Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Thăm mộ người tạo ra chữ quốc ngữ

THĂM MỘ NGƯỜI TẠO RA CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM.
Thăm mộ cụ Alexander De Rhodes, người tạo ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam.
Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes
Câu chuyện về người con đất Việt tìm thăm lại mộ ngài Alexandre de Rhodes ở miền đất xa xôi, làm cho người đọc cảm thấy ấm lòng.
Anh Trường là hướng dẫn viên du lịch, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa nhưng trong lòng vẫn mong ngóng về một điều bấy lâu, đó là được tới tận nơi ngài Alexander De Rhodes an nghỉ, đặt lên mộ ngài một bó hoa và nói nên lời cảm tạ từ đáy lòng.
“Từ thuở còn sinh viên, khi được học về nguồn gốc chữ quốc ngữ mà chúng ta có được để sử dụng một cách dễ dàng và tiện lợi như ngày nay. Tôi đã thầm cảm ơn những nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là Alexandre de Rhodes, người đã có đóng góp lớn lao trong việc hoàn thiện hệ thống bảng chữ cái cho người Việt Nam của chúng ta.
Và may mắn thay, trong chuyến đi Iran lần này. Một cơ duyên vô cùng quý báu đã giúp tôi có cơ hội đến viếng thăm ngôi mộ, nơi yên nghỉ của ông trong một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran.
SỰ CHỈ GIÚP CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT BỤNG
Từ lời gợi ý của một chị bạn, chúng tôi biết được thông tin về ngôi mộ của Alexandre de Rhodes được an táng trong một nghĩa trang công giáo của người Armenia tại Esfahan. Nhưng do thời gian lưu lại nơi đây khá ngắn, vì thế hy vọng được đến viếng thăm ngôi mộ của ông là khá mong manh cho chúng tôi.
Khi nghe chúng tôi nói về ước nguyện của mình, cô Malih- một hướng dẫn viên người Iran vô cùng thông cảm và hết sức tận tình giúp đỡ. Mặc dù với thâm niên hơn 10 năm làm nghề hướng dẫn viên, đã đưa biết bao nhiêu đoàn khách từ khắp năm châu đến thăm Esfahan, nhưng là người Hồi giáo cho nên cô chưa hề biết đến thông tin về khu nghĩa trang người công giáo Armenia nằm ở đâu. Và cô cũng không hề biết đến thông tin nào về Alexandre de Rhodes.
Sau quá trình tìm kiếm, thông qua một người bạn gái gốc Armenia, cô Mila hỏi thăm được địa chỉ của nghĩa trang. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng được vào thăm nghĩa trang. Mà cần phải có sự đồng ý của người quản lý ở nghĩa trang.
Một lần nữa, chúng tôi may mắn gặp được một vị quản lý ở nhà thờ Vank, ông đã nhiệt tình viết cho chúng tôi một tờ giấy phép để xuất trình cho người quản lý ở nghĩa trang.
Cầm tờ giấy trên tay, chúng tôi vội vàng đi về phía ngoại ô thành phố Esfahan. Nơi có nghĩa trang của cộng đồng người Armenia sống tại đây.
NƠI NGƯỜI NẰM XUỐNG
Trước mặt chúng tôi là một nghĩa trang rộng lớn. Những dãy mộ xếp hàng dài nối bên nhau mênh mông. Chúng tôi biết là sẽ không dễ dàng để tìm ra vị trí lăng mộ của ngài. Chúng tôi tìm gặp một cụ già quản mộ ở đây dò hỏi. Cụ nhanh chóng lên xe đưa chúng tôi đến ngôi mộ có tên Alexandre de Rhodes….
Hôm chúng tôi đến, là ngày đầu năm mới của tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư (Iran), một vài ngôi mộ gần đấy được đặt những chậu hoa. Còn ngôi mộ của ông không có một cành hoa nào, đó chỉ là một nấm mồ nhỏ làm bằng một tảng đá hình chữ nhật nằm khép mình khiêm tốn bên những ngôi mộ khác.
Một niềm xúc cảm thân thương nghẹn ngào mà tôi không thể tả thành lời đang tuông chảy trong tôi. Đây là nơi an nghỉ của người đã có đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam. Dưới lớp đất ấy là thi hài của một người phương Tây xa lạ.
Ông đã mất từ gần 4 thế kỉ trước nhưng ông là người đã giúp cho dân tộc Việt Nam có được một bảng chữ cái với các thanh sắc uyển chuyển nhẹ nhàng, nhằm để ghi lại và diễn đạt tiếng mẹ Việt Nam.
Đặt một chậu hoa tím mua được trong một hiệu bán hoa tết của người Iran lên mộ ông. Chúng tôi không ai nói lời nào. Nhưng giữa chúng tôi có một sự đồng cảm sâu sắc. Chấp tay lên ngực, tôi khẻ cúi đầu xin gửi đến người một lời tri ân sâu sắc.
Nhìn thái độ thành khẩn và tôn kính của chúng tôi dành cho người nằm dưới nấm mộ. Người quản trang hỏi cô Malih: ông ấy là ai mà chúng tôi có vẽ tôn kính thế.
Và ông đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng đây là người đã có công hoàn thiện bản chữ cái cũng như xuất bản những quyển tự điển Việt -Bồ- La tinh đầu tiên cho người Việt Nam từ những năm 1651.
NGƯỜI QUẢN NGHĨA TRANG
Qua cuộc chuyện trò, tôi đuợc biết người quản trang có tên gọi là Rostam Gharibian, ông đã làm việc ở đây được 17 năm.
Tôi hỏi, trong 17 năm đó có bao giờ ông thấy ai là con cháu hay người thân của ngài Alexandre de Rhodes đến viếng mộ ông ấy hay không.
Thoáng chút đăm chiêu, ông trả lời rằng: vì là một thầy tu cho nên khi mất đi cũng như bao người khác Alexandre de Rhodes cũng không có vợ con. Và họ hàng thì cũng ở xa tít tận châu âu cho nên chắc cũng không ai còn nhớ.
Vì thế trong 17 năm nay ông cũng chưa hề nghe thấy một người họ hàng hay con cháu nào của ông đến thăm. Chỉ thĩnh thoảng đôi khi ông thấy có một vài người Việt Nam đến viếng mà khi đó thì ông cũng không biết họ là ai và có quan hệ như thế nào với người đã mất…
THAY LỜI TRI ÂN
Theo truyền thống của những người Iran, tôi lấy một ít nước rửa lên nấm mồ của ông. Những giọt nước mát trong chảy lên bia mộ ông tựa như lời thì thầm của chúng tôi xin gửi đến người. Cả một đời ông cống hiến vì đạo. Và trong quá trình truyền giáo, với mục đích mong muốn truyền tải những thông điệp trong kinh thánh một cách dễ dàng hơn.
Ông đã không quản khó nhọc để tìm cách sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Và đến khi cuối đời, ngài đã lặng lẽ nằm lại nơi xứ người. Có lẽ giờ đây ông không còn một người bà con họ hàng nào nhớ đến ông để thỉnh thoảng ghé thăm chăm nom nấm mồ của ông nữa, nhưng có lẽ ông cũng ấm lòng khi biết rằng vẫn còn đó những người con nước Việt.
Vẫn còn đó hơn 90 triệu người con nước Việt trên khắp 5 châu sẽ Mãi Mãi không bao giờ quên ơn ông. Người đã có công vĩ đại trong việc chấm dứt 1000 năm tăm tối, 1000 năm khốn khó khi những người Việt phải đi mượn chữ Tàu ghi lại tiếng Việt.
Và giờ đây, hạnh phúc thay. Chúng ta đã có được bảng chữ cái của riêng mình. Một bảng chữ cái dựa trên các ký tự La Tinh nhưng vô cùng uyển chuyển và dễ học.
Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes !”
Esfahan, Iran. 21/3/2017
Theo VYC TRAVEL
[Sky]

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Lời yêu

Phần Lan ơi, Thánh đường đâu vậy nhỉ 
Ở Đô thành tuyệt mỹ, có em không ?
Bao kiến trúc, bao công trình thế kỉ
Ta tìm em trong vẻ đẹp muôn trùng !

Ta muốn có ánh nến để sưởi ấm lạnh lùng
Có em đi cùng ta vào cầu nguyện
Nghe tiếng Chúa trong âm thầm tĩnh luyện
Mà không ai phải đoán xét điều gì.

Ta muốn thăm thành phố Helsinki,
Được gặp em, dìu nhau sánh bước
Trên ngõ phố, ánh đèn phía trước
Lúc chiều về tuyết trắng phủ bờ vai.

Môi em nở đóa hoa hồng thắm nhụy,
Chốn lầu cao Thánh giá đứng chơi vơi
Tượng chuộc tội dang tay trông huyền bí
Nhìn ánh trăng lơ lửng giữa lưng đồi.

Phần Lan ơi, em sẽ thuộc về tôi
Nếu Chúa muốn cho em gần tôi với
Trong Thánh đường có điều gì muốn nói, 
Tôi trả lời cùng Chúa chữ YÊU thôi.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Hoa tu-lip





















Tu-lip nở cho ta niềm thương mến,
Một chân trời chưa đến đã thầm yêu
Yêu ai trong nắng gió yêu kiều
Dẫu mùa Thu, mùa Đông, mùa Xuân hay mùa Hạ.

Chỉ biết tới nơi kia miền hoang dã,
Tiếng thông reo, mây rượt đuổi suối ngàn
Những cánh chim vươn theo biển sóng tràn
Bờ cát trắng mãi hồn nhiên tình tự.

Tu-lip nở chở bao điều tâm sự,
Một loài hoa xinh đẹp của trời Âu
Trăng về đêm rải chiếu ánh nhiệm mầu
Môi e ấp cánh hoa mềm diệu quá !

Ôi quê hương, trời thương không thấy lạ
Những con người sinh sống ở nơi đây
Họ ít nói, hiền hòa nhưng bản ngã
Nét bình tâm luôn lộ rõ ban ngày.

Tu-lip nở bên cạnh những con đường,
Của đất nước tôi mơ làm khách trọ
Tôi yêu em, đặt tâm hồn vào đó
Với tình thương, âu yếm, những ngọt ngào...

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Tìm về vĩnh cửu


1.Quê hương nơi nào vĩnh cửu ?

Hán Thi có bài với tựa đề ''Sanh-Tử '', gồm 4 câu :

''Sanh dã vi quá khách,
Tử dã vi qui nhân
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần ''.

Xin phép tạm dịch :

Sinh ra làm khách qua đường,
Chết  đi  tìm  lại  cố  hương  trở  về
Trời  đất  quán  trọ  bên  lề,
Cùng thương thân phận phủ mê bụi trần.

Một nhà sư Phật giáo :  Thượng tọa Thích Nguyên Tâm, cũng là bạn thân của tôi thời PTTH, đã gởi cho tôi bài thơ trên và tỏ ra tâm đắc về ý tưởng nội dung của bài thơ. Với nhãn quan Kitô giáo, chúng ta không tránh khỏi những cảm xúc và suy nghĩ :
Thi nhân với một tâm trạng hết sức bi quan, vì đã vẽ nên chân dung của một kiếp người ''đồng bi vạn cổ trần ''. Thương thay cho thân phận của một kiếp người, chỉ có vậy thôi sao ?- Thấy thân phận kiếp người nhưng không nhìn thấy quê hương vĩnh cửu. Tìm lại cố hương để trở về, nhưng trở về đâu ? Tro bụi trở về với bụi tro ư ? Chỉ có vậy thôi thì xem như chết là hết, con người bị rơi vào một vực thẳm tối tăm, bi đát, thân phận bụi mờ ngàn năm không lối thoát !
Thiết nghĩ, cũng không thể không nhắc đến những câu thơ trong bài ''Sống Chết" của Phạm Công Thiện :

"Sống không ai ngó,
Chết chẳng ai lo
Sinh tử ồ chuyện nhỏ,
Thương khóc chi lắm trò."

Ngày nay ai cũng nhớ đến các Tổ phụ, đa số chúng ta đều nhắc đến tên các Ngài để tỏ lòng biết ơn. Tuy nhiên, không ai biết mộ các Ngài ở đâu, thân xác các Ngài còn hay mất, vì hầu như qua thời gian năm tháng đã bị xóa nhòa, dấu vết không còn đọng lại. Con cháu bao đời có nhớ đến Tổ tiên, nhưng làm sao nhớ rõ khuôn mặt từng người đã khuất. Có một điều hạnh phúc nhất là các Ngài đang hiện diện trong Nước Sự sáng. Qua sự kiện Chúa Giêsu biến hình ở núi Tabore, Tin Mừng ghi lại cả Elia và Môise đều có mặt ở đó. Như thế thì tiếc gì những ngôi mộ đã chôn các Ngài trên đất, tiếc gì những mồ mả các Ngài không còn lưu giữ.
Nhớ nhớ, không không, không nhớ, nhớ không...Tất cả không phải là bất kính, điều quan trọng là chúng ta vẫn nhớ đến một Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, một Thiên Chúa toàn năng thì Ngài mới có quyền trên cả sự sống sự chết của ta và của ông bà Tổ tiên ta. Đối với người quá cố, có khi ta khéo quá lại thành ra bất kính vì chẳng qua là hình thức, chi bằng hãy nhìn trực thị trời xanh nơi ấy có ánh hào quang lấp lánh của người thân đã khuất. Nhà thơ Mai Thảo ở Mỹ, khi mất, thân nhân đã khắc lên mộ bia của ông bài thơ tuyệt cú :

"Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc   ở   sao   trời   sẽ   hiểu   thôi."

 Nhà thơ Thanh Tịnh viết trong bài ''Hồi một hôm'' như sau :

''Hồi một hôm nếu về cha hỏi :
Mẹ ở đâu, con biết nói sao ?
Con hãy bảo : Trông cha mòn mỏi,
Mẹ  từ  trần  sau  mấy  tháng  đau.
...
Còn mồ mẹ nếu cha muốn hỏi :
Phải hướng nào con tỏ cùng cha ?
Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc,
 Và  trên  trời  chỉ  nội  cỏ  hoa.''

Tôi thấy đồng cảm vì cả hai câu cuối của hai nhà thơ đã gợi nên một nơi chốn trở về.
Tôi chứng kiến một người Phật giáo qua đời, con cháu tổ chức cúng kiến rềnh rang. Thật là vô ích, Người chết thì vẫn nằm bất động, những tốn kém ấy không trang trải cho những người nghèo đang đói rét chung quanh. Chưa nói đến người chết rồi còn nghĩ mua quan tài tốt xấu, chôn chỗ đất cao, chỗ đất thấp, xây lăng mộ thật lớn... Quê hương của họ ở đâu nhỉ ? Chẳng lẽ họ chỉ có một quê hương là nơi nghĩa địa đầy những xác người với những chiếc quan tài đó sao ?
Kinh Thánh nói gì về bia mộ ? Tôi không tìm thấy một câu nào có ý khuyến khích con người nên xây mộ bia ở trần gian này, chỉ thấy trong Cựu ước hòm bia Thiên Chúa là để đựng mười điều răn Chúa mặc khải cho Môise và Tân ước chỉ thấy một vài lời Chúa Giêsu liên hệ để rủa các Biệt phái mà thôi :
''Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ bẩn ''( Mt 23,27 ).

Mộ bia, bia mộ... Dân nhậu đùa với nhau qua mẫu chuyện vui :
- Uống bia dễ chết hơn uống rượu.
- Ủa, sao vậy ?
- Tại vì ra nghĩa trang chỉ thấy toàn ''mộ bia'', chẳng thấy ''mộ rượu ''!

Cũng là rủa sả các Pharisieu và Thông luật, nhưng có câu nói sau đây của Chúa Giêsu đáng cho ta suy nghĩ :
''Khốn cho các ngươi, vì các ngươi xây lăng cho các Ngôn sứ nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy ! Như vậy các ngươi làm chứng và ưng thuận việc cha ông mình đã làm, vì họ đã giết các Ngôn sứ, còn các ngươi thì xây lăng tẩm.''( Lc 11, 47-48 ). 
Và Chúa Giêsu phán : ''Ta nói cùng các ngươi là bạn hữu ta : Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa ''( Lc 12,4 ). 
Rõ ràng Giáo Hội không khuyến khích việc xây mộ bia cho người Tín hữu qua đời phải to lớn. Cái cần nhất Chúa muốn là đời sống của mỗi người phải tốt, phải thánh thiện, phải trung tín với Chúa để xứng đáng làm con cái Ngài.
Chúa Giêsu nói : ''Giờ đến, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Thiên Chúa, và những kẻ nghe sẽ được sống... Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi : Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai làm dữ thì sống lại để bị xét đoán'' (x Jn 5, 25-28 ). 

2.Vĩnh cửu nơi nào quê hương ?

Đời người, càng lớn tuổi, càng tiến gần tới mồ. Đó là quy luật tất yếu, nhưng người ta không nghĩ đến quê hương vĩnh cửu mà chỉ nghĩ đến ngôi mộ nằm trên đất, dẫu biết rằng thân xác ai rồi cũng sẽ thối rữa. Chúa Giêsu chết, khi được tán xác vào huyệt mộ, có ai nghĩ rằng ngôi mộ ấy là nơi ở của Ngài đâu. Khi Chúa sống lại, hiện ra, Chúa phán : Ngài sẽ về cùng Cha. Như thế, ngôi mộ chẳng còn gì quan trọng nữa, nếu có chỉ là nơi để tưởng niệm, để suy gẫm về mầu nhiệm sự chết của Ngài và của chúng ta ngày hôm nay mà thôi.
Truyền thống lâu đời : Thờ cha, kính mẹ là phong tục của người Á đông, họ còn thờ cả những người khuất bóng cho dù đó không phải là cha mẹ mình. Người ta vẫn nặng nề vào việc này còn hơn là tôn thờ một Thượng Đế - một Đấng Toàn năng đã sinh ra mình và ông bà tổ tiên mình. Chính vì thế trên bàn thờ người Á đông đa số có di ảnh và bát nhan dành riêng cho từng người đã khuất. Cách thờ phượng ấy ngay cả một số người Công giáo có khi cũng bị ảnh hưởng.
Chúa Giêsu bảo : ''Ai yêu cha mẹ hơn ta, ai yêu con trai con gái hơn ta...thì không xứng đáng làm môn đệ ta.'' Qủa thật là đúng. Những người với não trạng như thế làm sao làm môn đệ của Đức Giêsu được.
Trong những giây phút cuối cùng trên thập giá, Chúa nói ''Ta khát'', không phải Ngài khát do cơn nắng gắt, mà cái khát ấy cho đến ngày hôm nay vẫn còn. Chúa còn khát vì nhân loại còn mê muội, Chúa còn khát vì nhân loại chưa nhận biết Ngài. Chúa muốn một nguồn dịu ngọt chạm đến miệng lưỡi và cõi lòng của Ngài, nhưng người ta lại cho mật đắng, nhân loại chỉ biết buông ra những lời thóa mạ chua cay. Chính vì thế Chúa nói ''Ta khát'', và Ngài vẫn còn khát mãi. Tôn giáo vẫn đang bị bách hại, nơi này chùa chiềng bị san bằng, nơi kia tượng Chúa bị đập phá... chốn linh thiêng đang bị con người làm những điều tồi bại.

Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu viết :

''Mưa gió chuyển xoay đầu ngọn bút,
Càn khôn chết lỏng nửa tròng ngươi
Khí thiêng đất nước còn nguyên đó,
Chín  suối  ai  ơi  đứng  dậy  cười ...!''

Có ai về nơi chín suối rồi mà còn đứng dậy được đâu ? Có ai về cõi ngàn thu rồi mà còn thức giấc được đâu ? Lời kêu gọi trên của cụ Phan Bội Châu âu cũng chỉ là lời kêu gọi muốn thức tỉnh lòng yêu nước, lời kêu gọi bởi sự tức tối với một nghịch cảnh mà dân tộc phải gánh chịu. Xin nhắc lại lời Kinh Thánh đã trích dẫn ở trên : ''Giờ đến, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Thiên Chúa, và những kẻ nghe sẽ được sống... Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi : Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai làm dữ thì sống lại để bị xét đoán'' (x Jn 5, 25-28 ). Không phân biệt người của quốc gia hay dân tộc nào.

''Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.''

''Cọp chết để da, người ta chết để tiếng''.

Người làm việc tốt bao giờ cũng được miệng đời ca tụng và biết ơn. Kẻ làm những việc xấu xa, bất nhân, bao giờ cũng bị miệng đời nguyền rủa. Lời Chúa thì bất biến với thời gian vì Lời Chúa đem lại sự sống cho con người. Kẻ dữ làm việc dữ rồi tự nó sẽ xâu xé nhau, ăn thịt lẫn nhau, cho đến ngày cáo chung.

Ơn Cứu chuộc đã đến, gõ cửa trái tim của mỗi người. Ước gì chúng ta đều thấy được : Thân phận con người nay còn mai mất, nhưng được làm người là một đặc ân vì chúng ta được nên giống Chúa ( giống hình ảnh của Chúa )( x St 1,26 ), được Thiên Chúa yêu thương vô bờ, mặc dù chúng ta còn tội lỗi, bất xứng.

Không phải chết là hết. Cũng không phải chết là mất. Đúng nghĩa : Chết là qua đời - ( cách người ta thường gọi ) - Là khởi sự một cuộc đời mới. Chúa Giêsu đã thoát ra khỏi ngôi mộ của Ngài, Ngài đã làm bật tung hòn đá lấp trước cửa mộ của Ngài, điều đó có nghĩa là Chúa đã giải thoát con người ra khỏi mộ bia. Tạ ơn Chúa cho chúng con nhận biết Thiên Chúa là Cha, nhờ thế mà chúng con thấy được một quê nhà vĩnh cửu. Đời này chỉ là cõi tạm, mộ bia nghĩa trang chỉ là nơi an nghỉ tạm thời để chờ ngày sống lại. Cách thuần túy nhất của loài người : chết thì phải chôn, như Apraham xưa cũng phải mua đất để chôn vợ mình khi chết, ngay tại Canaan( x St 23,1-20 ). Tuy nhiên, chúng con tin rằng thân xác loài người ngày sau sống lại, vì chính Chúa khi đã chịu chết rồi Chúa đã sống lại, để cho chúng con xác tín được mầu nhiệm ấy.

Mỗi người có một giấc mơ,
Người mong, kẻ đợi trông chờ vào nhau
"Trăm năm có nghĩa gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì" ...

Ước gì mỗi một chúng con đều thấy được quê hương vĩnh cửu Nước Trời.

JB.SĨ TRỌNG.
(Viết vào tháng Cầu cho các linh hồn ).

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Đất nước hiền hòa

Phần Lan,  Đất  nước, Con người
Anh yêu tha thiết khung trời đẹp xinh
Mùa Thu nắng chiếu lung linh,
Suối rừng, cây lá tự tình trăng sao
Biển không dữ dội sóng gào,
Mùa Đông tuyết phủ trắng phau mặt đường
Đô thành bóng dáng yêu thương,
Tuyến xe đưa rước khách thường tới nơi
Dòng sông êm ả tuyệt vời,
Hoa khoe sắc thắm núi đồi bình yên
Đất hiền - một cõi thần tiên,
Gió vờn tóc xỏa ru miền mộng thơ
Thông reo vi vút đợi chờ,
Cánh chim chao lượn quanh hồ nước xanh
Vội vàng giọt nắng long lanh,
Hoàng hôn níu kéo chân anh trở về...

JB.Sĩ Trọng.