Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2017

Hà Nội phố đêm

Mượt mà trăng lụa mọc Hồ Tây,
Phượng vỹ đong đưa, dáng liễu gầy
Tháp Bút nhìn trời, đêm tĩnh lặng
Mặt hồ Hoàn Kiếm mỏng sương bay.

Tôi đi qua phố cổ Hàng Đào,
Đêm xuống mơ màng tựa chiêm bao
Mái quán bên đường đèn chiếu sáng
Vỉa hè đang nhộn nhịp xôn xao.

Hà Nội, hôm nay tiết cuối mùa
Sang Xuân trời đậm rét và mưa
Tôi đi như muốn tìm ai đó,
Lạc bước âm thầm nghe gió khua.

Tôi đi qua phố cổ Hàng Thùng,
Vọng tiếng chuông chùa đâu nhẹ rung
Tiệm phở du khách còn đông nghẹt,
Dòng người lui tới vẫn thung dung.

Hà Nội về đêm, những rộn ràng
Tắc xi, xe máy chạy nghênh ngang
Cà phê, bún chả thức khuya bán
Quyện khói đưa hương vị nồng nàn.

Lòng vòng quay lại phía Hồ Gươm,
Sương trắng giăng giăng phủ Tháp Rùa
Hà Nội cho tôi nhiều kỉ niệm,
Một lần xin giữ lấy niềm thương.

Mượt mà trăng ngã bóng về khuya,
Ánh sáng loang loang chiếu vỉa hè
Cùng ánh đèn vàng xuyên kẻ lá,
Cõi lòng tôi chạm phải lối xưa (*).

(*)''Lối xưa'' có thể là Huế, Sài gòn...hoặc đâu đó, có những con đường, những con ngõ từa tựa như thế. Một cách khách quan để nhận xét : Sài gòn, Huế, Hội an, Đà lạt, Vũng tàu... nhiều nơi sạch và đẹp hơn Hà Nội rất nhiều.

JB.Sĩ Trọng.
( Tháng 02/2017 )




Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Hình ảnh 5

Chụp hình với Thảo ( Học trò ) trong chuyến đi Hà Nội.


Nhớ những ngày mưa gió lạnh lê thê, lần đầu tiên mình ra Hà Nội. Mặt mình đỏ gất vì đang bị lên cơn sốt.

Tất cả đều là tặng vật

Tất cả đều là tặng vật. Đây là nguyên tắc căn bản tận cùng của mọi linh đạo, mọi luân lý và giới răn. Tất cả đều là tặng vật. Chẳng có gì có thể tuyên bố tuyệt đối là của chúng ta. Sự nhạy cảm luân lý và tôn giáo chân chính phải giúp chúng ta nhận ra điều này. Chúng ta không có quyền chiếm hữu hoàn toàn sự gì. Và đây không phải một nhận thức tự nhiên mà có.

Cách đây vài năm, một nhà sư đã chia sẻ với tôi rằng suốt những năm đầu vào chùa, ông đã hết sức bực bội mỗi khi muốn điều gì đều phải hỏi xin sư trụ trì. “Tôi vẫn nghĩ chuyện đó thật ngu ngốc, tôi là người trưởng thành, vậy mà phải hỏi xin bề trên mỗi khi muốn một cái gì. Nếu tôi muốn có áo mới, tôi phải hỏi xin sư trụ trì mới được phép mua áo. Tôi nghĩ thật là lố bịch khi biến một người trưởng thành xuống như một đứa trẻ.” Nhưng rồi đến một ngày, ông cảm nhận: “Không hiểu vì sao, nhưng một ngày nọ tôi nhận ra có một mục đích và khôn ngoan trong việc phải xin phép mọi thứ. Tôi nhận ra rằng chẳng có gì tự nhiên là của chúng ta; và chẳng có gì chúng ta có thể chiếm hữu làm của riêng mình.

Tất cả đều là tặng vật. Tất cả đều phải xin. Chúng ta cần biết ơn vũ trụ và Thượng đế vì đã cho chúng ta dù chỉ một chút không gian nhỏ nhoi. Bây giờ mỗi khi xin phép sư trụ trì những lúc cần gì đó, tôi không còn cảm thấy mình là con nít nữa. Mà tôi thấy mình hòa hợp với đường lối của vạn vật, một vũ trụ của tặng vật mà trong đó không ai trong chúng ta có quyền tuyên bố chiếm hữu tuyệt đối bất kỳ điều gì.”

Đây là sự khôn ngoan luân lý và tôn giáo, nhưng sự khôn ngoan này đi ngược lại đặc tính thống trị trong nền văn hóa của chúng ta và cả những xu thế mạnh nhất của chúng ta nữa. Từ cả bên trong và bên ngoài, chúng ta đều nghe vang vọng một lời thế này: Nếu bạn không thể chiếm được điều bạn mong muốn thì bạn là kẻ yếu đuối, và yếu đuối cả hai mặt. Thứ nhất, bạn là người yếu đuối, quá rụt rè để chiếm lấy những gì là của mình. Thứ hai, bạn bị sự thận trọng của tôn giáo và luân lý làm suy yếu nên không thể nắm lấy thời cơ của mình. Không chiếm lấy những gì là của mình, không phải là nhân đức mà là sai lầm.

Đây cũng chính là tiếng nói mà nhà sư trên đã nghe trong thời trai trẻ, và vì thế mà nhà sư cảm thấy tức giận và thấy mình non nớt.

Nhưng Chúa Giêsu không nói những lời như thế. Kinh thánh chỉ ra khá rõ rằng Chúa Giêsu sẽ không quá để tâm vào những thái độ cương quyết, hung hăng và tích trữ trong xã hội, không xem chúng là tính cách đáng ngưỡng mộ. Tôi không nghĩ Chúa Giêsu sẽ hưởng ứng sự hâm mộ của chúng ta dành cho những người nổi tiếng và giàu có, những người tuyên bố mình có quyền trên tài sản và danh vọng cực độ của mình. Chúa Giêsu nói rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào thiên đàng, nhưng hẳn có thể nói rõ thêm rằng: “Trừ phi, người giàu đó nên như đứa trẻ, xin phép vũ trụ, xin phép cộng đồng và xin phép Chúa, mỗi khi mua một chiếc áo mới!” Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng trẻ con và người nghèo dễ vào thiên đàng nhất, thì không phải là Ngài đang thần tượng hóa sự ngây thơ và nghèo khổ; mà Ngài đang nêu bật nhu cầu phải nhận ra và thừa nhận sự lệ thuộc của mình. Xét tận cùng, chúng ta không tự làm nên con người mình và chẳng có gì tất yếu là của chúng ta cả.

Một người trưởng thành phải xin phép để mua một chiếc áo không phải là chuyện xấu. Nó nhắc cho chúng ta nhớ rằng vũ trụ thuộc về tất cả mọi người; và chúng ta phải biết ơn khi có được dù chỉ là một không gian nhỏ nhoi cho mình.

*Ronald Rolheiser. 
( Bản dịch của Ha Nguyen )

Chùm thơ 26

CĂN BỆNH PHỤ NỮ

Phụ  nữ  ngày  nay  rối  tiền  đình,
Mấy khoa thầy thuốc nội thần kinh
Chen nhau khám chữa, đông như hội
Chưa  hẵn   đầu  óc   được   yên  bình.



























QUÁN BÚN BÒ MAI(*)

Heo  bò  mổ  thịt  suốt  cả  năm,
Mỗi tháng nghỉ chay chỉ một lần
Cửa Phật đón chờ khách đến cúng
Chắc  là  mong  được  phước  cầu  an.

(*) Ở LK có quán Bún bò Mai, mỗi tháng vào ngày rằm thường để bảng "Nghỉ chay một ngày"để đi chùa.



NGƯỠNG TÍN

Mấy nén nhang dâng, lòng vụ lợi
Cầu xin cho được lộc thần ban
Ít  ai   nghĩ  tới   mà   trao  gởi,
Ý  nghĩa  thâm  sâu  tận  đáy  hồn.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 5 tháng 4, 2017

Sau vẻ phồn hoa











Sài gòn nơi chốn phồn hoa,
Yêu em ngày tháng đã qua muộn màng
Sài gòn phố thị giàu sang,
Vẫn còn dáng mẹ bán hàng còng lưng
Nhìn bao giọt lệ rưng rưng,
Cụ già chống gậy ngập ngừng đôi chân
Em thơ vác bụng ở trần,
Đưa tờ vé số tần ngần đôi tay
Vỉa hè, những bé đánh giày
Sâu từng ngõ ngách mới hay cuộc đời
Xích lô, ba gác nói cười
Quán bia, ăn nhậu vẫn hơi bị nhiều
Sài gòn ước tính bao nhiêu,
Cuộc đời cơ nhỡ được yêu đến cùng ?
Hỡi ai lòng có bao dung,
Xin đừng quên lãng chuyện thường xảy ra !

JB.Sĩ Trọng.