Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Hướng về Chúa Thăng Thiên


Trình thuật Thăng Thiên được trình bày như sự khai mào cho cảnh Hiện xuống : Lc 24,50-51. Cuối Phúc âm, có lẽ chúng ta có một dấu hiệu tiên báo sự mở rộng của Giáo Hội trong việc Chúa Giêsu ( GS ) đem các Môn đệ ra ngoài thành Jerusalem, nhưng đó chưa phải là điều cốt yếu. Đọc kỹ và chịu khó suy tư một chút, ta thấy trong đoạn kết Phúc âm và nối kết Tông đồ Công vụ, Chúa GS vẫn còn liên hệ mật thiết với chúng ta. Và chủ ý của Luca ở đây còn lộ rõ hơn nữa khi ông cố ý tìm cho cử chỉ cuối cùng của Đấng Hiển Vinh một hình ảnh vĩ đại trong Cựu ước : Hình ảnh Vị Thượng Tế giơ tay chúc lành cho dân chúng đang phủ phục dưới chân mình; Tân ước, Chúa GS lên trời, "Ngài dẫn các ông tới gần Bethania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông" ( Lc 24,50 ). Chúa GS về trời là hình ảnh được minh chứng trong lịch sử chứ không phải là sự kiện hư cấu. Trong Cựu ước hình ảnh Ê-li-a được cất lên trời là để loan báo việc Đức GS lên trời ( Hc 48,9 v II V2,11 v Mcb 2,58  ). Tác giả Thánh vịnh 23 và 47 còn có lời tán dương, chúc tụng ( x Tv 47,2-3 v 6-9 ). 
    Mừng lễ Chúa Thăng Thiên, mừng ngày Chúa GS trở về cùng Chúa Cha và lãnh nhận vinh quang đã hứa ban cho Con Người. Thực ra, mầu nhiệm Thăng Thiên còn phong phú hơn thế. Chúa GS đã trở về với Chúa Cha từ lâu; ngay từ ngày Phục sinh Ngài đã được tôn vinh rồi, như nhiều đoạn trong Thánh Kinh đã minh chứng. Đúng ra, hôm nay chúng ta mừng việc Ngài tỏ mình một cách khả giác sau cùng cho các Môn đệ, trước khi trở lại vào ngày cánh chung. Các bài đọc cho thấy việc Thăng Thiên thực chất là việc biến đổi cách thức hiện diện của Chúa Kitô trên trần gian này. Thật vậy, nếu Chúa GS trở về cùng Cha luôn mãi, điều đó không có nghĩa là Ngài từ bỏ loài người, nhưng chỉ muốn đổi cách thức hiện diện với họ. Vì nếu Phúc âm phải được rao giảng cho mọi người ở mọi thời và mọi nơi, thì Chúa GS phải hiện diện cho họ một cách thích ứng. Để được vậy, Ngài đã chọn nhiều cách hiện diện khác nhau : Qua những chứng nhân được Chúa Thánh Thần tác động, qua Bí tích Thánh Thể, qua tiếng nói của Giáo Hội, trong tâm hồn các Kitô hữu. Bằng những cách thức khác nhau đó, Chúa GS có thể hiện diện trong mỗi người chúng ta và trong mọi thế hệ nhân loại qua mọi thời đại. Nhưng nếu Chúa GS tiếp tục mang một thể xác trên trần gian này, sự hiện diện của Ngài sẽ bị giới hạn vào một nơi, một thời. Với việc Thăng Thiên, Chúa GS đã bỏ cách hiện diện hạn hẹp bằng thể xác, để từ nay hiện diện luôn mãi cho mỗi người chúng ta, "Ngài vẫn ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế" ( câu cuối trong Tin Mừng Matthêu 28,20 ).
    Cuộc khải hoàn của Chúa GS cũng là cuộc khải hoàn của các tín hữu. Như việc tử nạn, Chúa lên trời là vì chúng ta. Cả hai biến cố đều nhằm cứu rỗi nhân loại. Ngài nói cùng các Môn đệ : "Thầy đi để dọn chỗ cho các con ". Khi từ giã họ, Ngài đã dâng lên Thiên Chúa ( TC ) một lời cầu nguyện, mà cũng là một lời hứa : "Lạy Cha, những kẻ Cha đã ban cho Con, Con muốn là Con ở đâu họ cũng được ở đó để họ chiêm ngắm vinh quang của Con, vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu thương Con trước khi thế gian được tạo thành"( Jn 17,24 ). Chúa GS lên trời là để nhận lấy vinh quang cho các tín hữu kết hợp với Ngài.
    Khi về trời dưới mắt các Môn đệ, Chúa GS muốn dạy cho chúng ta một cách hết sức cụ thể đâu là mục đích của đời sống. "Đô Thành chúng ta ở trên trời"( Php 3,20 ), Kinh Thánh đã nói tiếp "chúng ta nóng lòng mong đợi Đức GS Kitô từ trời đến cứu chúng ta". Chỗ khác Kinh Thánh cũng rút từ việc Thăng Thiên một kết luận áp dụng cho các Môn đệ : "Anh em hãy tìm kiếm những điều trên cao, nơi Chúa Kitô đang ngự" ( Col 3,1 ). Vậy nếu chúng ta xác tín rằng mình phải "ở trên cao", thì trước hết hãy quy hướng đời sống chúng ta về nơi ấy, vì "của cải ở đâu lòng người ở đó" để bảo đảm hạnh phúc vĩnh cửu cho mình. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là phải xuất thế, xa lánh trần gian. Trái lại phải nỗ lực làm việc để chu toàn phận sự TC giao phó cho mỗi người trong hoàn cảnh Ngài đã đặt định. Nhưng đừng để mình bị nô lệ bởi những phương tiện vật chất trần thế : tiền tài, của cải, gia đình, việc làm, danh vọng, sự nghiệp...đến độ bỏ quên Thiên đàng. Hạnh phúc cho ai trải qua cuộc đời trong việc tuân theo "Đấng đã lên ngự bên hữu ngai TC uy nghi trên các tầng trời" ( Dt 8,1 ). Chúa GS cũng đã nói với Thánh Gioan trong một thị kiến : "Ai thắng, Ta sẽ cho ngự với Ta trên ngai của Ta, cũng như Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người" ( Kh 3,21 ). Ai có tai thì hãy nghe điều Thần Khí nói ( Kh 3,22 ).
    Chúa GS đã nói điều gì với các Môn đệ trước khi chia tay họ ? Ngài đã nhắc đến cái chết và sự Phục sinh nhằm tha thứ tội lỗi và nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của họ sau này. Do đó, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy Thiên Thần lên tiếng : "Hỡi những người Galilê, sao các ông còn đứng ngước mắt lên trời ?" ( Cv 1,11 )- Câu hỏi ấy ngụ ý : Các ông hãy về đi và hãy bắt đầu với sứ vụ mới.
    Giây phút Chúa lên trời, Ngài đưa tay chúc lành cho các Môn đệ như một Thượng tế.
    Chúa GS về trời sau khi Ngài hoàn tất sứ vụ dưới đất. Bước chân Chúa chỉ mới đi hết xứ Palestina bé nhỏ, còn cả thế giới hoang vu, bao dân tộc gần xa chưa hề nghe rao giảng, Chúa muốn ta làm chứng nhân của Ngài cho đến tận cùng trái đất. Chứng nhân Rao giảng Tin Mừng Phục Sinh chứ không phải chứng nhân kể lại phép lạ của riêng mình.
    Chúa GS về trời là Ngài biến đổi sang một trạng thái mới, đồng thời cũng là một viễn tượng mới cho nhân loại mai sau; nên khi  Chúa về trời, các Môn đệ trở lại Jerusalem và lòng đầy hoan hỉ ( Lc 24,52b ).
    Không phải Chúa lên trời để bỏ chúng ta mà Ngài bước sang một sự hiện diện mới với chúng ta trong Chúa Thánh Thần.
    Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, Chúa đã yêu trái đất này và đã sống trọn vẹn thân phận làm người. Xin dạy chúng con biết đường lên trời nhờ sống yêu thương và biết hy sinh như Chúa đã hy sinh cho nhân loại.
    Ngước nhìn lên trời, chúng con thấy quê hương vĩnh cửu, được thêm niềm hy vọng. Xin cho chúng con luôn được hướng về bên Chúa. Ứơc gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người sẽ thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
    Lễ Chúa Thăng Thiên cũng là ngày Thế giới Truyền thông, con xin cảm tạ Chúa vì những gì Chúa đã ban cho trong thời đại công nghệ hiện nay, xin cho con được nắm bắt, biết lấy đó làm phương tiện để Sứ vụ Tông đồ trong con ngày càng thăng tiến. Con nghĩ rằng : Một cú click chuột thôi, con có thể mang Lời Chúa đến cho những tâm hồn thiện chí, dẫu cho hiệu quả của việc ấy chẳng là bao, nhưng còn hơn con ngồi không vô ích. Xin Chúa chúc lành cho mọi cố gắng và nỗ lực của con.


P/S : Mời đọc thêm bài "Một viễn tượng mới, một trạng thái mới" trên nhãn Bài suy niệm 5 của Blog này. Hẹn gặp tiếp theo trong bài viết về Chúa Thánh Thần.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét