Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

Góp nhặt tư tưởng mùa Giáng Sinh

     

    Chúng ta khao khát có thể đón Chúa Giêsu ( GS ) trong dịp Giáng Sinh, không phải trong một máng cỏ lạnh lẽo nơi trái tim của chúng ta, nhưng trong một trái tim đầy tràn tình yêu và sự khiêm hạ, trong một trái tim tinh tuyền, trong suốt và ấm áp với tình yêu dành cho nhau.( Mother Teresa )

    Ngài đã sinh ra bởi một người mẹ mà chính Ngài đã tạo dựng nên. Ngài đã được cưu mang bởi đôi bàn tay mà chính Ngài đã khuôn đúc nên. Ngài đã khóc nơi máng cỏ trong dáng vẻ ấu nhi không thốt được thành lời. Ngài - Ngôi Lời, không có Ngài thì tất cả mọi lời lẽ hùng hồn của nhân loại đều bị câm bặt.( St Augustine ).

    Chúa GS ra đời ở bên ngoài thành phố, bên ngoài bệnh viện hay một ngôi nhà bình thường. Các sách Phúc âm cho chúng ta biết Chúa GS sinh ra đời ở chuồng bò, bên ngoài thành phố vì không còn chỗ trong quán trọ. Chúng ta luôn chê ghét người chủ quán trọ xấu tính đã đuổi Đức Mẹ và Thánh Giuse đi, và rút ra bài học là cần phải mở lòng ra để có chỗ cho nhiều chuyện khác xảy đến trong đời, chúng ta đừng quá bận tâm đến nỗi không có chỗ cho sự thánh thiêng nảy sinh trong đời chúng ta.
    Thật ra, còn có một bài học nữa mà tôi nghiệm thấy quá cần thiết cho chính cuộc sống của tôi. Vì áp lực trong mấy năm qua, tôi chưa có dịp để suy tư sâu về Giáng Sinh. Hiện giờ trong quán trọ của tôi chẳng còn chỗ ! Và tôi dần thấy thương cho người chủ quán trọ năm xưa, vì biết rằng chúng ta có thể chồng chất quá nhiều lên cuộc đời mình đến nỗi không còn chỗ để chào đón một vị khách thánh thiêng.
    Đây rõ ràng là một thách thức quan trọng dành cho chúng ta, nhưng đồng thời các học giả Kinh Thánh cũng nói rằng còn có một bài học sâu sắc hơn trong việc Chúa GS ra đời ở một chuồng bò bên ngoài thành phố vì không còn chỗ cho Ngài trong quán trọ.
Thomas Merton từng viết một bài tuyệt vời về vấn đề này : Trong cái thế giới này, cái quán trọ ồn ào này, hoàn toàn không có chỗ nào cho Người, Chúa đã tới mà không hề được mời gọi. Nhưng bởi vì Người không thể cư xử như ở nhà mình trong đó, ấy vậy mà vẫn phải ở trong đó, nên chốn của Người là ở bên những ai không được dành cho một vị trí nào...
    Mẹ Maria sinh hạ Chúa GS trong máng cỏ vì không có chỗ cho họ trong quán trọ. Đây là lời chú giải không phải chỉ về sự bận rộn và thiếu hào hiệp của một chủ quán trọ nào đó xa xưa. Đây là câu chuyện về những gì sâu thẳm nhất trong cuộc đời con người. Cốt tủy, điều câu chuyện muốn nói là không phải những người ở trung tâm mọi sự kiện, người giàu, người nỗi tiếng, những ngôi sao của thế giới giải trí...là người ở tâm điểm của cuộc sống. Những gì sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất của cuộc sống nằm ở chốn vô danh, được dịu dàng quấn trong đức tin, bên ngoài thành phố.(Ronald Rolheiser ).

    Chúa GS Giáng Sinh cho chúng ta hôm nay, để Ngài có thể hiện ra với cả thế giới qua chúng ta.( Thomas Merton ).


Thứ Hai, 27 tháng 12, 2021

Giáng Sinh - Lời nguyện cầu tha thiết...

 

Lạy Thiên Chúa toàn năng, là Cha yêu thương của chúng con.

Mỗi năm, mùa Giáng Sinh trở về mang lại sắc thái tưng bừng, nhộn nhịp. Chúng con hầu như cũng bị cuốn hút bởi những hình thức bên ngoài, rồi quên đi ý nghĩa của việc mừng kính Con Chúa xuống trần, hay có chăng cũng chỉ là dư âm thoáng gợn lên trong tâm hồn chúng con như một kỉ niệm. Nếu chỉ dừng lại ở ý nghĩa đó thì quả thật lễ Giáng Sinh đã bị tục hóa mất rồi, và Kitô giáo chỉ là một đạo hình thức thôi sao ?

Thưa không, biến cố Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người là một biến cố trọng đại trong lịch sử nhân loại, có liên hệ mật thiết đến từng người chúng con. Tin Mừng Giáng Sinh chính là Emmanuel, Thiên Chúa làm người và ở với chúng con. Chắc chắn chúng con không thể cảm nghiệm được niềm vui ấy cách trọn vẹn và sâu xa, chỉ bằng những tác động hình thức, nhưng là một sự cảm nghiệm kết tinh trong suy ngắm, trong hành động.

Trả lại cho thế giới bên ngoài những xao động ồn ào, trở về với cõi hồn sâu thẳm, đối diện với hang đá lòng mình; trong thinh lặng, chúng con muốn mặc lấy tâm tình Mẹ Maria nơi Hang đá Bélem xưa để chiêm ngắm, thờ lạy Chúa, Đấng là Vua trời đất, tạo dựng nên mọi sự, giờ đây trở nên Hài Nhi bé nhỏ nơi máng cỏ đơn hèn. Thật là một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của loài người chúng con, một sáng kiến của tình yêu thương tuyệt vời mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đáp lại, Chúa cũng đang chờ mong nơi chúng con đón nhận, làm cho đời chúng con được gieo mầm và nảy nở trong ân sủng Chúa. Để thái độ ấy được tích cực và sống mầu nhiệm Nhập thể cách sống động, đòi hỏi chúng con biết khám phá ra ý nghĩa cao cả của mầu nhiệm Nhập thể đối với cuộc sống hằng ngày.

Nạn dịch đang tràn lan, từ ngày xảy ra đến nay cũng đã hơn hai năm mà vẫn chưa chấm dứt. Nhân loại vẫn đang còn sống trong lo âu và sợ hãi.

Con thấy dân con trốn dịch chạy  đường dài,
Chở vợ chở con đi trong đoàn người đông đảo
Trước đây vì lý do cơm áo,
Nay tìm về đất mẹ quê hương.
Nơi này chắc chắn có những người thương
Tuy nghèo, nhưng tình làng nghĩa xóm
Họ ra đi tấm thân gầy cháy xám 
Thấm bụi đường đeo bám những ngày qua
Mong làm sao trở lại được quê nhà,
Để khỏi bị Covid lây nhiễm
F1, Fo cách ly là điều không hiếm
Nên đành lòng phải thoát chạy mà thôi
Thất nghiệp đã lâu, đói khát lắm rồi...

Xin Chúa cho Đại dịch mau qua. Xin Chúa nâng đỡ người dân con đang khốn khổ.
Nguyện xin Chúa sáng soi cho chúng con để chúng con biết yêu thương, sáng tạo, làm những việc hữu ích cho cộng đồng xã hội. Xin Chúa chúc lành cho những nổ lực của chúng con, cho những chuyến đi kết nối yêu thương của chúng con, để mỗi người trong chúng con sống xứng đáng làm con Chúa, biết dấn thân phục vụ tha nhân, gần gũi người nghèo, yêu thương và đem đến niềm vui cho họ... Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Giáng Sinh - Những con người được chọn


1. Người phụ nữ đệ nhất khiêm tốn :
    Chắc khi viết tiêu đề trên thì mọi người đã biết ai rồi. Đức Maria được Thiên Sứ của Chúa xưng tụng là "Người nữ đầy ân sủng", "Thiên Chúa ở cùng Người", "Người được chúc phúc hơn mọi phụ nữ"... Nói khác đi, Maria là người đã được chọn. Trong câu chuyện này ta để ý đến những nỗi thắc mắc của Đức Maria. Thắc mắc đó không khác gì của Nicôdemô khi được Chúa cho biết về "sự Tái Sinh"; cũng không khác gì của người thiếu phụ Samaria khi nghe về "Nước Hằng Sống" : "Làm sao chuyện ấy xảy ra được ?"
    Chỉ có một mình Maria được chọn để làm một công việc, để đóng một vai trò trong cuộc đời Chúa Cứu thế : đó là cưu mang Chúa Cứu thế. Maria không bao giờ tuyên bố Bà là Mẹ Thiên Chúa, nhưng chỉ nhận là một Nữ tì hèn mọn được chọn ( Lc 1,38.48 ), như vậy có phải là đệ nhất khiêm tốn không ? Tuy Mẹ không xưng mình là Mẹ Thiên Chúa, nhưng người chị họ Êlizabet lại tuyên xưng : "Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi ?"( Lc 1,43 ), ngày nay Giáo Hội tuyên xưng Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, dễ hiểu vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu. Gương sáng Mẹ Maria là tấm lòng đơn thành, nhận lấy sứ mạng và làm trọn. 
    Bạn thân mến, ngày nay Chúa vẫn còn đến với những người theo Chúa với tấm lòng đơn thành, sẵn sàng nhận sứ mạng của Chúa. Bạn có thể là một trong những người ấy. Có lẽ bạn cũng có cái thắc mắc chung như Mẹ Maria, thiếu phụ Samaria, ông Nicôdemô, đó là : "Làm sao chuyện ấy xảy ra thế nào được ?". Bạn hãy nghe lời Thiên Sứ nói với Mẹ : "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được"( Lc 1,37 ). Trong mùa kỉ niệm năm nay, bạn hãy nhớ câu này. Chúa đã vào đời làm người để cứu nhân loại, đem đến cho con người tái sinh để hưởng sự sống vĩnh cửu. Những chuyện ấy bạn còn thắc mắc không ? Nếu không, bạn sẽ nhận được một trách nhiệm mới trong dịp kỉ niệm này. Bạn hãy để lòng đơn thành nhận lấy và làm đi !
( Mời đọc thêm các bài viết về Đức Maria trên nhãn "Mẹ Maria" của Blog này ).

2. Người đàn ông đệ nhất thầm lặng :
    Một người ít được nhắc đến trong Tân ước, trừ ra mấy đoạn đầu của Matthêu và Luca. Một người không thấy Thánh Kinh ghi lại một lời nói nào cả, người đó là Giuse. Mùa Giáng Sinh này ta thử tìm hiểu về Thánh Giuse.
    Tin Mừng Mt 1:19 ghi rằng "Giuse là người công chính". Chữ "công chính" đây có thể là người tốt, người tử tế, ngay thẳng, hiền lành, biết thương xót. Nói khác đi, Giuse không phài là người tàn nhẫn. Giuse không phải là người nhu nhược, nhưng biết dùng lý trí để toan tính cho phải lẽ. Giữa lúc ấy thì Lời Chúa đến với Giuse ( Mt 1,20-21 ).
    Mt 1:24 cho thấy một vài đặc điểm khác của Cha Thánh Giuse. Sau khi nghe được Lời Chúa, Giuse bằng lòng đưa Maria về ở với mình. Đây là hành động khó làm nếu không phải là người kính thờ và tôn trọng thánh ý của Chúa. Ta không thấy Cha Thánh nói gì cả mà chỉ vâng lời. Qua việc này ta biết Giuse có lòng tin, lòng vâng phục, nhịn nhục.
    Cũng phân đoạn trên, trong hai câu 21 và 25 ta thấy ghi lại hai lần Giuse hành động theo Lời Chúa nữa. Cha Thánh Giuse đã hoàn thành trách nhiệm bảo vệ Đấng Cứu thế và "đặt tên cho con trẻ là Giêsu", góp phần trong công cuộc cứu chuộc nhân loại.
    Cuộc đời mình theo Chúa nhiều khi cũng gặp những biến cố khó toan tính, những việc không biết phải quyết định ra sao. Thì giờ yên tĩnh rất cần thiết để suy xét và nhất là để nghe tiếng Chúa. Việc khó ấy có thể là một chuyện tình, chuyện làm ăn, chuyện đi xa, chuyện "gia đình" nói chung, chuyện Giáo Hội, giáo xứ .v.v...Bất cứ chuyện gì ta cũng cần có thời gian trầm tĩnh để nghĩ và tìm ý Chúa. Cha Thánh Giuse được Chúa dạy bảo ba lần, đúng lúc và Thánh Giuse đã hành động thật khôn ngoan. Quan trọng vẫn là lúc đầu tiên Giuse bằng lòng nhẫn nại chờ đợi.
    Bạn thân mến, hãy theo gương Cha Thánh Giuse, hãy để cho các lớp sóng, cơn bão tố đang xô giạt tâm hồn mình yên lặng đôi phút; chờ đợi Chúa, xem Chúa bảo mình phải làm gì. Bạn nên nhớ rằng đôi khi ta không biết được mình vâng Lời Chúa sẽ tạo nên ảnh hưởng nào đâu. Quan trọng là bằng lòng nghe và hành động. Bạn sẽ không sai lầm bao giờ nếu theo gương Cha Thánh Giuse.
( Mời đọc thêm bài viết "Cây cổ thụ vĩ đại của Tin Mừng" trên nhãn "Bài suy niệm 1" của Blog này ).

3. Những con người đệ nhất vô danh:
    Trong công tác từ thiện, mỗi khi lập danh sách những nhà hảo tâm, tôi thường dừng lại ở chữ Ẩn danh hay Vô danh. Nhìn vào số tiền thường là nhiều hơn những người cho biết tên, và đoán xem người ấy là ai, ở đâu, giàu hay nghèo, sao người ấy lại dấu tên ?... Tôi phục người đó vì không muốn ai biết tên mình.
    Trong câu chuyện Chúa vào đời, Tin Mừng Luca ghi đầy đủ các chi tiết về lịch sử, các địa danh, Giuse, Maria... nhưng ông không biết tên những người chăn chiên. Nếu vào thời đại ngày nay, chắc chắn các nhà báo đã đi phỏng vấn, truy tìm ra tên tuổi, hình ảnh của những người đầu tiên gặp Chúa Cứu thế, và biết đâu chừng người ta chẳng phong thánh cho các vị ấy, hoặc là tôn thờ nữa, như ba trẻ tại Fatima sao ?
    Tại sao Thiên Sứ không đến với các vị học giả, các nhà thông thái, các chức sắc cao trọng tôn giáo, các bậc quyền quý trong xã hội, mà lại chỉ đến báo tin cho những người vô danh như vậy ?
    Xin nêu lên các lý do sau đây :
        a. Tin Mừng Chúa ra đời loan báo cho những tâm hồn đơn sơ. Những người này nghe, nhận, tin và hành động ( Lc 2,8-16 ).
        b. Những người loan Tin Mừng chỉ cần được mục kích, được chứng kiến sự việc; họ cũng chỉ cần nói lại cho mọi người biết những gì mình đã nghe, đã thấy là đủ ( Lc 2,17-20 ).
    Có lẽ chính vì vậy mà những người vô danh này được chọn.
    Có biết bao người vô danh đang tôn thờ Chúa đêm nay, cũng chỉ vì được Chúa loan báo, tin, nhận và đến gặp Chúa. Nhưng có bao nhiêu người trong số vô danh ấy bằng lòng nói cho người khác biết niềm tin của mình, kinh nghiệm của mình ? Bạn có muốn làm một người vô danh đó kể từ đêm nay không ? Bạn nên nhớ chữ vô danh hay ẩn danh chỉ có nghĩa đối với loài người. Trước mặt Chúa, Chúa biết rõ từng người và không ai có thể ẩn danh cả. Chúa cũng biết rõ tên của bạn nếu bạn bằng lòng trở thành người "vô danh" cho Ngài.
    Sở dĩ gọi là "đệ nhất vô danh" vì cho đến ngày nay cũng không ai biết được tên họ là gì, qua các nguồn Kinh Thánh, kể cả ngụy thư cũng không đề cập đến.

4. Những vị vua đệ nhất nhiệt thành :
    Có lẽ họ là những Hoàng Đế, cũng có thể họ là những chiêm tinh gia, hoặc ba nhà đạo sĩ. Họ từ đâu đến ? Thánh Kinh viết họ từ phương Đông nhìn theo ngôi sao lạ mà đến Jérusalem ( Mt 2,1-2 ). Sao họ nhiệt thành đến mức độ như vậy ? Đường xa vạn dặm, vượt qua biết bao nhiêu hiểm nguy họ cũng rán để tìm tới đích. Thời xưa đâu có những phương tiện xe hơi, tàu thủy hay máy bay như ngày nay.
    Theo Tin Mừng Mathêu, các nhà đạo sĩ biết họ sẽ thực hiện một cuộc hành trình dài đi về đâu và họ biết "Con trẻ" họ kiếm tìm là ai. Do vậy đến Jérusalem họ không hỏi gì khác mà hỏi "Vua dân Do Thái sinh ra ở đâu ? Chúng tôi thấy ngôi sao lạ và chúng tôi đến để triều bái, dâng lễ vật cho Ngài ". Vượt xa những thực tại lịch sử nơi cuộc hành trình của Ba Vua. Ba Vua đến gặp Hérode là một nguy hiểm cho Đấng Cứu thế, nhưng tại sao các ngài cũng phải gặp Hérode ? Hình như các Ngài vẫn còn thiếu một cái gì đó, nên đã đến với Hérode để hỏi ông ta. Điều họ thiếu chính là nội dung mặc khải đã được công bố từ lâu cho người Do Thái như Tin Mừng Mathêu trình thuật trích dẫn lời của các Ngôn sứ Mi 5,1 và Sam 5,2 : "Hỡi Bélem, đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì chính nơi ngươi sẽ sinh ra Lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta"( Mt 2,6 ). 
    Tin Mừng Matthêu còn vén mở cho chúng ta thấy thực tại thiêng liêng sâu xa hơn. Kinh Thánh người Do Thái tiên báo thực tại đó, nhưng đây là lúc khải thị cho thế giới lương dân biết về sự tỏ hiện thần linh của chính Đấng Messia - Đấng mà người Do Thái vẫn hằng mong đợi. Thánh ký chỉ muốn nhấn mạnh rằng, cuối cùng các vị đạo sĩ đã đến, đã gặp gỡ được Hài Nhi Giêsu và đã khám phá ra nguồn mạch ơn Cứu độ. Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.

5. Một cụ già đệ nhất vui sướng :
    Tôi vẫn nghĩ người sung sướng nhất, thỏa lòng nhất trong dịp Chúa Giêsu Giáng Sinh là cụ già Simêon. Chúa đã biết nỗi lo lắng trông mong của cụ, nên đã ban cho cụ một lời hứa, đó là đặc ân được thấy Chúa Cứu thế trước khi qua đời ( Lc 2,26 ). Cụ Simêon chắc hẳn tuổi phải hơn 80 vì đã nói đến cái chết rất mạnh dạn ( x Lc 2,29-32 ).
    Tôi nghĩ cụ đã làm một bài thơ tuyệt tác để đón mừng Chúa Cứu thế chứ không phải lời nói thường. Chúa Thánh Thần đã hướng dẫn cụ đến Đền Thờ để gặp Chúa ( Lc 2,27a ).
    Cha Mẹ phần xác của Chúa Cứu thế rất ngạc nhiên ( Lc 2,33 ) vì cụ Simêon mặc dù bế Hài Nhi Giêsu nhưng vẫn nói đến Chúa là ánh sáng cho muôn dân, là Cứu tinh cho cả loài người. Cụ giải thích thêm : Con trẻ này sẽ đem đến sự phán xét cũng như sự giải cứu cho nhiều người, vì Ngài sẽ vạch trần tâm hồn của từng người ( Lc 34-35 ). Còn Maria sẽ chịu đau thương vì cách đối xử của loài người đối với Chúa Giêsu. Simêon không nói đến việc đau thương của Giuse vì có lẽ Cha Thánh Giuse qua đời trước khi Chúa chịu nạn.
    Người ta thường bảo Giáng Sinh, Noel là mùa vui của trẻ thơ, của gia đình. Tuy nhiên, vào mùa Giáng Sinh đầu tiên của nhân loại, người vui nhất lại là một cụ già. Cụ vui đến nỗi xin với Chúa cho mình được chết, vì đã thỏa lòng.
    Mùa Giáng Sinh năm nay nằm trong bầu khí của mùa đại dịch covid, có bao nhiêu cụ già được vui như cụ Simêon, làm thơ ca ngợi Chúa như cụ Simêon ? Xin các cụ nhớ cho rằng niềm vui Giáng Sinh không phải là quà bánh, không phải là âm nhạc, trình diễn, nhưng là cuộc gặp mặt của mỗi người với Chúa Cứu thế thân yêu.

6. Tâm tình cầu nguyện :
    Lạy Chúa, con tin Chúa với cả tấm lòng đơn thành. Xin cho con thấy rõ điều Chúa muốn con làm và xin giúp con làm trọn điều ấy với lòng khiêm nhường như một tôi tớ hèn mọn trước mặt Ngài.
    Cảm tạ Chúa chỉ cho con gương nhẫn nại và vâng phục của Cha Thánh Giuse. Xin giúp con biết yên lặng chờ đợi và lắng nghe tiếng Chúa để không quyết định sai lầm.
    Lạy Chúa, con cũng xin làm người "vô danh" cho Ngài, đón nhận Tin Mừng cứu rỗi một cách chân thành và sẵn sàng loan báo Tin Mừng đó cho những người con gặp hằng ngày.
    Chúa ơi, cụ Simêon và Ba Vua đã thỏa lòng khi gặp mặt Chúa. Xin cho con cũng gặp được chính Chúa và cho con  được thỏa lòng vì sự hiện diện của Chúa trong đời con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2021

Ánh sao trong đời thường


   "Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta"( Jn 1,14 ). Trong đêm hồng phúc, Con Thiên Chúa ( TC ) đã hiển linh giữa loài người để nâng con người lên địa vị làm con TC. Ngôi Lời đã giáng sinh không những tỏ mình cho dân Israel, mà còn mặc khải cho mọi dân tộc trên thế giới, để mọi người cùng tin nhận Ngài và được hưởng ơn Cứu độ.

    Hình ảnh các nhà chiêm tinh ở Đông phương mà ta quen gọi là Ba Vua - những người đại diện cho dân ngoại. Đối với họ, bầu trời là cuốn sách, tinh tú là tri thức, ánh sao lạ là điềm lành, thì TC cũng dùng những hình ảnh đó để mời gọi họ lên đường tìm gặp Đấng Cứu thế. Họ đã lên đường và gặp được Đấng họ tìm kiếm.

    Ngày nay TC không dùng ánh sao đến với chúng ta nữa, nhưng Người đến với chúng ta qua những "dấu lạ điềm thiêng" và Người muốn chúng ta cũng trở thành một dấu chỉ cho anh chị em xung quanh bằng chính đời sống chứng tá yêu thương và phục vụ. TC vẫn đến với chúng ta nơi những con người bình thường, đôi khi còn yếu kém về mọi mặt nhưng lòng họ lại sáng niềm tin, cuộc sống của họ chất chứa tình người. Bởi họ đã nhận ra chân lý cứu độ từ Hài Nhi Giêsu, chân lý hòa giải con người với TC, chân lý giải thoát đủ sức nối lại nhịp cầu giao cảm giữa đất với trời, họ đã thắp sáng tin yêu bằng hy vọng và hạnh phúc. Còn chúng ta, rất nhiều khi cậy dựa vào những kiến thức đã hấp thụ sách vở... tự cho mình là người học rộng, hiểu nhiều, để rồi dễ có thái độ phủ nhận tài năng của người khác, những người không am tường hay kém hiểu biết. Những lúc như thế, chúng ta đâu thua gì những luật sĩ, kinh sư... họ đã tự hào cho mình là người hiểu biết, là bậc khôn ngoan với một bụng đầy Kinh Thánh, họ không chỉ biết mà còn am tường Vua mới sinh ra ở đâu, khi nào... nhưng họ không muốn lên đường, không mảy may tìm kiếm ( x Mt 2,1-6 ). Xem ra chúng ta cũng biết, nhưng chúng ta đã để cái tôi tuyệt đối của mình che lấp, nên đã bao lần không thấy người khác, không nhận ra TC ở giữa, hiện diện xung quanh chúng ta qua hình ảnh anh chị em đồng loại. Chúng ta chưa nhận ra TC nơi người xung quanh là vì chúng ta còn quá hạn hẹp lòng mình trước những cố gắng, những công việc lặng thầm của họ; con mắt đức tin của chúng ta chưa đủ sáng để nhận ra họ là hình ảnh của Hài Nhi Giêsu. Nhưng chung quanh chúng ta cũng có vô số những người chỉ biết một cách mơ hồ, máy móc, không rõ lai lịch nguồn gốc, chẳng ngã ngũ vấn đề nào cả, vậy mà họ lại nhận ra gương mặt đích thực của Hài Nhi Giêsu, nhận ra tình thương tuyệt vời của TC trong đêm thánh nơi những người họ đang gặp gỡ. Họ cảm thấy TC thật gần, đang đồng hành và chia sẻ với họ bên công việc bận rộn hằng ngày, nơi những người cùng cảnh ngộ...

    Thiết nghĩ, Hài Nhi vẫn đang thầm lặng mời mỗi người chúng ta lên đường tìm gặp và nhận ra Người qua những ánh sao bắt gặp trong đời thường, có thể là cha mẹ, thầy cô, nơi người anh người chị, bè bạn, và thậm chí cả nơi những người không thuận với chúng ta... Chúng ta cần mở lòng đón nhận và quan tâm đến mọi người, nhất là những người ở gần chúng ta, những người đang cần chúng ta, đang chờ chúng ta giúp đỡ.

    Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, trong đời thường có những ánh sao, xin cho con được làm một ánh sao để chia sẻ và giúp đỡ những người nghèo khổ.
    Lạy Chúa, xin mở lòng, mở mắt con để con thấy những người chung quanh con đang cần con chia sẻ những điều Chúa ban cho, xin giúp con trong năm mới này sống thực với tinh thần dâng hiến và giúp đỡ người khó khăn.
    Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận biết mọi người đều là con cái Chúa, chúng con là anh em với nhau. Từ đấy chúng con biết làm ánh sao soi chiếu cho những người đang sống trong tăm tối, để họ nhận ra con đường thật đến với Chúa, giúp họ hoán cải, từ bỏ những phong tục lạc hậu để đón nhận ánh sáng Tin Mừng của Chúa : mầu nhiệm CON THIÊN CHÚA XUỐNG THẾ LÀM NGƯỜI trở nên niềm vui thật sự cho họ trong ngày trọng đại này. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.





Thứ Tư, 15 tháng 12, 2021

Giáng Sinh - Món quà cao quý

    Đầu tháng 12, tôi viết bài "Từ hồng ân quà tặng". Hôm nay, gần lễ Chúa Giáng Sinh, tôi mới nghĩ ra ý tưởng liên quan để viết bài chia sẻ với nội dung này.
1. Nói về việc tặng quà :
    Tin Mừng Thánh Gioan viết rằng : "Thiên Chúa ( TC ) yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, hầu cho những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"( Jn 3,16 ). Tôi cho rằng câu nói trên chẳng khác gì Thánh Kinh mô tả sự việc Giáng Sinh bằng hình ảnh của việc tặng quà. Mới đề cập nghe có vẻ kỳ kỳ. Tuy nhiên, dù ngôn từ có khác đi một chút so với đời thường, thì trọng tâm của hành động ban giao này vẫn không ngoài mục đích nhằm thiết lập mối quan hệ giữa người trao quà và người nhận lãnh - GIỮA TC và NHÂN LOẠI. Vì vậy chúng ta có thể nghiên cứu một vài diễn tiến khi tặng quà để tìm hiểu giá trị của món quà và hành động ban tặng từ TC.
        a. Người tặng quà :
    Người Á Đông đặc biệt chú trọng đến giá trị của người tặng quà. Người tặng quà ít ra cũng phải xứng thì mới nhận. Ở đây chính TC khởi xướng mọi sự. Tư cách, giá trị của Ngài, Thánh Kinh vẫn không đủ lời để diễn đạt. Ngài là Đấng tạo dựng nên tất cả, là Chúa, là Đấng có uy quyền trên mọi loài. Ý thức về sự thánh thiện, hào quang vinh hiển của Ngài đã khiến người Do Thái thuở xưa sợ mình phải chết mất khi Ngài xuất hiện. Ngày nay, Thiên Thần cất tiếng ngợi ca như một lời chúc tụng TC và chúc mừng nhân loại :
                    "Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
                Bình an dưới thế cho người thiện tâm".
                                                    ( Lc 2,14 )
    Cũng còn một phương diện khác mà Thánh Kinh tìm đủ mọi cách để bày tỏ. Đó là tình yêu cao cả không đo lường được của TC. Đúng là vô lượng vô biên ! Từ ngữ đặc biệt, hành động cụ thể, mọi phương tiện đều được tập trung để lột tả phần nào tình yêu này. Do đó khi Chúa Cứu thế ra đời, những người hiểu được, thấy được đều vui mừng. Họ vui vì từ đây TC đến viếng thăm loài người. Còn vinh dự nào cao hơn ? Đây là ý nghĩa căn bản của từ "Emmanuel" - TC ở cùng chúng ta ( Mt 1,23b ).

        b. Món quà :
    Của cho nào kém phần quan trọng. Món quà phản ánh trung thực ý hướng, quan điểm của người cho rất nhiều. Vàng bạc, bửu thạch trị giá cao nhưng làm sao ví sánh được với sự sống : "Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người sống để yêu nhau". "Sống để cho đời vạn mến thương / Sống vì đồng loại, vì quê hương / Sống sao thêm đậm tình nhân ái / Sống nghĩa trung kiên, chí quật cường". Người Á Đông quan niệm chết trên đống vàng nào lợi ích gì. Sự sống quý giá vô ngần. Món quà sinh linh mà TC dành đặc biệt khi tạo dựng con người đã nâng giá trị của ta lên hàng tột đỉnh. Thật điên rồ ngày nay có kẻ vẫn cho rằng loài người từ loài khỉ loài vượn mà ra, quan niệm ấy tự hạ thấp giá trị của mình thôi. Vì thế, phải cần sự sống để cứu chữa sự sống. Đánh giá món quà hệ tại giá trị này :  Mục đích, cứu cánh của món quà - Đây là mục tiêu chính Thánh Kinh nêu ra khi báo tin TC xuống thế làm người. Ngài đến để cứu rỗi con người bị hư mất : "Con người đến để phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người"( Mt 20,28b ).
    Sao phải cần sự sống để cứu chuộc sinh mạng ? Định luật công bằng : "Mắt đền mắt, răng đền răng"- luật Cựu ước, nghe ghê quá, một số quốc gia Hồi giáo vẫn đang áp dụng gây chết chóc tang thương vì sự trả thù, nhưng nó nêu lên được vấn đề giá trị tương ứng. Còn nhiều yếu tố khác của định luật sống, chúng ta đang theo đó mà sống. Chẳng hạn vaccine mùa đại dịch covid. Có người phản đối việc tiêm vaccine vì nghĩ vaccine cũng là mưu đồ của kẻ độc ác. Tôi cho rằng, nếu có âm mưu là để thu lợi nhuận chứ không thể dùng chất độc giết hại con người, như một số nhà phân tích nhận định, dù sao nhà sản xuất vẫn còn một chút lương tri chứ ! Thu lợi nhuận quá mức trên những nước nghèo chậm phát triển, đã là một tội ác rồi. Ta chỉ dè dặt với vaccine Trung Quốc vì chính nơi ấy có phòng thí nghiệm Vũ Hán với nguy cơ làm phát sinh ra virus lây nhiễm mà thế giới gánh chịu. Nhân loại tiêm vaccine mà chết hết thì những nhà sản xuất sẽ sống với ai ? Họ sung sướng gì để sống, sung sướng gì mà làm điều ấy ? Đó chẳng khác gì quan điểm vị kỷ của một nhà thơ : "Ngày mai thiên hạ tàn đi cả / Chỉ có một mình anh với em" . Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã từng viết nên ý tưởng trong một bài hát : "Kẻ thù ta đâu có phải là người / Giết người đi thì ta ở với ai ?" Đem ra bàn cãi có khi làm vấn đề thêm phức tạp, rắc rối. Thực tế chúng ta đang sống theo đó mỗi ngày, không có vaccine thì khó đi đến kết quả miễn nhiễm cộng đồng. Nguyên tắc : "Sống nhờ vào sự sống của người khác", có thể giúp chúng ta dễ hiểu vấn đề hơn. Một người được tiêm vaccine thì quyền lợi miễn nhiễm của bản thân họ cũng là quyền lợi của cả cộng đồng. Tôi không muốn nói về chính trị.
    Trả giá bằng sự sống để cứu chữa sự sống rất thường trong kinh nghiệm hằng ngày của chúng ta.
    Tuy nhiên, ở đây Chúa Cứu thế đã phải trả giá đắc nhất của luật sống, đó là sự sống của chính Chúa - là giá món quà TC muốn trao tặng chúng ta :

            Sanh ra trong cảnh khó nghèo,
            Phận đời là thế : Đi theo "Nghiệp Tình"
            Bây  giờ  Ngài  đã  Giáng  Sinh,
            Mai  này   chịu  chết   khổ  hình   vì   ta .

    Vì yêu thương nhân loại nên phải thế đấy ! TC từ Ngôi cao vĩnh cửu đi vào lịch sử loài người, để chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống con người. Ngài chấp nhận mọi đắng cay, đau thương, khổ ải của kiếp người. Khi Chúa Giêsu biến hình, chính Chúa Cha đã giới thiệu : "Đây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy vâng nghe lời Người"( Mt 17,5 v Mc 9,7 v Lc 9,35 ). Và thực tế từ mầu nhiệm Giáng Sinh là : "Ngôi Lời đã trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta"( Jn 1,14a ).

        c. Cách cho quà :
    Người Á Đông tin rằng cách cho, lúc cho cũng quan trọng như của cho : "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Chúng ta khoan dung, thông cảm những người con có hiếu chịu "hiến thân" cho cường hào ác bá để cứu chuộc cha mẹ khỏi nạn. Trong các trường hợp đó những người con ấy đã hiến thân để "cứu" lấy sự sống. Chúa Giêsu không những chỉ hiến thân trong ý nghĩa chịu thương khó, nhưng đã hiến chính sự sống của Ngài để chúng ta có được sự sống mới.
    Mùa Giáng Sinh là lúc ta sống sâu sắc hơn trong ý thức về giá trị của món quà TC dành cho nhân loại. Chúa có cách cho quà tuyệt diệu, không có lòng biết ơn nào, nỗi vui mừng nào diễn tả cho tận tường được. Một nhà thơ đã viết :

            "Đêm nay còn có nửa đêm thôi,
            Hoa sẽ nở trong tiếng pháo cười
            Xuân sẽ nở trong lòng rượu ấm,
            Và  hồn  ta  sẽ  ngát  hương tươi."

    Chúa Giáng Sinh cận kề với Tết Dương Lịch. Chúa Giáng Sinh đem lại một mùa Xuân mới cho nhân loại, mọi sự làm lại từ đầu.

2. Món quà nhiều ý nghĩa :
    Trở lại với Lời Chúa trong Tin Mừng Gioan : "TC yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, hầu cho những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời"( Jn 3,16 ). Hôm nay chúng ta cùng suy gẫm câu Kinh Thánh quen thuộc này. Câu này nói đến một món quà đặc biệt mang nhiều ý nghĩa :

        a. Món quà yêu thương :
    "TC yêu thương thế gian..."
    Chúng ta tặng quà cho nhau với nhiều lý do. Có khi ta tặng quà để gây cảm tình. Có khi ta tặng quà để đền ơn đáp nghĩa, có khi ta tặng quà để hợp phép xã giao. Chúa tặng quà cho ta chỉ vì một lý do duy nhất : YÊU THƯƠNG. Chúa không cần chiếm cảm tình của ta. Ngài cũng chẳng mắc nợ ai cả. Chúng ta cũng chẳng xứng đáng gì để Ngài thương, nhưng Ngài thương ta, vì Ngài là TÌNH THƯƠNG.

        b. Món quà quý nhất :
     Vì"đến nỗi đã ban Con Một của Ngài..."
    Chúa là chủ của vũ trụ càn khôn, Ngài có thể cho ta của cải giàu sang nếu Ngài muốn. Chúa là vua trên hết các vua, Ngài có thể tặng ta địa vị uy quyền nếu Ngài muốn. Tuy nhiên, những thứ ấy không phải là cần thiết cho ta, và chúng cũng không quý giá gì đối với Chúa. Thương ta Chúa tặng ta món quà chúng ta cần nhất, và cũng là món quà tốn kém nhất đối với Ngài. Món quà ấy chính là CON MỘT của Ngài. Vì yêu ta, NGÔI HAI của TC vui lòng xuống trần gian làm người và chịu chết thay ta.

        c. Món quà cần nhận lãnh :
     Vì "hầu cho những ai tin vào Con của Người..."
    Qùa đã được ban tặng, nhưng quà sẽ không thuộc về ta cho đến khi nhận lãnh. Muốn được CON MỘT của TC bước vào cuộc sống ta, ta cần mở lòng tin để đón mời Ngài. Tin Ngài là thừa nhận lai lịch và uy quyền của Ngài. Tin Ngài là trao gởi cuộc đời ta cho Ngài.

        d. Món quà trường cửu :
     Vì"...khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời".
    Qùa cáp người khác cho, ta có thể dùng một thời gian. Nhưng rồi phần lớn các món quà ấy phải hư, phải cũ và phải phế bỏ. Còn nếu món quà tồn tại lâu dài, như các bất động sản, thì lại không đủ thì giờ để tận dụng chúng. Món quà Chúa Cứu thế cho ta thì khác hẳn. Món quà ấy tồn tại mãi mãi vì ấy là SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI. Ta cũng đủ thì giờ để sử dụng món quà ấy vì ta sẽ "không bị hư mất", được sống muôn đời.

3. Món quà vĩ đại trong sự hóa thân bé nhỏ :
    Văn hào Kahlil Gibran viết rằng : "Tình yêu, vị Vua vĩ đại. Đã phục hồi sự sống cho cái ngã chết khô của ta, trả lại ánh sáng cho đôi mắt mờ lệ của ta, đưa ta từ hố sâu tuyệt vọng lên Vương quốc thần tiên của Hy vọng. Vì tất cả những ngày của ta giống như đêm tối. Nhưng ô kìa ! Bình Minh đã đến, chẳng mấy chốc mặt trời sẽ mọc. Vì hơi thở của Chúa Hài Đồng Giêsu đã bao quanh ta và ôm lấy ta".
    Có lần tôi đã đề cập : có người không thích lối viết của tôi vì trích dẫn nhiều. Không sao, chuyện ấy tùy ý họ, họ có quyền tự do đánh giá.
    Riêng tôi, tôi thấy cần thiết nên không thể bỏ qua được những câu nói hay và Lời Chúa trong Kinh Thánh. Một mặt vì để "nói có sách, mách có chứng" thì không gì khác là trích dẫn Lời Chúa. Người có lòng yêu mến Chúa và say mê Kinh Thánh thì thấy cũng không thừa. Một giáo viên dạy Toán như tôi, tôi bị mắc chứng bệnh "ghiền Kinh Thánh", tôi biết là văn của tôi không hay lắm vì không có tính ướt lệ, nhưng không phải vì thế mà không nói gì được. Đấng vĩ đại trở nên bé nhỏ nhưng Ngài là Ngôi Lời, do đó tôi cần phải viết và phải biết sẻ chia.

    Con người đón nhận tình thương là quà tặng của TC. Từ lãnh tình thương cho đến lưỡng tình thân. TC yêu thương con người và chúc phúc cho con người để con người trở nên bạn hữu của Ngài : "Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa mà các con là bạn hữu của Thầy"( Jn 15,14-15a ). Từ ngôi cao vĩnh cửu của TC, Ngài đi vào lịch sử loài người, mang lấy thân phận và cuộc sống con người. Hài Nhi GS bé nhỏ chính là máu thịt con người. Xin nhắc lại lời Thánh Kinh : "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta"( Jn 1,14a ).
    "Đấng vĩ đại trở nên bé nhỏ" vì Ngài hóa thân nên một Hài Nhi. Trong đêm quạnh vắng, Hài Nhi Giêsu được sinh ra. Qua sự kiện này Hài Nhi Giêsu đã đi vào lịch sử ( x Mt 1,21-25 v Lc 2,1-20 ).
    Đấng là Vua trời đất, tạo dựng vũ trụ, giờ đây trở nên Hài Nhi bé nhỏ nơi máng cỏ đơn hèn. Thật không tưởng tượng được, một mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của loài người chúng ta, một sáng kiến của tình yêu tuyệt vời độc nhất vô nhị mà TC dành cho nhân loại.

            Khó nghèo : Máng cỏ Bélem,
            Là nơi Chúa ngự, đêm đen lạnh lùng
            Từ  đây  cho  đến  tận  cùng,
            Mừng Sinh Nhật Chúa mãi không phai nhòa.

    Việc TC sinh ra nơi Hang lừa Máng cỏ làm biến đổi thực tại thần thiêng để con người nhìn rõ ơn Cứu độ. Vinh quang của TC bí nhiệm giờ đây trần truồng như trần truồng ở Thập tự giá. Điều này Sách Giảng viên báo trước : "Con người sinh ra trần truồng, trở về cũng trần truồng"- Không những đúng với thân phận một kiếp người mà còn đúng với cả Chúa Cứu thế nữa. Đức Giêsu sinh ra cất tiếng khóc chào đời cũng trần truồng như bao em bé khác, Đức Giêsu chết trên Thập giá cũng trần trụi, bộc lộ sự khiêm hạ đến tột cùng. Ngài không sinh ra nơi cung vàng điện ngọc. Ngài không mang theo danh vọng cao sang. Ngài không mang theo vũ khí, không mang theo quyền lực, không mảnh vải che thân. Vinh quang của Ngài đã hoàn toàn bị Chúa Cha tước bỏ. Quyền lực của Chúa là tấm thân bé nhỏ.
    Mỗi độ mùa Giáng Sinh về, kể từ thời Hérode đến nay cũng vẫn có nhiều người tìm hiểu Giáng Sinh là gì ? Chúa vào đời là gì ? Nhưng thái độ mỗi người mỗi khác. Có người chẳng cần nghĩ đến ý nghĩa việc Chúa ra đời, chỉ lợi dụng để đạt mục đích của mình như kinh doanh, buôn bán... Hérode muốn giết Chúa để ngôi nước mình thêm vững, những người lợi dụng Giáng Sinh là để tính ích kỷ của họ được thỏa mãn. Hoặc là chỉ để kỉ niệm, nghĩa là nhân dịp ăn ngon, uống say, nhảy nhót, tìm thú vui mà thôi.
    Còn các bạn trẻ thì sao ? Có lẽ đây là dịp các bạn hát hò, tham dự nhiều cuộc vui, nghe nhiều nhạc khúc, ca khúc; nhưng có khi nào, có đêm nào trong mùa Giáng Sinh này các bạn đã thực sự gặp Chúa chưa ? Thực sự xúc động vì hiện diện của Chúa khi xưa trong Máng cỏ, và hôm nay trong tâm hồn mình ? Nếu chưa có kinh nghiệm ấy thì thật sự niềm vui chưa đến đâu; hoặc là niềm vui ấy sẽ theo hoa, đèn, bài hát mà chìm vào dĩ vãng qua nhanh.
    Cha Nguyễn Tầm Thường trong tập truyện ngắn "Ngày xửa ngày xưa" có viết : "Cái cao cả mà TC đã làm, không phải là sống tước vị TC trong TC, nhưng là sống tước vị TC nơi con người. Chúa đã đem cái nghèo trở thành mùa Xuân bất tận". Ý nghĩa thực sự về Giáng Sinh chỉ tìm được khi nào chính ta gặp được Chúa, tâm sự với Ngài và ta cũng phải biết hóa thân trở nên bé nhỏ. Giây phút ấy là bây giờ ?

4. Cầu nguyện :
    Cảm tạ TC về món quà cao quý Ngài đã dành cho con qua Chúa Hài Đồng Giêsu. Xin giúp con ý thức rõ hơn về giá trị của món quà đó để sống xứng đáng với tình yêu Chúa đã dành cho con và toàn thể nhân loại.
    Lạy Chúa, xin giúp con kỉ niệm lễ Giáng Sinh với thái độ tôn thờ Chúa thật lòng, chứ không phải chỉ lợi dụng dịp này để thỏa mãn ước muốn kiêu căng và tính ích kỷ của con. Xin cho con gặp được chính Chúa và cho con được thỏa lòng vì sự hiện diện của Chúa trong đời sống con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

Chùm thơ 68

TIẾNG THIÊN NHIÊN

Tâm hồn nghe tiếng thiên nhiên,
Ngay trong tĩnh lặng ưu phiền xua tan
Sông  xanh, núi  biếc, gió  ngàn
Bao  lời   thỏ  thẻ  nhẹ  nhàng  bên  tai...



VÌ YÊU

Có ai biết được chữ ngờ,
Học hoài không hết mà mơ làm gì
Người khôn nên biết chữ vì,
Yêu thương cần phải cho đi chính mình.



MỪNG BM LINH MỤC

Chúc mừng Cha : lễ Quan Thầy,
Ru  êm  một  chút  để  ngày  bình  yên
Xua  tan  bao  nỗi  muộn  phiền,
Tình yêu Thiên Chúa dệt niềm mộng mơ.




NÓI VỚI TRÚC LINH

Thầy vẫn viết nhiều để khỏa khuây,
Trong mùa dịch bệnh - Biết sao đây ?
Cho  Linh  đọc  mấy  bài  suy  niệm,
Hy  vọng  bình  yên  được  đong  đầy.

JB.Sĩ Trọng. 

Thứ Tư, 8 tháng 12, 2021

Người phu quét lá

 


Trong tác phẩm “Người phu quét lá”, ĐGM Nguyễn Khảm đã ví von, đời Linh mục như người phu quét lá: “Người phu quét lá bên đường. Quét cả nắng chiều quét cả mùa thu” (Ns. Trịnh Công Sơn).

Người phu quét lá, hàng ngày dù mưa dầm hay nắng hạn, vẫn luôn có mặt từ sáng sớm tinh sương trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục, mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người.

Trong ý nghĩa đó, có thể nói Gioan Tiền Hô cũng là “Người phu quét lá” dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại.

Bước vào Mùa Vọng, chúng ta gặp lại Gioan Tiền Hô, vị ngôn sứ đi trước dọn đường và dọn lòng người để đón Đấng Cứu Thế. Thực thi sứ vụ dọn đường, Ngôn Sứ Gioan luôn gắn bó với Thiên Chúa và sống gần gũi với con người. Lời Chúa, Gioan chiêm niệm trong hoang địa qua nhiều năm tháng đã giúp ông tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều hạng người qua những vùng ven sông Giođan. Lời Chúa, Gioan nghe đã trở thành Lời Chúa ông công bố. Tiếng Chúa gọi Gioan đã trở thành tiếng ông mời gọi mọi người.Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho anh chị em mình đến với Chúa Cứu Thế.

Gioan là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Sau 5 thế kỷ vắng bóng ngôn sứ, nay Gioan xuất hiện với sứ mạng Tiền hô. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã chết anh hùng cho sứ vụ. (x. Mt 14,3012; Mc 6,17-19). Cuộc đời Gioan là một thiên anh hùng ca, bất khuất trước cường quyền, bao dung với tội nhân.


    Gioan có một cuộc sinh ra kỳ lạ, một lối sống khác thường. Gioan chọn con đường tu khổ chế: ăn châu chấu và mật ong rừng, uống nước lã và mặc áo da thú. Sống trong hoang địa trơ trụi, vắng người, thiếu sự sống. Nhưng chính ở đó mà Gioan đã lớn lên và trưởng thành trong sự gặp gỡ thâm trầm với Thiên Chúa.

Gioan nhắc lại lời tiên tri Isaia: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường lồi lõm phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Gioan mời dân chúng sám hối. Không thể tiếp tục sống như xưa nữa. Đã đến lúc phải đổi đời, đổi lối nhìn, đổi lối nghĩ. Như thế, Gioan kêu gọi hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính.

Đạo là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Đạo là ngón tay chỉ mặt trăng. Nếu không có đường thì không đi đến đâu cả. Một đất nước có văn minh hay không là do hệ thống đường sá.

Đạo từ nguyên thuỷ luôn mang ý nghĩa trong sáng, ngay thẳng, công minh. Đạo dẫn đưa con người đến chân thiện mỹ.

Đạo là đường nên có thể nói sống đạo là sống ngoài đường, sống với người khác, sống với cuộc đời. Abraham khởi đầu sứ mạng mới bằng việc lên đường từ giã thành Ur để sang đất hứa. Và lịch sử Do thái là những chuyến xuất hành di cư, lang thang trong sa mạc, lưu đày và mất quê hương trong một thời gian dài. Gioan rao giảng và làm phép rửa khắp mọi nẻo đường. Chúa Giêsu sống ở thế gian bằng những cuộc lên đường sang Ai cập, về Nazareth, lên sa mạc, vào đền thánh và trở lại Galilêa. Cuộc sống công khai của Chúa ít là có ba cuộc hành trình lên Giêrusalem. Và sau cùng Ngài lên đường về nhà Cha.

Vì là đường nên đạo luôn mở ra nối kết và đón nhận cuộc sống, đón nhận mọi người, không phân biệt ai với tinh thần yêu thương của Thiên Chúa. Tin Mừng chính là đạo, là con đường mà Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta đi theo Ngài.

Đường quan trọng nhất là đường vào cõi lòng. Gioan đã chỉ cho thấy rằng, mỗi con người đều có ít nhiều đồi núi kiêu ngạo, thung lũng ích kỷ, ghồ ghề khúc khuỷu trong các mối quan hệ. Có bao lối nghĩ quanh co, có bao tính toán lệch lạc, có những lũng sâu tăm tối thiếu vắng ánh sáng tình yêu. Sửa đường theo Gioan là sám hối. Nhìn lại con đường mình đã đi qua, sửa lại những sai lệch nếu có. Những gì cong queo hãy san cho thẳng. Những gì cao cao, cần bạt xuống thấp. Lúc đó mới nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa. Sửa cho thẳng, lấp cho đầy, uốn cho ngay, san cho phẳng, bạt cho thấp. Đó là sứ điệp Gioan gởi tới chúng ta trong Mùa Vọng này, để chúng ta dọn lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế.

Con đường mà Gioan nói tới đây chính là đường vào cõi lòng. Con đường nội tâm của mọi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Chúa Cứu Thế. Sửa đường cho Chúa đến là cần thiết và hợp lý. Khi đón tiếp một vị khách quý, người ta thường sửa sang đường sá, làm sạch đẹp nơi vị khách sẽ đến. Như thế là biểu lộ lòng kính trọng đối với vị khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại cùng sống với thần dân của Người. Đó là hạnh phúc tuyệt vời nên cần phải dọn tâm hồn xứng đáng. Như con đường cho Chúa đi qua. Như căn nhà cho Chúa ngự tới. Chúa đứng ngoài cửa lòng và gõ cửa, ai mở thì Ngài đi vào. Con đường có thể có chông gai tội lỗi, có nổi đam mê tiền bạc lợi danh, có những tính hư nết xấu. Cho nên trong cõi lòng đó phải có im lặng như cõi lòng Mẹ Maria ghi nhớ, suy niệm và không nói gì. Chỉ nói những lời để giúp đỡ người khác. Tâm hồn Mẹ bình an nên nghe rõ tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi. Như thế dọn đường chính là tạo im lặng cho tâm hồn để nghe được tiếng Chúa và chỉ nghe được tiếng Chúa mà thôi.

Dọn đường còn là tỉnh thức đợi chờ Chúa đi xa trở về. Như năm cô khôn ngoan có sẵn dầu đèn. Như những đầy tớ làm lợi những nén vàng cho chủ. Như tên lính canh thành luôn chú ý những biến chuyển chung quanh. Mỗi cá nhân, ai cũng có những tật xấu, những khuyết điểm, vị kỷ kiêu căng, tham lam đố kỵ ghen ghét lười biếng hèn nhát… Xã hội nào cũng có bất công, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ đoan, những điều ấy làm cho con người đau khổ, trì trệ, không phát triển.

Dọn đường căn bản là ở trong nội tâm, sám hối để canh tân, sửa đổi để trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Những con đường, thường được làm bằng đất đá nhựa bê tông. Những con đường trên mặt đất, trên sông trên biển trên bầu trời là những con đường vật lý. Những con đường tâm lý, con đường tinh thần, con đuờng lòng người mới quan trọng hơn. Nguyễn Bá Học đã nói: đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà chỉ khó vì lòng người ngại núi e sông.

Sống đạo luôn là một thách đố đầy quyết liệt và phong phú. Hiểu đạo, tin đạo, giữ đạo xem ra khá dễ dàng vì thuộc lãnh vực cá nhân. Còn sống đạo thường khó khăn hơn vì liên quan đến tha nhân, đòi hỏi một sự quên mình, vượt thắng bản thân. Cũng như thực hiện việc dọn đường qua nghi thức sám hối bên ngoài như rửa tội, xưng tội khá dễ dàng, nhưng nếu mà trong lòng không thật tâm sám hối đưa đến canh tân bản thân, thì hành vi sám hối chỉ là việc làm lấy lệ hình thức mà thôi.

Sống đạo bao giờ cũng đòi hỏi nhiều cố gắng và tỉnh thức. Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Sống gắn bó với Thiên Chúa và gần gũi với con người. Như thế mỗi người sẽ sống đạo hôm nay với tất cả niềm vui hạnh phúc cho bản thân và cho tha nhân.

Cả cuộc đời Gioan chỉ một tâm nguyện là làm “Người phu quét lá” dọn lòng người khác cho Chúa đến. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gioan trở thành “Người phu quét lá” cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và rồi cho người khác nữa. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Bài viết của Cha Giuse Nguyễn Hữu An.