Thứ Năm, 13 tháng 10, 2022

Đừng ngoái đầu nhìn lại



 Đọc Kinh Thánh : Lc 9,57-62 v 10,38-42; Jn 14,1-14 v Mt 7,21-27.

1. Người cày ruộng : 
    Chúa Phục sinh phán rằng : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em"( Jn 20,21 ). Ai yếu tim nghe câu nói này của Chúa thì khó mà bình an được, vì Chúa Cha đã sai Thầy đến chỗ chết thì Thầy cũng sai anh em đến chỗ chết, người được Chúa chọn gắn liền với trách nhiệm và bổn phận khá nặng nề. Đọc Tin Mừng Luca 9,57-62; trong phân đoạn này Chúa Giêsu ( GS ) nói về phẩm chất của một Môn đệ. Môn đệ là người tin Chúa, nhưng tin Chúa không thôi vẫn chưa đủ. Người tin Chúa là người tiếp nhận món quà ân sủng của Chúa vô điều kiện, đồng thời làm Môn đệ đòi hỏi phải hy sinh ( Mt 8,19-22 ). Hy sinh có thể là sự chịu khổ ( Mt 10,24-25 ), bị phân rẽ ( Lc 9,61 ), vác thập tự giá ( Lc 14,27 ). Làm Môn đệ có nghĩa là phải trả một giá nào đó, chắc chắn là phải có. "Những ai muốn sống đạo đức trong Chúa GS Kitô, đều sẽ bị bắt bớ" ( 2 Tm 3,12 )."Ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta"( Lc 9,23 )."Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy muông sói" ( Mt 10,16a ). "Người tôi tớ Chúa thì không được cãi cọ, nhưng phải dịu dàng với mọi người, có khả năng giảng dạy, biết chịu đựng đau khổ" ( 2 Tm 2,24 ). Cứu rỗi là một quà tặng, tuy nhiên, Chúa muốn những người tin Ngài phải trở thành Môn đệ của Ngài, nghĩa là phải có những kỷ luật bản thân. Mẹ Thánh Teresa Calcutta nói rằng : Ơn gọi của mỗi chúng ta là yêu mến Chúa GS.
    Chúa GS dùng hình ảnh người cày ruộng và đưa ra nguyên tắc "Đừng ngoái đầu nhìn lại đằng sau". Đây là cách người cày ruộng có được một luống cày thẳng. Người VN rất quen thuộc với cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Người cày ruộng cũng đi trước cùng với con trâu và biết cách điều khiển nó, không ngoái nhìn lại đằng sau. Ca dao VN có câu :
            "Trâu ơi ta bảo trâu này :
            Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
            Cái cày vốn nghiệp nông gia,
            Ta đây trâu đấy ai mà quản công..."
Đúng là không quản công, tuy nhiên, chúng ta là những người cày ruộng, nhưng không phải ai cũng cày được một luống cày thẳng. Để có được một luống cày thẳng, người cày ruộng phải nhìn về phía trước, cũng không nhìn xuống luống cày mà mình vừa mới cày, mới xới lên. Bí quyết của đời sống Kitô hữu viên mãn là nhìn xem Chúa GS là cội rễ và cùng đích của đức tin. Nếu Chúa đã kêu gọi chúng ta theo Ngài, đừng phí thì giờ nhìn lui để xem ai đang theo chúng ta, nhưng hãy nhìn tới và bước đi theo Ngài. Không luyến tiếc những gì mình đã đi qua. Hãy theo Chúa, Ngài sẽ khiến chúng ta nên "tay đánh lưới người". Tôi rất thích câu Kinh Thánh này : "Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy giải thích, khuyên nhủ với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ" ( 2 Tm 4,2 ). Khi đọc Lời Chúa chúng ta lưu ý rằng một lời hứa của Ngài luôn luôn đi kèm với những mạng lịnh, và lời hứa càng lớn chừng nào thì mạng lịnh càng hệ trọng chừng nấy. Bước đầu tiên để có thể sở hữu những phước hạnh đi kèm với những lời hứa là phải vâng theo những mạng lịnh của Ngài, và đây luôn là một thách thức lớn đối với chúng ta : "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân..." hay "Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng". Sự kêu gọi của Chúa đem đến cho chúng ta những hy vọng lớn lao về những gì vĩnh cửu và vui mừng vô hạn nơi Đấng Vĩnh Hằng cũng là Đấng ban sự vui mừng cho chúng ta là những người tin cậy Ngài.

2. Được sắm sẵn chỗ :
    Đọc Phúc Âm Gioan 14,1-14, chúng ta thấy vấn đề chính yếu của các Môn đệ đầu tiên phải đối diện là sự ra đi của Chúa GS. Ngài đã sống lại từ cõi chết, nhưng Ngài rời khỏi họ. Ngài đi đâu ? Tại sao họ không đi với Ngài ? Ai sẽ chăm sóc bảo vệ họ ? Sự bất an này vẫn xuất hiện trong mọi thời đại, khi con người có một mối quan hệ tình cảm nào đó rồi buộc họ phải chia tay : 
            "Họ đã xa rồi không níu lại,
            Lòng thương chưa đã mến chưa bưa
            Người đi một nửa hồn tôi mất
            Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ..."
                             ( thơ Hàn Mặc Tử ) 
            "Em ơi lửa tắt bình khô rượu,
            Đời vắng em rồi say với ai ?"
                            ( thơ Vũ Hoàng Chương )
    "Em" là người yêu của con người thời đại; đối với các Môn đệ, hình tượng Chúa GS cũng vậy vì Ngài đã trở nên thần tượng trong tim họ, họ có thể "dại khờ" đi nếu không có sự hiện diện của Chúa, của Thầy mình. Độc giả của Gioan, những nhóm nhỏ tín hữu ở rải khắp vùng Tiểu Á, đã phải đối diện với thế giới thù địch luôn cạnh tranh về tôn giáo, niềm tin. Trong những xã hội đa tôn giáo ngày nay, tình thế vẫn không khác hơn. Có nhiều nguyên nhân khác của sự bất an : sự bất ổn về chính trị, kinh tế, những vấn đề cá nhân. Đối diện với những áp lực như thế, chúng ta cần nhận biết sự quan tâm của Chúa GS. Chúa đi là ích lợi cho các Môn đệ của Ngài. Với việc dùng ẩn dụ quen thuộc, tôi đoan chắc rằng Chúa GS Ngài sắm sẵn chỗ ở đời đời cho các Môn đệ và chắc chắn họ đi với Ngài : "Thầy đã đi và sắm sẵn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu anh em cũng ở đó" ( Jn 14,3 ). Lời này của Chúa GS gây cảm xúc khiến cho một nhà thơ phải thốt lên :

        "Thầy đi sắm chỗ cho anh,
        Mai kia Thầy đến đem anh trở về
        Đường xa vất vả nặng nề,
        Nhưng tình hội ngộ chẳng hề nhạt phai." 

    Với Jn 14,3 : như một lời hứa, nhưng làm thế nào họ đến đó khi họ không biết nơi mình sẽ đến. Câu trả lời của Chúa GS vượt quá điều các Môn đệ hỏi và trông đợi : Ngài không chỉ cho họ con đường, mà chính Ngài là đường đến cùng Chúa Cha. Chúa GS, và chỉ Chúa GS là đường, là chân lý và sự sống ( Jn 14,6a ). Và Chúa GS phán : "Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" ( Jn 14,6b ). Chúa còn giải thích thêm : "Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người" ( Jn 14,7 ). Hội Thánh không cần phải bối rối, xao xuyến ( Chữ "xao xuyến" được Thánh Gioan ghi lại lời của Chúa GS ngay từ câu đầu tiên của chương 14 này ). Cùng đi trong sự tương giao với Chúa GS, chúng ta có thể biết chắc đang đi trên con đường đúng. Giống như lịch sử Israel, Môi-sê đã không được ban cho một bản đồ khi ông được kêu gọi lãnh đạo dân Ngài ra khỏi Ai Cập; nhưng trụ mây và trụ lửa, là sự hiện diện của Đức Yavê đi với họ ( Ds 19,15-33 ). Mặc dù trong kinh nghiệm sống Kitô giáo, có nhiều điều chúng ta không biết. Nhưng có điều chắc chắn như Gioan đã ghi : Chúng ta có thể tin chắc Chúa GS dẫn đưa chúng ta đến cùng Cha, vì đây là "tình hội ngộ".

3. Chỉ có một việc cần :
    Phục vụ là điều Chúa đòi hỏi nơi mỗi Môn đệ của Ngài. Lỗi lầm của Matta không phải ở chỗ nàng đã phục vụ Chúa. Matta cũng không có lỗi vì đã "phục vụ quá nhiều". Matta cũng không có lỗi vì bận rộn lo dọn tiệc thết đãi Chúa, bà thấy thật hạnh phúc vì đã được một cơ hội tiếp đãi một khách quý như vậy. Đúng ra Matta đáng được Chúa khen vì đã có tinh thần tận tâm phục vụ. Lỗi lầm của Matta là "băn khoăn lo lắng nhiều chuyện" đến nỗi quên Chúa, chỉ nhớ đến phục vụ mà thôi - Sự bận rộn đã khiến Matta quên Chúa là người mình đang phục vụ. Matta đã để cho công tác phục vụ chiếm mất chỗ của sự tương giao, trò chuyện với Chúa ( x Lc 10,38-42 ).
    Là con cái Chúa chúng ta phải phục vụ Ngài. Chúng ta phải dùng bàn tay, khối óc để phục vụ Chúa, dùng cả những ta-lân mà Chúa phú ban cho để phục vụ Ngài. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng "bận tâm lo lắng nhiều việc vặt" mà đánh mất mối tương giao với Chúa. Chúng ta cần giữ quân bình cả hai, tức phải tận tâm phục vụ khi có nhu cầu và đồng thời cũng phải hết lòng tương giao với Chúa. Phục vụ nhiều lúc dễ hơn tương giao. Khi giao chiến với dân A-ma-léc, Gio-suê không hề cảm thấy mệt mỏi; nhưng ngồi trên đỉnh núi cầu nguyện, Môi-sê lại cần có hai người nâng tay ông lên. Chúng ta đừng để công tác phục vụ chiếm hết thì giờ học Kinh Thánh và cầu nguyện vì "Sách Thánh có thể dạy chúng ta nên người khôn ngoan để được ơn Cứu độ" ( 2 Tm 3,15a ). Chúng ta cần được sức mới của Chúa để phục vụ qua những giờ phút tương giao với Chúa. Ưu tiên của đời sống chỉ có một việc cần là LẮNG NGHE TIẾNG CHÚA để tâm linh chúng ta được nuôi dưỡng và khỏe mạnh, được mãi mãi khát khao và yêu mến Chúa. Thiết tưởng cũng nên nhắc lại giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxico : Trong một bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, dựa trên bài Phúc Âm CN XVI Quanh năm, Đức Thánh Cha giải thích "phần tốt nhất" mà Maria đã chọn, đó là Lắng nghe Lời Chúa. Lắng nghe Lời Chúa là phần tốt nhất bởi vì Lời Chúa đụng chạm và định hình cuộc sống, biến đổi và giải phóng nó khỏi bóng tối của sự ác, đặc biệt là làm cho cuộc sống tràn đầy và mang lại niềm vui không bao giờ tan biến.
    Không chối bỏ giá trị của sự dấn thân cụ thể, nhưng Đức Thánh Cha nhắc rằng việc làm phải được soi sáng bởi Lời của Chúa; nếu không chúng ta sẽ bị lo lắng bận tâm và trở thành duy hoạt động nhưng thiếu đời sống thiêng liêng. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu mỗi ngày hãy đọc một đoạn Phúc Âm ngắn và bắt đầu ngày sống với Lời Chúa, để Lời đó hướng dẫn chúng ta thực hiện thánh ý Ngài ( Theo Vatican News ). "Mỗi ngày đọc một đoạn Phúc Âm ngắn", một năm sẽ đọc được 365 đoạn, như thế ta có thể đọc hết được cuốn Kinh Thánh Tân ước. Nên chọn tiêu chuẩn đơn giản nhất thế này để dễ thực hiện. Tuy nhiên, đọc Kinh Thánh không phải chỉ đọc một lần là đủ, phải đọc đi đọc lại nhiều lần; Lời Chúa thích ứng trong mọi hoàn cảnh mà không bị méo mó đi, càng đọc ta càng khám phá ra được nhiều điều mới lạ.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin cho con luôn nhìn xem Chúa, bước tới để làm một Môn đệ trung tín, xứng đáng với Tin Mừng.
    Xin Chúa giúp con luôn giữ quân bình giữa thì giờ lắng nghe tiếng Chúa và thì giờ Phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân.
    Cám ơn Chúa vì Ngài luôn che chở bảo bọc con, xin giúp con luôn tin cậy nơi Ngài để con không sợ hãi và lo âu.

P/s : Mời đọc thêm bài "Một Matta và một Maria" trên nhãn "Bài suy niệm 17" của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

Thức theo trăng













Đêm qua trăng không ngủ

Trăng nhảy múa nô đùa
Cây vườn nhà quyến rủ,
Cũng muốn đùa theo trăng.

Gió động lay trăng vỡ,
Tưởng chừng ai ghé thăm
Trăng đong đầy nỗi nhớ,
Hát ru giấc mộng thầm.

Đường về trăng sáng quá,
Băng ngang qua ngõ nhà
Hoa hồng rung nhẹ lá,
Chạm phải tóc người ta.

Lời tự tình kiêu sa,
Đâu còn như xưa nữa
Trăng ca bài muôn thuở
Vang vọng khắp núi rừng.

Mang nỗi lòng bâng khuâng
Anh tìm trăng để tắm
Niềm hân hoan sâu thẳm
Hạnh phúc bỗng dâng trào.

Trăng lồng lộng trời cao,
Hiểu hồn anh lắm chứ ?
Đêm qua anh không ngủ
Chờ đợi ánh trăng vào...

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2022

Từ câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người bại liệt

    

 Tôi đã viết suy niệm về những câu chuyện Chúa Giêsu ( GS ) chữa lành người bị mù mắt, người câm điếc và người bị quỷ ám; nhưng quả thật câu chuyện Chúa GS chữa lành người bại liệt đã khiến cho tôi không khỏi tò mò vì đây là một chuyện hiếm xảy ra, ngày nay không phải ai cũng làm được như Ngài, đúng với lời Thánh Kinh ghi lại nhận định của dân chúng : "chuyện kỳ lạ, mà chúng ta chưa thấy bao giờ !" ( Lc 5,26b v Mc 2,12b ). Hơn nữa, các tác giả viết câu chuyện này đã mô tả một cách rất tinh tế và sinh động.

1. Bối cảnh địa lý và diễn tiến ban đầu :
   Matthêu viết rằng: "Đức GS xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Ngài một kẻ bại liệt..."( Mt 9,1-2 ). Macco thì viết : "Vài ngày sau, Đức GS trở lại thành Caphanaum. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng Lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức GS một kẻ bại liệt có bốn người khiêng..."( Mc 2,1-3 ). Luca viết : "Một hôm, khi Đức GS giảng dạy, có mấy người Pharisieu và Luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Galile, Giuđê và Jérusalem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật. Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người" ( Lc 5,17-18 ) - cũng chỉ là 2 câu, nhưng cách viết của Luca có vẻ dài hơn.
    Cả 3 Thánh sử đều viết về câu chuyện này, nhưng đọc qua từng bản văn của mỗi Thánh sử, ta có thể suy luận để thấy được một không gian địa lý : Chúa xuống thuyền đi băng qua hồ, hồ ấy là Biển hồ Galile; thành của Chúa đề cập ở đây là thành Caphanaum, chứ không phải thành Jérusalem. Và chắc chắn trước đó Ngài cũng làm nhiều việc lạ lùng khác nữa.

2. Những tình huống tiếp theo :
        a. Tình huống chữa lành :
    Đọc Kinh Thánh, Tin Mừng Mc 2,1-12. Theo câu 1, sau khi đi xong một vòng các nhà hội, Chúa GS trở về Caphanaum.Tin mừng được loan báo đi nhanh chóng nên đông đảo người dân đến để nghe Ngài giảng dạy và được chữa lành bệnh tật, đến nỗi "trong nhà ngoài sân chứa không hết"( c 2, có sách dịch là "không còn chỗ để chen chân" ). Tôi nghĩ rằng, các bạn của người bại đã khiêng anh này trên một cái cáng ( Matthêu và Luca thì nói khiêng trên một cái giường ), nhưng không cách nào xen vào cửa được. Họ không bỏ cuộc. Xem một số tư liệu hình ảnh thấy nhà ở Palestine thời đó thường có nóc bằng phẳng, dùng làm chỗ nghỉ ngơi thanh tịnh, có cầu thang bên ngoài để leo lên. Những người bạn này nghĩ ngay ra cách để đưa người bạn thân yêu đến với Chúa GS. Nóc nhà gồm những cây xà thật thẳng, đặt từ vách này sang vách kia, mỗi cây cách nhau khoảng một mét. Họ khoét ngay một lỗ lớn giữa hai cây xà, cố gắng khiêng người bại liệt lên mái nhà, rồi dòng cáng người bại xuống ngay chỗ Chúa GS ngồi. Công việc này đòi hỏi nhiều nổ lực, cộng tác chặt chẽ, với tinh thần vượt khó lớn lao, chắc chắn lòng họ yêu thương người bại, lòng họ đầy niềm tin và phải động viên khích lệ nhau lắm. Họ phải cân nhắc tối đa khi khiêng, kéo lên dòng xuống chiếc cáng; nếu không, chỉ một phút sơ ý, hoặc không đều tay, người bại có thể rớt xuống dễ dàng. Có lẽ họ cũng kêu gọi sự giúp tay của những người khác nữa mới có thể làm được công việc khó khăn này.
    Đối với người bại liệt, trải qua bao năm tháng mỏi mòn chạy chữa không được, đã tuyệt vọng bỏ cuộc. Mặc cảm, buồn nản, cô đơn, đau khổ...đã giết dần giết mòn anh ta, anh không còn tha thiết sống nữa khi thấy mình là cục nợ của gia đình, bạn hữu. Giờ đây tinh thần tháo vát, sáng kiến, chịu cực, hy sinh của các bạn đã ảnh hưởng sâu xa trên anh. Nghe tin Chúa GS trở lại, với những tiếng đồn về những người được chữa lành trước kia, đã là niềm hy vọng cho người bại và các bạn. Hy vọng tưởng trong tầm tay nhưng rồi trở nên mong manh và tan biến khi gặp nghịch cảnh lớn lao tại cửa vào chỗ hội. Chắc họ cũng phải bàn cải, thảo luận với nhau nhiều trong suốt diễn trình đó, từ khi khiêng ra khỏi nhà, đến nơi tụ họp gặp trở ngại hầu như không thể vượt qua khi không còn chỗ để chen chân. Chín người mười ý, tìm ra được giải pháp mà mọi người đồng ý trong hoàn cảnh bấy giờ không đơn giản. Nhưng họ đã quyết tâm hành động và cam kết đến cùng, vượt qua mọi trở ngại khó khăn. Từng chi tiết, mỗi diễn tiến của lòng thương yêu chăm sóc này đã gây ra những tác động to lớn và sâu đậm trên người bại. Tất cả bừng lên một hy vọng sống và rồi chính người bại này đã kinh nghiệm quyền năng Thiên thượng khi gặp Chúa GS và được chữa lành. Phúc âm ghi rõ : "Người bại liệt đứng dậy, lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh TC. Họ bảo nhau : "Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ !" ( Mc 2,12 ). Cả ba Phúc âm đều ghi nhận mọi người sửng sốt và tôn vinh TC ( x Lc 5,26a v Mc 2,12a v Mt 9,8a ).

        b. Chúa GS đặt vấn đề tha tội :
    Bốn người bạn đầy đức tin và lòng thương yêu người bạn khốn khổ của họ đã được Chúa nhân từ giàu lòng trắc ẩn nhìn thấy rõ, đoái thương và nhậm lời ngay ( c 5 ). Có người cực đoan cho rằng những người bạn này đưa người bại đến với Chúa GS chỉ vì nhu cầu thể chất thôi. Thật ra, chính câu 5 trong Macco, chương 2, đã xác định Chúa nhìn thấy rõ đức tin trong các người bạn này. Hơn thế nữa, dân chúng tại Caphanaum đã nghe biết về danh tiếng của Chúa, khi nhìn thấy dấu hiệu của Đấng Méssia trong Chúa GS ( Mt 8,17 v Lc 7,2 ), những người ấy đã rũ nhau đến. Đó là lý do khiến đông đảo người ta tuôn tới ngôi nhà, làm cho các bạn không thể khiêng người bại vào gặp Chúa được. Macco không nói gì về chính người bại, nhưng Chúa GS nhìn thấy rõ nhu cầu tâm linh sâu kín chất chứa lâu nay trong người bại đáng thương này, Ngài tuyên bố tha thứ tội lỗi, giải phóng cho anh ngay. Câu hỏi được nêu ra : Tại sao Chúa GS đặt vấn đề tha tội ? Chúa GS nhìn thấy những khắc khoải, mặc cảm dằn vặt, giết dần mòn con người bại này xưa nay. Chỉ có Chúa Cứu Thế mới nhìn biết và Ngài không bao giờ khước từ những tâm hồn đau khổ, nhận thức thực trạng khốn khổ của mình. Hơn nữa, nổ lực của bốn người bạn mang người bại đến đã nói lên một đức tin lớn, bày tỏ bằng hành động cụ thể - đức tin phải có việc làm ( Giacobe 2,26 ). Chúa GS đặt vấn đề tha tội vào hàng ưu tiên, phải giải quyết trước và chỉ khi nào người bại được chữa lành về tâm linh, được tha thứ tội lỗi, người đó mới vui thỏa tận hưởng sự chữa lành thể chất Chúa ban.
    Chúa GS nhìn thấy một nhu cầu sâu xa nhất, cần thiết nhất, cấp bách nhất cho người bại này : Đó là nối lại mối liên hệ gãy đổ giữa người bại với Thiên Chúa ( TC ). TC dựng nên con người chúng ta một con người toàn diện, Ngài thỏa lòng về công trình sáng tạo đó ( St 1,31 ). Khi nguyên tổ chúng ta sa ngã và nhân loại lầm lạc trong tội lỗi, TC có chương trình cứu chuộc, đem chúng ta trở lại với Ngài. Chúa muốn cứu toàn diện, không chỉ giới hạn linh hồn như một số người lầm tưởng. Chúa tiếp tục thương yêu, chăm sóc, nuôi con dân Chúa phát triển toàn diện, trưởng thành trong mọi lĩnh vực. Thân xác bại xuội đã ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng, cơ địa của người bệnh. Chúa GS muốn giải quyết tận gốc và đem người bại đó bước vào mối liên hệ thắm thiết với TC. Tuy phân đoạn Tin Mừng Macco không nói rõ, nhưng người bại, các bạn của anh ta; và hơn ai hết, chính Chúa GS biết rõ nhu cầu lớn lao nhất này, và chỉ có mình Ngài - Chúa Cứu Thế tức là Ngài cứu thế gian. Thượng Đế Ngôi Hai mới có thẩm quyền làm điều này.

        c. Quyền năng của Chúa và sự đối chất với các luật sĩ :
    Những nhà lãnh đạo và thầy dạy luật thời Chúa GS, họ đều biết rõ Thánh Kinh Cựu ước. Họ am hiểu thần học và đến từ nhiều nơi, chứ không phải chỉ giới hạn tại Caphanaum. Họ đã gởi đoàn điều tra đi thăm dò chất vấn Gioan Tẩy Giả ( Jn 1,19-28 ), nay đến với Chúa GS ( Lc 5,17 ). Họ biết rất rõ chỉ có TC mới có thẩm quyền tha tội. Khi Chúa GS nói đến những chữ "tội con đã được tha", họ sửng sốt, họ ngạc nhiên. Làm sao người đàn ông từ Nazaret bình dị, khó nghèo ấy lại dám tuyên bố tha tội cho người bại liệt ? Ai ban thẩm quyền mà dám cả gan, mạnh miệng nói như vậy ? Chúng ta thấy hình như câu hỏi thẩm quyền này xuất hiện suốt thời gian thi hành sứ vụ của Chúa GS. Chỉ có hai cách giải quyết : Một, Chúa GS thật sự có quyền năng, Ngài là Thượng Đế. Hai, Ngài lộng ngôn. Hoàn toàn không có lối thoát thứ ba. Nếu họ không chấp nhận, không tin Chúa GS là TC, là Đấng Messia, chắc chắn họ phải lên án. Một số thấy rõ vấn đề ( Mc 3,6 ) nên đã tìm mọi cách, mọi âm mưu để giết hại Chúa GS cho bằng được. Thật ra, một số ít khác cũng có thiện chí tìm kiếm Ngài ( Mc 12,34 ). 
    Chúa GS hiểu rõ từng suy nghĩ của những thầy dạy luật cứng cỏi này. Ngài đi ngay vào tận đáy lòng họ và đặt thẳng vấn đề theo đúng tiến trình và lập luận của họ ( Mc 2,8 ). Nhiều tiên tri đã chữa lành bệnh cho người khác rồi dần hồi chăm sóc giúp phục hồi những suy sụp tâm linh. Các tiên tri có thể chữa lành bệnh, nhưng tuyệt đối họ không thể tha thứ tội cho bất cứ ai. Chúa GS giúp các thầy dạy luật đối diện thẳng với vấn đề nên Ngài làm cả hai ( Mc 2,8-11 ). Ngài có thẩm quyền tha thứ tội và chữa trị mọi bệnh tật. Chúa cho họ chứng kiến tận mắt. Kết quả sờ sờ làm họ câm miệng. Cả đoàn dân ngạc nhiên ca ngợi, cảm tạ TC; trong khi họ lặng yên, chết cứng. Chúa GS cho họ thấy, các ông khẳng định chỉ có TC mới có thẩm quyền tha tội, các ông nói đúng. Và đây, Con Người này đã minh chứng, chẳng còn kết luận nào khác hơn nữa. Chúa sống giữa trần gian, thi hành sứ vụ trong hơn 30 năm để mọi người có cơ hội nghe, thấy, chứng kiến tận mắt những điều Chúa làm hằng ngày, và có thể kinh nghiệm quyền năng Ngài chạm đến đời sống cá nhân, nhưng họ vẫn một mực từ chối. Họ nghĩ đến một Đấng Messia theo suy luận của họ, họ nhốt Chúa Hằng Hữu vào trong một định kiến sai lầm, giới hạn, thay vì mở lòng ra nghinh đón, tin nhận và mời Ngài làm chủ cuộc đời.
    Mọi người, mỗi con dân Chúa đều chứng kiến phép lạ xảy ra hằng ngày. Họ thở, sự sống đầy huyền nhiệm mà TC ban cho bên cạnh trăm ngàn thứ khác là những món quà quý giá vô ngần. Ai cứng cỏi, chai đá, khước từ, đòi hỏi, sẽ chẳng bao giờ nhận được gì cả. Cho đến khi nào tâm hồn rộng mở, đón nhận với ngạc nhiên, lòng biết ơn sâu xa và môi miệng ca ngợi; chúng ta mới có thể kinh nghiệm được quyền năng siêu nhiên của Chúa Cứu Thế; mới khám phá lòng yêu thương, nhân từ, thương xót lớn lao của Chúa Hằng Hữu trên tội lỗi, thân xác và bệnh tật cách cá nhân, mới có thể chia sẻ kinh nghiệm sống động đó cho người khác.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho con biết rõ nhu cầu của người bạn hoặc anh chị em thân yêu của con. Nhận thức này sẽ giúp con thêm lòng tìm kiếm, học hỏi về Chúa, tương giao với Ngài để lớn lên trong sự hiểu biết, khôn ngoan và khả năng phân biệt, nhìn thấy nhu cầu của người khác đang cần giúp đỡ.
    Lạy Chúa, xin cho con biết yêu thương người bệnh, yêu thương người nghèo, sẵn sàng hy sinh phục vụ và chăm sóc họ.
    Xin cho con biết bày tỏ đức tin cho những người chưa nhận biết Chúa, xin quyền năng Chúa tác động để họ được biết Chúa, tin Chúa, được Chúa chữa lành cả thể xác lẫn tâm hồn. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.