Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Con đường thương khó, khó thương ?

 

Sau chuyến hành hương Tà pao, đi cùng MK và một em học trò, không hiểu sao tôi lại suy nghĩ về con đường Thập giá ? Tôi có nói rằng tôi viết một bài suy niệm với tựa đề "Con đường thương khó, khó thương". Qua ánh mắt em học trò tôi thấy có vẻ hơi ngạc nhiên. MK lại nghi ngờ sợ tôi viết không đúng, nàng nói : "Thương khó, sao mà khó thương được ?" Tôi đáp : "Cứ từ từ, đó mới chỉ là ý tưởng, trình bày ý tưởng phải viết đã mới hay". Thế là hôm nay tôi bắt đầu công việc ấy, vì biết rằng Chủ nhật tuần này là Chủ nhật Lễ Lá.

1. Hướng về Thập giá :
Ta hãy đọc lời Kinh Thánh sau đây : "Này, chúng ta lên Jérusalem và Con Người sẽ bị bắt nộp cho các Thượng tế và các Kinh sư, họ sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập và đóng đinh trên Thập tự giá, đến ngày thứ ba Ngài sẽ chỗi dậy" ( Mt 20,18-19 ).
Tại sao nhiều lần Chúa nói trước về sự khổ nạn và sự chết của Ngài ? Các Môn đệ có phản ứng nào trước lời loan báo đó ? Những nỗi đau nào mà Chúa phải gánh chịu ? Những nỗi đau mà Chúa gánh chịu có tác dụng gì đến chúng ta ?
Đúng là thương khó thật khó thương ! Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu báo cho các Môn đệ biết là Ngài đang trên đường đến Thập tự giá ( Mt 16,21 v 17,22-23 ). Tin Mừng Macco và Luca cũng thêm vào những nét đặc biệt riêng của nó cho câu chuyện này và cho thấy bầu không khí căng thẳng giữa các Môn đệ, họ linh cảm một cái gì không may sắp ập đến. Macco nói rằng Chúa Giêsu đi trước một mình, "Ngài dẫn đầu các ông" và các Môn đệ lấy làm ngạc nhiên, sợ hãi ( Mc 10,32-34 ). Họ không hiểu điều gì sắp xảy ra, nhưng họ có thể nhìn thấy một dáng vẻ bên ngoài của Chúa Giêsu bộc lộ cuộc đấu tranh trong tâm hồn Ngài - Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng là con người thật như chúng ta mà ! Cả 3 Thánh sử Matthêu, Luca và Macco đều cho biết Chúa Giêsu đã đem các Môn đệ "riêng ra một mình" để Ngài có thể làm cho họ hiểu những gì đang chờ đợi phía trước ( Mt 20,17 v Lc 18,31-34 v Mc 10,32-34 ). Đây là bước quyết định đầu tiên cho màn cuối cùng của vở kịch sắp tới. Tại đây Chúa Giêsu chủ tâm lên Jérusalem và tới Thập tự giá.
Sự đau thương mà Chúa đang hướng tới bao gồm một cách kỳ lạ mọi đau thương của lòng, của trí và của thân thể con người. Ngài sẽ bị phản bội, bị nộp vào tay những thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo. Ở đây chúng ta thấy nỗi đau của một tấm lòng nát tan vì bạn bè bất trung. Ngài sẽ bị người ta kết án tử hình, một sự bất công khó chịu nỗi. Ngài sẽ bị những người La Mã nhạo báng. Ngài chịu sự chà đạp nhân phẩm, sỉ nhục và mạ lỵ, Ngài phải bị đánh đập. Ít có sự hành hạ nào trên thế gian này có thể sánh với sự đánh đập, hành hạ tàn nhẫn của người La Mã, và chúng ta thấy sự quằn quại của một thân xác bị đau đớn, rách tươm, tơi tả. Cuối cùng Ngài phải chịu đóng đinh ! Tại đó chúng ta thấy nỗi đau đớn tột cùng của Chúa. Hầu như tất cả sự đau đớn của thể chất, tình cảm và tinh thần của thế gian đều tập trung trên con người của Chúa Giêsu. Nhưng Chúa không chấm dứt ở đó, Ngài kết thúc bằng lời loan báo chắc chắn về sự Phục sinh. Sau bức màn đau khổ có vinh quang chiếu rạng, sau thập tự giá là mão triều thiên, sau sự thất bại là sự đắc thắng, và sau sự chết là sự sống.

2. Đi từ tham vọng của các Môn đệ :
Cũng trong Tin Mừng Matthêu, tác giả ghi lại : "Bấy giờ bà mẹ của các con ông Dêbêđê đến gặp Đức Giêsu, có các con bà đi theo; bà bái lạy và kêu xin Người một điều. Người hỏi bà : Bà muốn gì ? Bà thưa : Xin Thầy truyền cho hai con tôi đây, một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả Thầy trong nước Thầy". Chúa Giêsu phán rằng : "Thật các ngươi sẽ uống chén Ta, nhưng ngồi bên hữu hay bên tả Ta chẳng tự Ta cho được, ấy là cho những người nào mà Cha Ta đã chuẩn bị cho kẻ ấy mới được" ( Mt 20,20-23 ). Tương đương với Mc 10,35-40.
Lời thỉnh cầu ở đây phản ánh những ước muốn nào của bà mẹ các Môn đệ và các Môn đệ ? Chúa có thái độ nào trước lời thỉnh cầu như thế ? Tại sao các Môn đệ cũng muốn mẹ mình xin như thế dầu Chúa đã nói trước về cuộc khổ nạn của Ngài ? "Chén" ở đây chỉ về điều gì ? Giacôbê và Gioan về sau phải uống "chén" nào ? Có lúc nào chúng ta có những lời cầu xin như các Môn đệ không ?
Ở đây chúng ta thấy các tham vọng trần thế thể hiện qua các Môn đệ, nó cho chúng ta biết ba điều về họ.
        a. Họ đang nghĩ về danh tiếng, phần thưởng, địa vị, và sự thành công cá nhân chứ không nghĩ đến sự hy sinh cá nhân.
          b. Họ muốn Chúa Giêsu bảo đảm cho họ một đời sống vương giả bằng lời nói của Ngài. 
          c. Trên một khía cạnh khác, không có sự kiện nào bày tỏ lòng tin sắt đá của họ nơi Chúa Giêsu bằng sự kiện này. 
Chúng ta hãy suy nghĩ đến thời điểm họ đưa ra lời thỉnh cầu. Nó được đưa ra sau những lời tiên báo của Chúa Giêsu về một Thập tự giá không thể tránh được đang chờ đợi Ngài. Nó được đưa ra ngay lúc bầu không khí nặng nề và linh tính báo trước thảm kịch sắp tới. Dầu vậy, giữa bầu không khí đó, các Môn đệ vẫn suy nghĩ đến một Vương quốc. Đó là một điều hết sức có ý nghĩa, vì ngay giữa một thế giới mà sự tối tăm đang bủa vây, các Môn đệ cũng không hề nghĩ đến sự thất bại của Chúa Giêsu. Ngay khi Chúa Giêsu nói rõ rằng chén cay đắng đang chờ họ ở phía trước, họ cũng không nản lòng thối lui, họ cương quyết uống chén ấy. Nếu chiến thắng với Chúa Cứu Thế có nghĩa là chịu khổ với Chúa thì họ sẵn lòng đối diện với sự chịu khổ đó.
Người ta dễ lên án các Môn đệ, nhưng chúng ta không được quên đức tin và lòng trung thành nằm phía sau tham vọng của họ.

3. Cùng uống chén với Chúa :
Một số đoạn Tin Mừng trích dẫn ở trên soi rọi ánh sáng lên đời sống tín hữu chúng ta. Chúa Giêsu có ngụ ý nói rằng ai muốn chia sẻ vinh quang và chiến thắng của Ngài thì phải uống chén của Ngài. Chén đó là gì ? Trước mắt, đó là điều Chúa Giêsu nói sẽ xảy đến cho Giacôbê và Gioan. Thế gian đã đối đải với Giacôbê và Gioan rất khác nhau. Giacôbê là Tông đồ tử đạo đầu tiên ( Cv 12,2 ). Đối với ông, chén phải uống là sự chết vì đạo; còn Gioan, Chúa cho tuổi thọ khá cao, ông sống ở thành Êphêsô và chết một cái chết bình thường khi gần trăm tuổi. Đối với Gioan, chén phải uống là đời sống kỉ luật và chiến đấu liên tục của người tín hữu Chúa Kitô suốt những năm tháng dài.
Do vậy, chúng ta sẽ sai lầm nghĩ rằng "chén" của những người tin Chúa là sự chiến đấu gay go, cay nghiệt, đau đớn, chết vì đạo như các Thánh tử đạo xưa. Xin thưa, không hẳn phải hoàn toàn như thế. Chén đó có thể là đời sống bình thường của tín hữu. "Uống chén" có nghĩa là theo Chúa Kitô bất cứ nơi nào Ngài dẫn đi và sống giống như Chúa Kitô trong bất cứ hoàn cảnh nào, như các tù nhân lương tâm đã chịu đựng.
Cũng từ các đoạn Tin Mừng trích dẫn ở trên cho ta thấy lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Mặc dù Chúa đã nói nhiều lần, thế mà các Môn đệ và mẹ họ vẫn nói về một địa vị trong một chính quyền, một vương quốc ở trần gian. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không nổi giận vì sự u mê tăm tối, hay thất vọng vì sự đần độn của họ. Ngài tìm cách dẫn họ đến Chân lý một cách nhẹ nhàng, thông cảm và đầy thương yêu. Chúa Giêsu không bao giờ thốt ra một lời lẽ nóng nảy. Điều vui nhất cho chúng ta là Chúa Giêsu không bao giờ thất vọng về con người. Chúa không nghi ngờ lòng trung thành của Giacôbê và Gioan. Họ có những tham vọng sai lầm, họ có những ý tưởng lệch lạc, nhưng Chúa không bao giờ thất vọng về họ. Ngài tin rằng họ có thể và sẽ uống chén, và cuối cùng người ta thấy họ vẫn ở bên Ngài. Một trong những sự kiện nền tảng lớn lao mà chúng ta phải nắm giữ đó là ngay cả khi chúng ta chán ghét, khinh bỉ chính mình thì Chúa Kitô vẫn tin chúng ta, vẫn không chán ghét khinh bỉ chúng ta. Kitô hữu là người được Chúa tôn trọng và yêu thương.
Muốn Phục sinh thì phải trải qua Thập giá. Con đường thương khó thật khó thương, hay nói cách khác : muốn thương, thương cũng không phải dễ, vì không phải ai cũng chấp nhận được. Nhưng Chúa phải gánh chịu vì yêu thương nhân loại và để cứu chuộc nhân loại, tình yêu của Chúa thật lớn lao; Ngài chấp nhận hy sinh, đổ máu để cứu lấy chúng ta.

Con đường thương khó, khó thương
Chính là Thập giá trên đường mình đi
Đẹp sao, mình thấy những gì :
Bước đi cùng Chúa những khi vui buồn.

4. Lời nguyện :
Chúa ơi, dù biết hướng về Thập giá là khổ nạn, nhưng vì tình yêu dành cho con Chúa vẫn đi tới, xin giúp con tận trung theo Ngài.
Cảm tạ Chúa vì Chúa thương con, chọn con trong khi con chỉ là tội nhân. Xin giúp con cũng đối xử với những người chung quanh con đầy khoan dung và độ lượng như Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.




Thứ Tư, 24 tháng 3, 2021

Chùm thơ 64

VIẾT BLOG

Suy niệm thì viết nhiều hơn,
Còn thơ với thẩn chỉ vờn cho vui
Một  ngày  lui  tới,  tới  lui
Vài dăm ba chữ phải mùi trần gian.



HIỆU ỨNG THƠ

Có những câu thơ chẳng có vần,
Nhưng hòa ngữ điệu với thanh âm
Người nghe như có lời nhắn nhủ,
Len  lén   vào   tim  giọt   lệ   thầm.



HIỆN TẠI

Tuổi đời cũng đã lớn rồi,
Không còn ngày tháng để ngồi đợi trông
Làm gì vượt khỏi nhớ mong,
Phút  giây  hiện  tại  xin đừng  lãng quên.



LẶNG LẼ

Khi nắng hoàng hôn đã tắt dần,
Cuộc  đời  bỏ  lại phía  sau lưng
Bóng đêm cứ tưởng rằng ta ngủ,
Ta  thức một mình  với  núi sông.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Bảy, 20 tháng 3, 2021

Yến bạc hay nén bạc ?

 ( Mến tặng em Trần thị Trúc Linh )
1. Vài lời dành cho học trò :
Gặp được Linh trong một buổi nói chuyện làm cho Thầy có những suy tư. Em nói rằng em đọc Tin Mừng Matthêu : "Dụ ngôn những yến bạc"( Mt 25,14-30 ) có những điều khó hiểu. Đúng là như vậy, chúng ta có thể hiểu một phần nào đó chứ không thể hiểu được hết. Có những điều đôi lúc trí thì hiểu nhưng ngôn từ không đủ để diễn đạt lại cho người khác hiểu. Không phải lúc nào Chúa Thánh Thần cũng ban ơn soi sáng cho chúng ta hiểu hết tất cả đâu, Ngài chỉ cho chúng ta hiểu một phần nào đó thôi, hiểu từ từ, có những vấn đề hôm nay không hiểu, nhưng đến một lúc nào đó Chúa mới cho chúng ta hiểu được, như thế mới thấy thú vị, mỗi người cần phải nhẫn nại.
Kinh Thánh thật kì lạ ! Đây cũng là điểm khá hấp dẫn. Các nhà thần học thường xuyên khám phá và không ngừng khám phá mà vẫn không có điểm dừng lại, vì sự mới mẻ luôn luôn xuất hiện. Kinh Thánh có sức hấp dẫn và lôi cuốn lạ thường, càng đọc càng thấy say mê, kèm theo với lòng yêu mến đối với Thiên Chúa ( TC ), ai hiểu thì hiểu thêm, ai không hiểu thì lại bị dấu luôn điều họ tưởng là hiểu. Người có lòng yêu mến Chúa thì say mê Kinh Thánh, hiểu được Kinh Thánh cũng như là một ơn riêng vậy. Những câu văn, những từ ngữ, những phân đoạn trong Kinh Thánh có nhiều khi hàm chứa cả một nội dung, một ẩn ý, kích thích người đọc tính tò mò nghiên cứu, từ đó ơn Thánh Thần soi sáng cho họ khám phá ra Chân lý.

2.Liên hệ từ Thánh Kinh và rút ra bài học :
Tin Mừng Matthêu kể cho chúng ta một dụ ngôn. Câu truyện rất ý nghĩa : Trước khi trẩy đi xa ông chủ đã trao cho các đầy tớ những yến bạc để làm vốn sinh lời. Ông trao cho người này 5 yến, người kia 2 yến, người khác nữa một yến, tùy theo khả năng mỗi người, đoạn ông ra đi ( Mt 25,15 ). Họ phải tự mình lo chu toàn bổn phận và trách nhiệm đã được trao. Người nhận nhiều, kẻ nhận ít. Ông chủ chỉ muốn mỗi đầy tớ hãy biết cách làm để được sinh lời từ số vốn liếng mà mình đã nhận được. Chúa Giêsu dùng dụ ngôn này để áp dụng cho mọi người ở mọi thời. Đã hơn 2000 năm trôi qua, dụ ngôn ấy là một lời mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ và tự vấn. Người 5 sinh lợi ra 10, kẻ 2 sinh lợi ra 4 - sinh lợi gấp đôi; người đầy tớ lãnh một yến không những đem chôn vùi mà còn tỏ ra bất kính và thích lý sự, nại đến nhiều lý do không thích để giải thích cho việc chôn dấu yến bạc của chủ trao cho mình ( x Mt 25,24-25 ). Hai người tài giỏi và trung thành, có thiện chí và nổ lực làm sinh lợi, được ông chủ thưởng cho cả vốn lẫn lời, đặt họ lên địa vị cao và cho họ được hưởng hạnh phúc chung với chủ ( Mt 25,21 v 23 ). Kẻ chôn yến bạc đi bị quở trách là tồi tệ, biếng nhác, vô dụng, bị phạt ném vào chốn tối tăm, "khóc lóc, nghiến răng"( Mt 25,26a v 30 ) - Hình ảnh này chẳng qua là một cách diễn đạt quen thuộc thích hợp với người thời ấy để chỉ về hình phạt dành cho những kẻ bất trung với Chúa, không tin Chúa, họ sẽ chung số phận với ma quỷ nơi hỏa ngục - nói lên tính công thẳng, chứ không phải là bản chất độc ác của ông chủ. Ngày nay nhân loại đang quằn quại rên xiếc, đau khổ tràn lan khắp nơi khi đại dịch bùng phát mà con người vẫn chưa tìm ra thuốc chữa trị. Cảnh con người ta chết không kịp nói lời từ biệt, người sống thì khóc lóc nghiến răng thảm thiết. Một số nơi ở trần gian này chẳng khác gì địa ngục do con người tự tạo ra !
Trong thế giới con người, một sự thật hiển nhiên là mỗi người có những tài năng chuyên môn khác nhau. Có những thiên tài trổi vượt trong một số các ngành nghề. Có nhiều người rất thông minh, giỏi giang, lại còn giàu có và tốt lành nữa. Có những người học hành và làm việc cật lực để đạt được những thành quả xứng đáng. Cũng có người trí khôn tăm tối, kém cỏi, cần sự giúp đỡ. Khả năng thiên phú nơi mỗi người không đồng đều, Tạo Hóa không đòi hỏi mọi người phải sinh lợi bằng nhau. Điều quan trọng là, dù ít dù nhiều, mỗi người phải tận dụng khả năng mình có để góp phần làm đẹp cho cuộc sống, mưu ích phần rỗi cho nhau. Người đầy tớ lãnh một yến bạc rồi đem chôn thì chẳng mưu ích gì ( Có lẽ ta cần phân tích kỉ hơn ở điểm này ).
Xem cung cách ông chủ đối xử với những đầy tớ, thì đây là thuật dùng người hay là một cuộc xử án đánh giá công và tội ? Cổ nhân dùng người thì gởi đi xa để thử tài, thử đức : Tài sẽ phát hiện khi họ được tự do, được toàn quyền phát huy sáng kiến theo khả năng của mình, không còn phải e dè lệ thuộc cấp trên. Đức sẽ tỏ ra khi họ được tự lập, tự chủ, đúng với nhân cách và địa vị của họ.
Trở lại vấn đề, dụ ngôn nói đến ông chủ đi xa để cho đầy tớ toàn quyền hành động, nhờ đó ông thấy được ai hay ai dở. Sở dĩ ông trao số bạc cho kẻ nhiều, kẻ ít là tùy theo khả năng của mỗi người. Chỉ còn xem ai tốt ai xấu thôi. Đúng là bài Tin Mừng được linh ứng để viết thành như một truyện ngắn cực hay. Kẻ tốt sẽ trung thành với sự tin tưởng của chủ, anh sẽ hết lòng hết sức làm việc, không thắc mắc lương bổng bao nhiêu, không sợ lỗ lãi nhiều ít, miễn là cố gắng làm, hoàn toàn tín nhiệm vào lòng tốt của chủ.
Dụ ngôn cho thấy ông chủ rất tốt đối với đầy tớ. Ông hoàn toàn lo giúp đầy tớ, tạo điều kiện cho đầy tớ làm giàu, ông cho cả vốn lẫn lời và thưởng nhiều đặc ân ngoài sức tưởng tượng của đầy tớ tốt, có thiện chí, tận tâm tận lực làm việc( Mt 25,21 v 23 ). Đối với kẻ xấu, bất trung, bất hiếu, phạm thượng, không thể giúp nó làm được gì. Ông đành phải lấy lại của đã cho nó( Mt 25,28 v 29b; Lc 19,24 v 26b ), ông buộc lòng mặc cho nó tự do lao vào cảnh tăm tối khóc lóc.
Phải chăng mục đích dụ ngôn không dạy thuật dùng người cho bằng đánh giá giá trị con người : Có thiện chí thì thưởng,có tội thì phạt ?
Thiện chí ở đây không đánh giá con người bằng lời lãi tiền của như các ông chủ ngân hàng. Các ông chủ ngân hàng thế giới đánh giá giá trị một nước theo tiền của, đánh giá con người theo tốt xấu. Ai tốt ông thưởng đặc biệt, ai xấu ông loại bỏ.
Đây là ông chủ Nước Trời khác với mọi chủ trần gian. Chủ trần gian bắt đầy tớ, con nợ, phải trả vốn lẫn lời. Ông chủ Nước Trời không những cho cả  lời, cả vốn, cho địa vị sang trọng và hạnh phúc của ông. Chủ trần gian thưởng lớn cho kẻ tài cao, thưởng nhỏ cho kẻ tài hèn. Ông chủ Nước Trời khen đồng đều cho kẻ tài cao, tài hèn miễn là có lòng tốt như nhau. Sự đánh giá con người của ông chủ Nước Trời là tùy ở nhân đức của mỗi một con người.
Của cải của ông chủ Nước Trời là tất cả trời đất muôn vật, vũ trụ muôn loài, là cả hồn xác chúng ta cùng với kho tàng ân sủng vinh quang, hạnh phúc vĩnh cửu. Ông trao tất cả cho chúng ta. Những ai thành tâm thiện chí : hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn thực thi ý chủ, thực thi thương người như chủ thương ta. Khi chủ đến tính sổ, "bất cứ thời nào, lúc nào không cần biết, miễn là anh em là con cái ánh sáng, con cái ban ngày, biết sống tỉnh thức và điều độ, mặc áo giáp đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn Cứu độ, thì TC không dành án thịnh nộ cho chúng ta, nhưng cho chúng ta được hưởng ơn phúc cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."(x I Jn 1,5-7 ).
Tôi không hiểu "yến bạc" và "nén bạc" khác nhau chỗ nào, các sách cũ dịch là "nén bạc", sách mới của nhóm Các-giờ-kinh-phụng-vụ dịch là "yến bạc".Trong Tin Mừng Matthêu có hai dụ ngôn : một dụ ngôn ghi yến bạc, một dụ ngôn ghi yến vàng, cả hai đều dùng từ "yến" chứ không dùng từ "nén" ( x Mt 25,14-30 v 18,23-35 ).Tin Mừng Luca nói kỉ hơn : Ông chủ chỉ thị một cách rõ ràng cho các đầy tớ phải đầu tư kiếm lợi từ mười nén bạc ông đã trao cho ( Lc 19,12-27 ). "Yến bạc" hay "nén bạc" cũng chỉ là đơn vị tiền tệ. Tôi thì nghĩ một yến bạc có thể trong đó đựng nhiều nén bạc ( Không biết có đúng không, việc này kinh sách cần phải thống nhất điều chỉnh hoặc có chú thích ). Khi đọc "Nén bạc và dấu chân voi" - Hồi ký của Cha Tiến Lộc, tôi được biết thêm : chữ "talent" có nghĩa là nén bạc, đơn vị tiền tệ; nhưng đồng thời chữ "talent" cũng có nghĩa là tài năng. Trong Tin Mừng, điều quan trọng là bằng lòng với những gì mình có và sử dụng tối đa những tài năng Chúa ban để làm lợi cho Chúa. Nếu ta có tài năng và của cải Chúa ban mà không sử dụng tài năng và của cải ấy để làm sáng danh Chúa và mưu phần rỗi cho anh em thì như thế cũng là một trọng tội đáng bị nguyền rủa, đáng bị loại khỏi Nước Trời.

3.Lời kết :
Tóm lại, TC ban tài năng thì chúng ta có trách nhiệm phải biết dùng tài năng ấy để sinh lợi cho mình và cho người khác. Kẻ lười biếng sẽ bị gọi là tôi tớ bất hảo; còn người siêng năng cần mẫn, làm sinh lợi các nén bạc sẽ được gọi là tôi tớ tín trung. Tiêu chuẩn căn bản để Chúa xét xử đó là tình yêu. Dấu chỉ chúng ta yêu mến Chúa là tình yêu chúng ta thực thi đối với anh chị em mình.
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa về những hồng ân vật chất, tinh thần Chúa đã ban cho con. Con quyết tâm sẽ làm gì cụ thể để làm lợi thêm yến bạc Chúa giao, tức là sử dụng chúng để phục vụ Chúa và tha nhân cách tốt nhất. Amen !
Cám ơn Linh đã tâm sự, sẻ chia, tạo hứng khởi để Thầy viết nên được bài suy niệm này.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Từ các bài đọc CN V Mùa Chay


                        ( x Ed 37,12-14 ; Rm 8,8-11 ; Jn 11,1-45 ) 

1. Sứ điệp hy vọng :
Thi hành sứ vụ ngôn sứ trong thời lưu đày ở Babilon, lúc đầu Israel đang chán nản, thất vọng; ngôn sứ Êdêkien loan báo về một sự hồi sinh diệu kỳ mà Thiên Chúa sẽ thực hiện cho dân Ngài. 
Sống trong cảnh mất nước và phải chịu kiếp lưu đày, dân Israel mất hết niềm hy vọng; họ cảm thấy mình chỉ như những bộ xương khô nằm trong huyệt mộ (x. Ed 37,11). Thiên Chúa sai ngôn sứ Êdêkien đến loan báo cho dân Israel biết rằng Thiên Chúa không hề bỏ rơi họ. Ngài sẽ giải phóng họ ra khỏi huyệt mộ và ban cho họ thần khí của Ngài để họ được hồi sinh; đồng thời, Ngài sẽ mang họ trở về Đất Hứa, phục hưng họ thành một dân tộc độc lập và bền vững.

Như thế, từ trong tột cùng thất vọng của sự chết, lời ngôn sứ Êdêkien đem lại niềm hy vọng lớn lao cho dân Chúa, giúp họ được hồi sinh. Khi mà tự thân dân Israel hoàn toàn không còn khả năng phục hồi, thì quyền năng vô song của Thiên Chúa mới có sức mạnh tái sinh họ. Qua sự hồi sinh kỳ diệu này, dân Israel sẽ nhận biết Thiên Chúa là Đức Chúa (Ed 37,13-14). Một lần nữa, dân Israel phải mở to mắt để nhận biết rằng chỉ mình Thiên Chúa là Đấng trung thành. Dù trong hoàn cảnh bi đát nhất, Ngài vẫn dõi theo từng bước chân của họ và chỉ có Ngài mới thật sự là Đấng cứu độ.

Sứ điệp hy vọng của ngôn sứ Êdêkien vừa mang lại sự hồi sinh kỳ diệu cho dân Israel, vừa giúp họ nhận biết rằng Thiên Chúa luôn trung thành và sẽ ra tay cứu vớt họ, nên dù trong hoàn cảnh nào, họ hãy luôn trung tín với Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin nơi Ngài.


2. Nguyên lý sự sống mới :

Thánh Phaolô phân biệt hai xu hướng đối nghịch nơi con người : Hướng chiều về tính xác thịt và hướng chiều về Thần Khí; đồng thời, nhấn mạnh đến hậu quả của việc chọn lựa sống theo một trong hai xu hướng đó.

Thánh Phaolô xác định rằng tính xác thịt thì nghịch cùng Thiên Chúa và những ai sống theo tính xác thịt thì không thể làm vừa lòng Thiên Chúa, vì hướng đi của tính xác thịt dẫn đến sự chết (Rm 8,5-6). Trái lại, hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an (Rm 8,7). Ai có Thần Khí Đức Kitô thì thuộc về Người, mà ai thuộc về Người thì dù có chết vì tội lỗi đã phạm thì cũng được Thần Khí của Người ban cho sự sống ( Rm 8,10-11 ).

Quả vậy, theo thánh Phaolô, thân xác không chỉ chết về thể lý mà còn chết về mặt thiêng liêng do hậu quả của tội (x Rm 5,12). Chỉ có Thần Khí của Chúa Cha, Đấng đã làm cho Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, mới đem lại cho tội nhân ơn tha thứ và sự sống thiêng liêng ở đời này và nhất là sự phục sinh ở đời sau. Tất cả những ai tin vào Đức Giêsu và liên kết chặt chẽ với Người thì có Thần Khí của Thiên Chúa; Thần Khí xưa đã phục sinh Đức Giêsu thế nào, thì nay cũng tiếp tục ban sự sống cho các Kitô hữu như thế (Rm 8,11).

Tóm lại, tác giả thư Rôma xác tín rằng Thần Khí của Thiên Chúa là nguyên lý sự sống, xưa đã phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết và nay vẫn tiếp tục ban sự sống mới cho những ai tin vào Đức Giêsu, dù họ có chết vì tội lỗi đã phạm.


3. Dấu chỉ đời sống vĩnh cửu :

Câu chuyện Chúa Giêsu cho anh Ladarô sống lại từ cõi chết minh chứng rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng ban sự sống đích thực trong và qua Đức Giêsu, Con của Ngài.

Dù quý mến anh Ladarô, và thực sự thổn thức khi chứng kiến người ta thương khóc anh, nhưng Chúa Giêsu không vội vàng đến thăm khi nghe tin anh đau nặng. Người biết việc Người sắp làm không đơn thuần là tình cảm cá nhân; Người không chỉ đến để bày tỏ lòng quý mến nhưng qua việc cho Ladarô sống lại, Chúa Giêsu còn cho thấy quyền năng của Thiên Chúa trên sự chết. Điều quan trọng là Thiên Chúa được tôn vinh cùng với Đức Giêsu, Con của Ngài (x Jn 11,4).

Quả vậy, dù hai chị em cô Mácta và Maria hiểu lòng quý mến mà Chúa Giêsu dành cho gia đình họ đến nỗi Người không nỡ để Ladarô phải chết (Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết - Jn 11,21 ), nhưng Chúa Giêsu còn đi xa hơn nữa khi cho họ thấy rằng nếu họ tin vào Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian (x Jn 11,27) thì sẽ được thấy vinh quang Thiên Chúa ( Jn 11,40 ). Nếu họ tin vào Đức Giêsu thì dù anh Ladarô đã chết thật sự về mặt thể lý ( Jn 11,39 ), Chúa vẫn cho anh sống lại để vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa được tỏ hiện. ( Mời xem thêm bài "Ơn phép lạ và sự tỏ bày" trên nhãn Suy niệm 4 của Blog này ).

Chúa Giêsu thật là sự sống, và là sự sống lại, nên những ai tin vào Người thì luôn có sự sống của Người. Vì thế, dù có chết về mặt thân xác thì vẫn có sự sống thần linh nơi mình. Sự sống thần linh này là bảo đảm cho sự phục sinh mai sau, lúc con người sẽ không bao giờ phải chết nữa (x Jn 11,25-26).


4. Kết :

Tóm lại, Sứ điệp của ngôn sứ Êdêkien cho dân Israel đang chịu cảnh lưu đày mang lại niềm hy vọng lớn lao cho họ về một cuộc hồi hương. Họ phải nhận ra rằng chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền năng mang lại sự hồi sinh cho họ, và rằng Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành, sẽ ra tay cứu vớt họ, nên dù trong hoàn cảnh nào, họ hãy luôn trung tín với Thiên Chúa và đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài. Trong những khi tưởng như chán nản, thất vọng nhất, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con cái Ngài. Thiên Chúa sẽ kịp can thiệp để con cái ngài được hồi sinh. 

Thánh Phaolô cho thấy sự đối nghịch giữa việc sống theo tính xác thịt thì dẫn tới sự chết và sống theo Thần Khí mới hướng đến sự sống. Ngài xác tín rằng Thần Khí của Thiên Chúa là nguyên lý sự sống xưa đã phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết và nay vẫn tiếp tục ban sự sống mới cho những ai tin vào Đức Giêsu, dù họ có chết vì tội lỗi đã phạm. 

Câu chuyện Chúa Giêsu cho anh Ladarô sống lại từ cõi chết là một minh chứng rõ ràng rằng chỉ mình Thiên Chúa mới là Đấng ban sự sống đích thực trong và qua Con của Ngài là Đức Giêsu. Những ai tin vào Đức Giêsu thì dù có chết về mặt thể xác vẫn được Người ban cho sự sống thần linh là bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu đời sau. 

LỜI NGUYỆN :

1. Khi chứng kiến việc Chúa Giêsu làm, nhiều người Do thái đã tin vào Người. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các vị chủ chăn trong Hội Thánh, qua hoạt động mục vụ và đời sống chứng tá của mình, tiếp tục củng cố đức tin của Dân Chúa và đem nhiều người đến với Đức Kitô.

2. Bà Martha thưa với Chúa Giêsu: “Con tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Jn 11,27). Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người đang gặp đau khổ, thất bại hay bế tắc trong cuộc sống, tìm được nơi Đức Kitô niềm an ủi và hy vọng, để luôn biết tín thác và sống lạc quan trước mọi nghịch cảnh hiện tại.

3. “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể đẹp lòng Thiên Chúa”(Rm 8,8). Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho những người nghiện ngập: hút sách, cờ bạc, rượu chè, hay đang mê muội vì những đam mê bất chính, biết từ bỏ con đường lầm lạc và quyết tâm canh tân đời sống theo sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần.

4. Ai tin thì sẽ được xem thấy vinh quang của Thiên Chúa. Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho mọi người, biết đặt trọn niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng là sự sống lại và là sự sống, luôn trung thành bước theo và hăng say làm chứng cho Chúa, để xứng đáng được chia sẻ vinh quang hạnh phúc Nước Trời.

Lạy Chúa, Chúa nhắc nhở con mà con không sửa được. Tính hư nết xấu con vẫn cố thủ. Con thật là bất xứng, nhưng con vẫn yêu Ngài. Xin lòng thương xót Chúa tha thứ mọi tội lỗi con và đừng bao giờ lìa bỏ con. Amen !



Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Hoàng hôn trên phố















Tôi đi giữa phố đông người,
Mầu chiều bảng lảng mây trời nhẹ bay
Hoàng hôn tuyết trắng rơi đầy,
Ánh  đèn  tỏa  sáng  nơi  này  dịu  êm
Không gian thanh lịch bình yên,
Nhà hàng, cửa tiệm, công viên nối dài
Sông  hồ,  biển  cả,  lâu  đài
Thánh đường duyên dáng, khoan thai triền đồi
Một  mình  tôi  đứng  nhìn  tôi,
Nhớ   thương   đất  Việt,  bồi  hồi  đợi  mong...

JB.Sĩ Trọng.



P/s : Con thân yêu ! Qua Blog Ba viết có thể là nhiều người đọc, nhưng dành để tặng riêng con, Ba chỉ viết trong tưởng tượng mà thôi.

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Một chút Huế












Về thăm đất Mẹ quê anh, 
Ngự Bình ngắm cảnh mây xanh lưng trời
Lắng nghe thông hát ru đời,
Dòng sông An Cựu gọi mời khách qua
Lò Rèn đến chẳng bao xa,
Phú Cam lui tới gần nhà anh hơn
Băng qua Nguyễn Huệ, Tràng Tiền
Ngắm dòng Hương chảy dịu hiền bờ Nam
Con đường Lê Lợi mênh mang
Ngày Hè mát rượi hai hàng muối cây
Cổng trường thơ mộng nơi đây,
Nữ sinh Đồng Khánh gió bay áo dài
Bên kia Đại Nội lâu đài,
Thành quách cổ kính các thời triều vua
Nắng soi mặt nước sen hồ,
Tịnh Tâm hoa nở nhấp nhô nhụy vàng
Cột cờ đứng thẳng hiên ngang
Ngọ Môn mở rộng lối sang Cửa thành
Nắng chiều rải nhẹ chân anh,
Cùng em vui bước dệt thành bài thơ...

JB.Sĩ Trọng.