Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Tin Mừng cho nếp sống hằng ngày


 1. Tin Mừng không dễ mừng vì đụng chạm :
    Một trong những dạy dỗ quan trọng của Chúa Giêsu ( GS ) tại Nhà hội là câu chuyện trong Phúc Âm Macco ghi lại. Ngay đến giai đoạn này, giới thẩm quyền tại Nhà hội có cái nhìn nghi ngờ mọi sự dạy dỗ của Chúa GS, nếu không muốn nói là thù nghịch. Họ không thể quên được điều Chúa đã làm khi đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, Ngài đã đụng chạm đến công việc làm ăn, làm hỏng mối lợi lớn mà họ đã có từ nhiều đời ( Mc 11,15-18 ). Họ đã thất bại khi tìm cách đẩy Chúa GS vào thế thủ lúc chất vấn thẩm quyền của Ngài ( Mc 11,27-33 ). Khi nêu ra ẩn dụ về người làm vườn nho ( Mc 12,1-12 ), Chúa đã đụng chạm đến xương tủy của họ, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy ( c 12 ). Một nhóm thầy luật khác đã tìm cách gài bẫy Chúa, nhưng cũng thất bại ( Mc 12,13-17 ) và ngay cả người Saduse ( có sách phiên dịch là Xa-đốc ) cũng thế ( Mc 12,18-27 ).
    Trái với những thầy dạy luật khác đã tra vấn gài bẫy Chúa GS, ở đây, Tin Mừng Macco cho thấy một thầy dạy luật nêu câu hỏi từ tấm lòng chân thành : "Trong các điều răn, điều nào là đầu hết ?"( Mc 12,28b ). Chữ "đầu" không nhằm nói đến thứ tự ưu tiên, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng. Chúa GS đã trả lời ngay : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, TC của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi...Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình"  ( Mc 12,30-31 ), Ngài dùng hai câu trong Sáng thế và Lê vi ( St 6,5 v Lv 19,18 ) và Chúa GS phán rằng : "Chẳng có điều nào khác lớn hơn các điều răn đó"( Mc 12,31b ) - Thầy dạy luật này không những khâm phục sự khôn ngoan tuyệt vời của Chúa ( c 32 ) mà còn đi bước xa hơn trong việc so sánh với của lễ toàn thiêu và hy lễ ( x Mi-chê 6,6-8 v Ô-sê 6,6 ). Không ai dám hỏi Chúa GS nữa ( c 34b ), không phải vì họ không hiểu cách trả lời lạ lùng của Ngài, nhưng vì Chúa đưa họ đến một toàn hảo mới mà họ chưa bao giờ kinh nghiệm. Chưa có ai nối hai điều này lại với nhau và tóm tắt luật pháp Chúa gọn trong hai điều tối quan trọng là "Kính Chúa và yêu người". Đến đây, Chúa GS nhìn ông bằng ánh mắt yêu thương với lời mời gọi thầy dạy luật này tiến bước xa hơn : Hãy đi trọn con đường và trở thành công dân chân chính của Nước Trời.
    Một đoạn Tin Mừng sau đây nghe cũng không dễ mừng, vì đụng chạm tới nỗi lo của con người, nhưng hoàn toàn ứng nghiệm cho bối cảnh lịch sử thế giới hôm nay, mặc dù đã được Chúa trấn an : "Chúa GS phán : Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng : Chính ta đây là Kitô, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng, đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng. Qủa thế, dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu những cơn đau đớn"( Mt 24,4-8 ). Cùng thời điểm này, ta thấy nhiều kẻ mạo danh Chúa tự xưng; chiến tranh xảy ra ở nhiều nước; đói kém, động đất xảy ra ở nhiều nơi...

