Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Chùm thơ 56

ĐI BỘ MÙA DỊCH

Chẳng chào ai, chẳng nói chi ai
Cứ  thế  chân  đi  hết  đường  dài
Bịt miệng, khẩu trang đeo thật chặt
Nhìn  trời  mây  trắng  lững  lờ  bay.



GÓC HẸP

Chỉ  một  cái  chai  cũng  đủ  đẹp,
Đặt chưng ngay cạnh một góc tường
Trăng lên chiếu vào khung cửa hẹp,
Bên ngoài  ánh sáng tựa như gương.



TIN NHẮN GỞI HỌC TRÒ

Hôm nay Thầy bận đi xa,
Nên không dạy được tại nhà đâu con
Thôi thì cứ hãy ngủ ngon,
Tuần  sau Thầy  lại  gặp con  tại  nhà.



NỖI MONG MANH

Hy vọng tràn lên trên mắt môi,
Mà nghe đâu đó vẫn ngậm ngùi
Loài người đau khổ đang rên xiếc
Chiếc lá  thu rừng  đang  rụng rơi.



@JADE

Cảm ơn bạn đã vào trang Tứ tuyệt
Viết vần thơ nho nhỏ ngỏ với mình
Nhiều  cảm xúc  khó mà  ta nói hết,
Nhưng chữ tình luôn mãi đẹp lung linh.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Vẻ đẹp Lai Châu










Lai Châu không những đẹp núi đồi
Đẹp  cả  con  người, đẹp  lứa  đôi
Lễ  hội   đêm  về  khoe   ánh  lửa,
Rượu cần  say uống  khỏa vành môi.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

Nhớ trăng quê











Mong sao mỗi độ Thu về,
Trăng tròn vẫn sáng vỉa hè chợ quê
Con đường chạy dọc bờ đê,
Có em gánh lúa hạt khoe sắc vàng
Giếng làng và cả không gian,
Vào đêm tuyệt đẹp, mênh mang câu hò
Sông quê lặng lẽ con đò,
Hàng tre xỏa tóc, mái chùa cong cong
Đình làng dưới bóng đa râm,
Ngày mùa lễ hội khá đông khách mời
Ước gì mình được về chơi,
Vào đêm trăng sáng để ngồi ngắm trăng.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Chùm thơ 55

 NGỰA

Đứng mãi thì cũng mệt,
Chạy hoài cũng chẳng ham
Cứ  mong  có  hồi  kết,
Không còn những bất kham.


BI KỊCH

Ai  viết  nên  kịch  bản,
Trông thấy thật buồn cười
Đời chơi trò quái đản,
Chẳng  bao giờ  chịu thôi.


LỊCH TRÌNH NGÔN NGỮ

Chó đã quen tiếng đời,
Nên không cần phải sủa
Đời không quen tiếng chó
Nên  làm  khó  chó  hoài.


NÓI VỚI KẺ LO

Gian khổ đời ta cũng đã từng,
Hàm oan tai tiếng gác sau lưng
Miếng cơm chưa đủ no bao tử,
Tối ngủ lo chi phải canh chừng.


TỰ CHẨN ĐOÁN

Một đêm đi tiểu khoảng hai lần,
Nước tiểu vô cầu được mấy phân 
Có phải tiểu đường không vậy nhỉ,
Hay  là  căn  bệnh  tự  mình  phong ?

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 18 tháng 8, 2020

Với Chúa
















Suốt ngày chỉ nghĩ đến Chúa thôi,
Viết những trang thơ thấm bụi đời
Thấy Chúa  rất gần  và  mật thiết,
Có Ngài  thêm vạn  nỗi  niềm  vui.

Thiên Chúa Ngôi Cao đã xuống trần
Yêu  người  nên  Chúa  đã  liều thân
Với   bao   tội  lỗi   Ngài   mang  lấy,
Cứu chuộc  nhân gian  đổi máu hồng.

Hỡi ai không thấy Ngài hiện hữu,
Xin  về  hỏi  lại  chính  mình  thôi
Chúa  ở  trong  tôi  và  trong  bạn,
Đường trần trăm vạn nẻo ngược xuôi.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Trăng miền núi

Tôi muốn vẽ đường trăng thoát lên
Đi  từ  xứ  sở  của  thần  tiên
Núi rừng cây lá đang say ngủ,
Chỉ  có  róc  rách  tiếng  suối  hiền.

Trăng lên tỏa ngợp giữa đất trời
Từng sợi tơ vàng bay lả lơi
Gió mát ru tôi đi vào mộng,
Cả người tắm ướt bởi sương rơi.

Đồi cao hoa nở thở hơi trăng,
Tim tím bằng lăng dưới bóng hằng
Nghe mấy câu ca miền sơn cước,
Nhà sàn vang vọng tiếng chuông ngân.

Tôi biết nơi đây có Thánh đường,
Ẩn mình đâu đó cuối đồi dương
Ánh trăng bàng bạc lay trong gió,
Gợi nhớ mênh mang cõi miên trường.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

Hai thông điệp

NGẮM NHÌN THỰC TẠI

Em đừng thấy lạ em ơi,
Khi sương chiều xuống làm vơi nắng chiều
Trăng tà ngã bóng cô liêu,
Đường  về  quán  trọ  vượt  đèo  còn  xa
Bên  kia  đỉnh  núi  là  nhà,
Mà   em   không   biết   hóa   ra   vô   tình
Ngắm nhìn gương mặt em xinh,
Thiên  đường  ngay  ở  chính  mình  đó  em.





KHÁT VỌNG

Ta  lai  vãng  giữa  đất  trời  bốn  bể,
Gặp Người Cha không thể dễ xa mình
Đường dù khó người đi không sợ trễ,
Tìm cuộc đời ước vọng được hồi sinh.

Biết  ta có  thời gian  để ngắm :
Người Cha yêu nơi chốn vô hình
Tim ta mãi đêm ngày say đắm,
Trong  biển tình  vời vợi  uy linh.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 9 tháng 8, 2020

Mừng Mẹ về trời



















Mẹ   về   trời   tà   áo   Mẹ   tung   bay,
Cơn gió thoảng đưa hương tình mát dịu
Những cảm xúc khiến hồn con nũng nịu
Bên  áo  choàng  tay  Mẹ  đỡ  nâng  niu.

Mẹ về trời trong ánh sáng huyền siêu,
Ơn   Cứu   độ   từ   Giêsu   con   Mẹ
Bao tháng năm miệt mài con thỏ thẻ,
Tỏ  lời  yêu, mong Mẹ hiểu con nhiều.

Mẹ  về trời  trong  vẻ đẹp  mỹ miều,
Một đặc sủng Chúa dành riêng cho Mẹ
Mẹ lộng lẫy mang ơn Trời xuống thế,
Mẹ   đơn  sơ   khi  đến   với  kẻ  nghèo.

Mẹ về trời, con Mẹ ngước nhìn theo
Niềm hy vọng ngập tràn lên khóe mắt
Trong bóng tối cuộc đời như bế tắc,
Mẹ sáng soi, sưởi ấm những tâm hồn.

Mẹ về trời trong ánh nắng hoàng hôn
Môi con khát, trông chờ dòng suối mát
Mẹ  về  trời  trỗi  lên  bao  điệu  nhạc,
Những ân tình  chấp cánh  vút bay cao.

Mẹ  về  trời  lấp lánh  những  vì  sao,
Nơi Chúa ngự thời gian như miên viễn
Mẹ  về  trời  không cần  ai  đưa  tiễn,
Chỉ Thiên Thần đón rước Mẹ mà thôi.

Mẹ  về trời  ánh sáng  tỏa  muôn nơi,
Giải mã được cuộc đời người dương thế
Mẹ  về trời, dâng lời  ca  Thượng  Đế
Ban  ơn  lành  vũ  trụ  được  hợp  hoan.

Mẹ  về trời  trong  vẻ đẹp  dung nhan,
Mẹ được sống cả linh hồn, thân xác
Mẹ  về  trời  trong  tim  yêu  dào  dạt,
Những người con luôn ngóng đợi mong chờ.

Mẹ về trời thắp sáng những ước mơ,
Đoàn con nhỏ mãi hướng lòng về Mẹ
Xin Mẹ đến đoái thương tình che chở,
Thế  giới  này  đang  khốn  khổ  Mẹ  ơi.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2020

Khoảnh khắc tìm
















Muốn tìm một chút hương yêu,
Thuở nào như đã chạm xiêu lòng người
Muốn tìm một thoáng vui tươi,
Tuổi thơ ngày ấy nói cười hồn nhiên
Muốn tìm một chút thần tiên,
Xua bao luyến tiếc, muộn phiền tan mau
Muốn tìm một thoáng thương đau,
Trung trinh giọt lệ nhuốm màu thời gian
Muốn tìm một chút bình an,
Quên đi khoảnh khắc vội vàng năm xưa
Muốn tìm một thoáng ban trưa,
Để  nghe  gió  mát  thổi  đưa  vào  hồn
Muốn tìm một chút môi hôn,
Cho   tình   trỗi   dậy   mãi   còn   lan   xa.

JB.Sĩ Trọng.

Chùm thơ 54

BẢN SAO

Tôi thấy khi ngồi trước kính soi,
Mặt  mày  tôi  giống  hệt  Ba tôi
Một đời đau khổ đành chấp nhận
Không để  cho ai  phải  thiệt thòi.



GÁNH CHỊU

Lãnh đạn (*)đâu bằng phải lãnh đinh
Chúa đem đời thật hóa thân mình
Chết treo thập giá không hờn tủi,
Tha   thứ   cho   bao   kẻ   tội   tình.

(*)VN có câu ngạn ngữ "Lãnh đạo phải lãnh đạn".





CHIẾC QUẠT GIÓ

Quay mãi quay hoài không thấy mệt
Tạo  ra  làn  gió  mát  giúp  đời
Nhưng đến một lúc rồi cũng hết,
Sức  người  chịu  đựng  có  vậy  thôi.



HẠN HÁN MIỀN TRUNG

Nghe nói miền Trung nắng gió nhiều,
Phan Rang, Bình Thuận nóng như thiêu
Xương rồng nghiêng ngửa lên không nỗi
Cỏ   cháy   bò   ăn   ngứa   cổ   kêu.



COVID TÁI DIỄN

Quảng Nam, Đà Nẵng dịch lần hai
Du  lịch  khách  đi  ngán  thở  dài
Bệnh viện  có  nhiều  ca  lây nhiễm
Cộng  đồng,  virus  chẳng  chừa  ai.

JB.Sĩ Trọng.


Cục đá và cái phao ( hiệu chỉnh lại )

( Mừng kính lễ 2 Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ )

1.Hai trụ cột :

Đá nặng, phao nhẹ. Đá chìm, phao nổi. Đá thì đá tảng, nhưng phao thì phao lô ( không phải là phao rin ) - Đá tảng chắc chắn nặng hơn, cứng hơn phao; phao thì nhẹ, trôi nổi, bị gió dập có thể vỡ tung;  phao lô thì không xịn bằng phao rin, nhưng có khi cũng nhờ cái phao mà kẻ gặp nạn bám vào may ra được sống. Nói đùa vậy thôi, Phêrô - Phaolô, hai vị Thánh của chúng ta đều tương xứng như nhau : "mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười" - Người nào cũng có vai trò quan trọng mà Thiên Chúa muốn sử dụng, để làm công cụ thực hiện ơn Cứu độ của Ngài trong nhân loại.

Cả hai Thánh Tông đồ Phêrô - Phaolô đều là trụ cột, làm nền móng  vững chắc để xây dựng Giáo Hội.
Chúa chọn và ban ơn cho những ai trong cuộc đời để thực hiện ơn Cứu độ của Ngài cũng thật kỳ diệu. Họ là những con người bình thường nhưng rồi có những việc không tầm thường, vì chính họ mang lấy cả sứ mệnh. Cũng bột ấy, đấu ấy, cũng chất liệu con người nhưng Chúa đã làm nên những chiếc bánh hữu ích giúp con người cảm nếm, nhận biết mà tỉnh ngộ.
Đức Kitô đã tuyển chọn những con người bình dị, yếu đuối; trước khi trở thành Thánh nhân thì họ là những "vô thập toàn", tôi không dám nói là những tội nhân.
Điểm nỗi bậc chúng ta bắt gặp trong Tin Mừng là Chúa Giêsu đã yêu thương những người yếu đuối, lầm lỡ, tội lỗi, chứ không phải là để yêu thương những người mạnh mẽ, đạo đức, thánh thiện. Chúa tỏ lòng thương xót, bênh đỡ những người có tâm trạng khổ đau chứ không phải những người hoàn toàn vui vẻ lạc quan, giàu có mạnh khỏe. Đúng vậy, những tội nhân mới thật đáng thương. Người hiền lành đạo đức thì đương nhiên họ là thánh, không cần xót thương họ cũng là thánh ! Do đó, ơn Cứu độ trước tiên cần cho người tội lỗi. Chúa Giêsu nói rõ : "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi kẻ tội lỗi"( Mc 2,17 v Mt 9,12-13 v Lc 5,31-32 ). "Con người đến tìm và cứu kẻ bị hư mất"( Lc 19,10 ).
Thông thường người ta cho rằng chết vì chính nghĩa là một cái chết đẹp, và chết vì chính nghĩa cũng là một cái chết lý tưởng, tức là chết để bảo vệ công lý, chết vì những người công chính. Với Đức Giêsu thì khác, xem ra hình như Ngài không chết vì chính nghĩa, Ngài không chết vì những người công chính, Ngài chết vì những người tội lỗi, Ngài chết vì những người yếu thế. Ngài yêu thương những người tội lỗi và chết vì những người bị xã hội bỏ rơi. Thánh Phaolô xác tín điều này khi Ngài viết trong thư gởi Timôthê : "Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận : Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời."( 1Tm 1,12-16 ) - ( Tư tưởng này tôi học từ bài giảng của Đức Cha Gioan Đỗ văn Ngân, GM Phụ tá GP Xuân lộc, trong lễ kỉ niệm Thành lâp Gíao xứ Chánh Tòa Xuân lộc năm 2019 ).

2.Những cá tính và ơn đặc biệt :

Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ - Cả hai đều làm cho thế giới chấn động, đều có sức lan tỏa rộng lớn mà Chúa Giêsu đã sử dụng các ông trong sứ mệnh truyền giáo. Ai nói rằng Thánh Phêrô là dân chài, ít học ? Họ đã lầm to. Cũng có người cho rằng Thánh Phêrô hèn nhát vì đã chối Chúa 3 lần. Ai nói như thế là phạm thượng đấy ! Sao không nhớ lần Phêrô rút gươm ra bảo vệ Thầy mình ? Cứ thấy Thánh Phêrô rút gươm chém sứt tai người đầy tớ vị Thượng tế, đòi đi theo Thầy để bảo vệ Thầy, tự mình quả quyết không sợ bị bắt bớ tù đày .v.v...rồi cho rằng Thánh Phêrô là người nóng tính, hung hãn ? - Tất cả là những ngộ nhận. Hãy đọc Tông đồ Công vụ ( 2 chương đầu ) và hai thư của Phêrô, thì ta sẽ thấy Thánh Phêrô là người hiền lành, uyên bác, rất giỏi Thánh Kinh, Người phân tích một sự việc đều có trích dẫn Thánh Kinh. Thánh Phêrô và Anrê là hai anh em ruột, Anrê là anh, Phêrô là em, nhưng Chúa Giêsu đã chọn Phêrô làm Nhóm Trưởng trong nhóm Mười hai. Vị Tông đồ Cả ấy là Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội Công giáo, vậy mà ai dám nói Thánh Phêrô ít học, ít trình độ ? Học cao, nhiều trình độ, nhiều bằng cấp...để làm gì ? Học cao, trình độ cao mà không có nhân đức thì cũng chã có lợi ích gì cho nhân loại. Các Đấng kế vị Thánh Phêrô ngày nay, dĩ nhiên là phải giống Ngài phần nào đó mà Chúa đã chọn để thay mặt Chúa cai quản Hội Thánh trần gian. Và dĩ nhiên các Ngài được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng.

"Viên đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường"( Cv 4,11 v 1 Pr 2,7 ) - Câu nói này không những đúng với Chúa Giêsu mà còn đúng với cả hai Thánh Tông đồ trụ cột, vì chính Phaolô sau khi trở lại đã đem cả cuộc đời mình đi Rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô Phục sinh, như thế là ông đã trở nên tảng đá góc tường, mặc dù Chúa Giêsu không gọi tên ông là Đá.
Xin nhắc lại : Đừng tưởng Thánh Phêrô là người ít học ? - Thánh Phêrô đã thuộc lòng Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh dẫn chứng để giải thích cho từng sự việc xảy ra ( x Cv 1,20-22 ); Thánh Phêrô liên hệ để tìm ra được ý Chúa, khuyên bảo mọi người vâng theo và tin vào Đức Kitô Phục sinh ( x Cv 2,14-21 ) - Thánh nhân đã dẫn chứng Thánh Vịnh, nhắc đến Ngôn sứ Giôen, Tổ phụ vua Đavit ( x Cv 2,23-36 ), ông Môisê ( x Cv 3, 22-26 ). Thánh nhân chỉ để lại 2 lá thư, nhưng nội dung đề cập được rất nhiều vấn đề quan trọng. Như thế mà không giỏi, không thông thái sao ? Chúa không chọn để làm Giáo Hoàng tiên khởi sao được ? Có những con người mới thoạt nhìn bề ngoài tưởng chừng như không có trình độ học vấn, nhưng tiềm ẩn bên trong chứa đựng cả một kho tàng hiểu biết, chẳng qua là họ thích sống một cuộc đời chân chất, mộc mạc, bình dị và đơn sơ. Sau biến cố năm 1975 tại Việt Nam có thầy giáo Anh văn phải ngồi vệ đường sửa xe đạp, có Gíao sư Toán học phải chạy xe ôm, có Nhà văn chuyên nghiệp đi bán bún bò cùng vợ, có Giáo sư Hóa học đi bán cà-rem... Mới nhìn ta tưởng chừng những con người này không có trình độ. Chúa Giêsu đã chọn Simon, chắc chắn Chúa biết người em này bản lĩnh hơn cả người anh Anrê và lãnh đạo được cộng đoàn Môn đệ đầu tiên, Chúa biết được bên trong của mỗi một con người.
Thánh Phêrô chối Chúa 3 lần trước khi gà gáy nhưng không hèn nhát chút nào, vì trước mắt Ngài là Sứ mệnh. Những lần chối ấy là khôn ngoan, là cần thiết để tránh đi những tai họa, lo cho Giáo Hội trong những ngày đầu chưa vững vàng và lo cho cả tương lai của Giáo Hội về sau, dẫu sau này có đổ máu đào để bảo vệ đức tin. Thà là chối Chúa như vậy, còn hơn thấy Chúa, quen thân, gần gũi với quyền lực mà không làm gì được để giúp đỡ Chúa, mặc dù tự tuyên xưng mình là yêu mến Chúa nhất( x Jn 18,15-18 ).
Thánh Phêrô không hèn nhát chút nào vì chính Ngài đã quả quyết cùng đi với Thầy mình, dẫu có bị bắt bớ tù tội.
Hèn nhát làm sao được, chính Thánh Phêrô chấp nhận cái chết tử đạo giống Thầy mình và tình nguyện đóng đinh ngược vì thấy mình không xứng đáng như Thầy mình. Ta biết Chúa ban cho Phêrô quyền năng đến nỗi tên Phù thủy bay trên không bị rơi xuống đất hộc máu ra chết, khi Phêrô ngước mắt nhìn lên.
Yếu đuối làm sao được, khi một con người dám từ bỏ gia đình, vợ con, nhà cửa...để đi theo tiếng gọi của Thầy Chí Thánh, nhất là sau Chúa Phục sinh, ông đã đem hết cuộc đời mình đi rao giảng Tin Mừng, chấp nhận tử đạo ở một vùng đất xa xôi, không phải ngay tại quê nhà.
Ngày nay có nhiều người rất hèn nhát mà dám mở miệng ra nói Thánh Phêrô hèn nhát ! Có những người dám lên tiếng tố giác những bất công của xã hội, những hành động độc ác của những kẻ lợi dụng quyền lực; còn chúng ta thì sợ sệt, im lặng. Chúng ta không đủ can đảm để tuyên xưng một vấn đề trong đạo, đôi khi còn tránh né, còn chối Chúa cả trăm ngàn lần, mà dám nói Thánh Phêrô hèn nhát !

Phải chăng, Đức Giêsu đã liều mạng trong việc tuyển chọn Môn đồ kế tục sự nghiệp của mình ? Thưa không, Chúa hiểu lắm chứ ! Chúa liều mạng sống mình để Cứu chuộc nhân loại, chứ Chúa không dám liều mạng trong việc tuyển chọn các Tông đồ đâu, vì Ngài biết Thánh Thần sẽ làm cho họ trở nên tốt hơn. "Bỏ Ngài con biết theo ai ?"- Đó là câu nói của Thánh Phêrô. Thánh Phêrô làm nghề chài lưới lâu năm nên Ngài có nhiều kinh nghiệm ra khơi. "Ra khơi" là hình ảnh quen thuộc, "lưới cá" hay "lưới người" là chuyện khác, Chúa Giêsu hiểu rõ điều đó.
Người ta cứ nhắc đi nhắc lại việc Phêrô chối Chúa 3 lần, Phaolô bắt bớ Hội Thánh Chúa, rồi trách Chúa Giêsu sao chọn các Môn đồ tệ đến vậy ! Xin thưa, dùng chữ "tệ" là không đúng, vì chắc gì ta đã tốt hơn. Chúa biết tất cả mọi sự, Chúa biết người nào thế nào, ai ra sao. Chúa hiểu rõ hơn chúng ta nhiều, xin đừng luận tội và vội vàng áp đặt lên người khác. Trước khi bị Chúa khuất phục, Phaolô bắt bớ Hội Thánh vì ông quyết chắc về đời sống đức tin, ông tin chỉ một Thiên Chúa duy nhất, không ai có thể tự xưng mình là Thiên Chúa được. Phaolô là người có quốc tịch Rôma, nhưng lại là người có thế giá trong giáo quyền Do thái; vì sự quyết chắc đó Chúa đã chọn ông : Từ một người bắt bớ tín hữu Kitô, trở thành nhà truyền giáo lỗi lạc, nhà thần học xuất chúng. Phaolô quả quyết bằng những câu nói nỗi tiếng :
          ."Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi"( Gal 2,20 ).
          ."Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh."
          ."Đối với tôi, sống là Đức Kitô."
          . Phaolô còn quả quyết về thái độ sống của mình : Không gì có thể tách ông ra khỏi lòng yêu mến Đức Kitô (x Rm 8,35-39 ).
Chúa đã thông ban quyền năng cho Phaolô : Phaolô được ơn làm phép lạ, chữa bệnh cho người bị què từ khi lọt lòng mẹ ( x Cv 14,8-10 ), Phaolô làm cho tên phù thủy Ê-ly-ma tại đảo Sýp bị mù ( x Cv 13,6-12 ), Phaolô làm cho người chết sống lại ( x Cv 20,9-12 )...
Phaolô trở thành phao vượt biển cho những người muốn vượt qua bể đời đau khổ. Ngài không phải là phao lô, còn xịn hơn cả phao rin nữa. Phaolô trở thành phao cứu sinh cho những ai đang gặp nạn, họ có thể bám vào đó để vượt qua cơn sóng gió hiểm nguy.

Khi Phêrô tuyên xưng : "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống"(Mt 16,16 v Lc 9,20b), Chúa Giêsu nhận ra ngay Phêrô đã tuyên xưng bản tính siêu việt của Thiên Chúa, ông bổ sung cho luận điểm đức tin của Phaolô đang còn thiếu sót vì lúc ấy Phaolô chưa nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật nên Phaolô ra tay bắt đạo, trấn áp các Môn đệ của Đức Giêsu.
Chúa Kitô tuyên bố thiết lập Hội Thánh trên nền tảng mộ Thánh Phêrô, đâu phải chuyện vừa, vì trên mộ thánh ấy chính là "Đá Tảng", và Ngài đã tuyên bố quyền lực tà thần không làm lay chuyển được. Hơn thế nữa, Chúa còn trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô ( x Mt 16,18-19 ).
Thật đúng, quyền năng Chúa đã trao cho Phêrô, điều ấy thấy rõ, sách Tông đồ Công vụ ghi nhận : Thánh Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ, Thánh Phêrô chữa lành kẻ đau ốm, Thánh Phêrô chữa người tê bại, Thánh Phêrô làm cho người chết sống lại...( x Cv 5,15-16 v 3,1-10 v 9,32-35 v 9,38-43 ). Chính Cục Đá đáng nể trọng đó cũng cất lên tiếng nói như một lời kêu gọi để lại cho ngàn thế hệ mai sau : "Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng... Xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương" ( x 1Pr 2,4-10 ).

3.Sự giao thoa :

Cuối cùng, nét đẹp Phêrô-Phaolô, hai con người này Chúa làm cho trở nên hoàn hảo, "mỗi người mỗi vẻ" bổ sung nhau để "mười phân vẹn mười". Đó là sự giao thoa tuyệt vời. Phêrô đã giới thiệu các thư của Phaolô, khuyên mọi người đọc và tiếp nhận những giáo huấn ấy : "Anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được Cứu độ, như ông Phaolô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề"( 2 Pr 3,15-16 ). Phaolô đã viết quá nhiều nên Phêrô không cần phải viết gì thêm nữa, ông chỉ để lại hai bức thư mà thôi. Phêrô cần thể hiện những hành động sống thiết thực, làm chứng nhân như Đức Kitô vậy.

Tóm lại, cả hai vị Thánh Tông đồ đáng yêu của chúng ta cùng chọn một con đường, một cùng đích để tiến bước : "Đến với Đức Kitô, vì Đức Kitô và cho Đức Kitô."
Xin cho mỗi người chúng ta đều biết vâng phục quyền bính của Gíao Hội. Chúng ta dù không thông thái, can đảm như các Ngài, nhưng ai cũng có một sứ mệnh như hai vị Tông đồ mà chúng ta kính nhớ, là sẵn sàng sống và chết cho Đức Kitô, vì Đức Kitô, với Đức Kitô. Ước gì chúng ta biết noi gương các Ngài, noi gương theo Thầy Chí thánh Giêsu hiền lành và dễ thương, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người lầm lạc trong cuộc đời này, quãng đại bỏ qua những khuyết điểm để dùng tình yêu mà hoán cải họ.

JB.SĨ TRỌNG.
( Viết sau ngày nhận thư mời dự lễ của Họ đạo Phêrô ).

P/s : Có người khi mới đọc tựa đề bài viết này, họ đã trợn mắt nói :
          - Ủa ! Ông dám giỡn hả ông ?
Tôi trả lời cho họ biết :
         - Tôi đâu có giỡn. Anh cứ thử đọc nghiêm túc đi : đọc từng câu, từng chữ, và cố gắng đọc hết bài này.