Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Khám phá nét "độc" của Tình yêu


Nét "độc" ở đây cũng là nét "khủng", nét "bom tấn" như ngôn ngữ thường dùng bây giờ.
Mời đọc sách Cựu ước : Malachi 1,1-5. 
I. Cách diễn đạt ngôn từ :
Tại sao dân Israel nghĩ rằng Chúa không yêu họ ? Bằng cách nào Chúa chứng tỏ tình yêu của Ngài đối với họ ? Tình yêu đó có đặc điểm gì ?
Khi đối diện với nghịch cảnh, thật khó để tin rằng Thiên Chúa ( TC ) yêu thương chúng ta. Các việc xảy ra chung quanh dường như làm chứng nghịch lại với niềm tin ấy. Tuy nhiên, đó chính là sự thật mà Malachi đã ghi lại, TC vẫn yêu thương dân Israel cũng như Ngài thương yêu chúng ta cho dù cuộc sống chúng ta có ra thế nào.
Tình yêu của TC là sứ điệp trung tâm của Thánh Kinh. Cho nên Tiên tri Malachi bắt đầu cuốn sách của ông với lời khẳng định quả quyết "TC phán : Ta yêu các ngươi". Dân Israel lúc bấy giờ trở thành dân bội bạc, nên họ mới cãi lẽ : "Chúa yêu chúng tôi ở đâu ?"( Ml 1,2 ) hoặc "Tình yêu Chúa ở đâu mà chúng tôi không thấy ?". Họ đã đánh mất lòng tin, lòng yêu mến TC và nghĩ rằng TC sẽ không còn yêu thương họ. Nhưng Chúa phán : "Ta yêu các ngươi". Chúa phán "Ta yêu các ngươi" tức là Ngài đã yêu dân Israel trong quá khứ, nhưng vẫn yêu trong hiện tại và còn tiếp tục yêu ở tương lai, hay nói cách khác: "Ta yêu các con và vẫn còn tiếp tục yêu các con".
Trong Cựu ước, động từ "yêu" được dùng rất nhiều lần để xác chứng tình yêu của TC đối với con người. Tình yêu bao giờ cũng công bằng, có người không hiểu tới vẫn tưởng như có sự chênh lệch, nhưng không thể dùng bàn cân để cân được. Từ ban đầu Ngài đã yêu dân Israel nên Ngài đã lựa chọn và biệt riêng họ ra để phục vụ Ngài. Qua các tộc trưởng, Chúa ban phát dư dật cho họ, Chúa tiếp trợ dân Israel trong lúc bị thiếu thốn. Ngài giải cứu họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chúa chu cấp mọi nhu cầu cho họ trong đồng vắng. Ngài đem họ đến xứ đượm sữa và mật ong. Khi họ bị bắt làm phu tù, Ngài yêu thương cứu giúp và đưa họ trở về xứ sở mình...Lịch sử của dân Israel đầy ắp tình thương của TC : Khi họ vâng lời Chúa, Ngài yêu thương ban phước cho họ dư dật; khi họ khước từ Chúa, Ngài yêu thương sửa dạy họ. Tất cả cũng chỉ là yêu thương.
Và tại đây, trong phần đầu của sách Malachi, TC chứng tỏ tình yêu đó qua đời sống của Ê-sau và Gia-cốp. Ngài phán : "Ê-sau há chẳng phải là anh của Gia-cốp sao ? Nhưng Ta yêu Gia-cốp mà ghét Ê-sau"( Ml 1,2-3 ). Khi TC nói Ngài ghét Ê-sau và yêu Gia-cốp, thì chữ "ghét" được dùng theo ý nghĩa đối chiếu với "yêu". TC yêu Gia-cốp và ghét Ê-sau có nghĩa là Ngài yêu Gia-cốp nhiều hơn yêu Ê-sau, chứ không phải là một sự ghét bỏ hoàn toàn. Đó là nét độc đáo tình yêu của TC. Ghét không có nghĩa là không yêu.
Trong Tân ước, Chúa GS cũng dùng chữ ghét và yêu bằng lối so sánh đối chiếu này. Chúa nói trong Luca 14,26 : "Nếu có ai đến theo Ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình... thì không được làm Môn đệ Ta". Chữ "ghét" ở đây có nghĩa là "Ai yêu cha mẹ hơn Ta, thì không đáng cho Ta; ai yêu con trai hay con gái hơn Ta, thì cũng không đáng cho Ta"( Mt 10,37 ). Cũng là Lời Chúa, cũng là Kinh Thánh cả đó mà ! Như thế đây là cách diễn đạt ngôn từ, chứ không phải ngôn tình. Câu trong Tin Mừng Luca gây một sự hiểu lầm rất lớn, nhất là dân ngoại nếu đọc câu đó là họ không thể chấp nhận được vì họ cho rằng con người ta như thế là bất hiếu, bất trung với cha mẹ và những người thân trong gia đình. Ngay chúng ta thôi, có người vẫn còn ấu trĩ, khi người vợ qua đời gắn lên bia mộ cả hình của mình nữa, chứng tỏ tình yêu và sự chung thủy với vợ ( Ra nghĩa trang tôi thấy có trường hợp như vậy ) - Điều này có phải là họ yêu nhau hơn cả Đấng cứu mình không ?.
TC là Đấng vô thủy vô chung, nhưng đồng thời Ngài cũng là Đấng vô thưởng vô phạt. Ngài có cả thế giới, cả vũ trụ, Ngài chẳng thiếu gì, Ngài chẳng cần ai thưởng Ngài gì cả, mà chẳng ai phạt được Chúa điều gì. TC không bị ép buộc phải yêu Gia-cốp, Ê-sau hoặc bất cứ một người nào trên mặt đất này. Chúng ta không có gì xứng đáng để được yêu, nhưng Ngài chọn yêu chúng ta.
Phân đoạn Kinh Thánh trên đây dạy cho chúng ta ít nhất hai lẽ thật :
        1.Tình yêu Chúa dành cho chúng ta là tình yêu vô điều kiện : Thật vậy, sách Luật lệ viết : "TC trìu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân tộc khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy vì TC yêu thương các ngươi..."( Ll 7,7-8 ).
        2.TC yêu chúng ta bằng tình yêu mật thiết cá nhân, ngược lại, chúng ta phải yêu TC trên hết mọi sự : Môi-sê giảng giải : "Tất cả vũ trụ trời đất đều thuộc về Chúa Hằng Hữu, thế mà Ngài đem lòng yêu thương tổ tiên đồng bào, và nhân đấy, chọn đồng bào trong muôn dân, như mọi người thấy ngày nay"( Ll 10,14-15 ).

II. Nét đẹp trên cả tuyệt vời :
Một nét độc đáo nữa trong tình yêu TC : Điều đặc biệt là sự bất di bất dịch, sự không thay đổi, bởi tình yêu là bản chất của TC. Ngài là Đấng tự hữu và hằng có từ thuở đời đời, thì tình yêu Ngài cũng chẳng bao giờ suy suyễn. TC không hề lìa bỏ kẻ thuộc về Ngài ( Jn 6,37 v 39 ). Dù chúng ta sống bội bạc với Ngài, nhưng tình yêu Ngài dành cho chúng ta không hề thay đổi. Tình yêu TC là tình yêu đời đời, không cùng, chẳng hề dứt và không hề tàn.
Tình yêu TC là tình yêu lâu đời, lâu hơn ngôi sao cổ nhất. Tình yêu TC là tình yêu dài nhất, dài hơn cõi vĩnh cửu. Tình yêu TC là tình yêu sâu thẳm, sâu hơn đáy vực. Tình yêu TC là tình yêu cao nhất, cao hơn thượng giới. Tình yêu TC là tình yêu rộng nhất, rộng hơn biển cả và đại dương. Tình yêu TC là tình yêu gần nhất, gần hơn bàn tay và bàn chân con người. Tình yêu TC là tình yêu sẵn có bất cứ giờ phút nào, sẵn có còn hơn chúng ta sẵn có không khí để thở.
Tình yêu TC là tình yêu không hề thay đổi. Dù chúng ta là người thế nào, Ngài vẫn yêu chúng ta. Dù chúng ta đáp lại tình yêu Ngài cách lơ là, thiếu mẫn cảm, Ngài vẫn yêu chúng ta và chờ đợi chúng ta đến với Ngài và yêu mến Ngài. Chúa luôn êm dịu khuyên mời "Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng"( Mt 11,28 ).
Nét đẹp trên cả tuyệt vời này được thể hiện bằng chính máu Chúa  Giêsu đổ ra trên Thập tự giá : "Khi nào Ta bị treo lên khỏi mặt đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta"( Jn 12,32 ). Chúa báo trước Ngài sẽ tự hiến thân trên Thập tự giá để cứu chuộc nhân loại. Nơi Thập giá tình yêu ấy tỏ lộ rõ rệt : Chúa tha thứ cho những kẻ giết Ngài, cho người trộm lành vào thẳng Nước Trời, trối Mẹ Ngài lại cho chúng ta và ban Thần Khí khi Ngài trút hơi thở cuối cùng ( Jn 19,30b ). Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập tự giá là đỉnh cao tình yêu, là ngôn ngữ mạnh mẽ nhất nói lên tình yêu của TC đối với toàn thể nhân loại.
Ta khá quen thuộc khi đọc Tin Mừng Gioan, Thánh Sử ghi lại lời của Chúa Giêsu : "Thầy ban cho anh em một điều răn mới: Anh em hãy yêu thương nhau. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy là anh em hãy yêu thương nhau"( Jn 13,34-35 ). Tình yêu mặc dầu không thay đổi nhưng nó lại vừa cũ vừa mới. Cũ vì tình yêu có từ thuở lâu đời, từ khi con người mới được tạo dựng. Mới vì có tình yêu con người sẽ vui tươi phấn khởi, không có tình yêu con người sẽ chết ngay, "như trái đất không có ánh sáng mặt trời".
Giữ lấy niềm tin nơi TC chí cao trong một xã hội vô tín - một xã hội mà con người gạt bỏ Ngài sang một bên luôn là một thách thức lớn đối với chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải trả giá bằng sự mất mác hay phải đối đầu với nguy hiểm. Đến với người khác trong hoàn cảnh đau buồn không có nghĩa là chúng ta cất được nỗi đau của họ. Nhưng chúng ta có thể giúp anh em mình thấy sứ điệp hy vọng và phục hồi trong tình yêu của Chúa. Thánh Gioan trong sách Khải Huyền đã an ủi Hội Thánh đầu tiên trong thời kỳ bị bắt bớ với niềm hy vọng khó khăn sẽ qua đi và vinh quang sẽ đến. Vì vậy, khi chúng ta đem niềm an ủi và hy vọng cho những người thất vọng, chúng ta biết chắc rằng chúng ta đang nói về sự thật sẽ đến trong tương lai. Chúng ta tin chắc rằng TC sẽ nâng đỡ, sẽ phục hồi và đem đến ánh sáng cho những đời sống trong tối tăm. Chúng ta thường cảm thấy mình không đủ ơn, đủ khả năng để đến với người khác trong những hoàn cảnh như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng TC sẽ thêm sức, giúp chúng ta an ủi người cần ủi an, phục hồi đời sống của họ. Chúng ta có thể tin rằng không một nan đề hoặc một khó khăn nào quá khó đối với TC, Ngài sẽ có cách giải quyết của Ngài để đáp lại sự tin tưởng của chúng ta.
Sự quan tâm chăm sóc của TC đối với người tin Ngài thật lạ lùng, trước sau như một. Không ai hiểu chúng ta bằng Chúa. Chúa thông cảm hoàn cảnh của mỗi người. Ngài yên ủi, nâng đỡ, dẫn dắt chúng ta như lời tác giả Thánh vịnh nói : "TC chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi / Trên đồng cỏ xanh rì, Người cho tôi nằm nghỉ"...Chúa là vầng đá muôn đời cho neo đức tin chúng ta đặt vào để không bị xao xuyến. Chúa là vầng đá yêu thương để tất cả những người đặc niềm tin vào Ngài đều không bao giờ thất vọng. Chúa là vầng trăng, đêm về chiếu sáng, cho tim con mãi mãi khát khao đợi chờ.

III. Tâm tình Cầu nguyện :
Chúa ơi, giữa thế giới bao la này con biết Ngài yêu con. Cảm tạ Chúa vì Ngài không thay đổi, tình yêu của Ngài miên viễn với thời gian.
Chúa ơi, càng nghĩ con càng không hiểu sao Ngài yêu con, một con người xấu xa tội lỗi. Con rất sợ bộ phim cuộc đời con sau này chiếu ra trước mặt Chúa. Xin Ngài bấm xóa bộ phim ấy đi rồi yêu hay không yêu con cũng đươc, vì con cảm thấy con bất xứng. Cảm tạ ân sủng kỳ diệu của Ngài ! Xin giúp con trong từng giây phút đi qua con nói được với Ngài là con yêu Chúa.

                Yêu Ngài tình mãi véo von,
                Lời ca con trẻ vẫn còn ngây thơ
                Hái  trăng  trên  núi  xa  bờ,
                Sông trôi lặng lẽ, thuyền chờ gió ru.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Một Phêrô, một Phaolô và chính chúng ta

 ( Mừng Lễ 2 Thánh Phêrô và Phaolo Tông đồ 29/6 )
Đọc Thánh Kinh : Mt 26,57.69-75 v Mc 14,53-54.66-72 v Lc 22,50-51.54-62 v Jn 18,12-18.25-27.

1. Khám phá ý muốn của Chúa :
Người Môn đệ can đảm vung gươm chém Man-chu, gia nhân của thầy tế lễ thượng phẩm ngay trước đám đông kéo đến bắt Chúa, chính là Phêrô. Phêrô lúc ấy vừa tỉnh ngủ thì thấy đèn đuốc sáng rực, và một rừng người với gậy gộc gươm giáo kéo đến vây quanh ( Jn 18,3 v Mt 26,47 v Mc 14,43 v Lc 22,47 ). Có lẽ họ chỉ bao vây Chúa và ba Môn đệ thân tín : Phêrô, Giacôbê và Gioan, vì những người khác ngủ vùi ở một khoảng xa hơn.
Phêrô hành động đúng lúc, đúng chỗ. Chém đúng người nữa ( Jn 18,10 v Mt 26,51 v Mc 14,47 v Lc 22,50 ). Nhưng hoàn toàn sai ý Chúa.
Ý của Chúa là gì ? Bất bạo động, không chống cự - không tự vệ nữa. Vì "ai cầm gươm sẽ chết vì gươm", nếu cần bảo vệ thì Chúa sẽ gọi Thiên Binh xuống rồi. Nhưng quan trọng là mục đích của Chúa lúc này. Mục đích của Chúa là chịu chết để cứu nhân loại. Vì vậy chống cự, tự vệ chỉ làm trì hoãn con đường Thập giá.
Phêrô hoàn toàn không hiểu. Nhưng về sau ông đã thấm lời dạy của Chúa - hành động của Chúa để dạy - đến nỗi trong thư thứ nhất ông viết : "Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả, trái lại, phải chúc phúc. Phải hiền hòa và biết đón nhận. Thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ. Nếu ai vì Chúa chịu khổ thì đừng hổ thẹn. Sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng và thêm sức cho".
Chúa Giêsu đã chữa lành cho Man-chu để cứu Phêrô (  Lc 22,51 v Mt 26,51 ), vì nếu không, bọn lính đã bắt Phêrô rồi.
Nhiều khi chúng ta cũng hành động như Phêrô, nghĩa là muốn dùng sức mình, khả năng của mình để bảo vệ Chúa, bênh vực Chúa, tranh đấu cho Chúa. Nhưng tranh đấu dễ bị trâu đánh. Đấu tranh tránh đâu được. Kinh Thánh không dạy tranh đấu trong thời điểm hiện tại. Pascal dạy rằng : "Sống là tranh đấu". Tranh đấu chống lại những cám dỗ của bản thân, tranh đấu để vượt qua những thử thách khó khăn; chứ không phải tranh đấu để được quyền, được lợi hơn người khác. Tranh đấu có khi phải hy sinh cả tính mạng, có khi phải chấp nhận thiệt thòi bản thân, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Chúa Giêsu cũng vậy. Chúa chỉ dạy ta theo gương Chúa mà chịu khổ. Ở đời nhiều người cứ hăng máu theo ý riêng mình rồi chẳng được gì, có khi phải sứt đầu mẻ tráng. Việc gì tìm vinh quang cá nhân sẽ bị Chúa đập tan tành, lịch sử đã chứng minh. Chúng ta nên nhớ điều này để không phạm ý muốn của Chúa và có khi "làm phiền" Chúa nữa.
Hôm nay chúng ta thử nghĩ xem mình có bao giờ chịu khổ, chịu nhịn nhục vì Chúa chưa ?

2. Thói quen chối Chúa :
"Ta không biết người đó, ta không thuộc về bọn đó, ta không hiểu anh nói gì". Nhiều khi ta gọi Phêrô là : Miệng hùm gan sứa, cũng không sai lắm. Trong một đêm, Phêrô đã làm: thề thốt sống chết với Chúa( Mt 26,33.35 v Lc 22,33 ), ra tay bảo vệ Chúa( Lc 22,50 v Jn 18,10 ), chối Chúa trước bọn gia nhân của quan quyền Do Thái ( Mt 26,69-74 v Lc 22,57-60 v Mc 14,66-71 v Jn 18,25-26 ). Thật ra ba việc này người theo Chúa vẫn làm, mặc dù không làm trong cùng một đêm nhưng có thể trong một tháng, một năm, hay một đời người. Nhưng việc thứ tư mà Phêrô làm là đã ăn năn, khóc lóc trong đêm ấy ( Mt 26,75 v Lc 22,62 ). Nhiều người đã không nghĩ đến việc thứ tư này và vẫn "thề thốt" mỗi ngày Chúa nhật hay dịp hội họp nào đó, vẫn muốn bảo vệ danh nghĩa của Chúa khi người ta xúc phạm ( có khi chỉ là bảo vệ cái tôi, bảo vệ tổ chức đoàn thể của mình )- trong thời gian làm Ban Hành giáo tôi đã chứng kiến, nhưng trong nếp sống hằng ngày vẫn chối Chúa một cách tự nhiên ( dối trá, tham lam, lạm quyền, hống hách, kiêu ngạo, nóng nảy, làm điều vô luân, độc ác, căm thù, lẫn tránh, coi thường người khác.v.v...) và không bao giờ khóc lóc hoặc ăn năn hối cải. Tất cả trở thành một thói quen mà không cảm thấy xấu hổ.
Hôm nay chúng ta thử nhớ xem đã bao lần chúng ta suy nghĩ, nói năng, hành động mang tính cách chối Chúa, nghĩa là gián tiếp nói rằng: tôi không biết Chúa, tôi không phải là tín đồ của Chúa, tôi không muốn bàn đến chuyện ấy.
Chúng ta hãy quỳ gối ăn năn tội trước Chúa về các cách chối Chúa này. Biết đâu hôm nay chính là ngày chúng ta giải tỏa được bức tường ngăn cách giữa Chúa và chúng ta, rồi phước lành của Chúa sẽ bắt đầu đổ tràn vào cuộc đời của mỗi người.
Làm sao Chúa có thể chấp nhận những tín hữu không thực sự theo Ngài ?

3. Một Phaolô và hành động cấp thời của Chúa :
Hành động cấp thời của Chúa là làm cho Phaolô bị té ngã, sau đó Chúa dùng Phaolô như một "lợi khí" ( Cv 9,15 ).
Thời đại ngày nay chúng ta có nên bất bạo động không ? Khác với thời điểm Chúa GS chịu nạn. Phaolô đã bị Chúa quật ngã từ trên lưng ngựa xuống, ông choáng váng, nhờ thế mà Phaolô đã trở lại và đã đem toàn bộ cuộc đời mình đi Rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô Phục sinh.
Muốn Phục sinh thì phải trải qua Thập giá. Nhưng đã Phục sinh rồi, không ai điên rồ gì phải trải qua Thập giá, cơ hội chỉ có một lần. Đã Phục sinh rồi, không ai đem Thập giá đến biểu người đó nằm lên để chịu đóng đinh mà người đó phải chấp nhận. Nếu Chúa không dùng bạo lực thì Phaolô vẫn tiếp tục bắt bớ và chém giết nhiều tín hữu ( Cv 9,1 ), mặc dầu hành động của Phaolô là để khẳng định chân lý về một TC duy nhất mà ông ta muốn bảo vệ.
Do đó sau Phục sinh, ý muốn của Chúa không còn là bất bạo động nữa. Sứ mệnh của người đi Rao giảng sau này đòi hỏi sự dấn thân và chấp nhận cả bạo lực, cho dù nguy hiểm đến tính mạng. Những Linh mục tôi quen, các Ngài phải gánh chịu cả tù tội, có người phải chết ở trong tù. Thời vua chúa phong kiến biết bao người bị chặt đầu, xử trảm vì tuyên xưng đức tin.
Một Phaolô được hoàn toàn biến đổi nhờ Chúa yêu thương và "chơi bạo" làm cho ông phải mờ mắt, sau đó mới tỉnh dậy ( Cv 9,3-9 ). Từ biến cố này ông thấy được Đức GS thật sự là TC ( Cv 9,20 ), không còn nghi ngờ gì nữa. Đức GS vừa là người thật, vừa là TC thật.
Một Phaolô với thanh gươm lăm lăm trong tay. Nhưng từ biến cố trên đường đi Damas thanh gươm ấy đã trở nên vô dụng, như lời Chúa GS đã phán với Phêrô : "Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm". Dĩ nhiên, cả hai ( Phêrô và Phaolô ) đều phải "tra gươm vào vỏ"( Jn 18,11 v Mt 26,52 ). Từ đây Phaolô đi Rao giảng Tin Mừng với tất cả sự nhiệt thành : "Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi"( Gal 2,20a ). "Vô phúc cho tôi, nếu tôi không Rao giảng Tin Mừng".
Xin cảm tạ Chúa vì những ý muốn Chúa linh hoạt áp dụng. Tùy lúc, tùy thời điểm để mang lại hiệu quả, mang lại hữu ích cho Nước Chúa và cho việc Cứu độ nhân loại. "Ở giữa trần gian, không do trần gian, nhưng Chúa cho trần gian với những phương tiện sẵn có của trần gian để xây dựng Nước TC ngay ở trần gian"( Lời của Đức HY Fx. Nguyễn văn Thuận ).

4. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con theo bước chân Ngài, khiêm tốn, hiền lành, nhỏ bé, biết chịu đựng đau khổ hơn ở không an nhàn. Xin tha cho con tội liên tiếp chối bỏ Chúa mỗi ngày. Xin cho con ghi nhớ hôm nay như một vạch mốc mới, đánh dấu chuyển đoạn của đời con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.
P/s : Mời đọc thêm bài "Cục đá và cái phao" trên nhãn "Bài suy niệm 7" của Blog này.




Thứ Bảy, 19 tháng 6, 2021

Thông điệp học Lời Chúa từ một Thi phẩm



Tôi nghĩ rằng : Thánh Vịnh ( TV ) không phải là một áng văn chương cổ xưa, nhưng là một áng văn chương tuyệt vời mang hơi thở thời đại, vừa vị nghệ thuật, vừa vị nhân sinh. Vị nghệ thuật vì TV được một nhà vua viết theo thể loại văn vần rất hay và rất đẹp, với bút pháp không thua gì truyện Kiều của Việt Nam. Vị nhân sinh vì TV cho người ta nhận biết được Thiên Chúa là Đấng Toàn năng và rất mực yêu thương con người, Ngài tạo dựng nên vũ trụ muôn loài và có khả năng giải phóng con người thoát khỏi đau khổ, tội lỗi và sự chết.
Tình cờ lật Kinh Thánh ra đọc và bắt gặp trang đầu của TV. Trong phạm vi bài viết này, đi từ TV thứ nhất : từ câu 1 đến câu 6; một vài suy tư người viết xin chia sẻ, gồm hai phần thiết yếu như sau :

1.Chọn lựa :
TV thứ nhất là một bài thơ ngắn vỏn vẹn chỉ 6 câu, nhưng giàu hình ảnh, rất hay và súc tích. Nếu ai chưa đọc xin mời đọc TV này nhiều lần để nhắc nhở mình học Lời Chúa mỗi ngày. Ba câu cuối của TV1 mô tả hình ảnh một người không thờ Chúa, người ấy như "vỏ trấu"( cũng có sách dịch "như rơm rác" ), dễ bị gió thổi bay, không có giá trị gì. Trong cuộc sống hiện tại, người ấy bị những ngọn gió của đời, tức là những trào lưu sai lạc lôi cuốn vì không có lập trường vững chắc. Đến ngày đoán xét, ngày Chúa Giêsu trở lại để thưởng phạt mọi người, người ấy sẽ không đủ can đảm đứng nghe bản án của mình, vì suốt cả đời người ấy đã sống trong tội lỗi, không tôn thờ Chúa, không kính sợ Chúa. Không những thế, tác giả bài thơ còn cho biết thêm rằng, người tội lỗi sẽ không được "hợp đoàn với chính nhân". Đây chỉ về thiên đàng, nơi dành riêng cho những người đã được Chúa tha tội và kể là người công chính. Câu 6 mô tả kết cuộc đau thương của một người không tôn thờ Chúa:"đường kẻ ác đưa tới chỗ diệt vong".
TC thấy rõ mọi sự và biết rõ mọi người. Đối với những người kính yêu Chúa, vâng giữ Lời Ngài dạy, Chúa hứa rằng : "Người như thế làm chi cũng sẽ thành". Nhưng đối với những người gian ác, tội lỗi và kiêu ngạo, Chúa cảnh cáo : Họ sẽ bị diệt vong. Chúa cho chúng ta được tự do quyết định lối đi cho cuộc đời mình : Tôn kính Chúa và vâng giữ Lời Chúa dạy, hoặc chống đối Chúa, xem thường Lời Thánh Kinh. Khi đã chọn một trong hai con đường ấy rồi, chúng ta phải nhận phần kết cuộc. Chắc chắn chúng ta biết lựa chọn điều gì là tốt, chúng ta cần lắng nghe chính mình để cho bản thân ta được là chính mình.

2. Bí quyết được phước lành :
TV thứ nhất cũng như cả sách TV, mở đầu bằng chữ "phước". Nói một cách dễ hiểu : Phước là những điều làm cho ta sung sướng, thỏa mãn, hoặc đem lại may mắn, thịnh vượng. Vì thế "phước" là điều mọi người đều mong ước, tuy nhiên không phải tất cả đều có. Câu mở đầu của TV1 cho thấy rằng người có phước là người "chẳng nghe theo lời của kẻ dữ, chẳng bước vào đường quân tội lỗi , không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng"- Mở đầu một tác phẩm mà tác giả đã viết vậy, chứng tỏ quan điểm và lập trường của tác giả - người cầm bút, là như thế nào rồi.
"Kẻ dữ" là người không kính thờ Chúa và có hành vi gây hại người khác. "Tội nhân" là người chống lại Ngài và "kẻ ngạo mạn kiêu căng" là những người xem thường, xem khinh cả Chúa lẫn anh em đồng loại. Dựa vào câu Kinh Thánh trên, chúng ta thấy rằng, để được kể là người có phước trên đời, ta hãy tránh xa ba hạng người đó, đừng bắt chước họ, đừng đi theo đường lối họ và cũng đừng nghe lời họ. Tức là ta phải tránh lối sống của người không kính thờ Chúa, không đi theo những người phản nghịch Ngài và bỏ tính kiêu căng ngạo mạn đối với Chúa cũng như đối với người khác. Không được nhạo báng bất cứ ai.
TV1,1-3 cho thấy muốn được hưởng phước lành của Chúa, không những phải tránh đường tội ác mà ta còn phải "lấy làm vui vẻ về luật pháp của TC và suy gẫm luật pháp ấy ngày đêm". Vui vẻ về lề luật của TC là yêu thích  lời Thánh Kinh và tìm thỏa mãn trong lời Thánh Kinh. Suy gẫm lề luật Chúa ngày đêm là suy tư và cầu nguyện thường xuyên, liên lỉ. Bí quyết để được hạnh phúc trong cuộc sống là phải yêu thích Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh và liên tục suy niệm Lời ấy trong cuộc sống hằng ngày, hầu cho  Lời của Chúa trở thành một phần của con người mình, để chúng có thể tự nhiên sống, hành động và cư xử theo tiêu chuẩn của Lời ấy.
Người suy gẫm Thánh Kinh ngày đêm, được TV mô tả như một cây tươi tốt, trồng gần dòng nước, sinh hoa quả đều đặn từng mùa và không tàn héo ( câu 3 ). Đây thật là một hình ảnh rõ ràng, dễ hiểu. Người học Lời Chúa đều đặn mỗi ngày là người có sức sống mạnh mẽ, vui tươi và hữu ích cho người chung quanh. Không những thế, Chúa còn hứa rằng : "Người như thế làm chi cũng sẽ thành". Để được lạc quan yêu đời trong cuộc sống, hãy áp dụng bí quyết Chúa dạy, đó là yêu thích Lời Chúa, ngày đêm suy gẫm và hết lòng cậy trông. 
Trên mặt tích cực, để nhận được phước của Chúa, chúng ta phải kính thờ Chúa, vâng theo lời dạy của Ngài và sống khiêm nhường trong nguyên tắc "kính Chúa yêu người". Kính Chúa không có nghĩa là không yêu Chúa mà phải đi đôi với lòng mến Chúa. Nếu chỉ yêu người mà không yêu Chúa thì điều ấy có ý nghĩa gì ! Yêu người không cũng chưa đủ, cần phải yêu Chúa nhiều hơn - Đây là ý nghĩa thần học, vì Chúa nói rằng : "Ai yêu con trai và con gái hơn Ta, không xứng đáng làm môn đệ Ta"( Mt 10,37b ).

3. Tâm tình cầu nguyện :

        Con nuôi con bằng lời Ngài,
        Qua tháng năm gian khổ miệt mài
        Ngài thẩm thấu trong con diệu vợi.

        Con nuôi con bằng lời Ngài,
        Qua tháng ngày không bị nhạt phai
        Ngài  ấp  ủ  trong  con  tình  mến.

        Lòng con mê mải Đấng Mê-si,
        Ngài gởi bao câu chuyện thầm thì
        Đọc Thánh Kinh, nghe Lời Chúa phán
        Tâm   hồn   tỏa   sáng   đẹp   lưu   ly.

Cảm tạ Chúa đã tha thứ tội lỗi của con, cứu chuộc con; đồng bào con còn nhiều người chưa được biết Chúa, họ vẫn sống trong tăm tối, xin Chúa giúp con mạnh dạn giới thiệu Chúa cho họ. Xin Chúa giúp con ham thích Lời Chúa, sống và làm theo Lời Chúa dạy trong từng khía cạnh của đời sống mỗi ngày, như lời TV nhắc nhở.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Bảy, 12 tháng 6, 2021

Lãnh nhận và biết ơn

 


Mời đọc Tin Mừng Macco : đoạn 10, từ câu 46 đến câu 53.

Có lẽ chúng ta sẽ cùng "ghiền" Kinh Thánh với nhau. Trong mùa COVID này, lệnh Giãn cách được Chính phủ ban hành, các nhà hàng, các cửa tiệm đóng cửa, toàn bộ học sinh các trường phải nghỉ học, công viên cấm tụ tập và cấm các sinh hoạt...ngay cả đi bộ buổi sáng, tôi cũng không được bước chân vào công viên. Dĩ nhiên là đi đâu cũng phải bịt khẩu trang. Sài Gòn có dịch thì Long Khánh - Đồng Nai ở cũng không yên, cần cảnh giác cao. Tôi đã tận dụng thời gian để đọc Kinh Thánh và viết nên những suy tư của mình.
*Mc 10,46-53.
Mỗi chúng ta có dịp đọc qua phân đoạn này nhiều lần và quen thuộc với phép lạ Chúa cứu người mù tại Giêricô. Batime là nhân vật chính của câu chuyện, anh ta để lại nhiều ấn tượng, nhiều nhắc nhở quý giá :
    1. Chớp lấy cơ hội : Nghe tin Chúa Giêsu (GS ) đi ngang qua, Batime đã tranh thủ ngay, kêu lớn tiếng cầu xin thương xót của Chúa. Ngồi bên vệ đường mà miệng cứ rống lên: "Lạy ông GS, con vua David, xin dủ lòng thương tôi !"( Mc 10,47 ). Batime không biết gì về chương trình của Chúa GS, nhưng anh đã hành động đúng lúc, kịp thời, vì đây là lần đi cuối cùng của Chúa GS trước khi Chúa chịu nạn. Nhiều khi dịp may không đến hai lần. Do dự, lần lữa, đánh mất dịp tiện, làm chúng ta tiếc nuối suốt đời. Batime đã chớp lấy cơ hội.
    2. Kiên trì không nản lòng : Dù bị người xung quanh nghiêm cấm, ngăn cản; Batime không bỏ cuộc, tiếp tục kêu xin Chúa cứu giúp. Kiên nhẫn của anh không luống công, Chúa lắng nghe và bảo người ta đem anh đến. Anh liền cởi bỏ áo ngoài, để đến gặp Chúa ngay ( Mc 10,49-50 ).
    3. Biết rõ nhu cầu : Khi Chúa hỏi anh cần gì ? Anh không xin thức ăn, tiền bạc, hoặc các sự giúp đỡ khác như thường tình; nhưng xin Chúa chữa cho anh sáng mắt, cho anh nhìn thấy được. Đây là nhu cầu cao quý nhất, đích thực nhất, vì tất cả các nhu cầu khác đều thứ yếu ( Mc 10,51 ).
    4. Biết ơn chân thành : Được Chúa chữa lành, mắt anh thấy rõ, Batime rất mừng, nhưng anh không lo chạy về với gia đình, liên hoan với bè bạn; anh quyết định theo Chúa, làm Môn đệ của Ngài. Phúc âm chép rằng : "Tức khắc, anh ta thấy được và đi theo Ngài trên con đường Ngài đi"( Mc 10,53 ). Đi theo Chúa trên con đường Chúa đi, tức là anh ta đã làm Môn đệ của Chúa. Một thái độ dứt khoát, không do dự.

Câu chuyện trên đây hoàn toàn khác với câu chuyện người mù trong Tin Mừng của Gioan : Jn 9,1-41. Câu chuyện trên đây Matthêu mô tả có tới hai người được chữa lành ( Mt 20,30 ), nhưng trong hai người đó có lẽ anh chàng Batime là nỗi bậc nhất nên Maccô mới ghi nhận những cử chỉ của anh ta như: cởi áo choàng ngoài ra và vất lại, giật phắc người đứng dậy mà đến gần Đức GS ( Mc 10,50 )...Để xác tín hơn câu chuyện này ta nên tham khảo Tin Mừng Luca ( x Lc 18,35-43 ). Có điều cả hai Thánh Sử đều chép lời Chúa GS nói với Batime : "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh"( Mc 10,52 v Lc 18,42 ) - ngụ ý Chúa GS không chữa lành anh ta mà chính đức tin đã cứu chữa anh ta. Rõ ràng Chúa GS đã chữa lành Batime cơ mà, điều này ai cũng biết, nhưng chính Chúa cũng muốn cho chúng ta thấy được lòng tin con người là quyết định nhất. Phép lạ chỉ xảy ra khi con người có lòng tin thật sự.

Nhìn lại cuộc đời, ai trong chúng ta chắc cũng không tránh khỏi những lúc thiếu cẩn thận, nhận định sai, không ý thức tầm quan trọng của công việc, hoặc đời sống và đã đánh mất cơ hội, hoặc thiếu kiên nhẫn, bỏ cuộc giữa chừng; gây cớ vấp phạm, đổ vỡ, đau thương cho chính mình, người thân yêu, cùng anh chị em khác. Đây là cơ hội quý báu để chúng ta cầu xin Chúa chữa những mù quáng sai lạc về tình cảm, tâm lý, tâm linh...; bắt chước Batime xin Chúa mở mắt tâm linh, biết rõ nhu cầu đích thực của cá nhân, gia đình, xã hội; cho chúng ta thấy được hướng đi mới trong cuộc đời. Cũng theo gương Batime, trung tín làm Môn đệ, siêng năng học Lời Chúa và cầu nguyện với Chúa thân mật mỗi ngày. Đồng thời biết ơn Chúa trong sự sử dụng và dâng hiến thì giờ, tài năng, sức khỏe của mình dành cho Chúa và cho tha nhân.

Cầu nguyện : Lạy Chúa GS, con xin dâng cuộc đời con trong tay Chúa. Xin giúp con trung tín với Ngài, học Lời Ngài, tương giao mật thiết với Chúa mỗi ngày, để mắt tâm linh con được mở ra và theo Chúa đi đúng trọn đường.

JB.SĨ TRỌNG.
P/s : Mời đọc thêm bài viết "Từ câu chuyện người mù..." trên "Bài suy niệm 8" của Blog này.