Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021

Chiên và Người Chăn


 I. NGƯỜI CHĂN VÀ CHIÊN LẠC :
Tin Mừng Matthêu ghi lại lời Chúa Giêsu ( GS ) phán cùng các Môn đệ : "Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con bị lạc mất, thì há chẳng để chín mươi chín con kia trên núi, mà đi kiếm con đã lạc mất sao ? Và nếu may mà kiếm lại được, Thầy bảo thật anh em, người ấy lấy làm vui mừng về con đó, hơn là chín mươi chín con không bị lạc"( Mt 18,12-13 ). Có lẽ ta cũng nên đọc Tin Mừng Luca nữa chứ : "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó"( Lc 15,4-7 ). Có gì khác nhau không nhỉ ?
Đọc sách nói về đất nước Do Thái, tôi mới biết rằng: Ở xứ Giu đê chiên rất dễ bị lạc, đồng cỏ trên vùng đồi chạy dài như xương sống xuống miền giữa. Dãi đất cao nguyên này chỉ rộng vài dặm không có tường ngăn, vì thế nếu chiên ra khỏi vùng đồng cỏ, đi lạc vào thung lũng hay hố sâu hai bên thì rất dễ lọt vô kẽ đá lởm chởm, không có cách nào leo lên hay bước xuống, và kẹt ở đó chờ chết. Thời Chúa GS đàn gia súc đa số là của chung nên thường có hai hoặc ba người chăn dắt. Chính vì thế người chăn có thể để chín mươi chín con lại, để đi tìm con chiên lạc, mà không sợ bị mất thêm con nào trong đàn. Những người chăn chiên thường rất vất vả khổ cực, hy sinh hết mình đi tìm con chiên lạc. Họ thương chiên lắm, không muốn để lạc mất một con nào, tình cảm của họ dành cho chiên cũng như thú cưng mình nuôi tại nhà vậy - Đó là thứ tình cảm tự nhiên chứ không phải vì lý do kinh tế. Ta có thể hình dung những đôi mắt đau đáu mõi mòn ngóng nhìn lên triền núi đợi chờ khi chưa thấy người tìm kiếm trở về, và nỗi vui của họ khi thấy anh ta lê gót trở về, vai vác con chiên lạc còn sống sót, mừng rỡ nghe anh thuật chuyện tìm chiên. Đây là bức tranh về Thiên Chúa ( TC ) và tình yêu của Ngài, trong hình ảnh người chăn chiên mà Chúa GS đã phát họa - Một hình ảnh đầy tính nhân văn, gây ấn tượng và tạo xúc cảm ngay, qua đó chúng ta khám phá mỗi người đều được dạy dỗ về tình yêu thương của TC với những nét cụ thể sau :
          1.Tình yêu của TC là tình yêu tự bản chất : Chín mươi chín con không đủ, một con còn ở triền núi, người chăn không thể yên tâm nghỉ ngơi cho đến khi mang được nó về ! Cha mẹ của một gia đình dù đông con, cũng không thể thiếu mất một đứa, không đứa nào không quan trọng.TC không thể an vui cho đến khi kẻ hư mất cuối cùng được cứu. Nếu có sự gì bất trắc, con cái đau khổ một thì ba mẹ đau khổ mười. Đối với TC cũng vậy, "Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất"( Mt 18,14 ).
          2.Tình yêu của TC là tình yêu kiên nhẫn : Chiên là con vật hiền lành và khờ dại. Tôi đã có dịp đi vào một khu du lịch và bồng nó lên vai, đúng là một con vật hiền lành và khờ dại ! Người ta thường ít kiên nhẫn với kẻ khờ dại. Cảm tạ TC, Ngài không như vậy. Chiên có thể dại dột, nhưng người chăn bỏ mạng sống mình mà cứu . Con người có thể ngu muội, nhưng tình thương TC thì hãi hà, Ngài yêu thương mọi người, kể cả kẻ ngu muội. Ngài kiên nhẫn và đánh thức con tim, Ngài chờ đợi sự trở lại của họ. Chúa GS nói : "Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn"( Lc 15,7 ).
          3.Tình yêu của TC là tình yêu tìm kiếm : Người chăn không ngồi ở chuồng đợi chiên trở về, anh ra đi tìm nó. Trong Chúa GS, TC đã đến tìm kiếm những kẻ lạc mất. TC không chịu chờ đợi con người trở về, Ngài ra đi tìm họ bất chấp mọi gian nguy, mọi giá phải trả. Ngài không bao giờ ngồi trên lưng một con của đàn chiên một trăm con, để rồi cứ đếm thiếu một con - Ngài kiểm soát và nắm được số lượng chính xác, Ngài biết con chiên bị lạc mất và bằng mọi cách để tìm kiếm được.
          4.Tình yêu của TC là tình yêu hân hoan : Ở đây chỉ có sự vui mừng hoan hỉ, không có sự quở trách phàn nàn. Người ta không bao giờ quên tội lỗi của người chống lại mình, nhưng Chúa GS bỏ mọi tội ra phía sau. Khi chúng ta quay lại với Ngài, Chúa tiếp đón chúng ta với sự vui mừng trọn vẹn. ( Ta có thể đọc và liên hệ với câu chuyện "đứa con hoang đàng trở về" : Lc 15,11-32 ).
          5.Tình yêu của TC là tình yêu bảo vệ : Đó là tình yêu tìm kiếm và cứu vớt con người đừng để họ bị hư mất trở lại, để họ phục vụ đồng loại. Tình yêu khiến cho kẻ lầm lạc thành khôn ngoan, người yếu đuối thành mạnh mẽ, tội nhân được trong sạch, người nô lệ của tội lỗi thành người tự do trong thánh khiết, người thất bại trước sức cám dỗ thành người chiến thắng tội lỗi. Chúa sẽ giữ gìn và bảo vệ họ.

II. KẺ BƯỚNG BỈNH VÀ TÒA ÁN LƯƠNG TÂM :
Kẻ bướng bỉnh muốn nói ở đây cũng nằm trong kế hoạch của TC. Phân đoạn Tin Mừng trên của Matthêu nối liền với phân đoạn nói về việc "sửa lỗi anh em" : Mt 18,15-18. 
        1.Nội dung thứ nhất : Điều Chúa GS đề cập là "Nếu một người nào phạm tội nghịch cùng ngươi, hãy cố hết sức làm cho người đó nhận lỗi, và dàn xếp êm đẹp giữa ngươi và người đó" ( Mt 18,15 ). Ta có thể hiểu như thế. Trên căn bản, không bao giờ nên để mối giao hảo giữa chúng ta và một người khác trong cộng đồng tín hữu bị sứt mẻ. Gỉa sử có điều gì sai trái thì ta phải làm gì để sửa sai ? Đoạn này nêu cho ta cả một kế hoạch hành động để hàn gắn sự đổ vỡ trong mối tương thông giữa các tín hữu.
Nếu người nào gây buồn phiền, chúng ta phải nói ra ngay. Thái độ tệ hại nhất đối với điều sai quấy của người khác là cứ ấp ủ nó trong lòng. Nó đầu độc cả tâm trí và đời sống cho đến khi ta không thể nghĩ điều gì khác ngoài cảm giác mình bị tổn thương. Cảm giác như vậy phải được mang ra, nói lên và đối diện một cách công khai. Sự thẳng thắn đó cho thấy vấn đề không có gì quan trọng, gay go như ta nghĩ.
Kế đến, nếu ta cảm thấy ai đó đã làm điều sai quấy đối với mình, thì đích thân gặp người đó. Nếu cuộc gặp mặt cá nhân không đạt mục đích, chúng ta phải mời một vài người khôn ngoan đi cùng. Tuy nhiên, những người chứng đến không phải để làm chứng rằng người kia đã phạm tội mà để giúp đỡ hòa giải. Cũng có thể ta chính là người có lỗi.
Nếu cách đó cũng thất bại nữa, phải mang vấn đề rắc rối riêng của ta đến Hội Thánh. Tại sao vậy ? Bởi vì không bao giờ nên giải quyết những rắc rối bằng pháp luật xã hội, hay lý lẽ ở ngoài Chúa. Chủ nghĩa duy luật không dàn xếp được gì, chỉ gây thêm vướng mắc. Chỉ bởi sự cầu nguyện, sự yêu thương và tương thông trong Chúa, mối quan hệ cá nhân mới có thể hàn gắn lại. Hội Thánh là những Kitô hữu, chúng ta phân xử mọi sự không căn cứ trên sách vở, thủ tục, nhưng dưới ánh sáng của tình yêu thương.
        2.Nội dung thứ hai : Bây giờ chúng ta đến phần khó hiểu của phân đoạn Tin Mừng nêu trên. Matthêu nói nếu làm đến như vậy cũng không kết quả, hãy coi người phạm tội nghịch cùng chúng ta như người ngoại và kẻ thu thuế ( Mt 18,17 ). Phần này hơi căng đấy ! Cảm tưởng đầu tiên của ta khi đọc câu này là bỏ rơi người đó vì không còn cách gì cải hóa được nữa. Chúa GS không nói và không thể ngụ ý một điều như thế. Ngài không hề đặt giới hạn cho sự tha thứ con người. Như vậy Chúa GS muốn nói gì ? Chúng ta đã thấy khi Ngài nói đến những người thu thuế và tội nhân : Ngài luôn nói với lòng yêu thương, hiền hòa và hiểu biết đối với những tính chất tốt đẹp của họ. Không ai hoàn toàn tốt mà cũng không ai hoàn toàn xấu. Trong kẻ xấu vẫn có điều tốt, trong người tốt vẫn có điều xấu. Có thể điều Chúa GS nói là: "Ta không thấy kẻ thu thuế, người ngoại bang và tội nhân là kẻ tuyệt vọng. Theo kinh nghiệm Ta thấy có những tấm lòng dễ cảm động, và có nhiều người trong họ như Matthêu, Gia kêu đã trở thành bạn tốt. Ngay cả những kẻ có tội, bướng bỉnh như kẻ thu thuế, kẻ ngoại bang, các ngươi cũng có thể thu phục họ như Ta đã làm". Đây không phải là mệnh lệnh bỏ rơi một người, nó là thách thức thu phục người ấy bằng tình yêu, dù đó là tấm lòng cứng cỏi nhất. Đây không phải là câu nói tuyệt vọng, Chúa GS không thấy ai là người vô vọng cả, chúng ta cũng phải như vậy, vì những người này cũng có thể xem như là những con chiên lạc. Chiên bướng bỉnh - chiên lạc này chúng ta cũng phải cầu xin cho nó được ăn năn sám hối, biết nhận lỗi và khiêm tốn trở về với đường ngay nẻo chính.
        3.Nội dung thứ ba : Cuối cùng, trong phân đoạn Tin Mừng thứ hai này là một câu nói về buộc và mở : "Thầy bảo thật anh em: dưới đất anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; anh em tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy"( Mt 18,18 ). Ghê ! Có đâu mà Chúa cho chúng ta quyền hành lớn vậy ? Quyền ấy có thể nói là quyền thay mặt Chúa luôn đấy. Nếu ta lãnh nhận quyền hành đó và ta tưởng ta có quyền năng như Chúa thì ta trở thành kẻ kiêu ngạo mất rồi. Xét về mặt lương tâm ngay thẳng, hiểu hơi thoáng một chút, câu nói này không ngụ ý Hội Thánh có thể xá tội hay miễn xá, quyết định số phận của một người nào đó trong thời gian hay vĩnh viễn, mà với bất cứ ai cũng có thể thực hiện điều ấy. Tôi nghĩ nó không liên quan gì Bí tích Giải tội. Nó có nghĩa là những quan hệ chúng ta thiết lập, tự lương tâm chúng ta phán xét, nếu là tốt đẹp thì thuận ý trời, không tốt đẹp thì trời cũng khó chấp nhận được - vì vậy phải giữ cho mối quan hệ chính đáng tốt đẹp. Tin Mừng Macco 11:25-26 ghi nhận lời Chúa GS nói rằng : "Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha thứ cho anh em". Mặc khác, ta cũng nên nhớ rằng: Ta biết tha lỗi cho người khác thì Chúa cũng tha lỗi cho họ; nếu họ có điều gì quá sai quấy mà lương tâm ta xét thấy khó tha thứ được, thì Chúa cũng khó tha thứ cho họ, không nhất thiết phải Linh mục ban Bí tích Hòa giải thì họ mới được tha thứ - Không tha thứ ở đây không có nghĩa là ta ghét họ hay nuôi thù hận với họ, về mặt lương tâm ngay thẳng thì trạng thái này chỉ xảy ra tức thời. ( Tôi rất mong có sự góp ý hoặc chỉ giáo để tôi hiểu đúng hơn ). Những kẻ gây ra tội ác quá trắng trợn, "vì tham lam, họ dùng lời lẽ gạt gẫm anh em để trục lợi"( II Pr 2,3a ), lương tâm ta thấy không thể tha thứ được, thì Cha trên trời đố mà Ngài tha thứ cho họ ! "Án phạt họ đã sẵn sàng" ( II Pr 2,3b ) - ở khía cạnh này Chúa đồng tình với ta vì Kinh Thánh đã chỉ rõ. Ơn tha thứ đến với bất cứ ai có lòng hối cải. Con người cần quảng đại với nhau và tự lương tâm mỗi người thấy được đúng, sai. TC hiện diện trong lương tâm ngay thẳng của mỗi người. Điều này có lần Cha Vinh Sơn Nguyễn Thành Công đến nhà chơi, cũng đã chia sẻ với chúng tôi như vậy.
Tôi nghĩ Bí tích Hòa giải có được sau khi Chúa GS trao quyền cho Phero và các Thánh Tông đồ khi gặp Chúa Phục sinh : Mt 16,19 và Jn 20,22-23. Giáo Hội tiếp nối Phero và các Thánh Tông đồ, lãnh nhận và thực thi quyền này. Người kế vị Thánh Phero, thay mặt Chúa GS cai quản Hội Thánh trần gian, lãnh nhận quyền bính này để ràng buộc hoặc tháo cởi. Nhờ quyền ràng buộc và tháo cởi, Giáo Hội duy trì trật tự nội bộ, đóng góp phần mình xây dựng xã hội trần gian, đồng thời phản chiếu tình thương của TC cho con người của mọi thời đại, mở ra phương tiện cho muôn dân con đường đến gặp gỡ Đức Kitô và đón nhận ơn Cứu độ. Và cũng nhờ đó mà con người lãnh nhận được ơn Tha thứ và Hòa giải : Hòa giải với Chúa và hòa giải với anh em ngay chính ở thực tại trần gian này. Thay cho lòng ăn năn hối cải thì hối nhân phải làm việc đền tội ( tự mình phải ý thức, biết lắng nghe lời khuyên của Linh mục ngồi tòa giải tội ). Muốn hòa giải được với Chúa thì phải hòa giải với anh em trước đã. Ta vẫn nói được như một lời xin lỗi Chúa vậy.

III. CẦU NGUYỆN :
Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa yêu con, cứu con. Xin giúp con luôn ở trong tình yêu của Ngài và chia sẻ tình yêu ấy cho người khác.
Xin Chúa ban cho con tấm lòng và đôi mắt của Chúa, để khi đến với người khác con luôn giữ được mối tương quan tốt đẹp.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Khúc hát Tình Trời

            (Tặng Trúc Linh )


1. Mối tương giao và hội nhập :
Với Đại dịch hôm nay, từ trong ngục tù của đời sống có những nơi như địa ngục: con người đau khổ, quằn quại, rên xiết. Từ trong ngục tù, con người ngước trông Chúa qua các thanh cửa sắt để cầu xin phước hạnh và bình an. Tin Mừng nói về cái "khát của linh hồn"( Jn 6,35 ), nhắc đến cái "đói trong cõi lòng" và nói về "sự sống sung mãn"( Jn 10,10 ). "Được sống và sống dồi dào" là điều Thiên Chúa ( TC ) làm, chỉ có Chúa đến và làm cho chúng ta mà thôi. Không ai có thể làm được.
Các câu đầu chương I, Tin Mừng Gioan cho biết rõ TC đã đến với loài người. Chúa Giêsu ( GS ) chính là người thật và là TC thật ( Jn 1,1-2 ), Chúa sẽ hồi phục con người ( Jn 1,14 ) vì Ngài có quyền năng như quyền năng sáng tạo của Chúa Cha vậy: "Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành"( Jn 1,3 ). Chúa GS được gọi là Ngôi Lời vì Ngài là thông điệp Chúa Cha gởi đến cho nhân loại. Một ai đó có thể thắc mắc : Tại sao Chúa không phán một lời, bật một tia lửa điện để xua tan bóng tối, tiêu diệt sự ác cho chúng sinh, chứng tỏ quyền năng của Ngài, như vậy có đơn giản không ? Nhưng cần biết rằng sự vui mừng và hạnh phúc của chúng ta có được là nhờ mối tương giao với TC trong tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hiểu về một ông vua giàu mạnh yêu một thôn nữ, ông có quyền cưỡng bách cô gái về làm vợ ông chứ ? Nhưng ông có chiếm đoạt được tình yêu của nàng không ? Muốn chinh phục cô gái quê, nhà vua phải làm một gã tiều phu, lần mò đến xóm nghèo của cô gái để sống, để tỏ tình, mà trong lòng vẫn lo rằng nàng phải lòng một chàng nông dân láng giềng ( câu chuyện Cựu ước ). Ngôi Lời có từ thuở đời đời, "từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời"( Jn 1,1 ), thế nhưng Chúa Giêsu đã đến trần gian để bày tỏ chính TC, tình thương của Ngài cho chúng ta. Trong Ngài, chúng ta thấy và hiểu được Chúa Cha. Ngài là một với Chúa Cha vì "muôn vật dựng nên trong Ngài" và Ngài có trước muôn loài muôn vật ( Jn 1,16-17 ). Ngài là thân thể và là đầu Hội Thánh.
Cứ đặt giả thiết rằng : Nếu chúng ta dịch một bản văn tiếng Phạn sang tiếng Việt, chắc chắn sẽ là rất khó, nhưng dù sao thì hai thứ tiếng ấy cũng đều là tiếng của loài người. Đi đám tang của người Phật giáo, nghe các nhà sư tụng kinh tôi chẳng hiểu gì. TC muốn chúng ta biết chính Ngài - Qua Đức Kitô, TC phán với chúng ta, rồi Ngài để cho con người tự xử, tự thông dịch, giải bày theo phương cách của loài thụ tạo giống hình ảnh TC. Để chúng ta hiểu Ngài, Ngài gạt bỏ hết mọi chướng ngại để hòa trộn với loài người. Ngài làm một người giống y như chúng ta, mặc dầu Ngài vẫn là TC ( Jn 1,12-13 ). Với sự giáng trần thành người thật, TC đã hạ mình xuống, đổ ơn ra, bày tỏ lẽ thật, tiếp xúc và hồi phục con người, giúp con người vui hưởng hạnh phúc.
  
 2. Hai biểu tượng :
Biểu tượng Chiên Con và Bồ câu được nói đến trong Tin Mừng Gioan 1,29-32. Nét dịu dàng của biểu tượng này là thể hiện quyền năng cứu độ của TC.
     a.Biểu tượng Chiên Con : Nhiều khi trong những lúc cần kíp, sự khôn ngoan và sức lực của chúng ta chẳng giúp gì được. Tình yêu thánh của Chúa Cha không đến với chúng ta được vì tội lỗi của chúng ta, nên Chúa GS đã làm Chiên Con mang hết tội lỗi của chúng ta, chịu hy sinh như trong nghi lễ thờ phượng của người Do Thái xưa. Ngài mang hết tội lỗi của loài người, do đó nhận chịu sự thịnh nộ của Chúa Cha thế cho loài người. Chúa GS chết trên cây thập tự giá đặt ngoài thành Jêrusalem, nhưng về phương diện thần linh thì chính Ngài đã chịu chết và chuộc tội thay cho chúng ta tại chính nơi Ngai của TC. Trong sách Khải huyền, tác giả Gioan bảo rằng Chiên Con "ngự trên ngai" và rằng "cơn thịnh nộ của Chiên Con" nghịch cùng các người cao ngạo, giàu có và quyền thế trên thế gian này ( Kh 5,6-10 v 6,15-16 ). Bấy giờ con cái Chúa sẽ vui mừng thấy rõ rằng "sự điên rồ của TC còn hơn sự khôn ngoan của loài người, sự yếu đuối của TC còn hơn sự mạnh mẽ của loài người"( I Cr 1,23-25 ) ( Cách nói của Phaolo ).
     b.Biểu tượng Bồ câu : Trong một bài thơ viết về Huế, tôi có tả :
              "Nhà Đồ, Thượng Tứ, cửa Đông Ba
              Mấy  chú  chim  câu  đậu  mái  nhà
              Bảng lảng chiều buông lưng Núi Ngự
              Văn   Lâu   còn  vọng  tiếng  hò  xa..."
Hình ảnh chim câu ở đây không phải là biểu tượng, nó chỉ là một chi tiết ngoại cảnh từ thiên nhiên, một không gian hồi ức kỉ niệm.
Công trình Cứu chuộc của Đức Kitô là một trạng thái chuyển động trong một không gian lịch sử, bao gồm những động tác liên tục : Đức Kitô biến thành nhục thể, chịu đóng đinh, chịu chết, phục sinh, thăng thiên. Ta nhận chân được Đấng Cứu thế là Đức Kitô - Chính Đấng ấy đã dẹp hết mọi trở ngại ( trong vai trò Chiên Con ) để TC có thể đến cùng loài người trong Chúa Thánh Thần ( Bồ câu ) mà kết hiệp chúng ta lại với Ngài trong giao ước mới : "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế"( Mt 28,20 ). Đúng là Khúc hát Tình Trời, một biểu tượng trên cả tuyệt vời !

3. TC biết rõ mọi sự :
Khi chọn gọi các Môn đệ, từ xa, dưới gốc cây vả Chúa GS đã thấy Nathanaen và Ngài thấy tận đáy lòng của ông ( x Jn 1,47-50 ). Chúa GS là Đấng Cứu Thế, Ngài vừa là người thật, vừa là TC thật nên Ngài biết rõ mọi điều từ thâm sâu của lòng người, như Chúa Cha biết trước nhân loại sẽ phạm tội và Chúa Cha đã sai Con Một xuống để cứu chuộc nhân loại. Chúa GS biết khuynh hướng tội lỗi trong chúng ta, nên Ngài đã vực chúng ta từ tối tăm qua ánh sáng, vì nơi nào ánh sáng soi rọi bóng tối phải nhường bước. Dạy Giáo lý cho người Dự tòng tôi thường nêu vấn đề: Ta không thấy TC mà Người có thấy ta không ? Câu trả lời rất dễ học dành cho họ: Ta không thấy TC nhưng Người vẫn thấy ta, cho dù cả những sự kín nhiệm trong lòng thì TC vẫn thấy được. Chúa GS biết được cả chuyện riêng tư của người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Gia-cop ( Jn 4,5-26 ), của người đàn bà bị băng huyết 12 năm cùng đám đông đi sau lưng Chúa ( Mt 9,18-22 v Lc 8,40-56 v Mc 5,21-43 )...
Nathanaen hiểu ra rằng Chúa thấy rõ lòng mình thì ông thỏa dạ lắm. Có người hiểu mình mà ! Chúa GS hiểu được lòng dạ con người ra sao ? Ngài không hiểu ta như một bạn tâm giao ngoài đời mà hiểu ta như một Đấng Toàn Tri. Ngài biết từ bên trong, Ngài rõ từng khúc nối của lòng ta để giữ chúng ta khỏi sa ngã. Có phải vì vậy mà Ngài chú ý kiêng ăn, làm giảm sức lực xuống để cảm nhận hết sức mạnh độc hại của Satan mà đối phó với nó chăng ?( x Lc 4,1-12 ). TC không chỉ chống lại quân thù từ phía ngoài hay ở một vị trí cao hơn, mà có khi Ngài lại để cho Satan thâm nhập vào bên trong rồi làm cho nó nổ tung từng mảnh. Thật kỳ diệu thay, TC đã tự hạ xuống như con người để biết sức phá hoại và sự cám dỗ của Satan. Cám ơn Chúa, do thực nghiệm này mà Ngài biết được tâm trí cùng khả năng của con người. Ngài rõ hết các âm mưu lắc léo của Satan trên đời sống ta và cũng biết ta có thực sự chống lại Satan hay dễ dàng khuất phục dưới quyền năng nó. Ngài thấu rõ tâm tư, thái độ, ý chí, nguyện vọng của chúng ta để chữa trị tận gốc cho ta. Hãy đồng thanh với Phêro mà thưa rằng : "Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi sự"( Jn 21,17 ). Đức tin cứu rỗi thật sẽ giúp chúng ta bền đỗ.

4. Cầu nguyện :
Cảm tạ Chúa đã xuống thế làm người cho con hiểu được tình yêu và tiếng phán của Ngài. Xin giúp con luôn sống trong tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa là Chiên Con của TC ! Xin cho con được tự do mọi bề để có thể phục vụ Chúa hôm nay.
Lạy Chúa, xin cho tình Chúa giao hòa trong con, xin cho con biết được lòng con như Ngài đã biết con vậy. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2021

Bao lâu Tận Thế ?


I. Tản mạn tâm tình :
Trong một bài thơ với tựa đề: "Giấc mơ ngày Tận thế", tác giả có viết một đoạn như sau :
          
          "Không thể  biết ngày  giờ nào  sẽ đến,
          Cho  đất  trời  có  dịp  kết  hôn  nhau
          Dù  thảm  họa  đi  vào, nhân  loại  hết
          Vẫn còn trời muôn thuở mới, thâm sâu".

Bao lâu Tận Thế ? Đố ai biết được ! Theo như Kinh Thánh thì ngày đó ngay cả Chúa Con cũng không biết ( Mt 24,36 v Mc 13,32 ). Chúa Giêsu (GS) không biết thì làm sao ta biết được ? Chúa GS nói rõ : "Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi". Nhiều người cũng lo xa mà không lo hiện tại, lại còn lười đọc và học Thánh Kinh. Một lời tiên tri cách đây gần 2000 năm, có lẽ đúng với thời điểm bây giờ : "Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh...Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường"( 2 Tm 4,3-4 ).
Một cách khách quan, nói ra thì dễ đụng chạm. Ngày nay người ta thích đọc những thông tin giật gân hơn là đọc Kinh Thánh. Tôi biết có người nói rằng lúc nào nhà họ cũng có một cuốn Kinh Thánh, có thể họ đặt lên bàn thờ cho bụi bám dày nhưng ít khi họ mở ra đọc. Người ta đọc rất nhiều sách báo mạng, báo xã hội, nhưng lại bỏ qua cuốn sách quan trọng - đó là Thánh Kinh, vì đây là lời Thiên Chúa ( TC ) nói với nhân loại, TC mặc khải cho loài người. Người ta lãng phí cuộc đời và năng lượng của họ trước một cái ti vi, trước một cái điện thoại... vào vô số những thứ nhảm nhí, nhưng lại lơ là đối với điều duy nhất thật sự quan trọng : Tìm thấy TC.

II. Các dấu chỉ từ Thánh Kinh :
Đúng với chủ đề bài viết, xin lặp lại câu hỏi : Bao lâu Tận Thế ? Ta nói là ta không biết, nhưng qua Kinh Thánh Chúa có phán rằng : "Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy ( mọi điều Thầy đã nói ), các ngươi hãy biết là Con người gần đến, Ngài đang ở trước cửa" ( Mt 24,32-33 v Mc 13,28-32 v Lc 21,29-33 ). Thí dụ này 3 Thánh sử Tin Mừng đều ghi nhận, xin xem lại chú thích. 
Đấng khôn ngoan đời đời, Ngài không dại gì cho biết một ngày giờ nhất định, vì nếu biết trước, khi gần tới ngày ấy con người sẽ buông xuôi, và mọi công việc làm ăn có lẽ sẽ đình trệ. Khi con người buông tay, buông thả mọi sự rồi thì còn gì nữa đâu. Họ là những kẻ lười biếng. Kẻ nhát gan và tội lỗi có thể tự sát. Người can đảm, người biết Chúa có thể ỉ lại và tự kiêu. Tự sát hay tự kiêu, cả hai thứ đều là tội lớn !
Trái đất có nổ tung hay không ? Nhìn các cường quốc đua nhau chế tạo vũ khí nguyên tử, ta có thể nói rằng chắc có ngày trái đất cũng bị nổ tung, nhưng ngày giờ nào cũng không làm sao biết được. Mọi dự đoán đều vô ích, chỉ có dựa vào Lời Chúa thì ta biết được những gì cần thiết ( Lc 10,42 ), để ta chấp nhận sống và đợi chờ ngày Chúa đến, như Lời Chúa nói.
Những điều Chúa nói, Chúa báo cho ta biết trước là gì ? Các Thánh sử Tin Mừng ghi lại : "Ngài đang ngồi trên núi Ôliu, Môn đệ tới riêng cùng Chúa và hỏi rằng : Xin Chúa phán cho chúng con biết lúc nào và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế ? Chúa GS đáp rằng : Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em. Vì nhiều người sẽ mạo danh Ta đến mà nói : ta là Đấng Kitô, và sẽ dỗ dành nhiều người. Các ngươi sẽ nghe nói về giặc giã và tiếng đồn về giặc giã: Hãy giữ mình đừng bối rối, vì những sự ấy phải xảy ra, song chưa phải là tận cùng. Dân này sẽ dấy lên nghịch cùng dân kia, nước nọ nghịch cùng nước kia. Sẽ có những cơn đói kém và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn. Bấy giờ người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi, các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh Ta. Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau và ghen ghét nhau. Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ. Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều, thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội dần. Tin mừng này về Nước TC sẽ được giảng ra khắp địa cầu để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến"( Mt 24,3-14 v Mc 13,5-13 v Lc 21,8-19 ).
Chúa còn báo trước về sự khốn khó sẽ xảy ra : "Khi anh em thấy sự Ghê Tởm Khốc Hại lập ra trong nơi thánh mà Ngôn sứ Danien đã nói đến - người đọc hãy lo mà hiểu ( có sách dịch: "Ai đọc phải để ý" ) - thì bấy giờ ai ở miền Giuđê hãy trốn lên núi, ai ở trên sân thượng thì đừng xuống lấy đồ đạc trong nhà, ai ở ngoài đồng đừng trở lại phía sau lấy lấy áo choàng của mình. Khốn cho những người mang thai và những người cho con bú trong những ngày đó ! Anh em hãy cầu xin cho khỏi phải chạy trốn vào mùa đông hay ngày Sabat. Vì khi ấy sẽ có cơn gian nan khốn khổ đến mức từ thuở khai thiên lập địa cho tới bây giờ chưa khi nào xảy ra, và sẽ không bao giờ xảy ra như vậy nữa. Nếu những ngày ấy không được rút ngắn lại, thì không ai được cứu thoát; nhưng vì những người được tuyển chọn, các ngày ấy sẽ được rút ngắn.
Bấy giờ, nếu có ai bảo anh em : Này, Đấng Kitô ở đây, hoặc ở đó, thì anh em đừng tin. Thật vậy sẽ có những Kitô giả và ngôn sứ giả xuất hiện, đưa ra những dấu lạ lớn lao và những điềm thiêng, đến nỗi chúng lừa gạt cả những người đã tuyển chọn, nếu có thể. Thầy báo trước cho anh em đấy !
Vậy, nếu người ta bảo anh em : Này, Người ở trong hoang địa, anh em chớ ra đón; Kìa, người ở trong phòng kín, anh em cũng đừng tin. Vì như chớp lóe từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào, thì cuộc quang lâm của Con Người cũng như vậy. Xác chết ở đâu, diều hâu bâu ở đó" ( Mt 24,15-28 v Mc 13,14-23 v Lc 21,20-24 ).
Ồ, dài quá - chỉ muốn lấy nguyên văn Thánh Kinh nên có dài cũng phải trích dẫn cho hết vì đây là bằng chứng cụ thể, hơn là suy đoán viễn vông. Người viết bài này không có ý thêm bớt gì. Cứ bám vào Lời Chúa là chắc cú nhất, chẳng có gì phải hoang mang dao động, suy diễn lung tung thêm mệt óc. Chúng ta xem thử lời Chúa GS đã ứng nghiệm chưa ? Những gì xảy ra trên cuộc đời này đã ăn khớp với lời Ngài nói chưa ? Đây có thể là thời điểm mà Lời Chúa nhắc nhở mọi người cần tỉnh táo.
Câu cuối của phân đoạn Tin Mừng nêu trên là : "Xác chết ở đâu, diều hâu bâu ở đó"( Mt 24,28 ), cũng có sách dịch: "Nơi nào có xác chết, thì những chim ó sẽ nhóm tại đó" - Câu này nghe khủng khiếp quá, nhưng hiện nay mùa Đại dịch COVID, Ấn Độ mỗi ngày hơn 4000 người chết, chất củi đốt không kịp, có khi người ta phải quăng xác xuống sông, quạ đen bay tới rỉa. Khi nạn dịch mới xảy ra, Vũ Hán cũng hàng ngàn người chết mỗi ngày, xác người chôn và thiêu không kịp, ai từng xem trên YouTube đều thấy được cảnh tượng từng đàn quạ bay tới đen nghịt cả bầu trời. Tiếp đến là Ý, Hàn Quốc, rồi Anh, Pháp, Mỹ, Brazin, v.v...hàng trăm linh mục cũng phải ra đi, con người ta chết la liệt. Thế giới rơi vào khủng hoảng. Chỉ chừng ấy thôi là ta thấy đúng như lời của một câu nói, mặc dầu chưa phải là toàn bộ, chưa phải là ngày cuối cùng của nhân loại. Chưa kể đến những hiện tượng thiên nhiên : động đất, sóng thần; rồi chiến tranh, tai ương, giặc giả xảy ra khắp nơi.v.v...Những kẻ mạo danh lại quá nhiều, họ tự xưng mình là Kitô, là ngôn sứ, là Hội Thánh Phục hưng, Hội Thánh Đức Chúa Trời, Sứ điệp từ trời, Nhóm trừ quỷ từ nhà Chúa Cha.v.v... họ "lừa gạt cả những người đã tuyển chọn" như lời Chúa đã cảnh báo - Một phân đoạn mà Chúa nhắc đi nhắc lại tới 3 lần: Mt 24, 4 v 11 v 24. Chúa biết trước mọi sự, riêng chuyện này Chúa cần cho nhân loại biết rõ hơn. Phân đoạn Tin Mừng trích dẫn ở trên, trình bày quá đầy đủ, ai cũng có thể đọc và tự suy gẫm lấy. Chúa GS đã nhìn thấy có hai nguy cơ đe dọa Hội Thánh trong tương lai :
        1.Nguy cơ của các tiên tri giả, hay là những người lãnh đạo giả. Họ là những người tìm cách truyền bá quan niệm riêng của mình về chân lý của Chúa GS. Họ là những người gieo rắc những ý tưởng riêng của mình nhiều hơn là Chân lý của Đức Chúa Trời. Và trên hết, họ là những người tìm cách lôi kéo người khác đến với họ hơn là đến với Chúa. Hậu quả không tránh được là họ gây ra sự chia rẽ hơn là xây dựng sự hiệp nhất.
        2.Mối đe dọa thứ hai là sự nản lòng. Lòng yêu thương của một số người sẽ bị nguội lạnh vì tình trạng vô kỷ cương càng ngày càng gia tăng trong thế giới. Người tín hữu chân thật là người giữ vững niềm tin dù niềm tin đó gặp khó khăn, dù trong những hoàn cảnh có thể nản lòng, họ vẫn vững niềm tin nơi cánh tay quyền năng của TC.
Trên đây là những dấu chỉ nói về Ngày Tận thế, còn nói về ngày Chúa Quang lâm và phán xét, xin mời đọc và tìm hiểu từ các trang Kinh Thánh : Mt 24,29-31 v Mc 13,24-27 v Lc 21,25-28 ( Người viết không muốn trích dẫn thêm nữa vì bài viết đã dài ).

III. Thực trạng, mạng xã hội và lòng tin con người :
Hiện nay, mạng xã hội có nhiều VIDEO đang loan truyền nói về Ngày Tận thế, ai xem thì cứ xem, chẳng sao. Chỉ có điều là chúng ta đã đọc kỹ Kinh Thánh chưa, chúng ta có vững tâm không, có bền chí không, hay hoang mang sợ hãi ?
Tôi không nghĩ đây là thời kỳ thanh lọc, hay thời điểm Chúa thanh tẩy, như một số người thường phát ngôn. Thậm chí, có người còn cho rằng đây là thời kỳ Đại thanh lọc, những từ ngữ mà các video trên mạng bây giờ thường dùng để nói về "Ngày Tận thế". Tôi cho rằng : Tất cả là do con người mà ra. Tất cả do mưu đồ của kẻ độc ác gây nên, chứ không phải là việc Chúa làm, chúng ta không nên đổ thừa cho Chúa. Có hai cách suy nghĩ để chúng ta nói được điều ấy :
        1. Nếu Chúa muốn thanh lọc thì Ngài cho kẻ ác chết hết, để chừa người lành lại. Nhưng trong Đại dịch này những người hiền đức phải bỏ mạng, kẻ ác vẫn sống nhỡn nhơ. Nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Pháp, Ý, Ấn Độ. v.v...hằng trăm Linh mục đã chết, chưa kể các Thầy tu và Sơ dòng, chưa kể những người thiện nguyện.
        2. Hoặc nếu Chúa muốn thanh lọc thì Ngài cho người hiền chết hết, để kẻ ác được sống, rồi sau đó Chúa sẽ ra tay trừng trị bọn chúng.
Như thế lập luận đây là thời kỳ Chúa thanh lọc thì không hoàn toàn đúng.
Đọc Kinh Thánh ta thấy quá rõ ràng. Chúa nói quá rõ rồi, không cần phải nghe những lời suy diễn đồn đoán nữa. Không có Sứ điệp nào bằng Sứ điệp Phúc âm. Ta hãy tin vào Phúc âm vì Phúc âm là Lời Chúa : "Trời đất có qua đi, song những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu"( Mt 24,35 v Lc 21,33 v Mc 13,31 ). Chúa phán chắc như đinh đóng cột đó mà ! Và ta cũng hãy nhớ lời Chúa Giêsu nói : "Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em"( Mt 24,4 ). Thánh Phêro lại chỉ rõ cho chúng ta : "Sẽ có những thầy dạy giả hiệu, đó là những kẻ lén lút đưa ra những tà thuyết dẫn tới diệt vong"( I Pr 2,1 ). Trong Tin Mừng dấu hiệu về ngày thế mạt, Chúa nói quá rõ rồi, cần gì ai phải nói thay Ngài nữa.
Lắm lúc nhìn vào tình trạng suy đồi của xã hội, những cảnh tượng vô lý xảy ra trước mắt mình, chúng ta cũng mang tâm trạng u buồn vì thấy dường như kẻ ác vẫn thành công, thắng lợi, mà những lời cầu xin của ta dường như không được Chúa chấp nhận. Thế rồi ta cũng đặt ra câu hỏi : Tại sao TC lại để một dân hung ác hành hạ con dân của Ngài và cả thế giới ? Ta quên rằng: Họ cũng là con cái của Chúa cả !
Nhìn lại những năm tháng cuộc đời, chúng ta thấy được bàn tay uy quyền của TC dẫn dắt mình, chắc chắn chúng ta cũng tôn vinh và chúc tụng Ngài. Bao lâu Tận thế chúng ta không biết, nhưng chúng ta phải yêu thương thế gian vì nhờ tình yêu của TC mà thế gian đã có ý nghĩa. Chúng ta yêu thương thế gian không phải bằng tình thương thụ động vì cho rằng thế gian quá mờ tối và đã bị định tội, chúng ta yêu thế gian vì hiểu rằng quyền năng của ân sủng sẽ đắc thắng sức mạnh của tội lỗi ( x Jn 3,17-18 ). Máu Chúa đổ ra không vô ích, từ trên thập tự Chúa GS có đủ quyền năng để ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu ( Jn 3,16 ). Ta cần phải biết chắc niềm tin mạnh mẽ giúp ta vượt khỏi sự ham mê phù phiếm của đời này như thích được tâng bốc khen lao, ham danh vọng, chạy theo của cải vật chất, yêu thích sự đồng cảm để chia sẻ... Tất cả mọi thứ đều là phù hoa. Chỉ có thờ phượng TC là không phù hoa ( Sách Giảng viên ). Gía trị thần học mang lại ơn Cứu độ nhiều hơn những tư tưởng an ủi vỗ về của thế gian.

 IV.Lời kết :
        
"Ta cứ đợi, đến  bao giờ  Ngài đến
Mưa Hồng ân trút xuống cõi gian trần
Vướng tục lụy vẫn đắp xây tình mến,
Nghịch ngợm đời thắp nến để canh tân.

Thật quý hóa hỡi ai còn thức tỉnh,
Đam mê nhiều vờ vĩnh trộn cuồng say
Trang áo mới mặc ra ngoài dự tính,
Khiến cho hồn vời vợi cũng ngất ngây.

Ta cứ thế, miễn sao lòng yêu Chúa
Đem bình an ngự trị giữa tháng ngày
Mang khúc hát ca vang thềm lưới bủa
Cá đầy thuyền, biển lặng, vó cầm tay."
            ( Trích "Bình tâm ca" của JB.ST )

 Một lần nữa, có lẽ chúng ta nên nghe lời Chúa GS phán dạy : "Anh em hãy canh thức vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến...Anh em hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến" ( Mt 24,42 v 44 v 25,13 ). Và thái độ của chúng ta thế nào, chúng ta có nên lo sợ không ? Chúa GS cho chúng ta câu trả lời : "Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẫng đầu lên, vì anh em sắp được cứu rỗi" ( Lc 21,28 ). 

V. Cầu nguyện :
Lạy Chúa GS, xin chiếu sáng đời con, soi dẫn lối đi của con, dạy con yêu thương thế gian theo ý thánh Ngài. Cầu xin Chúa giúp con thấy được các nan đề cách khôn ngoan, cho con biết "nhìn xem" và "chờ đợi". Amen !

JB.SĨ TRỌNG.


Cung bậc cảm xúc
















Có  những  câu  thơ  thật  bất ngờ,
Lấy nguồn cảm hứng dệt niềm mơ
Tâm hồn  không đếm  xem từ ngữ,
Chỉ  để   trôi  theo   nỗi   vụng   vờ.

Có những câu thơ thật bất thường,
Rạng ngời như muốn tỏ vầng dương
Không thích hờn dỗi theo mây gió,
Chỉ hướng  mơ xa  cõi  miên trường.

Có  những  câu  thơ  lại  vô  tình,
Gieo mầm  hy vọng, sự  hồi sinh
Êm  đềm  nhận lấy  và  rung cảm,
Đánh thức con tim, chạm đến mình. 

Có  những  câu  thơ  thật  diệu  kỳ,
Nhìn   trời   qua   ánh   mắt  lưu ly
Đọc trang Lời Chúa trong sâu thẳm
Nghe  tiếng  thiên thu  gọi  thầm thì.

Có  những  câu  thơ  thật  lạ  lùng,
Biển đời sóng gió vẫn thung dung
Thơ mang thông điệp tình yêu Chúa
Đến  với  nhân  gian  sưởi  ấm  lòng.

Có những  câu thơ  đẹp  tuyệt  vời,
Ngôn  từ   ngọt   lịm   đậu   bờ   môi
Tâm   tư    trao   trọn   tình  tri  kỷ,
Thần tượng trong tim một Bóng Người.

Có những câu thơ thật điên khùng,
Yêu Người Đổ máu Cứu muôn dân
Ngàn năm không thể quên ơn ấy,
Ca   ngợi   và   lòng   mãi   tri   ân.

JB.Sĩ Trọng.



Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

Theo Chúa và việc đi Nhà thờ


1. Theo Chúa :
    Có người đặt vấn đề : "Theo Chúa để được gì ?" Tôi không thích câu nói này vì nó có vẻ so đo tính toán quá. Nếu người Cha sanh ra con, mà con lại hỏi: Theo Cha để được gì ? - Câu nói này bỗng dưng thấy kỳ cục liền, người cha sẽ rất buồn khi nghe con mình nói câu đó. Nếu người ta đi từ tìm hiểu, rồi yêu, khi đã yêu rồi thì người ta sẽ không hỏi như vậy nữa, người ta chấp nhận cả những gì được mất. Chỉ biết yêu và yêu thôi là đủ, cho dù chết vẫn yêu - Không mù quáng đâu, yêu đích thực như Chúa Giêsu đấy ! Tuy nhiên, ngày xưa sau câu chuyện người thanh niên giàu có gặp Chúa Giêsu, Phero lại đặt câu hỏi : "Chúng tôi đây bỏ hết của cải, nghề nghiệp để theo Chúa, chúng tôi sẽ được gì đây ?"( Mt 19,27 v Mc 10,28 v Lc 18,28 ). Thực tế lúc ấy Chúa Giêsu và các Môn đệ đều nghèo, không có nơi ở, không có tài sản hay nguồn lợi nào cả. Phero lúc đó dù có lớn tuổi hơn Chúa đi nữa, ông vẫn tỏ ra ngu ngơ trước mặt Chúa.
    Câu trả lời của Chúa ta phải đọc cho kỹ, nhất là điều chính Chúa muốn dạy các Môn đệ ( x Mt 19,28-29 v Mc 10,29-31 v Lc 18,29-30 ). Điểm nỗi bậc nhất là mấtđược, hoặc bỏnhận. Người nào vì Chúa và vì Phúc Âm mà từ bỏ tất cả những gì có trong đời, sẽ không mất, không thiệt thòi đâu. Chúa không để cho người theo Chúa phải thiệt thòi mặc dù gặp khó khăn, vì sự sống đời đời quý giá không thể nào so với những gì trần gian này có. Nhiều người theo Chúa kinh nghiệm ân phúc Chúa trong đời này. Tuy nhiên mục đích chính của việc theo Chúa không phải là để được lợi trong đời này, mà là sự sống đời sau, sự sống vĩnh cửu nơi Thiên Chúa ( TC ). Nếu so cuộc đời 70, 80 năm với cõi đời đời, vô cùng vô tận, thì ta thấy những gì ta mất đi bây giờ có đáng gì đâu !
    Ta phải coi chừng, vì có khi theo Chúa lâu năm mà không được vào Nước Chúa, vì đã quên hẳn mục đích chính mà bận rộn với công việc phụ. Hoặc là không chịu xét mình, từ bỏ tội lỗi, vì tưởng rằng nếu mình cứ phục vụ hết lòng thì mình đang ở trong Chúa. Hãy cẩn thận ! Biết đâu, "kẻ đầu sẽ nên rốt, kẻ rốt sẽ nên đầu"( Mc 10,31 v Mt 19,30 ). Ta cũng không quên câu nói của Chúa Giêsu : "Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu !..."( Mt 7,21 v Lc 6,46 ) Nhiều người cho rằng phải chú trọng vào việc thiện hơn là chuyện về đạo lý. Vì vậy người ta có thể đi đến cực đoan mà nói rằng ta có thể được cứu rỗi nhờ làm nhiều việc thiện, chứ không cần phải đi nhà thờ. Nhưng Kinh Thánh không dạy như vậy. Việc cứu rỗi hoàn toàn do ân sủng Chúa ban, con người không thêm bớt gì vào đó được, và việc thiện là do tình thương mà thể hiện, làm việc thiện là làm sáng danh Chúa vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, là sự thiện. Dù chúng ta làm gì chăng nữa, Chúa vẫn xét đến tấm lòng thành và đức tin của kẻ "dám bán hết gia tài của cải để tậu cho được kho báu".
    Viết đến đây tôi nhớ tới tư tưởng của Martin Buber, tôi đọc được trên facebook Ha Nguyen : "Ý nghĩa thật sự về yêu thương tha nhân không phải là mệnh lệnh từ TC mà chúng ta phải thực hiện, nhưng thông qua tình yêu thương và trong yêu thương chúng ta gặp gỡ TC"( The true meaning of love one's neighbor is not that it is a command from God which we are to fulfill, but that through it and in God ). Ta yêu tha nhân là biểu lộ tình yêu của ta với TC, nhưng nếu làm việc thiện mà tôn thờ ma quỷ thì có được rỗi không ? No !
    Thật thế, TC luôn dùng ân sủng để đối xử với chúng ta. Chúng ta được cứu bởi ân sủng. Do ân sủng mà chúng ta được dự phần trong việc phục vụ TC. Nhờ ân sủng mà chúng ta được TC gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc. Êphêsô 2: 8-9 chép : "Vả, ấy là nhờ ân sủng, bởi đức tin, mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của TC. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình."
    Tình yêu TC là tình yêu do ân sủng, bởi ân sủng và duy nhất ra từ ân sủng. Tình yêu TC đặt nền tảng trên sự ban cho vô điều kiện, mặc dù chúng ta không xứng đáng.
Tin Mừng vốn không chỉ được lắng nghe cho vui tai, mà là để được thực thi; chân lý không chỉ được hiểu biết suông mà để được sống cùng chân lý; bác ái không chỉ trên môi miệng, nhưng theo Chúa phải được thực thi bằng những việc làm cụ thể, bằng đời sống thẳm sâu của mình nữa.

2. Việc đi Nhà thờ :
    Chúa nhật hay còn gọi Chủ nhật, tức là Ngày của Chúa - Kinh Thánh diễn đạt đây là ngày cuối trong một tuần làm việc và sáng tạo, Thiên Chúa cần sự nghỉ ngơi. Trong sự nghỉ ngơi, Thiên Chúa ban phúc lành và thánh hóa cho ngày này ( x St 2,2-3 ). 
    Có bao giờ ta bỏ đi Nhà thờ ngày Chúa nhật để đi chơi ? Để làm việc riêng ? Hoặc ở nhà nghỉ ngơi vì đã phải đi làm thêm vất vả suốt ngày thứ bảy ? Có khi nào ta không muốn đi Nhà thờ vì trời mưa to gió lớn ? Vì không muốn nghe một Linh mục nào đó giảng ? Hoặc không muốn gặp một ai đó đã từng làm cho ta khó chịu ?
Điều tệ hại nhất là nếu ta ở nhà không làm gì cả, chỉ đứng lên nằm xuống, trạng thái dã dượi như một người trầm cảm, nỗi buồn sẽ gậm nhấm và giết chết ta.
Dĩ nhiên không phải nhờ đi Nhà thờ đều đặn mà chúng ta được cứu hay được trở thành con cái Chúa, cũng không hẳn những người ôm Kinh Thánh đến Nhà thờ mỗi Chúa nhật là người tin Chúa hết lòng ( những người Tin Lành thường cầm Kinh Thánh trên tay khi đến Nhà thờ, họ có những buổi họp nhóm cầu nguyện rất bổ ích ). Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào thái độ của người tin Chúa đối với Ngày-của-Chúa và việc lãnh nhận các Bí tích, để làm tiêu chuẩn đo lường tình yêu của người ấy đến với Chúa.
    Trước khi để ý đến thái độ của người khác, chúng ta cần kiểm điểm chính bản thân mình. Dù rằng chúng ta không tuân giữ điều răn thứ ba một cách cứng rắn và khắt khe như giới lãnh đạo Do Thái giáo ngày xưa, nhưng chúng ta phải luôn luôn dành ngày của Chúa để thờ phượng Chúa, học Lời Chúa và lo công việc Chúa. Nếu ngày Chúa nhật chúng ta có thể ở nhà làm những công việc khác mà không cảm thấy áy náy khó chịu, không có mặc cảm tội lỗi là mình đã "ăn cắp" ngày của Chúa, có lẽ chúng ta nên xét lại mối liên hệ của chúng ta đối với Chúa. Không ai có người yêu mà lại bỏ ngày hẹn với người yêu để làm việc khác. Có người tin Chúa đã lâu nhưng lúc nào vui thì đi Nhà thờ, buồn thì thôi. Có khi Chúa nhật ở nhà sơn nhà, sửa xe, dọn dẹp, làm vườn, buôn bán, nhậu nhẹt; mùa nóng thì đi chơi núi, tắm biển...mà lại bỏ lễ. Những người thiên về hưởng thụ, làm như thế chứng tỏ Chúa chưa phải là lẽ sống của họ và họ chưa đặt Chúa trên hết mọi sự.
    Dù có làm gì đi nữa thì cũng không thể bỏ lễ ngày Chúa nhật. Lời Chúa dạy rằng :"Đừng bỏ các buổi họp như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là lúc này khi anh em thấy Ngày Chúa gần trở lại"( Hp 10,25 ). Lời khuyên này cho ta thấy không phải chỉ người tin Chúa trong thời đại văn minh vật chất ngày nay mới bị cám dỗ bỏ ngày thờ phượng Chúa đi làm việc khác, nhưng trong Hội Thánh đầu tiên đã có tình trạng ấy. Mỗi khi hoạch định chương trình làm việc, nghỉ ngơi, giải trí...hãy nghĩ đến Chúa trước để chúng ta không mắc phải lỗi lầm không tôn trọng ngày của Chúa.
Ngoài ra, chúng ta nên nhớ rằng : Mỗi người theo Chúa đều có một Nhà thờ, đó là tâm hồn và thể xác mình. Giáo lý dạy rằng : Thân xác là Đền thờ của Chúa Thánh Thần. Vì vậy ta cần phải biết gìn giữ, chăm sóc và bảo vệ nó.

3.Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con biết theo Chúa vì yêu Chúa, theo Chúa phải làm gì, chứ không phải theo Chúa để được gì ? Xin giúp con biết dành riêng ngày của Chúa để thờ phượng Chúa và lo công việc Chúa, đừng vì ham vui hoặc chạy theo đồng tiền mà bỏ bê việc đạo đức. Dù bận rộn mấy cũng nên sắp xếp thời gian đi Nhà thờ lễ Chúa nhật và các ngày lễ trọng.

JB.SĨ TRỌNG.



P/s : Cám ơn một số hình ảnh anh Nguyễn Thương trong ban Truyền Thông GP đã cung cấp.

Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Người giàu gặp gai góc


Một câu chuyện cả 3 tác giả Tin Mừng đều ghi lại, nội dung chẳng khác nhau mấy, một vài chi tiết độc đáo hoàn toàn giống nhau. Trong bài viết này xin phép được chia sẻ những suy tư nhằm nói lên các thuộc tính giữa con người và Thiên Chúa ( TC ) qua sự gặp gỡ, đối thoại giữa một người giàu có và Chúa Giêsu ( GS ), từ đó khám phá ra kho tàng quý báu đích thực của nhân loại trên cuộc sống gian trần. Xin đọc và đối chiếu từ 3 sách Phúc âm : Mc 10,17-22 v Mt 19,16-22 v Lc 18,18-23.

1. Của báu thật :
Người gặp Chúa trong câu chuyện này theo Luca 18:18 cho biết là một ông quan hay một người có chức quyền, Matthêu thì lại nói rằng đó là một chàng thanh niên ( Mt 19,20 ). Chúa GS đã dạy: Nước TC được ban cho, chứ không phải là phải làm gì mới nhận được. Trong khi đó chàng trẻ tuổi này hỏi Chúa : "Con phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời ?"( Mt 19,16 ). Chúa không trả lời ngay, nhưng vặn anh ta : "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành ? Chỉ có một Đấng nhân lành mà thôi, đó là TC". Câu nói này có thể diễn ý là: "Anh gọi tôi là nhân lành, nhưng anh có biết Đấng nhân lành là ai không ?" Chàng thanh niên này tôn xưng Chúa nhân lành, nhưng thật sự không biết chính Ngài là Đấng Nhân Lành. Anh ta hỏi "Tôi sẽ làm gì ?" thì Chúa GS kể ra các điều dạy trong 10 điều răn. Người này bật lên như cái máy, nói rằng đã giữ các điều ấy từ nhỏ, nghĩa là tránh phạm các tội đó. Ta để ý đến thái độ của Chúa GS. Chúa GS nhìn người ấy mà xót thương, vì người ấy chỉ giữ đúng các bổn phận chứ chưa làm theo lời dạy của Chúa. Chúa bảo : Hãy bán hết gia tài giúp cho kẻ nghèo rồi theo Chúa - Đúng là một đòi hỏi "hóc búa" của Chúa GS. Thay vì giữ những gì mình có, Chúa bảo hãy BÁN, CHO và THEO CHÚA. Đạo Chúa không phải là đạo để chiêm nghiệm, suy nghĩ, hay tu thân. Đạo Chúa là vào đời, là chia sẻ, là thương yêu, như Chúa GS đã dấn thân vào đời. Người nào theo Chúa phải biết thực hành lời Chúa, chứ không phải chỉ nghe theo và đọc mà thôi. Thánh Phaolo nói "Đức tin không việc làm là đức tin chết".
Khi Chúa GS nói "bán hết gia tài bố thí cho người nghèo", người giàu cảm thấy đầy gai góc, khó chịu. Câu trả lời của Chúa đáng lẽ làm cho người ấy vui mới đúng, nhưng người ấy thật buồn vì không muốn chia, không muốn bỏ những gì mình có. Người ấy thật ra chưa phân biệt được của cải vật chất với của báu trên trời. Cả 3 Thánh Sử đều ghi nhận giống nhau về thái độ của chàng thanh niên : "Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải."( Mc 10,22 v Mt 19,23 v Lc 18,24 ).

2. Gía trị Nước Trời :
Một chi tiết khác khá độc đáo hoàn toàn giống nhau, đó là cả 3 Thánh Sử đều ghi lại câu nói của Chúa GS : "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước TC"( Mc 10,25 v Mt 19,24 v Lc 18,25 ) - Một câu nói khá ngộ nghĩnh. Một câu nói mang tính trào lộng, gây ấn tượng, làm cho người nghe dễ nhớ. Đây quả thật là một câu nói nổi tiếng ngày nay ai cũng biết ( Kể cả dân ngoại giáo ).
Còn hơn thế nữa, khi ngó quanh, Chúa GS chỉ thấy kẻ nghèo nên Ngài mới nói rằng "Người giàu vào Nước Trời thật khó dường bao !"( Câu này 3 Thánh Sử cũng ghi lại: Mc 10,23 v Mt 19,23 v Lc 18,24 ). Điều này chứng tỏ Chúa bênh vực và yêu thương người nghèo. Người Do Thái vẫn cho rằng kẻ giàu là kẻ được Chúa thương, vì thế họ mới ngạc nhiên: Làm sao kẻ được Chúa thương mà lại khó vào Nước Chúa ? Chúa nhấn mạnh ở chỗ "cậy sự giàu sang", đó là hạng người đặt tiền của, nhà cửa, tài sản là mối quan tâm hàng đầu của họ. Những người nghĩ rằng ở đời có tiền là mọi việc đều được giải quyết dễ dàng ( Năm tôi học Bồi Dưỡng GLV tại nhà thờ Thái Hòa, có Cha giáo ở Cần Thơ lên giảng cũng nói như vậy ) nên trong lĩnh vực tâm linh, tiền bạc chắc cũng có giá trị nào đó (!). Tuy nhiên, nếu người nào coi trọng đồng tiền, chỉ lo kiếm được tiền thì chắc chắn sẽ xa Chúa vĩnh viễn.
Có thể nói được : Giàu sang là phúc lộc Chúa ban cho trong đời, song ta vẫn có trách nhiệm và mục đích của cuộc đời. Chúa giao cho ta quản trị những gì ta có là để làm lợi cho mình, cho người và cho Chúa. Người 5 nén, kẻ 2 nén, kẻ 1 nén - Chúa giao cho bao nhiêu là tùy ý Ngài. Phần của ta sẽ không mất, nếu ta biết trách nhiệm chia sẻ, yêu thương đồng bào, đồng loại và nhất là biết cảm tạ ơn Chúa về những gì Chúa ban.( Mời đọc thêm bài "Yến bạc hay nén bạc" trên nhãn Suy niệm 9 của Blog này )
Ngày nay nhiều cộng đoàn đông đảo, giàu có, lớn mạnh, nhưng chung quanh vẫn có kẻ nghèo, thiếu thốn, đói rách, đau ốm, bệnh tật, cần sự giúp đỡ, đó là điều cộng đoàn ấy phải xét lại. Không chừng nhiều người đang ở trong cộng đoàn, nhưng rất xa Chúa.
Với những đối chất của chàng thanh niên, những câu nói gây ấn tượng của Chúa GS, các Môn đệ lại càng sửng sốt và nói với nhau : "Thế thì ai có thể được cứu ?". Trong Tin Mừng, Thánh Macco ghi nhận lời Chúa GS :"Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với TC thì không phải thế, vì đối với TC mọi sự đều có thể được"( Mc 10,27 )- Là một câu Chúa nói chung chung, nhưng rất dễ hiểu, chắc như đinh đóng cột, Chúa nói đến phép lạ cứu rỗi. Trước mắt loài người cứ cho rằng kẻ giàu, khó mà tin Chúa được, nhưng Chúa vẫn làm phép lạ, nhiều người giàu có trên đời đã được Chúa thăm viếng và ban cho lòng tin, họ cũng góp phần rất lớn để xây dựng Giáo Hội. Chúa bênh vực người nghèo, công kích người giàu mà người giàu vẫn khoái, vẫn thích. ĐTC Phanxico nói rằng : "Những người theo Chúa Kitô thì không để cho những ham muốn giàu có, danh vọng, nổi tiếng bám vào lòng mình". Trong "Thập đại thành công" Đức cố HY Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận có viết : "Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố".
Đó là một phép lạ trong ân lành của Chúa. Ta hãy cầu nguyện cho những người đang cần Chúa hôm nay.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp con theo Chúa, vào đời thực hành lời dạy của Chúa. Xin giúp con nhìn thấy rõ mục đích theo Chúa mỗi ngày. Xin cho con sự khôn ngoan để luôn biết phân biệt đâu là cứu cánh, đâu là phương tiện.

JB.SĨ TRỌNG.
P/s : Mời đọc thêm bài "Thay đổi não trạng và chọn lựa" trên nhãn "Bài suy niệm 4" của Blog này.


Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Nỗi lòng mong đợi

Phần Lan  ơi, ta  nhớ  em  nhiều  lắm !
Qua tháng ngày thầm lặng mãi không vơi
Chỉ  biết  thế,  mà  không hề  thay đổi :
Muốn  cùng  em  xây  đắp mộng  cuộc đời.

Đang mùa dịch làm sao ta đến được,
Đất nước này thường réo gọi hồn ta
Sức  lây  nhiễm  của  một  loài  virus,
Phải đành lòng chấp nhận ở cách xa.

Ta  đợi  em  qua  mấy  mùa  hoa  nở(*)
Những núi rừng, biển cả, mặt hồ xanh
Trong tim ta đêm ngày mang trăn trở,
Một  tình yêu bao  ước hẹn chân thành.

Đất nước  nào cũng  tạo nên  mỹ cảm,
Khi con người thích được sống gần nhau
Trong thẳm sâu, tình yêu em dệt thảm
Muốn  cùng  ta  bắt  nối  một  nhịp  cầu.

Tuyết  có  rơi  nhưng  lòng  ta  vẫn  ấm,
Đợi  ngày mai - Hy  vọng  mãi  bên  em
Ta nghe tiếng chuông lòng rung nhịp đập
Bên Thánh đường vời vợi, nắng hồng lên.

(*)Ở đất nước Phần Lan hoa tu-lip mỗi năm chỉ nở một lần.

JB.Sĩ Trọng.