Thứ Hai, 3 tháng 6, 2024

Những suy tư về việc ông Minh Tuệ hành khất

    Minh Tuệ, pháp danh của người theo đạo Phật, tên thật là Lê Anh Tú, sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; nơi đăng ký Hộ khẩu thường trú tại thôn 6, xã La Tô, huyện La Grai, tỉnh Gia Lai, ông không có nơi cư trú cố định và chưa làm thẻ căn cước công dân.
    Ông Minh Tuệ hành khất hay khất thực nhỉ ? Có lẽ cả hai đều đúng, dùng từ nào cũng được. Gần đây dư luận xã hội và các phương tiện truyền thông đưa tin, xôn xao về hiện tượng ông Minh Tuệ ( MT ) đi hành khất từ Bắc vô Nam, hết tỉnh này qua tỉnh khác. Ông MT đang được rất nhiều người dân trong và ngoài nước ngưỡng mộ, số lượng người đi theo ngày càng đông, nhất là sau khi GHPGVN hôm 16/5 ra văn bản khẳng định ông MT "không phải là tu sĩ Phật giáo", không tu tập, không là nhân sự của bất cứ Ngôi Chùa nào thuộc GHPGVN. Ông Thành Đỗ từng là Trưởng ban nghiên cứu Phật học, giảng viên trường ĐH Phật giáo ở Paris nói với Đài Á Châu tự do : "Cái đó một phần cũng xem như là thành quả về tu hành của ông ta. Nó đã trở thành một hương thơm duy nhất bay ngược gió, là cái đạo hạnh của một người tu hành nghiêm chỉnh". 
    Vì MT không phải là tu sĩ Phật giáo nên tôi cũng chỉ gọi là ông MT, chứ không gọi là Thích MT hay Thầy Thích MT. Tôi chỉ gọi ông ta như cách gọi ông Thành Đỗ vậy, không gọi theo một chức sắc Tôn giáo.
    Cũng có người đề cao và tôn sùng một cách thái quá, xem MT như một vị Phật sống, cúi sấp mình lạy gọi là "đảnh lễ", lúc MT ăn gọi là "thọ thực", chiếc áo MT mặc gọi là "y phấn tảo" - Họ dùng toàn từ Hán và "Nho chùm", tôi thì không quen như thế. Việc hàng chục Youtuber tụ tập theo đoàn của ông MT để quay phim, chụp ảnh, phát trực tiếp các video, phỏng vấn và  bình luận... hàng trăm Phật tử ở mỗi địa phương tập trung lại để "đảnh lễ", hay chỉ đơn giản là nhìn MT đi qua, đã khiến giao thông một số nơi rơi vào tình trạng hỗn loạn, ách tắc, mặc dù công an và cảnh sát giao thông có mặt để phân luồng, điều tiết, giữ gìn trật tự an ninh. Nghe đâu có một người đàn ông trong đoàn người đi theo bị xốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong, và hai phụ nữ ngất xỉu do đuối sức được kịp thời đưa tới bệnh viện điều trị.
    Vì sao chính quyền vẫn để yên hiện tượng MT ? Cụm từ "Sư Minh Tuệ" trên Google trending, luôn nằm trong nhóm tìm kiếm thịnh hành của Google suốt hơn một tháng qua, trùng với những thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đều là những sự kiện nóng.
    Chỉ có khoảng 2000 lượt tìm kiếm chủ đề "Minh Tuệ" trong ngày 30/4 và tăng vọt cho đến ngày 30/5 thì đã có khoảng 100 ngàn lượt tìm kiếm trên các trang web toàn cầu.
    Nếu nhìn hiện tượng thời gian qua nỗi lên một cách nhanh chóng rồi chính quyền cũng ra tay dẹp bỏ, như : "5 Chú tiểu Thiền am Bên bờ Vũ trụ", hay nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng hồi năm 2021 phát trực tiếp mỗi buổi lên đến hàng trăm ngàn người xem cùng lúc để bóc phốt giới giải trí, đặt nghi vấn về những khoảng thu chi từ thiện thiếu minh bạch... Người ta sẽ đặt câu hỏi về việc đến khi nào chính quyền sẽ "xuống tay" đối với hiện tượng MT ?
    Việc ông MT tu theo 13 Hạnh Đầu Đà. Theo Hòa thượng Thích Chân Tính cho biết, đầu đà nghĩa là khổ hạnh. Thời Đức Phật còn tại thế, có nhiều vị tu hành chứng đắc quả, trong đó ngài Đại Ca Diếp được mệnh danh là Đầu Đà đệ nhất. Người tu theo Hạnh Đầu Đà chấp nhận những khó khăn trong các vấn đề ăn, mặc, ở. Hòa thượng Thích Chân Tính dẫn chứng, trong Phật Quang đại từ điển có nêu người tu hạnh đầu đà thực hành 12 pháp khổ hạnh. Còn trong Thanh Tịnh Đạo Luận, người tu Hạnh Đầu Đà chuyên hành trì 13 pháp khổ hạnh. Công dụng của pháp đầu đà là để rèn luyện đức tính thiểu dục tri túc và ngăn ngừa lòng tham dục. Trong điều kiện sống ngày nay khó ai có thể thực hành được : đầu trần, đi chân không, "đầu đội trời chân đạp đất", không giày dép, mỗi ngày chỉ ăn một bữa, ngủ thì ngủ ngồi, ngủ ở nghĩa địa hoặc gốc cây, hoặc bất cứ nơi nào ngoài trời, không nhận tiền cúng dường...y phục lấy từ vải nhặt bãi rác hoặc nghĩa trang để may lại.
    Một vị Thượng tọa khác cũng cho biết, Hạnh đầu đà là tiếng Pali nguyên thủy ( Dhutanga ) được giữ nguyên có thể hiểu tu theo hạnh đầu là hình thức tu khổ hạnh. Ngày trước, Đức Phật Thích Ca là thái tử trong hoàng cung đi ra, Ngài từng sống trong sự hưởng thụ xa hoa và nói rằng đó là một cực đoan. Do đó, 6 năm Ngài ép xác khổ hạnh, chỉ còn da bọc xương. Cuối cùng, Ngài nói không thể có trí tuệ trong một thân thể bệnh hoạn, kém chất; Ngài nói ép xác khổ hạnh cũng là một con đường cực đoan. Ngài đã uống bát sữa, từ bỏ con đường tu khổ hạnh để trở lại đời sống bình thường và giây phút đó Ngài bắt đầu thấy đạo. 
    Tu khổ hạnh cao đẹp ở chỗ giúp người tu dẹp bỏ được bản ngã, thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh. Tức là, trên là xin giáo pháp của Đức Thế Tôn để nuôi giới thân tuệ, dưới là xin bát cơm của tín thí để nuôi thân tạm bợ. Qua bát cơm đó kích hoạt tâm từ bi và hạnh bố thí của con người. Đôi khi chỉ cho một miếng cơm nhưng mở rộng lòng, từ đó giúp người kia gieo hạt giống lành. Chiếc áo giải thoát của người tu đi ra ngoài còn biểu trưng cho lý tưởng giác ngộ.
    Cho đến hiện nay, khất thực còn tồn tại ở Phật giáo Nam truyền và Phật giáo khất sĩ. GHPGVN có quy định không cho đi khất thực nữa. Những chùa, tịnh xá có thể tổ chức trong phạm vi của chùa, tịnh xá, tái hiện lại công phu hành trì pháp môn đó để nhắc nhở mình tu.
    Trái ngược với hình ảnh khổ hạnh của MT là các nhà sư tại các chùa chiền : với Chùa to, Phật lớn, đeo đồng hồ hàng hiệu, đi xe hơi sang trọng, sử dụng điện thoại thông minh, lúc nào cũng kêu gọi và khuyến khích các Phật tử phải cúng dường, khiến nhiều Phật tử soi lại những phát ngôn gây phẫn nộ trong thời gian qua của nhà sư Thích Nhật Từ kêu gọi cúng dường bằng chuyển khoản; nhà sư Thích Chân Quang cho đúc tượng Phật có gương mặt giống mình và giảng về luật nhân quả như : "đi du lịch nhiều sau này sẽ bị liệt", "hát karaoke chết thành ma câm", hay "cúng đất, cúng nhà cho chùa sau này con cháu sẽ giàu sang". Người dân nhanh chóng nhìn ra mặt trái của những pháp môn tu hành hiện nay của một số nhà chùa quốc doanh, không đưa người ta đến con đường giải thoát mọi sự khổ đau.
    Một Đại đức thuộc GHPGVN đang tu ở một Ngôi chùa phía Nam nói rằng trong nội bộ của Giáo Hội ( GH ) có những công văn để hướng dẫn các trụ trì hay chức sắc tôn giáo về cách ứng xử với hiện tượng MT và mọi tăng ni thuộc GH buộc phải tuân thủ. Ông nói trong điều kiện ẩn danh vì tính nhạy cảm của vấn đề : "Theo thầy, từ thời điểm này, nếu bất kỳ thầy nào mà đưa các clip lên khen thầy MT, khen cách tu hành đấy thì sẽ gặp vấn đề. Nếu nhẹ thì bị bắt lên kiểm điểm sám hối để xóa bài, còn nếu nặng thì có thể bị trục xuất luôn, vì nó sai với tôn chỉ của GH".
    Ngày 18/5, Thượng tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bị Ban Trị sự GHPG tỉnh kiểm điểm bằng cách quỳ sám hối sau khi ông đăng video khen ngợi hạnh tu của ông MT. Chính thầy Minh Đạo sau đó cũng tự xin ra khỏi GH. Vị đại đức này đánh giá rằng có thể đang có sự thả lỏng của phía Nhà nước trong vụ việc lần này của MT, dẫn đến cao trào chỉ trích GHPGVN như hiện nay, mặc dù cũng có các công văn, các vụ xử lý nhỏ lẻ ( theo nhà báo Mặc Lâm, đăng tải trên một video mà tôi đã xem được ).
    Việc người dân hướng hết tầm nhìn của họ vào hiện tượng MT làm cho Nhà nước giải tỏa được áp lực về cái nhìn của người dân đối với bộ máy Đảng và Nhà nước, về quyền tự do tín ngưỡng.
    Chỉ trong một thời gian ngắn 3 lãnh đạo Nhà nước, Quốc Hội và Đảng phải từ chức vì dính sai phạm, khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoang mang và đặt câu hỏi về tính ổn định chính trị của VN để quyết định có nên mở rộng đầu tư hay không.
    Thế nhưng, các sự kiện đó dường như không thu hút người dân bằng bước chân của ông MT. Lý do vì "hữu xạ tự nhiên hương" của một "bậc chân tu" hay vì định hướng dư luận của chính quyền, thì thời gian mới có thể trả lời được.
    Tuy nhiên, nói như vị Đại đức thuộc GHPGVN : "Ở nước Mỹ, sáu tháng nữa mới bầu cử mà bây giờ người ta đã tranh cãi um sùm rồi, trong khi ở VN tình hình nó rất bình thường, không ai quan tâm để ý. Người ta chỉ đang bận quan tâm đến một ông bận đồ rách đi ngoài đường thôi !".
    Ông Minh Tuệ - Một con người bình thường, nhưng ông ta đã nhìn nhận một con đường để dấn thân. Con đường đó quá lập dị. Tôi không biết đầu đà, đầu đen hay đầu đỏ gì cả, một cách khách quan để đánh giá : Đây là một biểu hiện không phù hợp với thời đại hiện nay, tự hành hạ và làm khổ thân xác. Tự hành hạ thân xác mình là một điều trái với quy luật tự nhiên, chẳng khác nào tự mình nguyền rủa sự hiện diện của mình trên trần thế. Tự mình hành hạ mình, tự mình nguyền rủa mình thì không còn biết ơn Tạo Hóa, không còn biết ơn Thượng Đế nữa, như thế chẳng ai mừng sinh nhật làm gì, vì sanh ra ở đời là quá khổ đau và chẳng mang một sứ mệnh nào cả, chỉ có người phạm tội ăn năn sám hối mới tự mình làm những việc ấy để đền tội. Cũng có người ca ngợi sự buông bỏ của ông ta. Riêng tôi, tôi hoàn toàn tôn trọng ông ta, nhưng phục thì tôi không phục. Tôi phục một người làm lụng vất vả để nuôi gia đình, nuôi vợ nuôi con, hơn một người buông bỏ mọi sự để đi hành khất ( Đây là quan điểm cá nhân ). Tôi hoàn toàn bái phục những người có việc làm cụ thể giúp đỡ người nghèo và những người dấn thân phục vụ chăm sóc người bệnh tật. Hiện nay, có không ít người Công giáo đã từ bỏ gia đình, nhà cửa, ruộng vườn, danh vọng, sự nghiệp để bước theo Thầy Giêsu. Vì không có thời gian để nói lên tất cả, trong giới hạn bài viết chỉ muốn đề cập đến một số trường hợp :
        - Cha Augustino Nguyễn Viết Chung, một bác sĩ Phật giáo trở thành Lm Công giáo, Ngài thuộc Tu hội truyền giáo Thánh Vinh Sơn. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne tại trại cùi Di Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp, vô tình Đức Cha Jean Cassaigne trở thành thần tượng của cậu. Nhắc lại đoạn đời đó, Cha Chung cho biết là Ngài được rao giảng Tin Mừng bằng đời sống, chứ không phải bằng lời nói. Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Cha Cassaigne.
        - Mẹ Teresa, có lẽ là cái tên thân thương mà cả thế giới không còn xa lạ gì. Tuy nhiên, cuộc đời và sự nghiệp thánh thiện của bà còn nhiều điều xứng đáng để hậu thế ghi nhớ kỹ càng hơn. Mẹ Teresa là nữ tu Công giáo Roma người Albania, và là nhà sáng lập Dòng Thừa sai Bác ái ở Calcutta Ấn Độ năm 1950. Trong hơn 40 năm bà chăm sóc người nghèo, bệnh tật, trẻ mồ côi, người hấp hối nơi những ngôi nhà ổ chuột, trong khi hoàn tất nhiệm vụ lãnh đạo dòng tu phát triển khắp Ấn Độ và đến các quốc gia khác. Bà được giải Nobel Hòa bình năm 1979 như một sự vinh danh cho các hoạt động nhân đạo của bà : Giúp đỡ người nghèo và sống chung với họ. 
        - Trong những năm Đại dịch Covid, hằng ngàn tu sĩ đã dấn thân phục vụ và chăm sóc bệnh nhân tại các Bệnh viện.
        - Câu chuyện sau đây có phần nào giống câu chuyện của ông Minh Tuệ, nhưng không hoàn toàn giống về mục đích, ý nghĩa và cách thực hành :
    Một thanh niên 27 tuổi, người Ba Lan ( BL ), Michal Ulewinski, từ 5 năm nay, đang thực hiện một cuộc hành hương thống hối, vác thánh giá gỗ nặng 15 kg, đi qua các nơi trong toàn nước. Anh Ulewinski kể rằng : "Tôi đi xưng tội và đã thực sự cảm nghiệm sự thống hối bản thân, và từ đó đã nảy sinh ý tưởng thực hiện cuộc hành hương này. Tôi bắt đầu sống với Chúa và xây dựng cuộc sống của tôi trên việc tuân giữ các giới răn của Ngài. Tôi tìm cách thực hiện điều đó để hằng ngày tái hoán cải. Trước đây cuộc sống của tôi rất xa Chúa, tôi không quan tâm gì cả và phần lớn chỉ lo ăn chơi. Giờ đây, cuộc sống của tôi đã thay đổi 180 độ. Trước kia tôi sống đạo vì thói quen, vì phải đi nhà thờ, nhưng không có chiều sâu, không có tương quan gì với Thiên Chúa.
    Anh Ulewinski kể lại như thế với báo "Wadowice Trực tuyến". Anh cho biết mình thực hiện cuộc hành hương này như một cuộc thống hối với tội lỗi bản thân và cả những tội lỗi của người BL. Anh cầu nguyện cho cả những người đã rời bỏ Chúa. Anh nói : "Trên thánh giá này, tôi đặt tất cả mọi tội lỗi của BL, hiệp với cuộc hy sinh trên thánh giá của Chúa Giêsu Kitô và dâng lên Chúa Cha yêu quý của chúng ta".
    Anh Ulewinski cho biết cho đến nay anh đã vác thánh giá đi bộ được 1000 cây số. Anh ngủ tại nhà của dân chúng gặp trên đường, hoặc trong các nhà xứ. Cũng có vài người giúp anh vác thánh giá, giúp lương thực và nước uống.
    Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Jasna Gora, anh Ulewinski kể rằng : "Tôi luôn tìm cách bắt đầu mỗi ngày bằng kinh nguyện, rồi ăn sáng và tham dự Thánh Lễ. Kinh Mân côi, trong thực tế tôi cầu trọn ngày. Mỗi ngày tôi được mời ăn tối; và khi ăn xong, tôi tiếp tục hành trình. Tôi tìm được chỗ ngủ ở bất kỳ nơi nào, tôi không lo. CHÚA THỰC SỰ LO MỌI SỰ".
    Anh Ulewinski cho biết soi sáng cho cuộc hành hương ngoại thường này của anh, là một số câu nói trong nhật ký của Thánh nữ Faustina Kowalska và anh cũng đọc Kinh Thánh. Anh nói : "Trong khi tôi suy gẫm một vài câu, tôi có cảm tưởng Chúa muốn tôi thực hiện sáng kiến như thế này. TÔI PHẢI VẼ HÌNH THÁNH GIÁ TRÊN BA LAN và đón nhận phúc lành xây dựng Nước Chúa, để BA LAN LÀ MỘT NƯỚC NHƯ CHÚA MUỐN. Nhưng tôi biết rằng thống hối đền tội là điều cần thiết, từ đó tôi làm việc thống hối đền tội cho mỗi người BL, và tôi hy vọng kết quả là người BL hiểu rằng cần có cuộc thống hối đền tội như thế này" ( Theo Kath.net ).
    Xét trên phương diện Tôn giáo, giáo hội Công Giáo cũng chọn lối sống từ bỏ như lời Chúa dạy. Ba năm cuối đời trần thế, Chúa Giêsu không phải là người khất thực, nhưng Ngài là người đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và làm phép lạ chữa lành bệnh tật cho nhiều người. Từ bỏ ở đây không có nghĩa là phải buông bỏ mọi sự, mà Người còn biết tận dụng để biến vật chất thành phương tiện. Người chịu đau khổ và chịu chết vì tội lỗi nhân loại, chứ không phải Người tự hành xác.
    Vật chất phụng sự con người, con người phụng sự Thiên Chúa. Thiết nghĩ cũng không nên chối bỏ hoàn toàn những gì có liên quan đến đời sống con người, cho dù đó là vật chất. Người không có lòng tham thì vật chất chỉ là phương tiện. Những người hoàn toàn rũ bỏ phương tiện vật chất, tự làm khổ mình, chưa chắc đã đạt tới cứu cánh vì bản thân con người cũng là một vũ trụ vật chất. Pháp Hạnh Đầu Đà là một con đường tu khổ, ngày nay không còn phù hợp nữa, vì chính Đức Phật cũng đã từ chối. Nếu một xã hội, một đất nước có nhiều con người bắt chước để đi theo con đường đó, chắc chắn là xã hội và đất nước ấy sẽ bị tụt hậu.
    Hiện nay vẫn có người khen Minh Tuệ rằng : "Từ đệ nhất Đầu đà Đại Ca Diếp đến Minh Tuệ là một khoảng cách gần hơn các Sư chùa ngày nay". Tôi đồng ý ! Và một cách khách quan để đánh giá : Ông MT thì rất dễ thương, nhưng quần chúng hiếu kỳ và rất phức tạp. Ông MT luôn vui vẻ, mỉm cười, từ tốn; còn dân chúng thì đông đảo, chen lấn, có khi dẫn đến hỗn loạn.
    Đang lúc tôi viết bài này chuẩn bị đưa lên Blog thì TTXVN trên nền báo Tuổi trẻ Online đăng tin với tựa đề "Ông Lê Anh Tú ( Thích Minh Tuệ ) tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực." Bài báo cho rằng cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội, các cơ quan chức năng đã gặp gỡ trao đổi với ông Tú. "Ông Lê Anh Tú đã ý thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực." 
    Bài viết JB cũng xin được tạm dừng tại đây.
    

Nguồn tham khảo :
            - Phatgiao.org
            - Báo Thanh niên và Tuổi trẻ  Online.
            - Kath.net.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét