Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Cục đá và cái phao.

( Mừng kính lễ 2 Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ )

1. Lời mở đầu : ( Một chút hóm hỉnh )
Đá nặng, phao nhẹ. Đá chìm, phao nổi. Đá thì đá tảng, nhưng phao thì phao lô ( không phải là phao rin ) - Đá tảng chắc chắn nặng hơn, cứng hơn phao; phao thì nhẹ, trôi nổi, bị gió dập có thể vỡ tung;  phao lô thì không xịn bằng phao rin, nhưng có khi cũng nhờ cái phao mà kẻ gặp nạn bám vào may ra được sống. Nói đùa vậy thôi, Phêrô - Phaolô, hai vị Thánh của chúng ta đều tương xứng như nhau : "mỗi người mỗi vẻ, mười phân vẹn mười" - Người nào cũng có vai trò quan trọng mà Thiên Chúa muốn sử dụng, để làm công cụ thực hiện ơn Cứu độ của Ngài trong nhân loại.

2. Hai con người - Hai trụ cột :
    a.Niềm tin và ân sủng :
Cả hai Thánh Tông đồ Phêrô - Phaolô đều là trụ cột, làm nền móng  vững chắc để xây dựng Giáo Hội.
Chúa chọn và ban ơn cho những ai trong cuộc đời để thực hiện ơn Cứu độ của Ngài cũng thật kỳ diệu. Họ là những con người bình thường nhưng rồi có những việc không tầm thường, vì chính họ mang lấy cả sứ mệnh. Cũng bột ấy, đấu ấy, cũng chất-liệu-con-người nhưng Chúa đã làm nên những chiếc bánh hữu ích giúp con người cảm nếm, nhận biết mà tỉnh ngộ.
Đức Kitô đã tuyển chọn những con người bình dị, yếu đuối; trước khi trở thành Thánh nhân thì họ là những "vô thập toàn", tôi không dám nói là những tội nhân.
Điểm nỗi bậc chúng ta bắt gặp trong Tin Mừng là Chúa Giêsu đã yêu thương những người yếu đuối, lầm lỡ, tội lỗi. Chúa tỏ lòng thương xót, bênh đỡ những người có tâm trạng khổ đau. Ơn Cứu độ trước tiên cần cho người tội lỗi. Chúa Giêsu nói rõ : "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi kẻ tội lỗi"( Mc 2,17 v Mt 9,12-13 v Lc 5,31-32 ). "Con người đến tìm và cứu kẻ bị hư mất"( Lc 19,10 ).
Thông thường người ta cho rằng chết vì chính nghĩa là một cái chết đẹp, và chết vì chính nghĩa cũng là một cái chết lý tưởng, tức là chết để bảo vệ công lý, chết vì những người công chính. Với Đức Giêsu thì khác, xem ra hình như Ngài không chết vì chính nghĩa, Ngài không chết vì những người công chính, Ngài chết vì những người tội lỗi, Ngài chết vì những người yếu thế. Ngài yêu thương những người tội lỗi và chết vì những người bị xã hội bỏ rơi. Ngài chết cho những người tội lỗi để họ được trở nên công chính. Thánh Phaolô xác tín điều này khi Ngài viết trong thư gởi Timôthê : "Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin. Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận : Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời."( 1Tm 1,12-16 ) - ( Tư tưởng này tôi học từ bài giảng của Đức Cha Gioan Đỗ văn Ngân, GM Phụ tá GP Xuân lộc, trong lễ kỉ niệm Thành lâp Gíao xứ Chánh Tòa Xuân lộc năm 2019 ).

    b.Những ngộ nhận và sứ mệnh truyền giáo :
Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ - Cả hai đều làm cho thế giới chấn động, đều có sức lan tỏa rộng lớn mà Chúa Giêsu đã sử dụng các ông trong sứ mệnh truyền giáo. Ai nói rằng Thánh Phêrô là dân chài, ít học ? Họ đã lầm to. Cũng có người cho rằng Thánh Phêrô hèn nhát vì đã chối Chúa 3 lần. Ai nói như thế là phạm thượng đấy ! Sao không nhớ lần Phêrô rút gươm ra bảo vệ Thầy mình ? Cứ thấy Thánh Phêrô rút gươm chém sứt tai người đầy tớ vị Thượng tế, đòi đi theo Thầy để bảo vệ Thầy, tự mình quả quyết không sợ bị bắt bớ tù đày .v.v...rồi cho rằng Thánh Phêrô là người nóng tính, hung hãn ? - Tất cả là những ngộ nhận. Hãy đọc Tông đồ Công vụ ( 2 chương đầu ) và hai thư của Phêrô, thì ta sẽ thấy Thánh Phêrô là người hiền lành, uyên bác, rất giỏi Thánh Kinh, Người phân tích một sự việc đều có trích dẫn Thánh Kinh. Thánh Phêrô và Anrê là hai anh em ruột, Anrê là anh, Phêrô là em, nhưng Chúa Giêsu đã chọn Phêrô làm Nhóm Trưởng trong nhóm Mười hai. Vị Tông đồ Cả ấy là Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội Công giáo, vậy mà ai dám nói Thánh Phêrô ít học, ít trình độ ? Học cao, nhiều trình độ, nhiều bằng cấp...để làm gì ? Học cao, trình độ cao mà không có nhân đức, không biết Chúa thì cũng chã có lợi ích gì cho nhân loại. Các Đấng kế vị Thánh Phêrô ngày nay, dĩ nhiên là phải giống Ngài phần nào đó mà Chúa đã chọn để thay mặt Chúa cai quản Hội Thánh trần gian. Và dĩ nhiên các Ngài được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, sáng soi.

"Viên đá mà người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường"( Cv 4,11 v 1 Pr 2,7 ) - Câu nói này không những đúng với Chúa Giêsu mà còn đúng với cả hai Thánh Tông đồ trụ cột, vì chính Phaolô sau khi trở lại đã đem cả cuộc đời mình đi Rao giảng Tin Mừng về Đức Kitô Phục sinh, như thế là ông đã trở nên tảng đá góc tường, mặc dù Chúa Giêsu không gọi tên ông là Đá.
Xin nhắc lại : Đừng tưởng Thánh Phêrô là người ít học ? - Thánh Phêrô đã thuộc lòng Kinh Thánh và dùng Kinh Thánh dẫn chứng để giải thích cho từng sự việc xảy ra ( x Cv 1,20-22 ); Thánh Phêrô liên hệ để tìm ra được ý Chúa, khuyên bảo mọi người vâng theo và tin vào Đức Kitô Phục sinh ( x Cv 2,14-21 ) - Thánh nhân đã dẫn chứng Thánh Vịnh, nhắc đến Ngôn sứ Giôen, Tổ phụ vua Đavit ( x Cv 2,23-36 ), ông Môisê ( x Cv 3, 22-26 ). Thánh nhân chỉ để lại 2 lá thư, nhưng nội dung đề cập được rất nhiều vấn đề quan trọng. Như thế mà không giỏi, không thông thái sao ? Chúa không chọn để làm Giáo Hoàng tiên khởi sao được ? Có những con người mới thoạt nhìn bề ngoài tưởng chừng như không có trình độ học vấn, nhưng tiềm ẩn bên trong chứa đựng cả một kho tàng hiểu biết, chẳng qua là họ thích sống một cuộc đời chân chất, mộc mạc, bình dị và đơn sơ. Sau biến cố năm 1975 tại Việt Nam có thầy giáo Anh văn phải ngồi vệ đường sửa xe đạp, có Gíao sư Toán học phải chạy xe ôm, có Nhà văn chuyên nghiệp đi bán bún bò cùng vợ... Mới nhìn ta tưởng chừng những con người này không có trình độ. Chúa Giêsu đã chọn Simon, chắc chắn Chúa biết người em này bản lĩnh hơn cả người anh Anrê và lãnh đạo được cộng đoàn Môn đệ đầu tiên, Chúa biết được bên trong của mỗi một con người.
Thánh Phêrô chối Chúa 3 lần trước khi gà gáy nhưng không hèn nhát chút nào, vì trước mắt Ngài là Sứ mệnh. Những lần chối ấy là khôn ngoan, là cần thiết để tránh đi những tai họa, lo cho Giáo Hội trong những ngày đầu chưa vững vàng và lo cho cả tương lai của Giáo Hội về sau, dẫu sau này có đổ máu đào để bảo vệ đức tin. Thà là chối Chúa như vậy, còn hơn thấy Chúa, quen thân, gần gũi với quyền lực mà không làm gì được để giúp đỡ Chúa, mặc dù tự tuyên xưng mình là yêu mến Chúa nhất ( x Jn 18,15-18 ) - ( Xin lỗi, con đã nói đụng chạm đến Thánh Gioan Tông đồ ).
Thánh Phêrô không hèn nhát chút nào vì chính Ngài đã quả quyết cùng đi với Thầy mình, dẫu có bị bắt bớ tù tội.
Hèn nhát làm sao được, chính Thánh Phêrô chấp nhận cái chết tử đạo giống Thầy mình và tình nguyện đóng đinh ngược vì thấy mình không xứng đáng như Thầy mình. Ta biết Chúa ban cho Phêrô quyền năng đến nỗi tên Phù thủy bay trên không bị rơi xuống đất hộc máu ra chết, khi Phêrô ngước mắt nhìn lên.
Yếu đuối làm sao được, khi một con người dám từ bỏ gia đình, vợ con, nhà cửa...để đi theo tiếng gọi của Thầy Chí Thánh, nhất là sau Chúa Phục sinh, ông đã đem hết cuộc đời mình đi rao giảng Tin Mừng, chấp nhận tử đạo ở một vùng đất xa xôi, không phải ngay tại quê nhà.
Ngày nay có nhiều người rất hèn nhát mà dám mở miệng ra nói Thánh Phêrô hèn nhát ! Có những người dám lên tiếng tố giác những bất công của xã hội, những hành động độc ác của những kẻ lợi dụng quyền lực; còn chúng ta thì sợ sệt, im lặng. Chúng ta không đủ can đảm để tuyên xưng một vấn đề trong đạo, đôi khi còn tránh né, còn chối Chúa cả trăm ngàn lần, mà dám nói Thánh Phêrô hèn nhát !

3. Tình yêu và sự giao thoa :
Phải chăng, Đức Giêsu đã liều mạng trong việc tuyển chọn Môn đồ kế tục sự nghiệp của mình ? Thưa không, Chúa hiểu lắm chứ ! Chúa liều mạng sống mình để Cứu chuộc nhân loại, chứ Chúa không dám liều mạng trong việc tuyển chọn các Tông đồ đâu, vì Ngài biết Thánh Thần sẽ làm cho họ trở nên tốt hơn. Tin Mừng thánh Gioan ghi rõ : "Đức Giêsu nhìn ông Simon và nói : Anh là Simon, con ông Giôna, anh sẽ được gọi là Kêpha ( tức là Phêrô )"( Jn 1,42 ) - Đúng là Chúa đã chọn, không những gọi đúng tên khai sanh mà còn đặt tên khác.
 "Bỏ Ngài con biết theo ai ?"- Đó là câu nói của Thánh Phêrô. Thánh Phêrô làm nghề chài lưới lâu năm nên Ngài có nhiều kinh nghiệm ra khơi. "Ra khơi" là hình ảnh quen thuộc, "lưới cá" hay "lưới người" là chuyện khác, Chúa Giêsu hiểu rõ điều ấy.
Người ta cứ nhắc đi nhắc lại việc Phêrô chối Chúa 3 lần, Phaolô bắt bớ Hội Thánh Chúa, rồi trách Chúa Giêsu sao chọn các Môn đồ tệ đến vậy ! Xin thưa, đừng dùng chữ "tệ". Dùng chữ "tệ" là không đúng, vì chắc gì ta đã tốt hơn. Chúa biết tất cả mọi sự, Chúa biết người nào thế nào, ai ra sao. Chúa hiểu rõ hơn chúng ta nhiều, xin đừng luận tội và vội vàng áp đặt lên người khác. Trước khi bị Chúa khuất phục, Phaolô bắt bớ Hội Thánh vì ông quyết chắc về đời sống đức tin, ông tin chỉ một Thiên Chúa duy nhất, không ai có thể tự xưng mình là Thiên Chúa được. Phaolô là người có quốc tịch Rôma, nhưng lại là người có thế giá trong giáo quyền Do thái; vì sự quyết chắc đó Chúa đã chọn ông : Từ một người bắt bớ tín hữu Kitô, trở thành nhà truyền giáo lỗi lạc, nhà thần học xuất chúng. Phaolô quả quyết bằng những câu nói nỗi tiếng :
          ."Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi"( Gal 2,20 ).
          ."Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Đức Kitô chịu đóng đinh."
          ."Đối với tôi, sống là Đức Kitô."
          . Phaolô còn quả quyết về thái độ sống của mình : Không gì có thể tách ông ra khỏi lòng yêu mến Đức Kitô (x Rm 8,35-39 ).
Phaolô trở thành phao vượt biển cho những người muốn vượt qua bể đời đau khổ. Ngài không phải là phao lô, còn xịn hơn cả phao rin nữa. Phaolô trở thành phao cứu sinh cho những ai đang gặp nạn, họ có thể bám vào đó để vượt qua cơn sóng gió hiểm nguy.

Khi Phêrô tuyên xưng : "Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống"(Mt 16,16 v Lc 9,20b), Chúa Giêsu nhận ra ngay Phêrô đã tuyên xưng bản tính siêu việt của Thiên Chúa, ông bổ sung cho luận điểm đức tin của Phaolô đang còn thiếu sót vì lúc ấy Phaolô chưa nhận biết Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật nên Phaolô ra tay bắt đạo, trấn áp các Môn đệ của Đức Giêsu.
Chúa Kitô tuyên bố thiết lập Hội Thánh trên nền tảng mộ Thánh Phêrô, đâu phải chuyện vừa, vì trên mộ thánh ấy chính là "Đá Tảng", và Ngài đã tuyên bố quyền lực tà thần không làm lay chuyển được. Hơn thế nữa, Chúa còn trao chìa khóa Nước Trời cho Phêrô ( x Mt 16,18-19 ).
Thật đúng, quyền năng Chúa đã trao cho Phêrô, điều ấy thấy rõ, sách Tông đồ Công vụ ghi nhận : Thánh Phêrô chữa lành người què từ khi lọt lòng mẹ, Thánh Phêrô chữa lành kẻ đau ốm, Thánh Phêrô chữa người tê bại, Thánh Phêrô làm cho người chết sống lại...( x Cv 5,15-16 v 3,1-10 v 9,32-35 v 9,38-43 ). Chính Cục Đá đáng nể trọng đó cũng cất lên tiếng nói như một lời kêu gọi để lại cho ngàn thế hệ mai sau : "Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng... Xưa anh em chưa được hưởng lòng thương xót, nay anh em đã được xót thương" ( x 1Pr 2,4-10 ).
Cuối cùng, nét đẹp Phêrô-Phaolô, hai con người này Chúa làm cho trở nên hoàn hảo, "mỗi người mỗi vẻ" bổ sung nhau để "mười phân vẹn mười". Đó là sự giao thoa tuyệt vời. Phêrô đã giới thiệu các thư của Phaolô, khuyên mọi người đọc và tiếp nhận những giáo huấn ấy : "Anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được Cứu độ, như ông Phaolô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề"( 2 Pr 3,15-16 ). Phaolô đã viết quá nhiều nên Phêrô không cần phải viết gì thêm nữa, ông chỉ để lại hai bức thư mà thôi. Phêrô cần thể hiện những hành động sống thiết thực, làm chứng nhân như Đức Kitô vậy.

4. Kết và lời nguyện ước :
Tóm lại, cả hai vị Thánh Tông đồ đáng yêu của chúng ta cùng chọn một con đường, một cùng đích để tiến bước : "Đến với Đức Kitô, vì Đức Kitô và cho Đức Kitô."
Xin cho mỗi người chúng ta đều biết vâng phục quyền bính của Gíao Hội. Chúng ta dù không thông thái, can đảm như các Ngài, nhưng ai cũng có một sứ mệnh như hai vị Tông đồ mà chúng ta kính nhớ, là sẵn sàng sống và chết cho Đức Kitô, vì Đức Kitô, với Đức Kitô. Ước gì chúng ta biết noi gương các Ngài, noi gương theo Thầy Chí thánh Giêsu hiền lành và dễ thương, luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người lầm lạc trong cuộc đời này, quảng đại bỏ qua những khuyết điểm để dùng tình yêu mà hoán cải họ.

JB.SĨ TRỌNG.
( Viết sau ngày nhận thư mời dự lễ của Họ đạo Phêrô ).

P/s : Có người khi mới đọc tựa của bài viết này, họ đã trợn mắt nói :
          _ Uả ! Ông muốn giỡn hả ông ?
Tôi trả lời :
          _ Tôi đâu có giỡn. Anh cứ thử đọc nghiêm túc đi.

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2020

Câu chuyện 16

"CHÁY NHÀ SẼ RA MẶT CHUỘT"

Có một con chuột bị mèo đuổi, vô tình chui vào trong tượng Phật trên chùa và làm tổ ở đó...
Từ ngày chui vào trong tượng Phật, cuộc sống của chuột ta vô cùng no đủ. Nó luôn được ăn thỏa thích những đồ lễ vật mà người dân mang đến cúng bái. Thêm nữa, người nào đến trước tượng Phật của toàn phủ phục, nên con chuột tự thấy mình cũng oai lắm. Nó thoải mái ăn ở, thậm chí còn tự do phóng uế lung tung…
Mỗi khi người dân đến thắp hương khấu đầu, con chuột kia nhìn khói hương nghi ngút từ từ bay lên, cười thầm: “Đúng là những kẻ ngu ngốc, chẳng ai bắt mà cũng quỳ cũng lạy! Bây giờ ta mới biết mình cũng oai phết, đến loài người còn bái lạy ta, mà bấy lâu nay sao ta cứ phải sợ mèo nhỉ!”.
Lâu ngày, sống cùng tượng Phật ở trên cao, thấy người nào đến thắp hương cũng chắp tay thành kính và quỳ lạy như thế, chuột cũng thấy mình cao quý và tôn kính như… Phật.
Bỗng một hôm, có người cắm bó hương to, sơ ý để bùng cháy... Nóng và khói quá, con chuột bò vội ra ngoài, thì bị con mèo đói vồ được. Chuột ta bèn vênh váo kêu lên:
- “Này mèo! Nhà ngươi không thể ăn thịt ta được, hãy quỳ xuống thành kính bái lạy đi, rồi mang thức ăn lại đây… Ta là Phật đấy!”
Mèo cười to:
- “Những người quỳ lạy mày là vì vị trí mà mày đang chiếm đoạt, chứ không phải vì bản thân mày cao quý, quyền cao chức trọng gì đâu. Giờ thì mày tới số rồi, con chuột ngu ngốc!
Trong cuộc sống, không ít những kẻ nhờ thủ đoạn, hoặc do may mắn, bỗng ngồi vào một ví trí nào đó, thấy những người xung quanh đều xum xoe nịnh nọt, bổng lộc tự đến đầy nhà… thì tưởng mình là tài năng, hô mưa gọi gió , một tay đòi che cả trời , ngộ nhận là mình cao quý và oai vệ lắm. Khi không còn chỗ dựa , mới biết và hiểu được , mình cũng chẳng là gì!
Họ giống như con chuột bỗng chui vào tượng Phật, ngộ nhận về mình; không biết chỉ là nhờ vị trí cái ghế ngồi mà họ đang may mắn tạm thời nắm giữ. Họ càng không lường được rằng, rất có thể tới một ngày... “Cháy nhà sẽ ra mặt chuột"!
St.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

Giao hòa tình Chúa
















Có   lẽ   ta   nên   viết   về   Ngài,
Là  điều  cần  thiết  để  Ngày  Mai
Cuộc đời nếm trải bao phiền muộn
Nhưng thấy tình Ngài chẳng nhạt phai.

Viết  Ngài  mang  lại  lợi  ích  hơn,
Vì  cả  nhân  gian  cũng  được  ơn
Riêng  bản  thân  ta,  ta  cũng  được
Tình  Ngài   khúc  hát  mãi  véo  von.

Tim  ta  tình  Chúa  gọi  ngày  đêm,
Như sóng triều dâng vỗ mạn thuyền
Đón  ánh  trăng  lên  đùa  với  biển,
Nghe Lời  mở ngỏ  của  Ngài khuyên.

Những phút dừng chân bên quán trọ,
Nghĩ mình may mắn có Ngài thương
Ngựa  phi  sắp  đến  hồi  buông  vó,
Hạt  cát   lang  thang   bỏ   vệ  đường.

Đừng ngủ, đừng quên, mà hãy nhớ
Vì   Ngài  canh  cánh  cạnh  bên  ta
Nhè  nhẹ,  dịu  dàng  như  hơi  thở
Con  tim   luôn   vỗ  nhịp   giao  hòa.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 9 tháng 6, 2020

Với Người - tôi - yêu - dấu

Viết gì về Người - tôi - yêu - dấu ? Trên thế giới người ta viết về Người nhiều lắm. Tôi chỉ viết những vần thơ, những suy tư, những cảm xúc riêng mình về Người. Mỗi người một vẻ, ai cũng có những suy tư, những cảm xúc riêng. Mỗi người yêu Giêsu và bày tỏ về Giêsu một cách khác nhau. Giêsu có sức hấp dẫn và cuốn hút người ta đến lạ thường.
Tôi viết cho Người. Vì Người là Đấng mà tôi yêu mến. Tôi không thể nào thiếu Người được. Khi tham gia một diễn đàn nào đó, tôi cũng chỉ biết viết về Người mà thôi, tôi không biết làm điều gì khác. Tôi viết về Người để chia sẻ với nhiều người những tâm tư tình cảm của tôi, để may ra cũng ảnh hưởng phần nào đó, để nhiều người cũng biết đến, nhiều người cũng yêu mến và cũng viết về Người. Con người là hình ảnh của Người, và Người cũng chính là con người thật sự vì Người đến với nhân loại qua con đường Chúa Cha đã chọn. "Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy"- Chính Người đã nói điều đó. Mong sao những người ngoại giáo nhận biết Chúa Giêsu vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật.
Thế gian này, biết bao cây bút viết về Người, đúng như Thánh Gioan Tông đồ bày tỏ : "Nếu viết lại từng điều một, cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra"( Jn 21,25 ). Thế nhưng, viết về Người, nguồn cảm hứng không bao giờ cạn cho những ai yêu mến Người, chưa nói đến những Ơn người đó được Người thông ban. Thánh Linh Người còn đến gõ cửa con tim của mỗi người để mỗi người thổn thức tình tự, cảm nhận sâu hơn về Người qua Lời Người truyền dạy. Cứ suy tư về Người đi nhé, Lời Người thích ứng cho mọi hoàn cảnh, mọi biến cố, mọi thời điểm...mà vẫn không bị méo mó đi, nếu như ta có lòng yêu mến Người.
Viết về Người có bao điều lạ : Ta được hiểu Người hơn, ta được Người an ủi cõi lòng khi ta đau buồn, ta hoan lạc khi ta đọc ra Thánh ý Người, ta bình an khi ta gặp gian nan thử thách.
Thời PTTH tôi say mê Người, tôi đã chọn cuốn "Gương Chúa Giêsu" của Cha Thomas Kempis và cuốn Kinh Thánh Tân ước làm sách gối đầu giường. Bước chân vào đời cũng vậy, bên cạnh tôi luôn luôn có cuốn Kinh Thánh. Ngày nay, tôi xác tín hơn khi nghe Thánh Phaolô quả quyết : "Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô". Do đó, tôi thường xuyên đọc Kinh Thánh hằng ngày để suy gẫm và cầu nguyện, nói chuyện với Người.
Gặp được Người trên đường trần thế quả là không khó, nhưng không phải ai cũng gặp được Người, không phải ai cũng muốn gặp Người.
Mẹ Têrêsa Calcutta đã có lần nói : "Nhiều người lầm lẫn công việc và ơn gọi. Ơn gọi của chúng ta là yêu mến Chúa Giêsu". Có người vẫn tỏ ra thờ ơ trước những dấu chỉ Người ban vì họ chỉ suy luận và thực hiện theo ý riêng mình. Ở đời, có người biết rõ Chúa Giêsu là ai rồi nhưng họ vẫn từ chối. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì ngay cả những người Do Thái xưa họ cũng thắc mắc, có khi họ còn đưa ra những lý do để cật vấn : "Hãy nói cho chúng tôi biết, bởi quyền phép nào mà Ngài làm điều này, hay là ai đã ban cho Ngài như thế ?"( Lc 20,2 ). Người ta lười đọc Kinh Thánh vì cho rằng Kinh Thánh khó hiểu, những nguồn văn hóa khác dễ hiểu, hợp với thị hiếu hơn. Tôi biết có người nói rằng lúc nào nhà họ cũng có một cuốn Kinh Thánh, thế nhưng ít khi họ mở ra đọc, có khi họ để trên bàn thờ bụi phủ dày mà không lấy xuống. Người ta đọc nhiều sách báo mạng, báo xã hội, nhưng quên mất cuốn sách quan trọng và thú vị nhất - đó là Kinh Thánh. Người ta lãng phí cuộc đời và năng lượng vào vô số những thứ nhảm nhí, nhưng lại quên mất điều duy nhất thật sự quan trọng là tìm thấy Chúa. Từ nguồn Thánh Kinh, thư của Phaolô gởi Timôthê đã tiên báo trước : "Sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe Giáo lý lành mạnh... Họ ngoảnh tai đi, không nghe Chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường"( 2 Tm 4,3-4 ). Tôi không phải là một nhà Thần học nên khi có những điều Thần học nảy nở làm cho tôi cảm thấy mới mẻ và thú vị. Những giá trị Thần học phải là ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là kết quả của một cá nhân, nhờ thế mà khám phá thường liên quan đến đời sống con người và mang ý nghĩa cứu độ.
Viết về Người với tất cả cảm xúc dạt dào tuôn trào tự đáy lòng. Tôi hy vọng những gì tôi viết, tôi suy tư, tuy còn đơn sơ, vụng về nhưng sẽ làm đẹp lòng Người và tăng thêm lòng yêu mến Chúa nơi tâm hồn những người khác. Ước mong bạn đọc góp ý chân thành để tôi nhận ra những thiếu sót, những hạn chế bản thân, từ đó tôi viết về Người được say mê hơn, đẹp hơn, ngọt ngào, sâu lắng và ngày càng trở nên hoàn thiện hơn.
"Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giêsu" ( Kh 22,21 ).

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Du lịch Bắc - Trung - Nam

LỜI NGỎ

Thực tế tôi đi cũng chẳng nhiều,
Nhưng nhìn đất nước thật đáng yêu
Địa danh thắng cảnh nơi tôi đến,
Làng xã quê hương những sớm chiều.

Núi đồi, rồi tới những vùng xa...
Vượn hú, chim kêu, tiếng suối ca
Biển cả, sóng cồn, khu nghỉ mát
Thiên đường  trần thế  đẹp bao la.

Tôi muốn khắc ghi tại blog này,
Vần  thơ  nho  nhỏ  đọc  cầm  tay
Ai  đi  xuôi  ngược  thì  nên  có,
Trải nghiệm yêu thương mọi tháng ngày.



SƠN LA 

Mênh  mông  vẻ  đẹp  đồi  chè,
Mộc Châu luôn được bao che dịu dàng
Sơn  La  một  thoáng  bình  an,
Thiên nhiên ban tặng bạt ngàn màu xanh.



THÁC BẢN GIỐC (*)

Trời cho ngọn thác thiên nhiên,
Nằm trên triền núi nối liền Việt - Trung
Hoang sơ, huyền ảo, lạ lùng
Bọt tung trắng xóa, những dòng nước trong
Mượt mà như dải lụa bông,
Đất trời đan dệt nắng hồng ban mai
Bản Giốc vừa rộng vừa dài,
Thảm  xanh  cây  lá  núi  đồi  nên  thơ
Bức tranh diễm lệ không ngờ,
Du  khách  tìm  đến  ngẩn  ngơ  khó  về.

(*) Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.



TRÙNG KHÁNH

Ai về Trùng Khánh - Cao Bằng,
Ngắm nhìn ruộng lúa, đêm trăng bản làng(*)
Bao quanh rừng núi bạt ngàn,
Tường thành mây trắng giăng ngang lưng trời.

(*)Bản làng ở đây gồm hai dân tộc Tày và Nùng.



LÀO CAI

Lào Cai một tỉnh vùng cao,
Miền Tây Bắc Bộ, giáp đầu Nậm Thi
Đất  trời  dáng  vẻ  oai  nghi,
Làm nên  ranh giới  phân ly  với  Tàu.



THUNG LŨNG BẮC SƠN(*)

Lạng Sơn - Thung lũng Bắc Sơn
Mênh mông ruộng lúa, dập dờn cò bay
Điệp  trùng  nhà  ngói  mới  xây,
Mái  khoe  sắc  đỏ  lúc  ngày  nắng  lên
Lầu   cao   lộ   rõ   mặt   tiền,
Hương thơm quýt ngọt thuộc miền vùng cao.

(*) Bắc Sơn là một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn, đặc sản quýt được trồng trên những triền đồi, từ lâu đã nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, vị ngọt thanh mát, đậm chất núi rừng.



SA PA

Đẹp  sao  vùng  đất  Sa Pa,
Bản Cát Sát(*) trải rộng nhà người Mông
Núi non điệp điệp trùng trùng,
Bậc thang ruộng lúa, nước guồng trong veo.

Vùng cao có những bản Mèo,
Có  Nhà  thờ  đá  cheo  leo  đỉnh  đồi
Hàm Rồng, thung lũng Mường Đôi
Ngắm nhìn Thác Bạc mây trời quyện bay.

Sa Pa thị trấn trong mây,
Chợ tình quyến rũ họp ngày và đêm
Địa danh lịch sử tương truyền,
Đặc trưng văn hóa thuộc miền vùng cao.

(*) Bản Cát Sát còn có tên gọi khác là bản Cát Cát.



LAI CHÂU

Tây Bắc thắng cảnh Lai Châu,
Núi cao nhắc đến Cổ Trâu - Tả Lèng
Suối Hồ, Phong Thổ cao nguyên
Các  loài  hoa  nở  tự  nhiên  lưng  đồi.

Đêm  về  lễ  hội   hò  vui,
Bập bùng ánh lửa ngập trời ánh trăng
Âm thanh vang dậy núi rừng,
Thiên nhiên xinh đẹp đón mừng khách xa.

Rượu cần, thổ cẩm, hương trà 
Điệu xòe người Thái, câu ca ngọt ngào
Một lần tựa giấc chiêm bao,
Ra  đi  luyến  nhớ, dạt  dào  mến  thương.



KHAU PHẠ VÀ MÙ CANG CHẢI

Đi về xứ sở Lai Châu,
Không gian miền núi nghe câu tự tình
Ngắm nhìn thắng cảnh đẹp xinh
Sương mai đọng giọt, bình minh gọi mời

Ruy-băng ai thả giữa trời,
Quanh co uốn lượn -  một nơi lạ lùng ?
Qua đèo Khau Phạ điệp trùng,
Mây mờ bao phủ tưởng chừng trong mơ.

Mù Cang Chải, dải lụa thơ
Mênh mông ruộng lúa lượn lờ bậc thang
Màu xanh, xanh thẳm ngút ngàn
Tạo  nên  vẻ  đẹp  dịu  dàng  thiên  nhiên.

Một vùng đất mộng thần tiên,
Du khách không thể ngủ yên khi về
Vọng buồn tiếng nhạc sơn khê,
Say   lòng  bao  kẻ  mải  mê  chốn  này...



BẮC NINH

Về thăm xứ sở Bắc Ninh,
Làng nghề tranh vẽ chuyện tình năm xưa
Câu ca quan họ không thừa,
Mấy  thời  cực thịnh  vẫn chưa  phai  mờ.



HÀ GIANG

Hà Giang có Mã Pì Lèng,
Đường đèo hiểm trở, đan xen núi đồi
Hướng về Thị trấn Lũng đôi :
Đồng Văn, Mèo Vạc...gọi mời khách xa.

Con đường Thẩm Mã quanh co
Chia  ra  chín  khúc  núi  gồ  ghề  thay !
Đặt  chân  đến  chốn  đất  này,
Du khách sửng sốt suốt ngày ngắm hoa(*).

(*)Hoa tam giác mạch quyến rũ mọc trên những ngọn đồi, những vùng đất hoang sơ bạc ngàn của xứ sở này.



MÙA HOA TAM GIÁC MẠCH

Bạt ngàn xứ sở Hà Giang,
Hoa tam giác mạch mênh mang núi đồi
Sắc  màu  trắng  tím  lả  lơi,
Với  bao  quyến  rũ  gọi  mời  khách  xa...



VẺ ĐẸP NỐI KẾT

Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai
Bậc thang ruộng lúa nối dài vùng cao
Thiên nhiên xanh thẳm một màu,
Hương đồng gió nội thổi vào hoang vu
Núi rừng sương khói mịt mù,
Đèo quanh co lượn, suối ru ngọt ngào...



CỘT CỜ LŨNG CÚ

Đồng Văn có đỉnh núi Rồng,
Cột cờ Lũng Cú đúc trồng trên cao
Địa danh nỗi tiếng tự hào,
Chung quanh cây lá muôn màu sắc hoa.



NINH BÌNH

Ninh Bình có núi đá vôi,
Vách cao dựng đứng giữa trời mây xanh
Thuyền bơi dòng nước yên lành,
Du khách mới đến tưởng chừng thủy cung.



THUNG LŨNG MAI CHÂU(*)

Nơi ta tìm thấy duyên tình,
Mai Châu là đóa hoa xinh đại ngàn
Màu xanh ruộng lúa mênh mang
Thiên nhiên dệt thảm bắt ngang lưng đồi
Đất trời vẻ đẹp tinh khôi,
Tình dân đôn hậu đón mời khách xa
Mai Châu huyền thoại quyện hòa
Trời xanh mây trắng đan hoa núi rừng
Màu chiều dệt lụa rưng rưng,
Nếu  ai  chưa  đến  xin  đừng  bỏ  quên.

(*)Mai Châu thuộc tỉnh Hòa Bình.



MÙA HOA GẠO PHÚ THỌ

Ai về Phú Thọ mà xem,
Tháng Ba hoa gạo nở ven sông hồ
Mái đình và các cửa ô,
Màu hoa rực đỏ đợi chờ khách qua.



TẢN MÁC HÀ NỘI

Hồ Tây - Hà Nội, Nghi Tàm
Kim Liên chùa cổ cạnh làng Nhật Tân
Vạn Phúc truyền thống nuôi tằm,
Xuân La  nghề  dệt  cổ truyền  xưa  nay.

Còn đâu nữa đất Thăng Long,
Sông Hồng như đã cạn ròng, nước khô
Đi qua Hoàn Kiếm bờ hồ,
Mấy hàng  phượng vĩ  ngã  lô xô  buồn...

Nhìn Văn Miếu thấy mà thương,
Các bia Tiến sĩ chân tường cỏ hoang
Cha ông chắc cũng bàng hoàng ?
Giờ đây  con cháu  lại càng  xót xa...!

P/s : Mời đọc thêm bài "Hà Nội phố đêm"  trên nhãn "Cảnh đẹp quê hương tập 1" của blog này.



LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM

Đường Lâm - Làng cổ nội thành,
Gạch nung đắp phủ  bờ ranh lối vào
Từ xa trông thấy cổng chào,
Cây đa  cổ thụ  bò  trâu  đứng  nhìn.



CHÙA BÃI ĐÍNH

Cảnh chùa Bãi Đính Ninh Bình,
Chung quanh bao phủ màu xanh ngút ngàn
Mái cong màu ngói xám than,
Phương xa  khách đến  khói nhan  phủ dày.



CHÙA TRẤN QUỐC

Trấn Quốc tọa lạc Tây Hồ,
Ngôi chùa nổi tiếng cơ đồ ngàn năm(1)
Trên hòn đảo nhỏ yên nằm,
Bờ hồ đường lớn bao quanh sân chùa
Trải qua triều đại các vua :
Lý, Lê, Trần, Nguyễn...vẫn chưa thỏa lòng
Người đời ghi nhớ Hy Tông(2),
Có công xây dựng khởi công từ đầu
Kiến trúc chùa trước và sau,
Xếp nên trình tự nối nhau hợp tình
Nằm trên hồ nước trong xanh,
Cảnh quan thanh nhã ru mình thảnh thơi
Có người cảm thấy chán đời,
Đến đây tu tập chọn nơi tham thiền
Không gian tĩnh lặng bình yên,
Mong sao  tĩnh mộng  khổ phiền  quên mau.

(1)Ngôi chùa có lịch sử 1500 năm. (2)Hy Tông tức là vua Lê Hy Tông ( 1663-1716 ).
Năm 2016 báo Daily Mail ở Anh xếp chùa vào trong số 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Năm 2017 trang web du lịch : waderlust.co.uk  xếp chùa vào vị trí thứ 3 trong 10 chùa đẹp nhất thế giới vì hài hòa với môi trường thiên nhiên.



VỊNH HẠ LONG

Hai hòn Trống-Mái kề nhau,
Chông chênh mà đẹp tựa đầu tình nhân
Xa xa hang động nhiều tầng,
Những dòng thạch nhũ tạo phần mỹ quan
Xung quanh lớp lớp hàng hàng,
Nước xanh sóng gợn, thuyền buồm đan xen
Đá  vôi  vách  núi  vững  bền,
Thời gian  mưa nắng  xếp nên  hình hài
Đẹp  sao  vùng  đất  nơi  này,
Kỳ  quan  Tạo  Hóa,  đắm  say  hồn  người.



CẦU BÃI CHÁY

Quảng Ninh nổi tiếng chiếc cầu
Bắt ngang Bãi Cháy, gối đầu Hòn Gai
Qua eo Cửa Lục vịnh Đài(*)
Đổ ra biển cả nối dài Hạ Long
Công trình trọng điểm giao thông,
Vị trí chiến lược quốc phòng an ninh
Tháp cầu trên hệ móng chìm,
Ép kích thước lớn phóng nhìn từ xa
Dây văng kéo thẳng mượt mà,
Hòa cùng gió biển hát ca bốn mùa
Du khách nào đến đây chưa ?
Xin đừng quên chụp ảnh trưa nắng Hè.

(*) Cầu Bãi Cháy đi qua eo Cửa Lục, còn gọi là vịnh Cửa Lục, nơi đây có đài quan sát Thủy văn. Chiếc cầu này dài 903m, do người Nhật xây dựng vào năm 2006.



PHONG NHA - KẺ BÀNG

Kẻ Bàng có động Phong Nha,
Kỳ quan thế giới, ai mà không mê ?
Bước chân đi dưới nắng Hè,
Vào nơi  hang tối  lạnh tê  cả người.



CỬA LÒ

Nghệ An có biển Cửa Lò,
Đêm về thuyền thúng thăm dò bể sâu
Thú vui người được thả câu,
Soi  đèn  mặt nước  đón đầu  mực lên.



CỐ ĐÔ HUẾ

Miền Trung có núi Ngự Bình,
Có chùa Thiên Mụ hữu tình nên thơ
Vùng đất xứ Huế mộng mơ,
Vang danh nổi tiếng các vua Nguyễn triều.

P/s : Mời đọc thêm một số bài viết về Huế trên nhãn "Bên Mẹ và Huế" của blog này.



CẦU TRÀNG TIỀN

Tràng Tiền xứ Huế mộng mơ,
Dòng Hương lãng mạn đôi bờ cây xanh
Bắt ngang sát đất Kinh Thành,
Tình  nhân  hò  hẹn  ngọt  lành  lời  ca (*).

(*)Huế có mấy câu ca hò xưa gắn liền với tên gọi cây cầu, ngày nay ai cũng biết :
"Cầu Tràng Tiền sáu vài, mười hai nhịp
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi
Lâu ni mang tiếng chịu lời,
Có xa nhau đi nữa cũng tại ông Trời mà ra".



CẢM HUẾ

Dòng Hương ơi, đừng thả mây trôi
Em như dải lụa, thuyền bơi phố thành(1)
Văn Lâu ngày ấy còn xanh,
Tình nhân hẹn ước trăm năm trở về
Tràng Tiền soi bóng đê mê,
Nữ sinh nón lá chiều khoe áo dài
Chợ Đông Ba ngói đỏ hồng tươi
Mẹ già bán gánh hàng cười dễ thương(2)
Ước mong ngày ấy còn vương,
Theo anh đến lớp đến trường hôm nay
Chùa Thiên Mụ nắng đổ dài,
Nhìn qua Long Thọ một vài dáng thơ
Đi từ Cống Trắng, Cầu Ga
Băng  qua Lê Lợi ngắm tà áo em
Kim Long một thoáng buồn êm,
Qua cầu Bạch Hổ ngước nhìn Nam Giao
Ngự Bình đọng tiếng thông reo,
Thiên An, Vọng Cảnh lướt đèo chao nghiêng
Đi lên Tây Trúc, Tây Thiên
Trà Am, Từ Hiếu, Từ Đàm, Trúc Lâm
Trở về An Cựu quen thân,
Dòng Chúa Cứu Thế đến gần Jean D'arc
Bước qua Đại Nội không xa,
Đi về Vỹ Dạ cạnh nhà em hơn
Nắng chiều rơi nhẹ ngõ thôn,
Vườn cau Nam Phổ ngắm cồn Lạch Khâm
Cho tôi một thoáng âm thầm,
Nhớ  thương  và  đợi,  ngàn  năm  Huế  còn...

(1)Hương Giang : Con sông thơ mộng chảy giữa lòng TP Huế.
(2)Hình ảnh Mẹ tôi những ngày buôn thúng bán bưng nuôi con ăn học, gánh trái cây từ Long Thọ về chợ Đông Ba để bán.



NÚI NGỰ BÌNH

Về thăm đất mẹ quê tôi,
Ngự Bình ngắm cảnh mây trời Văn Lâu
Bật Sơn tả hữu đứng chầu(1),
Bình phong che chắn tháp lầu Ngọ Môn
Thông reo vi vút dỗi hờn,
Ngàn năm còn vọng âm hồn các vua (2)
Người đi có biết hay chưa ?
Từ  nay  trời  đã  ban  cho  Ngự Bình
Ngàn thông vẫn đứng nghiêng mình
Mang  âm hưởng  mới  duyên tình  Cố đô.

(1)Núi Ngự Bình có dạng hình thang, 2 bên có 2 ngọn núi nhỏ đứng chầu gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn.(2)Thông trên núi Ngự được trồng từ thời các vua chúa triều Nguyễn.



MỘT CHÚT HUẾ

Về thăm đất Mẹ quê anh, 
Ngự Bình ngắm cảnh mây xanh lưng trời
Lắng nghe thông hát ru đời,
Dòng sông An Cựu gọi mời khách qua
Lò Rèn đến chẳng bao xa,
Phú Cam lui tới gần nhà anh hơn
Băng qua Nguyễn Huệ, Tràng Tiền
Ngắm dòng Hương chảy dịu hiền bờ Nam
Con đường Lê Lợi mênh mang
Ngày Hè mát rượi hai hàng muối cây
Cổng trường thơ mộng nơi đây,
Nữ sinh Đồng Khánh gió bay áo dài
Bên kia Đại Nội lâu đài,
Thành quách cổ kính các thời triều vua
Nắng soi mặt nước sen hồ,
Tịnh Tâm hoa nở nhấp nhô nhụy vàng
Cột cờ đứng thẳng hiên ngang
Ngọ Môn mở rộng lối sang Cửa thành
Nắng chiều rải nhẹ chân anh,
Cùng em vui bước dệt thành bài thơ...



TU VIỆN THIÊN AN

Về thăm Đan viện Thiên An,
Đồi cao gió lộng mênh mang mây trời
Thông  reo  vi  vút  vạn  lời,
Chìm trong tĩnh lặng khi vơi nắng chiều
Động lòng nghe tiếng chim kêu,
Xa  xa  vượn  hú,  lưng  đèo  gió  ru
Đường lên thoai thoải, sương mù
Uốn  khúc  nằm  ẩn  dưới  dù  lá  cây
Thiên đàng một chốn nơi đây,
Nhà dòng, nhà nguyện... cất xây lâu đời
Kiến trúc  thời Pháp  xa rồi,
Nay  lai  kiểu  Á,  rồng  ngồi  hai  bên
Thánh đường vời vợi uy nghiêm,
Ngay trên tiền sảnh Chúa hiền dang tay
Thủy  Tiên  hồ  lệ  đong  đầy,
Vườn cây, thư viện... trải dài phía sau
Cảnh quan bắt nối nhịp cầu,
Tiếng đàn, tiếng hát, nhiệm mầu lời kinh
Áo  lam,  màu  áo  tu  sinh
Các Thầy, các Chú dệt tình ước mơ
Thiên nhiên xinh đẹp nên thơ,
Khách hành hương đến Nhà Thờ nguyện xin.



SUỐI VOI

Thừa Lưu nổi tiếng Suối Voi,
Với dòng nước mát không vơi tháng ngày
Đá  to,  đá  nhỏ  chất  đầy
Tạo nên hình tượng dạn dày gió sương
Phương xa khách đến lạ thường,
Thích ăn những món quê hương gũi gần
Bánh bèo, bột lọc bình dân
Ếch xào, cá suối, heo rừng, thịt nai...
Người dân chất phát nơi đây,
Gởi bao hương vị đắm say hồn người
Núi non xinh đẹp tuyệt vời,
Thiên nhiên ban tặng cho đời cảnh quan.



HỒ TRUỒI

Huế có vẻ đẹp Hồ Truồi,
Trong xanh mặt nước, núi đồi vây quanh
Chùa cong ngói đỏ yên lành,
Tạo nên kiến trúc hợp thành nét duyên
Hài hòa sắc thái thiên nhiên,
Khắc  ghi  dấu  ấn  một  miền  bồng  lai...




CẦU VÀNG(*)

"Cầu Vàng" - Tên một cây cầu,
Tại khu nghỉ dưỡng đi vào cáp treo
Độ  cao  vượt  quá  lưng  đèo,
Núi Bà sừng sững kéo theo mây trời.

Hai  tay  nâng  lấy  thân  cầu,
Uốn cong vẻ đẹp một màu vàng ươm
Khách qua chân bước khiêm nhường
Ngắm nhìn thắng cảnh thiên đường rộng thênh.

(*)Cầu Vàng là cầu đi bộ, dài 150m, nằm ở độ cao 1400m so với mực nước biển trên núi Bà Nà, thuộc khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills, TP Đà Nẵng.



BIỂN THANH KHÊ

Đi về thăm biển Thanh Khê,
Tàu bè, thuyền cá, làng nghề nơi đây
Trải dài bãi cát, đẹp thay :
Gió ru giấc mộng đêm ngày bình yên !



SƠN TRÀ

Nghe như thấy lạ mà quen,
Bờ Đông sông lạnh lúc đèn mới lên
Sơn Trà, đảo  nối  đất  liền
Cầu tàu(*) khách đợi bình yên xa gần
Đẹp sao những cặp tình nhân,
Gắn thêm móc khóa ước cần tới nhau.

(*)Cầu tàu Tình yêu nằm bên bờ Đông dòng sông Hàn, thuộc quận Sơn Trà ( Đà Nẵng ).Cây cầu này trở thành điểm đến thu hút các bạn trẻ, đặc biệt là các cặp đôi yêu nhau đến đây để gắn móc khóa có khắc tên mình.



HỘI AN

Về  thăm  phố  cổ  Hội  An,
Khi sương chiều xuống sông Hoài trăng lên
Đèn lồng treo lửng trước hiên,
Gian hàng  lưu niệm  khách quen  đứng nhìn.



PHỐ CỔ

Tôi về ngay giữa phố vui,
Hát câu tình tứ gọi mời phương xa
Dẫu đi qua mấy sơn hà,
Đừng quên lối nhỏ thướt tha đèn lồng
Nơi này đứng cạnh bờ sông,
Đêm ngày nghe tiếng gió mông mênh buồn
Ngày nay cột ngã, rêu tường
Du khách vẫn đến nhà rường ngắm trăng.



BIỂN CỬA ĐẠI

Trở  về  Cửa  Đại  Hội  An,
Thăm làn nước mát, mấy hàng dừa xanh
Nơi  đây  bãi tắm  yên  lành,
Một  màu  cát  mịn  kết  thành  bờ  xa
Không gian thoáng đãng hiền hòa
Trải  dài  vô  tận,  giao  thoa  đất  trời
Thầm  thì  câu  hát  biển  khơi,
Đêm  về  gió  lộng  ru  đời  nhẹ  thênh.



BIỂN BÀN THAN

Quảng Nam có biển Bàn Than,
Cheo leo ghềnh đá vắt ngang lưng trời
Núi Thành khách lạ đến chơi,
Bà Che, ông Đụn... gọi mời  phương xa.



VẠN NINH

Vạn  Ninh  có  đảo  Điệp  Sơn,
Nằm trong lòng vịnh ba hòn Vân Phong(*)
Cung đường tuyệt đẹp cong cong
Qua đèo Cổ Mã với khung cảnh trời
Mắt nhìn như chẳng muốn rời,
Một bên núi dựng, bên ngời biển xanh
Đầm Môn, cuộc sống dân lành
Làng chài cát trắng dệt thành lời ca
Nơi  đây  cảnh  vật  giao  hòa,
Bốn phương khách đến khó xa nỗi lòng.

(*)Hòn Bịp, hòn Giữa, hòn Đuốc là 3 hòn đảo nhỏ thuộc vịnh Vân Phong ( Khánh Hòa ).



THÁP NHẠN TUY HÒA

Tuy Hòa Tháp Nhạn bình yên,
Sông Ba nước chảy quanh triền đá vôi
Bốn  tầng  tòa  tháp  gối  đôi,
Gạch nung kết dính bao đời gió sương.



BAN MÊ THUỘT

Buồn muôn thuở hay buồn mến thương ?
Ban Mê vẻ đẹp vấn vương cõi lòng
Cà phê vị đắng còn không ?
Tôi nghe rừng núi quyện trong mây ngàn
Phố thành trải rộng thênh thang,
Hương nồng gió bụi, voi đàn kéo nhau
Lưng gùi áo mẹ bạc màu,
Nhà thờ tháp gỗ ẩn sau lưng đồi
Chiều chiều lũ trẻ rong chơi,
Bi bô câu hát mấy lời tuổi thơ
Đường xa dong ruỗi ai chờ,
Bazan đất đỏ ngẩn ngơ lối về
Bạt ngàn nương rẫy cà phê,
Em đi buông xỏa tóc thề ngang vai
Tình anh theo bước chân dài,
Quê hương đất nước miệt mài tháng năm
Đêm về vui dưới ánh trăng,
Ngày ru câu hát gởi thầm trong mơ
Với bao bến đợi sông chờ,
Hồn anh dào dạt ước mơ kiếm tìm.



ĐƯỜNG THÔNG CỔ THỤ

Đường thông cổ thụ Gia Lai,
Nghĩa Hưng thôn xã chạy dài Chư Pah
Rộng chừng tám mét ngang qua,
Hàng  cây  trăm  tuổi  la  đà  chồi  non.




VŨNG RÔ (*)

Vũng Rô - Huyền thoại, nên thơ
Phú Yên khách đến trầm trồ ngợi khen
Một vùng đất lạ mà quen :
Miền Trung duyên hải, thiên nhiên nao lòng!
Quanh năm cát mịn, hừng đông
Khoe màu ngọc bích, sáng bừng ánh mai
Nhỏ to bãi tắm nối dài :
Bãi Chùa, bãi Chính, bãi Lài, bãi Lau
Bãi Hồ cảnh đẹp trước sau,
Bãi Lách trần trụi hợp màu biển xanh
"Phương Nam đệ nhất kinh thành":
Đá Bia sừng sững mệnh danh bia trời
Hòn Nưa đứng vững ngoài khơi,
Gợi khách du lịch khắp nơi muốn tìm
Hoang sơ, kỳ bí, bình yên
Bàn tay Tạo Hóa vẽ nên muôn trùng...

(*)Vịnh Vũng Rô thuộc xã Xuân Hòa Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.



ĐẦM Ô LOAN

Ô Loan - Đầm ở Phú Yên,
Một danh thắng đẹp nối liền Tuy An
Thiên nhiên ban tặng không gian
Thanh bình, mát mẻ, dịu dàng biết bao
Có nhiều hải sản cua hàu,
Huyết sò, tôm mực, sứa, rau bốn mùa...
Thực khách đi sớm về trưa,
Hưởng không khí biển lại vừa ăn ngon.



CẦU LA HAI

Phú Yên có chiếc cầu dài,
Cầu mang tên thật La Hai, lạ lùng !
Ngắm nhìn cảnh đẹp dòng sông
Một màu xanh thẳm, quanh vùng núi cao.



HÒN RƠM (*)

Tôi  về  thăm  lại  Hòn  Rơm,
Một khu Resort gió vờn quanh năm
Dừa xanh chải tóc nghiêng mình,
Rì  rào  sóng  vỗ  ru  tình  đêm  đêm.

(*)Một khu nghỉ dưỡng vùng ven TP Phan Thiết.



CÀ PHÊ PHỐ CỔ

Đi  vào  phố  cổ  cà  phê,
Ngắm xem hồ nước cá khoe sắc màu
Công viên vườn đá trước sau,
Hoa lan cây kiểng đua nhau nở đều
Tiếng chim thánh thót tường rêu
Vang lời nhạc Trịnh dễ xiêu lòng người
Nhà rường cột gỗ sáng tươi,
Mấy khung trường kỹ ghế ngồi lạ quen.



CÀ NÁ (*)

Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam,
Phan Rang, Bình Thuận, Tháp Chàm nối nhau
Biển khơi xanh ngắt một màu,
Hòn   Lao   chim   yến   rủ   nhau   hẹn   hò.

(*)Biển Cà Ná thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, là điểm du lịch nổi tiếng hiện nay thu hút nhiều du khách.



MŨI NÉ

Trải  dài  bãi  cát  nơi  đây,
Dốc đồi thoai thoải dạn dày tháng năm
Vùng đất Bình Thuận xa xăm,
Đêm  nghe  sóng biển  thì thầm  hát  ru.



MŨI NÉ RESORT

Đêm nằm nghe sóng biển gào
Ngày  trôi  vô  tận  lạc  vào  thiên  thu
Dừa   xanh   lặng   lẽ   gió   ru,
Mặt hồ thoang thoảng sương mù quyện giăng
Miệt vườn rải chiếu ánh trăng,
Ngọc  lan  khoe  nụ  lặng  thầm  hương  thơm.



ĐỨC MẸ TÀ PAO

Tìm về Đức Mẹ Tà pao,
Hiu hiu gió lạnh, đồi cao sương mù
Trúc tre đan kín rừng thu,
Đường đi bậc cấp nối từ dưới lên
Mẹ nhìn trong thoáng lặng yên,
Đoàn con cầu nguyện dịu dàng lời kinh.

P/s : Mời đọc thêm bài viết về Mẹ Tà pao trên nhãn "Mẹ Maria" của blog này.



NÚI CÚI

Hương bay theo gió chiều nay,
Đồi cao dáng Mẹ chắp tay nguyện cầu
Trị An còn vọng canh thâu,
Rì  rầm   thác  đổ   ngàn  câu   hẹn  hò.

P/s : Mời đọc thêm các bài thơ viết về Núi Cúi trong tập thơ "Trăng về Núi Cúi" trên blog này.



VŨNG TÀU

Vũng Tàu cảnh đẹp về đêm,
Lắng nghe biển hát qua thềm Bạch Dinh
Thùy Vân gió thổi tự tình,
Đồi hoa sứ trắng trên đường Hạ Long
Tao Phùng Chúa đứng đợi mong
Bãi Dâu tay Mẹ ẵm bồng Ngôi Hai
Bãi Sau - Bãi Trước nối dài,
Núi Đôi kiêu hãnh đỗ mai nở tràn
Về đây một thoáng bình an,
Hít không khí biển dịu dàng thảnh thơi
Hành hương chân bước lên đồi,
Câu  kinh  còn  vọng  những  lời  Tạ  ơn.

P/s : Mời đọc thêm các bài viết về Vũng Tàu trên nhãn "Bên em - Thành phố biển" của blog này.



BẠCH DINH (*)

Bạch Dinh Bà Rịa Vũng Tàu,
Một tòa biệt thự đượm màu thời gian
Triều vua đã khép sang trang,
Những  cây  sứ  cổ  vẫn  còn  nở  hoa.

(*)Bạch Dinh là một dinh thự được xây dựng dưới thời vua Bảo Đại.



BÌNH CHÂU - LONG HẢI

Tôi về Hồ Cốc, Hồ Tràm
Xưa đường đất đỏ, nay làm bê-tông
Băng ngang qua một cánh rừng,
Nhìn bằng lăng tím nở từng nhánh hoa
Bình Châu suối nóng tỏa ra,
Những làn hơi mỏng như là khói mây
Hoàng hôn buông xuống nơi đây,
Bờ   xa   biển   gọi   tỏ   bày   tâm   tư
Tôi mê dốc đứng Đồi Cừ,
Mê từng viên sỏi tựa như hạt cườm
Tìm về bãi tắm Hàng Dương,
Ghé vào Long Hải ngắm vườn đỗ mai
Dọc theo bãi cát nối dài,
Tôi  đi  như  thể  tìm  ai  đợi  chờ
Trăng tà ngã bóng lửng lơ,
Biển gào  sóng vỗ  ngẩn ngơ  cõi lòng...



LONG KHÁNH 
( Viết vào thời điểm cuối năm )

Cao su đã rụng lá chưa ?
Mà mưa nhỏ giọt giao mùa đón Xuân
Quê vùng đất đỏ miền Đông,
Là như thế đấy, ai từng ghé qua ?
( Khác xa với chốn quê nhà :
Miền Trung gió bấc, ướt và rét run
Cổ thành soi bóng sông Hương,
Mưa phùn dai dẳng trắng đường em đi ).
Nơi đây cây cối dậy thì, 
Mai vàng chớm nở, tường vi khoe màu
Rộn ràng phố thị đua nhau :
Người lo sắm Tết, kẻ lau rửa nhà
Êm đềm khúc nhạc Thánh ca,
Giáo đường chuông đổ thướt tha ngọt ngào
Gũi gần khi có ai chào,
Ánh mắt diệu vợi dễ trao tâm tình
Niềm vui sau Chúa Giáng sinh
Vẫn còn đọng lại dáng hình cuối năm
Mời em nhẹ gót đến thăm,
Vào  Nam  không  khó  để  làm  di  dân...

P/s : Mời đọc thêm Long Khánh trên nhãn "Cảnh đẹp quê hương, tập 3" của blog này.



THÁC GIANG ĐIỀN (*)

Tôi về thăm thác Giang Điền,
Ngắm dòng suối mát chảy xuyên núi rừng
Đi từ quốc lộ vào trong,
Màu xanh thảm cỏ nối từng vườn lan
Không gian thoáng mát dịu dàng,
Hàng cây bò cạp hoa vàng điểm tô
Những khu nhà nghỉ đơn sơ,
Lối đi lót đá, ven bờ trồng hoa
Chiếc cầu nho nhỏ bắt qua,
Sống bao kỉ niệm khó xa người về
Cây bàng lá nhuyễn phủ che,
Còn  mang  vẻ  đẹp  mùa  Hè  năm  xưa...

(*)Thác Giang Điền là một địa điểm du lịch, thuộc ấp Hòa Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cách TP Biên Hòa chùng 15 km, cách Sài gòn 45 km.



SUỐI ĐÁ HÀN

Về thăm Suối Đá, Đồng Nai
Không gian vắng vẻ chẳng ai bước vào
Lá vàng rụng xuống lao xao,
Suối sâu  nước cạn, ngựa chào hai bên.



MAĐAGUI

Thì thầm vọng tiếng gió ru,
Đồi cao sương lạnh, mây mù giăng giăng
Đêm về vời vợi ánh trăng,
Không gian tĩnh lặng, núi rừng bình yên...



TRĂNG MAĐAGUI

Nơi đây cảnh vật bình yên,
Đồi cao sương lạnh, trăng lên đỉnh trời
Nhà sàn mái lợp chia đôi,
Nhìn trăng, trăng khéo mỉm cười làm duyên.



THÁC ĐAM-RI 

Lâm Đồng có thác Đam-Ri,
Đi qua Bảo Lộc hướng về phía Tây
Câu ca truyền thuyết dạn dày,
Chuyện tình ghi nhận nơi này ngàn năm(*).

(*)Thác Đam-Ri còn có tên gọi là thác Đợi chờ, theo truyền thuyết của đồng bào K'Ho bản địa, gợi nhớ một câu chuyện tình buồn.



ĐÀ LẠT

Yêu em -  Thành phố ngàn hoa,
Đón trăng về giữa phố nhà đẹp xinh
Ánh đèn, ánh nến lung linh
Ánh trăng lồng lộng duyên tình cỏ cây
Thông reo vi vút suốt ngày,
Hòa cùng tiếng thác bủa vây núi rừng
Đèo cao dốc đứng chập chùng,
Đồi nương, thung lũng rưng rưng nắng chiều
Yêu em - Tình đẹp như thêu,
Trang thơ  kỉ niệm  gởi nhiều  luyến thương...

P/s : Mời đọc thêm các bài viết về Đà Lạt trên nhãn "Bên em Đà Lạt phố mù sương" của blog này.



SÀI GÒN

Sài gòn vẻ đẹp đáng yêu,
Bạch Đằng soi bóng trăng thêu đỉnh trời
"Nhà Bè nước chảy chia đôi"(*)
Dòng kênh Nhiêu Lộc mây trôi nhẹ nhàng
Bắt qua mấy nhịp cầu ngang,
Kể sao cho hết nỗi niềm riêng tư
Dịu dàng trong tiếng gió ru,
Đô thành nhộn nhịp vẫn thư thả hồn
Long rong dưới ánh hoàng hôn,
Lòng  tôi  dào  dạt  tình  thương  Sài  gòn.

(*)Câu ca dao quen thuộc : "Nhà Bè nước chảy chia hai / Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
P/s : Mời đọc thêm các bài viết về Sài Gòn trên nhãn "Bên em - Sài Gòn" trên blog này.



CHÙA BÀ CHỢ LỚN (*)

Chùa Bà Chợ Lớn Sài Gòn,
Người Hoa xây dựng vẫn còn y nguyên
Trên đất Đề Ngạn nắm quyền,
Tại đường Nguyễn Trãi, một phường quận Năm
Chùa  Bà  từ  thuở  di  dân,
Xây  theo  hình  ấn,  nhiều  lần  trùng  tu
Bên trong tiền điện mịt mù,
Khói  nhan  nghi  ngút  bàn  thờ  Hậu  Thiên.

(*)Chùa Bà Chợ Lớn còn được gọi là Chùa Bà Thiên Hậu, được nhóm người Hoa di dân sang VN góp công xây dựng vào khoảng năm 1760.



NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SÀI GÒN (*)

Nguồn gốc lịch sử Nhà thờ,
Thuở xưa người Pháp thăm dò dựng xây
Dẫu qua mưa nắng dạn dày,
Ơn trên gìn giữ tháng ngày bình an
Nằm ngay giữa phố Sài Gòn,
Trải bao biến cố vẫn còn uy nghi
Quảng trường Công xã Pari,
Hàng cây cao vút thầm thì gió ru
Lá vàng rụng xuống mùa Thu,
Xuân về sáng sớm sương mù nhẹ bay
Bên kia Bưu điện sum vầy,
Du khách giao dịch thường ngày văn thư
Nhà thờ mang tính đặc thù,
Gothic - La Mã  bù  trừ  lẫn  nhau :
Mái vòm bao phủ trước sau,
Chiều cao nối kết gối đầu hành lang
Bề sâu chiếm khoảng không gian
Nói lên vẻ đẹp ngập tràn thánh thiêng
Năm căn nhà nguyện hàng hiên,
Nội thất cung thánh gắn liền Giàn ca
Lung linh ánh sáng giao hòa,
Đồng hồ đứng giữa hai tòa tháp chuông
Công trình kiến trúc Tây phương,
Xem  ra  có  vẻ  lạ  thường  nơi  đây
Gạch nung, ngói đỏ thẩm dày
Thời gian luôn có đôi tay Mẹ hiền
Sài Gòn một chốn thần tiên,
Ngàn năm tráng lệ ghi tên Công trình
Ngắm nhìn tượng Mẹ Hòa Bình,
Đăm chiêu hướng thẳng trời xanh nguyện cầu
Trên tay nâng quả địa cầu,
Đính cây Thánh giá nhuốm màu thời gian
Vườn hoa ngăn cách Sảnh đàn,
Giao thông trục lộ dọc ngang Đô thành
Sài Gòn mãi ở trong anh,
Thánh Đường vời vợi ngọt lành lời ru
Tìm  về  bên  Mẹ  nhân  từ,
Làm  sao  quên  được  khi  qua  Sài  Gòn.

(*)Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn còn gọi là Nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn, tọa lạc ngay giữa Trung tâm thành phố. Tên chính thức : Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ( tiếng Anh :Immaculate Conception Cathedral Basillica, tiếng Pháp : Cathédrale Notre-Dame de Saigon ) là Nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Sài Gòn, một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nét đặc trưng của du lịch Việt Nam.



NHÀ DÒNG THỦ THIÊM

Lâu rồi về lại Thủ Thiêm,
Nhìn cây đước mọc bên triền đất xưa
Xa xa thấp thoáng bóng dừa,
Dòng Mến Thánh giá các xơ dịu hiền
Nơi đây phong cảnh thần tiên,
Đầm lầy, dừa nước ru êm mỗi ngày
Bình an như được đong đầy,
Không gian tĩnh lặng ngất ngây hồn người
Êm  đềm  hơn  cả  mọi  nơi,
Cách ly thành phố biển đời nhốn nhao
Câu kinh, tiếng hát, lời chào
Niềm  vui  gặp  gỡ  biết  bao  ân  tình
Chuyến đi từ thiện với Trinh,
Cho tôi tìm lại bóng hình người thương(*).

(*)Gặp lại các xơ Dòng Mến Thánh Gía mà trước đây gia đình đã quen biết.



ĐỒI CHÈ TÂM CHÂU

Tâm Châu Bảo Lộc đồi chè,
Màu xanh bát ngát khách mê ngắm nhìn
B'lao gió mát cao nguyên,
Tách trà  ngọt hậu  khó quên  đường về.



SUỐI MƠ (*)

Tôi về thăm lại Suối Mơ,
Cây bàng lá nhuyễn ngẩn ngơ đứng nhìn
Không gian thanh nhã bình yên,
Nghe dòng nước chảy muộn phiền cuốn trôi
Những khu nhà nghỉ gọi mời,
Khuôn viên cỏ mượt, triền đồi xinh xinh
Xa xa tiếng thác ru tình,
Với nhiều đá lớn gợi hình dễ thương
Bao quanh bãi tắm thiên đường
Hồ bơi gắn kết cạnh vườn phong lan
Cây sanh cổ thụ rộng tàn,
Vũng sen, ao cá, nhà hàng cạnh bên
Món ăn đặc sản vùng miền,
Du  khách  không  thể  dễ  quên  nơi  này.

(*)Suối Mơ nằm ở ấp 6, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, cách Sài gòn khoảng 100 km.



CHÙA LINH QUY (*)

Linh Quy Pháp Ấn - Lâm Đồng,
Ngôi chùa ẩn hiện nằm trong Lộc Thành
Cổng trời Thần Đạo màu xanh,
Sương giăng mù mịt, xung quanh núi rừng
Hình  ông  Bồ  Tát  trần  lưng,
Khoe  thêm  bụng phệ  như từng  uống bia.

(*)Chùa Linh Quy còn gọi là Linh Quy Pháp Ấn, tọa lạc trên một ngọn đồi thuộc xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ấn tượng nhất của ngôi chùa này là Cổng trời và hình ông Bồ Tát ngồi giữa hồ nước.




LÀNG CÁ LA NGÀ

Về thăm làng cá La Ngà,
Bè trên mặt nước, dưới là cá nuôi
Hoàng hôn đỏ thắm lưng trời,
Bức tranh tuyệt đẹp khi vơi nắng chiều.



CẦN GIỜ

Về thăm đất biển Cần Giờ,
Cách xa thành phố ven bờ Đông Nam
Khu rừng ngập mặn nhiều năm,
Đan xen hệ thống rạch sông đặc dày
Mật khu Rừng Sác nơi đây,
Ngắm nhìn đảo khỉ đàn bầy nối nhau
Thiên nhiên đa dạng mỡ màu,
Quê miền duyên hải đẹp giàu dễ thương.



LÀNG GỐM CỔ CHIÊN

Cổ Chiên làng gốm ven sông,
Ai về nhớ ghé Vĩnh Long mà tìm
Ngói màu trước nắng dịu êm
Gạch nung xen lẫn, hai bên ghe thuyền.



TIỀN GIANG

Tiền Giang sông nước mênh mông
Cái Răng chợ nổi, nhà dân còn nghèo
Đạo  Dừa  vẫn  có  người  theo,
Di tích  Cồn Phụng  rồng leo  cột đình.

P/s : Mời đọc thêm "Du lịch miền Tây" trên nhãn "Cảnh đẹp quê hương tập 1" của blog này.



BẾN NINH KIỀU

Cần Thơ có bến Ninh Kiều,
Nhà hàng Hoa Sứ : cơm niêu, cá đồng
Cầu Đèn mới bắt qua sông,
Đi  vào  Đô  thị,  Nhà  Lồng  Tân  An (*).

(*)Bến Ninh Kiều là một địa danh du lịch của TP Cần Thơ, tọa lạc giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ. Cầu Đèn là cầu đi bộ, dài 200m, rộng 7m2, trên cầu trang bị hệ thống đèn led, được điều khiển và tỏa sáng vào ban đêm rất đẹp. Từ cầu này vào Đô thị ngã ba Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học... kết thúc tại khu vực Nhà Lồng chợ cổ Tân An.



BẾN TRE 1

Tiền Giang - Chợ Gạo, Bến Tre
Bóng dừa xanh mát chở che dân làng
Miền quê trải rộng thênh thang,
Miệt vườn trù phú hàng hàng lớp cây
Nói về sinh thái nơi đây :
Sông ngòi chằng chịt, phủ dày rạch kênh
Vùng đất thực sự yên lành,
Có nhiều tôm cá nuôi quanh mương nhà
Đàn ca tài tử ngân nga,
Làng nghề bánh kẹo, mức và mật ong
Ổi, xoài, dưa hấu, bánh căn
Món ăn quen thuộc người dân thường làm
Phương xa khách đến tham quan,
Tìm bao trải nghiệm với ngàn mến thương.



BẾN TRE 2

Bến Tre sông nước thuyền bè,
Dừa xanh phủ bóng rợp che xóm làng
Ai về xin nhớ ghé sang,
Vườn cây ăn quả bạt ngàn màu xanh
Mương nhà tôm cá vây quanh,
Đuông dừa cũng có, bánh tằm không chê
Về thăm chợ nổi Cái Bè,
Tách cà phê nóng lắng nghe chuyện đời
Xuồng ghe buôn bán nói cười,
Chào mời khách lạ những lời dễ thương
Đẹp sao tình nghĩa bốn phương,
Giàu sang đâu phải thiên đường nơi đây
Đời dân mưa nắng dạn dày,
Tình người đôn hậu, tháng ngày gian lao.



CHÙA HƯNG THIỆN

Đến chùa Hưng Thiện Bạc Liêu,
Vùng đất Vĩnh Lợi được nhiều người thăm
Ngôi  chùa  cổ  kính  bao  năm,
Phật   Bà   tượng   lớn   tay   cầm   hồ   lô.



CHỢ NỔI CÁI RĂNG

Cần Thơ chợ nổi Cái Răng,
Thuyền bè ngang dọc sát gần bên nhau
Trái cây, hàng hóa muôn màu
Miền Tây  sông  nước  bắt đầu  từ  đây.



CHỢ NỔI NGÃ NĂM

Sóc trăng, chợ nổi Ngã Năm
Dập dềnh qua lại, ngổn ngang ghe thuyền
Bán buôn rau quả dây chuyền,
Thức  ăn  các  loại  miệt  vườn  đem  ra
Miền Tây sông nước bao la,
Tình người  đôn hậu  thiết tha  mặn nồng.



ĐỒNG THÁP MƯỜI

Ai về Đồng Tháp mà xem,
Đầm sen bát ngát hương thơm dịu dàng
Mỹ Hòa, Cao Lãnh nhìn sang
Du khách ngắm cảnh thấy càng thích hơn
Lá xanh hoa trắng dập dờn,
Điểm thêm hoa đỏ, gió vờn thướt tha
Món ăn ẩm thực quê nhà,
Không gian  thanh mát  trưa Hè  bình yên.



CÁNH ĐỒNG THỐT NỐT

Cánh đồng thốt nốt An Giang,
Thất Sơn - Bảy núi, địa bàn Tri Tôn
Một vùng đất đẹp mê hồn,
Nhiều nhà nhiếp ảnh đến còn khó đi.



RẠCH GIÁ

Rạch Gía có cổng Tam Quan,
Xây từ thời Pháp - Cổng làng ngày xưa
Công viên văn hóa An Hòa,
Dưới  cầu  Rạch Sỏi  băng qua  Bến tàu.



HÀ TIÊN

Nghe đâu cảnh đẹp Hà Tiên,
Du khách từ các vùng miền tới thăm
Tôi không thả bút để nằm,
Nên đành ghi lại những dòng sau đây
Hà Tiên đến lúc ban ngày,
Đêm về ngắm biển ngất ngây hồn người
Biển xanh thuyền cá ra khơi,
Ngư dân bủa lưới nói cười lạc quan
Hòn Tre, hòn Nghệ, hòn Giang
Tô Châu bóng ngã, Kiến Vàng lung linh
Vừa  thơ, vừa  lạ, vừa  tình
Hoang sơ, huyền thoại; phồn vinh phố thành
Bầu trời một dải tinh anh,
Trong xanh diệu vợi, in hình nước non
Mũi Nai, Thạch Động mãi còn
Người  đi  không  dễ  lãng  quên  bao  giờ.



PHỐ HÀ TIÊN

Tôi về thăm phố Hà Tiên,
Chiều qua đỉnh núi, trăng nghiêng mặt hồ
Phố xa khuất dáng Thành đô,
Lòng   người   ở   lại   viết   thơ   tặng   đời...



CÀ MAU

Cà Mau điểm đến tận cùng,
Phía Nam tổ quốc : Một vùng xinh tươi
Dạt dào non nước đầy vơi,
Đồng bằng sông Cửu gọi mời đến thăm
U Minh rừng đước, rừng tràm
Lỏi len kênh rạch, bạt ngàn chim muông
Hưởng bầu không khí dễ thương,
Hoang  sơ  kỳ  thú  miệt  vườn  nơi  đây
Hòn Khoai cụm đảo phủ dày,
Cỏ  cây  hoa  lá  đêm  ngày  điểm  tô
Năm  Căn, Đất  Mũi  trời  cho
Phù  sa  màu  mỡ... nhấp  nhô  sóng  cồn.



ĐẤT MŨI PHƯƠNG NAM

Về thăm Đất Mũi Cà Mau,
Nhìn xem cây mắm mọc lâu thế nào?
Hòn Khoai giờ sẽ ra sao,
Rừng tràm, rừng đước lối vào được không?
Năm Căn : chuột, rắn, cá đồng
Với bao hương vị qua từng thời gian
Vùng đất ruộng lúa bạt ngàn,
Cò bay thẳng cánh, chim đàn rủ nhau
Sông sâu, nước lội ngập đầu
Vườn cây ăn trái khoe màu sắc xanh
Vịt bầy bơi chạy khá nhanh,
Ong nuôi tầng mật ngọt lành rừng cây
Bắt cua, ba khía nơi này
Món ăn chế biến làm say lòng người
Câu ca, tiếng hát, nụ cười
Tình dân Nam Bộ vạn đời nhớ thương.



NAM DU

Nam Du, Phú Quốc - Kiên Giang,
Đảo xa nằm giữa bạt ngàn màu xanh
Đêm nghe biển hát ru tình,
Ngày trôi lạc tận mênh mông sóng cồn.



PHÚ QUỐC

Tôi về Đảo Ngọc ban trưa,
Không gian mát dịu gió lùa biển khơi
Ngắm nhìn vẻ đẹp đất trời
Ngàn  xa  sóng  vỗ,  lả  lơi  thuyền  bè
Làng chài Rạch Vẹm nhiều ghe
Bãi  Thơm  trải  rộng  bốn  bề  yên  vui
Bãi Khem cát trắng phủ vùi,
Nước xanh trong vắt thoảng mùi tự nhiên
Bãi Sao - An Thới dịu hiền,
Dáng hình từa tựa cánh tiên ôm vòng
Dừa xanh xỏa tóc lưng cong
Bãi Dài thuyền thúng, ánh hồng ban mai
Bãi Trường thoai thoải đất lài,
Gành Dầu, Bắc Đảo gọi mời khách xa
Hàm Ninh liễu rủ thướt tha,
Món  ăn  hải  sản  đậm  đà  nơi  đây
Suối Tranh dải lụa mịn dày,
Lượn là xuyên suốt rừng cây xanh rờn
Gia Long bôn tẩu Tây Sơn,
Ngày  nay  Mũi Đá  vẫn  còn  tên  ông
Trở về phố thị Dương Đông,
Chợ đêm Dinh Cậu, lòng vòng dạo chơi
Âm thanh sóng vỗ biển đời,
Phú Quốc  ghi  nhớ  vạn  lời  mến  thương...

P/s : Kỉ niệm chuyến đi với anh Trần Quốc Văn.



LỜI KẾT

Những  tour  du  lịch  tôi  đi,
Thường hay vội vã nên chi chưa cùng
Quê hương thắng cảnh điệp trùng
Làng quê, phố thị, những vùng xa xôi
Đèo cao, sông suối, núi đồi
Đồng bằng, biển cả, khắp nơi đón chào
Có  đi  mới  biết  đồng  bào,
Nơi nào nghèo khổ, nơi nào phồn vinh
Câu thơ thắm đượm nghĩa tình,
Mong  ai  đọc  lấy  chớ  khinh  chớ  cười
Âm thầm  thưởng khúc dạo chơi,
Xin   cùng   góp   ý   đôi   lời   tại   đây.

JB.Sĩ Trọng.

"TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN LÀ THƯỚC ĐO VĂN HÓA 
                CỦA CON NGƯỜI".