Thứ Tư, 22 tháng 9, 2021

Danh Chúa và việc trừ quỷ

        

Đọc Kinh Thánh : Mc 9,38-41 v Lc 9,49-50.    
              ( Trùng với Phúc Âm CN XXVI Thường niên, Năm B )

1. Danh Chúa không dành cho những ai bè phái :              
    Tôi thấy cũng ngộ : Môn đệ của Chúa Giêsu ( GS ) muốn ngăn cản một người không đi theo họ mà lấy danh Chúa để trừ quỷ. Phải chăng các Môn đệ đã có thái độ ích kỷ, phân biệt và bè phái ? Danh Chúa là quà tặng của Thiên Chúa ( TC ) dành cho nhân loại, không chỉ riêng ai. Thế gian này đầy dẫy những cám dỗ, thế lực của ma quỷ rất mạnh, nhờ tuyên xưng danh Chúa mà con người chiến thắng được. Danh Chúa có một uy lực và một quyền năng lớn, chính Thánh Phaolô khẳng định : "TC đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Do vậy, khi nghe tên GS, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống. Và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Đức GS Kitô là Chúa, để TC Cha được tôn vinh"( Pl 2,9-11 ).
    Đọc qua Tin Mừng ta thấy chính Gioan tự nhận là người Môn đệ được Chúa GS thương mến ( Jn 21,20 ). Trong Nhóm Mười Hai, ông có vẻ là người hiểu Chúa và gần gũi Chúa nhất.
    Tin Mừng cũng cho biết trước đó vài hôm, lúc không có mặt Chúa, các Môn đệ đã thử trừ quỷ theo yêu cầu của một đám đông, nhưng không thành công ( Mc 9,18 ). Có lẽ vì thế mà họ trở nên ganh tị hơn khi có một người nào đó không thuộc nhóm của mình lại trừ được quỷ. Óc bè phái bộc lộ rõ.
    Óc bè phái và tính bảo thủ luôn song hành. Thái độ phân biệt và chia rẽ vẫn tồn tại. Đức GS vừa loan báo về sự thương khó của Người, Người vừa khuyên các Môn đệ sẵn sàng phục vụ và đừng tìm kiếm chỗ nhất. Thế mà Gioan, một Môn đệ được xem là thân cận nhất, bây giờ lại tỏ vẻ hung hăng. Phản ứng của ông là phản ứng muốn quyền lực. Một "bô-a-nẹc"( Boanerges - Mc 3,17b ) tức thì muốn "nẹc-bô", ông nói ngay với Chúa GS : "Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta"( Mc 9,38 v Lc 9,49 ). Lúc đầu nói "chúng con", cuối cùng xưng "chúng ta", tức là gộp cả Chúa vào luôn. Nói đến đây tôi nhớ đến câu chuyện hài hước này : Một thanh niên ngồi ăn bún gánh ở một góc phố, ăn xong vì vội vã nên bỏ đi mà quên trả tiền, lúc ấy bà bán bún la lên : - "Trời ơi là Trời, sao không trả tiền cho tui !". Thế là Trời bị oan. Chàng thanh niên không trả tiền chứ đâu có phải là ông Trời không trả tiền đâu...ông Trời cũng bị gộp vào luôn !
    Chúng ta thán phục quan điểm quảng đại của Chúa GS, đối nghịch với óc bè phái và thiếu khoan dung của các Môn đệ : "Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Qủa thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta"( Mc 9,39-40 v Lc 9,50 ). Cũng có sách dịch : "Ai không nghịch cùng các ngươi là thuận với các ngươi".
    Ngày nay trong suy nghĩ của mỗi người đều thoáng hơn. Tuy nhiên, vấn đề "danh Chúa" là không thể thiếu được. Người trừ quỷ mặc dù không theo nhóm Môn đệ của Chúa GS, nhưng anh ta đã lấy danh Chúa để trừ quỷ. Tiếng tăm Chúa đã lan rộng nên một ai đó có lòng tin thì họ lấy danh Chúa để trừ quỷ, là chuyện bình thường. Họ chỉ lấy danh Chúa để trừ quỷ được thôi, chứ không thể lấy một danh nào khác ( x Cv 4,12a ). Người theo đạo Phật mà nói trừ được quỷ, tôi chưa thấy. Các tôn giáo khác tôi cũng chưa thấy, chỉ thấy họ thờ cúng luôn cả ma quỷ thì có. Họ làm được những phép mầu nhờ ma quỷ, họ chữa người này hết bệnh rồi bắt người khác phải đau bệnh; có khi người hết bệnh một thời gian sau đó lại đau bệnh nhiều hơn, gia đình tan nát, khốn đốn, cuộc sống khó khăn không vực lên nỗi.
    Trong văn học cổ xưa, đọc truyện thần thoại Hy Lạp và Ấn Độ thì ta đã biết có những vị Du-già-tiên và những pháp sư trừ quỷ, thật sự họ làm như vậy là để khuất phục người khác và để nuôi quỷ trong người đó hòng chiếm đoạt linh hồn. Người Do Thái và ngoại giáo đã trừ quỷ ( Cv 19,13 ), pháp thuật rất phổ biến vào thời Chúa GS và các Thánh Tông đồ ( Cv 13,6-11 v 19,11-19 ), xuất phát từ sự cuồng tín và lòng mê tín dị đoan của phần đông dân chúng. "Trong số các tín hữu, có nhiều người đến thú nhận và kể ra những phù phép"( Cv 19,18 ). Phêrô cũng bị một tên Phù thủy điểm mặt khi bước vào thành Rôma và Phêrô đón nhận cái chết tử đạo tại đây. Giáo Hội được xây trên nền tảng mộ Thánh Phêrô cho đến ngày nay quyền lực tà thần cũng không làm lay chuyển.
    Thông thường ai cũng hiểu : Là người Công giáo, ai không cậy vào TC mà tin vào những mãnh lực thần linh khác thì người đó là kẻ lạc đạo. Xưa đứng trước Công nghị Do Thái, Thánh Phêrô đã tuyên xưng : "Dưới bầu trời này không một danh hiệu nào đã được ban cho loài người, để được cứu rỗi, ngoài danh Chúa GS Kitô" ( Cv 4,12b ). Chúng ta ai cũng cầu mong cho mọi người đều biết đến danh Chúa. Mọi người biết đến danh Chúa, tức là "Nước Cha trị đến". Chúa không tây vị ai, Hồng ân Chúa luôn tuôn đổ cho những ai biết tin tưởng và cộng tác với Ngài.

2. Những câu chuyện Chúa GS trừ quỷ :
    Có người không thích lối viết của tôi vì trích dẫn nhiều. Không sao, tùy ý họ.
    Riêng tôi thấy cần thiết nên không thể bỏ qua được những câu nói hay và Lời Chúa trong Kinh Thánh. Một mặt vì để "nói có sách, mách có chứng" thì không gì khác là trích dẫn Lời Chúa. Người có lòng yêu mến Chúa và say mê Kinh Thánh thì thấy cũng không thừa. Một giáo viên dạy Toán như tôi, tôi bị mắc chứng bệnh "ghiền Kinh Thánh", tôi biết là văn của tôi không hay lắm vì không có tính ướt lệ, nhưng không phải vì thế mà không nói được gì. Lời Chúa GS phán : "Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì Ta và những lời Ta dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh Thiên thần trong vinh quang của Cha Người"( Mc 8,38 ).
    Ta hãy xem Chúa GS trừ quỷ thế nào nhé. Trích đoạn Kinh Thánh này hơi dài nhưng tôi cũng muốn dẫn ra cụ thể :...Khi Chúa GS bảo người cha đem đứa con bị quỷ ám đến cho Ngài. "Vừa thấy Người, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất lăn lộn, sùi cả bọt mép. Người hỏi cha nó : "Cháu bị như thế từ bao lâu rồi ?" Ông ấy đáp : "Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi". Đức GS nói với ông ta : "Sao lại nói : Nếu Thầy có thể ? Mọi sự đều có thể đối với người tin". Lập tức cha đứa bé kêu lên : "Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !" Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức GS quát mắng tên quỷ :"Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi ra khỏi đứa bé, không được nhập vào nó nữa !" Qủy thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé trân ra như chết khiến cho nhiều người nói : "Nó chết rồi !" Nhưng Đức GS cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy và nó đứng lên. Khi Người vào nhà, các Môn đệ mới hỏi riêng Người : "Tại sao chúng con đây lại không trừ nỗi tên quỷ ấy ?" Người đáp : "Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi"( Mc 9,20-29 ).
    Thánh ký Luca ghi lại việc Chúa GS giảng dạy tại Caphanaum và chữa lành một người bị quỷ ám : "Trong hội đường có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng : "Ông GS Nazaret, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : Ông là Đấng Thánh của TC !" Nhưng Đức GS quát mắng nó : "Câm đi, hãy xuất khỏi người này !" Qủy vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau : "Lời ấy là thế nào ? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !" Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng ( Lc 4,33-37 ).
    Ta còn thấy Chúa GS trừ quỷ bị các Kinh sư từ Jérusalem đến cho rằng Ngài là Quỷ vương ( x Mc 3,20-30 ). Ở phân đoạn này ta lưu ý Chúa GS đã phản bác lại, trong đó có một câu tiên tri cho cả thời đại và những quốc gia đang sống dưới áp lực thống trị của ma quỷ : "Satan mà bị chia rẽ thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số !"( Mc 3,26 ). Sách Tin Lành dịch : "Nếu quỷ Satan tự dấy lên nghịch cùng mình, tất nó bị chia xé ra, không thể còn được; song nó đã gần đến cùng rồi"
    Thánh ký Luca còn ghi lại việc Chúa GS trừ quỷ đạo binh, xin chuyển thể bằng thơ lục bát cho dễ đọc như sau :
                    
            Thầy trò mới ghé thuyền vào,
            Mảnh đất đối diện với miền Galilê
            Đặt chân lên chốn vùng quê,
            Một người quỷ ám chạy ra đón Ngài
            Từ lâu là một chàng trai
            Không quần, không áo, ở nơi mả mồ
            Nhiều lần quỷ nhập, quỷ xô
            Người ta xiềng xích, trói gò tứ chi
            Đức Giê su hỏi : -"Tên gì ?"
            Anh ta liền đáp : -"Tên là Đạo Binh :
            Cả đoàn cả lũ yêu tinh,
            Số đông vô kể, quậy mình khó yên !"
            Thấy Ngài anh vội hét lên,
            Rồi anh quỳ xuống van lơn kêu gào :
-           "Giê su, con Đấng Tối Cao,
            Việc tôi quan hệ thế nào đến ông ?"
            Anh ta vừa mới nói xong,
            Chúa liền truyền bảo anh vòng lại đây
            Khiến thần ô uế xuất ngay,
            Chúa cho chúng nhập vào bầy đàn heo
            Nơi này vách đá cheo leo,
            Có thêm vực thẳm, đường đèo băng qua
            Bầy heo từ núi tuôn ra,
            Lao nhanh xuống biển xuống hồ chết luôn.
            Người chăn bỏ chạy hết hồn,
            Loan tin thiên hạ xóm thôn ra nhìn
            Anh chàng quỷ ám ngồi yên,
            Áo quần sạch sẽ, mặt hiền dễ thương
            Lắng nghe chim hót trong vườn,
            Hoàng hôn chầm chậm nhẹ vương núi đồi...
                                    ( x Lc 8,26-39 )
Ta còn bắt gặp nhiều lần Chúa GS trừ quỷ nữa, nếu ai đọc qua bốn sách Tin Mừng thì sẽ rõ.

3. Việc lấy danh nghĩa Chúa để trừ quỷ ngày nay :
    Ngày nay, phép lạ trừ quỷ có khi thật, có khi không thật, tự vẽ vời rồi phóng đại lên nhờ chứng nhân giả diễn kịch, kích động để lôi kéo nhiều người. Tôi không tin những người được phép lạ trừ quỷ rồi họ đi làm chứng, là một tương quan cộng đoàn, là điều tốt. Chỉ sợ rằng ở đời có những trò bịp bợm, có những tổ chức cá nhân tự thần thánh hóa mình lên, tự "xâu" mình lên, tự đề cao một cách quá đáng để quên luôn cả quyền uy của TC, quyền năng của Đấng Tối Cao. Không ai tự đề cao mình mà trừ được quỷ cho người khác nếu không dựa vào danh của Đức Kitô. Cũng không ai tự thần thánh hóa mình mà được người khác tôn trọng, nếu được tôn trọng chẳng qua là dựa vào sự mù quáng của những kẻ ngu dốt.
    Trừ quỷ bậy bạ, hậu quả khó lường ! Một nhóm trừ quỷ sau khi bị vạ cấm, họ trở nên như ngông cuồng. Tôi có xem một video của "nhóm trừ quỷ từ nhà Chúa Cha", video với tựa đề "Sự thật về Qủy vương trong thời đại mới", họ đưa ra những lời biện bạch chẳng khác nào một Bê-ên-xê-bun, họ tự cho là "được Chúa Cha chỉ đạo", họ dám khuyên "Đức Cha và ban cố vấn cần phải có tâm tình như Chúa GS". Thật khó lọt tai với những lời lẽ như thế. Bà Maria Thiên Thương thì tuyên bố như một lời thách thức với Đức Giám mục Giáo phận : "Con xin thưa với Đức Cha, Đức Cha đã dùng quyền mà thống trị vậy Đức Cha có quyền trên quỷ không ? Đức Cha đã dùng quyền mà phạt con và cha Truyền thì Đức Cha phải cho con dân biết được uy quyền của mình trên quỷ, Đức Cha phải ra mặt để công khai trừ quỷ, nếu Đức Cha được Chúa nhận lời thì quỷ sẽ vâng phục... con xin Đức Cha hãy mở rộng cánh cổng tòa Giám Mục để đón tiếp những người bị quỷ nhập để Đức Cha chữa lành cho họ ". Tôi cho rằng đây là lời lộng ngôn, phạm thượng. Đúng ra họ không nên nói như vậy. Thật tôi không thể hiểu nỗi tại sao cha Nguyễn Chu Truyền lại không vâng lời Đức Giám mục GP mà nghe theo lời của "chị đại" Thiên Thương, rồi lôi kéo người kém hiểu biết tham gia vào ? Từ năm 2015 nhóm tín hữu ấy đã ngộ nhận rằng họ được Chúa Cha "trực tiếp mặc khải", làm "thư ký cho Chúa Cha" và được Chúa Cha ban đặc ân "trừ quỷ". Nhóm này lôi kéo được một số linh mục, tu sĩ tham gia nên nhiều tín hữu dễ dàng tin theo con đường lầm lạc. Ngay khi nhóm tự xưng, Đức Cha GP Đà Lạt đã kiên nhẫn lắng nghe và khuyên nhủ, kể cả ra khuyến cáo và kỷ luật Cha Truyền. Dù vậy, nhóm trừ quỷ vẫn thể hiện sự bất tuân một cách rõ ràng, công khai gây tổn hại đến Giáo Hội và tung nhiều video lên mạng gây sự hiểu lầm cho nhiều người.
     Chúng ta không xét đoán các Tông đồ, cũng không xét đoán ai cả. Tuy nhiên, cho đúng lẽ công minh như lời Chúa dạy ( Jn 7,24 ), cứ nhìn thấy việc họ làm mà nêu ra nhận định, họ đã làm những điều không đúng giáo lý chính thống của Giáo Hội và không tuân phục thẩm quyền của Giáo Hội. 
    Xin Chúa làm cho chúng ta trở nên Công giáo đích thực, như Công đồng Vaticanô II đã nhắc nhở ( x GH 9,2 ). 
    Xin đừng hiểu lầm với việc danh Chúa GS là một thứ bùa chú, một công thức ma thuật. Sự thật một nhóm người làm như vậy có "chính đáng" không, họ làm như vậy có "bảo tồn các yếu tố tôn giáo và nhân bản quý giá trong truyền thống" không ? Xin thưa là không. Đức GS khi công khai rao giảng Tin Mừng, Ngài đã từng phán : "Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy". Vị Giáo Hoàng Tiên khởi của chúng ta từng nói rằng : "Ngoài Chúa GS ra, không ai đem lại ơn Cứu độ"( Lời Thánh Phêrô trong Tông đồ Công vụ 4,12a ). Tất cả những ai phủ nhận vai trò Cứu chuộc của Chúa GS, mà tự cho mình được Chúa Cha trực tiếp mặc khải, người đó là kẻ kiêu ngạo và hoàn toàn ngược với tín lý của Giáo Hội Công giáo. Ai tự cho mình là người thay thế Chúa GS để cứu chuộc, rồi tự cho rằng Chúa Cha đã sai Ngài xuống nói cho mình để mình làm việc đó, người đó là đại kiêu ngạo.
    Xét cho cùng, niềm tin của chúng ta không phải là một mớ giáo điều để tuyên xưng, một số kinh kệ phải đọc làu làu, một số biểu dương tôn giáo cần bày tỏ ra bên ngoài. Chúng ta không rao giảng nhà thờ, không rao giảng giáo điều, không rao giảng kinh kệ, chúng ta rao giảng Chúa GS. Chúng ta nên vâng lời giáo quyền hay vâng lời một nhóm người ? Niềm tin thiết yếu của chúng ta là Chúa GS - Đấng đang hiện diện sống động trong mỗi người, Đấng ngự thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người. Mỗi người chúng ta ai cũng có một Ngôi Thánh đường cần phải vun đắp, chăm chút để Ngôi Thánh đường ấy ngày càng đẹp hơn, đó chính là tâm hồn mình. Sống niềm tin ấy chính là luôn ý thức về sự hiện diện của Chúa và không ngừng đi vào tương quan mật thiết với Ngài. Chỉ nhân danh Chúa và cầu nguyện nhiều, con người mới có thể lãnh nhận những ơn lành Chúa ban cho. 
    Trên thế giới, thật tội nghiệp cho người dân Ấn Độ, họ sống trong tăm tối và mù quáng : 
                Bao năm tắm lấy nước sông Hằng,
                Mộng  mị  tà  ma  bủa  vây  quanh
                Niềm  tin   cứ  thế   luôn  đeo  đẳng,
               Cuộc sống luân phiên những nhọc nhằn.
    Khi Đại dịch Covid xảy ra, người theo đạo Hin-đu đã dùng phân bò bôi trét lên mình và tin rằng như thế sẽ hết bệnh. Trong thực tế Đại dịch vừa rồi số người chết quá nhiều khiến họ tức giận nên đã ném các tượng thần xuống sông vì không tin những gì là phép lạ do các vị thần ấy mang lại mà lòng dạ họ lâu nay đã quá mê muội. Thấy thật đáng thương và tội nghiệp cho họ lắm !
    Ngày nay, cứ đọc Phúc Âm sẽ thấy : Người ta làm theo ý riêng, chứ không làm theo ý Cha trên trời, nên Chúa GS đã cảnh báo : "Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri, nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao ? Và bây giờ, Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác"( Mt 7,21-23 ).

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin cho con vững tin nơi Chúa vì Chúa là vị Thần trên hết các thần. Xin cho những người trừ quỷ được là nhờ họ lấy danh Chúa và bản thân họ không tị hiềm, không bè phái, không chống lại giáo quyền, họ trở nên nhỏ bé đi, biết vâng lời Đấng Bản quyền, để danh Chúa cả sáng. Con ước chi mọi người cùng hiểu ý nghĩa này để biết cách chống lại những mưu chước của ma quỷ, và nhờ quyền năng của Chúa giúp chúng con chiến thắng, tránh sự banh nha không tốt làm ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Xin cho chúng con cũng luôn quý trọng các Tông đồ của Chúa và biết cách đối xử tốt với các Ngài, như Lời Chúa nói : "Ai cho anh em uống một chén nước lã vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô..." thì sẽ được TC chúc phúc( Mc 9,41 ).
    Lạy Chúa, xin cho những Linh mục, những tu sĩ, những người lầm lỡ, đi sai đường, mau trở về với Chúa, quay về cùng Mẹ Giáo Hội, con tin rằng Mẹ Giáo Hội sẽ mở rộng vòng tay đón nhận, tha thứ và thương yêu, để họ trở thành những người con ngoan của Chúa và Mẹ, hầu phục vụ Giáo Hội, phục vụ tha nhân theo đường hướng của Giáo Hội.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Nhớ đến Chúa và làm tôi tớ

1. Việc ghi nhớ :
Có nhiều cách thu nhận tri thức và các cách này hữu hiệu khác nhau tùy theo mỗi người. Có người chỉ cần nghe là nhớ. Người khác phải vừa nghe vừa ghi lại trên giấy mới nhớ. Nhưng hầu như ai cũng nhớ lâu nếu làm, thực tập ngay điều phải học.
Chúa Giêsu ( GS ) thường bảo : "Ai có tai hãy nghe"- Câu này được Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi khi Chúa giảng một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, để giúp cho Môn đệ nhớ lâu, Chúa đã  thực hành và dạy họ làm những điều đã nghe. Chúa không lý thuyết dài dòng mà thường cùng với các Môn đệ làm một việc nào đó, rồi nhân việc đó mà Chúa dạy Chân Lý.
Bữa ăn cuối cùng của các Môn đệ với Chúa GS trước khi Chúa chịu chết, nhằm đúng vào ngày đầu tiên người ta kỷ niệm lễ Vượt Qua. Chúa dùng bữa ăn này mà dạy các Môn đệ bài học hy sinh của Ngài.
Chúa chết trên thập tự giá, nhưng Chúa không bảo Môn đệ dựng cây thập tự để nhớ đến Chúa ( nếu có, đây là việc làm tự ý thức vì xưa Môisê đúc con rắn đồng treo lên để chữa dân chúng bị rắn cắn ). Chúa bị chôn trong mộ đá, nhưng Chúa không bảo họ làm ngôi mộ để nhớ đến Ngài. Chúa chỉ bảo họ làm điều mà họ trực tiếp tham dự, đó là ăn bánh không men và uống chén nước nho ( bánh và rượu ) từ lao công và sức lực con người. Khi ăn họ biết cách bẻ bánh và trao ban như Ngài. Khi ăn như vậy, uống như vậy họ nhớ đến ý nghĩa sự hy sinh của Chúa, họ nhớ họ được tham dự trong cái chết của Chúa hay là hưởng được kết quả chuộc tội qua cái chết ấy của Ngài - Qủa thật, đấy là một mầu nhiệm, mà Hội Thánh tuyên xưng: "Đây là mầu nhiệm đức tin". Chúa nhấn mạnh : "Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là máu Thầy, máu giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy"( x Mt 26,26-28 v Mc 14,22-24 v Lc 22,19-20 v I Cr 11,23-25 ). Khi tham dự Thánh Lễ ta cũng thường nghe Linh mục đọc lại lời truyền phép đó của Chúa GS để bánh và rượu trở nên Mình-Máu của Chúa.
Ý nghĩa chính của Tiệc Thánh mà chúng ta tham dự ngày nay là để công khai tuyên bố rằng : "Chúa GS đã chết vì tôi". Và mọi người đều có thể tự hỏi và trả lời được : Người chết vì ai ? Ngài chết vì ngươi. Người chết cho ai ? Ngài chết cho ngươi.
Đối với cái chết của Chúa, Chúa dạy rằng, ta phải nhớ đó là sự hy sinh cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, vì Chúa GS lúc nào cũng dạy qua hành động, nên việc ghi nhớ cũng không phải chỉ là trong trí óc mà phải phản ánh qua hành động. Mỗi khi nhớ lại rằng : "Chúa GS đã chết vì tôi", ta phải làm những gì cho Chúa ?

2. Làm tôi tớ :
Tin Mừng Maccô, Thánh ký ghi lại rằng : "Đức GS và các Môn đệ đến thành Caphanaum. Khi về tới nhà, Đức GS hỏi các ông : Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy ? Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức GS ngồi xuống, gọi nhóm Mười Hai lại mà nói : Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người"( Mc 9,33-35 ). Đôi khi ta bảo ai đó làm một điều gì mà người ấy cứ khăng khăng theo ý họ, chúng ta than rằng : người ấy không chịu nghe, không chịu hiểu. Đấy là trường hợp các Môn đệ của Chúa GS. Họ đã ở với Chúa gần ba năm, đã nghe không biết bao nhiêu bài dạy về nhu mì, khiêm nhường, yêu thương rồi; trong bữa tiệc cuối cùng, thay vì tâm sự với Chúa, họ quay ra thảo luận xem ai trong đám họ là lớn nhất, ai là tể tướng, ai là quan văn, ai là quan võ, ai là thượng thư, ai là thủ tướng ?...
Họ tưởng chừng Chúa sắp làm vua và sắp tổ chức triều chính, thành lập nội các. Nhưng Chúa cho họ biết hai điều :
        a. Thứ nhất : Nguyên tắc quản trị của Chúa là phục vụ nhau, làm tôi tớ, nô lệ cho nhau.
        b. Thứ hai : Hễ trung thành theo Chúa qua mọi thử thách thì sẽ hưởng vinh phúc.
Cả hai điều này các Môn đệ đều chưa làm, mà đã lo chức vị, lo lập công, đòi địa vị, nhất là vào lúc nguy nan nhất trong cuộc đời của Chúa.
Môn đệ của Chúa ngày nay cũng vậy. Chúng ta thấy, đôi khi họ mất thì giờ thảo luận về những danh vị, những chỗ đứng chỗ ngồi. Trong khi đó quên rằng phục vụ Chúa là làm tôi tớ, là hầu hạ kẻ khác và cùng với Chúa qua những chặng đường nguy nan. Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng GM GP Sài Gòn đã có lần nói trong bài giảng tại lễ Truyền chức Linh mục cho các Thầy thuộc Đan viện Xitô Ninh Bình như vậy, các ông bà cố được chúc mừng, Ngài bảo: Chúc mừng gì, đi làm đầy tớ người ta mà cũng chúc mừng !
Đây không phải là những lời lên án, đây là lời thú tội chung của chúng ta. Hãy nhìn hình ảnh Chúa cao cả đang ngồi xuống đất và cúi xuống rửa chân cho những kẻ tội ác, kiêu ngạo, vô tín, bất trung, mặc dù xưng là Môn đệ của Ngài. Nói thế này có nặng lời lắm không nhỉ ?
Hôm nay chúng ta hãy nghĩ xem có bao giờ chúng ta đã noi gương Chúa, phục vụ anh chị em và những người khác chưa ? Nếu chưa thì chúng ta chưa đủ điều kiện sinh hoạt trong Nước Chúa đâu. Chính Chúa GS phán : "Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em : Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em !"( Jn 13,15-17 ). Mặc khác, ta cần phải hiểu "ta phải trở nên như trẻ thơ", như Tin Mừng Maccô đã đề cập ( Mc 9,37 ).

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa chết vì con, chết vì yêu thương con và cứu chuộc con. Xin cho con biết giữ mình để ma quỉ không thể sai khiến con như nô lệ của nó.
Lạy Chúa, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, xin cho con biết mến yêu và phục vụ Chúa trong mọi người.

JB.SĨ TRỌNG.


Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Vua ơn Cứu độ


Mở đầu sách Khôn ngoan viết : "Hãy yêu chuộng đức công chính, hỡi những người cai trị trần gian, hãy suy tưởng ngay lành về Đức Chúa và thành tâm kiếm tìm Ngài"( Kn 1,1 ). - Những người cai trị trần gian không ai khác là các vị vua, nỗi bậc nhất là những khía cạnh nào ?

1. Vua Công bình :
    Ngày xưa, xã hội Do Thái cũng như tất cả các xã hội khác trên thế giới đa số đều theo thể chế quân chủ. Vua là người nắm quyền cai trị cao nhất trong nước. Vua có toàn quyền thế xử lý mọi việc trong nước theo ý mình.
    Dầu có uy quyền cao nhất nước, các vua chúa cũng phải ở dưới một uy quyền cao hơn - uy quyền của Thiên Chúa ( TC ), và họ phải chịu chi phối bởi những quy luật của TC. Quy luật căn bản của Chúa là công bình. TC cai trị hoàn vũ theo luật công bình. Nếu vua tuân theo luật công bình của Ngài thì ngôi nước mới bền vững. Nếu không, ngôi nước của họ sớm muộn gì rồi cũng sẽ sụp đổ.
    Ngày nay, chế độ quân chủ chuyên chế không còn nữa, nhưng quy luật công bình của Chúa vẫn bất di bất dịch. Tất cả mọi cơ chế xã hội như gia đình, trường học, Hội Thánh v.v...cũng phải xây dựng trên nền tảng công bình thì mới mong bền vững được. Cho nên, dầu ở môi trường nào, vị thế nào, dầu là người đang nắm giữ uy quyền, hay là người ở dưới uy quyền của người khác, tất cả chúng ta đều cần học tập để sống theo lẽ công bình. Lời Chúa là khuôn thước công bình chúng ta cần thấm nhuần để có thể phán đoán và hành động theo lẽ công bình, đúng như sách Châm ngôn đã viết :
      -"Hãy ký thác việc bạn làm cho Đức Chúa, dự tính của bạn ắt sẽ thành công"( Cn 16,3 ).
     -"Lời Chúa ở nơi môi vua / Miệng lưỡi sẽ không sai lầm khi xét đoán"( Cn 16,10 ).
     -"Làm gian ác, ấy là gớm ghiếc cho vua chúa / Vì nhờ công bình ngôi nước được lập vững bền"( Cn 16,12 ).

2. Vua Uy quyền :
    Vua chúa trong chế độ quân chủ ngày xưa nắm quyền sinh sát trong tay. Cho nên người nào bị vua giận thì kể như toi mạng, ai chọc vua giận kể như người ấy đồng nghĩa với muốn tự sát ( Cn 20,2 ). Ngược lại, người nào được vua yêu chuộng thì phước hạnh, tài lộc đến, bởi vậy tha hồ có nhiều kẻ nịnh bợ ( Cn 16,15 ). Người xưa nể sợ uy quyền các vua chúa.
    Chúa Giêsu ( GS ) là "Thủ lãnh mọi vương đế trần gian"( Kh 1,5 ), là "Vua trên hết các vua, Chúa của các chúa"( Kh 19,16 ). Ngài nhân từ độ lượng, và Ngài cũng công bình chính trực. Chúng ta không được coi thường Chúa, vì án phạt đón chờ những ai cứng lòng, sẽ ở mãi trong sự thịnh nộ của Ngài ( Jn 3,36 ). Con người ở mọi thời đại phải nể sợ uy quyền của TC. "Đem lòng kính sợ mà phụng thờ Đức Chúa"( Tv 2,2 ).
    Trong lãnh vực chính trị, ngày nay hầu như không còn vua chúa nữa, nhưng những người giữ các chức vụ trong lãnh vực quân sự hay chính trị trong nước cũng có quyền hành nhiều hay ít. Quyền hành của họ có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Con cái Chúa có bổn phận vâng phục và tôn trọng nhà cầm quyền ( Rm 13,1 v I Pr 2,17 ). Việc tôn trọng, vâng phục như vậy không những vì lý do an ninh phúc lợi, nhưng cũng vì lý do lương tâm của chúng ta nữa. Theo ý chỉ của Chúa, xã hội con người cần phải có trật tự, cần phải có người lãnh đạo. Những viên chức chánh quyền là những người được Chúa giao phó trách nhiệm mang an ninh trật tự cho xã hội. Cho nên, trừ khi chính quyền chống lại Chúa; còn không, chúng ta có bổn phận vâng phục nhà cầm quyền trong mọi sự. Vâng phục nhà cầm quyền như vậy là nể sợ uy quyền của Chúa vậy.
    Thái độ tôn trọng, vâng phục không chỉ bày tỏ bằng cung cách giao tiếp với người cầm quyền, nhưng cũng bằng hành động tuân thủ luật pháp quốc gia và thi hành các bổn phận của người dân. Con cái Chúa phải là những người công dân lương thiện, gương mẫu, thì chúng ta mới có uy tín để làm chứng cho Chúa.

3. Vua Nhân từ, Chân thật :
    Chúa ban cho con người uy quyền cai trị để đem phúc lợi cho người khác. Nhưng con người thường hay lạm dụng uy quyền Chúa ban cho. Các vua chúa thế gian hay dùng bạo lực, thủ đoạn gian trá để bắt nạt, hãm hại dân lành. Những hành động lộng quyền của các bạo chúa khi xưa thật không tưởng tượng nỗi. Sở dĩ, người ta lạm quyền như vậy là vì họ nghĩ rằng dối trá và bạo lực sẽ bảo vệ ngai vàng của họ vững chắc. Tuy nhiên, Lời Chúa cũng như lịch sử cho thấy : Nhân từ, Chân thật mới là thành trì bảo vệ vững chắc.
    Chúa Giêsu, vị Vua của cả hoàn vũ đã dạy dỗ và thực hành đường lối cai trị nhân từ và chân thật, và Ngôi nước Ngài tồn tại đến muôn đời. Ngài là Vua uy quyền lớn lao nhất, nhưng Ngài cũng là Vua nhân từ chân thật nhất. Thánh Gioan Tông đồ đã thấy Ngài tận mắt, nghe Ngài tận tai và xác định rằng : "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn trọng và lẽ thật"( Jn 1,14 ). Chúa không dùng dối trá và bạo lực để chinh phục các dân các nước, nhưng Ngài dạy lẽ thật và thu hút người ta bằng tình yêu, như Ngài đã từng nói : "Nước của Ta không thuộc về thế gian. Nếu Nước Ta thuộc về thế gian thì  tôi tớ Ta sẽ đánh trận không để Ta phải bị nộp trong tay Israel"( Jn 18,36 ).
    Mỗi chúng ta mang các vai trò khác nhau trong xã hội, đều có ít nhiều uy quyền đối với người khác. Có người là cha, mẹ, ông bà trong gia đình; có người là thầy giáo, cô giáo trong trường học; có người là công nhân viên trong chính quyền; có người là chủ nhiệm, giám đốc, trưởng đội, trưởng toán trong cơ xưởng v.v...Khi có quyền, chúng ta dễ bị cám dỗ để dùng bạo lực và dối trá. Chúng ta nên nhớ đường lối sử dụng quyền hành của Chúa, cũng như thành trì để giữ cho uy quyền vững chắc không phải là dối trá và bạo lực, nhưng là chân thật và lòng nhân từ. "Những ai ẩn náu bên Người, thật hạnh phúc dường bao !"( Tv 2,12 ). "Chúa chính là nguồn ơn Cứu độ, xin ban phúc lộc cho dân Ngài"( Tv 3,9 ).

4. Vua ơn Cứu độ :
    Những gì Chúa kêu gọi Môn đồ Ngài làm thì chính Ngài đã làm. Chúa đến không phải để người ta phục vụ nhưng để phục vụ người ta ( Mt 20,28a ); Ngài đến không phải để chiếm một ngôi báu nhưng là nhận một Thập tự giá, trên Thập giá vương miện của Ngài là mão gai. Đó là điểm mà những người theo Chính Thống giáo ở thời Ngài không thể hiểu Ngài. Qua lịch sử, người Do Thái mơ ước một Đấng Mét-si-a mà họ mơ ước luôn luôn là một vị vua chiến thắng, một vị tướng dũng mãnh, một Đấng sẽ đập tan kẻ thù của dân Do Thái và lấy quyền uy cai trị mọi vương quốc của địa cầu. Họ tìm kiếm một vị vua chiến thắng thì nhận được một Đấng tan nát trên Thập tự giá. Họ trông đợi một sư tử gầm thét của Giuđa thì nhận được một Chiên Con hiền lành của TC. Rudolf Bultmann viết : "Trên Thập tự giá của Chúa Cứu thế, những tiêu chuẩn của người Do Thái và những quan niệm trần gian về sự huy hoàng của Đấng Mét-si-a bị đạp đổ". Nơi đây vinh quang mới và tầm vóc vĩ đại của tình yêu chịu khổ và sứ mạng hy sinh, phục vụ được thể hiện. Tại đây, vương quyền và đế quyền được minh định và tái tạo.
    Chúa GS đã tóm tắt đời sống trong một câu thấm thía : "Con người đến để phó mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người"( Mt 20,28b ).Ý của lời nói đó là gì ? Ý nghĩa thật đơn giản : Loài người ở dưới quyền lực của ma quỉ mà họ không thể phá vỡ được, tội lỗi kéo họ xuống, tội lỗi phân rẽ họ khỏi TC, tội lỗi làm chìm đắm đời sống họ. Và giá chuộc bây giờ là một cái gì để trả hay ban cho hầu giải phóng con người khỏi tình trạng chính họ không thể tự cứu mình.
    Chúa GS phải trả giá bằng sự sống và sự chết của Ngài để đem lại loài người trở về cùng Chúa Cha. Chân lý đơn giản và vĩ đại là nếu không có Chúa Cứu thế, nếu không có sự sống phục vụ của Ngài và sự chết yêu thương Ngài đã thực hiện, thì chúng ta không bao giờ tìm được con đường trở lại với tình thương của TC. Chúa GS ban cho tất cả để mang con người trở lại với Thượng Đế, và chúng ta phải bước theo dấu chân Ngài là đấng yêu thương chúng ta sâu đậm nhất.

5. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho con biết sống theo lẽ công bình của Chúa. Xin Chúa giúp con làm một người công dân tốt để có thể làm nhân chứng cho Chúa giữa đồng bào con.
    Con ngợi khen Chúa là Vua ơn Cứu độ - Vua nhân từ và chân thật. Xin Chúa giúp con biết sống theo đức nhân từ chân thật của Chúa trong phạm vi quyền hành Ngài ban cho, mà con không cảm thấy hổ thẹn với lương tâm. Xin cho con theo chân Ngài trên đường Thập giá.

P/s : Mời đọc thêm bài viết "Vua Tình yêu" của Hoàng Trung trên nhãn "Z.Sưu tầm" của Blog này.
    - Viết sau khi tham dự Thánh Lễ trực tuyến CN XXIV của nhà thờ Chánh tòa Bà Rịa.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Chùm thơ 67

ÂM VANG BÀI VIẾT

Bài viết  cách đây  đã  mấy năm,
Vẫn còn người đọc, kẻ ghé thăm
Câu  thơ  tình  tứ  lời  khiêm  tốn,
Tình cảm thân thương giữ ấm lòng.



ĐIỀU LUÔN CÓ

Khi Hạ đến, Đông còn đang trú ẩn
Mùa  Thu bay  xào xạc  lá  rơi đầy
Em đi học căn phòng dày bụi phấn,
Mà sân trường  vẫn có  gió heo may.






TRĂNG THỜI CUỘC


Lời trăng mở ngỏ, cỏ trăng thơm
Một chút làm quen, chớ dỗi hờn
Cuộc sống bao giờ cũng thấy rõ :
Người ăn không hết, kẻ nghèo hơn.




TÌNH VƯỢT THỜI GIAN

Làm  sao   tôi  lại   bị   thất  tình ?
Khi  có  một  Người  đã  hy  sinh :
Cứu chuộc tôi bằng đường khổ giá
Cho  đời  vẻ  đẹp  Ánh  Bình  minh.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Từ câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc

    

    Tôi đang suy nghĩ về câu chuyện Thánh ký Maccô tường thuật : Một người vừa câm vừa điếc được Chúa Giêsu ( GS ) chữa lành ( x Mc 7,31-37 ). "Chúa kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh" ( Mc 7,33 ) rồi nói Epphata; tức thì tai anh ta mở ra, lưỡi anh ta được tháo gỡ và anh nói được rõ ràng ( Mc 7,34-35 ). Chúa đầy tràn khí năng nên Ngài làm được chuyện ấy. Nhưng thật khó hiểu khi Chúa dùng nước miếng để chạm lưỡi anh ta, không biết việc này có ý nghĩa gì ? Tại sao Ngài phải làm vậy ?
    Có lẽ Chúa không muốn đi tắc. Để có được cuộc sống tràn đầy năng lượng đáp ứng được nhu cầu của người khác thì tế bào trong toàn bộ cơ thể phải hoạt động và cung cấp năng lượng, phải có sự tương tác. Chúa không muốn phủ nhận tác dụng của khoa học, tay Ngài chạm rất nhẹ nhàng nhưng thần khí, điện năng và dung chất hóa học thấm vào người anh, như xưa tay Chúa chạm vào miệng Giêrêmia để Giêrêmia trở thành Ngôn sứ mặc dầu ông ta rất ngại vì còn rất trẻ. Nói đến đây, tôi nhớ tới việc ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh, ông ta dùng tay nắm lấy lưỡi người ta rồi kéo và lắc, hành động thô bạo này không mang đến hiệu quả, người bệnh không được lành hẳn, về sau bà Nguyễn Phương Hằng và cộng đồng mạng vạch mặt, vì đây là chiêu trò lừa đảo nhận tiền người khác, tự tôn mình lên.
    Chúa GS hoàn toàn không giống như vậy. Ngày nay nếu có ai làm như Chúa GS, người ta sẽ nói người ấy chơi dơ, thiếu vệ sinh, nhất là thời buổi đại dịch covid đang xảy ra. Mỗi thời mỗi khác, thời Chúa GS khoa học ứng dụng chưa nhiều. Đã có lần tôi ghé thăm những người khuyết tật tại một trung tâm nuôi dưỡng. Tôi thấy mình dễ tiếp xúc với người mù hơn là người bị câm điếc. Chúng ta thật khó làm cho người câm điếc hiểu được chúng ta, và chúng ta cũng khó hiểu được điều họ diễn đạt. Trong Tin Mừng có rất nhiều lần Chúa GS chữa lành người bị mù. Đa số những người mù tuy mắt không thấy được nhưng miệng họ la lên kêu tên Chúa rất lớn nên Chúa GS nhận ra ngay. Người câm điếc thì hoàn toàn ngược lại, phản ứng chậm hơn, phải nhờ "người ta đem đến"( Mc 7,32 ) mặc dù mắt họ trông thấy. Đây là vị trí địa hạt Tyro, qua Sidon, đến gần biển Galilea giữa miền thập tỉnh ( Mc 7,31 ). Cũng có sách Tin Mừng ghi lại người này vừa ngọng vừa điếc, chứ không phải câm. Ngọng khác với câm. Ngọng thì nói được nhưng mà khó nghe, khi nói họ gặp khó khăn, ta có cảm tưởng chiếc lưỡi anh ta như bị một sợi dây tóc buộc lại, vướng ở bên trong họng rất khó gỡ. Đức GS đã dùng tay thấm nước miếng chạm đến lưỡi anh và sợi dây đó được tháo cởi. Thế là anh ta nói được một cách tự nhiên và rõ ràng. Thêm vào đó, tai cũng nghe được, tiếp thu được những vấn đề người khác đặc ra để đối thoại dễ dàng. 
    Nói sao để người khác hiểu được mình là ước mơ của nhiều người trong chúng ta. Miệng ú ớ mà người khác không hiểu, thấy cũng tức chứ ! Có những đe dọa khống chế làm con người câm nín. Nhiều người trở nên ngọng hay câm vì những áp lực hoặc do sự chèn ép thiếu dân chủ. Có người nghe nhưng giả bộ điếc, cũng có người điếc nhưng giả bộ nghe. Có người mới nói ra là bị người khác bịt miệng liền. Có người câm là do điếc, vì điếc tai không nghe nên miệng phải câm. Có người giả bộ điếc vì không muốn nghe, cũng có người nghe mà giả vờ như mình bị điếc thật... 
    Điều đặc biệt trong câu chuyện chữa lành lần này, sau khi người câm điếc nghe và nói được rồi thì "Chúa GS truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả"( Mc 7,36a ). Ngày nay có người vẫn muốn làm chứng khi mình lãnh nhận phép lạ như tại "Giáo điểm Tin Mừng" Nhà Bè trước đây, hay tại "Nhóm trừ quỷ từ nhà Chúa Cha" ở Bảo lộc. Phép lạ có khi thật, có khi không thật, tự vẽ ra phóng đại lên nhiều nhờ "chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc"( lời trong thư mục vụ gởi Cộng đoàn dân Chúa thuộc Tổng GP Sài gòn ngày 22.7.2019 ). Kinh Thánh đã diễn tả rất đầy đủ việc Chúa GS làm phép lạ và ảnh hưởng như thế nào. Khi thực hiện một phép lạ cho ai đó, có thể là theo nhu cầu hoặc không theo nhu cầu, nhưng Chúa động lòng thương xót và muốn tỏ quyền năng thì Ngài vẫn thực hiện. Thật ra đâu phải có phép lạ mới cần làm chứng, không có phép lạ người ta cũng làm chứng vậy. Người tin Chúa qua Phúc Âm cũng làm chứng được. Qua Phúc Âm, người ta tin Chúa và người ta có thể nói cho người khác biết về niềm tin đó của mình, đây là cách làm chứng tốt nhất. Biết bao người đi rao giảng làm chứng nhân giữa thời đại, có người đổ máu đào để làm chứng đâu cần phải phép lạ.
    Khi Phục Sinh, Chúa nói : "Phúc cho những ai không thấy mà tin". Như vậy, không cần phép lạ, chỉ cần vâng nghe Lời Chúa trong Phúc Âm mà người ta tin thì điều này xem ra còn tuyệt vời hơn cả Phép lạ.
    Tôi không tin những người được phép lạ rồi họ đi làm chứng, là một tương quan cộng đoàn, là điều hay điều tốt. Chỉ sợ rằng ở đời có những trò bịp bợm, có những tổ chức, cá nhân cố gắng làm, nổ lực làm bằng mọi cách để ''xâu'' mình lên. Phép lạ của Chúa hay của Mẹ cũng vậy, đâu có cần phải được la lên, hô lên, hay kể lể cho mọi người phải biết. La hét, hô hoán chỉ là hành động tự phát nhất thời khi phép lạ mới xảy ra, được xem như một phản ứng tự nhiên biểu lộ sự vui mừng của người được ơn lãnh nhận - chỉ có thế mà thôi ! Rất tiếc, hiện nay có người lại tự thần tượng hóa, tự đề cao người khác một cách quá đáng để rồi quên luôn cả quyền uy của Thiên Chúa, quyền năng của Đấng Tối Cao. Đâu đó, có Linh mục được dân chúng sùng bái như một vị Thánh sống. Họ "tự tổ chức" để được gặp gỡ, chào đón. Khi vị Linh mục ấy đến thì mọi người bâu quanh, chen nhau, xô nhau, đạp nhau, xin được đặt tay, hoặc vói lấy tay để đặt lên đầu, đưa tay để được chạm đến như chính Chúa GS vậy. Dùng việc "rảy nước thánh" để chữa bệnh cho người khác - Qủa thật buồn cười ! Noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, có lẽ ta không quên câu nói của Thánh nhân khi nói với Chúa Giêsu : "Tôi phải lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên."( Jn 3, 30 ). Không ai tự đề cao mình mà ban được phép lạ cho người khác. Cũng không có ai tự thần thánh hóa mình mà được người khác tôn trọng, nếu được tôn trọng chẳng qua là nhờ sự mù quáng của người khác. Quần chúng không phải là hoàn toàn đúng, vì quần chúng dễ bị kích động nên họ dễ dùa theo. Cứ nhìn vào bi kịch Đức GS thì ta thấy rõ : Hôm nay quần chúng lên tiếng "Hôsana, vạn tuế !", ngày mai họ trở mặt : "Đóng đinh ngay !", thậm chí có người còn hô to : "Đóng đinh hắn !" - Họ có thể chấp nhận tha Baraba ( tên cướp ), nhưng họ không chấp nhận tha Đức GS.
Đa số những phép lạ Chúa GS làm, làm cho người ta phải ngạc nhiên ( Mc 7,37a ). Họ bảo nhau "chúng ta chưa thấy vậy bao giờ."(Mc 2, 12b). Ở câu chuyện này, một cách khách quan, kết thúc phần trình thuật Thánh ký ghi lại lời của dân chúng : "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả, ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được"( Mc 7,37b ).
    Ước gì mỗi người chúng ta đều cảm nhận tình thương của Chúa một cách thẳm sâu và sống với tâm tình đơn sơ khiêm tốn, để ơn phép lạ nhiệm mầu của Chúa được ban cho.
    Lạy Chúa GS, Chúa là vị Lương y tốt, xin Chúa cho con đừng bao giờ chối từ Chúa. Mặc dù tai con không điếc, miệng con không câm, nhưng không có Chúa chưa chắc gì con đã phát ngôn đúng. Xin Chúa mở miệng lưỡi con ra để con cao rao những lời ngợi khen Chúa.

JB.SĨ TRỌNG.