Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Sức mạnh diệu kỳ sau Chúa Phục sinh

Chúa Giêsu sống lại, mọi điều đã được phân minh. Bài toán khó nhất của loài người về sự sống, sự chết xem như đã được giải đáp. Người tín hữu từ nay mạnh dạn tuyên xưng : "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy"( Lời cuối bản kinh Tin kính ). Vậy thì ta còn phải nói gì nữa ? Qua Phục sinh, ta còn muốn nói gì thêm ? Có một biến cố cực kỳ quan trọng ta cần phải nói đến đó là sự Hiện xuống đầy uy linh của Chúa Thánh Thần. Khi mới bắt đầu Rao giảng Chúa Giêsu nói gì về Chúa Thánh Thần ? Trước khi chịu chết Chúa nói gì về Chúa Thánh Thần ? Sau khi chết và sống lại rồi, Chúa nói gì về Chúa Thánh Thần ? Chúa loan báo gì về lễ Hiện xuống ?

Khi bắt đầu Rao giảng Chúa nói : "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Ngài sai tôi đi Rao giảng Tin Mừng..."( x Mt 4,18-19 ).
Trước khi chịu chết, Chúa nói rất nhiều về Chúa Thánh Thần : " Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu"( Jn 15,26-27 ).
Sau khi chết và sống lại, Chúa hiện ra và nói với các Tông Đồ : "Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em". Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ "( Jn 20,21-23 ). 
Quyền của anh em được Thầy mình trao phó với tất cả lương tâm và trách nhiệm, với đầy tràn ơn Thánh Thần. Cả ba lời phán trên đều có nét tương đồng đó là "sai đến" và "sai đi", không gì khác ngoài ý nghĩa truyền giáo. Mà truyền giáo thì phải như thế nào ? Lời Chúa thay cho câu trả lời : "Thầy đã nói với anh em các điều ấy, để anh em khỏi bị vấp ngã. Họ sẽ khai trừ anh em khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết anh em cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa. Họ sẽ làm như thế, bởi vì họ không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy. Nhưng Thầy đã nói với anh em những điều ấy, để khi đến giờ họ hành động, anh em nhớ lại là Thầy đã nói với anh em rồi" ( Jn 16,1-4 ). Qủa thật, không đơn giản "Hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần"( Mt 28,19 ) là xong được. Muốn  những kết quả sau thì phải chấp nhận những điều xảy ra trước, những kẻ vô thần "không biết Chúa Cha cũng chẳng biết Thầy" thì luôn rình rập, tìm cách bách hại, gây khó khăn cản trở cho công cuộc truyền giáo. 

Chúa Thánh Thần thật là siêu tuyệt. Nếu cuộc đời này đắng, có Ngài ta mới khám phá ra được vị ngọt. Ơn Thánh hóa tuôn đổ theo thời gian năm tháng làm cho tâm hồn ta được biến đổi, nên có người gọi Ngài là Đấng an ủi dịu dàng. Sự sống con người nhờ hơi thở, hơi thở của người được chữa lành bao giờ cũng khỏe hơn hơi thở của người đang bệnh tật. Chúa Giêsu Phục sinh Ngài "thổi hơi" lên các Thánh Tông đồ, Ngài trao hơi thở của mình, hơi thở của sức sống thần linh cho các Thánh Tông đồ, nhờ thế mà các Ngài trở thành những con người mới, sẵn sàng lên đường Rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô Phục sinh. Có những cuộc Rao giảng mang lại hiệu quả hàng trăm , hàng ngàn người theo. Những con người ít học vấn, ít trình độ, nhưng họ đã nói thao thao bất tuyệt đến nỗi người ta cho rằng các ông đã "đầy rượu rồi"( thay vì nói là đã "xỉn rồi", cũng có sách dịch "say bứ rồi" ). Sau này vị Tông đồ Cả đã đính chính lại cho mọi người biết : "Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba"( Cv 2,15 ).  Không những Phêrô đã đính chính, mà Tiên tri Giôen cũng nói đến : "Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta, và chúng sẽ trở thành Ngôn sứ"( Cv 2,18 ). Nghĩ ra cũng kì lạ thật, thời ấy không có miccro, chẳng có thiết bị phát âm thanh, người dân bản xứ, đủ mọi thứ tiếng, thế mà ai ai cũng nghe và hiểu được ( x Cv 2,5-13 ).
Trong tự nhiên, gió và lửa là hai thứ đáng gờm. Gió và lửa kết hợp với nhau thường tạo ra một sức mạnh khủng khiếp có thể làm thay đổi mọi sự. Tôi còn nhớ, thời PTTH có bài văn nói về "Tâm sự chiếc giường cũ", có đoạn viết : "Lửa đâu, lửa đâu, sao không thiêu đốt mình tôi, cho tôi được trở thành ra khói ra hơi, bay lên trời thẳm để chuyển lưu trong kiếp luân hồi ?". Chừng ấy thôi cũng thấy rằng tác giả muốn đề cao sức mạnh của lửa. Gần đây, vào tháng trước, do sự cố gì chưa rõ, lửa đã thiêu cháy một phần ngôi thánh đường Đức Bà Paris ở Pháp, làm hoang mang chấn động cả thế giới vì nơi ấy có nhiều tác phẩm nghệ thuật và một số thánh tích của Chúa Giêsu.
Trước khi về Trời, Chúa Giêsu đã loan báo cho các Môn Đệ về lễ Hiện xuống ( sau lễ Thăng thiên ) : "Và đây, chính Thầy sẽ gởi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống"( Lc 24,49 ). Chữ "xuống" ở đây rất quen thuộc nhưng chứa đầy quyền năng - Lời này đã mang theo gió và lửa đột nhập căn phòng các Môn Đệ cầu nguyện, sau khi Chúa Giêsu về Trời.
Sách Tông đồ Công Vụ mô tả rằng : Trong ngày lễ Ngũ Tuần, đang lúc các Môn Đệ tụ họp trong một căn phòng thì "từ trời phát ra một tiếng động", có một cơn gió mạnh ùa vào, tiếp theo đó là hình lưỡi lửa xuất hiện đậu xuống trên đầu của mỗi người ( x Cv 2,1-3 ). Phải chăng đây là những giây phút Chúa Thánh Thần ban sức mạnh cho Giáo Hội, đây là những giây phút chứng tỏ Chúa Thánh Thần đang hiện diện trên các bậc quyền bính và không ngừng tác động để canh tân Giáo Hội. Có điều rất thú vị là "họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho" ( Cv 2,4 ).
Đúng là kỳ diệu ! Trước mặt 12 ông chài lưới quê mùa, người từ khắp nơi trên thế giới đổ về đông như hội. Nói đến đây bỗng dưng tôi nhớ mấy câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan :

               " Gác mái ngư ông về viễn phố,
               Gõ  sừng  mục  tử  lại  cô  thôn
               Ngàn lau gió cuốn chim bay mỏi,
               Dặm liễu sương sa khách bước dồn".

Khách bước dồn, họ là những người Do Thái sinh sống ở nước ngoài, "nào là những người từ Roma đến, nào là người Do Thái cũng như người đạo theo, nào là người đảo Cơ-rê-ta hay người Ả-rập"... họ đã ngạc nhiên, sửng sốt, khi nghe các ông nói được "tiếng mẹ đẻ" của mình ( x Cv 2,8 v 2,10-11).
Ơn nói được nhiều thứ tiếng là ơn của Chúa Thánh Thần tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc truyền giáo, loan báo Tin Mừng khắp mọi quốc gia, mọi dân nước. Ngày nay ta có được các Đấng, các bậc trong Giáo Hội là cũng nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là hồn sống của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần điều khiển mọi hoạt động trong Hội Thánh. Bởi vậy khi cầu nguyện ta phải cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho các Hồng Y, các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ .v.v... Xin đừng bỏ sót ( theo thứ tự ), để nhờ ơn Chúa mà ta có được sức mạnh của Giáo Hội và ý nghĩa thâm sâu của quyền bính, bên cạnh đó cũng nhờ ơn Chúa nâng đỡ và bảo vệ các Ngài. Công đồng Vatican II  được coi là một lễ Hiện xuống mới, vì dưới ánh sáng Công đồng này Giáo Hội có dịp soi rọi lại mình, lau rạch những vết dơ và bụi bặm đeo bám do những sai lầm lịch sử để lại, đồng thời cũng đổi mới Giáo Hội về nhiều phương diện để nhờ đó đi sát với Tin Mừng mà vẫn thích nghi với một thế giới không ngừng biến động, mở rộng cửa đón gió muôn phương thổi vào.
Chúng ta đã được nghe nói và đã lãnh nhận Thánh Thần, nhưng có thể Ngài vẫn là Đấng còn xa lạ. Khi Đức Giêsu hiện ra với các Môn Đệ, Ngài làm một việc quan trọng, đó là mời các ông tiếp tục sứ mạng mà Ngài đã bắt đầu :
     ."Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành Môn Đệ của Thầy" (Mt 28,19 ).
     ."Hãy đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo" ( Mc 16,15 ).
Đức Giêsu thôi thúc các Môn Đệ tham gia vào sứ mạng của mình - một sứ mạng duy nhất mà Ngài được nhận từ Chúa Cha, một sứ mạng mở ra trước mắt, các Môn Đệ nối dài với sứ mạng ấy.
Những dấu chân in trên cát cho biết có người đã đi qua. Nhìn hàng cây xao động, ta biết có gió. Cũng là gió nhưng có nhà thơ viết rằng:

"Vui buồn nhẹ lướt tầm tay,
Để bao hương gió chạm say lòng người."

Chúa Thánh Thần thường chạm đến cõi lòng con người. Trước Phục sinh, có lần nói chuyện với Nicodemo, Chúa Giêsu đã ví Thánh Thần như cơn gió : "Gió muốn thổi đâu thì thổi...chẳng ai biết gió từ đâu đến và sẽ đi đâu" ( Jn 3,8 ).Chúng ta chỉ thấy được những dấu vết hoạt động của Ngài, nhưng không thấy rõ hình dáng Ngài. Trong thực tế đời sống,những điều ta không thấy thật ra còn nhiều và còn mạnh mẽ kỳ diệu hơn cả những điều ta thấy, cụ thể như không khí, như sóng điện từ. Ngày nay, Internet phát triển mạnh, ta có thể nối kết với người ở cách xa ta hàng ngàn cây số, sóng điện từ mà mắt ta không thấy đã giúp ta tiếp nhận hình ảnh.

Thánh Thần cũng là hơi thở. Ta không thấy được hình dạng nhưng hơi thở là dấu hiệu của sự sống, không có hơi thở thì con người hay động vật cũng không thể nào sống được. Khi mới tạo dựng con người, Thiên Chúa đã thổi hơi vào A-đam và ban cho sự sống. Đức Giêsu Phục sinh đã thổi hơi trên các Tông Đồ, để các ông nhận được sự sống mới hoàn toàn, vì lúc đầu các ông cũng chỉ là những A-đam yếu đuối, những con người yếu đuối như chúng ta thôi.
Từ khi nhận được ơn Thánh Thần, các Tông Đồ trở nên khác hẳn. Trước kia các Ngài nhút nhát sợ hãi, nay các Ngài mạnh dạn hăng hái. Trước kia các Ngài chỉ là những ngư phủ thất học, không am hiểu Giáo lý, nay các Ngài cất tiếng Rao giảng Tin Mừng cho mọi người thuộc đủ mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Trước kia các Ngài còn nghĩ đến bản thân, tranh giành nhau chỗ cao chỗ thấp, nay các Ngài chỉ nghĩ đến Nước Chúa, sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa. Ơn Chúa Thánh Thần đã đổi mới tâm hồn các Ngài. Các Ngài đã nhận được sự sống mới, sự sống của Chúa, để sống vì Chúa và sống cho Chúa.
Đến lượt chúng ta ngày hôm nay. Chúa Thánh Thần tiếp tục đổi mới. Chúa Thánh Thần tiếp tục tác động nơi các tín hữu, tuy âm thầm nhưng không kém hiệu quả. Mùa Phục sinh và đặc biệt là lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, mang lại cho chúng ta niềm vui được nhân lên gấp bội vì từ đây ta được có Đấng ban ơn thánh hóa và biến đổi tâm hồn.
Thật vui mừng, sau Phục sinh mẻ lưới Chúa cho đánh bắt được nhiều cá, lưới đầy những cá lớn, mặc dù "nhiều cá như vậy mà lưới vẫn không bị rách", khác với mẻ lưới trước Phục sinh ( x Jn 21,11 v Lc 5,4-7 ). Cầu xin cho công cuộc truyền giáo được ngày càng phát triển, cho mọi người đều nhận biết Chúa là ơn Cứu độ, là niềm vui, là nguồn hạnh phúc. Ước gì Chúa ban cho nhân loại một lễ Hiện xuống mới để con người có thể hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương. Bảng kinh Huynh đệ FA trước đây tôi thường đọc vào các dịp sinh hoạt chung, nay mỗi lần đi thể dục, đi bộ ở công viên tôi cũng thường đọc, xin chia sẻ cùng những ai muốn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần :

"Lạy Chúa Thánh Thần,
Tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là linh hồn của hồn con. Con thờ lạy, ngợi khen, yêu mến và tín thác vào Ngài. Xin soi sáng con, xin dẫn dắt con, xin an ủi con, xin đốt lửa mến trong con, xin ban cho con ơn khôn ngoan và sức mạnh, xin cho con biết sống ngay thẳng, tôn trọng sự thật và rất mực trung tín, xin đổi mới tâm hồn con.
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin soi dẫn con, điều con phải nghĩ suy; điều con phải nói, phải nói thế nào, điều con phải viết, việc con phải làm, phải hành động thế nào, để vinh danh Thiên Chúa, hiển vinh Giáo Hội, lợi ích cho các linh hồn và sự thánh hóa chính mình con.
Con xin hứa với Ngài : Sẽ tuân phục Ngài trong mọi ý muốn về con, chấp nhận tất cả những gì Ngài cho xảy đến trong con. Con chỉ xin cho được nhận biết và thi hành Thánh ý Chúa. A-men !"

Cuối cùng, một cảm nghiệm bản thân :

Bất chợt nửa đêm thức dậy,
Nghe tình muốn nói lời yêu
Cứ mong cho mình được thấy
Thánh Linh soi rọi ít nhiều !

Mặc để hiên nhà trăng sáng,
Vội vàng lấy bút mực ra
Ghi nhanh những dòng lãng mạn
Tâm hồn hòa nhịp hoan ca.

Chúa Thánh Thần là Tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tuy nhiên, cả hai Thánh sử Maccô và Matthêu đều ghi nhận : Chúa Giêsu thấy thiên đàng mở cửa và Thánh Linh giống hình chim Bồ Câu giáng xuống nơi Ngài ( Mc 1,10 v Mt 3,16 ).
Lúc Chúa thăm viếng ta, thái độ của ta là phải lập tức đón tiếp Ngài và vui mừng nắm lấy cơ hội, ta không nên để Chúa phải đợi chờ. Thánh Thần đã không từ chối thì ta cũng đừng để Ngài phải ra đi, ta để tâm hồn mình lắng xuống và nhẹ nhàng dùng ngòi bút tuôn chảy theo ý tưởng, như ta đã chiếm lĩnh Ngài. Chỉ cần ta chậm một chút thôi thì chim Bồ Câu sẽ cất cánh bay xa, và lúc ấy có lẽ ta sẽ chờ đợi khá lâu. Dù có hối tiếc cũng chẳng còn, xem như đánh mất một cơ hội !

Ngày nay, Kinh Thánh được dịch ra nhiều thứ tiếng, cũng giá trị như ơn được nói nhiều thứ tiếng xưa kia của các Thánh Tông đồ. Chúng ta cần dịch ra một thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu, đó là ngôn ngữ tình yêu - ngôn ngữ của phục vụ và yêu thương, phục vụ như Chúa Giêsu đã phục vụ. Xin cho con biết đưa tình yêu vào cuộc sống, để mỗi giây phút sống, phục vụ, con đều làm cho cuộc sống có ý nghĩa và tăng thêm phần giá trị. Như cánh diều bay, ta được đỡ nâng lồng lộng giữa trời cao. Trái tim ta dạt dào vì không những chỉ có gió mà còn có lửa sưởi ấm, ngọn lửa tình yêu làm tim ta rung động mạnh mẽ và dịu êm. Thánh Thần, Ngài là lời ru, khúc hát, tim con mãi mãi ngân nga. Xin cho tình yêu và lòng chung thủy giữa con và Ngài mãi mãi được thắp sáng, tâm hồn con là căn phòng để lễ Ngũ tuần mang theo hơi ấm thiên thu cùng gió vi vu diệu vợi tình Ngài, thổi qua năm tháng thời gian, xua tan những muộn phiền tăm tối. Hát ca và chúc tụng Ngài mãi mãi không vơi.

JB.SĨ TRỌNG.
                                                                               Ra khơi.