Thứ Năm, 27 tháng 12, 2018

Bài viết của Thầy HÀ VĂN THỊNH nhân dịp lễ Giáng Sinh

Bài viết quá hay của một cựu Giảng Viên trường ĐHKH Huế( ngôi trường tôi đã theo học nhưng không có cơ hội được học thầy) về ngày lễ Giáng Sinh và đặc biệt Thầy là người ngoại Đạo
Các bạn có thể dành ra một chút thời gian để đọc . Tác giả viết như sau :

Tôi đã đọc hơn 10 cuốn Kinh Phật, toàn bộ Kinh Qu'ran (https://www.danluan.org/ti…/20100916/ha-van-thinh-kinh-quran) và có 5 bộ Thánh Kinh (The Bible = TK).
Tôi "phát hiện" ra một điều rằng TK hầu hết là các câu chuyện kể và hơn 70% câu văn chỉ dưới 20 chữ!
Có lẽ vì thế nên TK dễ đi vào lòng người...
Tìm hiểu thêm, tôi tin (hoàn toàn chủ quan), Cây Thánh Giá là một trong những Biểu Tượng đẹp nhất trên thế gian này: Chẳng có hình tượng nào bi tráng và đáng sùng kính hơn một người bị đóng đinh trên đó và, khi nối 4 điểm của Cây Thánh Giá, chúng ta sẽ thấy hình của một viên... kim cương.
Xét tổng thể (dưới góc độ "ngâm cứu", cũng rất chủ quan của cá nhân) tôi nghĩ, Công Giáo (Catholic = Catholique) là tôn giáo có sức thu hút mạnh mẽ vô cùng... bởi rất, rất nhiều điều cần hiểu...
Bạn hãy nghĩ: cứ mỗi Chúa Nhật, tự nguyện đến Thánh Đường! Đây là dịp để gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu - cũng là lúc để tự mình nhìn lại mình xem trong 6 ngày vừa qua đi, mình đã sai những gì, như thế nào... Chưa biết mỗi cá nhân sẽ sửa sai ra sao; chỉ riêng chuyện biết mình sai, ít nhất 52 lần trong một năm, là điều đáng để ghi nhận.
Bi kịch của phái đẹp (xin lỗi một nửa thế giới) là ở chỗ, lúc trẻ họ lo bị ế, lúc lấy chồng lo không có con và lo vô cùng nếu bị chồng bỏ! Thì đây, TK đã BẢO VỆ những người vợ khỏi nỗi ám ảnh truyền kiếp bằng phán truyền giá trị hơn cả hàng tỷ ngày 8.3 cộng lại: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người há được phép gỡ bỏ"!
Bạn đã bao giờ nghĩ Lễ Giáng Sinh tạo nên sự đồng cảm, sẻ chia, vui say và đam mê vô bờ bến là vì sao không?
Tôi thiển nghĩ, có lẽ, trước hết, bởi Chúa đã ra đời vào một đêm Đông, lúc ai cũng cần đến hơi ấm của tình người sẻ chia trong giá buốt... Giáng Sinh còn đem đến điều diệu tuyệt mà các tôn giáo khác đã "quên": Quà cho tất cả mọi đứa trẻ bởi Ông Già Noel trắng trong như Tuyết!
Đây là điều mà tất cả mọi người - kể cả những người không phải là tín đồ Công Giáo như tôi cũng hân hoan đồng cảm...
Đó là chưa nói đến chuyện từ Giáng Sinh đến ngày chào Năm Mới, kéo dài cả một tuần lễ rộn ràng...
Đất nước đang phải chịu đựng rất nhiều những nỗi buồn - đau - nhức nhối...
Hàng vạn người trên Face cứ tranh luận hoài câu hỏi "nguyên nhân từ đâu"?
Đã bao giờ bạn giật mình chợt nghĩ rằng phải chăng đó là do "đức tin" vô đạo?
Khi con người không sợ quả báo, không sợ bị trừng phạt thì anh ta DÁM PHẠM mọi lỗi lầm! Ngược lại, nếu là người tin vào luật nhân quả thì chẳng bao giờ bơm hóa chất cho tôm hay gà căng phồng lên, sản xuất hàng giả, tham nhũng tưng bừng... lũ lượt hơn cả đi trẩy hội...
Nếu bạn nghĩ tôi đang "mê tín dị đoan" thì hãy tự hỏi vì sao nước Mỹ giàu mạnh, kể từ năm 1945, các nhà khoa học Mỹ đoạt đến gần 70% các giải Nobel - nhưng lại là quốc gia sùng đạo nhất thế giới?
Tại sao mặt sau của đồng USD luôn có câu "Chúng con Sùng kính Thượng Đế" (IN GOD WE TRUST)?
Giáng Sinh năm nay có rất nhiều chuyện tình cờ đặc biệt: Cả Park Hang Seo và H'Hen Nie đều TẶNG những khoản tiền thưởng trị giá hàng tỷ đồng cho Công Chúng!
"Tình cờ" cả hai đều là Ki Tô Hữu!
Tình cờ cả Hai Món Quà đều được thành kính dâng lên trong Mùa Vọng.
Vâng, sự tình cờ rất đỗi nhân văn ấy chỉ có thể có trên nền tảng của Tất Nhiên của sự bao dung, sẻ chia, đồng cảm từ Đức Tin, bởi,
"đem cho ấy là đang nhận đó"...
Đôi khi, tôi nghĩ không biết vì lẽ gì mà hàng triệu người say mê chuyện Chưởng: Từ đầu đến cuối chỉ có trả thù và... trả thù!
Thậm chí, ai cũng hả hê khi nghe câu "quân tử trả thù 10 năm chưa muộn"?!
Tôi và lũ trẻ cùng trang lứa đã từng cười ré lên thích thú khi nghe kể đến đoạn Tấm dội nước sôi vào người Cám!? Càng khoái hơn nữa khi biết Tấm chặt xác Cám ra làm mắm, để cái đầu vào đáy hũ để mụ dì ghẻ ăn hết rồi mới khiếp!?...
Mãi gần đây, khi tiếp xúc với rất nhiều tín hữu Ki Tô, tôi mới ngạc nhiên hiểu cái sự "biết" quá đỗi muộn màng: triết lý sống của bất kể người "bên giáo" nào mà tôi gặp, giản dị chỉ là,
"Chúa dạy phải biết thứ tha"!
................................
Giáng Sinh đã gần lắm rồi.
Chúc bạn bè của tôi An Lành, Hạnh Phúc.
Kính chúc Cộng Đồng Ki Tô Hữu Lời chúc Tốt lành nhất: "Chúa luôn ở bên các bạn"!
Copy: Thầy Hà Văn Thịnh (Gv ĐH Huế)
Fb Pall Thịnh

Người Mẹ trong ý định đời đời của Chúa

(Tặng những người bạn Tin Lành mà tôi quen biết)

Ồ thích quá, câu nói của Đức Thánh Cha khi Ngài đến thăm Estonhia : "Mẹ là phụ nữ ký ức giữ gìn trong tâm hồn như một kho báu tất cả những gì Mẹ sống ( Lc 2,19 ) và Mẹ là người Mẹ phong phú sinh ra sự sống cho con của Mẹ".
Qủa thật như thế, Mẹ là người phụ nữ của ký ức, nên Mẹ đã cất dấu trong lòng bao nhiêu điều Mẹ muốn nói ra mà không thể nói ra được. Đức Maria đã sống với những hy sinh thầm lặng, và hơn hết Mẹ cũng như Giêsu con Mẹ đã chiến thắng tội lỗi và nhìn nhận thẳm sâu ơn Cứu độ dành cho nhân loại.

Khi Sứ thần đến Truyền tin cho Đức Mẹ, nhờ Mẹ nói lời "Xin vâng" mà nhân loại có được Đấng Cứu thế. Không có gì đẹp bằng món quà tình yêu giữa người dương thế và Đấng từ trời. Từ trời, từ đó đi vào dương thế, và yêu dương thế đến độ phải chết trên cây thập tự giá. Mẹ sinh ra một Người Con để rồi Người Con ấy chấp nhận chết với đỉnh cao của Tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Đã bao nhiêu lần Mẹ giữ im lặng, và đã bao lần mẹ không nói vì Mẹ cảm thấy cần phải giữ kín mầu nhiệm của Thiên Chúa : Làm Mẹ Thiên Chúa - quả thật đây là một mầu nhiệm lớn lao, cho đến khi mầu nhiệm này được tỏ lộ dưới chân Thập giá, qua lời trối của Chúa Giêsu : Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa và đồng thời cũng là Mẹ nhân loại - cho cả đoàn con nương bóng Mẹ trong suốt cuộc đời trần gian gió bụi.
Tin Mừng đã kể lại cho chúng ta biết Mẹ sinh ra Chúa Giêsu, chẳng lẽ nào Mẹ không phải là Mẹ Thiên Chúa ? Chúng ta ngây thơ quá chăng ?
Ta còn thấy thêm một sự kiện nữa : Khi Mẹ đi viếng Isave, Bà Isave vừa nghe tiếng Mẹ chào thì Gioan Baotixita trong bụng đã nhảy mừng khiến Bà Isave phải thốt nên lời : "Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi ?"( x Lc 1,40-45). Thánh Kinh Cựu ước tiên báo cho thấy : "Một Trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, đặt tên là Emanuel - nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta"( Is 7,14 ).
Việc tỏ lòng sùng kính Đức Maria hiện nay vẫn đang còn nhiều tranh cãi, mặc dù về phương diện tự nhiên đã dễ thấy, và về phương diện siêu nhiên thì Thánh Kinh đã nói rõ. Một vài người bạn Tin Lành tôi quen biết, qua những lần trò chuyện Thánh Kinh, có khi họ lại đặt vấn đề, họ nói với tôi rằng : "Gíao Hội Công Gíao cần xác định vai trò của Đức Maria và đặt cho đúng chỗ. Một người đàn bà trong nhân loại, làm sao làm Mẹ của Thượng Đế được ?". Tôi không tranh cãi ồn ào, nhưng cũng muốn nhẹ nhàng bày tỏ quan điểm cho họ biết.
Thánh Kinh ghi lại lập luận này của Chúa Giêsu rất chặt chẽ : "Kẻ nào không tôn kính người Con thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con''( Jn 5,23 ). Dựa vào câu trên ta cũng có thể nói được : Kẻ nào không tôn kính người Mẹ thì cũng không tôn kính người Con - Đấng đã được người Mẹ sinh ra và nuôi dưỡng. Kẻ nào không tôn kính Đức Maria thì cũng không tôn kính Đức Giêsu - con của Đức Maria.
Một người Mẹ sanh ra một người Con tuyệt vời, nếu không sùng kính người Mẹ thì bất kính với người Con. Ta tỏ lòng sùng kính người Con mà không tôn kính Mẹ thì quả là mâu thuẫn.
Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, không nên nghi ngờ gì nữa, quá rõ ràng ! Thôi đừng ngây thơ nữa vì Mẹ đã cưu mang trong lòng Đấng mang nỗi vạn vật. Từ thuở đời đời Thiên Chúa đã chọn một người nữ xứng đáng làm Mẹ của Ngài. Từ thuở đời đời Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ của Ngài. Cảm ơn Chúa Thánh Thần vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới làm được điều ấy nơi Mẹ - một điều vô cùng quý giá và vĩ đại.
Cảm ơn Hàn Mặc Tử, thi sĩ đã nói thay cho chúng tôi lời thơ gởi Tổng lãnh Thiên Thần để chúc tụng Mẹ : 

"Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi Người xuống truyền tin cho Thánh Nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời 
Để ca tụng - bằng hoa hương sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng".

Đấy là trực tiếp ca ngợi Mẹ hay gián tiếp nhỉ ? Tôi nghĩ chỉ mấy câu thơ trên thôi cũng đủ để phong Thánh cho Hàn Mặc Tử rồi (!). Sao Giáo Hội không lập hồ sơ phong Thánh cho con người đa cảm này nhỉ (?).( Ý nghĩ chủ quan - có thể không đúng - xin lượng thứ ).

Ba nhà đạo sĩ Phương Đông đi theo ngôi sao lạ để tìm kiếm Chúa Hài Nhi. Đến Jérusalem các ông hỏi : "Vua dân Do Thái sinh ra ở đâu ?" Sao không hỏi Hài Nhi sinh ra ở đâu hay Cậu Bé Kỳ Lạ sinh ra ở đâu, mà lại hỏi như thế ?. Do Thái lúc ấy có Hêrođê đang trị vì, vậy mà hỏi vua dân Do Thái sinh ra ở đâu nữa, quả là gai góc ! Nhà vua không bối rối và không tức giận làm sao được ? Tham vọng chính trị, chức quyền và của cải thế gian khiến Hêrođê muốn ra tay trừ khử Chúa Giêsu. Ba nhà đạo sĩ khi gặp Chúa Giê su rồi thì họ đi một lối khác trên con đường đầy niềm tin, hy vọng, và sự hưng phấn trong lòng.

Vẫn ngước lên bầu trời, vẫn ngôi sao lạ ấy, ba nhà đạo sĩ có niềm vui không những vì gặp Thiên Chúa làm người, mà còn có niềm vui gặp được Mẹ của Ngài - Mẹ Thượng Đế, và Thánh Giuse - vị Cha Thánh đáng kính là người bồng Đấng mang nỗi vạn vật.Tin Mừng Luca viết : "Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ".( Lc 2,16 )

Ngày nay có những người vẫn chưa thấy sự hiện diện của Chúa Giê su trong đời sống, họ chỉ thấy được sự hiện diện của họ mà thôi, nhất là khi họ làm công tác từ thiện, họ chỉ muốn để vinh danh mình, họ còn hãnh diện khi được chính quyền tâng bốc và khen tặng, hoặc phóng viên truyền hình quay phim. Có lẽ họ chưa đọc Kinh Thánh và hiểu một cách đầy đủ Lời Chúa sau đây : "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng"( Mt 6,1 ).
Mỗi buổi sáng phát bánh mì, tôi cảm thấy Chúa Giêsu hiện diện trong tất cả những người anh em nghèo khổ. Thế nhưng, người bạn của tôi vẫn như có một chút gì đó ganh tị với những người làm công tác từ thiện từ nơi này, nơi khác đến. Tôi không vui mấy khi thấy họ tỏ thái độ đó - đấy là sự ích kỷ hẹp hòi thật đáng xấu hỗ ! Những biểu hiện ấy có thể làm cho Chúa và Mẹ buồn lắm.
Đời là thế, chỉ muốn làm những gì mình ưa thích, và thích làm những gì để lấy công, lấy tiếng, để đánh bóng mình. Còn Mẹ Maria thì chọn những gì Chúa muốn và để cho Ngài thực thi, làm nên những điều có giá trị cứu độ.

Nếu như Thiên Chúa cần một người Mẹ cho Ngôi Lời nhập thể, thì Mẹ đã hoàn toàn tự nguyện cất tiếng "Xin vâng" cho Ngôi Lời nhập thế - Mẹ là một người phụ nữ trong nhân loại mà thôi, nhưng từ giây phút đó Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa ( vì Mẹ là mẹ của Chúa Giêsu ), và nhờ thế mà trần gian được cứu độ. Và trong nữ giới, Mẹ trở thành người diễm phúc nhất, người Mẹ của Đấng tạo dựng nên vũ trụ muôn loài. "Phúc cho dạ đã mang Ngài và vú đã cho Ngài bú mớm"( Lc 11,27 ).
Thiết tưởng cũng nên đề cập tới việc Đức Fancis bãi bỏ tước hiệu "Đức Maria - Đấng Đồng công Cứu chuộc". Suy tư của Đức Thánh Cha quá rõ ràng và cụ thể : "Đức Mẹ không bao giờ muốn cho mình điều vốn thuộc Con của Mẹ. Đức Mẹ không bao giờ tự giới thiệu mình là Đấng Đồng công Cứu chuộc. Không, là Môn Đệ thôi. Đức Maria không bao giờ đánh cắp bất cứ điều gì vốn là của Con mình thay vào đó là phục vụ Người. Vì Ngài là Mẹ. Ngài chỉ biết cho đi sự sống". Điều này quả thật là đúng, không có gì xúc phạm Mẹ cả.
Đức Mẹ chấp nhận những hy sinh của Con mình để Cứu chuộc nhân loại, trong đó có mình, đặc ân của Mẹ là Hồn xác lên Trời - Những hy sinh của Mẹ, mặc dù rất lớn lao nhưng cũng chỉ là hữu hạn. Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau người Mẹ đứng dưới chân thập giá nhìn con mình bị chết treo trên ấy, nhưng Mẹ cũng không thể đồng công cứu chuộc với Con mình được. Ta biết Mẹ là loài thụ tạo, là người rất khiêm tốn nên Mẹ không thể lấy bớt chút nào công lao Cứu chuộc của Chúa và công của Mẹ không thể đem ví với ơn Cứu độ của Ngôi Hai Thiên Chúa. Mẹ mãi là Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu. Đức Mẹ được Chúa ban cho ơn làm Mẹ Thiên Chúa, nhưng không vì thế mà Đức Mẹ có quyền trên Thiên Chúa. Loài người vì yêu mến rồi tôn Mẹ lên, Mẹ chẳng muốn vậy đâu, "phận nữ tì" chỉ muốn những tước hiệu nào chính Thiên Chúa ban cho Mẹ mà thôi.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn phần tuyệt hảo là lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. Xin cho chúng con hằng noi gương Mẹ và kết hợp mật thiết cùng Chúa trong cuộc đời. Xin cho mỗi một chúng con đều biết vâng lời Mẹ chỉ dạy : "Chúa Giêsu bảo gì, các con cứ việc làm theo"( x Jn 2,5 ). Say mê Chúa, say mê Mẹ - Thần học Tình yêu và ơn Cứu độ đã cuốn hút con, cho đời sống nội tâm con mãi mãi rung lên âm hưởng ngọt ngào ca ngợi vẻ đẹp tình yêu Chúa và tình yêu Mẹ. 
"Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra". Thế là con buông bỏ tất cả, chỉ còn biết Chúa và Mẹ mà thôi. Suy tư và nghiên cứu Thánh Kinh làm cho con say đắm hơn mọi thứ khác. 
                              Hạnh phúc biết bao 
                              Tâm hồn dạt dào
                              Tình  yêu  cứu  độ !

                              Hạnh phúc biết bao 
                              Tâm hồn ngập trào
                              Tình  yêu  của Mẹ !

JB.SĨ TRỌNG.

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2018

Sử khúc bi hùng số 3

Lại đến những người có lương tâm,
Hiểu  xem  thế  sự  quá  thăng trầm
Bắc Nam hai nẻo đường xuôi ngược,
Tranh bá tranh hùng được mấy năm ?

Chiêm Thành quy phục dưới Triều Lê,
Áp  đảo  không  cho  mộng  trở  về
Đến   cả   ba   vua   nhà   họ   Chế(1),
Cũng  đành  chấp  nhận  nỗi  oan  khê.

Trên quê hương Bình Định-An Nhơn,
Những  dấu  tích  xưa  đó  vẫn  còn
Đồ  Bàn  trở  thành  niềm  uất  hận,
Chăm Pa ôm số phận buồn thương.

Miền Nam Nguyễn Ánh muốn cầm quân
Đánh lại Anh-em(2) máu Lạc Hồng :
Dũng khí con người hai lăm tuổi(3),
Đã từng vang dội những chiến công.

Từ Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc lên ngôi
Hoàng đế  Thái Đức  biết  thế  ngồi
Để  mặc  em  trai  mình  xưng tướng,
Ban thêm tước hiệu là Long Nhương.

Thái Đức Hoàng Đế  đánh không hơn,
Liệu thế Long Nhương giáp trận giùm
Nguyễn Ánh chạy qua rừng Chân Lạp,
Mong  tìm   cơ  hội   gặp   quân  Xiêm.

Nguyễn Huệ chia đều hai cánh quân,
Đánh ngay thủ phủ Nguyễn Phúc Thuần
Dẹp  tan  Phúc  Thận  nơi  Tài  Phụ,
Và  đuổi  tôi  bày  Nguyễn  Thanh  Nhơn.

Rạch Gầm - Xoài Mút trút thủy quân,
Kết  hợp   bộ  binh   đánh  vẫy  vùng
Ngăn chặn quân Xiêm vào Gia Định,
Tôn Thất cùng Nguyễn(4) chạy lao lung.

Miền Bắc đang xáo trộn nữa rồi,
Chúa Trịnh bất ngờ muốn ra oai
Chưa dẹp giặc Trong yên được mấy
Thì  nghe  có  động  ở bên  Ngoài.

Nơi phủ chúa, thanh trừng nội bộ
Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán lên thay
Dân Thanh Nghệ chẳng ai ủng hộ,
Loạn kiêu binh tiếp diễn hằng ngày.

Tình  thế  làm  lung  lay  tận  rễ,
Khiến Đàng Ngoài có kẻ chủ mưu
Nguyễn Hữu Chỉnh bắt tay Nguyễn Nhạc
Rồi  trắng  đen  như  được  phơi  bày.

Nguyễn Huệ quay về lại Phú Xuân,
Một cơn tức giận nỗi đùng đùng
Ra  Bắc  dẹp  loạn  cùng  anh  cả,
Tính  sổ   khi  dời   đến   Huế  cung.

Phạm Ngô Cầu(5) giữ thành Thuận Hóa
Vốn  là  người  mê  tín  dị  đoan
Nguyễn Huệ biết, bèn sai thủ hạ
Gỉa  người  Hoa  xem  bói  lập  đàn.

Chùa Thiên Mụ bảy ngày cúng bái,
Hoàng Nghĩa Hồ trấn ải Hải Vân
Bị  Nguyễn Huệ  bất  ngờ  tập  kích,
Đánh tan tành thẳng xuống Phú Xuân.

Cùng thời điểm có quân Nguyễn Lữ,
Cũng ra tay chinh phục Lũy Thầy(6)
Tây  Sơn  thắng,  trở  về  đất  cũ
Mơ một ngày thẳng tới Thăng Long.

Trong một nước có vua có chúa,
Mà người đời muốn được tự xưng
Khi ánh sáng Tin Mừng(7) chưa tỏ,
Thì  người  ta  tranh bá  tranh hùng.

Nguyễn Huệ sau trận thắng Vị Hoàng
Kéo Quân thẳng tiến tới Thăng Long
Nghe tin, Chúa Trịnh bèn tháo chạy
Bắt giải, Trịnh Tông chết dọc đường(8).

Ngài ở Thăng Long chẳng lâu dài,
Tây  Sơn   lặng  lẽ   rút   về   lui
Bắc Hà  ẩn  náu  đa  phe  cánh,
Nguyễn Huệ  ra tay  muốn  đẩy lùi.

Nguyễn Huệ dùng uy cải Bắc Hà,
Nhún nhường danh sĩ, xứ hào hoa(9)
Trao quân việc lớn Ngô văn Sở,
Về  Phú  Xuân  lo  việc  nước  nhà.

Khởi trào Nam tiến, bỗng tin hung :
Vua Lê Chiêu Thống khẩn Càn Long
Đưa quân sang đánh dân Đại Việt,
Huyền thoại bắt đầu : Bắc Bình Vương.

Bắc Bình Vương cực kỳ linh mẫn,
Đưa quân ra vây lấn Thành đô
Ngài lấy danh "Phù Lê diệt Trịnh"
Để   được   lòng   an   trấn   dân  ta.

Lần thứ hai Ngài truyền mệnh lệnh
Phải mau mau đánh đuổi giặc Thanh
Với tinh thần nêu cao nghĩa chính,
Được nhân dân ủng hộ trung thành.

Vang dội Ngọc Hồi với Đống Đa,
Trung Quốc la liệt những thây ma
Hạ Hồi  tốc  đánh  mồng  bốn  Tết,
Sĩ Nghị(10) đang say chén ngà ngà.

Vào Thăng Long ngày mồng năm Tết
Với  áo  bào  thuốc  súng  trên  vai
Sau lưng xác chết Sầm Nghi Đống,
Gò   Đống  Đa   tử   giặc   nằm  dài.

Cái  bạo  liệt  kẻ  trên  lưng  ngựa,
Luôn truy cùng tận diệt thù chung
Đất nước Việt những ngày khói lửa
Không ai quên dòng máu anh hùng.

Một  Tây Sơn  lưỡng  đầu  thọ  địch,
Thì phía Nam Nguyễn Huệ thân hành
Ông  như  kẻ  xuất  thần  nhập  quỷ,
Làm  quân  thù  khiếp  sợ,  thất thanh.

Quang Trung quét sạch mọi tàn dư,
Trịnh -  Nguyễn, vua Lê hết báo thù
Đánh bại Mãn Thanh không còn đất
Quân Xiêm, Chân Lạp  phải  hồi  cư.

Quang Trung lấy Ngọc Hân Công chúa
Làm rễ Bắc Hà, chuyện khó tin
Tình cảm vua Lê giăng lưới bủa,
Cũng là rung động của con tim(11).

Diện mạo Việt Nam hình chữ S,
Vẽ nên từ thuở có Quang Trung
Mùi binh lửa vương nồng khói khét
Nhưng mặt bằng đất nước đã xong.

Một   vị  tướng   hùng  tài   đại  lượt,
Dưới trướng Ngài là một Triều vương
Một Phượng Hoàng Kinh đô mơ ước,
Nhưng  ý  Trời   đâu   dễ   xót   thương.

Hai  mươi  năm  trải  dài  lưng  ngựa,
Những máu đào nhuộm thắm thanh gươm
Vị   vua   trẻ   tuổi   đời   chan   chứa,
Vẫn  không  may  số  phận  vô  thường.

Tuổi   ba   chín   ra   đi   vĩnh  viễn,
Để   lại   gì   cho   thế   hệ   sau ?
Các tướng lẻ tranh quyền đoạt chiếm
Rồi  nước  nhà  vẫn  chịu  khổ  đau.

Hoàng  đế  Quang  Trung  ơi  có  biết,
Cuộc  đời  chinh  chiến  kéo  dài  lâu
Đánh đuổi  quân Tàu rời  đất Việt(12)
Muôn   đời    dân   tộc    nhớ    ơn   sâu.

(1)Ba vua Chiêm Thành là Chế Củ, Chế Ma Na và Chế Bồng Nga.
(2)Ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.
(3)Ý nói về Nguyễn Huệ.
(4)Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội và Nguyễn văn Thành - những viên tướng dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Ánh, lúc này họ tất tả chạy đi tìm Nguyễn Ánh.
(5)Tướng Phạm Ngô Cầu vốn là một doanh nhân, thích buôn bán, ham tiền của hơn là một tướng cầm quân, do đó rất "giàu lòng" mê tín dị đoan.
(6)Lũy Đào Duy Từ.Năm 1627,Đào Duy Từ ra mắt chúa Nguyễn Phúc Nguyên.Cùng với thời điểm này, mối quan hệ giữa họ Trịnh và họ Nguyễn đã đi tới binh đao khói lửa, ĐDTừ đóng vai trò phụ chính cho chúa Nguyễn, đã khuyên chúa Nguyễn xây một công trình được ví như "Vạn Lý Tường Thành của Việt Nam",đấy là Lũy Thầy tại Đồng Hới-Quảng Bình ( giờ vẫn còn di tích ).
(7)Phúc âm ghi lại cuộc đời hoạt động của Đức Giê su, hiện nay Kytô giáo đang sử dụng.
(8)Lúc ấy Trịnh Tông bị bắt, trên đường áp giải đã tự sát.
(9)Hai danh sĩ hàng đầu thời đó là Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm.
(10)Tôn Sĩ Nghị - vị tướng Tàu hiếu chiến.
(11)Tình cảm Quang Trung và Ngọc Hân Công chúa là sự gán ép của vua Lê Hiến Tông với con gái của mình, nhưng vì Lê Ngọc Hân là người có nhan sắc mỹ miều và có tài thơ phú, đã làm cho Quang Trung mê mệt.
(12)Từ khi chiến dịch bắt đầu đến khi quân Thanh bị đuổi khỏi bờ cõi, chỉ vỏn vẹn trong 6 ngày.

JB.Sĩ Trọng.

Đừng thờ lầm

Phần tự ngôn Phúc âm theo thánh Gioan khuyên nhủ chúng ta nhận thức rõ tầm mức siêu phàm của lễ Giáng Sinh, cũng như sự uy nghi của mầu nhiệm Giáng Sinh. Con trẻ Giêsu là Ngôi Lời nhập thể đến cư ngụ giữa chúng ta. Đứng trước Hài nhi bé mọn ở Bêlem, chúng ta được mời tiến sâu vào chính mầu nhiêm Thiên Chúa, tới chỗ của Ngôi Lời – tức là Lời hằng sống và thân mật của Thiên Chúa đã có trước toàn thể vũ trụ. Như vậy chúng ta được mời hãy đến thờ lạy. Kẻ thờ phụng là kẻ khi được tới gần bên Thiên Chúa liền nhận thức sâu sắc rằng mình là kẻ tuỳ thuộc, vô giá trị, tội lỗi nữa. Kính thờ và thinh lặng, cảm tạ và vui sướng, đó là cách tuyên xưng Chúa là sự Thiện tuyệt đối và nguồn mọi ơn lành. Lễ Giáng Sinh mời chúng ta đến thờ lạy Con trẻ Giêsu. Trong Hài Nhi, Thiên Chúa rất gần gũi – trong Hài nhi có sự sung mãn của Thiên Chúa – và nhờ Hài nhi, chúng ta được có mặt trên thế gian để sống, hiểu biết và yêu thương. Sự suy niệm về một vài từ ngữ trong tự ngôn của thánh Gioan có thể cung cấp cho chúng ta một phong cách thờ phụng.
1) Trong Đức Giêsu, chúng ta thờ lạy Đấng tạo hóa. Não trạng nhân loại thời nay dễ loại bỏ ý niệm về Đấng tạo hoá, con người chỉ muốn những gì mình có là do sức mình. Một số tiến bộ nào đó để tìm hiểu những diễn biến vật chất của sự sống, đã đem lại chước cám dỗ xui con người muốn quyết định ai sẽ có quyền được sinh ra và cuộc đời mình sẽ diễn tiến thế nào. Con người quên mất nguồn gốc mình, quên hẳn sự thể bởi đâu mà mình có được thân xác, có được sự sống. Con người suy tư và hành động như thể không bị hoàn toàn tuỳ thuộc vào Đấng tạo hoá đã tạo thành y. Trong Đức Giêsu, chúng ta thờ lạy Đấng đang có, trước đây vốn có, và đến trong thế gian (Mạc khải 4, 8), nghĩa là Đấng hiện hữu ngoài thời gian, đã có trước hết mọi khởi đầu, do Người mà muôn vật được tạo thành. Lễ Giáng Sinh tức lễ Nhập Thể cho thấy một sự tự ý hạ mình nào đó của Thiên Chúa. Để làm nổi bật sự tương phản giữa tất cả và hư vô. Chúng ta được mời hãy ý thức lại về thân phận thụ tạo của mình hãy thờ phụng Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta. Thiên Chúa là Đấng tự hữu, Người không được tạo thành- phần chúng ta, chúng ta đã được tạo thành. Vì thế, chúng ta phải suy tư và hành động theo chiều nghĩ: nhờ Thiên Chúa mà chúng ta có được mọi sự.
2) Nhờ Đức Giêsu, chúng ta thờ lạy trong tâm trí và trong sự thật. Một trong những diện chủ yếu và bi kịch nhân loại là con người thường nhiều phen lầm lạc trong khi thờ phụng. Luôn luôn con người bị cám dỗ thờ ngẫu tượng. Tại sao? Vì lẽ, nếu không có Đức Kitô thì nhân loại chỉ còn biết dò đường trong đêm tối – trí tuệ bị u ám, trái tim chán nản hết sinh động. Thế mà Đức Kitô là Ánh sáng. Người là Sự Sống, và sự sống là Ánh sáng nhân loại. Thờ phụng cách linh hoạt giống như tâm hồn tiến bước trên đường tới đích là Thiên Chúa. Phải được soi sáng mới khỏi lạc đường. Đức Kitô- Ánh sáng soi sáng trí tuệ con người và chỉ con người thấy đường đi của số mệnh y.
Ánh sáng và sự sống liên kết với nhau. Kẻ thờ các ngẫu tượng (khoái lạc, danh vọng, tiền của, thế gian) thì dò dẫm trong bóng tối linh hồn, và hiến mình cho những vật chết. Cách vô hình, và nhiều phen thật bất hạnh cho y, kẻ ấy liên kết trong tâm hồn bóng tối và sự chết. Trái lại, người nào tiếp nhận ánh sáng, tức quy tắc về Chân Lý, do niềm tin vào Đức Kitô phát ra, người ấy liên kết trong tâm hồn Ánh sáng và sự sống.
Lễ Giáng Sinh mừng ánh sáng. Trong khi vui ngắm những giây đèn giăng mắc ngoài đường phố và trong tư gia, chúng ta hãy nhớ đến sự cần thiết hàng đầu là làm thế nào để Ánh sáng Đức Kitô soi sáng lòng và trí chúng ta.

Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

Nhớ về kỉ niệm 2

( Tặng MK )

Có phải ngày xưa em đã yêu ?
Riêng anh chưa được hiểu chi nhiều
Bên em anh chỉ như tình bạn,
Trăng gió, mây trời... trôi lãng phiêu.

Anh nhớ có lần ngồi với em,
Bên hiên nhà gỗ gió ru êm
Giàn hoa thiên lý rung rinh lá,
Tỏa ngát hương nồng đến nửa đêm.

Ánh trăng tỏa sáng trước sân nhà,
Lũ trẻ nô đùa miệng hát ca
Văng vẳng lời ai câu nhạc Trịnh,
Dặt dìu âm hưởng của ghi-ta ?

Có phải là anh mãi nhớ về ?
Một thời sinh sống ở vùng quê
Xóm nghèo, vất vả theo cơm áo
Bóng dáng người say bước não nề.

Có phải là anh đã rất thương ?
Thương thầm em gái nhỏ văn chương
Mắt môi mơ mộng mà mong muốn,
Được có anh đi suốt chặng đường.

Có phải là anh đã ngậm ngùi ?
Gặp em anh được dịp tới lui
Sẻ chia tình cảm lúc đầu ngại,
Sau đó làm quen mới biết thôi !

Cho đến hôm nay vẫn thấy là, 
Một thời như được hát tình ca
Bên em anh học bao điều tốt,
Nâng đỡ đời anh những lắng lo.

Có phải ngày xưa em đã yêu ?
Còn anh như chẳng hiểu chi nhiều
Ngây thơ đến độ không nhìn thấy
Để gió, mây trời... bay lãng phiêu.

JB.Sĩ Trọng.

Suy tư đời thường

- Tha thứ cho một người thì khá đơn giản, nhưng để tiếp tục tin tưởng lại là điều không hề dễ dàng.
- Dưỡng ấm một trái tim phải mất rất nhiều thời gian, nhưng làm nó lạnh giá chỉ cần trong chớp mắt.
- Cuộc sống, nên hoàn thiện lấy chính mình, đừng chen vào cuộc đời người khác.
- Lòng tin là thứ mà một khi ta đã mất thì khó có thể trở lại như ban đầu. Vì vậy, hãy sống đúng ngay từ đầu bởi trường học có bút xóa nhưng trường đời thì không.
- Dù là mối quan hệ gì thì người đến nên nhiệt tình tiếp đón, người đi hãy bình thản tiễn đưa!
- Cái không thuộc về mình, đừng trông chờ, người đối với mình không thật lòng cũng hãy thôi hy vọng
- Thời gian luôn thay đổi, ai rồi cũng sẽ khác đi. Dù nỗ lực đến đâu, điều không thể quay lại thì vĩnh viễn là không thể!
- Đôi khi thế giới thật rộng lớn. Bao la đến nỗi chỉ cần một lần chia xa là cả đời không còn cơ hội gặp lại
- Nhưng cũng có lúc trái đất bỗng trở nên giới hạn. Nhỏ bé đến mức vừa chia tay, quay đầu lại đã thấy gương mặt họ đang tươi cười, rạng rỡ...
Cho nên: khi gặp gỡ hãy biết cách trân trọng, lúc bên nhau nhất định nhớ giữ gìn
- Quay lưng rồi hãy là người lịch sự, khi chia tay nhất định nhớ mỉm cười.
Vì biết đâu, lần chia xa này sẽ trở thành vĩnh viễn.

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2018

Sử khúc bi hùng số 2

Công lao  thời Lý  với  thời Trần,
Bao chuyện làm nên những chiến công
Ngoại loạn ập vào mau dẹp sạch,
Lưu truyền  vang dội  khắp  non sông.

Đất nước lâm nguy dưới thời Hồ,
Giặc Minh thôn tính cả Thành đô
Cơ   đồ  dân   tộc  tiêu   tan hết(1),
Sách  sử   sau   này   khó  điểm  tô.

Quân Minh khi đánh tới Lỗi Giang
Nhà   Hồ   cứ   tỏ   vẻ  bàn   quan
Quân Minh công tấn vào Cửa Điển(2),
Thất   trận,  Qúy Ly(3)   bị  bắt  càn(4).

Trải dài mất nước mấy mươi năm,
Số phận  dân mình  thật oái oăm
Đải cát  tìm vàng  nơi  nước độc,
Sưu cao, thuế nặng...nỗi lầm than !

Từ   kim   chí   cổ   đổ   cho   ai ?
Vận mệnh quốc gia ngã sóng soài
Sách vở văn chương quăng lửa đốt,
Thiêm Bình(5)cấu kết dẫn Tàu sang.

Tự đáy  lòng dân  phải  nghĩ suy,
Một người thầm lặng để cứu nguy
Ẩn mình  nơi chốn  đầy  gian khổ,
Quy tập luyện rèn quân chính quy.

Lê  Lợi, uy  danh  mãi  không  sờn
Phất cờ - Cuộc khởi nghĩa Lam sơn
Đói cơm  rách áo  đành  chấp nhận,
Khí phách rạng ngời, dậy tiếng thơm.

Thẳng đường biên giới tới Đông Đô
Lê  Lợi   ra   tay   vượt   thế   cờ
Trần Trí,  Mã Kỳ  mau  chạy  trốn,
Sách Khôi  vang dội  tiếng  hoan  hô.

Sức mạnh nhà Minh gặp khó khăn,
Giật  mình  khi  đến  ải  Chi  Lăng
Reo hò  tứ  phía  nghe  không ngớt,
Lê  Sát   ra  tay   chém   Liễu  Thăng.

Mộc Thạnh và ngay cả Vương Thông
Thành cao trông xuống rộng mênh mông
Không sao chống nỗi quân cường lực,
Mở  cửa  truyền  ngay  lệnh  cúi  hàng.

Đại   Việt   bấy   giờ   hết  Đại  Ngu(6),
Là   nhờ   công   lớn   vị   "quân   sư":
Nguyễn Chích chỉ rõ đường binh pháp,
Lê   Lợi     đập   tan     được     kẻ    thù.

Cuối cùng trận đánh ở Đông Quan,
Bốn  mặt  Lam  Sơn  vây  kín  thành
Nguyễn  Trãi  trổ  tài  tung  bút mực:
Dụ  thư,  quân  giặc   chịu  ra   hàng.

Dưới  Triều  Lê  Lợi,  bốn  người  con
Chiếm đoạt, tranh ngôi, quyết sống còn
Duy chỉ  Thánh Tông - người  nhân hậu,
Một  lòng  muốn  bảo  vững  giang  sơn.

Lê   Lợi,   vị   Vua   chí   anh   tài
Đã  từng  nếm  mật  với  nằm  gai
Hy   sinh   quên   hết   đời   trai  trẻ,
Yêu nước, thương dân, giữ giống nòi.

Nước   Việt   ngày   nay   phải   nhớ   về
Con   người   chí   khí   của   Triều   Lê
Giặc   Tàu   khiếp   đảm   không   còn  tới
Dân   tộc    muôn    đời   mãi    khắc    ghi.


(1)Năm 1407 nhà Hồ thất bại, nhà Minh chiếm lấy nước ta, đưa ra những cải cách đồng hóa và ác độc. Chiếu thư của Minh Thành Tổ ghi rõ : "Nhiều lần trẫm đã bảo các ngươi, phàm An Nam có văn tự gì, kể cả các câu hát dân gian, các bia dù dựng lên một mảnh, hễ trông thấy là phá hủy hết...Sách vở do quân lính bắt được phải ra lệnh đốt luôn, chớ lưu lại". Nhà sử học Ngô Sĩ Liên khi chứng kiến những việc này phải than lên rằng : "Giáo mác đầy đường, đâu cũng thấy quân Minh tàn bạo.Sách vở cả nước thành một đống tro tàn".
(2)Cửa Điển tức cửa biển Điển Canh, tên gọi ngày nay.
(3)v(6)Hồ Qúy Ly gốc Chiết Giang ( Trung Quốc ). Tên nước Đại Ngu cũng là có ý hướng về Trung Quốc. Ông là một con người yêu nước, tiến bộ, có nhiều cải cách đáng nhớ, nhưng ông không có tài về mặt quân sự.
(4)Thất trận cha con Hồ Qúy Ly, Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương bỏ chạy về Hà Tĩnh, sau đó bị bắt.
(5)Trần Thiêm Bình, gia nô của Tôn Thất nhà Trần, khi bỏ trốn sang Lào, ông đã đi theo đường Vân Nam chạy sang Trung Quốc, đến Yên Kinh, ra mắt Minh Thành Tổ, tự nhận là con của Trần Nghệ Tông và xin vua Minh qua đánh nhà Hồ để báo thù.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Những cơn bão tàn phá Giáo Hội

​(Những cơn bão này đang tàn phá vô cùng khốc liệt đời sống Đạo của cả hàng Giáo sỹ và Giáo dân, cả hàng Tu thân & Tu sỹ)
1. Bão thứ nhất là phong trào tục hoá
Phong trào tục hoá đang hình thành và diễn biến phức tạp trong nếp sống đạo hiện nay.
Nét chung của các hình thức tục hoá là nỗ lực tăng cường các việc đạo đức bề ngoài, còn đời sống nội tâm thì lại coi nhẹ.
Một trong những yếu tố quan trọng của đời sống nội tâm là gặp gỡ Chúa trong đức tin, thì xem ra không được để ý.
Thực vậy, đức tin không phải là một đề tài, một chủ thuyết để cắt nghĩa và khai triển, nhưng chủ yếu là một gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu nhờ ơn Chúa Thánh Thần.
Thế nhưng rất nhiều khi, phong trào tục hoá đã làm áp lực, để tôi đừng gặp gỡ Chúa Giêsu, thậm chí cũng áp lực để tôi không muốn tìm gặp gỡ Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, để cứu chuộc nhân loại.
Phúc Âm thánh Marcô có đoạn viết:
“Đang khi Đức Giêsu ra khỏi Đền thờ, thì một trong các môn đệ nói với Người: ‘Thưa Thầy, Thầy xem công trình lớn thật! Kiến trúc vĩ đại thật!’
Đức Giêsu đáp: ‘Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây, sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Tất cả đều sẽ bị phá đổ’”. (Mc 13,1-2).
Lời Chúa phán trên đây gợi ý cho tôi nghĩ tới những công trình đức tin, mà tôi và hầu hết mọi người cho là vĩ đại, nhưng Chúa lại cho là sẽ bị phá huỷ tan tành.
Bởi vì công trình đó chỉ được xây dựng bằng những việc đạo đức bề ngoài, có tính cách phô trương mà thiếu thực chất.
Phô trương xem ra là một nhu cầu đang được vẽ ra cho nhiều công trình đức tin, và được công nhận là chính đáng để làm sáng danh Chúa, hợp với thời đại mới.
Bão tục hoá đang tàn phá, nhưng lại không nhận ra, đó mới là điều bi đát cho đức tin.
2. Cơn bão thứ hai là phong trào hưởng thụ
Nói tới hưởng thụ, chúng ta thường nghĩ tới sự tìm khoái lạc nơi của cải vật chất.
Chúng trói buộc chúng ta, bắt chúng ta phải làm tôi chúng. Để vật chất khống chế, để vật chất sai khiến, nhận đó là hạnh phúc chính của mình, thứ hưởng thụ như thế rất hại đến đức tin.
Nhưng nguy hiểm hơn thứ hưởng thụ đó, là hưởng thụ về giai cấp, về danh dự đạo đức mà mình cho là mình hơn người khác.
Phúc Âm thánh Luca kể dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra sau đây để cảnh báo:
“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc phái Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.
Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Thiên Chúa, con xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.
“Còn người thu thuế, thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Tôi nói cho các ông biết: Người này, khi trở về nhà, thì đã được nên công chính rồi. Còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 18,10-14).
Kiêu căng, tự đắc với giai cấp đạo đức, tự mãn cho là mình không xấu như những người khác, đó là một thứ hưởng thụ rất tinh vi, cao cấp, cực kỳ nguy hiểm. Nếu tôi không tỉnh thức, tôi cũng dễ bị cơn bão hưởng thụ đó tàn phá đức tin của tôi.
3. Cơn bão thứ ba là phong trào “nhân danh Chúa”
Phong trào nhân danh Chúa đang phát triển mạnh. Xây cất nhân danh Chúa, tổ chức ban bệ nhân danh Chúa, tiệc tùng nhân danh Chúa, tranh đấu nhân danh Chúa, loại trừ nhân danh Chúa, kết án nhân danh Chúa, chống đối nhau nhân danh Chúa.
Xưa, Chúa Giêsu đã cảnh giác về việc nhân danh Chúa với những lời nghiêm khắc sau đây:
“Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng:
Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao.
Và bấy giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác” (Mt 7,22-23).
Lý do là vì họ làm theo ý riêng, chứ không làm theo ý Cha trên trời (x. Mt 7,21).
Có thể là còn nhiều cơn bão khác đang tàn phá đức tin. Nhưng tôi biết chắc ba cơn bão nói trên đang thi nhau di chuyển trên Hội Thánh Việt Nam hôm nay.
Tôi cầu xin Chúa phá đi những cơn bão nguy hiểm đó. Nhưng Chúa cho tôi thấy chính Chúa Giêsu xưa cũng đã bị Satan đi theo, để quấy phá Người, ngay trong sa mạc, nơi Người vào đó để cầu nguyện và ăn chay. Chúa cũng cho tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu nói về sức mạnh của Satan: “Đây là giờ của những bóng tối” (Lc 22,53). Thế nghĩa là gì?
4. Chúng ta phải phấn đấu
Tôi hiểu là những cơn bão tàn phá đức tin sẽ vẫn mãi còn. Chúng do Satan. Chúa cho phép chúng tồn tại và hoạt động. Chúng ta phải phấn đấu, như Chúa Giêsu xưa. Chúa muốn như vậy.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ rất cam go, có khi sẽ bi quan, khi thấy xem ra đang ứng nghiệm lời than của Chúa Giêsu xưa: “Liệu khi Con Người đến, Ngài còn tìm thấy đức tin trên mặt đất này nữa không?” (Lc 18,8).
- Phấn đấu của chúng ta sẽ phải rất kiên trì, như Chúa Giêsu đã nói: “Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguôi đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng sẽ được cứu rỗi” (Mt 24,12).
- Phấn đấu của chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện và tỉnh thức tìm thực thi ý Chúa, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ phải khiêm tốn dựa vào Lời Chúa, dựa vào các phép Bí tích, dựa vào Hội Thánh, coi đức tin là một ân huệ Chúa ban, mà ta phải đón nhận với lòng khiêm tốn cảm tạ.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ có lúc phải rất vất vả đớn đau, như Chúa Giêsu xưa trong vườn Cây Dầu và trên thánh giá.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ không ngừng phiên dịch đức tin ra yêu thương trong mọi liên đới, nhất là liên đới với những người đau khổ, coi yêu thương chính là dấu chỉ đích thực của những người tin Chúa.
- Phấn đấu của chúng ta sẽ luôn luôn nép mình vào trái tim Chúa Giêsu. Trái tim ấy là nơi chúng ta trú ẩn, để tuyệt đối tin cậy ở tình yêu Chúa luôn ở với ta, luôn lấy máu mình làm giá cứu chuộc ta.
Lạy Chúa, con là kẻ tội lỗi, yếu đuối, hèn hạ, nhưng con tin con được Chúa yêu thương, được Chúa cứu chuộc, được Chúa kêu gọi, được Chúa sai đi.
Con tin ở Chúa. Con phó thác nơi Chúa. Con cảm tạ Chúa. Con thuộc về Chúa. Con về với Chúa.
(Bài viết của Đ​ức ​Giám ​M​ục GB. Bùi Tuần- Nguyên Giám mục Long Xuyên - 26.11.2018).

Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

Sử khúc bi hùng số 1

Nhớ thuở xưa kia, một Nguyễn An
Giặc Tàu bắt lấy hoạn làm quan
Lọt vào mắt sử Minh Thành Tổ,
Xây dựng Tiền Môn, Tử Cấm Thành.

Ngô Tuấn(*) thời trai trẻ thông minh,
Song toàn văn võ, nghiệp đao binh
Bắn  cung,  cởi  ngựa  rất  tài  giỏi
Dính  phải  duyên  tơ  một  mối  tình.

Ngô Tuấn làm quan tới ba Triều,
Đổi thành họ Lý -  quá trớ trêu !
Chiêm Thành tan rã, vua Chiêm chạy
Để  lại  sau  lưng  mộng  ước  nhiều.

Đại Việt bây giờ khác hẳn xưa,
Nhờ công Triều Lý với Triều Ngô
Đánh tan Nam Hán cùng quân Tống
Vững  chải  xây  nên  một  cơ  đồ.

Những quan xuất chúng có công lao
Đất nước ngày nay đáng tự hào
Chớ để dân mình mang tủi nhục
Giữ  gìn  cương  thổ  tới  ngàn  sau.

(*) Ngô Tuấn chính là tên thật của Lý Thường Kiệt ( cháu của Ngô Quyền ) được vua Lý Thánh Tông ( tức Lý Nhật Tông ) sủng ái cho đổi họ, từ họ Ngô sang họ Lý. Ngô Tuấn là người tài hoa, văn võ song toàn, làm quan qua 3 triều đại : Lý Thái Tông (1028-1054), Lý Thánh Tông (1054-1072) và Lý Nhân Tông (1072-1127). Do có liên lụy đến chuyện tình duyên với thái tử phi Dương Hồng Hạc ( vợ vua Lý Thánh Tông ) nên Lý Thường Kiệt đành chấp nhận số phận đau đớn, làm một hoạn quan để khỏi chết vì một mối tình trong cuộc chiến chốn quan trường và chốn hậu cung.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

Vọng khúc Đinh Tiên Hoàng

Đông Châu(*) tìm đến đất Hoa Lư,
Núi  đá  leo  cao  cũng  mệt  nhừ
Vẫn viết vần thơ thương Bộ Lĩnh
Mã Yên lưng ngựa, chốn ngàn cư.

Nghìn năm lăng mộ để ai lo ?
Sứ mệnh giang sơn, một cơ đồ
Lịch sử ghi danh người muôn thuở
Thân nằm, xương thịt hóa thành tro.

(*)Nhà thơ Đông Châu khi đến Cố đô Hoa Lư, phải trèo lên 256 bậc đá núi Mã Yên để thăm viếng lăng Hoàng Đế Đinh Bộ Lĩnh, ông cảm khái làm nên bài thơ trong đó có hai câu : "Non sông Cồ Việt nào đâu đó / Bảng lảng thành Hoa bóng ác chiều".

JB.Sĩ Trọng.

Quảng đại

Đức Chúa Giêsu ngồi dối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại mà nói: “ Thầy bảo thật anh em: “ Bà góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của mình mà bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.”
Đối với con mắt của người đời, tiền dâng cúng của bà góa chẳng có giá trị gì so với số tiền lớn của người giàu. Chúa Giêsu có một cách đáng giá khác với cách đánh giá của loài người. Giá trị không phải ở chỗ nhiều hay ít, nhưng là ở tấm lòng của người dâng cúng. Người giàu có dâng cúng của dư thừa, nhưng tâm hồn họ chỉ để phô trương công đức để cho người khác nhìn thấy và ca tụng họ là người hào phóng; còn với hai đồng kẽm của bà góa, thật chẳng đáng gì, nhưng Chúa lại khen là người dâng cúng nhiều hơn ai hết. Bà dâng cúng cả mạng sống mình, bà “rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống.” Điều đáng khen là ở nổ lực và tinh thần dâng cúng. Bà góa nghèo tiền bạc, nhưng lại giàu lòng quảng đại; bà ít tiền, nhưng giàu lòng tín thác vào Thiên Chúa. Bà ít tiền, nhưng bà sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì Chúa. Bà khiêm nhu, không tự mãn. 
Lòng quảng đại của bà góa dựa vào sự tín thác vào Thiên Chúa. Bà không nghĩ đến số phận của mình sẽ phải sống thế nào cho ngày mai. Lòng quảng đại và hy sinh của bà vượt thắng sự thu lợi ích kỷ cho riêng mình. Bà quảng đại và hy sinh quên mình.
Mẹ Têrêxa kể lại rằng: Một hôm mẹ đi xuống phố. Một người ăn mày đến gặp mẹ và nói: “ Thưa mẹ Têrêxa, mọi người đều cho mẹ tiền. Tôi cũng muốn cho mẹ. Hôm nay, suốt cả ngày, tôi chỉ có được ba mươi xu. Tôi muốn cho mẹ số tiền ấy.”
Mẹ Têrêxa suy nghĩ một lúc : “ Nếu tôi nhận ba mươi xu, thì tối nay anh ta phải nhịn ăn; còn nếu tôi không nhận, tôi sẽ làm tình cảm anh bị tổn thương; vì thế tôi nhận số tiền ấy. Tôi chưa bao giờ thấy được niềm vui như thế trên khuôn mặt của người ăn mày ấy.”
Mẹ Têrêxa nói tiếp: “ Đối với người đàn ông nghèo này, phải ngồi suốt cả ngày chỉ xin được ba mươi xu. Đẹp biết bao! Ba mươi xu chỉ là một món tiền nhỏ và có thể tôi chẳng mua được gì, nhưng vì anh ta đã cho nó và tôi đã nhận; nó trở nên có giá trị gấp ngàn lần, vì nó được cho với bao nhiêu yêu thương. Thiên Chúa nhìn thấy không phải là sự to tát của công việc, mà vào tình yêu thương qua đó công việc được hoàn thành.”
Người ta thường nhìn bên ngoài để đánh giá bản chất, do đó dễ sai lầm; còn Chúa Giêsu lại đánh giá hành động của con người từ bên trong, từ tâm hồn họ. Cách dâng cúng của người giàu mà thiếu khiêm nhu, không tín thác vào Thiên Chúa thì cũng giống như những ông kinh sư “ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng, ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc” vậy. 
Hoang Trung

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

Hoài niệm mùa thu

Tôi nhớ  mùa thu  của  năm xưa,
Bên  hiên  nhà  gỗ  trẻ  nô  đùa
Giàn hoa  thiên lý  rung rinh  lá,
Tỏa ngát hương nồng theo gió đưa.

Tôi nhớ bao năm tiếng mẹ buồn,
À  ơi   bên   võng   hát   ru  con
Lời  thơ  mẹ  hát  nghe  sâu thẳm,
Mang lấy trong hồn cả nước non.

Tôi  nhớ  bao  câu  nói  dịu  dàng,
Mẹ  từng  chia  sẻ  với  con  ngoan
Một lòng trung nghĩa tin yêu Chúa
Cầu nguyện xin ơn phước ngập tràn.

Tôi  nhớ  bao  câu  nói  ngọt  ngào,
Mẹ về trong những giấc chiêm bao
Lắng nghe câu hịch thời vua chúa,
Mời  gọi   dân  ta   đánh   giặc  Tàu...

Nếu  mà  dân  tộc  bị  đao  binh,
Con hãy đi vào cuộc chiến chinh
Đánh tan quân giặc, niềm vui lớn
Đem lại   cho dân  nước  thái bình...

Tôi nhớ  mùa thu  của  năm xưa,
Trước sân nhà nhỏ cỏ lưa thưa
Mẹ thường hay đứng nhìn con trẻ
Hong tóc  bên thềm  theo  gió đưa.

JB.Sĩ Trọng.

Vua Tình yêu

Không biết vì thật lòng hay có ý mĩa mai, ông Philatô đã hai lần hỏi Chúa Giêsu có phải là vua không. Lần thứ nhất ông hỏi: “ Ông có phải là vua dân Do thái không?” Chúa Giêsu không trả lời phải hay không phải, nhưng Ngài lại hỏi: “ Ngài tự ý nói điều đó, hay những người khác đã nói với ngài về tôi?” Câu trả lời của Philatô vô tình lại nói lên một sư thật: dân ngoại lại tuyên xưng Chúa Giêsu là vua, còn dân Chúa lại phản bội, không chịu nhận biết Ngài: “Tôi là người Do thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi?” Chúa Giêsu không trực tiếp xác nhận, nhưng gián tiếp Ngài xác nhận là vua, khi Ngài nói: “ Nước tôi không thuộc về thế gian này.” Như thế, Ngài có một vương quốc, nhưng vương quốc của Ngài không thuộc thế gian này. Nghe nói thế, lần thứ hai Philatô lại hỏi: “ Vậy ông là vua sao?” Chúa Giêsu cũng chưa chính thức tuyên bố Ngài là vua, nhưng gián tiếp xác nhận qua câu nói của Philatô: “ Chính Ngài nói rằng tôi là vua.” Chúa Giêsu là vua, nhưng chỉ thực sự là vua khi Ngài chịu chết trên thánh giá và sau ba ngày sống lại. Thánh giá là ngai vàng để Vua Kitô đăng quang.
Nhiệm vụ đầu tiên của Vua Kitô là: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian vì điều này: đó là để làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” Chính Philatô cũng chưa biết sự thật ấy là gì, nên ông đã hỏi: “ Sự thật là gì?”
Sự thật đầu tiên là nhận biết, tôn thờ chỉ một Thiên Chúa duy nhất là Đấng tạo dựng vũ trụ và muôn loài. Ngài là Anhpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng. Ngôi Hai Thiên Chúa đã được Chúa Cha ban cho mọi quyền năng trên trời dưới đất, vì thế Chúa Giêsu là Vua vũ trụ.
Sự thật thứ hai là con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng con người, vì yếu đuối đã sa ngã, đi trái đường lối của Thiên Chúa, đã phải sống trong tình trạng tội lỗi và diệt vong. Vì yêu thương và muốn cứu vớt loài người, Chúa Cha đã sai Con Một yêu dấu của Ngài xuống trần gian để gánh tội lỗi cho nhân loại. Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người không phải thiết lập một vương quốc ở trần gian này, nhưng là để làm chứng, để chuẩn bị cho một vương quốc sự thật mà ai nghe theo sự thật là con dân của vương quốc ấy. Con dân của vương quốc ấy sẽ có sự sống đời đời, không bị diệt vong vì tội lỗi.Tin Mừng là những sự thật cho ai nghe theo tiếng của Vua sự thật. Như thế Chúa Giêsu là Vua sự sống vĩnh cửu, không ai có thể cướp lấy sự sống ở nơi những ai tin và nghe theo tiếng nói của Vua Sự thật
Sự thật thứ ba là Con Thiên Chúa xuống trần gian không phải để cai trị, không phải để thiết lập một vương quốc để thống trị nhưng để thiết lập một vương quốc yêu thương, không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ con người như tôi tớ. Vì yêu thương loài người mà Ngôi hai Thiên Chúa đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận yếu hèn của con người và đã vâng lời cho đến chết trên thập giá. Ngài đã hiến trọn mạng sống mình vì yêu. Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu phục vụ. 
Những câu hỏi của ông Philatô: “ Vậy ông có phải là vua dân Do thái không” và “ Sự thật là gì?” có lẽ cũng là những câu hỏi của những ai chưa tin, không tin hay tin mơ hồ về Thiên Chúa. Những câu hỏi ấy sẽ được trả lời vào ngày phán xét chung, ngày Vua Vũ trụ, Vua Tình yêu, Vua sự Thật ngự trên ngai để xét xử loài người. “ Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả những kẻ đã đâm Người. Mọi dân trên mặt đất sẽ đấm ngực than khóc khi thấy Người. Đúng thế! Amen.” ( Kh 1: 7) 
Hoàng Trung

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2018

Tặng Cường cà phê M'JA

Làm  sao  có  được  một  tình  yêu ?
Năm tháng trôi qua trải nghiệm nhiều
"Lòng  khổ  đi  tìm  thương  xót  khổ,
Khổ   trần   xin   họp   bến   nâng  niu".

Em   đã   nhớ   về   câu   nói   xưa,
Bao nhiêu khát vọng vẫn không thừa
"Hết   thời   bỉ   cực"..., vui   tìm   lại
Bên  chốn  ân  tình  chung  sớm  trưa.

Có  lẽ  thời  gian  muốn  nhắn  giùm,
Đường  đời  vạn  nẻo  với  đôi  chân
Bước  đi  không  ngại  vì  gian  khổ,
Vất  vả, long đong... gánh bội  phần !

Làm  sao  có  được  một  tình  yêu ?
Cái giá trăm năm, nặng nợ nhiều
Sưởi  ấm  tâm  hồn  hương  lửa  mới
Mong  tìm   bến  đợi   để  nâng  niu.

JB.Sĩ Trọng.

Thư một Lm Công Giáo

Thư một linh mục Công giáo gửi báo The New York Times:

Anh bạn phóng viên thân mến.
Tôi chỉ là một linh mục Công giáo bình thường. Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào về ơn gọi của mình. Trong 20 năm qua, tôi đã sống ở Angola với tư cách là một nhà truyền giáo.

Tôi đọc trong nhiều phương tiện truyền thông, đặc biệt là tờ báo của bạn, sự phóng đại của chủ đề linh mục ấu dâm, nhưng trong một cách bệnh hoạn, vì chỉ tìm kiếm chi tiết trong đời sống các linh mục, các sai lầm trong quá khứ.
Có một trường hợp linh mục ấu dâm, trong một thành phố của Mỹ, trong những năm 1970 (đã 48 năm !) một trường hợp ở Úc trong thập niên 1980 (đã 38 năm !) và cứ như thế, có trường hợp mới đây hơn…. Chắc chắn rằng tất cả các trường hợp này đáng bị khiển trách!
Có các bài báo được cân nhắc và cân bằng, có các bài khác lại phóng đại, đầy thành kiến và thậm chí hận thù nữa. Tôi tự cảm thấy đau đớn nhiều về sự dữ lớn lao rằng các người đáng lẽ là dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, lại là con dao găm trong cuộc sống của các người vô tội. Không có từ ngữ nào để biện minh cho các hành vi như vậy. Không có nghi ngờ rằng Giáo Hội phải là đứng về phia kẻ yếu, và người nghèo. Vì lý do này, tất cả các biện pháp mà người ta có thể dùng để ngăn ngừa và bảo vệ nhân phẩm của trẻ em sẽ luôn luôn là một ưu tiên.
Nhưng sẽ là kỳ cục hết sức khi có ít tin tức và sự thiếu quan tâm đến hàng ngàn các linh mục khác, đã hiến đời mình và phục vụ hàng triệu trẻ em, thanh thiếu niên và các người bất hạnh nhất ở bốn phương trời của thế giới.
Tôi nghĩ rằng đối với tờ báo của bạn, các điều sau đây không hề được quan tâm đề nói tới:
1) Tôi phải di chuyển qua các con đường đầy mìn do chiến tranh trong năm 2002, để giúp đỡ các em nhỏ đang chết đói từ Cangumbe đến Lwena (Angola), bởi vì cả chính quyền không thể làm được và cả các tổ chức phi chính phủ không được phép làm;
2) Tôi đã chôn cất hàng chục trẻ em chết do việc dời chỗ vì chiến tranh;
3) Chúng tôi đã cứu sống hàng ngàn người dân ở Mexico, nhờ một trung tâm y tế duy nhất hiện hữu trong một vùng có diện tích 90.000 km2, với việc phân phát thực phẩm và các loại giống cây trồng;
4) Chúng tôi đã có thể cung cấp giáo dục và trường học trong mười năm qua cho hơn 110.000 trẻ em;
5) Cùng với các linh mục khác, chúng tôi đã cứu trợ cho gần 15.000 người ở các trại du kích quân, sau khi họ đã đầu hàng và giao nạp vũ khí, bởi vì thực phẩm của chính phủ và của Liên Hiệp Quốc không thể đến được với họ;
6) Không phải là tin tức thú vị khi một linh mục 75 tuổi, Cha Roberto, rảo qua thành phố Luanda ban đêm, chăm sóc các trẻ em đường phố, dẫn họ đến một nơi trú ngụ, để cho họ không bị ngộ độc bởi xăng dầu mà họ hít để kiếm sống, như là người ném lửa;
7) Việc xoá nạn mù chữ cho hàng trăm tù nhân cũng không phải là tin hay;
8) Các linh mục, như cha Stéphane, tổ chức các nhà tạm trú cho các thanh thiếu niên bị ngược đãi, đánh đập, hãm hiếp, để họ tạm lánh;
9) Linh mục Maiato, 80 tuổi, đến thăm từng ngôi nhà một của người nghèo, an ủi người bệnh và người tuyệt vọng;
10) Không phải là tin hấp dẫn khi hơn 60.000 trong số 400.000 linh mục và tu sĩ hiện nay đã rời đất nước và gia đình của họ để phục vụ anh em mình tại các quốc gia khác trong các trại phong, bệnh viện, trại tị nạn, cô nhi viện cho trẻ em bị cáo buộc là phù thủy, hoặc cho trẻ em mồ côi do cha mẹ chết vì AIDS, trong các trường học dành cho người nghèo nhất, trung tâm dạy nghề, trung tâm tiếp nhận người nhiễm HIV……
11) Nhất là các linh mục dành đời mình trong các giáo xứ và cứ điểm truyền giáo, động viên mọi người sống tốt hơn và nhất là thương mến người khác;
12) Không phải là tin hấp dẫn khi bạn tôi, Cha Marcos Aurelio, để giải cứu trẻ em trong cuộc chiến ở Angola, đã đưa các em từ Kalulo đến Dondo và khi trên đường trở về, cha bị bắn chết; và một tu sĩ tên là Phanxicô và năm nữ giáo lý viên, bị chết trong một tai nạn, khi họ đi giúp đỡ các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước;
13) Hàng chục các nhà truyền giáo tại Angola đã chết vì thiếu các phương tiện y tế, chỉ vì bệnh sốt rét đơn giản;
14) Nhiều người khác đã bị tung xác lên trời do mìn nổ, khi đi thăm các tín hữu; quả vậy, trong nghĩa trang ở Kalulo, có mộ các linh mục đầu tiên đến khu vực ấy… không ai sống hơn 40 tuổi cả….;
15) Không phải là tin hấp dẫn, khi một linh mục “bình thường” sống công việc hàng ngày của mình, trong các khó khăn và niềm vui của mình, sống âm thầm cả đời vì lợi ích của cộng đoàn mình phục vụ;
Sự thật, là linh mục chúng tôi không cố gắng để có tên trong tin tức, nhưng chỉ mang “Tin Mừng”, và Tin Mừng này, không ồn ào, đã bắt đầu vào buổi sáng Phục Sinh. Một cây ngã gây tiếng ồn nhiều hơn cả cánh rừng đang mọc và phát triển.
Người ta gây nhiều tiếng ồn cho một linh mục phạm một lỗi lầm, hơn là gây tiếng ồn cho hàng ngàn linh mục hiến đời mình cho hàng chục ngàn trẻ em và người nghèo khó.
Tôi không muốn làm một biện hộ cho Giáo Hội và các linh mục.
Một linh mục không phải là một anh hùng, cũng không phải là một người rối loạn thần kinh. Linh mục chỉ là một con người bình thường, và với bản tính con người của mình, tìm cách theo Chúa và phục vụ Ngài trong anh chị em của mình.
Linh mục có nhiều khổ đau, nghèo đói và sự mỏng giòn như các người khác; nhưng linh mục cũng có vẻ đẹp và hùng vĩ như mọi thụ tạo khác…. Việc nhấn mạnh một cách ám ảnh bẩm sinh và phá hoại về một đề tài đau đớn, trong khi mất tầm nhìn chung của công việc, tạo ra thật sự các biếm họa tấn công vào hàng linh mục Công Giáo, do đó tôi cảm thấy bị xúc phạm.
Tôi chỉ yêu cầu anh, người bạn phóng viên thân mến, hãy tìm kiếm Chân, Thiện, Mỹ. Điều này sẽ làm lớn mạnh nghề nghiệp của bạn.
Chào anh trong Đức Kitô,
Linh mục Martin Lasarte, SDB
“Quá khứ của con, Lạy Chúa, con phó thác cho lòng Thương xót của Chúa; hiện tại của con, cho Tình yêu Chúa; và tương lai của con, cho sự Quan Phòng của Chúa”.
(St. Padre Pio)