Thứ Tư, 12 tháng 5, 2021

Người giàu gặp gai góc


Một câu chuyện cả 3 tác giả Tin Mừng đều ghi lại, nội dung chẳng khác nhau mấy, một vài chi tiết độc đáo hoàn toàn giống nhau. Trong bài viết này xin phép được chia sẻ những suy tư nhằm nói lên các thuộc tính giữa con người và Thiên Chúa ( TC ) qua sự gặp gỡ, đối thoại giữa một người giàu có và Chúa Giêsu ( GS ), từ đó khám phá ra kho tàng quý báu đích thực của nhân loại trên cuộc sống gian trần. Xin đọc và đối chiếu từ 3 sách Phúc âm : Mc 10,17-22 v Mt 19,16-22 v Lc 18,18-23.

1. Của báu thật :
Người gặp Chúa trong câu chuyện này theo Luca 18:18 cho biết là một ông quan hay một người có chức quyền, Matthêu thì lại nói rằng đó là một chàng thanh niên ( Mt 19,20 ). Chúa GS đã dạy: Nước TC được ban cho, chứ không phải là phải làm gì mới nhận được. Trong khi đó chàng trẻ tuổi này hỏi Chúa : "Con phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời ?"( Mt 19,16 ). Chúa không trả lời ngay, nhưng vặn anh ta : "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành ? Chỉ có một Đấng nhân lành mà thôi, đó là TC". Câu nói này có thể diễn ý là: "Anh gọi tôi là nhân lành, nhưng anh có biết Đấng nhân lành là ai không ?" Chàng thanh niên này tôn xưng Chúa nhân lành, nhưng thật sự không biết chính Ngài là Đấng Nhân Lành. Anh ta hỏi "Tôi sẽ làm gì ?" thì Chúa GS kể ra các điều dạy trong 10 điều răn. Người này bật lên như cái máy, nói rằng đã giữ các điều ấy từ nhỏ, nghĩa là tránh phạm các tội đó. Ta để ý đến thái độ của Chúa GS. Chúa GS nhìn người ấy mà xót thương, vì người ấy chỉ giữ đúng các bổn phận chứ chưa làm theo lời dạy của Chúa. Chúa bảo : Hãy bán hết gia tài giúp cho kẻ nghèo rồi theo Chúa - Đúng là một đòi hỏi "hóc búa" của Chúa GS. Thay vì giữ những gì mình có, Chúa bảo hãy BÁN, CHO và THEO CHÚA. Đạo Chúa không phải là đạo để chiêm nghiệm, suy nghĩ, hay tu thân. Đạo Chúa là vào đời, là chia sẻ, là thương yêu, như Chúa GS đã dấn thân vào đời. Người nào theo Chúa phải biết thực hành lời Chúa, chứ không phải chỉ nghe theo và đọc mà thôi. Thánh Phaolo nói "Đức tin không việc làm là đức tin chết".
Khi Chúa GS nói "bán hết gia tài bố thí cho người nghèo", người giàu cảm thấy đầy gai góc, khó chịu. Câu trả lời của Chúa đáng lẽ làm cho người ấy vui mới đúng, nhưng người ấy thật buồn vì không muốn chia, không muốn bỏ những gì mình có. Người ấy thật ra chưa phân biệt được của cải vật chất với của báu trên trời. Cả 3 Thánh Sử đều ghi nhận giống nhau về thái độ của chàng thanh niên : "Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải."( Mc 10,22 v Mt 19,23 v Lc 18,24 ).

2. Gía trị Nước Trời :
Một chi tiết khác khá độc đáo hoàn toàn giống nhau, đó là cả 3 Thánh Sử đều ghi lại câu nói của Chúa GS : "Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước TC"( Mc 10,25 v Mt 19,24 v Lc 18,25 ) - Một câu nói khá ngộ nghĩnh. Một câu nói mang tính trào lộng, gây ấn tượng, làm cho người nghe dễ nhớ. Đây quả thật là một câu nói nổi tiếng ngày nay ai cũng biết ( Kể cả dân ngoại giáo ).
Còn hơn thế nữa, khi ngó quanh, Chúa GS chỉ thấy kẻ nghèo nên Ngài mới nói rằng "Người giàu vào Nước Trời thật khó dường bao !"( Câu này 3 Thánh Sử cũng ghi lại: Mc 10,23 v Mt 19,23 v Lc 18,24 ). Điều này chứng tỏ Chúa bênh vực và yêu thương người nghèo. Người Do Thái vẫn cho rằng kẻ giàu là kẻ được Chúa thương, vì thế họ mới ngạc nhiên: Làm sao kẻ được Chúa thương mà lại khó vào Nước Chúa ? Chúa nhấn mạnh ở chỗ "cậy sự giàu sang", đó là hạng người đặt tiền của, nhà cửa, tài sản là mối quan tâm hàng đầu của họ. Những người nghĩ rằng ở đời có tiền là mọi việc đều được giải quyết dễ dàng ( Năm tôi học Bồi Dưỡng GLV tại nhà thờ Thái Hòa, có Cha giáo ở Cần Thơ lên giảng cũng nói như vậy ) nên trong lĩnh vực tâm linh, tiền bạc chắc cũng có giá trị nào đó (!). Tuy nhiên, nếu người nào coi trọng đồng tiền, chỉ lo kiếm được tiền thì chắc chắn sẽ xa Chúa vĩnh viễn.
Có thể nói được : Giàu sang là phúc lộc Chúa ban cho trong đời, song ta vẫn có trách nhiệm và mục đích của cuộc đời. Chúa giao cho ta quản trị những gì ta có là để làm lợi cho mình, cho người và cho Chúa. Người 5 nén, kẻ 2 nén, kẻ 1 nén - Chúa giao cho bao nhiêu là tùy ý Ngài. Phần của ta sẽ không mất, nếu ta biết trách nhiệm chia sẻ, yêu thương đồng bào, đồng loại và nhất là biết cảm tạ ơn Chúa về những gì Chúa ban.( Mời đọc thêm bài "Yến bạc hay nén bạc" trên nhãn Suy niệm 9 của Blog này )
Ngày nay nhiều cộng đoàn đông đảo, giàu có, lớn mạnh, nhưng chung quanh vẫn có kẻ nghèo, thiếu thốn, đói rách, đau ốm, bệnh tật, cần sự giúp đỡ, đó là điều cộng đoàn ấy phải xét lại. Không chừng nhiều người đang ở trong cộng đoàn, nhưng rất xa Chúa.
Với những đối chất của chàng thanh niên, những câu nói gây ấn tượng của Chúa GS, các Môn đệ lại càng sửng sốt và nói với nhau : "Thế thì ai có thể được cứu ?". Trong Tin Mừng, Thánh Macco ghi nhận lời Chúa GS :"Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với TC thì không phải thế, vì đối với TC mọi sự đều có thể được"( Mc 10,27 )- Là một câu Chúa nói chung chung, nhưng rất dễ hiểu, chắc như đinh đóng cột, Chúa nói đến phép lạ cứu rỗi. Trước mắt loài người cứ cho rằng kẻ giàu, khó mà tin Chúa được, nhưng Chúa vẫn làm phép lạ, nhiều người giàu có trên đời đã được Chúa thăm viếng và ban cho lòng tin, họ cũng góp phần rất lớn để xây dựng Giáo Hội. Chúa bênh vực người nghèo, công kích người giàu mà người giàu vẫn khoái, vẫn thích. ĐTC Phanxico nói rằng : "Những người theo Chúa Kitô thì không để cho những ham muốn giàu có, danh vọng, nổi tiếng bám vào lòng mình". Trong "Thập đại thành công" Đức cố HY Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận có viết : "Ý thức, tin tưởng sứ mạng của mình như một ơn Chúa, bình tĩnh trước mọi biến cố".
Đó là một phép lạ trong ân lành của Chúa. Ta hãy cầu nguyện cho những người đang cần Chúa hôm nay.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp con theo Chúa, vào đời thực hành lời dạy của Chúa. Xin giúp con nhìn thấy rõ mục đích theo Chúa mỗi ngày. Xin cho con sự khôn ngoan để luôn biết phân biệt đâu là cứu cánh, đâu là phương tiện.

JB.SĨ TRỌNG.
P/s : Mời đọc thêm bài "Thay đổi não trạng và chọn lựa" trên nhãn "Bài suy niệm 4" của Blog này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét