Thứ Tư, 20 tháng 10, 2021

Ăn

    

    Ông anh tôi thường hay mời tôi ở lại ăn cơm mỗi lần tôi ghé nhà chơi, đó là bữa ăn gia đình. Ngồi bên nhau, nhiều khi ăn còn uống thêm chén rượu, chuyện trò thân mật, làm cho bữa ăn thêm vui và thêm ngon miệng. Không ai uống rượu mà uống một mình, người nào uống rượu một mình chắc có lẽ người đó quá phiền lụy hoặc chán đời.
    Người VN chúng ta rất coi trọng cái ăn. Chính vì vậy trong cách nói thông thường, chữ "ăn" có thể ghép được với một chữ khác tạo ra một nghĩa tương ứng : từ ăn chơi, ăn tiệc, ăn cưới, ăn mừng đến ăn đòn, ăn gian, ăn bám, ăn bẩn, ăn năn.v.v...Rất nhiều từ, chữ "ăn" dường như bao trùm trong suốt cuộc sống với bao chủ đề ẩm thực và lối sống con người.
    Ăn không phải chỉ là nhu cầu của thân xác, mà còn là một sinh hoạt biểu lộ nhân cách, biểu lộ tính người. Vì thế, chúng ta phải biết giữ phép lịch sự trong khi ăn như tục ngữ đã nói : "Ăn xem nồi, ngồi xem hướng", "Lời chào cao hơn mâm cổ". Cũng như tránh những căng thẳng làm mất đi bầu khí thân mật vui tươi của bữa ăn : "Trời đánh tránh bữa ăn". Đây là những câu tục ngữ mà hình như chỉ người VN mới có, tôi không biết trên thế giới có nước nào có những câu tục ngữ hay như thế nữa không.
    Người VN ăn cơm là chủ yếu. Khát vọng vốn có từ ngàn xưa vẫn là no cơm ấm áo. Bởi giá trị đặc biệt của nó nên hạt gạo được ví là hạt ngọc Trời ban : "Nhờ Trời mới có cơm ăn áo mặc" - câu nói này của người VN thật dễ thương. Cơm là phúc lộc trời ban. Vì thế trong bữa ăn, dù có bực mình, cha mẹ vẫn nhịn nhục không đánh mắng con cái. Cả nhà ăn uống vui vẻ xong đã, sau đó muốn mắng thế nào thì mắng.
    Và nhất là đừng để cho miếng ăn trở thành miếng nhục khi con người không còn thể hiện được nhân cách, không còn thể hiện được tính người của mình trong cái ăn. Đó là trường hợp của những bon chen và giành giật, tham lam và hối lộ ( ăn tham và ăn hối lộ ).
    Khi dọn đãi ai đó ăn một món gì thì người đãi tiệc mong họ ăn ngon, ăn hết món ăn đã đem ra. Chỉ biết thế là đủ, không cần phải nhìn vào miệng người ăn, hay cách họ ăn thế nào. Ăn đối với con người thiết yếu là ăn cùng, ăn với, nghĩa là phải thể hiện được đòi hỏi cao quý nhất trong tình người, đó là sự chia sẻ và tình liên đới với người khác.
    Hiểu như thế chúng ta mới thấy được tại sao Chúa Giêsu ( GS ) đã dành một chỗ đứng quan trọng cho cái ăn trong cuộc sống công khai của Ngài.
    Thực vậy, Tin Mừng đã ghi lại rất nhiều sinh hoạt của Chúa GS về cái ăn. Đa số những bữa tiệc Chúa GS tham dự đều là tiệc mặn, tiệc rượu. Ai mời thì Ngài nhận lời ngay, chưa thấy Chúa GS từ chối ai bao giờ. Do đó ai cũng mời thật, không có ai mời đưa như kiểu của người VN mình.
    Chúa GS đã đi ăn cưới tại Cana. Chúa đã tới ăn tiệc do người Biệt phái khoản đãi. Chúa đã ăn những bữa cơm thân mật ở Béthania với ba chị em Maria, Matta và Lazarô. Ngài đã cùng ngồi ăn với những người thu thuế và tội lỗi, chẳng hạn tại nhà ông Matthêu và tại nhà ông Gia-kêu.
    Chúa GS dự tiệc rượu nhưng không ai nói Chúa say xỉn bao giờ, chuyện này Phúc Âm hoàn toàn không ghi lại. Sau này các Thánh Tông đồ đi rao giảng về Chúa thì dân chúng lại cho rằng "họ đầy rượu rồi"( cũng có sách dịch là "họ say bứ cả rồi")( Cv 2,13 ). Lòng yêu mến Chúa của các Tông đồ thuở ấy, khác với chúng ta ngày nay : Dân chúng khắp nơi ùn ùn kéo tới để nghe giảng về Chúa, Thánh Phêrô giảng, miệng cứ thao thao bất tuyệt, bụng thì đói, không ăn tiệc không uống rượu mà người ta cứ tưởng là say ! ( xem thêm Cv 2,14-36 v 3,11-26 ).
    Quan trọng hơn cả, Ngài đã thiết lập giao ước mới trong bữa ăn cuối cùng với các Môn đệ : "Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con. Này là Máu Thầy, máu giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy"( Mt 26,26-28 v Mc 14,22-24 v Lc 22,19-20 v I Cr 11,23-25 ). Từ đó bánh và rượu trở nên Mình-Máu Ngài. Thánh Thể được cử hành dưới hình thức một bữa ăn. Khi dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Thiên Chúa ( TC ), có thể nói con người ngồi vào bàn tiệc khi họ hiệp thông với lễ Vượt Qua của Chúa GS. Sự hiện diện của Đức GS tạo sự hiệp thông, là bữa tiệc của Giáo Hội, trong đó Đức GS vừa là phòng tiệc vừa là lương thực. Nơi Đức Kitô, sự hiệp thông giữa TC và thế giới trở thành hiện thực. Người là Chiên TC, được thánh hiến từ đời đời ( Jn 10,36 ) và thánh hiến cách viên mãn trong cái chết và vinh quang ( Jn 17,19 ).
    Sau khi sống lại, Chúa GS đã hiện ra với các Môn đệ trong lúc ăn uống ( x Jn 21,12-13 v Lc 24, 41-43 ).
    Chúa GS lại còn thường dùng hình ảnh bữa ăn trong những lời rao giảng của mình. Biết bao nhiêu lần Ngài đã sánh ví Nước Trời như một tiệc cưới, trong đó Thiên Chúa mời gọi tất cả, không trừ một ai ( x Mt 22,1-14 v Lc 14,15-24 ).
    Dưới mắt TC, điều làm nên giá trị con người không phải là tài năng hay sự thành đạt trong xã hội, mà chính là tình yêu phục vụ.
    Thánh Phêrô đi rao giảng và thị kiến của Ngài đem lại một sự thay đổi lớn. Khi Thánh nhân lên Jérusalem, các người thuộc giới cắt bì chỉ trích ông, họ nói : "Ông đã vào nhà những kẻ không cắt bì và cùng ăn uống với họ !" Lúc thị kiến ông "giương mắt nhìn kỹ" ông thấy trong chiếc đạy gồm các loài vật trên đất, các thú rừng, rắn rết và chim trời. TC phán bảo ông : "Giết nó mà ăn !"( Khẩu hiệu Giám Mục của Đức Cha Nguyễn văn Ấn ). Ban đầu Phêrô cũng thấy ngại vì cho rằng đó là những thứ ô uế, không thanh sạch. Nhưng TC nói với ông : "Những gì TC đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế !". Từ đó Phêrô mạnh dạn hơn trong việc truyền giáo và đón nhận dân ngoại, ngay cả việc ăn uống cũng vậy, ông không còn kiêng cử nữa ( x Cv 10,9-16 ). Phêrô luôn hòa đồng, làm bàn đạp cho việc loan báo Tin Mừng về Đức Kitô. Hòn Đá này lăn đi nhiều nơi và làm thay đổi thế giới.
    Chúa GS không kết án những người chiếm địa vị cao. Theo quan điểm của Ngài, càng có quyền thế thì lại càng có hy sinh và phục vụ nhiều hơn. Gía trị đích thực của con người chính là phục vụ và phục vụ một cách vô vị lợi. "Phục vụ Chúa trong hân hoan"- Khẩu hiệu Giám Mục của Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật. Phục vụ Chúa cũng chính là phục vụ anh em mình đấy chứ !
    Người bình dị trong xã hội sẽ được coi là người cao trọng nhất trong Nước Trời, nếu người đó biết thực sự sống yêu thương và phục vụ.
    Chính Chúa GS cũng đã sống trọn vẹn cho yêu thương và phục vụ trong suốt cuộc đời trần thế. Thực vậy, là TC, Ngài đã tự hạ đến chỗ cuối cùng, để có thể yêu thương và phục vụ những người kém may mắn nhất. Tình yêu thương và tinh thần phục vụ đã đưa Chúa GS đến cái kết : Ngài phải chịu chết trên thập giá như một tội nhân.
    Ngoài ra, Chúa GS còn mời gọi chúng ta biết noi gương Ngài để yêu thương và phục vụ lẫn nhau, nhờ đó nối dài tình thương của TC cũng như tung vãi Hồng ân của Ngài cho anh em đồng loại.
    Ngài nói với chúng ta : "Khi dọn bửa trưa hay bửa tối, các ngươi đừng mời bạn bè, anh em bà con láng giềng giàu có, mà hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què quặt và đui mù...vì họ không có gì để mời lại các ngươi"( Lc 14,12-14 ).
    Trong bữa Tiệc ly, Ngài cũng nói với các Môn đệ : "Ta là Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau"( Jn 13,14 ).
    Thể hiện tình yêu thương của TC là thương yêu không biên giới, là thương yêu không so đo, không tính toán.
    Đức Kitô đã không giam mình trong một giai cấp nào cả, tình yêu thương của Ngài trải rộng trên mọi người, trên mọi tầng lớp người trong xã hội, trong cuộc đời. Mặc dù Ngài đã dành ưu tiên cho những người nghèo, nhưng đồng thời cũng không bỏ rơi những kẻ giàu có. Như tôi đã chia sẻ trong bài viết "Người giàu gặp gai góc" : Trước mắt loài người cứ cho rằng người giàu khó tin Chúa, nhưng Chúa vẫn làm phép lạ, nhiều người giàu có trên đời đã được Chúa thăm viếng và ban cho lòng tin, họ góp phần rất lớn để xây dựng Giáo Hội. Chúa bênh vực người nghèo, công kích người giàu mà người giàu vẫn khoái, vẫn thích. Ngài đã ngồi ăn với những người thu thuế và tội lỗi, nhưng vẫn nhận lời mời đến dự tiệc do một người Biệt phái khoản đãi. Tin Mừng ghi rõ : "Có người thuộc nhóm Pharisiêu mời Đức GS dùng bữa với mình. Đức GS đến nhà người Pharisiêu ấy và vào bàn ăn"( Lc 7,36 ). Ngài không phân biệt đối xử và không loại trừ một ai.
    Hãy yêu thương và biểu lộ tình yêu thương bằng những công việc phục vụ cụ thể, bởi vì yêu thương chính là cho đi.
    Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin Chúa cho con nhận biết sự hiện diện của Chúa trong yêu thương, vì ở đâu có tình yêu thương ở đó có Chúa.
    Xin Chúa cho con biết cảm tạ Chúa liên lỉ nhờ cái ăn, cái mặc để nuôi sống thể chất; ngoài ra chúng con cũng biết cảm tạ Chúa luôn mãi nhờ của ăn thiêng liêng nuôi sống tinh thần mà Chúa đã đổ máu ra cho chúng con có được Bàn tiệc Thánh Thể để hằng ngày được ăn và được rước Chúa vào lòng. Chúa đã dùng phương tiện tối ưu để đạt tới cứu cánh cho chúng con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2021

Vẻ đẹp khiêm nhường trong ơn Chúa.

    

     Đẹp biết bao những con người có tấm lòng khiêm tốn ! Tin Mừng ghi lại lời Chúa Giêsu ( GS ) trong dụ ngôn "Chọn chỗ thấp nhất" : "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên"( Lc 14,11 ) - Xin đừng hiểu sai vấn đề Chúa nói. Đây không phải là giả vờ tự hạ để được nâng lên. Chúa GS không có ý muốn nói như thế. Những ai giả vờ hạ mình xuống để được nâng lên thì chẳng đẹp chút nào !
    Chính Chúa GS đã mặc khải cho chúng ta biết : Chúa thích những ai có lòng khiêm nhường. Tại sao vậy ? Chúng ta hãy xem khiêm nhường là gì ? Theo Tự Điển Công Giáo phổ thông, khiêm nhường là không vượt quá chính mình. Đây là nhân đức giúp yêu thương mình đúng đắn, dựa trên việc đánh giá đúng vị thế của mình trước mặt Chúa và tha nhân. Khiêm nhường trong tôn giáo là nhận biết mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa. Khiêm nhường trong luân lý là nhìn nhận mình bình đẳng với người khác, không tự ti, không tự hạ quá đáng, nhưng biết nhận ra những ân huệ Chúa ban mà cảm tạ Chúa.
    Đối với Chúa GS, các đạo sĩ Do Thái giáo và thầy dạy luật là những kẻ nói một đường làm một nẻo. Điều Ngài muốn nói là : Cả quan niệm của họ về tôn giáo gồm tóm trong sự vâng giữ Luật pháp bên ngoài như đeo thẻ bài cho lớn, rủ tua áo cho dài, vâng giữ các luật lệ, nguyên tắc và Luật pháp một cách máy móc tỉ mỉ, nhưng trong lòng đầy kiêu ngạo. Đối với Chúa GS các đạo sĩ Do Thái giáo này là những kẻ mang mặt nạ đạo đức, còn trong lòng thì che dấu những cảm xúc tình cảm vô tín nhất. Lời tố giác đó cảnh cáo cho bất cứ ai sống đạo chỉ bằng sự vâng giữ những lễ nghi hình thức bên ngoài.
    Nhiều người Biệt phái được Thánh Luca kể lại trong Tin Mừng, họ là những người không có lòng khiêm tốn, không biết vị trí của mình, nghĩ rằng mình là đáng kính hơn người khác. Họ vào phòng tiệc thì lo kiếm chỗ nhất. Họ không cần biết ai là quan trọng. Họ cho mình là số một, không ai hơn họ nữa ! Họ thiếu khiêm nhường nên không biết chỗ của mình. Chúa GS là Thiên Chúa ( TC ) đến dự tiệc họ cũng không biết. Trong thực tế, họ muốn chiếm luôn chỗ của Chúa ( x Lc 14, 7-10 ). Đó cũng là một hình thức giống tội Nguyên tổ của chúng ta : Muốn giành lấy vị trí của TC, mặc dù không có tài cán gì bao nhiêu. Họ không nhớ rằng, nếu Chúa rút ân huệ lại thì con người chỉ là cát bụi hư vô.
    Hễ ai nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống. Vua Saolê khi xưa tự phụ, không biết vâng lời, cãi lại mệnh lệnh Chúa nên bị truất phế. Chúa nâng cao những người phận nhỏ : Chúa chọn David là con út trong gia đình Giesê. David vóc dáng thấp bé, không có công trạng gì hơn các anh mình trong gia đình hay xã hội lúc đó. Khi Samuel tới thì Giesê giới thiệu các anh của David cho Samuel. Nhưng Chúa lại không chọn ai trong số đó. Chúa chọn David, vóc người bé nhỏ, khiêm nhường... Đến thời viên mãn, Chúa để cho Con Chúa xuống thế làm người. Chúa chọn một thôn nữ ở làng Nazaret, một ngôi làng bé nhỏ không mấy ai biết đến. Chính Con TC cũng sinh ra trong cảnh nghèo khổ, thiếu thốn, lớn lên trong cảnh khốn cùng. Chúa đã sẵn sàng trở nên bé nhỏ nghèo hèn để cho chúng ta được lớn lên, được dồi dào ơn phúc. 
    Đến lượt chúng ta cũng phải biết cho Chúa một cái gì đó, làm một việc gì đó để giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh hiện tại. Người ta có xu hướng nhìn lên, ít ai nhìn xuống. Người ta bỏ ra một cái gì thì mong gặt hái một lợi lộc tương tự. Người ta sẵn sàng bỏ ra bạc triệu đãi người có chức tước để nhờ vả, chứ ít ai tính lỗ cho mình. Vì vậy, để thực hiện lời Chúa GS, quan tâm đến người nghèo thì phải có lòng yêu mến Chúa, có lòng bác ái theo gương Chúa, nhận biết Chúa là Cha, quảng đại khiêm tốn, tôn trọng mọi người và cũng là tự trọng nữa. Vì yêu mến Chúa nên không muốn làm Chúa phải buồn, ta cần xây dựng tình tương thân tương ái. Những người nghèo khổ, tàn tật không ai đoái hoài tới, Chúa muốn giúp đỡ cách gián tiếp nhờ lòng bác ái của chúng ta là Môn đệ Chúa và cũng là con cái Chúa, thay mặt Chúa ở trần gian. Nếu chúng ta tin có đời sau, tin Chúa là cha chung của mọi người thì chúng ta sẵn sàng giúp đỡ người nghèo, để mai sau chính chúng ta sẽ gặp Chúa và mọi người, khi đó ta cũng khỏi phải hổ thẹn. 
    Ngày nay hình như lòng khiêm tốn không còn chỗ đứng trong một xã hội đầy cạnh tranh gay gắt, và xem ra khiêm tốn chỉ là một thứ mặt nạ để người ta chú ý đến mình nhiều hơn. Điều này rất dễ được nhận thấy khi người ta khen ngợi và ca tụng. Nhưng trái lại, khiêm tốn Kitô hữu đích thực là chân thành nhìn nhận tình trạng thực tế trong thân phận của chính mình trước mặt người khác và trước mặt TC, qua một thân phận yếu kém và bất toàn, một thân phận yếu đuối và cả tội lỗi nữa. Một khi chân thành biết sự giới hạn của mình thì càng trở nên khiêm tốn hơn và đón nhận tình thương của TC nhiều hơn.
    Trong câu chuyện hai người vào đền thờ cầu nguyện, một người kể công và khoe khoang những việc mình làm, và một người đứng xa xa chỉ việc đấm ngực xin Chúa thương xót, Chúa đã đoái nhìn đến người khiêm tốn này ( x Lc 18,10-14 ). Khiêm tốn là bài học đầu tiên cho lòng hối cải và sự tha thứ. Khiêm tốn là cửa ngõ để ta bắt đầu bước vào nhìn nhận và thông cảm với anh chị em xung quanh. Và khiêm tốn chính là chỗ ngồi trong bàn tiệc cứu độ mà TC dọn sẵn cho mỗi người.
    Trong tu đức, trái ngược với khiêm tốn là kiêu ngạo và người ta xếp kiêu ngạo vào hàng thứ nhất của bảy mối tội đầu. Thánh Augustino cũng đã dạy rằng : "Trước tiên con phải có lòng khiêm tốn, nếu không, dù có làm việc đạo đức tốt lành đi nữa thì chính tính kiêu ngạo cũng xen vào làm cho hư mất".
    Chúa GS đã đưa cho chúng ta một mẫu gương để noi theo học tập, và sau bài học yêu thương đó là bài học khiêm tốn : "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm tốn thật trong lòng"( Mt 11,29a ).
    Hãy ngẩng đầu để thấy trời cao đẹp đẽ và đầy hy vọng, nhưng cũng hãy nhìn xuống đất để biết đôi chân của mình đang đi mà vững bước trên đường. Hãy yêu thương để sống quảng đại và hãy khiêm tốn để biết đón nhận, đó là thái độ của người Kitô hữu chúng ta.
    Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết sống khiêm nhường để được đẹp lòng Chúa. Xin tẩy bỏ sự kiêu ngạo trong con, cho dù một chút nhỏ nhoi. Xin Chúa cho con sống với trái tim yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương và phục vụ.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Hai, 11 tháng 10, 2021

Khiêm nhường và Kiêu ngạo


I. Gía trị của khiêm nhường :
    Khiêm nhường là thái độ tự hạ mình xuống. Người khiêm nhường không phải là không biết giá trị của mình. Nhưng người ấy biết so sánh mình với Chúa để rồi không tự đề cao mình, và cũng không hạ người khác xuống.
    Có lẽ ít ai muốn làm người khiêm nhường, nhưng khiêm nhường là một mỹ đức được Chúa yêu quý và mời gọi : "Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng thật trong lòng"( Mt 11,29a ). Đối với từ ngữ VN : khiêm nhường, khiêm nhượng, khiêm tốn, khiêm nhu, khiêm hạ, khiêm cung... cũng chỉ là một thứ, một nghĩa như nhau, tùy theo ngôn ngữ người sử dụng. Thánh Kinh cho biết nhiều phước hạnh Chúa dành cho người khiêm nhường, tác giả sách Châm ngôn và Thánh vịnh thường hay đề cập ( Cn 15,33 v 22,4 v 29,23; Tv 9,12 ). Isai nói rõ hơn đức khiêm nhường có một vẻ đẹp làm tươi tỉnh tâm linh ( Is 57,15 ). Đặc biệt trong Tân ước, Thánh ký Matthêu ghi nhận lời dạy của Chúa Giêsu ( GS ) :
            - "Ai tự hạ, coi mình như trẻ nhỏ, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời"( Mt 18,4 ).
            - "Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp"( Mt 5,4 ).
    Thánh Kinh còn cho  thấy trong thư Giacôbê và Phêrô :
            - "Thiên Chúa ( TC ) chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường"( Gc 4,6 ).
            - "Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì TC chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của TC, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định"( I Pr 5,5-6 ).
    Sở dĩ người khiêm nhường được Chúa ban phước, vì người khiêm nhường biết đặt đúng vị trí của mình trong tương quan với Chúa và với người. Với Chúa, người khiêm nhường thừa nhận mình là vật thụ tạo tùy thuộc vào ân huệ và sự cung cấp, dẫn dắt của Chúa. Với người, người khiêm nhường nhận mình là một người phục vụ  tha nhân vô điều kiện. Yêu anh em như chính bản thân mình; yêu cha mẹ và không bao giờ lớn tiếng, la mắng hay quát tháo cha mẹ. Ai khiêm nhường với cha mẹ, ngọt ngào với cha mẹ là người biết kính sợ TC. ( Mời đọc thêm bài "Hiếu kính với cha mẹ" trên nhãn "Bài suy niệm 4" của Blog này ).
    Mỗi chúng ta cần nhờ ơn Chúa để sống khiêm nhường trước mặt Chúa và trước mặt mọi người. Có thái độ sống như vậy chúng ta mới có thể thực hành hai điều răn lớn của Chúa : Kính Chúa và yêu người.
    Khi tường thuật dụ ngôn "Chọn chỗ thấp nhất"( x Lc 14,7-11 ), Luca không chỉ nhắc lại lời khuyên xử thế của Đức GS, nhưng đối tượng mà Đức GS nhắm tới trước hết là Pharisieu, cùng đến dự tiệc với Người trong nhà ông thủ lĩnh nhóm Biệt phái. Họ tỏ ra là những con người ham hố chức quyền địa vị hơn ai hết. Họ muốn tỏ ra cho người khác biết họ quan trọng, đáng kính, đáng nể như thế nào. Thái độ đó đã làm cho Đức GS và những người khác khó chịu, và Ngài đã lên tiếng.
    Đoạn Tin Mừng muốn dẫn chúng ta đi xa hơn thế. Từ thái độ kiêu ngạo của Biệt phái, qua đó Chúa muốn dạy chúng ta phải có thái độ khiêm hạ và biết sống vô vị lợi với anh em. Thật ra, trước mặt Chúa hay trong Vương quốc Nước Trời chúng ta có gì mà vênh vang tự đắc, có gì mà lên mặt dằn đời...tất cả những gì chúng ta có được là do ơn ban của TC mà thôi. Thái độ biết ơn trân trọng là thái độ của kẻ sĩ, của bậc hiền triết Đông Phương. Đức GS còn khuyên chúng ta biết nhìn xa hơn một chút : Chúng ta phải biết nghĩ đến những người cần đến mình hơn là nghĩ đến những người giống mình. Làm ơn, làm điều tốt là giúp cho những kẻ thiếu thốn, nghèo hèn, tật nguyền...vì chính họ không có khả năng lo cho số phận hẩm hiu của họ, họ cũng không có khả năng đền ơn đáp nghĩa cho những hành động vị tha bác ái của chúng ta. Làm ơn cho kẻ không thể đền ơn thì giá trị của chúng ta càng được nhân lên vì tính vô vị lợi của nó, tính vị tha trong hành động ấy được nâng cao rất nhiều ( x Lc 14,12-14 ). TC là Đấng sẽ nâng những con người khiêm hạ lên, thì cũng chính TC sẽ làm cho phúc của người ban ơn tràn đầy hơn, "sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại"( Lc 14,14b ). Khiêm nhường là khuôn mặt của tình yêu. Vì yêu thương con người, TC đã xuống ngang tầm những kẻ hèn mọn, những trẻ thơ, những kẻ yếu đuối. Chúa không kết thân với người giàu có quyền thế nhưng luôn quan tâm những người nghèo, người bị ruồng bỏ, người ốm yếu tật nguyền, Ngài an ủi và chữa lành cho họ. TC đứng về phía người nghèo, người khiêm hạ là thế.
    Đời sống tôn giáo càng được biểu hiện ra ngoài bằng nhiều hình thức dễ coi, dễ nổi...thì trong tâm hồn chúng ta cần phải tràn đầy tinh thần khiêm nhường. Đức GS chính là mẫu gương của sự khiêm nhường, Ngài là Đấng cao cả hơn ai hết nhưng lại chọn chỗ thấp hèn nhất, tăm tối nhất để sinh ra. Ngài cũng là Đấng vô vị lợi nhất, ban phát rộng rãi và nhưng không. Đức GS là tột đỉnh của Tình yêu : "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống mình cho người mình yêu". Đức GS tột đỉnh của sự khiêm tốn. Là một vị TC quyền năng, nhưng Ngài đã hạ mình làm kiếp phàm nhân. Là bậc Thầy trong thiên hạ, lại quỳ xuống rửa chân cho các đệ tử. Vì thế còn gì mà chúng ta không theo gương Ngài sống đúng tư cách công dân Nước Trời. Khiêm tốn sống như Chúa GS là không sống cho riêng mình mà sống cho người khác, dùng tài năng của mình để phục vụ tha nhân.
    Kinh Magnificat là lời kinh bất hủ, ca ngợi quyền năng và tình yêu của TC, Đấng làm những kỳ công nơi những con người bé mọn, khiêm nhu. Đức Maria là người đã đi đầu cho chúng ta noi theo, vì Người sống đúng vai trò nữ tì của Chúa. Bài học khiêm hạ của Chúa GS, Mẹ Maria và các Thánh là cơm bánh giúp chúng ta sống và lớn lên hằng ngày. Chúa yêu thương người nhỏ bé và chúc phúc cho kẻ làm mà không kể công.

II. Tai hại của kiêu ngạo :
    Đã có lời tiên tri cách đây gần 2000 năm : "Người ta sẽ ra ích kỷ, ham tiền bạc, khoác lác, kiêu ngạo, nói lộng ngôn, không vâng lời cha mẹ, vô ân bạc nghĩa, phạm thượng"( 2 Tm 3,2 )
    "Kiêu ngạo là lòng yêu quá mức đối với sự ưu tú của mình - về ngoại hình, trí tuệ, hoặc sự vui thú phi pháp do chúng ta suy nghĩ không có ai hơn mình"( Trích từ cuốn "Bảy tội chính" của Đức HY Fulton Sheen, trang 37 ). Kiêu ngạo là tính xấu nguy hiểm nhất vì nó đứng đầu và làm phát sinh các tật xấu khác. Trong kinh "Bảy mối tội đầu" có câu : "Thứ nhất khiêm nhượng chớ kiêu ngạo". Không phải vô cớ mà "Kiêu ngạo" được đưa lên đầu danh sách bảy mối tội. Theo các nhà tu đức, thần dữ kiêu ngạo luôn có những chiêu thức cực kỳ nguy hiểm và có tài điều khiển làm cho sáu thần dữ của sáu mối tội kia có sức mạnh "đánh đâu thắng đó". Khi đã để cho thần dữ kiêu ngạo hoạt động trong lòng thì việc hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, làm biếng là điều dễ dàng. Một trong những chiêu thức tài tình nhất của thần dữ kiêu ngạo là tặng cho con người ta sự ngộ nhận mình là đạo đức, là thánh thiện, là khiêm nhượng, là từ thiện, là bác ái hơn người, và luôn luôn hơn người một cách chủ quan. Nhưng thật ra tất cả những điều ấy đều là sự giả dối, sự tự đánh lừa mình từ trong tận gốc rễ. Cách suy nghĩ, cách sống ấy của những người Pharisieu xưa đã bị Đức GS vạch mặt thần dữ kiêu ngạo trong họ và lên án nghiêm khắc.
    Cả chúng ta nữa, lời rao giảng của Đức GS đã hơn 2000 năm vẫn chưa thẩm thấu và thay đổi được cái căn tính tồi tệ ấy trong mỗi con người hôm nay. Chiêu thức "cám dỗ làm điều tốt" vẫn luôn luôn được rao bán hoặc biếu không, khuyến mãi khắp nơi trên thế giới và trong cõi lòng thâm sâu của ta. Cái vỏ bọc đạo đức bề ngoài cho thấy, không phải chúng ta không biết thế nào là đạo đức, nhưng chúng ta lại chấp nhận theo cách đạo đức được hướng dẫn bởi thần dữ kiêu ngạo, không phải bởi Thần Khí của TC. Tự nhận cho mình trách nhiệm xây dựng Giáo Hội ( GH ) theo kiểu của mình là phải chỉ trích, lên án, rêu rao, phản đối...mà chưa kịp suy niệm cho ra những ý định tuyệt vời của TC; tự nhận cho mình một công tác mang tầm vóc tổ chức của GH để thành lập ủy ban này, tập thể kia mà không được ủy thác; tự tôn phong cho mình một vai trò quan trọng trong GH ngang tầm với ý định riêng tư của cõi lòng mình... hoặc cụ thể hơn, tôi phải làm cái gì đó to hơn, lớn hơn người đi trước tôi, hoặc hơn những nơi khác. Tôi phải làm ông kia bà nọ trong  giáo xứ vì mấy người này làm chẳng ra chi; phải có tôi, có sự đóng góp của tôi thì việc mới thành công được... Tất cả, tất cả những suy nghĩ ấy đều có thể bị đánh lừa bởi sự giả dối của "thần dữ kiêu ngạo thật trong lòng" đang chỉ đạo. Một cái tôi to đùng !
Hình như kiêu ngạo cũng một phần nào đó thuộc bản tính con người, không nhiều thì ít ai cũng có. Bà George Eliot nhận định : "Có những người giống như những con gà trống, cứ tưởng mặt trời mọc lên là để nghe nó gáy". Chưa kể những người "nổ" nhiều, tôi tưởng là họ sanh ở Hiroshima và Nagazaki ! Kinh Thánh cho biết kiêu ngạo dẫn đến nhiều tai hại, đó là cái tội đầu tiên, từ thuở bình minh nhân loại mới bắt đầu. Ai cũng biết nhân loại bị đánh mất tình trạng diễm phúc sơ khai, nên ngày hôm nay chúng ta phải đau khổ và phải chết. Kiêu ngạo đến thì sỉ nhục cũng đến nữa, còn khôn ngoan vẫn ở với người khiêm nhường ( Cn 11,2 ). Kiêu ngạo sinh ra tranh cãi ( Cn 13,1 v 28,25 ); nó sẽ làm hạ thấp giá trị con người xuống ( Cn 29,23 ).
    Nhiều gương kim cổ cho thấy biết bao tai hại của kiêu ngạo và phước hạnh của khiêm nhường : Vua Pharaon ( Xh 5,2 ), Nebucatnetsa ( Daniel 4,30 ), Besatxa ( Daniel 5,23 ) vì kiêu ngạo mà bị Chúa luận phạt, trong khi các đầy tớ khiêm nhường của Chúa như Môise, Daniel được Chúa tôn cao. Saolê vì kiêu ngạo mà bị truất ngôi để nhường cho người khiêm nhường là David ( II Samuel 6,20-22 ). Thiên thần Luxipher vì kiêu ngạo mà trở thành ma quỉ ( Is 14,12 ); trong khi Chúa GS hạ mình thì được tôn vinh : "Đức GS Kitô, vốn dĩ là TC, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với TC. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự. Chính vì thế, TC đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu..."( Plip 2,6-9 ). Có lẽ chúng ta cũng đã quan sát nhiều gương trong lịch sử, hay gương của người xung quanh, cũng như kinh nghiệm của chính chúng ta cho thấy kiêu ngạo mang đến thất bại, đổ vỡ, xấu hổ; trong khi khiêm nhường đem đến phước hạnh, thành công và tôn trọng.
    Trên một ngọn đồi ở Palestina có một nghĩa trang được gọi tên là "Thành phố đợi chờ" như ở Đà Lạt vậy. Thông thường, vào tháng Adar, người Do Thái cho sơn trắng lại những mồ mả. Một người đi đường vào mùa xuân trong một ngày nắng ráo sẽ thấy những mồ mả được quyét vôi trắng phản chiếu ánh mặt trời trông thật xinh đẹp, nhưng bên trong những mồ mả này thì đầy những xương người mà bất kỳ ai đụng đến đều bị coi là ô uế ( Ds 19,16 ). Đó là bức tranh rõ ràng về các đạo sĩ Do Thái giáo mà Chúa GS đã vẽ nên. Tất cả hành động của họ bề ngoài là hành động của người sùng kính, nhưng tấm lòng bên trong thì đầy dẫy tội lỗi. Chúa GS rất ghét tính kiêu ngạo của họ, nên đã có lần Chúa nói : "Khốn cho các ngươi...Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế"( Mt 23,27 ). Mắng mà mắng "như mồ mả tô vôi" thì đúng là quá nặng lời ! Trong bài suy niệm Chúa chữa lành người mù, tôi có dẫn câu nói của Chúa GS ám chỉ người Biệt phái : "Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng vì các ông nói rằng : "Chúng tôi thấy" nên tội các ông vẫn còn đó"( Jn 9,41 ). Kiêu ngạo của Biệt phái cũng là kiêu ngạo của chúng ta ngày hôm nay ! Kiêu ngạo phát xuất từ trong lòng chúng ta như một căn bệnh tiềm ẩn, vì cái tôi của ta quá lớn nên chẳng ai góp ý được; sự cộc cằn hằn học của ta khiến người khác tránh né, không muốn lên tiếng, không muốn đối thoại. Chúng ta cần phát giác các triệu chứng của nó để nhờ ơn Chúa kịp thời chữa trị. Theo tôi, sau đây là một số triệu chứng của kiêu ngạo :
        1. Nhạo báng : Người kiêu ngạo hay nhạo báng tức là chê bai, chỉ trích người khác ( Cn 21,24 ).
        2. Tự cho mình là khôn ngoan : Người kiêu ngạo tự cho mình là khôn nên chẳng bao giờ nghe ý kiến ai cả ( Cn 26,12 ).
        3. Tự khen mình : Người kiêu ngạo hay khoe tài năng, đức độ, thành công của mình ( Lc 18,11 ).
        4. Nổi giận : Người kiêu ngạo thường nổi giận khi thấy có người khác làm trái ý mình. Như trường hợp Ha-man trong sách Ê-xơ-tê hay Na-a-man trong II Các Vua 5.
        5. Phục vụ bất đắc dĩ : Người kiêu ngạo thường phục vụ như một việc bổn phận, bắt buộc phải làm, chứ không phải vì yêu thương mà phục vụ.
    Chúng ta có thể suy gẫm Lời Chúa cũng như kinh nghiệm trong đời để tìm ra nhiều triệu chứng khác của kiêu ngạo. Điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết mình rồi kịp thời sửa chữa, nhờ Chúa biến đổi mỗi ngày chúng ta sống trong tinh thần khiêm nhường, chứ chẳng phải suy gẫm sâu sắc để rồi phê phán, chê trách người khác. Sống không tham vọng và hoàn toàn vô vị lợi, đó là phương thế chắc chắn chinh phục được lòng TC và lòng người ta.

III. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ sự kiêu ngạo đi trước những thất bại, sa ngã. Xin cho con nhạy biết khi triệu chứng kiêu ngạo đến với con. Xin giúp con thật sự khiêm nhường trước mặt Ngài, xin ban cho con tấm lòng khiêm nhường như một đứa trẻ để con mãi mãi được ở trong vòng tay yêu thương của Chúa.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2021

Chúa Giêsu lại chơi dơ

I. ĐỌC LỜI CHÚA :
    Tin Mừng Chúa Giêsu ( GS ) theo Thánh Maccô : "Đức GS và các Môn đệ đến Bét-sai-đa. Người ta dẫn một người mù đến và nài xin Đức GS sờ vào anh ta. Người cầm lấy tay anh mù đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi : "Anh có thấy gì không ?" Anh ngước mắt lên và thưa : "Tôi thấy người ta trông họ như cây cối đi đi lại lại." Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. Người cho anh về nhà và dặn : "Anh đừng có vào làng "( Mc 8,22-26 ). 


II. SUY NIỆM :
    Lần trước, khi chữa lành một người vừa câm vừa điếc, Chúa GS đã nhổ nước miếng và bôi vào lưỡi anh ta ( Mc 7,33b ). Lần này chữa bệnh cho một người mù ở Bét-sai-đa, Chúa lại tiếp tục chơi dơ : "Người cầm lấy tay anh mù đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh"( Mc 8,23a ). Như tôi đã chia sẻ trong bài Chúa GS chữa lành người câm điếc : Thời ấy khoa học chưa phát triển nên Chúa GS đã chữa bệnh bằng cách ấy. Thật ra, Chúa GS không cần dùng nước miếng, Ngài chỉ phán một tiếng cũng đủ làm cho người mù sáng mắt được, đối với Chúa khoa học chẳng quan trọng gì. Nhưng, Chúa GS vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa ( TC ) thật; để đáp ứng được nhu cầu của người khác thì con người thật của Chúa phải có sự tương tác, từ đó mới trao ban chính Ngài được. Ở VN, cách đây vài ba chục năm một số vùng quê lạc hậu còn dùng những phương tiện thô sơ để chữa bệnh như : cạo gió, đắp khăn lạnh lên đầu, bôi đất bùn vào da, trời nóng mà vẫn nằm sưởi bằng lửa than...Cách chữa bệnh của Chúa hoàn toàn khác. Chúa GS là Thiên Chúa, Chúa có quyền năng và thần khí sự sống để ban cho những ai cần đến. Dĩ nhiên Chúa không phủ nhận khoa học vì khoa học cũng là của Ngài, Chúa không muốn đi tắc nên Ngài mới dùng tay mình để chạm đến người bệnh. Kể ra cũng kì lạ chứ ! Maccô có một lối viết tuy ngắn gọn nhưng vẫn tỉ mỉ, khác với ba Thánh sử còn lại. Điều chúng ta cần lưu ý ở đây, qua những câu chuyện thật như vậy đều có điểm giống nhau là Chúa GS thường cầm lấy tay người bệnh đưa ra khỏi đám đông ( Mc 8,23a v 7,33a ), khỏi vị trí cũ và khi kết thúc câu chuyện Ngài muốn không cho ai biết đến. "Anh đừng có vào làng" vì làng đông người lắm và cũng không cần cho họ biết ( Mc 7,36a v 8,26 ). Ý của Chúa GS là vậy. Khác với con người thời đại bây giờ, làm việc gì cũng muốn nhiều người biết, quay phim chụp ảnh đăng facebook. Có người còn muốn đánh bóng tên tuổi, "muốn đưa người lãnh nhận phép lạ" ra làm chứng.
    Dưới ánh sáng đức tin, chúng ta thấy đau khổ không chỉ là hậu quả của tội lỗi, mà nó còn mang một ý nghĩa cao cả hơn nhiều, bởi vì những công việc của Chúa phải thực hiện nơi bản thân mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta biết chấp nhận những gian nguy thử thách, thì tình thương và ân sủng của Chúa sẽ được biểu lộ nơi chúng ta. Vì thế, đừng phàn nàn oán trách, đừng bực bội tức tối như những kẻ không có đức tin. Hãy mang lấy cây Thập giá đời mình như lời Chúa GS đã truyền dạy.
    Đứng trước phép lạ quá hiển nhiên, khi Chúa GS hỏi người mù : "Anh có thấy gì không ?" Anh ta trả lời rất chân thành : "Tôi thấy người ta như cây cối đi đi lại lại"( Mc 8,24 ). Nghĩ cũng ngộ và lý thú ! Con người đi lại mà thấy như cây cối. Có thể lúc này anh ta thấy chưa rõ lắm, mà cũng có thể từ trước đến giờ chưa bao giờ anh ta thấy được con người, ngay cả chính anh ta. Chi tiết này tạo nên một ấn tượng. Chúng ta chia sẻ nỗi bất hạnh khi anh bị mù, cũng như niềm vui sướng khi anh được sáng mắt. Niềm tin tưởng và cậy trông của anh đã được ân thưởng một cách xứng đáng. Lần này Chúa GS không bảo anh đến hồ Silôê để rửa như một số trường hợp người mù trước đây được chữa lành, nhưng chính đôi tay của Chúa tiếp tục chạm vào làm cho mắt anh mù được chữa lành hẳn và "anh thấy tỏ tường mọi sự"( Mc 8,25 ). Bài Phúc Âm ghi rõ hai lần Chúa GS "đặt tay", một lần chạm vào người và một lần chạm vào mắt ( Mc 8,23 v 25a ).
    Đôi khi chúng ta hay than phiền về gánh nặng cuộc đời. TC biết cây Thập giá chúng ta đang vác và với những hy sinh gian khổ. Ngài không bao giờ đặt lên vai chúng ta một cái gì vượt quá sức chịu đựng. Hãy chấp nhận với lòng tin yêu để những hy sinh gian khổ đem lại lợi ích thiêng liêng cho chúng ta, bởi vì tất cả đều là Hồng ân của Chúa. Một ngày nào đó chiếc vảy che phủ con mắt của chúng ta sẽ được tháo đi, như Phao lô gặp Chúa tại Damas. Khi chúng ta đối diện với Chúa GS Kitô và nhìn thấy khuôn mặt của Ngài lần đầu tiên, vinh quang sáng ngời của Ngài sẽ chiếu rọi rực rỡ và huy hoàng hơn bất cứ cái gì chúng ta đã từng tưởng tượng ra trên cõi đời này.
    Trích đoạn Tin Mừng hôm nay : Chúa GS chữa lành, làm cho người mù được sáng mắt. Ngài không phải chỉ mang lại thị giác cho người mù, nhưng còn mang lại ánh sáng đức tin nữa. Anh ta được khỏi mù cả về thể lý lẫn tinh thần. Tự bản chất câu chuyện chữa lành anh mù là câu chuyện của đức tin. Mặc dù anh được người ta dẫn đến gặp Chúa GS, nhưng chắc chắn anh ta tin rằng Ngài là Đấng được sai đến bởi TC, Đấng Cứu độ trần gian. Anh ta có yêu cầu thì người khác mới dẫn anh đến gặp Chúa.
    Viết đến đây tôi muốn nhắc tới câu chuyện cuộc đời của Thánh Augustino : Augustino là một người ngoại giáo, trước khi gia nhập đạo Công Giáo, Ngài như một người bị mù lòa tâm linh, mặc dù đôi mắt Ngài vẫn sáng rực. Trong khi mẹ Ngài, bà Mônica lại là một người Công Giáo rất đạo đức, bà không ngừng cầu nguyện cho con mình. Ngay từ khi còn bé cậu Augustino đã gây ra mọi thứ vấn đề gây xốc và phiền toái cho gia đình. Càng lớn càng trở nên tệ hại hơn, Augustino đã bị dằn vặt bởi những nghi ngờ và sợ hãi. Đối với Ngài, Thánh Kinh có vẻ như điên khùng ! Cuộc đời Augustino càng thay đổi từ khi kiếm được việc dạy học ở thành phố Milan, nước Ý. Ở đây, Ngài có cơ hội nghe những bài giảng thu hút của Thánh Ambrosio, Tổng Giám mục Milan. Chính những bài giảng này đã lôi cuốn Ngài đến nhà thờ thường xuyên. Cuối cùng, Thánh Ambrosio đã rửa tội cho Augustino, đưa Augustino gia nhập Giáo Hội.
    Sau khi trở lại, Augustino đã viết : "Lạy Chúa, con đã yêu Chúa quá trễ. Tiếc thay sự đẹp đẽ của những ngày xa xưa...Con đã yêu Chúa quá trễ ! Kìa, hãy xem Ngài đã ngự trong con, và con thì lại cứ kiếm tìm Ngài ở bên ngoài...Ngài ở với con, nhưng con lại không ở với Ngài... Ngài đã kêu gọi con, xuyên qua sự giả điếc làm ngơ của con. Ngài đã lóe sáng, chiếu soi và đánh tan sự mù lòa của con...Ngài đã đụng đến con và thiêu đốt con cháy lên trong sự an bình của Ngài".
    Nhà Thần học Albert Stauderman đã nói về sức mạnh của đức tin : "Đức tin tạo nên sức mạnh và ân sủng của TC có hiệu quả trong đời sống của chúng ta. Ở đâu không có đức tin, thì ngay chính TC cũng không thể làm gì được". Đọc Tin Mừng ta cũng thấy rằng trên đường mục vụ của Chúa GS, có khi chính Chúa cũng không làm phép lạ nào vì sự thiếu lòng tin của con người. Nếu TC không có một chút quyền lực nào bên trong cuộc đời của ta như là Ngài vẫn có, thì hãy nhìn vào chính bên trong con người của ta. Đức tin có thể làm cho chúng ta tràn ngập sức mạnh của TC; và ngược lại, vắng bóng đức tin sẽ làm cho ta trở nên bất lực và thống khổ.
     Nhà thơ Lưu Trọng Lư viết : "Mắt em là một dòng sông / Thuyền ta bơi lội trong dòng mắt em". Đôi mắt là cảm hứng của thi ca và âm nhạc. Nhiều người nói "con mắt là cửa sổ tâm hồn", nhưng Chúa GS thì nói "Mắt là đèn của thân thể, khi mắt sáng thì toàn thân sáng"( Lc 11,34 v Mt 6,22 ). Chúa chữa lành người mù để cho thân thể được sáng, nước miếng của Ngài là nước miếng của ơn Cứu độ. Nếu Chúa không nhổ, không đưa tay chạm vào thì con người chẳng nhận được sự sáng. Không ai làm được điều đó, chỉ có Chúa làm được thôi. Không gớm đâu. Ai chơi trò đó thì gớm nhưng với Chúa thì không. Ta cần Chúa trao ban để ta có được sự sống và Thần Khí của Ngài ! Mọi hành vi của Chúa GS đều mang ý nghĩa cứu độ. Hằng ngày, hằng tuần ta ăn thịt uống máu Ngài, ta không gớm, thì nước miếng Ngài đâu có gì phải gớm. Nước miếng của Ngôi Lời, nước miếng của Đấng ban sự sống, nước miếng của Đấng tạo thành trời đất muôn vật, chẳng lẽ lại dơ sao ?
    Theo ý nghĩa tượng trưng, trong phạm vi thiêng liêng, bệnh mù về tinh thần là tình trạng mê muội của những người sống trong tội lỗi và tình trạng mù quáng của những kẻ cố chấp. Kinh Thánh gọi những người sống trong tội lỗi như ngồi trong chỗ tối tăm, sự cố chấp tức là bảo thủ không chịu phục thiện. Những người Pharisiêu họ tự cho họ là người khôn ngoan sáng suốt, có lần Chúa GS nói thẳng mặt : "Tôi đến thế gian này chính là để những kẻ không xem thấy thì được xem thấy, còn những kẻ xem thấy sẽ trở nên đui mù"( Jn 9,39 ). Nghe Chúa nói câu này, các Biệt phái tức giận, Chúa lại muốn nói rõ hơn : "Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng vì các ông nói rằng: "Chúng tôi thấy", nên tội các ông vẫn còn đó"( Jn 9,41 ).
    Khi Chúa GS còn ở trần gian, Ngài là ánh sáng thế gian ( Jn 9,5 ). Ta đến với Chúa GS để Ngài thắp sáng cuộc đời như Ngài đã thắp sáng cuộc đời người mù xưa kia. Trên đời này không ai có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, vì lý do ai cũng có tội, chỉ có duy nhất một Đấng không có tội gì, tuyệt đối chí thánh, mới có khả năng giải thoát chúng ta được. Người mù sung sướng biết bao khi đôi mắt anh ta mở ra và nhìn thấy Chúa GS, vị Đại ân nhân của mình. Chúa dùng nước miếng nhổ vào mắt anh mà anh đâu có biết ( x Mc 8,23 ), anh chỉ biết là bây giờ mắt anh sáng.

III. CẦU NGUYỆN :
    Lạy Chúa GS, con thích kiểu "chơi dơ" của Chúa. Con người từ bụi đất cũng sẽ trở về với bụi đất. Nếu Chúa không dùng quyền năng của Chúa thì chúng con chẳng được biến đổi. Nói gì đi nữa, đôi mắt tâm linh của chúng con vẫn còn hạn chế, có nhiều vấn đề chúng con chưa thấy rõ. Xin Chúa hãy mở mắt cho chúng con như Chúa đã mở mắt cho người mù.
    Lạy Chúa, con thích Ngài "chơi dơ" như thế, con nhớ không lầm có lần Ngài chơi dơ hơn thế nữa : "Ngài nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn, lấy bùn ấy bôi lên mắt người ta"( Jn 9,6 ) - con cũng thích kiểu "chơi dơ" này nữa, nhưng khi dạy giáo lý dự tòng con chưa bao giờ kể chuyện này ra. Con thích nước miếng của Ngài, "chơi dơ" để Thần Khí của Ngài được thấm vào con. "Chơi dơ" kiểu này ngày nay không phải ai cũng làm được, chỉ có Chúa mà thôi. Xin Ngài chạm đến con, cho con được thấy và không bị mù lòa bởi những cám dỗ dục vọng.

JB.SĨ TRỌNG.


P/s : Mời đọc thêm bài "Từ câu chuyện Chúa GS chữa lành người câm điếc" trên nhãn "Bài Suy niệm 13" của Blog này. 
https://tinhthojbsitrong.blogspot.com/2021/09/tu-cau-chuyen-nguoi-cam-iec.html

Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Gia-kêu và tiếng sét ái tình

    

1. Cây vả :
    Tôi đang suy nghĩ về cây vả vì thấy trong Kinh Thánh đề cập đến nhiều lần : Có cây vả ông Gia-kêu leo lên ngồi ( Lc 19,1-10 ), có cây vả nhìn chồi lộc để biết mùa Hạ đến ( Mt 24,32-33 v Mc 13,28-32 v Lc 21,29-33 ), có cây vả bị Chúa Giêsu ( GS ) rủa chết khô ( Mc 11,20-22 v Mt 21,20-22 ), có cây vả Chúa GS thấy ông Nathanael (tức Tông đồ Bartôlômeô) đứng dưới gốc ( Jn 1,48-50 ), có cây vả diễn tả trong một dụ ngôn ( Lc 13,6-9 )... Một người bạn tôi ở Bà Rịa có đất vườn rộng, tôi bảo sao không trồng một cây vả để ngắm cho vui và có trái cũng làm thức ăn được. Bạn tôi mỉm cười và không biết nay đã trồng chưa ? Một người hàng xóm đi hành hương đất Thánh về kể cho tôi nghe cây vả ông Gia-kêu leo lên ngồi, hiện nay vẫn còn, người ta rào lại cho khách tham quan, dân ở đó gọi là cây vả Gia-kêu. Biết bao nhiêu cây vả, bao nhiêu nhà cửa dày đặc chen chúc mọc lên làm biến dạng địa hình, "lối mòn xưa bây giờ phố xá / người đầu rừng cuối rú tìm nhau", cảnh quang hoàn toàn thay đổi, đã hơn 2000 năm mà cây vả ấy vẫn còn. Phải chăng người ta muốn giữ lại một kỉ niệm đẹp ? Cây vả ấy với bóng mát phủ che cuộc đời, tuy không có cuộc hẹn hò của một cặp tình nhân, nhưng có sự gặp gỡ của một con người tội lỗi với một Đấng vĩ đại, nhờ thế mà cây vả trở nên ấn tượng. Ở VN cây vả trồng khắp ba miền. Người miền Trung biết dùng quả chế biến thức ăn, người Bắc và Nam trước đây không biết ăn trái vả nhưng bây giờ hầu như họ đều làm được những món ăn ngon. Ngay tại vùng đất Long Khánh, hiện nay cây vả được trồng khá nhiều, trái vả ở chợ thường bày ra bán, người ta mua về chế biến thức ăn.
    Mặc dù Kinh Thánh viết nhiều câu chuyện liên quan đến cây vả, nhưng tôi vẫn rất thích câu chuyện cây vả mà ông Gia-kêu leo lên ngồi nhìn xuống để thấy được Đức GS khi Ngài đi ngang qua. Đây quả là một câu chuyện hấp dẫn và đầy thú vị.

    2. Gia-kêu và Chúa GS :
        a. Gặp gỡ và sự trở lại ngoạn mục :
    Gia-kêu là người có chiều cao rất hạn chế, nhưng ông lại làm chức vụ lớn trong ngành thu thuế. Một trưởng ty thuế vụ thời đó đâu phải vừa, đi đâu ai cũng nễ sợ, nhất là giới kinh doanh buôn bán.
    Theo cái nhìn của người Do Thái, ông Gia-kêu là người thu thuế, là một kẻ tội lỗi vì phục vụ ngoại ban, tay sai cho nhà cầm quyền đế quốc Roma thời đó, tha hồ bóc lột và vơ vét của dân để trở nên giàu có. Cuộc gặp gỡ bắt nguồn từ thiện chí của chính bản thân ông : Nghe tin Chúa GS đi ngang qua thành Giê-ri-cô, dân chúng quá đông, ông lại quá lùn bị đoàn người che mắt không thể thấy được Chúa GS nên ông đã trèo lên cây vả để xem. Điều bất ngờ khi đi ngang qua Chúa GS nhìn thấy và gọi ông : "Này Gia-kêu, xuống đây mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi"( Lc 19,5 ). Cách gọi này cũng như truyền lệnh buộc Gia-kêu phải vâng lời làm theo. Nghĩ cũng lạ, không quen biết gì cả mà tự nhiên bảo trụt xuống và sẽ ghé nhà. Đúng là bất ngờ và cũng làm cho Gia-kêu ngạc nhiên lắm vì không ai nói, không ai giới thiệu mà Chúa GS vẫn biết tên ông. Chúa GS gọi đích danh, ông vui mừng và hạnh phúc khôn xiết. Lời Chúa như có một quyền năng, một thần lực. Tiếng sét ái tình đã đánh trúng tim ông, Chúa GS ngước nhìn lên : ánh mắt tình yêu bắt gặp ánh mắt của một kẻ tội lỗi sám hối ăn năn. Khi gọi ông Chúa biết rõ con người ông, có thể nói đó là cuộc hành trình đức tin của Gia-kêu. Ông đang từng bước đến gặp gỡ Chúa trọn vẹn. Nhưng quan trọng hơn hết là Chúa đã đến với ông bằng tấm lòng quảng đại, bao dung và tha thứ. Người cùng thời không làm sao hiểu được ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này, có một khoảng cách giữa những người xem mình là công chính với người tội lỗi. Tin Mừng không nói cho độc giả hay tâm trạng ông Gia-kêu thế nào trước khi ông ra đi đón gặp Đức GS. Có lẽ ông bị thúc đẩy bởi phép lạ Chúa GS chữa lành cho người mù ở cổng thành Giê-ri-cô vừa xảy ra trước đó ít lâu. Ông tò mò muốn biết Chúa GS là ai ? Hoặc ông bị lương tâm cắn rứt, muốn thay đổi cuộc sống.
    Một lần nữa, như đã nhiều lần trong cuộc đời công khai, Đức GS đã yêu thương chiếu cố đến những kẻ lầm lạc. Đức GS đã bước qua khoảng cách do con người tạo ra để đến với Gia-kêu. Ngài luôn tiếp đón, ân cần và thăm hỏi họ. Ngài thể hiện tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa ( TC ) đối với nhân loại. Chính Ngài mang trong lòng sứ mạng kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở về : "Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất"( Lc 19,10 ). Chúng ta ai cũng biết rằng : "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần"- Đó cũng là câu nói của Chúa GS. Tuy nhiên, Chúa còn nói rõ hơn : "Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn"( Lc 5,31-32 ).
    Ngày nay người ta vẫn tìm mọi cách để lên án, kỳ thị, loại bỏ những người lầm lỗi, không cho họ có con đường quay trở về. Thái độ của Chúa GS trong Tin Mừng hoàn toàn ngược lại. Tin Mừng giới thiệu : "Sau khi vào Giê-ri-cô, Chúa GS đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Gia-kêu, ông đứng đầu những người thu thuế và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức GS là ai, nhưng không được vì dân chúng thì đông mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên cây vả để xem Đức GS"( Lc 19,1-4 ). Cây vả làm phương tiện để Gia-kêu leo lên, nhờ thế mà ông thấy được Chúa. Chúa luôn mong mỏi, chờ đợi những người tội lỗi tìm đến Ngài. Gia-kêu là một trường hợp điển hình cho tất cả mọi người tự ý thức mình còn nhiều lầm lỗi và khuyết điểm, đang trông chờ vào lòng thương xót của TC. Qua cuộc gặp gỡ, Gia-kêu đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống. Chúa GS rất tế nhị, Ngài không cần nhắc đến tội lỗi của ông, nhưng ông đã tự đề ra kế hoạch sửa đổi lầm lỗi của mình. Tiếng sét ái tình đánh trúng huyệt tim ông, và hệ quả cuộc gặp gỡ là đây, Tin Mừng ghi rõ : "Khi Đức GS tới chỗ ấy thì Người ngước nhìn lên và nói với ông "Này Gia-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay ta phải ở lại nhà ngươi". Với bộ áo quần thụng thệnh, ông vội vàng tụt xuống và mừng rỡ đón rước Người( Lc 19,5-6 ). Câu sau đây làm chói sáng con người Gia-kêu, ông đứng lên thưa với Chúa GS rằng : "Tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi, phân phát cho người nghèo; nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn"( Lc 19,8 )- Đó là thái độ của một người có quyết tâm trở về. Luật Môisê không đòi hỏi cao như vậy. Tội gian lận theo Lê vi ký, chỉ phải đền 1/5 tài sản thiệt hại ( Lv 5,24 ), ở đây Gia-kêu "đền gấp bốn" là số nhiều. Tình thương của Chúa đã làm ông thay đổi : Biết chia sẻ với người nghèo những gì mình có, biết đền bù thiệt hại cho người khác do mình gây ra, những suy nghĩ này trước đây Gia-kêu chưa bao giờ có được. Từ việc gặp Chúa, rồi được Chúa yêu thương kêu gọi, nhờ thế mà ông đã nên Thánh. Ngày nay có nhiều người mang danh hiệu Gia-kêu, chọn ông làm Quan thầy, lấy tên ông làm Thánh Bổn mạng.
Câu chuyện ông Gia-kêu leo lên cây vả để được thấy Chúa, kết thúc thật có hậu : "Hôm nay ơn Cứu độ đã đến cho nhà này"( Lc 19,9a ). Ân huệ Chúa dành cho Gia-kêu không những chỉ bản thân ông mà cho cả đại gia đình dòng tộc của ông. Trên cả tuyệt vời ! Như vậy, hiểu đơn giản, ơn Cứu độ là chúng ta được gặp Chúa, được Chúa yêu thương và vì Chúa mà từ bỏ tất cả mọi sự. Một người làm quan có thể cả họ được nhờ, có ai dám từ bỏ tất cả mọi sự không ? Mới nghe, tưởng dễ nhưng mà khó đấy ! Cũng có thể câu chuyện Gia-kêu hôm nay, Chúa GS muốn hiện thực hóa những dụ ngôn về lòng thương xót mà trước đây mấy ngày Ngài vừa rao giảng : "Tìm chiên lạc", "Đứa con hoang đàng".v.v...
        b. Những bài học ý nghĩa :
    Qua câu chuyện Gia-kêu gặp Chúa, Tin Mừng soi sáng cuộc sống mỗi người. Biết bao lần chúng ta gặp gỡ Chúa nhưng chúng ta vẫn không nhận ra Ngài. Chúa luôn có đó, hiện diện trong cuộc sống của chúng ta rất nhẹ nhàng, chân tình và tha thiết. Chỉ cần lòng ước muốn của ta thôi, là ta gặp được ngay. Linh mục Giuse Nguyễn Tiến Lộc đã viết trong một nhạc phẩm của Ngài : "GS Kitô, con người tuyệt diệu / GS Kitô, người anh dấu yêu / GS Kitô, tương lai với Ngài / Vinh quang cho Ngài, GS Kitô". Ta còn tìm gặp trong một ca khúc khác của Ngài, lời nhạc dễ thương sau đây : " Con đã thấy Người dừng chân bờ hồ con vẫn quen / Con nghe tiếng Người và con mon men bước theo / Cho anh Gia-kêu nghe niềm vui mới / Madalena xin cùng đi theo với. / Chúa chính là con đường / Mà Chúa đến như bạn đường / Đường ơi, bao xa... bao xa.../ Xin cho được theo Người / Từng bước lao đao chân trời / Về nơi Quê Cha... Quê Cha..."
    Chúa GS và Gia-kêu không phải là một cặp tình nhân lãng mạn, nhưng ta biết rằng dù Gia-kêu là người thế nào thì Chúa vẫn yêu ông ta tha thiết, Ngài không thể bỏ ông ta được. Chỉ có Chúa mới thấu suốt lòng dạ ông ta mà thôi, chúng ta và những người Do Thái xưa không tài nào hiểu được.
Tình yêu này phản ánh rõ nét tình yêu TC đối với nhân loại. Cây vả, đoàn người đi qua trong đó có Chúa GS, tất cả phụ họa tạo nên một bức tranh đẹp. Giữa con người và vạn vật như quyện lấy. Cây vả, còn gọi là cây sung, phải là một cây vả lớn, một cây sung lớn, Gia-kêu mới leo lên được. Từ tiếng sét ái tình, Gia-kêu thức tỉnh, ông không phải là một nhân vật dư thừa mà trở nên nhân vật chính yếu của câu chuyện, một cuộc trở lại ngoạn mục.

    Việc Chúa GS ở lại nhà ông Gia-kêu khiến cho nhiều người cùng thời ngạc nhiên, bởi ông là kẻ phản nước hại dân, làm theo lệnh của nhà cầm quyền Roma đang cai trị. Giữa một đoàn người đông đảo hàng trăm người mà Chúa chỉ chọn một mình ông Gia-kêu và muốn vào nhà dùng bữa. Mọi người xầm xì với nhau : "Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !"( Lc 19,7 ). Đây là vị khách không mời mà đến. Gia-kêu chưa nói lời mời, thì Chúa GS đã báo trước cho ông biết Ngài sẽ đến dùng bữa. Kể ra cũng lạ, một vị khách đi đường không quen biết trở thành một Thượng khách. Ơn Cứu độ đến với Gia-kêu dễ dàng hơn ông ta tưởng. Chúa GS đến để tìm kiếm con người tội lỗi đi lạc đường chân lý. Qủa thật, "những ai đón nhận Người, Người cho họ trở nên con TC"( Jn 1,12 ). Những người tội lỗi sẽ không thể tự mình làm lại cuộc đời, nhưng phải cậy nhờ ơn Chúa và sự cố gắng của bản thân. Chúa GS đã làm một cuộc cách mạng đổi mới cách nhìn của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta là những Gia-kêu lùn, tức là cũng đầy dẫy những tội lỗi, nên chúng ta không thể làm quan tòa phán xét tội người khác, chỉ có TC là Đấng phán xét mà thôi. Tất cả mọi người chúng ta đều cậy nhờ ơn Chúa, cậy nhờ lòng thương xót của Chúa, do vậy, chúng ta biết chia sẻ với những anh em đã sa ngã mà chưa thể đứng dậy được vì nhiều lý do, để qua chúng ta, những anh em ấy mạnh dạn vứt bỏ những xấu xa của quá khứ, mà đứng lên đồng hành với mọi người trong ánh sáng của TC.
    Qua câu chuyện Gia-kêu gặp Chúa GS, Thánh ký Luca ghi rõ tiến trình : "Đức GS đi ngang qua thành phố...tới chỗ ấy...Người nhìn lên và gọi ông...", Thánh Kinh một lần nữa xác tín rằng : Qua Đức Kitô, TC luôn đưa mắt kiếm tìm những con chiên lạc để tình thương cứu độ sẽ mãi mãi là cuộc hạnh ngộ của yêu thương và tha thứ, của sám hối và đổi đời.
    Khiêm hạ đón nhận sứ điệp Lời Chúa và can đảm đổi đời, đó là định hướng căn bản của đức tin và là chìa khóa giải mã, là điểm tựa cho cuộc sống hôm nay và ngày mai. Một niềm tin vững vàng như thế không cho phép chúng ta dao động, lo lắng trước bất cứ biến cố nào, tin đồn thất thiệt nào, hay những thử thách gian truân. Và một niềm tin như thế sẽ biến chúng ta thành chứng nhân của yêu thương, khoan dung và tha thứ để xây dựng thế giới quanh ta ngày càng tốt đẹp.
    Trở lại vấn đề, Gia-kêu trở thành một con người lương thiện. Hậu quả, dĩ nhiên không thuộc về công nghiệp của ông mà do lòng thương xót rộng rãi của TC tha thứ cho ông. Đây cũng là kinh nghiệm của mỗi linh hồn trở lại, họ sống tốt lành để đền bù ơn Chúa. Nếu không chẳng có dấu chỉ nào chứng minh cho sự trở lại. Một vinh dự lớn vì chính Chúa GS đã trả lại gốc gác cho con người của Gia-kêu, khi Chúa nói rằng "bởi người này cũng là con cháu Tổ phụ Abraham"( Lc 19,9b ).
    Gia-kêu là con người tội lỗi, nhưng Gia-kêu là dân Do Thái chính cống. Sau biến cố này, những mặc cảm tội lỗi của ông sẽ được bôi xóa. Từ biến cố gặp Chúa GS, kích thước chiều cao Gia-kêu vẫn nhỏ bé, nhưng đến giây phút cuối cùng ai cũng ngước mắt nhìn. Ông được hoàn toàn biến đổi, bên ngoài thân xác thấp lùn, nhưng chiều cao tâm hồn và nhân cách giờ đây đã trổi vượt. Tiếng sét ái tình đánh trúng huyệt tim ông làm cho ông trở nên con người mới, cũng có thể là ông rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô. Ông sướng quá, hạnh phúc quá rồi chứ còn gì nữa ! Tiếng sét ái tình đã xua tan nỗi nhục cho ông, cũng xem như ông "hốt hụi chót" vào những giây phút cuối đời. Muốn "hốt hụi chót Nước Trời" thì phải đem hết của cải gia tài bố thí cho người nghèo như Chúa GS đã từng nói với một thanh niên giàu có ( x Mc 10,21 v 23-25 v Mt 19,16-22 v Lc 18,18-23 ).
    Cho dù chúng ta nói "I love Jesus !" hay "Miná rakastan Jeesusta !" bằng ngôn ngữ gì ở đâu đi nữa, thì tình yêu Chúa vẫn trải rộng cho tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, mọi dân tộc, mọi thời đại, từ trái tim đến trái tim, mà mỗi người cần phải bày tỏ. Tình yêu thuộc bản chất của Chúa nên Ngài luôn muốn được yêu.
    3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin cho con cũng được như Gia-kêu, vì con cũng cảm thấy bất xứng trước mặt Chúa, con chỉ biết cậy nhờ vào lòng xót thương của Chúa thôi. "Con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh". Ôi trái tim Chúa nhân từ, xin đừng bỏ rơi con.
    Lạy Chúa, cũng xin đừng bỏ rơi nhân loại tội lỗi. Xin cứu lấy tất cả chúng con. A men !

JB.SĨ TRỌNG.