2. Bài giảng trên núi : Mt 5,1-12.
    "Bài giảng trên núi" hay còn gọi là "Tám mối phúc thật" vì bài giảng được Chúa GS mở đầu bằng 8 phước lành, có điều là 8 phước lành này lại mang một ý nghĩa trái ngược tiêu chuẩn thế gian. Phải chăng, đây là bài giảng không phải cho dân chúng, nhưng chỉ dành riêng cho các Môn đệ của Chúa ? Matthêu ghi rõ : "Thấy đám đông, Chúa GS lên núi. Người ngồi xuống, các Môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ..."( Mt 5,1-2 ). Nếu vậy thì xem đây như là bài giảng dành cho những người thuộc về Nước Trời ( Xin lỗi, quan điểm cá nhân ).
    Nước Trời khác hẳn với nước trần gian, những điều mô tả người thuộc Nước Trời khó được người đời chấp nhận. Người thuộc Nước Trời nghèo khó vì họ đã học tin cậy vào chỉ một mình Thiên Chúa ( TC ), TC luôn yêu thương và bênh vực người nghèo, Ngài là hiện thân của người nghèo vì Ngài đã xuống thế trong thân phận một người nghèo và đã sống thật với tinh thần nghèo khó. Người thuộc Nước Trời than khóc khi thấy tình trạng bại hoại của thế gian và Phúc Âm bị từ chối. Người thuộc Nước Trời đói khát sự công chính vì trần gian đầy dẫy sự bất công, và họ đang trông chờ ngày mà sự công bình của Chúa ngự trị. Người thuộc Nước Trời thương xót vì họ biết rằng họ đã nhận được sự xót thương. Người thuộc Nước Trời có lòng trong sạch vì họ học biết rằng TC của họ chân thật, không bao giờ lừa dối. Người thuộc Nước Trời là người xây dựng hòa bình vì Chúa GS là sự bình an của họ. Người thuộc Nước Trời khoan dung với người bắt bớ mình vì biết rằng họ được kêu gọi không phải để sống yên hàn nhưng để trung thành với Chúa.
    Sống Nước Trời là điều khó, vì đó là con đường Thập giá. Con đường đó không đem lại những giá trị hạnh phúc theo tiêu chuẩn đời này. Con đường đó đòi sự từ bỏ lối sống an nhàn hưởng thụ. Đó là con đường nghèo khó, than khóc, nhu mì, đói khát, thương xót, trong sạch, hòa giải, bắt bớ. Đây là con đường dành cho những ai muốn thật tâm theo Chúa. Tại đây những giá trị theo tiêu chuẩn trần gian bị đảo ngược.
    Tuy nhiên, trước mặt Chúa họ là những người được phước. Đó là hạnh phúc chân chính dành cho những người bị xã hội coi là vô phước như kẻ nghèo, kẻ có tâm hồn tan nát, kẻ bị bắt bớ, kẻ bị lao tù. Đó là hạnh phúc vĩnh cửu dành cho những người sống nhu mì, trong sạch theo ý muốn TC; điều mà loài người kiêu ngạo, giả dối cho là dại dột, ngu si.
    Chúng ta - những con cái của Chúa, được kêu gọi để sống một lối sống ngược đời ! Ta được kêu gọi và tự nguyện để sống như thế, do vậy ta không phải là những nạn nhân, nhưng là những người của Nước Trời. Chúng ta được kêu gọi kiến tạo một cộng đồng những người theo Chúa, nơi đó thực sự có sự trong sạch, có sự nhu mì, có sự tha thứ, có sự chữa lành, có sự công chính; nơi đó vinh quang Nước Trời được bày tỏ.

3. Bài giảng nơi đồng bằng : Lc 6,17-49.
    Có điều lạ là trong "bài giảng nơi đồng bằng" ta bắt gặp "bài giảng trên núi" của Chúa GS mà thánh Luca ghi lại trong Tin Mừng của mình. Một chi tiết cho thấy khá rõ, Thánh Luca viết rằng : Khi tuyển chọn 12 Tông đồ xong, "Chúa GS đi xuống núi cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó có đông đủ Môn đệ của Người và đoàn lũ dân chúng từ khắp nơi...đến để nghe Người giảng"( Lc 6,17-18 ). Nhất Lãm về nội dung nhưng không nhất lãm về vị trí địa lý, vì có thể Luca nghe được bài giảng của Chúa GS từ trên núi nhưng đến khi xuống núi ông mới nhìn và viết lại. Bài giảng thành một bản dài vì chứa nhiều vấn đề cần thiết. Ở đâu cũng được, miễn là chuyển tải được thông điệp của Chúa, người viết có thể hệ thống kiến thức, sắp xếp bố cục để trình bày.
    Lời dạy của Chúa GS trong Bài giảng nơi đồng bằng ( Lc 6,17-49 ) cũng tương tự như Bài giảng trên núi, đã thu hút đông đảo người nghe. Chúa khuyên bảo mỗi con dân Ngài đem luật vàng này vào cuộc sống. Đức tin Kitô giáo không dừng lại nơi giáo lý tiêu cực của những điều cấm kỵ; nhưng là những áp dụng tích cực, những điều phải làm, phải sống bằng một tình yêu thương thật ( Lc 6,27-35 ). Tình yêu đến từ một cảm nhận sâu xa của một lòng trắc ẩn mạnh mẽ đối với người khác. Dù cho người đó đối xử tệ thế nào, xấu xa ra sao; Chúa GS thách thức từng con dân Ngài sống với một cam kết : Chỉ mong ước người đó hạnh phúc. Tình nguyện hy sinh và cam kết sống hết lòng, hết tình; quyết tâm đối xử tử tế, nhân hậu như bát nước đầy. Trong khi Khổng Tử khuyên : "Đừng làm cho người ta những gì bạn không muốn người ta làm cho mình" có tính cách tiêu cực, đừng làm; thì Chúa Cứu Thế đưa ra mạng lệnh tích cực, luật vàng trong Luca 6,31 : "Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy". Có sách dịch : "Các ngươi muốn người ta làm cho mình thế nào, hãy làm cho người ta thể ấy".
    Tuy nhiên, nếu đọc 1 Gioan 4,7-12 - Suy nghĩ một chút, chúng ta có thể đặt vấn đề : Ta kinh nghiệm tình yêu Chúa trong đời sống mình như thế nào ? Ta đã chia sẻ tình yêu đó với người khác ra sao ? Phục Truyền 6,4-5 và Xuất Hành 20,1-3 : "Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác"( c 3 ) không những là một điều răn, một mạng lệnh, mà còn là một thách thức, một mời gọi trung thành tuyệt đối, dấn thân trọn vẹn của mỗi con dân Ngài. Chúa muốn mỗi con dân Ngài nắm vững, theo gương và noi dấu chân Ngài. Chúa muốn chúng ta yêu Chúa, yêu người ( tha nhân ) và yêu chính mình. "Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em"( Lc 6,27-28 ). Chắc chắn nhiều người đã, đang và sẽ đặt câu hỏi : Làm sao thực hiện nỗi ? Đó là tiêu chuẩn của TC, điều này vượt quá tiêu chuẩn bình thường. Nhà thơ Phùng Quán từng viết : "Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao dọa giết/ Cũng không nói ghét thành yêu". Chúa bảo : "Đừng chống cự người ác"( Mt 5,39a ). Ngài còn nói thêm : "Ai vả anh má bên này, hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài thì cũng đừng cản nó lấy áo trong"( Lc 6,29 v Mt 5,39-40 ). Thế nhưng, khi Chúa bị điệu ra trước tòa Philato, một tên lính hỗn láo đã vả vào mặt Ngài, Chúa bị vả má phải không giơ má trái; ngược lại, Ngài đã to tiếng đòi hỏi công bình : "Nếu tôi nói sai, anh chứng minh xem sai ở chỗ nào; còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?"( Jn 18,23 ). Đòi hỏi công bình cũng là cách vạch mặt kẻ đối nghịch chứ không cần phải chống cự. Chúng ta không thể yêu kẻ thù như yêu những người thân thuộc nhất của chúng ta vì như thế là trái tự nhiên, không thể có được; tục ngữ VN có câu "Một sự nhịn chín sự lành", nhưng vẫn có người cho rằng "Một sự nhịn chín sự nhục"- đây là một trong những nguyên nhân gây nên chiến tranh; chẳng khác nào Putin và Zelenski, hai thằng, không thằng nào nhịn được thằng nào nên đã đánh nhau tơi bời, khiến dân lành phải gánh chịu tang tóc khổ đau. Tình yêu đối với kẻ thù không những là việc của trái tim, của tấm lòng, mà còn là việc của ý chí nữa. Đó là việc mà chúng ta phải quyết tâm, phải cam kết, phải nương cậy nơi Chúa; nhờ ơn Chúa, sức Chúa, và tùy thuộc Chúa từng giây phút mới thực hiện được. Tại vườn Gietsemani khi quân lính vây bắt Chúa GS, Phero đã rút gươm ra bảo vệ Thầy mình, nhưng Chúa GS lại bảo ông "Hãy tra gươm vào vỏ vì ai cầm gươm sẽ chết vì gươm". Giuda Iscarios thủ quỹ trong nhóm Mười Hai đã nhận tiền hối lộ từ tay các Thượng tế để bán đứng Thầy mình, sau đó anh ta tự thắt cổ chết, nhưng Chúa GS chẳng nói "Ai tham tiền sẽ chết vì tiền". Trong tác phẩm "Kẻ tử đạo cuối cùng" của Đào Hiếu, nhà văn mô tả những chàng trai đeo đuổi một cô gái trong một quán cà phê đèn mờ, rồi tất cả phải chết dưới tay cô ấy; đọc tác phẩm này có người cho rằng "Ai mê gái sẽ chết vì gái", thực ra Đào Hiếu muốn nói lên quan điểm của con người thời đại, của quê hương đất nước. Ước mơ, lý do và động cơ cho nếp sống Kitô hữu là gì ? Đó là để chúng ta trở nên giống Chúa GS, phản ánh tình thương, ân sủng, quyền năng siêu việt của Ngài. Chúa GS đã bằng lòng quên mình, hòa mình và bỏ mình để chết cho chúng ta ( Php 2,5-9 ). Đây chính là điểm cá biệt của đức tin Kitô giáo. Đây là điều mà mỗi chúng ta cần cầu nguyện cho nhau, khích lệ nhau học hỏi và thúc giục nhau thực hành. Người có đức tin bao giờ cũng bị thiệt thòi, chính Chúa GS đã nói : "Ai theo Ta hãy bỏ mình vác thập giá mà theo Ta"( Lc 9,23 ); Chúa là người vô tội cũng phải chịu chết treo trên thập giá.

4. Cầu nguyện : 
    Lạy Chúa, Xin Chúa giúp con từ bỏ tiêu chuẩn trần gian, sẵn sàng sống theo tiêu chuẩn Nước Trời để tìm thấy phước hạnh chân chính, trường tồn.
    Xin cho con hiểu luật Chúa là yêu thương kẻ thù để con biết yêu thương và đối xử tốt với những kẻ hoàn toàn đối nghịch với con, hầu mong hoán cải được họ.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

Tiếng gọi tác động tình yêu


1. Tiếng gọi để bước theo :
     a. Hai tiếng gọi :
    Vai trò và chức vụ của Gioan chấm dứt khi ông bị đi tù. Từ đó Chúa Giê su ( GS ) bắt đầu xuất hiện giữa công chúng, rao giảng sứ điệp về sự ăn năn và kêu gọi các Môn đệ theo Ngài.
    Trước hết, tiếng gọi của Chúa là tiếng gọi ăn năn. Tiếng gọi này nhắm đến quần chúng nhằm thức tỉnh họ ra khỏi cơn mê muội. Họ cần phải nhận thức tội lỗi để có thể ăn năn vì sự sáng đã đến.
    Sau tiếng gọi ăn năn là tiếng gọi làm Môn đệ. Đây là tiếng gọi dấn thân, tiếng gọi này riêng tư đến những người Chúa muốn kêu gọi. Các Môn đệ được kêu gọi phải đi theo Ngài, sống với Ngài, học nơi Ngài và làm như Ngài. Làm Môn đệ của Chúa không phải là một thời gian nào đó, nhưng đòi hỏi sự cam kết trọn đời.
    b. Sự đáp ứng :
    ĐTC Phancix đã từng nói : "Sự sống bị "hóa thạch" khi nó không mở ra với sự mới mẻ tiếng gọi của Chúa và tiếc nuối quá khứ." Đáp ứng tiếng gọi đòi hỏi sự từ bỏ tội lỗi và nếp sống cũ. Quay lưng khỏi tội lỗi và nếp sống cũ là khúc quanh quan trọng của cuộc đời. Khúc quanh đó đánh dấu bằng sự ăn năn như một thái độ và hành động thiết yếu để nhận được ân phúc. "Nước Thiên Chúa ( TC ) đã đến gần" nhưng người ta chỉ nhận được qua hành động ăn năn. Không ai có thể tái lập mối tương giao với TC mà không qua ngưỡng cửa ăn năn. Vua David được gọi là Thánh vương David vì nhà vua đã tỏ ra sám hối ăn năn.
    Rất đơn giản, Chúa GS bảo "Hãy theo Ta"- Đáp ứng lời mời gọi của Chúa là khúc quanh quan trọng trong đời sống các Môn đệ đầu tiên. Họ phải bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng sông, bỏ gia đình, bỏ nếp sống quen thuộc : bỏ cha mẹ, bỏ vợ con, bỏ nhà cửa, bỏ ruộng vườn...bắt đầu một công tác mới : đánh lưới người. Không phải vì lý do kinh tế nữa, nhưng vì lý tưởng GS. Họ không biết gì về con đường phía trước, nhưng tiếng gọi yêu thương và uy quyền của Chúa thuyết phục họ bước theo Ngài.
    c. Thách thức và hệ quả :
    Dầu tiếng gọi thức tỉnh hay tiếng gọi dấn thân, Chúa GS cũng muốn chúng ta rời chỗ hiện tại của mình đến một chỗ mới, nơi đó ta tìm thấy được sự thương xót, sự tha thứ, sự nghỉ dưỡng, sự bình an, sự sống và sự sống phong phú. Những điều này mang lại cho đời sống chúng ta một ý nghĩa. Chỗ đó chính là Chúa GS, nơi chúng ta nhìn thấy thiên đàng trên đất. Hãy đáp ứng tiếng gọi, vì "Nước TC đã đến gần !" Chúa GS không định nghĩa Nước TC, Ngài chỉ dùng những dụ ngôn để nói về Nước TCSách Giáo lý dự tòng dạy rằng : Nước TC hiện diện ở trần gian qua sự hiện diện của Chúa GS. Ước gì mỗi người đều thấy sự hiện diện của Chúa, gần gũi với Ngài và yêu mến Ngài nhiều hơn.

2.  Lời chứng và kinh nghiệm :
    Lời chứng phải phát xuất từ kinh nghiệm cá nhân. Gioan đã thấy, đã chứng kiến tận mắt, và đã làm chứng về Chúa GS : "Người là Đấng TC tuyển chọn" ( Jn 1,34b ). Lời chứng này cũng phát xuất từ kinh nghiệm riêng tư và mối liên hệ cá nhân giữa ông với Chúa. Dầu là nhân vật nổi tiếng đương thời với số môn đồ đông đảo, nhưng trong kinh nghiệm nhận biết Chúa đã khiến Gioan lui vào hậu trường để Chúa GS được tôn vinh : "Người phải nổi bật lên, còn ta phải lu mờ đi" ( Jn 3,30 ). Từ kinh nghiệm nhận biết Chúa, Gioan đã xác nhận điều mình rao giảng : "Tôi đã thấy nên xin chứng thật..." ( Jn 1,34a ). Gioan rất khiêm tốn, Gioan không tự đánh bóng mình, lời chứng của Gioan hiệu quả đến nỗi hai Môn đệ của ông đã chọn theo Chúa GS.
    Qua lời chứng của Gioan, một trong hai người theo Chúa là An-rê. Hai người này may mắn có cơ hội ở riêng với Chúa trong ngày hôm đó. Chắc chắn trong thời gian đó tuy ngắn ngủi, nhưng cũng được Chúa dạy để họ biết Chúa nhiều hơn. Cũng từ kinh nghiệm ở với Chúa GS, An-rê đi tìm anh mình là Simon để làm chứng - Đây là điều "trước hết" An-rê đã làm và làm ngay tức khắc. An-rê đã làm chứng trước hết và tức khắc cho Simon là người trong gia đình mình. Gia đình gồm những người biết rõ chúng ta hơn hết, nên cũng là nơi thử nghiệm đức tin của chúng ta mạnh mẽ hơn hết. Có người nói : "Nếu bạn có thể làm một Kitô hữu trong gia đình thì bạn có thể là Kitô hữu bất cứ nơi đâu; ngược lại nếu bạn không thể làm Kitô hữu trong gia đình, thì bạn..." Từ kinh nghiệm biết Chúa, lời chứng của An-rê đã thuyết phục được ngay anh mình là Simon theo Chúa để rồi từ đó Simon được Chúa đổi tên và trở thành một Phero vĩ đại, chính Ngài là Giáo Hoàng Tiên khởi của Hội Thánh Công Giáo.
    Lời chứng phát xuất từ kinh nghiệm nhận biết Chúa bao giờ cũng có một sức mạnh thuyết phục. Kinh nghiệm chỉ dành cho những tấm lòng biết tìm kiếm Chúa qua những thì giờ riêng với Chúa và học hỏi về Ngài. ( Mời xem thêm bài "Người giới thiệu ánh sáng" trên nhãn "Bài suy niệm 19" của Blog này ).

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, tiếng gọi của Chúa đòi hỏi con rời khỏi chỗ hiện tại. Xin giúp con nhận thức tình trạng bấp bênh, lang thang của cuộc sống gian trần, để con không luyến tiếc những giá trị tạm bợ, để bước đến một chỗ mới ổn định trong Ngài, để con tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.
    Xin Chúa giúp con kinh nghiệm Chúa nhiều hơn để có thể làm chứng về Ngài cách hiệu quả ngay trong gia đình, nơi con đang ở và trên bình diện rộng lớn của xã hội, của họ hàng, của quê hương đất nước.

JB.SĨ TRỌNG.


Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Ab 2

 































Chùm thơ 77

 VUI TUỔI GIÀ

Cái  đầu  mới  nhuộm  tóc  đen  thui,
Nhìn trẻ trung thêm cũng ngậm ngùi
Chữ  nghĩa  văn chương  vui  giải trí,
Học   trò    vài    ba     đứa    tới    lui.



TỰ VẤN

Đời cho ta nhiều ngày rong ruỗi,
Mỏi chân rồi ta chẳng muốn chi
"Thêm một tuổi là mất đi một tuổi,
Đón Xuân về nào khác đuổi Xuân đi".








.







TRI THỨC

Tôi  vẫn  xem  đây  là  di  sản,
Xin đừng ngạo mạn chửi đùa tôi
Tri thức ấy nằm trong kịch bản,
Tình muôn năm thấm ý Đất Trời.



TẬP HỢP RỖNG

Ta ra đi bao mộng ước đong đầy,
Ngày trở về tay trắng vẫn hoàn tay
Mộ cha mẹ trên đồi cao quạnh vắng
Cỏ lau buồn, mây trắng dật dờ bay...



MIỀN TRUNG

Một năm có mấy tháng mùa Xuân ?
Dính phải mùa Đông mưa ướt dầm
Tháng một, tháng hai còn rét lạnh
Đợi  chờ   Hạ  đến   nắng   vào  sân.

JB.Sĩ Trọng.