Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Từ câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc

    

    Tôi đang suy nghĩ về câu chuyện Thánh ký Maccô tường thuật : Một người vừa câm vừa điếc được Chúa Giêsu ( GS ) chữa lành ( x Mc 7,31-37 ). "Chúa kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh" ( Mc 7,33 ) rồi nói Epphata; tức thì tai anh ta mở ra, lưỡi anh ta được tháo gỡ và anh nói được rõ ràng ( Mc 7,34-35 ). Chúa đầy tràn khí năng nên Ngài làm được chuyện ấy. Nhưng thật khó hiểu khi Chúa dùng nước miếng để chạm lưỡi anh ta, không biết việc này có ý nghĩa gì ? Tại sao Ngài phải làm vậy ?
    Có lẽ Chúa không muốn đi tắc. Để có được cuộc sống tràn đầy năng lượng đáp ứng được nhu cầu của người khác thì tế bào trong toàn bộ cơ thể phải hoạt động và cung cấp năng lượng, phải có sự tương tác. Chúa không muốn phủ nhận tác dụng của khoa học, tay Ngài chạm rất nhẹ nhàng nhưng thần khí, điện năng và dung chất hóa học thấm vào người anh, như xưa tay Chúa chạm vào miệng Giêrêmia để Giêrêmia trở thành Ngôn sứ mặc dầu ông ta rất ngại vì còn rất trẻ. Nói đến đây, tôi nhớ tới việc ông Võ Hoàng Yên chữa bệnh, ông ta dùng tay nắm lấy lưỡi người ta rồi kéo và lắc, hành động thô bạo này không mang đến hiệu quả, người bệnh không được lành hẳn, về sau bà Nguyễn Phương Hằng và cộng đồng mạng vạch mặt, vì đây là chiêu trò lừa đảo nhận tiền người khác, tự tôn mình lên.
    Chúa GS hoàn toàn không giống như vậy. Ngày nay nếu có ai làm như Chúa GS, người ta sẽ nói người ấy chơi dơ, thiếu vệ sinh, nhất là thời buổi đại dịch covid đang xảy ra. Mỗi thời mỗi khác, thời Chúa GS khoa học ứng dụng chưa nhiều. Đã có lần tôi ghé thăm những người khuyết tật tại một trung tâm nuôi dưỡng. Tôi thấy mình dễ tiếp xúc với người mù hơn là người bị câm điếc. Chúng ta thật khó làm cho người câm điếc hiểu được chúng ta, và chúng ta cũng khó hiểu được điều họ diễn đạt. Trong Tin Mừng có rất nhiều lần Chúa GS chữa lành người bị mù. Đa số những người mù tuy mắt không thấy được nhưng miệng họ la lên kêu tên Chúa rất lớn nên Chúa GS nhận ra ngay. Người câm điếc thì hoàn toàn ngược lại, phản ứng chậm hơn, phải nhờ "người ta đem đến"( Mc 7,32 ) mặc dù mắt họ trông thấy. Đây là vị trí địa hạt Tyro, qua Sidon, đến gần biển Galilea giữa miền thập tỉnh ( Mc 7,31 ). Cũng có sách Tin Mừng ghi lại người này vừa ngọng vừa điếc, chứ không phải câm. Ngọng khác với câm. Ngọng thì nói được nhưng mà khó nghe, khi nói họ gặp khó khăn, ta có cảm tưởng chiếc lưỡi anh ta như bị một sợi dây tóc buộc lại, vướng ở bên trong họng rất khó gỡ. Đức GS đã dùng tay thấm nước miếng chạm đến lưỡi anh và sợi dây đó được tháo cởi. Thế là anh ta nói được một cách tự nhiên và rõ ràng. Thêm vào đó, tai cũng nghe được, tiếp thu được những vấn đề người khác đặc ra để đối thoại dễ dàng. 
    Nói sao để người khác hiểu được mình là ước mơ của nhiều người trong chúng ta. Miệng ú ớ mà người khác không hiểu, thấy cũng tức chứ ! Có những đe dọa khống chế làm con người câm nín. Nhiều người trở nên ngọng hay câm vì những áp lực hoặc do sự chèn ép thiếu dân chủ. Có người nghe nhưng giả bộ điếc, cũng có người điếc nhưng giả bộ nghe. Có người mới nói ra là bị người khác bịt miệng liền. Có người câm là do điếc, vì điếc tai không nghe nên miệng phải câm. Có người giả bộ điếc vì không muốn nghe, cũng có người nghe mà giả vờ như mình bị điếc thật... 
    Điều đặc biệt trong câu chuyện chữa lành lần này, sau khi người câm điếc nghe và nói được rồi thì "Chúa GS truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả"( Mc 7,36a ). Ngày nay có người vẫn muốn làm chứng khi mình lãnh nhận phép lạ như tại "Giáo điểm Tin Mừng" Nhà Bè trước đây, hay tại "Nhóm trừ quỷ từ nhà Chúa Cha" ở Bảo lộc. Phép lạ có khi thật, có khi không thật, tự vẽ ra phóng đại lên nhiều nhờ "chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc"( lời trong thư mục vụ gởi Cộng đoàn dân Chúa thuộc Tổng GP Sài gòn ngày 22.7.2019 ). Kinh Thánh đã diễn tả rất đầy đủ việc Chúa GS làm phép lạ và ảnh hưởng như thế nào. Khi thực hiện một phép lạ cho ai đó, có thể là theo nhu cầu hoặc không theo nhu cầu, nhưng Chúa động lòng thương xót và muốn tỏ quyền năng thì Ngài vẫn thực hiện. Thật ra đâu phải có phép lạ mới cần làm chứng, không có phép lạ người ta cũng làm chứng vậy. Người tin Chúa qua Phúc Âm cũng làm chứng được. Qua Phúc Âm, người ta tin Chúa và người ta có thể nói cho người khác biết về niềm tin đó của mình, đây là cách làm chứng tốt nhất. Biết bao người đi rao giảng làm chứng nhân giữa thời đại, có người đổ máu đào để làm chứng đâu cần phải phép lạ.
    Khi Phục Sinh, Chúa nói : "Phúc cho những ai không thấy mà tin". Như vậy, không cần phép lạ, chỉ cần vâng nghe Lời Chúa trong Phúc Âm mà người ta tin thì điều này xem ra còn tuyệt vời hơn cả Phép lạ.
    Tôi không tin những người được phép lạ rồi họ đi làm chứng, là một tương quan cộng đoàn, là điều hay điều tốt. Chỉ sợ rằng ở đời có những trò bịp bợm, có những tổ chức, cá nhân cố gắng làm, nổ lực làm bằng mọi cách để ''xâu'' mình lên. Phép lạ của Chúa hay của Mẹ cũng vậy, đâu có cần phải được la lên, hô lên, hay kể lể cho mọi người phải biết. La hét, hô hoán chỉ là hành động tự phát nhất thời khi phép lạ mới xảy ra, được xem như một phản ứng tự nhiên biểu lộ sự vui mừng của người được ơn lãnh nhận - chỉ có thế mà thôi ! Rất tiếc, hiện nay có người lại tự thần tượng hóa, tự đề cao người khác một cách quá đáng để rồi quên luôn cả quyền uy của Thiên Chúa, quyền năng của Đấng Tối Cao. Đâu đó, có Linh mục được dân chúng sùng bái như một vị Thánh sống. Họ "tự tổ chức" để được gặp gỡ, chào đón. Khi vị Linh mục ấy đến thì mọi người bâu quanh, chen nhau, xô nhau, đạp nhau, xin được đặt tay, hoặc vói lấy tay để đặt lên đầu, đưa tay để được chạm đến như chính Chúa GS vậy. Dùng việc "rảy nước thánh" để chữa bệnh cho người khác - Qủa thật buồn cười ! Noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, có lẽ ta không quên câu nói của Thánh nhân khi nói với Chúa Giêsu : "Tôi phải lu mờ đi để Ngài được nổi bật lên."( Jn 3, 30 ). Không ai tự đề cao mình mà ban được phép lạ cho người khác. Cũng không có ai tự thần thánh hóa mình mà được người khác tôn trọng, nếu được tôn trọng chẳng qua là nhờ sự mù quáng của người khác. Quần chúng không phải là hoàn toàn đúng, vì quần chúng dễ bị kích động nên họ dễ dùa theo. Cứ nhìn vào bi kịch Đức GS thì ta thấy rõ : Hôm nay quần chúng lên tiếng "Hôsana, vạn tuế !", ngày mai họ trở mặt : "Đóng đinh ngay !", thậm chí có người còn hô to : "Đóng đinh hắn !" - Họ có thể chấp nhận tha Baraba ( tên cướp ), nhưng họ không chấp nhận tha Đức GS.
Đa số những phép lạ Chúa GS làm, làm cho người ta phải ngạc nhiên ( Mc 7,37a ). Họ bảo nhau "chúng ta chưa thấy vậy bao giờ."(Mc 2, 12b). Ở câu chuyện này, một cách khách quan, kết thúc phần trình thuật Thánh ký ghi lại lời của dân chúng : "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả, ông làm cho kẻ điếc nghe được và kẻ câm nói được"( Mc 7,37b ).
    Ước gì mỗi người chúng ta đều cảm nhận tình thương của Chúa một cách thẳm sâu và sống với tâm tình đơn sơ khiêm tốn, để ơn phép lạ nhiệm mầu của Chúa được ban cho.
    Lạy Chúa GS, Chúa là vị Lương y tốt, xin Chúa cho con đừng bao giờ chối từ Chúa. Mặc dù tai con không điếc, miệng con không câm, nhưng không có Chúa chưa chắc gì con đã phát ngôn đúng. Xin Chúa mở miệng lưỡi con ra để con cao rao những lời ngợi khen Chúa.

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét