Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

Từ Đồi núi đến Đồng bằng

 1. Bài giảng trên núi : Mt 5,1-12.
    "Bài giảng trên núi" hay còn gọi là "Tám mối phúc thật" vì bài giảng được Chúa GS mở đầu bằng 8 phước lành, có điều là 8 phước lành này lại mang một ý nghĩa trái ngược tiêu chuẩn thế gian. Phải chăng, đây là bài giảng không phải cho dân chúng, nhưng chỉ dành riêng cho các Môn đệ của Chúa ? Matthêu ghi rõ : "Thấy đám đông, Chúa GS lên núi. Người ngồi xuống, các Môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ..."( Mt 5,1-2 ). Nếu vậy thì xem đây như là bài giảng dành cho những người thuộc về Nước Trời ( Xin lỗi, quan điểm cá nhân ).
    Nước Trời khác hẳn với nước trần gian, những điều mô tả người thuộc Nước Trời khó được người đời chấp nhận. Người thuộc Nước Trời nghèo khó vì họ đã học tin cậy vào chỉ một mình Thiên Chúa ( TC ), TC luôn yêu thương và bênh vực người nghèo, Ngài là hiện thân của người nghèo vì Ngài đã xuống thế trong thân phận một người nghèo và đã sống thật với tinh thần nghèo khó. Người thuộc Nước Trời than khóc khi thấy tình trạng bại hoại của thế gian và Phúc Âm bị từ chối. Người thuộc Nước Trời đói khát sự công chính vì trần gian đầy dẫy sự bất công, và họ đang trông chờ ngày mà sự công bình của Chúa ngự trị. Người thuộc Nước Trời thương xót vì họ biết rằng họ đã nhận được sự xót thương. Người thuộc Nước Trời có lòng trong sạch vì họ học biết rằng TC của họ chân thật, không bao giờ lừa dối. Người thuộc Nước Trời là người xây dựng hòa bình vì Chúa GS là sự bình an của họ. Người thuộc Nước Trời khoan dung với người bắt bớ mình vì biết rằng họ được kêu gọi không phải để sống yên hàn nhưng để trung thành với Chúa.
    Sống Nước Trời là điều khó, vì đó là con đường Thập giá. Con đường đó không đem lại những giá trị hạnh phúc theo tiêu chuẩn đời này. Con đường đó đòi sự từ bỏ lối sống an nhàn hưởng thụ. Đó là con đường nghèo khó, than khóc, nhu mì, đói khát, thương xót, trong sạch, hòa giải, bắt bớ. Đây là con đường dành cho những ai muốn thật tâm theo Chúa. Tại đây những giá trị theo tiêu chuẩn trần gian bị đảo ngược.
    Tuy nhiên, trước mặt Chúa họ là những người được phước. Đó là hạnh phúc chân chính dành cho những người bị xã hội coi là vô phước như kẻ nghèo, kẻ có tâm hồn tan nát, kẻ bị bắt bớ, kẻ bị lao tù. Đó là hạnh phúc vĩnh cửu dành cho những người sống nhu mì, trong sạch theo ý muốn TC; điều mà loài người kiêu ngạo, giả dối cho là dại dột, ngu si.
    Chúng ta - những con cái của Chúa, được kêu gọi để sống một lối sống ngược đời ! Ta được kêu gọi và tự nguyện để sống như thế, do vậy ta không phải là những nạn nhân, nhưng là những người của Nước Trời. Chúng ta được kêu gọi kiến tạo một cộng đồng những người theo Chúa, nơi đó thực sự có sự trong sạch, có sự nhu mì, có sự tha thứ, có sự chữa lành, có sự công chính; nơi đó vinh quang Nước Trời được bày tỏ.

2. Bài giảng nơi đồng bằng : Lc 6,17-49.
    Có điều lạ là trong "bài giảng nơi đồng bằng" ta bắt gặp "bài giảng trên núi" của Chúa GS mà thánh Luca ghi lại trong Tin Mừng của mình. Một chi tiết cho thấy khá rõ, Thánh Luca viết rằng : Khi tuyển chọn 12 Tông đồ xong, "Chúa GS đi xuống núi cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó có đông đủ Môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi...đến để nghe Người giảng"( Lc 6,17-18 ). Nhất Lãm về nội dung nhưng không nhất lãm về vị trí địa lý, vì có thể Luca nghe được bài giảng của Chúa GS từ trên núi nhưng đến khi xuống núi ông mới nhìn và viết lại. Bài giảng thành một bản dài vì chứa nhiều vấn đề cần thiết. Ở đâu cũng được, miễn là chuyển tải được thông điệp của Chúa, người viết có thể hệ thống kiến thức, sắp xếp bố cục để trình bày.
    Lời dạy của Chúa GS trong Bài giảng nơi đồng bằng ( Lc 6,17-49 ) cũng tương tự như Bài giảng trên núi, đã thu hút đông đảo người nghe. Chúa khuyên bảo mỗi con dân Ngài đem luật vàng này vào cuộc sống. Đức tin Kitô giáo không dừng lại nơi giáo lý tiêu cực của những điều cấm kỵ; nhưng là những áp dụng tích cực, những điều phải làm, phải sống bằng một tình yêu thương thật ( Lc 6,27-35 ). Tình yêu đến từ một cảm nhận sâu xa của một lòng trắc ẩn mạnh mẽ đối với người khác. Dù cho người đó đối xử tệ thế nào, xấu xa ra sao; Chúa GS thách thức từng con dân Ngài sống với một cam kết : Chỉ mong ước người đó hạnh phúc. Tình nguyện hy sinh và cam kết sống hết lòng, hết tình; quyết tâm đối xử tử tế, nhân hậu như bát nước đầy. Trong khi Khổng Tử khuyên : "Đừng làm cho người ta những gì bạn không muốn người ta làm cho mình" có tính cách tiêu cực, đừng làm; thì Chúa Cứu Thế đưa ra mạng lệnh tích cực, luật vàng trong Luca 6,31 : "Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy". Có sách dịch : "Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thể ấy".
    Tuy nhiên, nếu đọc 1 Gioan 4,7-12 - Suy nghĩ một chút, chúng ta có thể đặt vấn đề : Ta kinh nghiệm tình yêu Chúa trong đời sống mình như thế nào ? Ta đã chia sẻ tình yêu đó với người khác ra sao ? Phục Truyền 6,4-5 và Xuất Hành 20,1-3 : "Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác"( c 3 ) không những là một điều răn, một mạng lệnh, mà còn là một thách thức, một mời gọi trung thành tuyệt đối, dấn thân trọn vẹn của mỗi con dân Ngài. Chúa muốn mỗi con dân Ngài nắm vững, theo gương và noi dấu chân Ngài. Chúa muốn chúng ta yêu Chúa, yêu người ( tha nhân ) và yêu chính mình. "Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em"( Lc 6,27-28 ). Chắc chắn nhiều người đã, đang và sẽ đặt câu hỏi : Làm sao thực hiện nỗi ? Đó là tiêu chuẩn của TC, điều này vượt quá tiêu chuẩn bình thường. Nhà thơ Phùng Quán từng viết : "Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu". Chúa bảo : "Đừng chống cự người ác"( Mt 5,39a ). Ngài còn nói thêm : "Ai vả anh má bên này, hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài thì cũng đừng cản nó lấy áo trong"( Lc 6,29 v Mt 5,39-40 ). Thế nhưng, khi Chúa bị điệu ra trước tòa Philato, một tên lính hỗn láo đã vả vào mặt Ngài, Chúa bị vả má phải không giơ má trái; ngược lại, Ngài đã to tiếng đòi hỏi công bình : "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?"( Jn 18,23 ). Đòi hỏi công bình cũng là cách vạch mặt kẻ đối nghịch chứ không cần phải chống cự. Chúng ta không thể yêu kẻ thù như yêu những người thân thuộc nhất của chúng ta vì như thế là trái tự nhiên, không thể có được; tục ngữ VN có câu "Một sự nhịn chín sự lành", nhưng vẫn có người cho rằng "Một sự nhịn chín sự nhục"- đây là một trong những nguyên nhân gây nên chiến tranh; chẳng khác nào Putin và Zelenski, hai thằng, không thằng nào nhịn được thằng nào nên đã đánh nhau tơi bời, khiến dân lành phải gánh chịu tang tóc khổ đau. Tình yêu đối với kẻ thù không những là việc của trái tim, của tấm lòng, mà còn là việc của ý chí nữa. Đó là việc mà chúng ta phải quyết tâm, phải cam kết, phải nương cậy nơi Chúa; nhờ ơn Chúa, sức Chúa, và tùy thuộc Chúa từng giây phút mới thực hiện được. Tại vườn Gietsemani khi quân lính vây bắt Chúa GS, Phero đã rút gươm ra bảo vệ Thầy mình, nhưng Chúa GS lại bảo ông "Hãy tra gươm vào vỏ vì ai cầm gươm sẽ chết vì gươm". Giuda Iscarios thủ quỹ trong nhóm Mười Hai đã nhận tiền hối lộ từ tay các Thượng tế để bán đứng Thầy mình, sau đó anh ta tự thắt cổ chết, nhưng Chúa GS chẳng nói "Ai tham tiền sẽ chết vì tiền". Trong tác phẩm "Kẻ tử đạo cuối cùng" của Đào Hiếu, nhà văn mô tả những chàng trai đeo đuổi một cô gái trong một quán cà phê đèn mờ, rồi tất cả phải chết dưới tay cô ấy; đọc tác phẩm này có người cho rằng "Ai mê gái sẽ chết vì gái", thực ra Đào Hiếu muốn nói lên quan điểm của con người thời đại, của quê hương đất nước. Ước mơ, lý do và động cơ cho nếp sống Kitô hữu là gì ? Đó là để chúng ta trở nên giống Chúa GS, phản ánh tình thương, ân sủng, quyền năng siêu việt của Ngài. Chúa GS đã bằng lòng quên mình, hòa mình và bỏ mình để chết cho chúng ta ( Php 2,5-9 ). Đây chính là điểm cá biệt của đức tin Kitô giáo. Đây là điều mà mỗi chúng ta cần cầu nguyện cho nhau, khích lệ nhau học hỏi và thúc giục nhau thực hành. Người có đức tin bao giờ cũng bị thiệt thòi, chính Chúa GS đã nói : "Ai theo Ta hãy bỏ mình vác thập giá mà theo Ta"( Lc 9,23 ); Chúa là người vô tội cũng phải chịu chết treo trên thập giá.

3. Cầu nguyện : 
    Lạy Chúa, các mối phúc của Chúa hoàn toàn đối nghịch với lối suy nghĩ của con người. Xin Chúa giúp con từ bỏ tiêu chuẩn trần gian, sẵn sàng sống theo tiêu chuẩn Nước Trời để tìm thấy phước hạnh chân chính, trường tồn.
    Xin cho con hiểu luật Chúa là yêu thương kẻ thù để con biết yêu thương và đối xử tốt với những kẻ hoàn toàn đối nghịch với con, hầu mong hoán cải được họ.
    Xin cho mỗi người chúng con biết suy gẫm lại về các mối phúc Chúa đã nêu ra để chúng con biết sống theo cảm thức, luôn trung thành tuân giữ những điều Chúa dạy.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét