Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Câu chuyện 17

TÙ NHÂN ĐÁNG TỘI


Công tố viên hỏi :
- Tù nhân ở vành móng ngựa, Anh bị buộc tội lôi kéo người ta không giữ luật truyền thống và phong tục tôn giáo thánh thiện của chúng ta. Anh bào chữa thế nào ?
- Thưa ngài, đáng tội.
- Và thường xuyên lui tới công khai với bọn lạc giáo, gái điếm, tội nhân, những người thu thuế tống tiền, những kẻ thực dân xâm chiếm nước ta - tắt một lời, những kẻ bị tuyệt thông. Anh bào chữa thế nào ?
- Thưa ngài, đáng tội.
- Và cũng công khai chỉ trích phỉ báng những người chức quyền trong Giáo Hội của Thiên Chúa. Anh biện hộ thế nào ?
- Thưa ngài, đáng tội.
- Cuối cùng, Anh bị buộc tội duyệt lại, sửa chữa và đặt vấn đề những tín điều bí mật của chúng ta. Anh biện hộ thế nào ?
- Thưa ngài, đáng tội.
- Này tù nhân,tên ngươi là gì ?
- Thưa ngài, tên tôi là Giêsu Kitô.

Vài người khiếp sợ khi thấy tôn giáo của mình được thực hành cũng như khi nghe nó bị ngờ vực.

( Trích từ cuốn "Taking Flight" của Lm Anthony de Mello, trang 138 ).

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2020

Tặng anh chị Ánh
















Em biết  anh làm  thơ hay  lắm,
Nhớ thời cắp sách tuổi sinh viên
Có người rất dịu dàng đằm thắm
Say nắng, làm anh cảm mến liền.

Người ấy hôm nay bước bên anh,
Một đời chung thủy đẹp như tranh
Mắt  môi  mơ  mộng  còn  ghi  lại,
Cái thuở cùng nhau được học hành.

Nghe nói miền Trung có ngôi trường 
Với  nhiều  kỷ  niệm  dệt yêu thương
Sông Hàn - Thành phố nghiêng mình đón
Gió   ký   ức   xưa   thổi   muộn   màng.

Sách  vở  theo  anh  bước  đăng  trình,
Ngôi trường nổi tiếng : Phan Chu Trinh
Anh  đi   để  lại   nhiều   nhung  nhớ,
Những phút giây qua đượm thắm tình.

Anh  đã  không  rời  đất  quê hương,
Mặc dù  đi đến  khắp  muôn phương
Thương tình gia tộc cùng huyết nhục
Gắn  bó   ưu  tư,  mộng  ước  thường.

Anh   chị   giờ   đây   tuổi   lớn   rồi,
Vẫn  còn  xinh  xắn,  nụ  cười  tươi
Phong cách năng động, nhờ cách sống
Tỏa  nét  thanh  tao  giữa  cuộc  đời.

Xin được tri ân những tháng ngày
Bên  đời  âu  yếm  nhẹ  cầm  tay
Mong  sao  anh  chị  luôn tươi trẻ 
Sức khỏe, yêu thương mãi đong đầy.

JB.Sĩ Trọng.



Chập  chờn  bóng  tối  với  đêm  đen, 
Leo   lét    từ    xa    một    ánh    đèn
Muốn ngủ mắt mình không khép được
Tin  buồn  ập  đến : Một  người  quen...

Một người quen vĩnh viễn ra đi : Nhận được hung tin anh Nguyễn Như Ánh qua đời vì Covid, lúc 9 giờ tối ngày 06.8.2021. Như thế là mất đi một người anh thân yêu. Ở đời không phải ai cũng sống được như anh. Thật thương thương lắm ! Một người anh hiền lành, nhân hậu, một người bạn trí thức, hiểu rộng mà khiêm tốn, không bao giờ tự khoe mình. Chẳng biết làm gì cho anh được nữa, chỉ biết cầu nguyện cho anh thôi. Nhà mình đã xin Lễ cho anh. Thành tâm chia buồn với chị Thanh.

        Thánh Lễ đưa chân tiễn một người, 
        Về   miền   đất   lạ   chốn   xa   xôi
        Không gian tĩnh mịch bình yên quá
        Thời  buổi  Covid.   Thế  được  rồi !

Chúc anh ra đi trong thanh thản và bình an.

JB.Sĩ Trọng.  07.8.2021.


NGUYỄN NHƯ ÁNH - NGƯỜI ĐOẠT GIẢI OSCAR
           ( Bài viết này của tác giả Hạ Huyền )

(TNTS) Cách đây vài năm, trong một lần trò chuyện với Nguyễn Như Ánh - một Việt kiều và là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật điện ảnh ở Đức - tôi có hỏi anh về việc dự định về quê hương thành lập công ty riêng. Khi đó, anh úp úp mở mở: Vâng, tôi đang có một số dự tính, nhưng cho phép giữ bí mật nhé.
Bẵng đi một thời gian, qua báo chí tôi mới biết Nguyễn Như Ánh thành lập Công ty Ánh Việt Greenpost tại TP.HCM. Chính công ty này đã tham gia phần kỹ thuật màu sắc, hình ảnh trong khâu thực hiện hậu kỳ cho phim Sài Gòn nhật thực, rồi Dòng máu anh hùng. Ngoài ra, anh còn hợp tác cùng Trung tâm Nghiên cứu nghệ thuật và Lưu trữ điện ảnh tại TP.HCM thực hiện dự án phim trường Ánh Việt Greenpost. Hay Nguyễn Như Ánh còn giới thiệu và chủ trương áp dụng công nghệ làm phim 5D (phim có mùi) tại VN. Nhiều người trong giới biết Như Ánh là kỹ sư điện ảnh, nhưng cũng không mấy người biết anh là tác giả của chiếc camera Arriflex 535, từng giật giải Oscar kỹ thuật năm 1985 và đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong nhiều hãng điện tử của Đức.

Là người gốc Huế, năm 1970, Nguyễn Như Ánh bỏ tiền túi, tự sang du học tại Đại học Dormun, CHLB Đức. Anh theo học chuyên ngành Điện tử truyền tin, tốt nghiệp vào năm 1976 và quyết định sinh sống, định cư tại đây. Hỏi anh: Chắc anh tốt nghiệp xuất sắc nên mới tìm ngay được việc làm và có nhiều nơi mời như thế? Anh trả lời thật thà: Không, phải nói thật là tôi tốt nghiệp chỉ thuộc loại trung bình thôi. Nhưng khác với một số quốc gia, tại Đức, người ta không đề cao sự xuất sắc về bằng cấp. Người Đức tuyển người chủ yếu theo khả năng làm việc thông qua phỏng vấn. Tôi cũng khá ngạc nhiên vì họ còn trò chuyện, khuyên tôi không nên làm lâu ở một chỗ mà nên làm việc ở nhiều công ty để tích lũy kinh nghiệm.

Nơi đầu tiên mà chàng kỹ sư trẻ Như Ánh làm việc là bộ phận nghiên cứu và thiết kế của một công ty chuyên sản xuất máy tia laser để đo lường vận tốc, chất liệu của vật liệu, máy móc. Cũng cần nói thêm, sau này người ta còn ứng dụng phương pháp vừa nêu để thiết kế, sản xuất các máy bắn tốc độ xe hơi cho cảnh sát giao thông, hay dùng để đo trọng lượng của máy bay, trọng lượng của xe vận tải…

Sau hai năm đầu làm việc, một công ty khác biết đến Như Ánh và mời anh làm việc, đảm nhiệm vai trò giám đốc ở bộ phận nghiên cứu thiết kế về các thiết bị điện tử đo lường cho kỹ thuật môi trường. Vào khoảng thời gian đó, do Đức đang gặp khó khăn nhiều trong môi trường, nên họ tập trung vào lĩnh vực này và công nghệ phát triển rất mạnh. Công việc thuận lợi, ổn định. Nhưng vào năm 1980, người con của Như Ánh đến tuổi đi học. Đắn đo, suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định cùng gia đình chuyển đến Munich sinh sống, để con mình có điều kiện học hành tốt hơn. Như Ánh cũng không biết trước, do sự chuyển biến này, mà đường công danh, sự nghiệp của anh bước qua giai đoạn mới, mang đầy dấu ấn thành công.

Nói về việc mình được nhận vào hãng ARRI nổi tiếng, Như Ánh thổ lộ: Đây cũng là sự tình cờ, năm 1980, tôi quyết định chuyển về Munich là vì  con tôi. Tôi viết đơn xin việc vào hãng ARRI. Sau khi xem xét, họ nhận tôi và bố trí làm việc ở bộ phận thiết kế hệ thống hỗ trợ và kỹ thuật máy quay phim. Làm việc được khoảng một năm, hãng giao cho tôi dự án mới về thiết bị điều khiển tự động hóa về đèn, âm thanh, cần cẩu cho các studio điện ảnh và truyền hình.

Sau hai năm mày mò nghiên cứu, Như Ánh và các cộng sự thực hiện thành công dự án. Vì thế, đến năm 1982, anh được Hội đồng quản trị của ARRI cử làm giám đốc kỹ thuật điện tử. Điều đáng nói là vào thời điểm đó, Như Ánh là người ngoại quốc duy nhất trong bộ phận nghiên cứu thiết kế của “gã khổng lồ” và cũng là người nhỏ con nhất. Nhắc lại chuyện này, Như Ánh cười vui. Đó là niềm vui của “người nhỏ con nhất” đang gặt hái thành công tại một hãng lớn không chỉ của Đức mà còn của thế giới.

Lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng, người Đức thường khá tự tôn và có ý phân biệt, nếu không muốn nói là xem thường người nước ngoài. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Như Ánh nói: Người Đức có đầu óc thực dụng rất cao. Đúng là họ cũng có cái nhìn khác về người nước ngoài, nhưng nếu bạn làm việc hiệu quả, có khả năng tổ chức, luôn sáng tạo những gì mới nhất, mang lại lợi ích lâu dài, thì họ sẽ sử dụng mình. Hơn thế, người Đức rất tôn trọng kỷ luật, tuân thủ rất nghiêm túc các quyết định của cấp trên. Nói về vị trí lãnh đạo của mình, Như Ánh cho biết: Có thể sau lưng mình họ bàn tán điều này điều nọ, nhưng người Đức rất kỷ luật. Khi họp có thể bàn bạc, thảo luận, nếu có ý kiến không đồng ý, có thể tranh luận song phẳng, nhưng khi tôi đã quyết thì mọi người đều tôn trọng thực hiện. Trong công việc thì họ rất nể tôi, kể cả cấp trên. Thậm chí nhiều ban bệ khác còn nhờ tôi thuyết phục cấp trên về những dự án, hay vấn đề nào đấy của họ mà cấp trên không chấp thuận.

Như Ánh không giấu giếm niềm vui, sự hãnh diện vì trong thời gian làm Giám đốc Thiết kế kỹ thuật điện của hãng ARRI, anh đã sáng tạo được máy quay phim đời mới Arriflex 535. Đây là chiếc máy hiện đại nhất lúc bấy giờ, có với chức năng điện tử có thể dùng computer để lập trình, điều khiển, giúp con người sáng tạo nghệ thuật đầy hiệu quả. Riêng bộ phận elktronics variable shutter (bộ cửa chập tự động) của Arriflex 535 được nhận giải Oscar kỹ thuật vào năm 1985. Khỏi phải nói, giới kỹ thuật điện ảnh thế giới, kể cả các studio lớn ở Hollywood lúc đó cũng đánh giá cao chiếc máy này. 

Những tưởng sự nghiệp của mình sẽ gắn bó cùng ARRI, nhưng những yếu tố bên ngoài đã tác động đến nhiều công việc của Nguyễn Như Ánh sau này. Đấy là vào khoảng năm 1998, hãng ARRI gặp khủng hoảng về tổ chức. Hai ông chủ của hãng không thỏa thuận được với nhau, vì thế nhiều công trình, dự án bị lãng quên nên một số người bị sa thải. Lúc ấy Như Ánh còn được hội đồng quản trị giao phụ trách cả bộ phận cơ, quang học để tiếp tục thực hiện các dự án. Để tháo gỡ những bế tắc, anh kêu gọi, mời các công ty khác hợp tác. Nhân cơ hội đó, anh còn thành lập công ty riêng chuyên tư vấn, thiết kế mẫu máy cho ARRI (sau này là cho nhiều công ty khác). Dấu ấn cuối cùng của Như Ánh tại “ông lớn” này là chiếc máy ARRICAM. Trong đó có bộ phận videoassist lấy hình ảnh qua video xem trước khi dựng phim để tiết kiệm chi phí.

Một vài lần từ Đức trở về VN, Nguyễn Như Ánh hiểu và biết nền điện ảnh nước nhà còn nhiều khó khăn. Với mong muốn góp chút ít công sức cho sự phát triển trong lĩnh vực này, anh từng làm việc với Cục Điện ảnh VN và một số Cty XNK văn hóa, hợp tác trong đào tạo và tư vấn kỹ thuật điện ảnh. Dù vậy, không phải mọi việc đều thuận lợi. Có lần anh tư vấn cho phía Việt Nam nên mua thiết bị điện ảnh như thế nào, nhưng lại vướng mắc về cơ chế. Ví dụ xin 1 tỉ đồng để mua máy, đến khi duyệt xong đã mất hơn 1 năm, khi ấy có thể loại máy mình mua đã lạc hậu. Anh nói: Nếu cơ chế uyển chuyển thì vừa đỡ lãng phí vừa có hiệu quả cao. Có lẽ một phần vì lý do này, mà Như Ánh đã quyết định thành lập công ty tại quê hương, để mọi việc có thể nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Một người tài năng đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của kỹ thuật điện ảnh Đức, người đó chắc chắn sẽ rất hữu ích cho nền điện ảnh nước nhà.

Hạ Huyền

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Chùm thơ 53

KHÁT MƯA

Tưởng mưa đem cây ra hứng
Ai ngờ trời lại không mưa
Hiên nhà hoa lan héo rụng,
Ngay  từ  đầu  buổi  ban  trưa.



CẢNH NGỘ

Người mơ uống ánh trăng gầy,
Đêm về thuyền mộng chở đầy thơ ca
Thương thay những kẻ không nhà,
Lang thang cuối chợ, la cà đầu sông.



SAU DỊCH COVID

Voi  thong  thả  bỏ  núi  rừng  về  phố,
Dân tham quan dừng bước ở quê nhà
Khu  di  tích  sân  mọc  dày  hoa  cỏ,
Các nhà hàng, cửa tiệm đợi khách qua.


VÔ ĐỀ

Viết  trong  cảm  hứng  đợi  chờ,
Mà không gặp được, ai ngờ thời gian?
Những khi đường rộng thênh thang,
Bước  vào  ngõ  hẹp  lại  càng  khó  đi.

JB.Sĩ Trọng.


NGẪU HỨNG

Ta   có   đây   một   vài   kỉ   niệm,
Với những người đã sống quen thân
Có khoảnh khắc làm ta lưu luyến,
Dù   cách  xa   vẫn  thấy   thật  gần.

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2020

Tìm trong khoảng lặng














Ngày không có Chúa như không nắng ấm,
Đêm không có Ngài thiếu vắng vầng trăng
Ánh  sáng  thế  trần  sao  bằng  Vĩnh  cửu,
Hạnh phúc dương gian sao sánh Vĩnh hằng.

Trong những ngày này phải lặng yên,
Lắng nghe  hơi thở  của thiên nhiên
Chúa  đi   trong  gió   và  trong  lửa,
Đến với  những ai  đang  muộn phiền.

Chúa nguồn năng lượng vượt thời gian,
Nhớ   thuở   xưa   kia   Lễ   Ngũ   tuần
Khi   các   Tông   đồ   đang   tụ   họp,
Ơn   Ngài   đổ   xuống   để   cách   tân.

Chúa là  sức mạnh  của  Đại dương,
Cơn sóng triều dâng vượt vô thường
Cảnh ngộ đêm khuya Ngài bách bộ,
Mặt   hồ   bao   phủ   bởi   làn  sương.

Không ai nhìn thấy Chúa cả ư ?
Đức Phật còn nghe tiếng sấm gừ
Thú dữ trên rừng dừng bước chạy
Ngắm nhìn lá rụng cuối mùa Thu.

Chúa vẫn hiên ngang giữa đất trời,
Tay Ngài sáng tạo, dựng biển khơi
Núi  đồi  sông  suối  quanh  ta  ở,
Vũ  trụ   bao  la   đẹp   rạng   ngời.

Chúa là Thiên Chúa của muôn dân,
Chúa chẳng đâu xa, Chúa thật gần
Bên cạnh anh em thường gặp gỡ,
Mình trần thân trụi, biết đỡ nâng.

Chúa là Thiên Chúa của Tình yêu,
Xúc động  còn hơn  kẻ biết  nhiều
Chạy đến với Ngài trong tĩnh lặng
Tìm  nguồn   an  ủi,  khỏi   cô  liêu.

P/s : Viết giữa mùa dịch bệnh covid, sau buổi gặp Ngọc Nữ bạn của MK và HP.

JB.Sĩ Trọng.