Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Nhớ đến Chúa và làm tôi tớ

1. Việc ghi nhớ :
Có nhiều cách thu nhận tri thức và các cách này hữu hiệu khác nhau tùy theo mỗi người. Có người chỉ cần nghe là nhớ. Người khác phải vừa nghe vừa ghi lại trên giấy mới nhớ. Nhưng hầu như ai cũng nhớ lâu nếu làm, thực tập ngay điều phải học.
Chúa Giêsu ( GS ) thường bảo : "Ai có tai hãy nghe"- Câu này được Chúa lặp đi lặp lại nhiều lần, mỗi khi Chúa giảng một vấn đề nào đó. Tuy nhiên, để giúp cho Môn đệ nhớ lâu, Chúa đã  thực hành và dạy họ làm những điều đã nghe. Chúa không lý thuyết dài dòng mà thường cùng với các Môn đệ làm một việc nào đó, rồi nhân việc đó mà Chúa dạy Chân Lý.
Bữa ăn cuối cùng của các Môn đệ với Chúa GS trước khi Chúa chịu chết, nhằm đúng vào ngày đầu tiên người ta kỷ niệm lễ Vượt Qua. Chúa dùng bữa ăn này mà dạy các Môn đệ bài học hy sinh của Ngài.
Chúa chết trên thập tự giá, nhưng Chúa không bảo Môn đệ dựng cây thập tự để nhớ đến Chúa ( nếu có, đây là việc làm tự ý thức vì xưa Môisê đúc con rắn đồng treo lên để chữa dân chúng bị rắn cắn ). Chúa bị chôn trong mộ đá, nhưng Chúa không bảo họ làm ngôi mộ để nhớ đến Ngài. Chúa chỉ bảo họ làm điều mà họ trực tiếp tham dự, đó là ăn bánh không men và uống chén nước nho ( bánh và rượu ) từ lao công và sức lực con người. Khi ăn họ biết cách bẻ bánh và trao ban như Ngài. Khi ăn như vậy, uống như vậy họ nhớ đến ý nghĩa sự hy sinh của Chúa, họ nhớ họ được tham dự trong cái chết của Chúa hay là hưởng được kết quả chuộc tội qua cái chết ấy của Ngài - Qủa thật, đấy là một mầu nhiệm, mà Hội Thánh tuyên xưng: "Đây là mầu nhiệm đức tin". Chúa nhấn mạnh : "Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là máu Thầy, máu giao ước vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy"( x Mt 26,26-28 v Mc 14,22-24 v Lc 22,19-20 v I Cr 11,23-25 ). Khi tham dự Thánh Lễ ta cũng thường nghe Linh mục đọc lại lời truyền phép đó của Chúa GS để bánh và rượu trở nên Mình-Máu của Chúa.
Ý nghĩa chính của Tiệc Thánh mà chúng ta tham dự ngày nay là để công khai tuyên bố rằng : "Chúa GS đã chết vì tôi". Và mọi người đều có thể tự hỏi và trả lời được : Người chết vì ai ? Ngài chết vì ngươi. Người chết cho ai ? Ngài chết cho ngươi.
Đối với cái chết của Chúa, Chúa dạy rằng, ta phải nhớ đó là sự hy sinh cho mỗi chúng ta. Tuy nhiên, vì Chúa GS lúc nào cũng dạy qua hành động, nên việc ghi nhớ cũng không phải chỉ là trong trí óc mà phải phản ánh qua hành động. Mỗi khi nhớ lại rằng : "Chúa GS đã chết vì tôi", ta phải làm những gì cho Chúa ?

2. Làm tôi tớ :
Tin Mừng Maccô, Thánh ký ghi lại rằng : "Đức GS và các Môn đệ đến thành Caphanaum. Khi về tới nhà, Đức GS hỏi các ông : Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy ? Các ông làm thinh, vì khi đi đường các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức GS ngồi xuống, gọi nhóm Mười Hai lại mà nói : Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người"( Mc 9,33-35 ). Đôi khi ta bảo ai đó làm một điều gì mà người ấy cứ khăng khăng theo ý họ, chúng ta than rằng : người ấy không chịu nghe, không chịu hiểu. Đấy là trường hợp các Môn đệ của Chúa GS. Họ đã ở với Chúa gần ba năm, đã nghe không biết bao nhiêu bài dạy về nhu mì, khiêm nhường, yêu thương rồi; trong bữa tiệc cuối cùng, thay vì tâm sự với Chúa, họ quay ra thảo luận xem ai trong đám họ là lớn nhất, ai là tể tướng, ai là quan văn, ai là quan võ, ai là thượng thư, ai là thủ tướng ?...
Họ tưởng chừng Chúa sắp làm vua và sắp tổ chức triều chính, thành lập nội các. Nhưng Chúa cho họ biết hai điều :
        a. Thứ nhất : Nguyên tắc quản trị của Chúa là phục vụ nhau, làm tôi tớ, nô lệ cho nhau.
        b. Thứ hai : Hễ trung thành theo Chúa qua mọi thử thách thì sẽ hưởng vinh phúc.
Cả hai điều này các Môn đệ đều chưa làm, mà đã lo chức vị, lo lập công, đòi địa vị, nhất là vào lúc nguy nan nhất trong cuộc đời của Chúa.
Môn đệ của Chúa ngày nay cũng vậy. Chúng ta thấy, đôi khi họ mất thì giờ thảo luận về những danh vị, những chỗ đứng chỗ ngồi. Trong khi đó quên rằng phục vụ Chúa là làm tôi tớ, là hầu hạ kẻ khác và cùng với Chúa qua những chặng đường nguy nan. Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, Tổng GM GP Sài Gòn đã có lần nói trong bài giảng tại lễ Truyền chức Linh mục cho các Thầy thuộc Đan viện Xitô Ninh Bình như vậy, các ông bà cố được chúc mừng, Ngài bảo: Chúc mừng gì, đi làm đầy tớ người ta mà cũng chúc mừng !
Đây không phải là những lời lên án, đây là lời thú tội chung của chúng ta. Hãy nhìn hình ảnh Chúa cao cả đang ngồi xuống đất và cúi xuống rửa chân cho những kẻ tội ác, kiêu ngạo, vô tín, bất trung, mặc dù xưng là Môn đệ của Ngài. Nói thế này có nặng lời lắm không nhỉ ?
Hôm nay chúng ta hãy nghĩ xem có bao giờ chúng ta đã noi gương Chúa, phục vụ anh chị em và những người khác chưa ? Nếu chưa thì chúng ta chưa đủ điều kiện sinh hoạt trong Nước Chúa đâu. Chính Chúa GS phán : "Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em : Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em !"( Jn 13,15-17 ). Mặc khác, ta cần phải hiểu "ta phải trở nên như trẻ thơ", như Tin Mừng Maccô đã đề cập ( Mc 9,37 ).

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa chết vì con, chết vì yêu thương con và cứu chuộc con. Xin cho con biết giữ mình để ma quỉ không thể sai khiến con như nô lệ của nó.
Lạy Chúa, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, xin cho con biết mến yêu và phục vụ Chúa trong mọi người.

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét