Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Tình yêu và chủ đích


                    Đọc Kinh Thánh : Jn 1,40-49 v 15,1-17.
 1. Hai mặt của đời sống :
    Chúa có chủ đích đối với các Môn đồ xưa và chúng ta ngày nay. Chủ đích đó là chúng ta phải sống đời Kitô hữu hiệu quả. Muốn hiệu quả chúng ta phải giữ hai mặt của đời sống. Mặt này là mối tương giao mật thiết với Chúa, mặt kia là làm chứng nhân cho Chúa giữa mọi người. Mối tương giao mật thiết với Chúa như đường thẳng đứng, làm chứng cho Chúa giữa mọi người như một đường nằm ngang. Hai đường này hiệp thành một Thập tự giá như một hệ trục tọa độ Descartes trong toán học, cả hai đều mang véc-tơ đơn vị có mô-đun như nhau. Một đời sống Kitô hữu hiệu quả là một đời sống đã bị đóng đinh trên Thập tự giá như Phaolô đã mô tả : Gal 2,20b. "Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi".
    Phaolô chia sẻ kinh nghiệm sống động mà ông học, thực hành và sống hiệu quả cho Chúa : "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi"( Gal 2,20a ). Mối tương giao mật thiết đó bắt đầu khi chúng ta bằng lòng vâng phục, bằng lòng dâng cuộc đời cho Chúa.
    Chúa Giêsu ( GS ) đã làm phần của Ngài : Ngài yêu chúng ta và đã chết thế cho chúng ta. Còn điều nào khiến bạn và tôi do dự không dám bước vào kinh nghiệm sống động mà Phaolô đã trình bày đó ? Xin đến với Chúa ngay lúc này, đọc lại phân đoạn Kinh Thánh này một lần nữa và thưa với Ngài.

2. Hoa trái bên trong và bên ngoài :
    Chủ đích của người trồng nho là được kết quả. Nhành nho bị đòi hỏi phải cung cấp cho người trồng nho không phải là lá mà là trái. Cũng vậy, đời sống Kitô hữu phải sinh hoa kết trái cho Thiên Chúa ( TC ). Trái đó là gì ? Có hai thứ : Bên trong và bên ngoài. Trái bên trong là : bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ ( Gal 5,22 ). Không có luật nào chống lại những điều như thế. Trái bên ngoài là làm chứng cho Chúa để đem người khác về với Ngài như An-rê đã đưa dắt anh là Phê-rô, Philipphê đã đưa dắt bạn là Nathanael ( Jn 1,40-49 ) đến gặp Chúa GS.
    An-rê và Philipphê đã chia sẻ niềm tin ngay sau khi đặc niềm tin nơi Chúa. Họ không dông dài, nhưng đưa những người anh em và bạn bè này đến ngay với Chúa GS. An-rê và Philipphê đã nhận được kết quả trong quyền năng hành động của Chúa. Bạn còn ngần ngại và có nhiều lo sợ không dám nói về Chúa với người khác ? Xin hãy bắt đầu, xin thưa với Chúa, dâng tấm lòng, ước vọng và khả năng đơn sơ của chính mình; rồi bắt đầu nói, chia sẻ kinh nghiệm bạn gặp được Chúa và những ơn lành Ngài ban; Chúa sẽ làm phần còn lại.


3. Điều kiện để được kết quả :
    Một nhành nho muốn được kết quả phải hội đủ 3 điều kiện : chịu tỉa sửa, ở trong gốc và vâng lời luôn. Đời sống Kitô hữu muốn được kết quả cũng phải như vậy.
        a. Chịu tỉa sửa : ( Jn 15,2 ) 
    Phải cắt đi những cành lá rườm rà gây trở ngại cho sự kết quả. Cũng vậy, cuộc sống xa hoa, ích kỷ, kiêu căng, háo danh, ham lợi... như hạt giống rơi vào bụi gai, bị nghẹt ngòi không thể nào kết quả được ( Mt 13,22 ), nên TC phải tỉa sửa bằng nhũng sự ốm đau, bắt bớ, đói khát, gian truân, vất vả... nói chung là hoạn nạn, để làm cho đời sống chúng ta được kết quả ( Her 12,11 ). "Lửa thử vàng, gian nan thử đức"- Đây là câu tục ngữ của người Việt Nam.
        b. Ở trong gốc : ( Jn 15,4-8 )  
    Chúa chỉ ra sự bất lực hoàn toàn của chúng ta, nhân vô thập toàn, ngoài Ngài chúng ta không làm chi được ( Jn 15,5 ), giống như nhành nho không ở trong gốc nho thì chỉ có ném ra ngoài, héo khô rồi đốt bỏ ( Jn 15,6 ). Nhành ở trong gốc thì có trái, và nhiều trái, chúng ta ở trong Chúa cũng vậy. Ở trong Chúa có nghĩa là bám chặt, tin cậy, nương nhờ và hoàn toàn lệ thuộc Ngài. Phó thác cho Chúa và vâng phục Chúa để chúng ta nhận được Sự Sống, Sự Sáng từ nơi Chúa và mọi nhu cầu, hầu cho cuộc đời chúng ta có kết quả. Chúng ta phải thành kính thưa rằng : "Ngài là Chúa tôi, trừ Ngài ra, tôi không có phước gì khác" ( Tv 16,2 ).
        c. Vâng lời luôn : ( Jn 15,9-11 )  
    Nhành nho giữ một thái độ im lặng và vâng lời trọn vẹn để được kết quả, thì đời sống chúng ta không khác gì nhành nho. Vâng lời là dấu hiệu của sự tin yêu. Con cái tin tưởng và thương yêu cha mẹ thì muốn vâng lời; con cái vâng lời cha mẹ thì càng được tin tưởng và thương yêu. Khi cha mẹ không còn cất lên tiếng nói được nữa thì con cái vâng lời cha mẹ là cách phục vụ cha mẹ làm cho cha mẹ vui lòng. Con cái Chúa vâng lời Chúa vì tin yêu Chúa thì đời sống đó chắc chắn đạt kết quả.
    Điều răn mà Chúa muốn chúng ta vâng giữ đây là gì ? Là thương yêu như Chúa đã thương yêu chúng ta ( Jn 15,12-14 ). Chúa thương yêu chúng ta đến nỗi phó mạng sống mình.


4. Chủ đích của Chúa :
    Bức tranh gốc nho và nhành là hình ảnh đẹp nhất về sự hiệp nhất giữa chúng ta với Chúa và giữa chúng ta với nhau.
    "Thầy là cây nho, anh em là nhành"( Jn 15,5 ). Chúa muốn nói như "gốc nho với nhành nho là một, thì ta với các ngươi cũng vậy". Nhành nho thuộc về gốc thì gốc nho cũng thuộc về nhành. Nhành nho ở trong gốc thì gốc nho cũng ở trong nhành. Ai đụng đến nhành nho là đụng đến gốc nho, ai đụng đến gốc nho là đụng đến nhành nho. Ai đụng đến Chúa là đụng đến chúng ta.
    Nếu các nhành nho hiệp nhất với gốc nho thì chúng cũng hiệp nhất với nhau. Nếu chúng ta hiệp nhất với Chúa thì cũng hiệp nhất với nhau. Vì trong một cây nho, dầu có bao nhiêu nhành cũng cùng ở chung một gốc, cùng hưởng một thứ nhựa mủ, cùng có một mục đích là kết quả. Trong Hội Thánh dầu có bao nhiêu tín hữu thì cũng cùng ở trong Chúa, cùng hưởng sự sống của Chúa để cùng kết quả cho Chúa ( x Jn 15,15-17 ).
    Chúng ta ở trong Chúa và Chúa ở trong chúng ta; như nhành nho ở trong gốc và gốc nho ở trong nhành thì sẽ đem lại lợi ích hỗ tương. Nhành nho không thể nào ra trái nếu không nhờ gốc, gốc nho cũng không thể nào ra trái nếu không nhờ nhành, không có sự khuếch tán của ánh sáng mặt trời. Chúng ta cần đến Chúa và Chúa cần đến chúng ta. Ngài bày tỏ công việc của Ngài qua đời sống chúng ta miễn là chúng ta biết phú dâng cho Ngài.
    Trên đây là ý nghĩa một đời sống tương giao mật thiết với Chúa và với nhau, đồng thời cũng là một đời sống làm chứng nhân cho Chúa giữa mọi người. Hãy để Ngài tự do sống lại cuộc đời quyền năng của Ngài trong chúng ta hầu cho Ngài hoàn tất chủ đích của Chúa Cha.
    Trong sự hiệp nhất với Chúa, Ngài không gọi chúng ta là đầy tớ mà là bạn hữu ( Jn 15, 14-15 ). Chúng ta không đi một mình, không đơn độc, không làm việc một mình, song đi với Chúa và với nhau. Chúa cũng hiệp nhất với chúng ta trong sự cầu xin để lời nguyện cầu của chúng ta được nhậm, đời sống của chúng ta được ở trong Ngài.

5. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con luôn giữ được sự tương giao mật thiết với Chúa và đời sống con phản ảnh được chính Ngài.
    Chúa ơi, con biết đời sống con cần được tỉa sửa nhiều hơn. Xin thêm sức cho con để con luôn ở trong Ngài, vâng phục và sống đời sống có kết quả cho Ngài.
    Lạy Chúa, xin nắm giữ con trong mối liên hệ mật thiết với Ngài, và xin Ngài giúp con luôn bám lấy Ngài và hiệp nhất với con cái Chúa trong phục vụ.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét