Thứ Ba, 23 tháng 5, 2023

Phúc Âm chan hòa ân sủng phục vụ


Đọc Kinh Thánh : Tông đồ Công vụ 10,34-43; Isaia 42,2-4 v Mattheu 3,13-17.

1. Phá vỡ hàng rào ngăn cách :
    Chúa Giêsu ( GS ) đến thế gian như Đầy Tớ của Thiên Chúa ( TC ) để bày tỏ sự công chính của TC. Người đầy tớ thực hiện sứ mạng bằng ân sủng. Người đầy tớ thực hiện sự công bình không bằng sự phô trương lực lượng hay lớn tiếng ồn ào; nhưng bằng chân lý, sức mạnh của tình thương, hiền hòa và kiên nhẫn ( x Is 42,2-4 ) Những chữ "chẳng bẻ cây sậy đã giập, không dụt tim đèn còn hơi cháy" là hình ảnh minh họa cách sống động ý nghĩa của ân sủng. Ân sủng chính là phương cách qua đó Người Đầy Tớ của TC đem con người đến với TC. Ân sủng của TC chính là Phúc Âm mà ta có nhiệm vụ rao truyền cho nhân loại ngày nay. Sự kỳ diệu của TC chính là tình yêu và năng lực ban sự sống. Qua Chúa GS, tình yêu và năng lực đó được ban cho những ai tiếp nhận, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, văn minh, văn hóa, trình độ, khả năng. Sự cứu rỗi của Chúa là một Hồng ân mang tính phổ quát. Phêro đã xác nhận chân lý này trong bài giảng : "TC chẳng bao giờ thiên vị ai. Nhưng hễ ai kính sợ Ngài và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào cũng đều được Ngài tiếp nhận" ( Cv 10,34-35 ).
    Trong sứ mạng bày tỏ sự công bình của TC, trước hết là sự phá vỡ mọi hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc ( x Cv 10,34-37 ). Chính Chúa GS đã ngồi chuyện trò với người đàn bà Samaria bên bờ giếng Giacop ( x Jn 4,5-26 ), Ngài cũng đã truyền mệnh lệnh cho các Môn đệ là rao truyền Phúc Âm cho "tất cả mọi dân tộc" ( Mt 28,19a v Lc 24,47 ). Tuy nhiên, lời nói và việc làm của Ngài không phải là dễ thuyết phục Phero để ông nhận thức rằng Chúa GS đã phá vỡ hàng rào chủng tộc. Phải trải qua một thời gian khá dài với những kinh nghiệm, khải thị, phép lạ...để cuối cùng thành kiến của ông về dân ngoại mới bị phá vỡ, và ông mới nói được rằng : "Bây giờ tôi biết chắc chắn TC không thiên vị ai" ( Cv 10,34 ).
    Trong bài giảng này Phero cho thấy Chúa GS, qua sự chết của Ngài, đã phá vỡ bức tường ngăn cách của tội lỗi vốn phân rẽ chúng ta với TC ( Cv 10,c 38,39 v 43 ). Phero nhấn mạnh đến sự cần thiết của Thập tự giá, Chúa GS trở thành Hy tế chuộc tội chúng ta, hầu cho bức tường ngăn trở của tội lỗi bị cất đi. Màn trong đền thờ bị xé ra làm đôi khi Chúa tắt hơi trên thập tự là dấu hiệu cho thấy tội lỗi không còn ngăn cách chúng ta với TC, mọi bí nhiệm đã được phơi bày không còn dấu kín trong hình thức thờ phượng nữa. Vì thế, "hễ ai tin Ngài thì được sự tha tội vì danh Ngài" ( Cv 10,43 ).
    Cùng với sự phá vỡ của bức tường tội lỗi là sự phá vỡ bức tường sự chết, "TC đã làm cho Chúa GS trỗi dậy và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân TC đã tuyển chọn" ( Cv 10,40-42 ). Đây là một cuộc cách mạng lớn, nhằm cố gắng thuyết phục người nghe về nhu cầu cần đến Chúa GS, Phero đã kể câu chuyện cuộc đời của Ngài để cuối cùng nhấn mạnh đến sự kiện quan trọng và độc đáo, đó là Chúa GS sống lại từ cõi chết. Sự chết không còn cầm quyền thống trị trên Ngài nữa, tảng đá đã lăn ra khỏi mồ và Chúa GS đã thoát ra ngoài phần vật chất do con người xây dựng nên. Sự Phục sinh của Chúa bảo đảm cho ta sự sống lại và sự sống đời đời, Ngài là "hoa quả đầu mùa của những kẻ an giấc ngàn thu". Nói cách khác, bức tường của sự chết vốn phân rẽ ta với sự sống đời đời, đã bị phá vỡ. Chúa GS với sứ mạng của Người Đầy Tớ đã phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa con người với TC và với nhau. Hàng rào này phải được phá vỡ để dẫn con người vào con đường sự sống mà chính Chúa GS mở ra bằng cái chết và sự sống lại của Ngài.

2. Người đầy tớ của TC :
 Nếu hỏi một em bé : Khi lớn lên con muốn làm gì ? Có lẽ chúng ta không bao giờ nghe câu trả lời "Con muốn trở thành người đầy tớ". "Đầy tớ" hình như không bao giờ nằm trong danh sách những nghề nghiệp mà người ta mong muốn. Thế nhưng, "đầy tớ" là nghĩa vụ của Kitô hữu, vì chính Đức Giêsu ( GS ) đã chọn, đã làm gương biểu lộ yêu thương phục vụ, do đó người theo Chúa phải đặt hết niềm tin vào Chúa GS và bước đi theo Ngài. Hầu như ai cũng còn in đậm trong đầu Lời Chúa của ngày thứ năm tuần Thánh : "Thầy là Chúa, là Thầy mà còn quỳ xuống rửa chân cho anh em, anh em cũng phải biết rửa chân cho nhau"( Jn 13,14 ). Cảm động hơn khi Cha Chánh xứ giảng rằng : "Thưa anh chị em, anh em Linh mục chúng tôi phải là những người phải biết cúi xuống rửa chân cho anh chị em..."- Giọng nói của Cha Chánh xứ đầm ấm, đầy cảm xúc, đúng là tâm tình một người Cha đối với đoàn con yêu dấu. Tiếp theo, Ngài còn nói cụ thể hơn : Người chồng phải biết phụ giúp vợ khi vợ vào bếp, biết luộc rau, rửa chén... Luộc một nồi rau chẳng khó khăn gì, đi làm về tuy mệt nhưng cũng có thể làm được, như thế người vợ sẽ vui, chứ đừng nằm chờ người vợ phục vụ mình... Con cái phải biết giúp đỡ cha mẹ những công việc cụ thể trong gia đình...Tất cả đó chính là chúng ta rửa chân cho nhau. Đi từ Cựu ước, nếu đọc I-sai 42,1-9 ta thấy : TC đã chọn  hình ảnh Người đầy tớ để mô tả Đấng được sai đến thế gian và phó sự sống của Ngài vì tội lỗi chúng ta. Đặc điểm của người đầy tớ được I-sai mô tả cũng là đặc điểm của mỗi Kitô hữu, là những đầy tớ của TC.
    Tuy nhiên, ở đời cũng có người thế này, kẻ thế kia, không phải ai cũng hoàn toàn giống nhau. Có người phục vụ nhưng không chịu nói mình phục vụ, có người không phục vụ, sai người khác phục vụ nhưng tự cho mình là phục vụ. Khi tôi hỏi thăm một Linh mục dạo này Cha phục vụ ở đâu ? Ngài tỏ vẻ không thích và tự trả lời "Đi làm Chánh xứ ở Giáo xứ ..." Cũng có trường hợp một Linh mục cả một đời dấn thân phục vụ, nhưng người khác vẫn nhận xét là "chưa có dáng dấp của một người phục vụ..." Trong những năm gần đây, có Linh mục từ Mỹ về VN đi giảng ở một số nơi, sau đó bị cấm, trở về Mỹ lại, lúc nào cũng muốn huênh hoang tự đắc, ngông cuồng, chọc phá, luôn có sự kiêu ngạo, cái tôi quá lớn mà cái nhìn thì nhỏ hẹp...cố tình khiêu khích cộng đồng mạng cùng chống lại các Đấng bậc có thẩm quyền trong Giáo Hội, làm trò hề cho những kẻ quá khích giật dây, như thế làm sao nói chuyện phục vụ hay "rửa chân cho nhau" được.
    Trước hết, I-sai 42 cho thấy mối tương quan của Người Đầy Tớ thuộc về TC ( c 1 ). Những từ như "đầy tớ Ta", "Ta lựa chọn", "Ta nâng đỡ", "Ta đặt thần Ta trên người" cho thấy mối liên hệ giữa TC và Người Đầy Tớ mà Ngài lựa chọn cho công việc của Ngài. Đây cũng là mối liên hệ của mỗi Kitô hữu với TC như người đầy tớ vâng phục Chủ.
    Mục đích của Người Đầy Tớ trong I-sai là "tỏ ra sự công bình". Đây là vai trò và sứ mạng của TC giao cho Người Đầy Tớ thực hiện trên đất. Qua đời sống và công việc, Ngài bày tỏ sự công bình của TC để nhờ đó con người nhận biết TC, nhận biết chính mình và được nối kết chính mình với Ngài để được sự sống. Vai trò quan trọng này - được nhấn mạnh ba lần ở đây - cũng chính là vai trò, sứ mạng của mỗi một chúng ta.
    Người đầy tớ thực hiện sứ mạng bằng Ân sủng. Người Đầy tớ thực hiện sự công bình không bằng sự phô trương lực lượng hay lớn tiếng ồn ào ( c 2 ), nhưng bằng chân lý, sức mạnh của tình thương, hiền hòa và kiên nhẫn ( c 4 ). Xin nhắc lại : Cụm từ "chẳng bẻ cây sậy đã giập, không dụt tim đèn còn hơi cháy"( c 3 ) là hình ảnh minh họa một cách sống động ý nghĩa của Ân sủng. Ân sủng chính là phương cách qua đó Người Đầy Tớ của TC đem con người đến với TC công chính. Ân sủng của TC chính là Phúc Âm, là Tin Mừng mà ta có nhiệm vụ rao truyền cho con người vô phương tự cứu.
    Giàu nghèo không quan trọng, quan trọng là ý thức phục vụ. Cái đẹp tâm hồn mới đáng kính trọng. Càng làm lớn càng phải trở nên nhỏ bé để yêu thương và phục vụ người khác. Khiêm tốn không phải là một thái độ bình thường, nhưng khiêm tốn là một nhân đức. Phục vụ, phục vụ và phục vụ như Chúa GS đã phục vụ.

3. Cầu nguyện :
     Lạy Chúa, xin giúp con nắm bắt được chân lý về sự hòa giải với Chúa và với nhau, để nhờ đó phá vỡ được những thiên vị, những thành kiến, những tội lỗi thường cản trở con nhận được sự sống và sự sống phong phú. Xin Chúa cho con biết noi gương Chúa GS, Người Đầy Tớ của TC, sống và hành động xứng đáng với chức phận Ngài giao.
    Lạy Chúa, xin cho con bước theo Chúa GS trên con đường vâng phục ý muốn của Ngài, bất chấp những ngộ nhận, hiểu lầm... để sẵn sàng đi theo Chúa, từ đó con cảm nghiệm được Chúa là gia nghiệp, là hạnh phúc của đời con. Xin cho con ý thức được vai trò của mình để phục vụ mọi người như Chúa đã phục vụ. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét