Thứ Hai, 29 tháng 11, 2021

Ru mơ


Núi non thường gặp sông hồ,
Hai  bờ  kết  nối  dệt  thơ  và  tình
Nắng vàng chiếu sáng lung linh
Núi soi vẻ đẹp, sông tình lắm thay !

Quanh năm suốt tháng tình tôi
Thì thầm bên Chúa những lời nỉ non
Tình   Ngài   cứ  thế   véo  von,
Tim  tôi  thổn  thức  mãi  còn  dư  âm.

Những  suy  tư  bàng  bạc  tình  cờ,
Mà   cứ   mãi   cho  tôi   niềm  mến
Biết  bao  lần  âm  thầm  Chúa đến,
Tôi   ru  hoài   trong  một  giấc  mơ...

Khi Chúa đến, hoang đường không còn nữa
Chuyện thần tiên  như thực  giữa ban  ngày
Con   sông   chở   khách   đày   về   bến   đổ,
Không  cần   thuyền  đứng  đợi  vỗ  cầm  tay.

JB.Sĩ Trọng.
28.11.2021 - CN I Mùa vọng.

Thứ Hai, 8 tháng 11, 2021

Bi kịch bi thường


1. Vết nhơ lịch sử :
    Sau cuộc di cư 1954, tâm hồn hoài cổ để lại trong một số người khi đã vào Nam :
            "Thăng Long hỡi, tôi người trai Hà Nội
            Nhớ núi Nùng, lệ nhỏ khóc sông Gianh
            Còn  đâu  nữa  chuổi  ngày  vui  phố Hội,
            Chỉ sông Hồng nước vẫn chảy quanh quanh."
                                            ( Thơ Vũ Tiêu Giang )
     Sau Biến cố tết Mậu Thân năm 1968, khi Trịnh Công Sơn viết "Ca khúc da vàng" cất tiếng "hát trên những xác người", Nhã Ca viết "Giải khăn sô cho Huế" thì nhà thơ Nguyễn Vỹ thốt lên rằng : "Không làm sao xóa bỏ được những hận tình xao xuyến trong tim óc của mọi người khi thời gian và không gian ghi đậm lên trên ấy những vết tích điêu tàn của số kiếp". Ai cũng biết đến sự kiện Thiên An Môn chính quyền Trung Quốc sát hại nhiều người theo giáo phái Pháp Luân Công; cách đây ba ngày Trung Quốc vừa mới giật đổ một tượng Phật lớn nhất thế giới làm cho dân chúng vô cùng bàng hoàng... 
Tin Mừng Matthêu ghi lại Chúa Giêsu ( GS ) tố cáo người Do Thái vết nhơ giết người của họ vẫn còn trong lịch sử và vết nhơ đó chưa được tẩy sạch ( x Mt 23,27-32 ). Những đạo sĩ Do Thái giáo và các thầy giáo luật chăm sóc mồ mả của những người tử đạo, tô điểm những bia kỉ niệm các vị ấy, cũng như đánh dấu vết nhơ của tội ác. Họ nói rằng nếu họ sống trong thời kỳ đó thì họ đã không giết các đấng Tiên tri và những người của Thiên Chúa. Nhưng đó chính là những điều họ đang làm và sẽ làm, chẳng khác gì "đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên"( Mt 23,32 ).
    Chúa GS tố cáo rằng lịch sử Do Thái là lịch sử của những vụ bách hại các tôi tớ của Thiên Chúa ( TC ) : "giết và đóng đinh người này vào thập giá, đánh đòn người kia trong hội đường và lùng bắt họ từ thành này đến thành khác"( Mt 23,34b v Lc 11,49b). Ngài nói rằng những người công chính từ thời Aben đến Dacaria đều bị giết. Tại sao Chúa GS đề cập tới hai con người này ? Vụ Aben bị Cain sát hại là vụ giết người ai cũng biết. Nhưng vụ Dacaria chết là một vụ giết người hầu như không ai biết rõ. Câu chuyện được tóm lược trong II Sử ký 24,20-22. Nó xảy ra vào thời Giô-át : Dacaria quở trách dân tộc vì tội lỗi của họ và Giô-át kích động dân chúng ném đá người đến chết, ngay trong hành lang đền thờ, gần Thánh Điện ( Mt 23,35 v Lc 11,51 ). Khi Dacaria chết thì người nói rằng : "Xin Đức Chúa nhìn xem và báo oán cho con"( II Sk 24,22b ). Vì sao Dacaria lại được nhắc đến ? Trong Kinh Thánh tiếng Hêbơrơ, Sáng Thế ký sách đầu tiên như trong Kinh Thánh của chúng ta, nhưng II Sử Ký là sách cuối cùng. Như vậy, chúng ta có thể nói rằng vụ giết Aben là vụ đầu tiên và vụ giết Dacaria là vụ cuối cùng trong Kinh Thánh Cựu ước. Những chuyện liên quan tới con các vua, tới các lời sấm chống lại vua, tới việc tu bổ Đền thờ TC, tất cả đều được ghi chép trong phần chú giải sách "Các Vua" ( II Sk 24,27 ).
    Chúa GS vạch ra rằng dấu vết của sự giết người vẫn còn đó. Chúa biết rằng Ngài phải chết và trong tương lai những sứ giả của Chúa cũng sẽ bị bắt bớ, bị ngược đãi, bị khước từ và bị giết như Ngài vậy. Máu các Thánh Tử đạo vẫn liên tục đổ ra từ thế hệ này sang thế hệ khác ( Mt 23,36 ).
    Đây quả là một thảm kịch, dân tộc TC chọn lựa và yêu thương đã trở tay chống lại TC và ngày báo trả sẽ đến ( Lc 11,51b ). Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ, khi lịch sử phán xét chúng ta đứng về phía nào ? Đó là câu hỏi mà mỗi cá nhân, mỗi dân tộc phải trả lời.

2. Sự khước từ :
    Tình yêu bị khước từ là một thảm kịch đau lòng. Lần này ta thấy Chúa GS không nói với giọng của một vị thẩm phán nghiêm khắc, nhưng với giọng của một người yêu thương : "Hỡi Jérusalem, Jérusalem, ngươi giết các đấng Tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi ! Đã bao lần ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp con mình dưới cánh, mà các ngươi không chịu"( Mt 23,37 v Lc 13,34-35 ). Câu chuyện này soi rọi ánh sáng kỳ lạ trên đời sống Chúa GS. Theo ký thuật của các sách Phúc Âm, từ khi bắt đầu giảng đạo công khai, chúng ta không thấy ghi Chúa GS về Jérusalem cho đến khi Ngài về đó dự lễ Vượt Qua cuối cùng. Như thế các sách Phúc Âm đã bỏ qua nhiều sự kiện, vì Chúa GS không thể nói điều này trừ khi Ngài đã đến Jérusalem nhiều lần và đưa ra nhiều lời kêu gọi dân chúng. Do đó, qua những sách Phúc Âm, chúng ta chỉ có những nét tổng quát nhất của đời sống Chúa GS. Đoạn này cho thấy bốn ý nghĩa quan trọng :
        a. Sự nhẫn nhục của TC : Jérusalem đã giết các tiên tri và ném đá các sứ giả của Ngài, thế mà TC không trừ diệt nó, cuối cùng Ngài còn sai Con Ngài đến. Chúng ta thấy lòng kiên trì vô giới hạn trong tình yêu của TC khiến Ngài phải chịu đựng những đau khổ xúc phạm do tội lỗi loài người.
        b. Sự kêu gọi của Chúa GS : Ở đây Ngài nói như một người yêu. Ngài không dùng vũ lực để xông vào, vũ khí duy nhất Chúa sử dụng là lời kêu gọi đầy yêu thương. Chúa đứng giang tay mời gọi, một lời mời mà người ta có bổn phận phải nhận lấy hay khước từ.
        c. Sự cố tình phạm tội của con người : Người ta nhìn thấy Chúa GS với lời mời gọi tha thiết của Ngài và người ta đã khước từ lời mời đó. Bên ngoài cửa lòng con người không có quả nắm nào cả, nó phải được mở từ bên trong, và phạm tội là cố tình khước từ lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa.
        d. Hậu quả sự khước từ : Chẳng khác gì vụ đắm con thuyền Titanic. Chỉ trong vòng bốn mươi năm sau, vào năm 70 SC thành Jérusalem chỉ còn một đống gạch vụn, đúng như lời tiên tri Chúa GS đã báo trước ( Mt 24,2 ). Sự tàn hại đó là hậu quả trực tiếp của việc khước từ Chúa. Nếu người Do Thái chấp nhận đường lối yêu thương của TC, từ bỏ con đường bạo lực chính trị thì La Mã đã không bao giờ đem sức mạnh để trả thù.
        Những bằng chứng lịch sử cho thấy quốc gia nào khước từ TC, quốc gia ấy dễ chuốc lấy tai họa. Cha Tiến Lộc trong một bài giảng đã nói : Sự kiện thảm khốc ( tàu Titanic ) xảy ra, không ai dám đổ trách nhiệm cho TC, nhưng người ta có thể khẳng định rằng chính sự tự mãn vênh vang của con người gây ra hậu quả ấy.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, Tình yêu và ơn Cứu độ là nền tảng của lịch sử. Nếu tìm hiểu lịch sử mà không biết lịch sử ơn Cứu độ thì chẳng được gì. Xin Chúa cho những người say mê tìm hiểu lịch sử cũng nhận ra được lịch sử ơn Cứu độ để họ cảm thấy sự hiện diện của họ là không vô ích, lại có thêm giá trị và ý nghĩa đời sau của họ nữa.
    Lạy Chúa, xin cho con bình tĩnh và yêu thương họ hầu giúp họ được một chút gì đó trong nhận thức, từ đó họ thấy được ơn Cứu độ, thấy được Tình yêu của Chúa dành cho nhân loại, trong đó có họ.

JB.SĨ TRỌNG.