Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2024

Lòng thương xót, duy trì thế giới hữu hình


 1. Câu chuyện về một bức tranh :


    Cô gái trẻ quần áo xộc xệch, với làn da trắng mịn để lộ bầu ngực, cho một ông lão ngậm vú - Đó là bức tranh sơn dầu của Rubens, với tên gọi : "Simon và Perot". Những người lần đầu tiên bước vào Viện Bảo tàng đã cảm thấy kinh ngạc khi nhìn bức tranh ấy, có người còn cười và chế nhạo : "Sao có thể treo bức tranh như vậy ngay cửa chính của Viện Bảo tàng chứ ?" Nhưng người dân nước Puerto Rico thì rất kính trọng bức tranh này, có người cảm động đến rơi nước mắt. Cô gái trẻ để lộ bầu ngực là con gái của ông, ông lão chính là cha cô gái. Simon trong bức tranh chính là người anh hùng đã đấu tranh đòi độc lập cho nước Puerto Rico, nhưng bị bắt giam vào ngục và bị kết tội "cấm thực".
    Ông già chết dần chết mòn vì đói khát, kiệt quệ, toàn thân như muốn ngã quỵ. Lúc lâm chung, con gái ông vừa sanh con, đến thăm cha. Nhìn thấy cơ thể suy nhược của cha, không muốn cha chết thảm, cô đã cởi áo đưa dòng sữa của mình cho cha bú. Cùng một bức tranh, có người cười nhạo, có người xúc động. Người không biết được câu chuyện thực sự đằng sau bức tranh sẽ chế giễu, người biết sẽ cảm thấy đau lòng.
    Con người thường chỉ nhìn thấy bề nổi của sự việc, không nhìn thấy bản chất. Nhiều lúc sự thật không như ta chứng kiến. Đáng sợ nhất không phải bị người ta gạt, mà chính là sự vô cảm của bản thân. Rất nhiều thứ không thể đánh giá qua bề ngoài. Hãy dùng trái tim tĩnh lặng, đôi mắt sáng suốt và trí tuệ để học thông bài học cuộc đời.
    - Mình mua xe, hỏi ý người này người kia. Cuối cùng tiền mình bỏ ra nhưng mua một chiếc xe người khác thích.
    - Tìm người yêu, người này một câu, người kia một câu, cuối cùng tìm được nhưng không phải là người mình muốn.
    - Sự nghiệp bản thân, nghe ý kiến của người thân bạn bè. Cuối cùng bỏ lỡ cơ hội thay đổi cuộc đời, đi trên con đường của người khác chứ không phải của mình. 
    Đôi giày mình mang, vừa hay không vừa, bản thân mình biết. Hãy mang đôi giày của mình đi trên con đường của mình.

2. Câu chuyện bát phở :
    Một người phụ nữ bước vào một quán phở và hỏi chị chủ quán :
    - Chị ơi, ở đây một bát phở bao nhiêu tiền ?
    Chủ quán trả lời : 50 ngàn chị à !
    Sau khi lục trong túi chỉ còn vỏn vẹn 25 ngàn, người phụ nữ rầu rầu ngại ngùng nói : Tôi còn 25 ngàn, chị bán cho tôi bát phở không có thịt được không ạ ?
    - Không chị ơi, em không bán bát phở 25 ngàn.
    Ngay lúc đó có người đàn ông trong quán nghe vậy đến nói :
    - Chị bán bát phở đầy đủ cho chị ấy đi, tôi sẽ thanh toán.
    Người phụ nữ cám ơn ông khách, bưng bát phở đưa cho cậu con trai. Cậu con trai nhìn bát phở, vừa nếm một miếng thì mắng mẹ :
    - Bát phở nhạt nhẽo thế này mà mẹ cũng đưa con ăn sao ?
    Nói xong cậu đặt đôi đũa xuống rồi bỏ chạy ra ngoài ngồi. Người khách nọ thấy vậy liền đi ra gặp cậu rồi nói :
    - Cậu còn là con người nữa không ? Mẹ cậu vất vả, thậm chí không đủ tiền mua bát phở cho cậu, vậy mà cậu đối xử với bà ấy như vậy sao ?
    Cậu con trai cúi đầu nghẹn ngào nói :
    - Dạ, em thương mẹ em lắm. Mẹ em vất vả nuôi em khôn lớn, ăn học đàng hoàng; bao nhiêu khổ cực mẹ em gánh hết, thậm chí ngày hôm nay mừng em tốt nghiệp đại học, mẹ cũng nhường cho em, nên em làm như vậy để mẹ em ăn bát phở, anh ạ !
    Người đàn ông nghe vậy nở một nụ cười :
    - Anh xin lỗi đã trách lầm em ! Đây anh cho ít tiền, tuy không nhiều nhưng đủ hai mẹ con ăn một bửa thật ngon mừng ngày em tốt nghiệp đại học; và ngày mai, nếu chưa có chỗ nào nhận thì đến công ty của anh làm việc, đây là danh thiếp của anh. Cậu nghe xong, cúi đầu cám ơn người đàn ông nọ, rồi vào quán ngồi dựa vào người mẹ mà nước mắt hai mẹ con không ngừng rơi.
    Có lẽ tim chúng ta sẽ nhảy thót lên khi đọc câu chuyện này với tình huống bất ngờ người con phản ứng để người mẹ ăn được bát phở. Và lại càng cảm động hơn khi có một người tốt bụng đã biết giúp đỡ, sẻ chia.

3. Nước của tình yêu và lòng thương xót :
    Một lời thoại trong mẫu chuyện ngụ ngôn : Có chú cá nhỏ bơi đến với mẹ, hoảng loạn : "Mẹ ơi, nước là gì ? Con sẽ tìm thấy nước, nếu không con sẽ chết mất !" Mặc dù chú cá ấy đang sống trong nước.
    Như chú cá nhỏ bé ấy, chúng ta sống chìm đắm trong nước này, và lý do chúng ta nhớ nó không phải vì nó quá xa mà nghịch lý thay, nó quá gần : Gần gũi với chúng ta hơn cả chính bản thể của chúng ta... Lòng thương xót là nước mà chúng ta bơi trong đó. Lòng thương xót là chiều dài, chiều rộng, chiều cao và chiều sâu của những gì chúng ta biết về Thiên Chúa - và ánh sáng chúng ta biết về Ngài...
    Lòng thương xót của Thiên Chúa không đến rồi đi, không ban cho người này và chối từ người kia. Tại sao ? Bởi vì nó vô điều kiện - luôn ở đó, nằm bao trọn mọi thứ, Chúa gieo trong lòng mỗi người để nó luân phiên chảy mãi, chuyển động và âm thầm dệt những khúc ca nhân ái ngọt ngào. Theo nghĩa đen, đó là lực giữ cho mọi thứ tồn tại, là trường hấp dẫn mà chúng ta sống, di chuyển và tồn tại... Lòng thương xót là bản thể sâu thẳm nhất của Chúa hướng ra bên ngoài để duy trì thế giới hữu hình và được tạo ra trong tình yêu không thể phá vỡ.( Cynthia Bourgeult - Dựa trên bản dịch của Ha Nguyen ).
    Chúa dạy con người biết yêu thương nhau, và biểu hiện tự nhiên không thể nào cầm lòng được khi có một sự việc đánh thức trái tim rung động. Thiên Chúa phú bẩm cho con người tình yêu và lòng thương xót để nên giống Ngài, vì cuộc đời bất công nên con người phải trải qua những nghịch cảnh. Dù đêm tối nhưng cuối chân trời vẫn có ánh sáng tỏa ra.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho trái tim chúng con luôn biết rung động và biết yêu thương người khác, đừng để trái tim con khô khan, trống rỗng. Sự dạt dào của tình yêu cho con thêm niềm hy vọng, con hy vọng không những cứu rỗi cho bản thân mà cho cả người khác nữa. Lòng thương xót duy trì thế giới hữu hình trong con và trong mọi người. Xin Chúa nâng đỡ chúng con để đời sống chúng con luôn hướng về Chúa, trái tim chúng con biết thổn thức yêu thương và yêu thương không ngừng nghỉ.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét