Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2024

Từ miền đất lạ



Tôi  đến  thăm  đất  nước  vạn  hồ,
Mầu chiều  dệt lụa giữa Thành đô
Hàng cây đứng thẳng ven triền núi
Đèn điện ánh vàng chiếu nhấp nhô.

Cửa tiệm lầu cao ngước mắt nhìn,
Nhà thờ chuông đổ nhịp bình yên
Đoàn  tàu  lướt  nhẹ  về  thôn  dã,
Đêm  tối  ru  mình  trong tự nhiên.

Có  lẽ  riêng  tôi  thấy  ngậm  ngùi,
Cõi  lòng   như  trút  lệ   đầy  vơi
Nhớ  bao   bè  bạn   xưa  xa  vắng,
Kỉ   niệm   một   thời   quen  tới  lui.

JB.Sĩ Trọng.







Thứ Hai, 8 tháng 4, 2024

Tìm dấu chỉ những lời được ứng nghiệm


1. Tiên tri về Đấng Cứu thế :
    So sánh giữa các bản văn Thánh Kinh trước và sau khi Chúa Giáng Sinh, tất cả những lời nói về Chúa Kitô trong Cựu ước đều được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu ( GS ), ngày nay không ai nghi ngờ gì nữa.
    Những lời tiên tri này nói về con người của Ngài, về các hành động và giáo lý của Ngài, trực tiếp hoặc gián tiếp ( có tính cách ẩn ý ).
    Việc ứng nghiệm tất cả những lời tiên tri là một trong những lý do cho chúng ta nhận ra rằng Thánh Kinh được Chúa Thánh Thần linh ứng. Chúa GS biết rằng những lời tiên tri về Đấng Méssia đều có liên hệ đến Ngài. Khi đọc sách Isaia trong Hội đường Nazaret, Chúa GS khẳng định : "Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe"( Lc 4,21 ). Đối với những người Pharisieu không chịu tin vào Chúa, Ngài nói : "Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về Ta"( Jn 5,39 ).
Thánh sử Matthêu tự giới thiệu trong Tin Mừng của mình cho thấy rằng Chúa GS là Đấng Méssia, dựa trên những lời loan báo từ Cựu ước.
    Những lời tiên tri nói về Chúa GS có từ hàng nghìn năm trước, ngay cả theo quan điểm thống kê, về khả năng ứng nghiệm, nó thực sự đòi hỏi một sự can thiệp của Thiên Chúa ( TC ), đặc biệt là Chúa Thánh Thần. Người viết bài này chỉ xin chọn một số ít những lời tiên tri liên quan đến những khía cạnh quan trọng nhất và chúng đề cập đến những khoảnh khắc tuyệt vời nhất về cuộc đời của Đức GS trong lịch sử nhân loại :
        a. Sự Giáng Sinh :
            - Sáng thế 49,10 : "Vương trượng sẽ không rời khỏi Giuđa, gậy chỉ huy sẽ không lìa đầu gối nó, cho đến khi người làm chủ vương trượng đến, người mà muôn dân phải tuân phục."
            - Mikha 5,1 : "Phần ngươi, hỡi Bé1lem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lĩnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ trước, muôn thuở muôn đời.
            - Isaia 7,14 : "Này đây, một Trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ một Con Trai, và đặt tên là Emmanuel"
            - Isaia 9,1 : "Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi."
           
            Các lời trên ứng nghiệm lời Kinh Thánh Tân ước : Lc 2,1-20 v Mt 2,1-12 v Mt 4,12-16 v Jn 1,9-11v14.
                
        b. Cuộc khổ nạn :
              - Isai 50,5-7 : "Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế tôi không hổ thẹn, vì thế tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng."         
             - Isaia 53,3 : "Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ tột cùng và nếm mùi bệnh tật. Người như kẻ ai thấy cũng muốn che mặt không nhìn, bị chúng khinh khi, không đếm xỉa tới."
            - Tv 41,10 : "Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con."
            - Isai 53,7 : "Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng."
            - Isaia 53,4-5 : "Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta; còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt, bị TC giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, bởi sự sửa phạt Người chịu để chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người chúng ta được lành bệnh."
            - Tv 69,22 : "Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng/ Con khát nước lại cho uống giấm chua."
            - Dacaria 12,10 : "Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một."
            - Tv 22,18 : "Áo mặc ngoài chúng đem chia chác/ Còn áo trong cũng bốc thăm luôn."
            - Isaia 53,9 : "Người bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa."
            - Isaia 53,12 : Lời Chúa Thượng phán :"Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thật ra nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi."
            - Hình tượng con rắn đồng bị treo lên để dân tỏ lòng ăn năn, hướng mắt nhìn thấy và được cứu chữa : x Ds 21,4-9.
            
            Các lời trên ứng nghiệm lời Kinh Thánh Tân ước : Jn 1,11 v Mc 14,10 v Mt 26,62-63 v Mt 8,16-17 v Mt 27,38-40 v Jn 19,29-34 v Mc 15,24 v Mt 27,38-57-60.

        c. Sự Phục Sinh :
            - Tv 16,10 : "Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung hư nát trong phần mộ."
            - Tv 22,10 : "Yavê cho phục hồi kẻ đã hiến mình làm hy sinh tạ tội, Ngài sẽ được thấy dòng giống, sẽ thọ trường niên."

            Ứng nghiệm lời Kinh Thánh Tân ước : Mt 28,5-10 v Mc 16,6-15 v Lc 24,1-46 v Jn 20,1-29.
    Lc 24,46 cho thấy một cách đầy đủ, tổng quát :"Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại."

        d. Lên trời :
             - St 5,54 : "Sau khi đi với TC, ông không còn nữa, vì TC đã đem ông đi"( nói về ông Kha-nốc được cất lên trời ).
            - II V 2,11 v 1 Mcb 2,58 v Hc 48,9 : "Đức Chúa đem ông Ê-li-a lên trời trong cơn gió lốc." 
    Ông Kha-nốc và ông Ê-li-a được TC cất lên trời là hai hình ảnh phản chiếu dự báo việc lên trời của Chúa GS.          
            - Tv 68,19 : "Ngài đã lên cao, dẫn theo một đám tù, nhận đám người này làm lễ vật triều cống, cả những quân phản nghịch cũng phải ở bên cạnh Chúa Trời."
            
            Ứng nghiệm lời Kinh Thánh Tân ước : Lc 24,50-51 v Cv 1,6-11 v Mc 16,19.
           

2. Những tình huống xảy ra với người đời :
    Có những điều bất ngờ mà ta không thể nào biết được, thậm chí có khi ta không thể nào hiểu được, đến một lúc nào đó xảy ra thì ta mới hay. Trong lịch sử nhân loại cũng thế, có những lời như lời báo trước, người phát ngôn chưa hẳn đã là ngôn sứ. Tức là họ không được tuyển chọn giữa muôn dân, nhưng tình cờ họ nói ra lại là đúng, hoặc một thời khắc nào đó lại được ứng nghiệm. Tình cờ mà hữu ý.

    Vào khoảng năm 1978, có một phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc quý phái. Chị ta dẫn một đứa bé thoạt chừng bảy tuổi đến thăm Đức Cha Nguyễn Như Thể tại Tòa GM Huế. Mới bước vào, hai mẹ con vừa cúi đầu chào Đức Cha, bất ngờ đứa bé la lên : "Ông Cha đầu trọc !"
        Đức Cha tươi cười vui vẻ, Ngài liền nói :
"À, đầu cha bị hói. Con đừng nói hỗn mà con ngựa nó cắn đấy !" 
    Ở đó làm gì có ngựa. Nghe đâu, chiều lại hai mẹ con đi vào Thượng Tứ chơi, người mẹ dẫn con tham quan một chuồng ngựa của một chủ chăn nuôi ở gần đó. Đứa bé lấy cỏ cho ngựa ăn, bất ngờ bị ngựa táp mạnh vào tay, lúc này hai mẹ con mới nhớ lại lời của Đức Cha nói hồi sáng khi hai mẹ con đến thăm Ngài.

    Khi tôi dạy giáo lý cho một đôi bạn trẻ sắp kết hôn. Qua thời gian học tập hoàn tất chương trình giáo lý, hai bạn này cùng với người nhà lên VP giáo xứ gặp Linh mục phụ trách, xin được làm phép Hôn phối. Sự việc diễn ra khá phức tạp qua một vài lần gặp gỡ đối thoại giữa phụ huynh và Cha phụ trách, người nhà có vẻ không hài lòng. Cha phụ trách là người từ nơi khác mới thuyên chuyển về giáo xứ. Phụ huynh bên nhà trai là một người mà tôi quen biết, em trai là học trò cũ của tôi trước đây học ở trường. Chị phụ huynh kể câu chuyện hơi dài, vì sự tế nhị tôi không muốn viết ra ở đây... Bất ngờ chị nói rằng : "Biết đâu, qua chuyện này, mai mốt Cha không cho Thầy dạy giáo lý nữa !"- Câu nói ngắn trước khi chị ấy ra về, thế mà hoàn toàn đúng. Từ ngày đó đến nay tôi không còn đảm trách việc dạy giáo lý tại nhà thờ cho những đôi hôn nhân, những trường hợp đặc biệt và các khóa dự tòng.
    Tôi nghĩ, mọi sự không ngoài ý Chúa. Đây là thời gian tôi cần sự nghỉ ngơi để lo cho công việc gia đình, nhất là khi vợ tôi lâm vào tình trạng bệnh nặng y học đành bó tay. Bản thân tôi cũng bị đau chân, rất khó đi lại. Khám ở Bv Tâm Anh Saigon, kết quả MRI cho biết tôi bị viêm khớp. Tôi đã uống thuốc theo toa của bác sĩ. Tôi cầu nguyện nhiều, xin ơn chữa lành của Chúa cho vợ tôi và cả cho tôi nữa, chứ không có cách nào khác, vì chỉ có Chúa quyền năng mới làm được những phép màu kỳ diệu. Tôi xin và tin điều đó xảy ra.

 
Một câu chuyện được Đức cố HY.FX Nguyễn văn Thuận viết trong cuốn "Chứng nhân Hy vọng" như sau :
    Hôm đó, trên chuyến bay từ Ý qua Mỹ, mang theo một số Giám mục vừa dự Công đồng Vatican II về, có một cô chiêu đãi viên rất xinh đẹp. Sau chuyến bay, cô rất bực mình vì một đôi mắt cứ nhìn chòng chọc vào cô, và đôi mắt đó không là ai khác hơn là Đức Cha Fulton Sheen, vị tông đồ lừng danh của nước Mỹ. Khi phi cơ hạ cánh, đợi cho các hành khách xuống hết vị Giám mục mới tiến đến trước mặt cô, nói nửa nghiêm trang nửa bông đùa :
        - Cô đẹp lắm ! Cô hãy cám ơn Chúa vì đã cho cô xinh đẹp !
    Vài hôm sau, có tiếng gõ cửa văn phòng của Đức Cha Fulton Sheen, cô chiêu đãi viên hôm nọ xuất hiện. Nàng cúi đầu chào và vào đề liền :
        - Thưa Đức Cha, câu nói của Đức Cha làm con suy nghĩ mãi. Con phải cám ơn Chúa thế nào ạ ?
        - Cô biết trại cùi Di Linh ở Việt Nam chứ ?
        - Vâng, con đọc báo có nghe đến !
        - Chúa đã lấy hết sắc đẹp của những người cùi ở đó mà ban cho cô, cô hãy qua bên đó mà an ủi họ.
    Lời nói đã đánh động con tim. Chỉ từng ấy ! Cô chiêu đãi viên sau đó trút bỏ cả tương lai huy hoàng, khoác bộ áo nữ tu; sau một thời gian tập sự học hỏi, đã tình nguyện sang Việt Nam phục vụ, ngay giữa những người cùi Di Linh, để cám ơn Chúa vì đã ban cho mình sắc đẹp. 

   Viết đến đây, tôi nhớ thêm những chuyện liên quan đến một vài văn nghệ sĩ. Chuyện tuy xưa, nhưng vẫn còn đọng lại cảm xúc trong lòng mỗi người yêu âm nhạc và nghệ thuật sáng tác.
    Hàn Mặc Tử từ giã cõi đời ở tuổi 28, thì Nhạc sĩ Đặng Thế Phong tài hoa, rất tài hoa, lại ra đi sớm hơn lúc ông chỉ mới vừa 24 tuổi đời, sau khi ông vướng phải căn bệnh lao - một căn bệnh nan y thời bấy giờ. Đặng Thế Phong sinh năm 1918 và mất năm 1942, ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của nền tân nhạc tiền chiến, như sự ra đời của thơ mới trong lĩnh vực thi ca vậy.
    Bố mất sớm, đời sống gia đình khó khăn, ông tự lập khi tuổi còn nhỏ. Để có tiền đi học, ông nhận vẽ tranh truyện. Ông cũng tự học nhạc lý, tự học đánh đàn guitar và mày mò viết nhạc. Lúc theo học dự bị tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, trong một kỳ thi ông đã vẽ một bức tranh trong đó có một thân cây khẳng khiu, rất đẹp nhưng bị cụt ngọn. Họa sĩ người Pháp Tardieu khen ngợi khi chấm bài ông, nhưng lại nói câu : "E Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được !"
    Nghe chuyện này xong, nhớ giai thoại về Đặng Trần Côn ở thế kỷ XVIII : Một học giã Trung Hoa sau khi đọc xong tác phẩm "Chinh Phụ Ngâm" viết bằng chữ Hán, ông nói, người này nhiều lắm là 5 năm nữa sẽ chết, vì tinh hoa đã trút ra hết cả đây rồi.
    Đặng Thế Phong để lại cho đời khoảng bốn ca khúc : Đêm thu, Giọt mưa thu, Con thuyền không bến và Gắng bước lên chùa. "Gắng bước lên chùa" là một nhạc phẩm mới tìm ra sau này. Trong số đó, tôi thích nhất là bài : "Giọt mưa thu" và "Con thuyền không bến". Những ca khúc mà tôi tin rằng, không chỉ thế hệ tôi, mà ngược về trước, thế hệ ba má tôi, các chú tôi cũng vô cùng yêu thích.
    Gần một nửa thế kỷ trôi qua mà những bài ca, những giọng hát, vẫn cứ được xuýt xoa, tấm tắc, khen ngợi trong mỗi lần nghe, trong mỗi lần cất lên, là chuyện hiếm lắm, khi mà tác giả chỉ mới ở ngưỡng 24 tuổi thôi ( nhận xét của Phạm Hiền Mây qua fb ).
    Còn Đặng Trần Côn, ông đã để lại "Chinh Phụ Ngâm"- một tác phẩm thơ, tuy ngắn hơn truyện Kiều, nhưng cũng không thua gì truyện Kiều, ông cũng đi theo con đường định mệnh như một học giã người Trung Hoa đã nói và đã ứng nghiệm.
    Theo nhạc sĩ Doãn Mẫn thì Đặng Thế Phong là nhạc sĩ tiền chiến có những sáng tác mang đậm hồn dân tộc nhất : "Đặng Thế Phong là người hết sức tài hoa, chơi được rất nhiều nhạc cụ. Đáng tiếc, anh mất quá sớm. Có thể nói sự ra đi của anh là một mất mát lớn đối với bạn bè và cả những người yêu mến âm nhạc VN".
    Cả hai nhà họ Đặng : Đặng Thế Phong và Đặng Trần Côn, hai con người hai thế hệ khác nhau, đều đã làm ứng nghiệm lời của những người báo trước về số phận cuộc đời họ.


    Tương tự hai trường hợp trên của Đặng Thế Phong và Đặng Trần Côn, một lời tiên tri cách đây gần 2000 năm tiên báo về tình trạng và thái độ sống của nhân loại : "Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh...Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường"( 2 Tm 4,3-4 )( Lời Phaolô gởi Timôthê trong thư thứ 2 ).
    Có lẽ lời tiên tri ấy cũng đã ứng nghiệm, đúng với thời điểm bây giờ. Ngày nay người ta thích đọc những thông tin giật gân hơn là đọc Kinh Thánh. Tôi biết có người nói rằng lúc nào nhà họ cũng có một cuốn Kinh Thánh, có thể họ đặt lên bàn thờ cho bụi bám dày nhưng ít khi họ mở ra đọc. Người ta đọc rất nhiều sách báo mạng, báo xã hội, nhưng lại bỏ qua cuốn sách quan trọng - đó là Thánh Kinh, vì đây là lời Thiên Chúa ( TC ) nói với nhân loại, TC mặc khải cho loài người. Người ta lãng phí cuộc đời và năng lượng của họ trước một cái ti vi, trước một cái điện thoại... vào vô số những thứ nhảm nhí, nhưng lại lơ là đối với điều duy nhất thật sự quan trọng : Tìm thấy TC.

    Nói đến Thánh Kinh, sau đây cũng là những tình huống xảy ra với người đời liên quan đến Chúa Cứu thế, về sự Giáng sinh và cái chết của Ngài.
    Khi Chúa GS sanh ra, có những người chăn chiên thức đêm canh giữ đàn vật, họ được Sứ thần Chúa mách bảo : "Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : Hôm nay, một Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David, Người là Đấng Kitô. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người : Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ". Khi các Thiên sứ từ biệt mấy người chăn chiên, những người này bảo nhau : "Nào chúng ta sang Bélem để xem sự việc xảy ra, như Chúa đã tỏ". Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi họ gặp Mẹ Maria, Thánh Giuse, cùng với Hài Nhi  nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói cho họ về Hài Nhi. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Mẹ Maria thì hằng nhớ mọi kỉ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng TC, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ ( x Lc 2,8-20 ). 

    Tin Mừng Gioan ghi lại việc Chúa GS làm phép lạ cho Lazarô sống lại, trong số những người Do Thái đến thăm được chứng kiến việc Chúa GS làm, có nhiều kẻ tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pharisieu và kể cho họ những gì Chúa GS đã làm. Các Thượng tế và các người Pharisieu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : "Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Roma sẽ đến phá hủy nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta". Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Caipha, làm Thượng tế năm ấy nói rằng : "Các ông cũng chẳng nghĩ điều lợi cho các ông là : Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt". Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là Thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức GS sắp phải chết thay cho dân, và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái TC đang tản mác khắp nơi về một mối ( x Jn 11,45-52 ).

3. Vị ngôn sứ lớn nhất thời đại :
    Nói gì thì nói, nhưng vị Ngôn sứ lớn nhất thời đại không ai khác chính là Đức Giêsu. Hơn 2000 năm qua Ngài đã nói những gì, và cho đến hôm nay lời Ngài ứng nghiệm ra sao ?
    Các Môn đệ ngày xưa thay mặt chúng ta, đã gặp riêng Chúa Giêsu và thưa : "Xin Thầy nói cho chúng con hay....điềm lạ nào để biết ngày Thầy quang lâm và ngày tận thế ?"( Mt 24,3 ), Thánh sử Maccô ghi : "Khi tất cả sắp đến hồi chung cục thì có điềm gì báo trước ?"( Ông ta cũng hỏi Chúa Giêsu )( Mc 13,4 ) - Đấy là những câu hỏi. Chúa Giêsu trả lời như thế nào ? Xin trích dẫn Kinh Thánh :
Đức Giêsu đáp : "Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến mà nói rằng : Chính Ta đây là Đấng Kitô, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã; coi chừng đừng khiếp sợ, vì những việc đó phải xảy ra, nhưng chưa phải là tận cùng. Qủa thế, dân này sẽ nỗi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn".
"Bấy giờ người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người ( câu này lặp lại 2 lần ). Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ trở nên nguội lạnh. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát" ( x Mt 24,4-13 v Mc 13,5-13 ). Đúng là hai tác giả Tin Mừng Matthêu và Maccô được Chúa Thánh Thần linh ứng, hướng dẫn, giọng văn và những chi tiết na ná giống nhau. Cả hai đều có ghi câu cuối : "Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát"( Mt 24,13 v Mc 13,13 ). 
    Đọc trong Kinh Thánh ta thấy quá rõ ràng. Chúa nói quá rõ rồi, không cần phải nghe những lời đồn đoán nữa. Không có Sứ điệp nào bằng Sứ điệp Phúc âm. Ta hãy tin vào Phúc âm vì Phúc âm là Lời Chúa : "Trời đất có qua đi, song những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu"( Mt 24,35 v Lc 21,33 v Mc 13,31 ). Lời Chúa phán chắc như đinh đóng cột. Và ta cũng hãy nghe thêm câu này : "Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em"( Mt 24,4 )
Thế giới ngày nay, những hiện tượng thiên nhiên : động đất, sóng thần; rồi chiến tranh, tai ương, giặc giả xảy ra khắp nơi.v.v...Những kẻ mạo danh lại quá nhiều, họ tự xưng mình là Kitô, là ngôn sứ, là Hội Thánh Phục hưng, Hội Thánh Đức Chúa Trời, Sứ điệp từ trời, Nhóm trừ quỷ từ nhà Chúa Cha.v.v... họ "lừa gạt cả những người đã tuyển chọn" như lời Chúa đã cảnh báo : Mt 24, 4 v 11 v 24. Chúa biết trước mọi sự. Phân đoạn Tin Mừng trích dẫn ở trên, trình bày quá đầy đủ, ai cũng có thể đọc và tự suy gẫm lấy.
Trong Tin Mừng dấu hiệu về ngày thế mạt, Chúa nói quá rõ, không cần gì ai phải nói thay Ngài.
    Chúa GS đã nhìn thấy có hai nguy cơ đe dọa Giáo Hội trong tương lai :
        1.Nguy cơ của các tiên tri giả, hay là những người lãnh đạo giả. Họ là những người tìm cách truyền bá quan niệm riêng của mình về chân lý của Chúa GS. Họ là những người gieo rắc những ý tưởng riêng của mình nhiều hơn là Chân lý của Đức Chúa Trời. Và trên hết, họ là những người tìm cách lôi kéo người khác đến với họ hơn là đến với Chúa. Hậu quả không tránh được là họ gây ra sự chia rẽ hơn là xây dựng sự hiệp nhất.
        2.Mối đe dọa thứ hai là sự nản lòng. Lòng yêu thương của một số người sẽ bị nguội lạnh vì tình trạng vô kỷ cương càng ngày càng gia tăng trong thế giới. Người tín hữu chân thật là người giữ vững niềm tin dù niềm tin đó gặp khó khăn, dù trong những hoàn cảnh có thể nản lòng, họ vẫn vững niềm tin nơi cánh tay quyền năng của TC.
Trên đây là những dấu chỉ nói về Ngày Tận thế, còn nói về ngày Chúa Quang lâm và phán xét, xin mời đọc và tìm hiểu từ các trang Kinh Thánh : Mt 24,29-31 v Mc 13,24-27 v Lc 21,25-28 v Cv 2,17-21 ( Người viết không muốn trích dẫn thêm nữa vì bài viết đã dài ).
    Không những thế, Lời Chúa còn cho chúng ta cảm nghiệm thêm nhiều vấn đề khác liên quan đến đời sống cá nhân và thế giới. Chúa GS là vị Ngôn sứ lớn nhất của thời đại, Tin Mừng mà Đức GS rao giảng được cả cuộc sống và cái chết của Ngài minh chứng - không những là một bài học luân lý cao đẹp, mà là một mặc khải tự nhiên về một TC yêu thương và cứu độ. Đức GS được sai đến trần gian là để đem Tin Mừng cứu độ cho người nghèo. Cả Isaia và Chúa GS đều công khai bày tỏ "Tin Mừng loan báo cho kẻ nghèo hèn" ( Is 1,12 v Lc 4,18b ). Chúa GS lấy lời Ngôn sứ Isaia để nói về mình : "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó" ( Isaia 1,12 v Lc 4,18 ) - Từ "người nghèo khó" được nhắc đi nhắc lại trong toàn bộ Phúc Âm, như muốn gởi một thông điệp người nghèo là đối tượng cần chú ý quan tâm nhiều nhất.
    Tin Mừng Cứu độ cũng được cụ thể qua dụ ngôn "Khách được mời" trong Lc 14, 15-24. Dụ ngôn này mô tả bữa tiệc được chuẩn bị sẵn sàng thì những người khách được mời lại từ chối. Người thì viện lý do buôn bán bất động sản (  mới mua đất cần đi thăm ), người khác mới tậu năm cặp bò phải đi thử, người khác nữa mới cưới vợ không đến dự tiệc được...và họ nhất loạt xin kiếu. Cuối cùng, thành phần tham dự bữa tiệc là những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt; những người này có phúc ở chỗ không bị chi phối bởi những lý do bên ngoài, nhờ đó họ sẵn sàng đón nhận điều được ban là dự tiệc. Bữa tiệc trong dụ ngôn này ám chỉ bửa tiệc Nước Trời ( Lc 14,15 ). Ngược lại, người giàu lo vui hưởng hạnh phúc chóng qua đời này và không chọn hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời làm gia nghiệp, nên họ bị coi là người khốn. Cuộc đời ai cũng thế thôi, có ai sống mãi với thời gian và của cải mình sắm đâu, do đó cần biết chia sẻ và giúp đỡ người khác. Ta không thể thản nhiên vui chơi sung sướng khi bên cạnh ta còn có người nghèo đói. Làm việc bác ái, từ thiện, giúp đỡ người nghèo là việc tự nhiên, việc bổn phận, chứ không phải là một thách đố. 
    Con người gắn liền với nhu cầu vật chất. Giàu có là điều kiện để sống, thế nhưng, Chúa Giêsu lại nói : "Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có"( Lc 6,24 ). Ớn thật ! Lời nói này chắc chắn phải đụng chạm đến những người đang bon chen, chạy vạy, lo làm ăn, để tìm kiếm của cải vật chất. Càng dễ đụng chạm hơn với giới Lãnh đạo, như giới Lãnh đạo Do Thái xưa. "Thu trữ của cải thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì ?" - Câu nói này cũng là câu nói của Chúa Giêsu ( Mc 8,36 ), lại càng đụng chạm hơn nữa.
    Người thanh niên trong Tin Mừng Matthêu chương 19, Tin Mừng Luca chương 18 là người giàu có. Tuy anh nhận thấy Chúa là Đấng tốt lành và anh muốn theo. Nhưng chính cơ ngơi, gia tài của cải  anh có đã níu kéo anh lại, ràng buộc anh, không cho anh trở nên người môn đệ của Đức Giêsu ( x Mt 19, 17-22 v Lc 18, 18-23 ).
    Thật đáng buồn khi Con TC xuống thế làm người lại bị chính con người là tạo vật của Ngài hành hạ, chế giễu. Nỗi đau Chúa chịu vừa thể xác lẫn tinh thần. Nhưng đây chính là chương trình và ý định của TC để cứu rỗi nhân loại, hoàn toàn ứng nghiệm lời các Ngôn sứ báo trước. Trong những lời chỉ bảo sau hết cho các Tông Đồ, Chúa GS đã nói rõ : "Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môisê, các sách Ngôn sứ và các Thánh vịnh đã chép về Thầy đều đã ứng nghiệm" ( Lc 24,44 ).

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến trong con, để con nhận biết được việc Chúa làm và lời Chúa nói, vì con tin rằng : "Ở giữa trần gian, không do trần gian, nhưng Chúa cho trần gian với những phương tiện sẵn có của trần gian, để xây dựng Nước TC ngay ở trần gian."( Lời của Đức cố HY.FX Nguyễn văn Thuận ).
    Cám ơn Chúa đã ban Lời Ngài - Lời Hằng sống. Xin cho con nhạy bén với Lời Chúa, biết ăn năn những tội lỗi mình để con không sa vào con đường của sự chết.
    Qua lời tiên tri về cuộc đời của Chúa đã ứng nghiệm, con xin tạ ơn Chúa vì tình yêu Ngài dành cho con thật lớn lao. Bởi tội lỗi con mà Chúa phải chịu đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Xin cho con luôn biết ơn Chúa và vững lòng theo Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào. Xin cho vợ con được lành bệnh để nàng cùng sống với con vào những giây phút rốt hết của cuộc đời.

JB.SĨ TRỌNG.

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Tự khúc




THỨC ĐÊM

Thức khuya thấy đói bụng,
Không   biết   lấy   gì   ăn
Nằm bâng khuâng trở mộng,
Bên   gối   một   vầng   trăng.



DẤU TÍCH

Giọt tình sóng sánh trên môi,
Mưa tình rót xuống bể đời tang thương
Qua đường dừng gót bên đường,
Bước chân lãng tử còn vương bụi mờ.




"KHÒNG RÓC RÓC"
( Tặng Thích Nguyên Tâm )

Đời    đói    khổ,   đi   mô   đố   khỏi
Khóc ròng ròng chưa hết lệ can qua
Cũng   phải   biết   nghĩ   gì   để   nói,
Không  trời   buồn, hồn  khó  nở  hoa.



CẢM NGHIỆM 1.

Tôi biết viết gì khi chạm yêu,
Bàn tay Thiên Chúa vẽ bao điều
Đời tôi đủ lớn trong gian khổ,
Có Chúa cõi lòng chẳng cô liêu.




CẢM NGHIỆM 2.

Một mình Thiên Chúa - Đấng Thủy chung
Cho   dẫu  là   tôi  tội   lỗi   cùng  
Thiên Chúa không hề buông tay bỏ,
Dịu   dàng   trong   cử    chỉ    bao   dung.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Tác giả những câu thơ tưởng là ca dao



    Dân gian truyền miệng có mấy câu nói về ba ông Tú :            
            "Tú Xương, Tú Mỡ, Tú Be
            Trong ba ông ấy nên nghe ông nào ?
            Nhân dân bàn tán xôn xao :
            Trong ba ông ấy, ông nào cũng nghe."
Ông nào cũng nghe vì ông nào nói cũng đúng, ông nào nói cũng có lý cả. Cả ba ông đều là những nhà thơ trào phúng, dùng ngòi bút của mình để châm biếm xã hội. Thời nào cũng vậy, xã hội luôn có cái để trào lộng, để châm biếm. Tú Xương sinh năm 1870, người làng Vị Xuyên, tỉnh Nam Định. Xuất thân nhà nghèo, con đông, nghề dạy học lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn. Thơ ông nổi tiếng, nhưng giản dị, bình dân và linh hoạt. Nhiều sáng tác trình bày tâm sự đau đớn, xót xa, ngạo đời, ngỗ nghịch. Thế nhưng, trong bài "Sông Lấp", ta không ngờ Tú Xương lại có cách viết thật dễ thương, mới đọc tưởng chừng như đó là những câu ca dao :
            "Sông kia rày đã nên đồng,
            Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
            Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
            Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò."
Đây cũng là một lời tiên đoán trước về thời cuộc, về sự thay đổi "tang điền biến vi thương hải" của cuộc đời dâu bể mà sự thật ngày nay ai cũng dễ trông thấy. Không nhất thiết phải là lục bát, với cách viết hiện đại hơn cũng có thể nói được : Lối mòn xưa bây giờ phố xá / Người đầu rừng cuối rú tìm nhau. Nơi tôi ở trước đây là nương rẫy, bây giờ nhiều nhà cửa, tiệm tạp hóa, quán cà-phê và quán nhậu mọc lên. Đất đai trở thành tài sản quý báu, trái đất không nở ra mà con người sanh ra ngày càng đông, khắp nơi nhà máy và khu công nghiệp cũng mọc lên, bất động sản ngày mỗi tăng giá.
Lời bài thơ không chỉ đơn giản, dễ nhớ, mà còn chứng tỏ rằng : đằng sau những câu thơ trào phúng, thích mỉa mai diễu cợt xã hội, Trần Tế Xương còn nói lên tâm trạng tiếc nuối quá khứ đã xa và bất lực trước thời cuộc.

    Lục bát vẫn quen thuộc nhất, hai câu thơ quí hơn vàng ngọc, khá thân thiện, hầu như ai cũng biết, ta thường nghe trong lời mẹ hát ru con giữa buổi trưa hè tưởng chừng như ca dao :
            "Hỡi cô tát nước bên đàng,
            Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi."
Thưa, không phải là ca dao. Hai câu này nằm trong bài thơ "Tiếng hát trong trăng" của nhà thơ Bàng Bá Lân viết năm 1934. Đúng là xưa, tác giả sinh năm 1912. Xưa, mà lại quá hay, quá đẹp nên ai cũng tưởng là ca dao. Xin đăng lại nguyên bài trong tập "Tiếng thông reo" xuất bản năm 1934 :
            "Trời cao mây bạc trăng tròn
            Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
            Diều ai gọi gió véo von,
            Cành xoan đùa ánh trăng xoan dịu dàng
            Hỡi cô tát nước bên đàng,
            Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?"

Tương tự như trường hợp "Tiếng hát trong trăng" của Bàng Bá Lân, ta sẽ gặp bốn câu thơ sau đây là của Á Nam - Trần Tuấn Khải trong bài "Nhớ quê nhà", rất nhiều người lầm nó là ca dao :
            "Anh đi anh nhớ quê nhà,        
            Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
            Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
            Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao."

    Tôi có người bạn đồng nghiệp gốc Bình Định, dạy bộ môn Hóa-Sinh, trong bài viết này tôi muốn trích dẫn những câu sau để tặng :
            "Ai về Bình Định mà coi,
            Đàn bà xứ nẫu cầm roi dạy chồng
            Múa cây nhị khúc bên dòng
            Sông Côn đất võ tiếng đồn còn vang"
Cũng như những trường hợp trên, mới nghe tưởng chừng ca dao, nhưng thật ra đó là khổ thơ thứ 10 của bài thơ "Tên gọi những dòng sông" của nhà thơ Phan Hòa ( cùng tên với người bạn đồng nghiệp của tôi ).

    Văn hóa Tàu lại ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn hóa Việt Nam vì dân tộc VN hơn 4000 năm văn hiến, thì hơn một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ. 
    Bốn câu sau đây ai cũng thuộc nằm lòng, ngay thời tiểu học đã học qua sách giáo khoa nên ai cũng tưởng là ca dao :
            "Cày bừa đang buổi ban trưa,
            Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
            Ai ơi bưng bát cơm đầy,
            Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần."
Thật ra, bốn câu thơ trên nằm trong bài thơ "Mẫn nông" của Lý Thân, một nhà thơ Trung Quốc, chẳng qua thời đó hoàn cảnh sống của người dân nước họ cũng giống dân mình :
            "Sừ hòa nhật đương ngọ
            Hãn trích hòa hạ thổ
            Thùy tri bàn trung xan
            Lạp lạp giai tân khổ."
Ngày xưa, lúc còn thơ bé, được ông bà dạy rằng "Hạt gạo là hạt ngọc của trời". Thắc mắc vì sao ? Ông bà trả lời cho biết vì vất vả lắm mới làm ra được hạt gạo. Ăn một chén cơm là bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bằng sự cực nhọc của người nông phu suốt ngày trên ruộng lúa. Đúng là "dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần".

    Thời canh nông chưa phát triển, người nông dân VN lao động rất khổ sở với những công cụ thô sơ, đời sống nhọc nhằn phản ánh qua ca dao :
            "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
            Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa".
Cả chồng và vợ đều phải ra đồng, làm lụng chân lấm tay bùn như thế mới có được miếng cơm manh áo, rồi nuôi con ăn học. Ca dao diễn tả đúng hiện thực, hai câu thơ ấy lại có mặt trong bài  "Về làng" của nhà thơ Nguyễn Duy. Nó nằm trong khổ thơ thứ ba, nhà thơ đã đổi chữ "trên", "dưới" thành chữ "vẫn"; vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh :
            "Chiến tranh như trận cháy làng,
            Bà con ta trắng khăn tang trên đầu
            Vẫn đồng cạn, vẫn đồng sâu
            Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa
            Đường làng cây cỏ lưa thưa, 
            Thanh bình từ ấy sao chưa có gì ?"

    Hồi còn nhỏ, quê nhà buổi trưa thanh vắng, tôi từng nghe tiếng hát ru em của mẹ tôi với những câu sau đây :
            "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
            Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
            Xanh kia thăm thẳm từng trên,
            Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?"
Mẹ tôi thuộc lòng, Mẹ tôi không biết là của ai. Lớn lên đi học, vào học cấp hai, rồi PTTH, tôi mới biết đó là những câu mở đầu trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn. "Chinh phụ ngâm" hay còn gọi là "Chinh phụ ngâm khúc" là một kiệc tác của văn học VN được viết bằng chữ Hán, ra đời vào khoảng năm bốn mươi của thế kỷ 18, giữa lúc chữ Nôm đang phát triển cực thịnh. TS Phan Huy Ích - Một quan đại thần thời ấy có công dịch thuật và chuyển thành thơ song thất lục bát, một thể thơ rất gần gũi và dễ đọc với người dân Việt. "Chinh phụ ngâm" là khúc ngâm của người vợ có chồng đi chinh chiến, kể về nỗi khổ, nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhung khi hai người phải sống xa cách. Một tác phẩm, một khúc ngâm đầy tính ướt lệ mà theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Xuân Hãn, "từ thành thị đến nông thôn, không mấy ai mà không biết một vài câu".

    Ở miền Nam thì không ai mà không biết bài hát "Còn thương rau đắng mọc sau hè". Rau đắng là loại rau thường ăn kèm với bún chả cá hoặc bánh canh cá lóc. Ở Long Khánh, hai món ăn này có bán tại đường Thích Quảng Đức và đường Trần Phú. "Còn thương rau đắng mọc sau hè", nghe mấy câu sau ai cũng tưởng là ca dao, vì nó mang âm hưởng dạt dào của dân ca Nam bộ :
            "Trời mưa nước ngập ruộng sâu,
            Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
            Mưa là mưa lũ mưa dầm,
            Hẹn mùa, rau đắng mọc quanh thềm nhà".
Bài hát "Còn thương rau đắng mọc sau hè" được Nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác, dựa trên cảm hứng từ một bài thơ rất dài có trích đoạn ở trên của Thi sĩ Nguyệt Lãng viết vào năm 1972. Nhạc sĩ Bắc Sơn sinh ngày 25.12.1931 tại Long Thành, Đồng Nai. Ông vừa mới qua đời ở Thủ Đức.

    Có lần tôi đến một xóm đạo vùng quê, nghe tiếng hát của một bà cố ru cháu :
            "Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
            Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
            Một cơn gió thoảng là xong,
            Chốn xưa mình ở cũng không biết mình."
Tai nghe, cùng với giọng hát, cứ tưởng là ca dao. Thật ra, xuất xứ những câu trên nằm trong Thánh vịnh 103, câu 15-16. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy từ nguồn Kinh Thánh. Tương truyền, Thánh vịnh do vua David viết nên, nhờ cảm hứng bởi Chúa Thánh Thần. Hội Thánh Công giáo đã dùng các Thánh vịnh làm lời cầu nguyện, hát khen trong Phụng vụ bởi vì những lời ấy diễn tả thái độ mà mọi người cần có trước mặt Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, do cảm thụ Tin Mừng, người làm thơ có những câu thơ được viết theo thể thơ lục bát nên cũng từa tựa như ca dao :

B1.    MUỐI
( Mt 5,18 )

Anh em là muối cho đời,
Nếu muối mất mặn thì thôi còn gì
Trở thành vô dụng, quăng đi
Người ta chà đạp, tiếc chi cũng đành !


B2.   MEN
( Mt 13,33 )

Nước Trời như chuyện nắm men,
Một người phụ nữ muốn đem về dùng
Trộn vào ba đấu bột chung,
Đến   khi   bột   ấy   dậy   bùng  cả  lên.


B3.    ĐÈN
( Mt 5,15-16 v Lc 11,33 )

Nước Trời như một ngọn đèn,
Đặt ngay trên đế, chớ đem xuống thùng
Mọi người ánh sáng soi chung,
Ai   ai   cũng   thấy   và   cùng   sẻ   chia.


B4.   VIÊN NGỌC QUÝ
( Mt 5,13 )

Nước Trời giống chuyện thương gia,
Tìm viên ngọc quý, thấy và ra đi
Quyết lòng bán cả gia chi,
Mua  viên ngọc  ấy  đem về giữ riêng.


B5.   LƯỚI CÁ
( Mt 13,47-48 )

Nước Trời như chiếc lưới kia,
Thả tung xuống biển gom về cá tươi
Lưới bắt đủ loại cá rồi,
Người ta ngồi nhặt, lựa coi thế nào
Cá tốt bỏ giỏ, bỏ bao
Cá không sử dụng đổ nhào, ném đi.


B6.   HẠT CẢI
( Mt 13,31-32 v Mc 4,30-32 v Lc 13,18-19 )

Nước Trời giống hạt cải kia,
Khi gieo xuống đất, ô kìa mọc nhanh :
Hạt tuy nhỏ bé, mỏng manh,
Nhưng thành cây lớn lá cành xum xuê
Chim trời thích thú rủ rê,
Đậu  vào  làm  tổ, bay  về  nghỉ  ngơi.


B7.   MẮT
( Mt 6,22-23 )

Mắt là đèn sáng của thân,
Nếu mắt ta sáng, toàn thân sáng ngời
Nếu mắt ta xấu, thôi rồi !
Toàn  thân  tăm  tối  rối  bời  tâm  can.


B8.   LUẬT NHÂN QUẢ
( Mt 7,16-20 )

Vả nào có trái trên găng ?
Cây nào trái xấu chặt quăng lửa lò
Bụi gai không thể hái nho,
Nhìn xem hoa quả nhận ra con người.

    Nói gì thì nói, ta cũng không thể nào quên được người Nhạc sĩ tài hoa gạo cội, có trái tim yêu quê hương tha thiết với nhiều ca khúc có nhiều vần thơ lục bát, chiếm lĩnh lòng người qua những năm tháng sống ở VN cũng như hải ngoại. Người Nhạc sĩ ấy là Phạm Duy. Ông sáng tác Tình ca từ năm 1952, "Tình ca" là tình yêu của một người VN đối với quê hương đất nước mình. Yêu nước chính là yêu tiếng Việt, tiếng cha sanh mẹ đẻ của mình, yêu tiếng ru của mẹ của bà, tiếng hò ngoài đồng, tiếng hát và cả tiếng khóc tiếng cười theo mệnh nước nổi trôi. Cũng chính vì thế mà "Tình ca" Phạm Duy có nhiều câu từa tựa như ca dao. "Tình ca" của Phạm Duy, trong ba lời nhạc đều có ba khổ thơ lục bát ở phần kết :
            "Một yêu câu hát truyện Kiều,
            Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
            Và yêu cô gái bên nhà,
            Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên"

            "Người yêu thế giới mịt mùng
            Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam
            Làm sao chắp cánh chim ngàn,
            Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau".

            "Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
            Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
            Ruộng xanh tươi tốt quê nhà,
            Lòng tôi đã nở như là cánh hoa".

Wao ! Không những giản dị mà còn chất phát, chân thành. Tôi tin rằng những câu trên, người VN chắc có nhiều người thuộc. Ngôn ngữ thì cụ thể, giai điệu thì dạt dào. Phạm Duy đi vào hồn đất nước như một huyền thoại ca dao, chẳng khác nào nhạc sĩ An Thuyên từng gọi "ca dao em và tôi" - một tình yêu sâu thẳm, đậm đà.

     Kinh Thánh nói rằng có những cái không truyền thống nhưng lại trở nên rất truyền thống, cụ thể như :
            "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai ?"
Hai câu trên cũng thường nghe trong lời mẹ hát ru con nên cứ tưởng là ca dao, xin thưa có liên quan tới câu thứ 3210 trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Người dân VN từ trẻ đến già, hầu như ai cũng biết đến Truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những kiệt tác truyện thơ của nền văn học VN. Tiếng Việt và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca. Ai trong chúng ta cũng từng được lớn lên từ câu Kiều qua lời ru của bà, của mẹ. Truyện Kiều dường như đã in sâu vào tiềm thức con người Việt, từ những câu đầu của tác phẩm :
            "Trăm năm trong cõi người ta,
            Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
            Trải qua một cuộc bể dâu,
            Những điều trông thấy mà đau đớn lòng."
Đúng là mang cả một triết lý thẳm sâu, gần gũi với con người, qua mọi thời đại đều dễ cảm thông chia sẻ. Với lời thơ lục bát nghe như một khúc ca dao, mà Phạm Duy đã đề cập: "Một yêu câu hát truyện Kiều". Đến đây ta thấy tâm hồn lớn và tư tưởng lớn lại gặp nhau, Nguyễn Du viết "Trăm năm trong cõi người ta" hoặc "Trải qua một cuộc bể dâu" thì Sa Giang Trần Tuấn Kiệt viết "Trăm năm là mấy trời giông bão", Kim Ân viết "Trải qua bao cuộc khóc cười", còn Bùi Giáng thì lại viết "Trăm năm trong cõi sinh tồn", Phạm Nghiên viết "Trăm năm vạn giấc mơ qua", Nguyễn Anh Sơn viết "Trăm năm một cõi đi về" và "Trăm năm xin gởi kiếp này..." Cũng là "Trăm năm", hay "Trải qua", nhưng mỗi người có mỗi cái khác, suy tư cho đến ngàn đời...

    Tôi muốn trích dẫn lời phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, trong một Ngày Hội thơ VN :
"Hãy để thi ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người VN, trên mảnh đất thiêng liêng của dân tộc mình. Hãy để thi ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến với mọi số phận ở mọi miền đất nước, mọi xứ sở của yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Xin các nhà thơ cũng hãy cất lên bản hòa âm đất nước ! Xin tất cả những người yêu thơ ca hãy bước lên để đón nhận, để hưởng thụ, bằng vòng tay, bằng trái tim, bằng tâm trí mình, đón nhận những vẻ đẹp của dân tộc. Và một trong những vẻ đẹp đó là thi ca VN."

    Tác giả những câu thơ tưởng là ca dao thì nhiều nhiều lắm, không thể nào biết hết. Đi suốt dọc dài lịch sử, trong dân gian có những câu ca dao trên cả tuyệt vời, truyền tụng từ đời này sang đời khác :
            "Cô kia cắt cỏ bên sông,
            Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
            Sang đây anh nắm cổ tay,
            Anh hỏi câu này : Có lấy anh không ?"

            "Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn,
            Chèo qua Nhập Cảng đến Vạn Kim Long
            Sương sa gió mát lạnh lùng,
            Thuyền đi ngược sóng chạnh lòng đôi ta."

            "Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
            Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
            Quay tơ thì giữ mối tơ, 
            Dầu năm bảy mối cũng chờ mối anh."
    
            V.v...và v.v...
    Những câu trên, người viết bài này cũng không biết được tác giả là ai. Ca dao VN có nhiều câu bất hủ, âu trong dân gian cũng có những nhà thơ nhà văn nổi tiếng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đưa thơ ca của mình vào sự cảm thụ của dân chúng, bên cạnh đó họ được người dân yêu mến, mặc dù tạm thời người ta không biết tên không biết tuổi. Nổi tiếng mà không ai biết tên biết tuổi, sao gọi là nỗi tiếng được ? Thưa, vẫn nỗi tiếng như thường, vì những câu thơ của họ vẫn sáng trong, vẫn hiền hậu, vẫn sống mãi với thời gian, đi vào lòng dân chúng như những khúc ca ngọt ngào.

JB.SĨ TRỌNG.