ chồng tài hoa trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật. Nữ sĩ Xuân Quỳnh trong một bài thơ tình đã dựa vào hiện tượng tự nhiên và đã ví von :
            "Sóng bắt đầu từ gió,
            Gió bắt đầu từ đâu ?
            Em cũng không biết nữa
            Khi nào ta yêu nhau ?
            ...
            Như biển kia dẫu rộng,
            Mây vẫn bay về xa
            Làm sao được tan ra
            Thành trăm con sóng nhỏ
            Giữa biển lớn tình yêu
            Để ngàn năm còn vỗ !"

Chuyện tình có khi hoan lạc nhờ nhìn từ gió và biển tự nhiên. Tình yêu Con người và Thiên Chúa, hoan lạc nhờ gió Thánh Thần. Khi Ngài đến chúng ta đừng đánh mất cơ hội, đừng để Chim Bồ Câu cất cánh bay đi.
    
    Cầu nguyện : Lạy Chúa, con đang khao khát được chạm vào Ngài, xin ban Thánh Thần cho con, xin Ngài ngự đến trong tim con cho con thẩm thấu ơn thiêng liêng và hơi thở của Ngài.
    Lạy Chúa, con muốn làm mới tương quan với Chúa hằng ngày. Con nghĩ rằng : Trên hết, trước hết, người có Chúa trong mình thì mọi chia sẻ sẽ không sáo rỗng. Chính vì vậy con thường xuyên suy tư, cầu nguyện và viết suy niệm về Ngài, xin soi sáng con để con viết đúng, làm đúng, hầu đem lại lợi ích chia sẻ cho nhiều người và làm sáng danh Chúa. A-men !

P/S : Mời đọc thêm bài "Sức mạnh diệu kỳ sau Chúa Phục sinh" và "Thánh Thần, sự mở ngỏ và đồng hành" trên Bài suy niệm 5 của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét