Thứ Bảy, 26 tháng 6, 2021

Một Phêrô, một Phaolô và chính chúng ta

 ( Mừng Lễ 2 Thánh Phêrô và Phaolo Tông đồ 29/6 )
Đọc Thánh Kinh : Mt 26,57.69-75 v Mc 14,53-54.66-72 v Lc 22,50-51.54-62 v Jn 18,12-18.25-27.

1. Khám phá ý muốn của Chúa :
Người Môn đệ can đảm vung gươm chém Man-chu, gia nhân của thầy tế lễ thượng phẩm ngay trước đám đông kéo đến bắt Chúa, chính là Phêrô. Phêrô lúc ấy vừa tỉnh ngủ thì thấy đèn đuốc sáng rực, và một rừng người với gậy gộc gươm giáo kéo đến vây quanh ( Jn 18,3 v Mt 26,47 v Mc 14,43 v Lc 22,47 ). Có lẽ họ chỉ bao vây Chúa và ba Môn đệ thân tín : Phêrô, Giacôbê và Gioan, vì những người khác ngủ vùi ở một khoảng xa hơn.
Phêrô hành động đúng lúc, đúng chỗ. Chém đúng người nữa ( Jn 18,10 v Mt 26,51 v Mc 14,47 v Lc 22,50 ). Nhưng hoàn toàn sai ý Chúa.
Ý của Chúa là gì ? Bất bạo động, không chống cự - không tự vệ nữa. Vì "ai cầm gươm sẽ chết vì gươm", nếu cần bảo vệ thì Chúa sẽ gọi Thiên Binh xuống rồi. Nhưng quan trọng là mục đích của Chúa lúc này. Mục đích của Chúa là chịu chết để cứu nhân loại. Vì vậy chống cự, tự vệ chỉ làm trì hoãn con đường Thập giá.
Phêrô hoàn toàn không hiểu. Nhưng về sau ông đã thấm lời dạy của Chúa - hành động của Chúa để dạy - đến nỗi trong thư thứ nhất ông viết : "Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả, trái lại, phải chúc phúc. Phải hiền hòa và biết đón nhận. Thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ. Nếu ai vì Chúa chịu khổ thì đừng hổ thẹn. Sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng và thêm sức cho".
Chúa Giêsu đã chữa lành cho Man-chu để cứu Phêrô (  Lc 22,51 v Mt 26,51 ), vì nếu không, bọn lính đã bắt Phêrô rồi.
Nhiều khi chúng ta cũng hành động như Phêrô, nghĩa là muốn dùng sức mình, khả năng của mình để bảo vệ Chúa, bênh vực Chúa, tranh đấu cho Chúa. Nhưng tranh đấu dễ bị trâu đánh. Đấu tranh tránh đâu được. Kinh Thánh không dạy tranh đấu trong thời điểm hiện tại. Pascal dạy rằng : "Sống là tranh đấu". Tranh đấu chống lại những cám dỗ của bản thân, tranh đấu để vượt qua những thử thách khó khăn; chứ không phải tranh đấu để được quyền, được lợi hơn người khác. Tranh đấu có khi phải hy sinh cả tính mạng, có khi phải chấp nhận thiệt thòi bản thân, mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Chúa Giêsu cũng vậy. Chúa chỉ dạy ta theo gương Chúa mà chịu khổ. Ở đời nhiều người cứ hăng máu theo ý riêng mình rồi chẳng được gì, có khi phải sứt đầu mẻ tráng. Việc gì tìm vinh quang cá nhân sẽ bị Chúa đập tan tành, lịch sử đã chứng minh. Chúng ta nên nhớ điều này để không phạm ý muốn của Chúa và có khi "làm phiền" Chúa nữa.
Hôm nay chúng ta thử nghĩ xem mình có bao giờ chịu khổ, chịu nhịn nhục vì Chúa chưa ?

2. Thói quen chối Chúa :
"Ta không biết người đó, ta không thuộc về bọn đó, ta không hiểu anh nói gì". Nhiều khi ta gọi Phêrô là : Miệng hùm gan sứa, cũng không sai lắm. Trong một đêm, Phêrô đã làm: thề thốt sống chết với Chúa( Mt 26,33.35 v Lc 22,33 ), ra tay bảo vệ Chúa( Lc 22,50 v Jn 18,10 ), chối Chúa trước bọn gia nhân của quan quyền Do Thái ( Mt 26,69-74 v Lc 22,57-60 v Mc 14,66-71 v Jn 18,25-26 ). Thật ra ba việc này người theo Chúa vẫn làm, mặc dù không làm trong cùng một đêm nhưng có thể trong một tháng, một năm, hay một đời người. Nhưng việc thứ tư mà Phêrô làm là đã ăn năn, khóc lóc trong đêm ấy ( Mt 26,75 v Lc 22,62 ). Nhiều người đã không nghĩ đến việc thứ tư này và vẫn "thề thốt" mỗi ngày Chúa nhật hay dịp hội họp nào đó, vẫn muốn bảo vệ danh nghĩa của Chúa khi người ta xúc phạm ( có khi chỉ là bảo vệ cái tôi, bảo vệ tổ chức đoàn thể của mình )- trong thời gian làm Ban Hành giáo tôi đã chứng kiến, nhưng trong nếp sống hằng ngày vẫn chối Chúa một cách tự nhiên ( dối trá, tham lam, lạm quyền, hống hách, kiêu ngạo, nóng nảy, làm điều vô luân, độc ác, căm thù, lẫn tránh, coi thường người khác.v.v...) và không bao giờ khóc lóc hoặc ăn năn hối cải. Tất cả trở thành một thói quen mà không cảm thấy xấu hổ.
Hôm nay chúng ta thử nhớ xem đã bao lần chúng ta suy nghĩ, nói năng, hành động mang tính cách chối Chúa, nghĩa là gián tiếp nói rằng: tôi không biết Chúa, tôi không phải là tín đồ của Chúa, tôi không muốn bàn đến chuyện ấy.
Chúng ta hãy quỳ gối ăn năn tội trước Chúa về các cách chối Chúa này. Biết đâu hôm nay chính là ngày chúng ta giải tỏa được bức tường ngăn cách giữa Chúa và chúng ta, rồi phước lành của Chúa sẽ bắt đầu đổ tràn vào cuộc đời của mỗi người.
Làm sao Chúa có thể chấp nhận những tín hữu không thực sự theo Ngài ?

3. Một Phaolô và hành động cấp thời của Chúa :
Hành động cấp thời của Chúa là làm cho Phaolô bị té ngã, sau đó Chúa dùng Phaolô như một "lợi khí" ( Cv 9,15 ).
Thời đại ngày nay chúng ta có nên bất bạo động không ? Khác với thời điểm Chúa GS chịu nạn. Phaolô đã bị Chúa quật ngã từ trên lưng ngựa xuống, ông choáng váng, nhờ thế mà Phaolô đã trở lại và đã đem toàn bộ cuộc đời mình đi Rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô Phục sinh.
Muốn Phục sinh thì phải trải qua Thập giá. Nhưng đã Phục sinh rồi, không ai điên rồ gì phải trải qua Thập giá, cơ hội chỉ có một lần. Đã Phục sinh rồi, không ai đem Thập giá đến biểu người đó nằm lên để chịu đóng đinh mà người đó phải chấp nhận. Nếu Chúa không dùng bạo lực thì Phaolô vẫn tiếp tục bắt bớ và chém giết nhiều tín hữu ( Cv 9,1 ), mặc dầu hành động của Phaolô là để khẳng định chân lý về một TC duy nhất mà ông ta muốn bảo vệ.
Do đó sau Phục sinh, ý muốn của Chúa không còn là bất bạo động nữa. Sứ mệnh của người đi Rao giảng sau này đòi hỏi sự dấn thân và chấp nhận cả bạo lực, cho dù nguy hiểm đến tính mạng. Những Linh mục tôi quen, các Ngài phải gánh chịu cả tù tội, có người phải chết ở trong tù. Thời vua chúa phong kiến biết bao người bị chặt đầu, xử trảm vì tuyên xưng đức tin.
Một Phaolô được hoàn toàn biến đổi nhờ Chúa yêu thương và "chơi bạo" làm cho ông phải mờ mắt, sau đó mới tỉnh dậy ( Cv 9,3-9 ). Từ biến cố này ông thấy được Đức GS thật sự là TC ( Cv 9,20 ), không còn nghi ngờ gì nữa. Đức GS vừa là người thật, vừa là TC thật.
Một Phaolô với thanh gươm lăm lăm trong tay. Nhưng từ biến cố trên đường đi Damas thanh gươm ấy đã trở nên vô dụng, như lời Chúa GS đã phán với Phêrô : "Ai cầm gươm sẽ chết vì gươm". Dĩ nhiên, cả hai ( Phêrô và Phaolô ) đều phải "tra gươm vào vỏ"( Jn 18,11 v Mt 26,52 ). Từ đây Phaolô đi Rao giảng Tin Mừng với tất cả sự nhiệt thành : "Tôi sống nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi"( Gal 2,20a ). "Vô phúc cho tôi, nếu tôi không Rao giảng Tin Mừng".
Xin cảm tạ Chúa vì những ý muốn Chúa linh hoạt áp dụng. Tùy lúc, tùy thời điểm để mang lại hiệu quả, mang lại hữu ích cho Nước Chúa và cho việc Cứu độ nhân loại. "Ở giữa trần gian, không do trần gian, nhưng Chúa cho trần gian với những phương tiện sẵn có của trần gian để xây dựng Nước TC ngay ở trần gian"( Lời của Đức HY Fx. Nguyễn văn Thuận ).

4. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con theo bước chân Ngài, khiêm tốn, hiền lành, nhỏ bé, biết chịu đựng đau khổ hơn ở không an nhàn. Xin tha cho con tội liên tiếp chối bỏ Chúa mỗi ngày. Xin cho con ghi nhớ hôm nay như một vạch mốc mới, đánh dấu chuyển đoạn của đời con. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.
P/s : Mời đọc thêm bài "Cục đá và cái phao" trên nhãn "Bài suy niệm 7" của Blog này.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét