Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

Lời đưa hương cảm tạ








( Tặng Thu Sarinko )

Rót  mật  bởi  ơn  trời,
Lời Người, lời hằng sống
Hồn mênh mang gió lộng,
Đưa  hương  vị  bình  an.

Để  lại  với  thời  gian,
Những trang thơ kỉ niệm
Cảm xúc mãi dâng tràn,
Trong tình yêu miên viễn.

Con  thanh thản  bước  đi,
Lắng nghe Lời Chúa dạy
Dòng sông đời cuộn chảy,
Mang   lửa   ấm   vào   hồn.

Dẫu gặp phải mưa tuôn,
Dầu  phong  ba  bão  táp
Lòng  con  luôn  dào  dạt,
Khúc   hát :  Tạ   ơn   Người.

JB.Sĩ Trọng.

Chùm thơ 31

MỘNG

Mộng về như cánh vạc bay,
Bao đêm thức giấc để ngày vụt qua
Mộng mơ có được chỉ là,
Thoáng chốc rồi lại rời xa cõi hồn.




















TƯỞNG

Tưởng em không phải là mơ,
Tưởng em một thoáng tình cờ như anh
Ai  ngờ  em  vội  đi  nhanh,
Tưởng  em  ở  lại  kinh  thành  năm  xưa.














TƯỞNG CHỪNG

Tưởng chừng như gió thoảng qua,
Tưởng chừng có ánh trăng sa xuống thềm
Tưởng chừng như nắng vào đêm,
Tưởng chừng huyền thoại làm quên lối về.



TÌNH TRĂNG CAO NGUYÊN

Cao nguyên có một tình trăng,
Mà không ai biết chị Hằng ở đâu
Nhưng khi chiều xuống nhuốm màu,
Tiếng ca, tiếng hát bắt đầu vang lên(*).

(*) Sinh hoạt của gioitreconggiao.org trong dịp đi từ thiện.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Mừng Chúa Giáng Sinh




Hãy ngưng đọng trước Con trẻ ở Bethlehem. Hãy để trái tim run lên niềm cảm mến, hãy cho phép mình được sưởi ấm bởi sự dịu dàng của Chúa. 

Chúng ta cần sự âu yếm của Ngài. Thiên Chúa đầy yêu thương: hãy ca ngợi vinh quang Ngài mãi mãi !
Thiên Chúa là bình an: hãy cầu xin Ngài giúp ta an bình mỗi ngày, trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình, các thành phố và các quốc gia trên toàn thế giới. 

Hãy để cho lòng mình xúc động bởi sự tốt lành của Chúa.

*
Let us pause before the Child of Bethlehem. Let us allow our hearts to be touched, let us allow ourselves to be warmed by the tenderness of God; we need his caress. God is full of love: to him be praise and glory forever! God is peace: let us ask him to help us to be peacemakers each day, in our life, in our families, in our cities and nations, in the whole world. Let us allow ourselves to be moved by God's goodness. (Pope Francis)


VIẾT GÌ VỀ GIÊSU ? TRÊN THẾ GIỚI NÀY NGƯỜI TA VIẾT VỀ NGÀI NHIỀU LẮM. TÔI CHỈ VIẾT NHỮNG VẦN THƠ, NHỮNG SUY TƯ, NHỮNG CẢM XÚC RIÊNG CỦA MÌNH VỀ NGÀI. MỖI NGƯỜI MỖI VẺ, AI CŨNG CÓ NHỮNG SUY TƯ, NHỮNG CẢM XÚC RIÊNG. MỖI NGƯỜI YÊU GIÊSU VÀ BÀY TỎ TÌNH CẢM VỚI GIÊSU MỖI CÁCH KHÁC NHAU. GIÊSU CÓ SỨC HẤP DẪN VÀ CUỐN HÚT NGƯỜI TA ĐẾN LẠ LÙNG !

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Vũng Tàu mùa Giáng Sinh


Vũng Tàu mừng đón Noel,
Cây thông điện sáng thay đèn thiên nhiên
Đi trên đường phố mặt tiền,
Nhà lầu, cửa tiệm nối liền ánh sao
Biển ru, sóng vỗ dạt dào
Khơi xa gió lộng thổi vào công viên
Tao Phùng tượng Chúa lặng yên,
Bãi Dâu Đức Mẹ dịu hiền bồng con
Núi Đôi bờ đá vẫn còn,
Đỗ mai nở rộ chon von đỉnh đồi
Thùy Vân (1) rồng lượn lả lơi,
Liễu xanh tạo dáng mây trời đẹp xinh
Hạ Long (2) thong thả uốn mình,
Bạch Dinh sứ trắng, nhân tình đứng trông
Giáng Sinh cho những cõi lòng,
Vũng Tàu chào đón khách trong và ngoài
Rộn ràng, rực rỡ hôm nay
Ngày mai hứa hẹn dỡ hay thế nào ?
Trung tâm du lịch ngàn sao,
Phố thành nhộn nhịp sắc màu điểm tô.

(1) Tên gọi con đường từ Bãi sau đi ngang qua núi Tao Phùng, ở đây có hình rồng lượn được tạo dáng từ những cây dương liễu, về đêm trông rất đẹp.
(2) Tên đường từ Bãi trước ngang qua Bạch Dinh ( Dinh của Vua Bảo Đại ).

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Mừng Chúa Giáng Sinh và Năm mới














Phương xa con viết tặng dâng Ngài
An bình nhân loại đón Ngôi Hai
Sinh nhật  Đông về trời giá lạnh,
Im  hòa  theo  nhịp  gió  khoan  thai
Khúc hát Thiên Thần vương mây khói
U  buồn  đêm  tối  vội  phôi  phai
Không trung như có lời Loan báo,
Khơi nguồn sự sống mới Ngày mai
Anh  Hài  nhỏ  bé  nhưng  cao  cả
Nơi chốn thấp hèn chẳng giống ai
E  lệ   đón  chào   năm  mới   đến,
Niềm  tin  dâng  trọn  Chúa  tương  lai.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Bản giao hưởng Ơn Cứu độ

( Cách riêng, kính tặng Mục sư Nguyễn Quang Minh và bà Minh Hạnh )

Hai con người, hai nhân vật đã làm thay đổi lịch sử. Một con người mà Thánh Kinh nói ''không phải bởi khí huyết loài người mà ra'', còn một con người thì từ trong nhân loại mà ra nhưng được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Ngài, cưu mang Ngài cho đến đúng ngày giờ đã định, khi đó mới xuất hiện như ánh sáng xuất hiện giữa muôn dân.Câu chuyện tình yêu nhưng ngôn từ thì không có gì mùi mẫn, ở đây người viết chỉ muốn khám phá thêm từ Thánh Kinh những khía cạnh mầu nhiệm của ơn Cứu rỗi Thiên Chúa dành cho loài người, xem như một món quà gởi đến những ai có lòng yêu mến Thiên Chúa và Mẹ Ngài trong mùa Giáng Sinh năm nay.

1.TỪ HÀNH HƯƠNG, ĐẾN TIỆC CƯỚI CANA VÀ NÚI SỌ :
Tin Mừng Thánh Luca kể rằng : Thời thơ ấu, khi Chúa Giêsu lên 12 tuổi,Chúa Giêsu theo bố mẹ lên đền thánh Jérusalem dự lễ Vượt qua. Xong kỳ lễ, bố mẹ trở về, cậu bé Giêsu ở lại Jérusalem. Ông bà cứ tưởng là cậu bé về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường mới tìm kiếm. Tìm mãi không thấy con mình, hai ông bà bèn quay trở lại Jérusalem. Thông thường những chuyến đi xa người lớn có dẫn trẻ con theo, nếu chỉ lạc mất con trong vòng 15 phút là họ cũng đã hốt hoảng. Thời nay, nạn bắt cóc trẻ em càng nhiều nên bố mẹ lại càng lo sợ. Ở đây 2 ông bà đi hơn một ngày đường mới phát hiện con mình bị lạc mất ( sao vô tình đến thế ! ) , khi đó họ mới bắt đầu đi tìm con. Quay trở về Jérusalem thì mất hết 3 ngày đường lúc ấy mới gặp được con ( thời xưa không có xe cộ và các phương tiện di chuyển hiện đại như ngày nay ). Qủa là chuyện lạ ! Càng lạ hơn khi thấy cậu bé Giêsu trong đền thờ, đang chất vấn với các thầy Thông luật. Ông bà thật ngạc nhiên, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu : ''Con ơi, sao con lại xử sự với cha mẹ thế này. Con thấy không, cha và mẹ phải vất vả đi tìm con ''. Chúa Giêsu trả lời : ''Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con đang lo việc của Cha con sao ?'' ( x Lc 2, 41-50 ).  Câu nói này của Chúa Giêsu, mới nghe thấy cũng hơi khó chịu. Nhưng cũng chính câu nói này khẳng định được vai trò và sứ mệnh của Chúa trong công cuộc Cứu độ.
Tuy nhiên, cuối câu chuyện kể trên, Thánh Luca cho rằng : Đức Mẹ và Thánh Giuse không hiểu lời Chúa Giêsu nói ( Lc 2, 50 ).Nhận xét này có lẽ không đúng lắm, vì Thánh Giuse cha nuôi rất mực xứng đáng của Đức Giêsu Kitô và Mẹ Ngài thừa biết con mình là ai, lẽ nào không hiểu được điều con mình nói. Khi Đức Maria mang thai và Thánh Giuse định tâm muốn bỏ nhà đi thì Sứ thần Gabriel đến trấn an và bảo ông hãy rước Maria vợ mình về nhà, sau đó Sứ thần còn báo cho ông biết Con trẻ mang thai trong cung lòng Maria sau này sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi ( x Mt 1, 21 ).Như thế làm sao không hiểu được ! Hiểu quá đi chứ, nhưng ớn thật, vì thấy Con mình tuổi nhỏ mà làm những chuyện phi thường.

Tại tiệc cưới Cana, hình như người ta không mời Đức Mẹ, mà chính Đức Mẹ có mặt ở đó. Theo Tin Mừng Thánh Gioan thì chỉ mời Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài.( Chúa Giêsu đi đâu cũng kéo theo một ''ben'' gồm các môn đệ của mình ). Như thế tiệc cưới này Đức Mẹ là người thân quen với gia chủ. Tin Mừng ghi rõ : ''Trong tiệc cưới có thân mẫu của Đức Giêsu. Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự ''( Jn 2, 1-2 ). Điều bất ngờ là giữa buổi tiệc thì bị thiếu rượu, Đức Mẹ thấy vậy liền nói với Chúa Giêsu : ''Họ hết rượu rồi kìa !'' ( Jn 2, 3 ) .Chắc Đức Mẹ biết con mình là người như thế nào nên Đức Mẹ mới nói như vậy. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu thì gây ''xốc'' cho Mẹ quá : ''Thưa Bà, chuyện đó thì can gì đến Bà và Tôi. Giờ Tôi chưa đến !'' ( Jn 2, 4 ). - Câu nói này hơi kỳ cục, có chút gì đó chưa đúng vai trò người con nói với Mẹ mình. Có lẽ lúc này Chúa Giêsu cũng lớn tuổi rồi ( đã bước vào tuổi 30, Mẹ thì gần 50 ),Chúa bắt đầu công khai Rao giảng, không còn như trẻ thơ nữa, nên cách nói của Ngài mới vậy.Ngài cũng lễ phép với Mẹ đấy chứ, chữ ''Thưa Bà '' tỏ ra Chúa rất kính trọng Mẹ mình. Và chắc chắn lúc còn nhỏ, kể cả lúc lớn khôn, ở nhà với Mẹ hoặc bên cạnh Mẹ, Chúa Giêsu lúc nào cũng lễ phép với Mẹ, ngọt ngào với Mẹ, từ tốn với Mẹ, biết vâng lời Mẹ.
Đức Mẹ cũng không buồn khi nghe Chúa Giêsu nói những lời trên. Đức Mẹ rất hiểu Con mình. Đức Mẹ biết đứa con mình sanh ra đó là ai, nên Đức Mẹ mới nhìn Con và nói : ''Họ hết rượu rồi kìa !'' Không hiểu con mình sao được vì chính mình đã chịu thai nó bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, nó như lời truyền của Sứ thần Gabriel là Con của Đấng Tối Cao. Chắc có lẽ thời thơ ấu Chúa Giêsu cũng đã có làm một số phép lạ, nên Đức Mẹ biết rõ khả năng của Con mình.
Đức Mẹ rất tôn trọng con mình, không những tôn trọng mà còn quý trọng nữa, nên Đức Mẹ đã nói với gia nhân :'' Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo''. Đức Mẹ đã xưng con mình là Người, chữ ''Người'' ở đây cũng có nghĩa là ''Ngài '', nếu câu này dịch : ''Ngài bảo gì, các anh cứ việc làm theo '', thì chẳng có gì sai.

Kết cục, Chúa Giêsu cũng nghe lời Đức Mẹ. Sáu chum đá dùng cho việc thanh tẩy, được Chúa Giêsu sai các người giúp việc đổ đầy nước tới miệng, rồi múc và đem cho ông quản tiệc. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hóa thành rượu ngon mà ông không biết từ đâu ra, chỉ có người đã múc thì mới biết được ( x Jn 2, 6-9 )
Mỗi chum chứa từ 80 đến 120 lít. Sáu chum phải có từ 480 lít đến 720 lít. Khủng khiếp ! Rượu nhiều quá ! Chắc tiệc cưới này cũng khá đông người, và đa số dân uống rượu cũng khá sành điệu.( Thế nào cũng không tránh khỏi việc say xỉn ).
Khi người quản tiệc nếm và biết nước đã trở thành rượu ngon thì ông ta mời gọi chú rễ lại và nói : Ai cũng đải rượu ngon trước, khi khách ngà ngà rồi mới đải rượu xoàng. Còn anh giữ mãi rượu cực ngon cho đến giờ phút này ư ! ( x Jn 2, 10 ). "Không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói : Rượu cũ ngon hơn"( Lc 5,39 ). Ngược lại, tại tiệc cưới Cana, Chúa Giê su làm ra rượu mới, khi người ta nếm thử thì lại thấy ngon hơn rượu cũ.
Dĩ nhiên không ai cho rằng : tiệc cưới Cana là hình bóng của bửa tiệc Nước Trời, mặc dù ở nơi ấy có Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà  ở đây chỉ để tỏ lộ quyền năng của Con Thiên Chúa và sự chúc phúc của Ngài với đôi bạn trẻ mà thôi.
Trở lại vấn đề, với câu nói Chúa Giêsu nói với Mẹ mình : ''Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và Tôi ? Giờ Tôi chưa đến ! ''( Jn 2, 4 ). Tại sao trước mặt người ta mà có khi Chúa Giêsu lại gọi Đức Mẹ là Bà ? Chữ Bà ở đây hoàn toàn khác với chữ Bà trong kinh Kính Mừng.Chữ ''Bà'' trong kinh Kính Mừng là câu nói của Sứ thần Gabriel khi đến truyền tin cho Mẹ. Còn chữ ''Bà'' này là cách nói của Chúa Giêsu với Mẹ mình.

Có một chữ ''Bà'' nữa hoàn toàn giống với chữ ''Bà'' Chúa Giêsu gọi Mẹ mình tại tiệc cưới Cana, đó là lúc Chúa Giêsu thấy Mẹ mình và môn đệ mình thương mến đứng dưới chân Thập giá, Chúa Giêsu đã trối với Đức Mẹ rằng : ''Thưa Bà, đây là Con của Bà ''. Và Người nói với môn đệ ấy : ''Này là Mẹ của anh ''. - Mẹ ruột, sinh ra mình từ máu thịt mà lại trối cho người khác ( ! ).Thánh Kinh còn viết :'' Kể từ giờ phút đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình ''.( x Jn 19, 26-27 ) .
Lần đầu tại Cana, lần cuối tại núi Sọ. Điều này có ý nghĩa gì ?
Tính ra, toàn bộ Tin Mừng, có 5 lần Chúa Giêsu gọi Mẹ mình bằng Bà, có khi gọi trước mặt người ta, làm như vậy không mất mặt Mẹ sao, Mẹ không bị quê sao ? Thưa không, Mẹ còn hãnh diện nữa là đằng khác, vì Mẹ biết rõ vai trò  và sứ mệnh của Con mình.
Nếu đọc kỉ hơn ta thấy gần cuối đoạn 19 Tin Mừng Gioan, Thánh Gioan còn cho biết : Dưới chân Thánh giá còn có chị của Mẹ Maria, Thánh Gioan viết như sau : ''Tại một bên thập tự giá của Đức Giêsu, có Mẹ Ngài đứng đó, với chị Mẹ Ngài là Maria vợ của Coleopas '' ( Jn 19, 25 ). Phải chăng, người chị ở đây cũng chính là người chủ đứng ra tổ chức tiệc cưới tại Cana ? Coleopas là một trong hai Môn đệ trên đường đi Emmaus.

2. KHÚC GIAO THOA TUYỆT VỜI :
Từ tiệc cưới Cana đến núi Sọ có sự gặp gỡ và giao thoa tuyệt vời.
Mỗi người đều sinh ra bởi một người mẹ và một người cha ở thế gian này, nhưng tại sao lại gọi Đức Maria là Mẹ của chúng ta ? Chúng ta được vinh dự ấy là nhờ ơn Cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Mẹ trở nên Bà mẹ của nhân loại.
Khi Thánh Gioan và Đức Maria đứng dưới chân Thánh giá thì Chúa Giêsu đã trối Mẹ cho Thánh Gioan :'' Này là Mẹ anh ''. Vào thời điểm ấy, Thánh Gioan đại diện cho nhân loại, vì cả Mẹ và Thánh Gioan đều đi suốt hành trình cứu chuộc của Đức Giêsu, các Ngài có mặt từ khi Đức Giêsu công khai rao giảng đến lúc bị chết treo trên thập giá. Nhân loại chúng ta được sinh ra từ cạnh sườn của Chúa Giêsu vì lúc ấy  '' máu cùng nước chảy ra ''( x Jn 19,34 ), cũng cạnh sườn ấy mà Chúa đã tạo nên người nữ lấy từ cạnh sườn của Ađam như thuở ban đầu Thiên Chúa mới tạo dựng con người. Máu và nước ấy là hình ảnh của Bí tích Rửa tội, là máu của Con mình đổ ra mà Mẹ mình chứng kiến để tái sinh nhân loại mới. Một số nhà Thần học suy tư : Chúa Giêsu là Ađam mới, Đức Maria là Evà mới, từ đó sinh ra nhân loại mới. Nguyên tổ phạm tội, Chúa Giêsu chiến thắng tội lỗi và tử thần, trả lại sự sống cho nhân loại.
Qủa thật, giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria, cả hai được Thánh Linh tạo nên một bản giao hưởng tuyệt diệu, đầy xúc cảm, đầy tính bi hài, thú vị, đậm chất tình yêu và ơn Cứu độ.

3. TRI ÂN VÀ CẢM TẠ :
Giáng Sinh sắp về, sinh nhật lần thứ 2017 của Chúa Giêsu, con chỉ xin viết những suy tư về Chúa và Mẹ của Ngài.
Cảm tạ Chúa vì Chúa đã cho một người Mẹ tuyệt vời sinh ra một người Con tuyệt vời. Con không nói về Đấng Emmanuel nữa vì chính Ngài là Emmanuel rồi, con chỉ xin tạ ơn Chúa, tạ ơn Mẹ vì đã cho con nhận biết Đấng đã sinh ra để con được cứu rỗi, để nhân loại được tái sinh nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, qua Hy tế Thập giá, qua máu và nước mà cạnh sườn Người đã đổ ra trong ngày chịu nạn.
Thật, con không xứng đáng gì, nhưng con thấy Chúa vẫn yêu con, Mẹ vẫn thương con, con xin chia sẻ những suy tư trên với những ai có lòng yêu mến Mẹ và Giêsu con Mẹ.

Lạy Chúa, Đấng đã đến với Thánh Thần. Xin Người thiêu đốt những gì là hèn kém, tội lỗi, ích kỷ và bất chính nơi chúng con. Xin Chúa không ngừng đổi mới cuộc sống con người và vũ trụ. Xin cho chúng con biết ý thức và tích cực góp phần nhỏ bé  của mình, để khơi lên niềm hân hoan và hy vọng trong môi trường sống của chúng con hiện nay, để Nước Chúa ngày càng hiển trị trong cuộc sống trần gian này. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Vọng

Yêu Ngài tình mãi véo von,
Lời ca con trẻ mãi còn ngây thơ
Hái trăng trên núi xa bờ,
Sông trôi lặng lẽ, thuyền chờ gió ru.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Hai, 4 tháng 12, 2017

Hoàng hôn tuyết trắng

( Tặng con yêu )

Hình như trời chuyển sang Đông,
Phải không em nhỉ, mây bồng bềnh trôi?
Tuyết rơi phủ kín núi đồi,
Con đường cũng ngập trắng phơi lối về
Chuyến xe xuyên suốt miền quê,
Vút vun theo gió, vỉa hè trống trơ
Băng qua thành phố sông hồ,
Lầu cao cửa tiệm ngẩn ngơ ánh đèn
Thánh đường vời vợi thân quen,
Xa xa buông vọng êm đềm tiếng chuông
Em đi trong bóng chiều buồn,
Hoàng hôn tuyết trắng thả hồn nhẹ ru ...

JB.Sĩ Trọng.

Thư gởi Chúa Hài đồng Giêsu

Thầy ơi, con nhớ đến Thầy !
Thầy trở về trong cõi lòng con giữa những ngày đông giá lạnh. Con nghe tiếng khóc chào đời của Thầy từ Hang đá Bêlem. Con thấy các mục đồng đến quỳ lạy. Ba vua cũng đến quỳ lạy bái thờ dâng tiến vàng, nhũ hương, mộc dược. Còn con, con chẳng có gì, chỉ có tấm lòng đơn sơ thầm kín yêu Thầy. Con dâng lên Thầy như món quà trong mùa Giáng sinh và năm mới đầy ý nghĩa này.Con đếm từng giọt sương rơi như có Thầy đi bên cạnh. Con thấy vầng dương ló dạng mà nghe tiếng Thầy rao giảng. Thánh Gioan đi trước dọn đường, Thầy lầm lũi với đoàn dân đến để lãnh nhận phép rửa. Thầy bao giờ cũng gần gũi, yêu thương, để ban cho dân niềm an ủi. Thầy đến với dân bằng bao đồng cảm, hòa mình, hầu xóa đi những cách biệt .
Thầy ơi, con nhớ đến Thầy,
Thầy là Đấng Métsia .Có lần con gọi Thầy là Đấng “Mê si” trong lịch sử. Đời người và người đời có khác nhau chăng ? Ngôi Hai Thiên Chúa chính là Thầy. Thầy đến để chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống con người, trong đó có con nữa. Thầy không sinh ra nơi cung vàng điện ngọc, ngược lại, Thầy sinh ra nơi chốn bò lừa ẩm ướt. Thầy là Thượng Đế Ngôi Cao nhưng Thầy xuống trần một cách cùng cực. Thầy gây ấn tượng khó quên vì Thầy không chọn sự sung sướng giàu sang. Ai cũng biết đến Thầy vì Thầy là hiện thân của kẻ nghèo. Thầy cho con cùng đi với Thầy, cùng chia sẻ với Thầy những đắng cay ngọt bùi, những gian truân vất vả.

Thầy ơi, con nhớ đến Thầy, 
Thầy đến dương gian giữa mùa đông khắc nghiệt. Hơi thở bò lừa làm sao đủ ấm! Cái rét thấu xương đâu bằng cái giá lạnh của tâm hồn. Con có Thầy, tâm hồn con không giá lạnh. Nhưng con nghĩ đến những người khác, những người anh em, những người thân, họ không có Thầy, không nhận biết Thầy, chắc tâm hồn họ hiu quạnh lắm, lạnh lẽo lắm. Ai sưởi ấm cho họ bằng lửa yêu thương, ai an ủi họ bằng ơn cứu chuộc? Xin cho con biết đến với họ và chia sẻ cùng họ về Thầy, Thầy nhé !

Thầy ơi, con nhớ đến Thầy,
Về Ai Cập khi đời còn thơ ấu
Giê su – đôi tay Mẹ ẵm bồng
Đời gian lao trải qua bao bờ dậu
Trong đêm trường vội vã bước chân không.

Công lao Bố Mẹ cũng lớn lắm. Bố Mẹ không bao giờ dám bỏ rơi Thầy. Mẹ luôn bồng bế Thầy trên tay. Và cả Bố cũng vậy. Bồng Thầy trên tay tức bồng Đấng mang nổi vạn vật, quả là một vinh dự lớn. Xin Thầy cho con biết cầu nguyện cùng Bố Mẹ Thầy để được ơn khôn ngoan, đức khiêm tốn, nhẫn nại và lòng cậy trông bền vững. Con có nhiều dấu chỉ yêu thương từ các Ngài, vì chính các Ngài đã nâng đỡ, dìu dắt, chữa lành bệnh tật cho con và cả các thành viên trong gia đình con nữa. Phải chăng, Thầy và Chúa Cha đã thông ban quyền năng cho Mẹ Maria và Thánh Giuse. Thầy ơi, từ trong thẳm sâu của lòng con, con xin cảm tạ các Ngài.
Thầy ơi, con nhớ đến Thầy,
Ai nói Thầy là Hài Nhi ? Thầy đến trong thân phận con người bé bỏng, nhưng Thầy là Emmanuel. Không có Thầy đời con rất dễ thất vọng. Không có Thầy đời con chẳng có nghĩa gì. Xin Thầy đón nhận con, mặc dù con không xứng đáng. Xin Thầy cho con niềm yêu để con vui sống. Xin Thầy cho con niềm say để con lãng mạn yêu Thầy mãi mãi trong tim .

JB.SĨ TRỌNG.

Câu chuyện 3

Một Mục sư nói với giáo dân :
- Tuần tới tôi sẽ thuyết giảng về tội nói dối. Để giúp các bạn nhanh chóng nắm được vấn đề, tôi muốn tất cả đọc trước chương 17 quyển Mark.
Chủ nhật sau đó, để mở đầu bài giảng, Mục sư liền yêu cầu những người đã đọc chương 17 quyển Mark giơ tay. Tất cả đều giơ tay, vị Mục sư cười và nói :
- Tốt ! Bây giờ tôi sẽ tiến hành bài giảng về tội nói dối. Quyển Mark chỉ có 16 chương...

Câu chuyện 2

Một người ăn mày rách rưới đến cửa nhà giàu xin ăn, tay nhà giàu không cho lại còn mắng :
- Cút ngay, rõ trông như người ở dưới địa ngục mới lên !
Người ăn mày nghe nói vội trả lời :
- Phải, tôi ở dưới địa ngục lên đây.
- Đã xuống địa ngục sao không ở hẳn dưới đấy, còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?
- Không ở được nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết chỗ rồi !

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Tôi yêu tiếng nước tôi

( Tặng GSTS Bùi Hiền và TS Hồ ngọc Đại )



















Tôi yêu tiếng Việt nước tôi,
Cưu mang truyền thống bao đời cha ông
Dịu dàng như những dòng sông,
Bờ tre, giếng nước, ruộng đồng thảnh thơi
Vọng  lời  ru  tiếng  à  ơi,
Mẹ tôi thường hát đưa nôi mỗi chiều
Mại mềm, uyển chuyển, đáng yêu,
Câu  thơ  tôi  kết  trăm  điều  ví  von
Những vần, những điệu...mãi còn
Bao nhiêu âm hưởng nhẹ nhàng, êm tai
Cánh diều theo gió khoan thai,
Âm thanh, chữ viết ghi hoài trong tim
Đi  khắp  thế  giới  để  tìm
Đâu ra thứ tiếng dễ thương thế này
Tôi yêu tiếng Việt hôm nay,
Kết tinh vẻ đẹp tháng ngày giao duyên
Thân quen, phổ quát ba miền
Ai ai cũng hiểu, chẳng thêm bớt gì
Ngôn từ sách vở chép ghi,
Truyện Kiều, câu Hịch, Sử thi...loan truyền
Lẽ  nào  tôi  nỡ  bỏ  quên,
Đổi thay sao được một nền văn chương
Không ai có thể xem thường,
Làm  sai  thứ  tiếng  linh  hồn  Việt  Nam.

JB.Sĩ Trọng.

* Trong tiếng Việt  chữ  ''nhẹ'' vẫn có dấu nặng, chữ ''vững'' cũng có dấu ngã, chữ ''hiểu'' vẫn có dấu hỏi, chữ ''ngắn'' dài hơn chữ ''dài''...nên chi ta cần phải khiêm tốn. Đừng ai tự cho mình là giỏi để làm những điều ngu xuẩn có hại cho quê hương đất nước.

*''Chữ quốc ngữ của chúng ta hiện tại đã chuyển tải đầy đủ ý nghĩa của tiếng Việt, nên thật sự không cần lập dị cải tiến thay đổi, có chăng những bổ túc, điều chỉnh thận trọng, khéo quá hóa vụng."
BS Lê Bá Vận, Hiệu trưởng trường ĐHYK Huế sau 1975.

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

Thăm mộ người tạo ra chữ quốc ngữ

THĂM MỘ NGƯỜI TẠO RA CHỮ QUỐC NGỮ VIỆT NAM.
Thăm mộ cụ Alexander De Rhodes, người tạo ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam.
Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes
Câu chuyện về người con đất Việt tìm thăm lại mộ ngài Alexandre de Rhodes ở miền đất xa xôi, làm cho người đọc cảm thấy ấm lòng.
Anh Trường là hướng dẫn viên du lịch, đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa nhưng trong lòng vẫn mong ngóng về một điều bấy lâu, đó là được tới tận nơi ngài Alexander De Rhodes an nghỉ, đặt lên mộ ngài một bó hoa và nói nên lời cảm tạ từ đáy lòng.
“Từ thuở còn sinh viên, khi được học về nguồn gốc chữ quốc ngữ mà chúng ta có được để sử dụng một cách dễ dàng và tiện lợi như ngày nay. Tôi đã thầm cảm ơn những nhà truyền giáo phương Tây, đặc biệt là Alexandre de Rhodes, người đã có đóng góp lớn lao trong việc hoàn thiện hệ thống bảng chữ cái cho người Việt Nam của chúng ta.
Và may mắn thay, trong chuyến đi Iran lần này. Một cơ duyên vô cùng quý báu đã giúp tôi có cơ hội đến viếng thăm ngôi mộ, nơi yên nghỉ của ông trong một nghĩa trang nằm ở ngoại ô của thành phố Esfahan, Iran.
SỰ CHỈ GIÚP CỦA NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT BỤNG
Từ lời gợi ý của một chị bạn, chúng tôi biết được thông tin về ngôi mộ của Alexandre de Rhodes được an táng trong một nghĩa trang công giáo của người Armenia tại Esfahan. Nhưng do thời gian lưu lại nơi đây khá ngắn, vì thế hy vọng được đến viếng thăm ngôi mộ của ông là khá mong manh cho chúng tôi.
Khi nghe chúng tôi nói về ước nguyện của mình, cô Malih- một hướng dẫn viên người Iran vô cùng thông cảm và hết sức tận tình giúp đỡ. Mặc dù với thâm niên hơn 10 năm làm nghề hướng dẫn viên, đã đưa biết bao nhiêu đoàn khách từ khắp năm châu đến thăm Esfahan, nhưng là người Hồi giáo cho nên cô chưa hề biết đến thông tin về khu nghĩa trang người công giáo Armenia nằm ở đâu. Và cô cũng không hề biết đến thông tin nào về Alexandre de Rhodes.
Sau quá trình tìm kiếm, thông qua một người bạn gái gốc Armenia, cô Mila hỏi thăm được địa chỉ của nghĩa trang. Nhưng vấn đề là không phải ai cũng được vào thăm nghĩa trang. Mà cần phải có sự đồng ý của người quản lý ở nghĩa trang.
Một lần nữa, chúng tôi may mắn gặp được một vị quản lý ở nhà thờ Vank, ông đã nhiệt tình viết cho chúng tôi một tờ giấy phép để xuất trình cho người quản lý ở nghĩa trang.
Cầm tờ giấy trên tay, chúng tôi vội vàng đi về phía ngoại ô thành phố Esfahan. Nơi có nghĩa trang của cộng đồng người Armenia sống tại đây.
NƠI NGƯỜI NẰM XUỐNG
Trước mặt chúng tôi là một nghĩa trang rộng lớn. Những dãy mộ xếp hàng dài nối bên nhau mênh mông. Chúng tôi biết là sẽ không dễ dàng để tìm ra vị trí lăng mộ của ngài. Chúng tôi tìm gặp một cụ già quản mộ ở đây dò hỏi. Cụ nhanh chóng lên xe đưa chúng tôi đến ngôi mộ có tên Alexandre de Rhodes….
Hôm chúng tôi đến, là ngày đầu năm mới của tết cổ truyền Nowruz của người Ba Tư (Iran), một vài ngôi mộ gần đấy được đặt những chậu hoa. Còn ngôi mộ của ông không có một cành hoa nào, đó chỉ là một nấm mồ nhỏ làm bằng một tảng đá hình chữ nhật nằm khép mình khiêm tốn bên những ngôi mộ khác.
Một niềm xúc cảm thân thương nghẹn ngào mà tôi không thể tả thành lời đang tuông chảy trong tôi. Đây là nơi an nghỉ của người đã có đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam. Dưới lớp đất ấy là thi hài của một người phương Tây xa lạ.
Ông đã mất từ gần 4 thế kỉ trước nhưng ông là người đã giúp cho dân tộc Việt Nam có được một bảng chữ cái với các thanh sắc uyển chuyển nhẹ nhàng, nhằm để ghi lại và diễn đạt tiếng mẹ Việt Nam.
Đặt một chậu hoa tím mua được trong một hiệu bán hoa tết của người Iran lên mộ ông. Chúng tôi không ai nói lời nào. Nhưng giữa chúng tôi có một sự đồng cảm sâu sắc. Chấp tay lên ngực, tôi khẻ cúi đầu xin gửi đến người một lời tri ân sâu sắc.
Nhìn thái độ thành khẩn và tôn kính của chúng tôi dành cho người nằm dưới nấm mộ. Người quản trang hỏi cô Malih: ông ấy là ai mà chúng tôi có vẽ tôn kính thế.
Và ông đã vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng đây là người đã có công hoàn thiện bản chữ cái cũng như xuất bản những quyển tự điển Việt -Bồ- La tinh đầu tiên cho người Việt Nam từ những năm 1651.
NGƯỜI QUẢN NGHĨA TRANG
Qua cuộc chuyện trò, tôi đuợc biết người quản trang có tên gọi là Rostam Gharibian, ông đã làm việc ở đây được 17 năm.
Tôi hỏi, trong 17 năm đó có bao giờ ông thấy ai là con cháu hay người thân của ngài Alexandre de Rhodes đến viếng mộ ông ấy hay không.
Thoáng chút đăm chiêu, ông trả lời rằng: vì là một thầy tu cho nên khi mất đi cũng như bao người khác Alexandre de Rhodes cũng không có vợ con. Và họ hàng thì cũng ở xa tít tận châu âu cho nên chắc cũng không ai còn nhớ.
Vì thế trong 17 năm nay ông cũng chưa hề nghe thấy một người họ hàng hay con cháu nào của ông đến thăm. Chỉ thĩnh thoảng đôi khi ông thấy có một vài người Việt Nam đến viếng mà khi đó thì ông cũng không biết họ là ai và có quan hệ như thế nào với người đã mất…
THAY LỜI TRI ÂN
Theo truyền thống của những người Iran, tôi lấy một ít nước rửa lên nấm mồ của ông. Những giọt nước mát trong chảy lên bia mộ ông tựa như lời thì thầm của chúng tôi xin gửi đến người. Cả một đời ông cống hiến vì đạo. Và trong quá trình truyền giáo, với mục đích mong muốn truyền tải những thông điệp trong kinh thánh một cách dễ dàng hơn.
Ông đã không quản khó nhọc để tìm cách sáng tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Và đến khi cuối đời, ngài đã lặng lẽ nằm lại nơi xứ người. Có lẽ giờ đây ông không còn một người bà con họ hàng nào nhớ đến ông để thỉnh thoảng ghé thăm chăm nom nấm mồ của ông nữa, nhưng có lẽ ông cũng ấm lòng khi biết rằng vẫn còn đó những người con nước Việt.
Vẫn còn đó hơn 90 triệu người con nước Việt trên khắp 5 châu sẽ Mãi Mãi không bao giờ quên ơn ông. Người đã có công vĩ đại trong việc chấm dứt 1000 năm tăm tối, 1000 năm khốn khó khi những người Việt phải đi mượn chữ Tàu ghi lại tiếng Việt.
Và giờ đây, hạnh phúc thay. Chúng ta đã có được bảng chữ cái của riêng mình. Một bảng chữ cái dựa trên các ký tự La Tinh nhưng vô cùng uyển chuyển và dễ học.
Xin cám ơn người, một vị đại ân nhân của những người con nước Việt. Xin tri ân người với lòng kính yêu sâu sắc: Alexandre de Rhodes !”
Esfahan, Iran. 21/3/2017
Theo VYC TRAVEL
[Sky]

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Lời yêu

Phần Lan ơi, Thánh đường đâu vậy nhỉ 
Ở Đô thành tuyệt mỹ, có em không ?
Bao kiến trúc, bao công trình thế kỉ
Ta tìm em trong vẻ đẹp muôn trùng !

Ta muốn có ánh nến để sưởi ấm lạnh lùng
Có em đi cùng ta vào cầu nguyện
Nghe tiếng Chúa trong âm thầm tĩnh luyện
Mà không ai phải đoán xét điều gì.

Ta muốn thăm thành phố Helsinki,
Được gặp em, dìu nhau sánh bước
Trên ngõ phố, ánh đèn phía trước
Lúc chiều về tuyết trắng phủ bờ vai.

Môi em nở đóa hoa hồng thắm nhụy,
Chốn lầu cao Thánh giá đứng chơi vơi
Tượng chuộc tội dang tay trông huyền bí
Nhìn ánh trăng lơ lửng giữa lưng đồi.

Phần Lan ơi, em sẽ thuộc về tôi
Nếu Chúa muốn cho em gần tôi với
Trong Thánh đường có điều gì muốn nói, 
Tôi trả lời cùng Chúa chữ YÊU thôi.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Hoa tu-lip





















Tu-lip nở cho ta niềm thương mến,
Một chân trời chưa đến đã thầm yêu
Yêu ai trong nắng gió yêu kiều
Dẫu mùa Thu, mùa Đông, mùa Xuân hay mùa Hạ.

Chỉ biết tới nơi kia miền hoang dã,
Tiếng thông reo, mây rượt đuổi suối ngàn
Những cánh chim vươn theo biển sóng tràn
Bờ cát trắng mãi hồn nhiên tình tự.

Tu-lip nở chở bao điều tâm sự,
Một loài hoa xinh đẹp của trời Âu
Trăng về đêm rải chiếu ánh nhiệm mầu
Môi e ấp cánh hoa mềm diệu quá !

Ôi quê hương, trời thương không thấy lạ
Những con người sinh sống ở nơi đây
Họ ít nói, hiền hòa nhưng bản ngã
Nét bình tâm luôn lộ rõ ban ngày.

Tu-lip nở bên cạnh những con đường,
Của đất nước tôi mơ làm khách trọ
Tôi yêu em, đặt tâm hồn vào đó
Với tình thương, âu yếm, những ngọt ngào...

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Tìm về vĩnh cửu


1.Quê hương nơi nào vĩnh cửu ?

Hán Thi có bài với tựa đề ''Sanh-Tử '', gồm 4 câu :

''Sanh dã vi quá khách,
Tử dã vi qui nhân
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần ''.

Xin phép tạm dịch :

Sinh ra làm khách qua đường,
Chết  đi  tìm  lại  cố  hương  trở  về
Trời  đất  quán  trọ  bên  lề,
Cùng thương thân phận phủ mê bụi trần.

Một nhà sư Phật giáo :  Thượng tọa Thích Nguyên Tâm, cũng là bạn thân của tôi thời PTTH, đã gởi cho tôi bài thơ trên và tỏ ra tâm đắc về ý tưởng nội dung của bài thơ. Với nhãn quan Kitô giáo, chúng ta không tránh khỏi những cảm xúc và suy nghĩ :
Thi nhân với một tâm trạng hết sức bi quan, vì đã vẽ nên chân dung của một kiếp người ''đồng bi vạn cổ trần ''. Thương thay cho thân phận của một kiếp người, chỉ có vậy thôi sao ?- Thấy thân phận kiếp người nhưng không nhìn thấy quê hương vĩnh cửu. Tìm lại cố hương để trở về, nhưng trở về đâu ? Tro bụi trở về với bụi tro ư ? Chỉ có vậy thôi thì xem như chết là hết, con người bị rơi vào một vực thẳm tối tăm, bi đát, thân phận bụi mờ ngàn năm không lối thoát !
Thiết nghĩ, cũng không thể không nhắc đến những câu thơ trong bài ''Sống Chết" của Phạm Công Thiện :

"Sống không ai ngó,
Chết chẳng ai lo
Sinh tử ồ chuyện nhỏ,
Thương khóc chi lắm trò."

Ngày nay ai cũng nhớ đến các Tổ phụ, đa số chúng ta đều nhắc đến tên các Ngài để tỏ lòng biết ơn. Tuy nhiên, không ai biết mộ các Ngài ở đâu, thân xác các Ngài còn hay mất, vì hầu như qua thời gian năm tháng đã bị xóa nhòa, dấu vết không còn đọng lại. Con cháu bao đời có nhớ đến Tổ tiên, nhưng làm sao nhớ rõ khuôn mặt từng người đã khuất. Có một điều hạnh phúc nhất là các Ngài đang hiện diện trong Nước Sự sáng. Qua sự kiện Chúa Giêsu biến hình ở núi Tabore, Tin Mừng ghi lại cả Elia và Môise đều có mặt ở đó. Như thế thì tiếc gì những ngôi mộ đã chôn các Ngài trên đất, tiếc gì những mồ mả các Ngài không còn lưu giữ.
Nhớ nhớ, không không, không nhớ, nhớ không...Tất cả không phải là bất kính, điều quan trọng là chúng ta vẫn nhớ đến một Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn loài, một Thiên Chúa toàn năng thì Ngài mới có quyền trên cả sự sống sự chết của ta và của ông bà Tổ tiên ta. Đối với người quá cố, có khi ta khéo quá lại thành ra bất kính vì chẳng qua là hình thức, chi bằng hãy nhìn trực thị trời xanh nơi ấy có ánh hào quang lấp lánh của người thân đã khuất. Nhà thơ Mai Thảo ở Mỹ, khi mất, thân nhân đã khắc lên mộ bia của ông bài thơ tuyệt cú :

"Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc   ở   sao   trời   sẽ   hiểu   thôi."

 Nhà thơ Thanh Tịnh viết trong bài ''Hồi một hôm'' như sau :

''Hồi một hôm nếu về cha hỏi :
Mẹ ở đâu, con biết nói sao ?
Con hãy bảo : Trông cha mòn mỏi,
Mẹ  từ  trần  sau  mấy  tháng  đau.
...
Còn mồ mẹ nếu cha muốn hỏi :
Phải hướng nào con tỏ cùng cha ?
Con lặng chỉ bầu trời xanh biếc,
 Và  trên  trời  chỉ  nội  cỏ  hoa.''

Tôi thấy đồng cảm vì cả hai câu cuối của hai nhà thơ đã gợi nên một nơi chốn trở về.
Tôi chứng kiến một người Phật giáo qua đời, con cháu tổ chức cúng kiến rềnh rang. Thật là vô ích, Người chết thì vẫn nằm bất động, những tốn kém ấy không trang trải cho những người nghèo đang đói rét chung quanh. Chưa nói đến người chết rồi còn nghĩ mua quan tài tốt xấu, chôn chỗ đất cao, chỗ đất thấp, xây lăng mộ thật lớn... Quê hương của họ ở đâu nhỉ ? Chẳng lẽ họ chỉ có một quê hương là nơi nghĩa địa đầy những xác người với những chiếc quan tài đó sao ?
Kinh Thánh nói gì về bia mộ ? Tôi không tìm thấy một câu nào có ý khuyến khích con người nên xây mộ bia ở trần gian này, chỉ thấy trong Cựu ước hòm bia Thiên Chúa là để đựng mười điều răn Chúa mặc khải cho Môise và Tân ước chỉ thấy một vài lời Chúa Giêsu liên hệ để rủa các Biệt phái mà thôi :
''Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài đẹp đẽ nhưng bên trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ bẩn ''( Mt 23,27 ).

Mộ bia, bia mộ... Dân nhậu đùa với nhau qua mẫu chuyện vui :
- Uống bia dễ chết hơn uống rượu.
- Ủa, sao vậy ?
- Tại vì ra nghĩa trang chỉ thấy toàn ''mộ bia'', chẳng thấy ''mộ rượu ''!

Cũng là rủa sả các Pharisieu và Thông luật, nhưng có câu nói sau đây của Chúa Giêsu đáng cho ta suy nghĩ :
''Khốn cho các ngươi, vì các ngươi xây lăng cho các Ngôn sứ nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy ! Như vậy các ngươi làm chứng và ưng thuận việc cha ông mình đã làm, vì họ đã giết các Ngôn sứ, còn các ngươi thì xây lăng tẩm.''( Lc 11, 47-48 ). 
Và Chúa Giêsu phán : ''Ta nói cùng các ngươi là bạn hữu ta : Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa ''( Lc 12,4 ). 
Rõ ràng Giáo Hội không khuyến khích việc xây mộ bia cho người Tín hữu qua đời phải to lớn. Cái cần nhất Chúa muốn là đời sống của mỗi người phải tốt, phải thánh thiện, phải trung tín với Chúa để xứng đáng làm con cái Ngài.
Chúa Giêsu nói : ''Giờ đến, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Thiên Chúa, và những kẻ nghe sẽ được sống... Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi : Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai làm dữ thì sống lại để bị xét đoán'' (x Jn 5, 25-28 ). 

2.Vĩnh cửu nơi nào quê hương ?

Đời người, càng lớn tuổi, càng tiến gần tới mồ. Đó là quy luật tất yếu, nhưng người ta không nghĩ đến quê hương vĩnh cửu mà chỉ nghĩ đến ngôi mộ nằm trên đất, dẫu biết rằng thân xác ai rồi cũng sẽ thối rữa. Chúa Giêsu chết, khi được tán xác vào huyệt mộ, có ai nghĩ rằng ngôi mộ ấy là nơi ở của Ngài đâu. Khi Chúa sống lại, hiện ra, Chúa phán : Ngài sẽ về cùng Cha. Như thế, ngôi mộ chẳng còn gì quan trọng nữa, nếu có chỉ là nơi để tưởng niệm, để suy gẫm về mầu nhiệm sự chết của Ngài và của chúng ta ngày hôm nay mà thôi.
Truyền thống lâu đời : Thờ cha, kính mẹ là phong tục của người Á đông, họ còn thờ cả những người khuất bóng cho dù đó không phải là cha mẹ mình. Người ta vẫn nặng nề vào việc này còn hơn là tôn thờ một Thượng Đế - một Đấng Toàn năng đã sinh ra mình và ông bà tổ tiên mình. Chính vì thế trên bàn thờ người Á đông đa số có di ảnh và bát nhan dành riêng cho từng người đã khuất. Cách thờ phượng ấy ngay cả một số người Công giáo có khi cũng bị ảnh hưởng.
Chúa Giêsu bảo : ''Ai yêu cha mẹ hơn ta, ai yêu con trai con gái hơn ta...thì không xứng đáng làm môn đệ ta.'' Qủa thật là đúng. Những người với não trạng như thế làm sao làm môn đệ của Đức Giêsu được.
Trong những giây phút cuối cùng trên thập giá, Chúa nói ''Ta khát'', không phải Ngài khát do cơn nắng gắt, mà cái khát ấy cho đến ngày hôm nay vẫn còn. Chúa còn khát vì nhân loại còn mê muội, Chúa còn khát vì nhân loại chưa nhận biết Ngài. Chúa muốn một nguồn dịu ngọt chạm đến miệng lưỡi và cõi lòng của Ngài, nhưng người ta lại cho mật đắng, nhân loại chỉ biết buông ra những lời thóa mạ chua cay. Chính vì thế Chúa nói ''Ta khát'', và Ngài vẫn còn khát mãi. Tôn giáo vẫn đang bị bách hại, nơi này chùa chiềng bị san bằng, nơi kia tượng Chúa bị đập phá... chốn linh thiêng đang bị con người làm những điều tồi bại.

Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu viết :

''Mưa gió chuyển xoay đầu ngọn bút,
Càn khôn chết lỏng nửa tròng ngươi
Khí thiêng đất nước còn nguyên đó,
Chín  suối  ai  ơi  đứng  dậy  cười ...!''

Có ai về nơi chín suối rồi mà còn đứng dậy được đâu ? Có ai về cõi ngàn thu rồi mà còn thức giấc được đâu ? Lời kêu gọi trên của cụ Phan Bội Châu âu cũng chỉ là lời kêu gọi muốn thức tỉnh lòng yêu nước, lời kêu gọi bởi sự tức tối với một nghịch cảnh mà dân tộc phải gánh chịu. Xin nhắc lại lời Kinh Thánh đã trích dẫn ở trên : ''Giờ đến, khi những kẻ chết sẽ nghe tiếng của Con Thiên Chúa, và những kẻ nghe sẽ được sống... Giờ đến, khi mọi người ở trong mồ mả nghe tiếng Ngài và ra khỏi : Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai làm dữ thì sống lại để bị xét đoán'' (x Jn 5, 25-28 ). Không phân biệt người của quốc gia hay dân tộc nào.

''Trăm năm bia đá cũng mòn,
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.''

''Cọp chết để da, người ta chết để tiếng''.

Người làm việc tốt bao giờ cũng được miệng đời ca tụng và biết ơn. Kẻ làm những việc xấu xa, bất nhân, bao giờ cũng bị miệng đời nguyền rủa. Lời Chúa thì bất biến với thời gian vì Lời Chúa đem lại sự sống cho con người. Kẻ dữ làm việc dữ rồi tự nó sẽ xâu xé nhau, ăn thịt lẫn nhau, cho đến ngày cáo chung.

Ơn Cứu chuộc đã đến, gõ cửa trái tim của mỗi người. Ước gì chúng ta đều thấy được : Thân phận con người nay còn mai mất, nhưng được làm người là một đặc ân vì chúng ta được nên giống Chúa ( giống hình ảnh của Chúa )( x St 1,26 ), được Thiên Chúa yêu thương vô bờ, mặc dù chúng ta còn tội lỗi, bất xứng.

Không phải chết là hết. Cũng không phải chết là mất. Đúng nghĩa : Chết là qua đời - ( cách người ta thường gọi ) - Là khởi sự một cuộc đời mới. Chúa Giêsu đã thoát ra khỏi ngôi mộ của Ngài, Ngài đã làm bật tung hòn đá lấp trước cửa mộ của Ngài, điều đó có nghĩa là Chúa đã giải thoát con người ra khỏi mộ bia. Tạ ơn Chúa cho chúng con nhận biết Thiên Chúa là Cha, nhờ thế mà chúng con thấy được một quê nhà vĩnh cửu. Đời này chỉ là cõi tạm, mộ bia nghĩa trang chỉ là nơi an nghỉ tạm thời để chờ ngày sống lại. Cách thuần túy nhất của loài người : chết thì phải chôn, như Apraham xưa cũng phải mua đất để chôn vợ mình khi chết, ngay tại Canaan( x St 23,1-20 ). Tuy nhiên, chúng con tin rằng thân xác loài người ngày sau sống lại, vì chính Chúa khi đã chịu chết rồi Chúa đã sống lại, để cho chúng con xác tín được mầu nhiệm ấy.

Mỗi người có một giấc mơ,
Người mong, kẻ đợi trông chờ vào nhau
"Trăm năm có nghĩa gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì" ...

Ước gì mỗi một chúng con đều thấy được quê hương vĩnh cửu Nước Trời.

JB.SĨ TRỌNG.
(Viết vào tháng Cầu cho các linh hồn ).

Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017

Đất nước hiền hòa

Phần Lan,  Đất  nước, Con người
Anh yêu tha thiết khung trời đẹp xinh
Mùa Thu nắng chiếu lung linh,
Suối rừng, cây lá tự tình trăng sao
Biển không dữ dội sóng gào,
Mùa Đông tuyết phủ trắng phau mặt đường
Đô thành bóng dáng yêu thương,
Tuyến xe đưa rước khách thường tới nơi
Dòng sông êm ả tuyệt vời,
Hoa khoe sắc thắm núi đồi bình yên
Đất hiền - một cõi thần tiên,
Gió vờn tóc xỏa ru miền mộng thơ
Thông reo vi vút đợi chờ,
Cánh chim chao lượn quanh hồ nước xanh
Vội vàng giọt nắng long lanh,
Hoàng hôn níu kéo chân anh trở về...

JB.Sĩ Trọng.