Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Chúa trong người khác và hai thứ bệnh

1. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người :
     a. Con người giống hình ảnh Thiên Chúa
    Khám phá qua Thánh Kinh Cựu ước, giáo lý Giáo Hội Công giáo dạy chúng ta rằng : Con người được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Từ đó, chúng ta cũng thường nghe nói : "Con người là hình ảnh của Thiên Chúa", "Hãy nhìn thấy Chúa trong người khác" - Và có lẽ đã từng tự hỏi về ý nghĩa thật sự của những câu nói đó. Thật ra, đấy chỉ là sự áp dụng thực tế lời dạy của Đức Giêsu : "Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là Môn đệ của Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau"( Jn 13,35 ); "Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy"( Lc 10,40 v Mc 9,41 ). Sự đón tiếp ở đây không những là các Môn đệ Chúa, hay các Linh mục ngày nay, mà ngay cả mỗi người chúng ta với nhau nữa. Yêu thương nhau thì hãy biết tôn trọng nhau, đón nhận nhau trong Chúa; mọi người đều là anh em với nhau, cho dù họ là người tàn tật, đói rách, thậm chí kể cả người tội lỗi, người không tốt với mình, người chống đối mình. Viết đến đây tôi nhớ tới lời kinh của Thánh Patrick's : 
        "...Chúa ở trong tim của mỗi người nghĩ về con
        Chúa ở trên miệng của mỗi người nói chuyện với con,
        Chúa ở trong mỗi ánh mắt nhìn con,
        Chúa ở trong mỗi đôi tai nghe con..."
    Qủa thật, khi ta thấy Chúa hiện diện trong người khác thì ta cũng thấy được lời kinh ấy quãng đại và giá trị dường bao ! Nếu chỉ thấy Chúa ở trên miệng, trong ánh mắt, trong đôi tai ta thôi, thì đó là chuyện bình thường rồi. Phải thấy Chúa trong người khác.
    Kể từ lúc Thiên Chúa nhập thể làm người, để con người có thể thấy được Thiên Chúa vô hình nơi dung mạo hữu hình của Chúa Giêsu Kitô : "Ai thấy Thầy là thấy Cha". Từ giây phút đó, con người cũng được ban cho quyền nên giống Chúa Giêsu Kitô, nên dấu chỉ hướng dẫn anh em đến cùng Thiên Chúa Cha : "Ai đón tiếp các con là đón tiếp Thầy". Trên đường trở về nhà Cha, chúng ta cần đi trên con đường biết đón tiếp anh em là chúng ta đón tiếp Chúa Kitô. Mỗi người cần trở nên giống Chúa Kitô, trở nên một Chúa Kitô khác đến độ người khác có thể nhìn vào dung mạo của chúng ta mà nhận ra sự hiện diện của  Chúa Kitô.
    Thiên Chúa là Đấng tiêu biểu của sự thiện, bản chất của Ngài là sự thiện. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa nên con người cũng phải biết sống tiêu biểu cho sự thiện. Chúa Giêsu xác nhận điều đó khi Ngài nói về tầm quan trọng của chứng tá làm con cái Chúa : "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, ngõ hầu người ta nhìn vào gương sáng của anh em mà tôn vinh Cha anh em ở trên trời"( Mt 5,16 ). Và : "Các con hãy làm cho người khác những gì các con muốn người khác làm cho mình"( Mt 7,12 ) - Câu này Chúa Giêsu nói rất đơn giản và rất dễ hiểu. Trên thực tế đời thường, lắm khi chúng ta quên đi nét căn bản này rồi để cho tâm trí chúng ta lu mờ bởi tính ích kỷ, tính kiêu ngạo và sự hẹp hòi.
    Mỗi chúng ta đều có một bản ngã Tâm linh mà chúng ta không thể nhận biết được trên bình diện vật chất. Đó là con người thật, là Thiên Chúa, và là trạng thái chúng ta gọi là "Thiên Tính" hay "Thiên Chúa ngự bên trong".
    Thế nên, mỗi khi bạn nhớ tưởng hay nhận biết sự hiện diện của Chúa bên trong - bên trong chính bạn hay bên trong bất cứ một người nào khác - thì tình trạng bên ngoài lập tức bắt đầu thay đổi, bắt đầu cải thiện, mức độ cải thiện nhanh hay chậm tùy thuộc vào số lần bạn chào hay nhận biết Thiên Chúa bên trong và khả năng trình độ nhận thức của bạn. 
    b. Chào Thiên Chúa trong anh em
    Việc chào Thiên Chúa trong anh em chỉ tốn vài giây, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả lợi ích cho cả hai - người chào và đối tượng được chào.
    Chào Thiên Chúa trong anh em không nhất thiết phải mở miệng ra nói lời chào, nhưng nhìn Thiên Chúa hiện diện trong người khác và tỏ ra ngưỡng mộ Ngài, tôn trọng người khác và nhìn nhận người khác là anh em với mình. Tất cả mọi người cùng một Cha Trên Trời.
Khi bạn nghĩ một người nào đó vô cảm, một người nào đó cư xử không tốt, hay khi bạn nghe tin xấu về một người nào, hãy chào Thiên Chúa bên trong họ thay vì chấp nhận sự việc đó, không cần phải "sửa lưng" họ. Khi một tình trạng nào đó có vẽ không ổn, dù đó là một bộ phận trong công việc làm ăn, hay bất kỳ thứ gì, hãy nhìn thấy Thiên Chúa đang làm việc trong đó, và việc chào Thiên Chúa này sẽ hóa giải mọi vấn đề. Đức HY Fanxico Xavie Nguyễn văn Thuận tác giả tập sách "Đường hy vọng" nói rằng : "Ở giữa trần gian, không do trần gian, nhưng hãy cho trần gian với những phương tiện sẵn có của trần gian, để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay ở trần gian". Xây dựng Nước Thiên Chúa là đem lại hòa bình, niềm vui và hạnh phúc cho xã hội, cho cuộc đời. Biết chào Thiên Chúa trong anh em !
    Nếu có người làm bạn bất mãn, hãy im lặng chào Thiên Chúa bên trong người ấy và nói những gì bạn nghĩ là tốt nhất, và đừng chấp bất cứ một phát biểu phủ định nào. Nếu có ai chỉ trích phong cách của bạn, hãy chào Thiên Chúa trong kẻ ấy, đừng tiếp tục bàn cải về việc này, và dĩ nhiên cũng đừng nhắc đến nó nữa.
    Bạn càng chào Thiên Chúa trong những người khác nhiều chừng nào, thì bạn càng thấy Thiên Chúa hiện diện gần gũi và thân thương bên trong bạn chừng đó.

2. Hai thứ bệnh : Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai :
    Bệnh nói nhiều là một thói quen mà con người ta khó sửa chữa. Khi gặp người đồng cảm người ta có thể nói và bộc lộ ra hết. Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai là hai anh em ruột. Người nói nhiều không kềm hãm được, nên họ cũng tự khai ra thêm những chuyện mà người kia không hỏi hoặc không đề cập đến, tôi thường gọi đùa là "chưa đánh đã khai".Cũng vì căn bệnh nói nhiều của nhiều người thường mắc phải nên Chúa Giêsu đã khẳng định : "Không có việc gì dấu kín mà khỏi bị lộ ra" - Thời xưa cũng như thời nay. Người nói nhiều không dấu kín được những điều cần dấu kín, có khi đó là chuyện riêng tư hoặc là chuyện cần giải quyết trong nội bộ gia đình. Bệnh nói nhiều và bệnh tự khai, nếu không khắc phục được sẽ gây tổn hại cho đời sống tâm linh rất nhiều. Tội nghiệp thay, người nói nhiều thường có thái độ cực đoan, độc đoán; họ nói nhiều mà cứ tưởng nói ít, họ không chịu lắng nghe ý kiến của người thân, đôi khi người thân chỉ nói vài câu họ đã vội cắt ngang kết tội cho là nói nhiều.
    Đã biết chào Thiên Chúa trong người khác rồi thì không nên nói nhiều. Khi nói nhiều và tự mình không dấu kín được điều gì thì đời sống nội tâm trở nên nông cạn đi. Người nói nhiều, tuy nói nhiều nhưng vẫn nhẹ dạ, dễ bị người khác giật dây, thiếu khôn ngoan và cẩn trọng. Phải có bản lĩnh, đừng để bị kẻ khác giật dây vì có những việc làm không đúng kẻ khác tìm cách thuyết phục, ta cứ tưởng là đúng, sau đó đi theo con đường của họ. Chưa nói đến gặp người tâm lý hơi khéo một chút và có tính hay tò mò, thích tìm hiểu chuyện người khác, lúc ấy bạn sẽ khai ra tất cả mọi sự, như thế thì bạn chẳng khôn ngoan gì, vì bạn đang bị người ta đánh lừa, người ta khai thác bạn - Người ta sẽ hiểu được toàn bộ con người bạn mà chưa chắc họ đã giúp được gì cho bạn, có khi còn xúi quẩy những chuyện bất lợi bạn không kịp nhận ra, chưa kể là bị ma quỷ tấn công làm mất đức tin vì mình quá nhẹ dạ dễ tin vào người khác, mà người khác là người hoàn toàn khác chính kiến địa vị và quan niệm sống với mình. Ở VN cứ 3 người, có thể có 2 người là Dư luận viên ( tức người của Nhà nước ) - Một tài xế từng phục vụ trong quân đội, sau khi xuất ngũ anh lái xe riêng, đã cho biết như vậy.
    Ta biết rằng Chúa Giêsu khi chịu cám dỗ, Ngài đã chiến thắng, ma quỷ đành rút lui nhưng vẫn chờ cơ hội khác ( x Mt 4,1-11 v Mc 1,12-13 v Lc 4,1-13 ).
    Ở đời trăm ngàn cám dỗ, bệnh nói nhiều là một cám dỗ. Có khi người nói nhiều không biết chán, họ cứ say sưa nói chuyện này qua chuyện khác, mà người nghe thì thấy mệt mỏi chán chường. Đôi khi vì một câu chuyện mà tài xế phải lạc đường, phải dùng điện thoại để định vị lại, mặc dù trước đây con đường đó đã đi qua nhiều lần rất quen thuộc. Người nghe vì tế nhị nên phải nghe, chưa chắc họ đã thích thú. Cũng có khi vì can giờ, thúc hối, mà tài xế chạy nhanh, chạy ẩu, rất nguy hiểm. Chúa Giêsu đi Rao giảng, nhưng Ngài không nói nhiều, đa số những dụ ngôn của Chúa thường ngắn gọn và dễ hiểu. Chúa rao giảng bằng chính con người thật của Ngài, bằng chính đời sống và hành động của Ngài, Chúa trà trộn trong dân chúng. Chúa cũng tôn trọng quyền riêng tư và tự do của người khác nên đứng trước dân chúng Ngài thường bảo : "Ai có tai thì nghe"; mặc dù đó là những thông điệp tâm linh, nhưng nghe hay không là quyền của họ, Chúa tôn trọng họ. Chúa rao giảng Lời theo ý muốn của Chúa Cha.
    Nói nhiều thường dễ bị hao tổn khí lực, có hại cho sức khỏe vì khi nói nhiều phải hao hơi rát cổ, phải lo âu nhiều, dễ hối hận vì lời nói của mình không khéo; từ đó kéo theo những căn bệnh tệ hại khác như viêm họng, mất ngủ, lao phổi hoặc chứng trầm uất. Có người cho rằng nói nhiều thường được giải tỏa tâm lý và làm cho mình được khuây khỏa, vơi đi nỗi buồn. Tuy nhiên, nói nhiều đôi khi còn gây tổn thương người khác làm người khác xao xuyến, bất an... nên ta cũng cần cẩn trọng trước khi nói ra một vấn đề nào đó. Dĩ nhiên, nói mà làm cho người ta vui, động viên an ủi được người ta... thì đó là điều tốt. Tránh tình trạng hấp thụ kiến thức từ Internet rồi giảng lại cho người khác, vì thông tin Internet chưa hẳn đã hoàn toàn đúng ( có lần BS Phan Tiêu Thu - bạn thân - cũng đã chia sẻ; BS Nguyễn Lê Tường Quyên thuộc phòng khám Đa khoa Sài Gòn LK cũng nói như vậy ). Mỗi người chúng ta thường có thói quen làm như thế. Mạng xã hội ngày nay là một phương tiện mở rộng, đa số ai cũng tiếp cận. Nên tự chọn lọc và tự học cho bản thân mình thôi cũng được rồi.

    Đời người ai cũng thế, với những năm tháng đầu đời tập nói để rồi ta biết tập im lặng, im lặng là một sự khôn ngoan chứ không phải nhu nhược. Ước gì chúng ta ý thức được không nên nói nhiều, nên kiệm lời, nói ít và chỉ nói đúng nơi đúng lúc khi cần thiết, đừng ép buộc người khác nghe. Tránh những điều ta nói cho "sướng miệng" mà không nghĩ đến hậu quả. Tránh những điều khi một người nào đó hỏi chuyện một người khác mà ta lại dành ta trả lời, không cho người khác trả lời. Hãy cố gắng nói với lưu lượng vừa phải, làm sao cho người khác lắng nghe và thích nghe, vấn đề này còn bảo đảm cho sức khỏe bản thân mình nữa, vì mỗi người đều được lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa tự đáy lòng và sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2019

Lời thoại Giáng Sinh














Ra  đường  thấy  rộn  rã  cũng  vui
Tấp nập người đi, tiếng nói cười
Không khí Giáng Sinh về thành phố
Điện  đèn   Hang  đá  rộ  khắp  nơi.

Con phải dừng chân bên quán trọ,
Khi  chân  con  mệt  mỏi  rã  rời
Hân  hoan  con  viết  thay  lời  tỏ,
Bởi  nhờ  hơi  ấm  Chúa,  Chúa  ơi !

Cái  lạnh  mùa  Đông  được  xua  tan,
Đón chào Con Chúa xuống dương gian
Hài Nhi Thiên Chúa đang nhìn thẳng,
Nhân  loại  hôm  nay  khỏi  ngỡ  ngàng.

Thế  giới  cuồng  điên  giữa  hận  thù
Từ  mùa  Xuân - Hạ,  đến  mùa  Thu
Quanh năm suốt tháng không ngừng diễn
Cảnh  khổ   thay   cho  chốn   ngục  tù...

Đâu đó nguồn an phước thái bình,
Và  nghe  đâu đó  được hồi sinh ?
Vẫn còn bao cảnh bất công nữa :
Bắt bớ, gông cùm, chịu "đóng đinh".

Ai hỡi, nhìn xem Chúa Giáng trần
Hang lừa lạnh lẽo đẫm mùi phân
Rạ  rơm  xen  lẫn  cùng  tro  trấu,
Máng  cỏ  là  nơi  chỗ  Chúa  nằm.

Cung điện nhà vua thua Hang đá !
Con người hưởng thụ quá xa hoa
Áo  rách  không  mặt  xin Trời  vá,
Kẻ   đói   lăn   lóc   ở   cạnh   nhà !

Sao  nỡ  cam  tâm,  nỡ  hững  hờ ?
Đành lòng quên lãng hoặc làm ngơ
Chén  cơm  manh  áo  khi cần thiết,
Chẳng có bao người viếng giúp cho.

Bélem  ngời  chiếu  ánh  trời  vui
Bỗng thấy ai thao thức ngậm ngùi
Nhân loại đang trên bờ vực thẳm,
Nỗi lòng  mong đợi một  Ngày mai.

Những phút dừng chân bên quán trọ,
Cảm  đời  đau  khổ  lắm  gian  truân
Tin  Mừng Chúa  xuống  ơn  Cứu độ
Mời  gọi   nhân   gian   xích  lại  gần.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Hai, 16 tháng 12, 2019

Gởi hương để gió quyện hòa

1. Tư tưởng là định mệnh :
    Thông thường, với thiện ý, con người ta nghĩ như thế nào thì cũng sẽ hành động như thế đó. Tư tưởng hình thành những kinh nghiệm và nó dệt nên cái mô hình cho định mệnh. Ta nghĩ vui, đời ta sẽ vui. Ta nghĩ buồn, đời ta sẽ buồn. Lúc nào cũng lo lắng về bệnh tật, ta sẽ dễ bệnh tật. Cơ thể bị lôi kéo theo những cảm thức hưng phấn hay mệt mỏi - Điều này khoa học đã chứng minh. Nó chi phối toàn bộ hệ thống thần kinh con người.
    Ngay trong lúc này, bằng cung cách suy nghĩ của bạn, suốt ngày, từ ngày này qua ngày khác, bạn có bình an hay không tùy thuộc vào việc bạn suy nghĩ bạn có phú dâng cho Thiên Chúa hay không ? Nếu bạn hoàn toàn phú dâng cho Thiên Chúa, bạn hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, "cái tôi" của bạn phải dừng lại, bạn không còn tức tối hay hờn giận bất cứ một ai, và bạn chấp nhận tất cả những gì xảy ra, để Thiên Chúa hành động. Bạn không nên gay gắt hay khó khăn bất cứ một điều gì. Tập tính dễ chịu với người khác thì bạn sẽ được ơn Chúa nhiều hơn. Nếu có một người nào đó hơi khó chịu thì bạn cũng nên chịu khó. Bạn đừng hung hăn, đừng đòi hỏi người khác phải quan tâm đến bạn, phải lắng nghe bạn. Nếu bạn đòi người khác phải quan tâm đến mình, như thế là bạn quá yếu đuối, bạn làm mất đi tinh thần phó thác cậy trông vào Thiên Chúa. Bạn nên nhớ rằng mình bực tức ai thì chính mình khổ trước, người khác chẳng ảnh hưởng gì. Đừng bắt lỗi ai bạn ạ, ngay cả những người thân yêu gần gũi nhất với mình, khi họ có tập trung hay bị chia trí không nghe được bạn trình bày về một vấn đề nào đó. "Tình yêu và sự dịu dàng của Chúa Giêsu luôn đi trước chúng ta" - Đức Thánh Cha Fancis đã nói như vậy.
    Tất cả đều xuất phát từ đời sống nội tâm. Tất cả đều nằm trong tay bạn. Những điều trên phản ánh ngay trên gương mặt của bạn. Chính tư tưởng của bạn tạo nên con người bạn, và Thiên Chúa ở trong ấy. Bạn là con người, bạn là hình ảnh của Thiên Chúa, nếu bạn chấp nhận, Thiên Chúa ở với bạn. Chúa Giêsu nói : "Của cải ở đâu lòng người ở đó"( Mt 6,21 v Lc 12,34 ) - Khi Thánh Thần Chúa ngự trong tâm hồn bạn thì không có ai khác ngoài bạn làm cho bạn được bình yên vì lòng bạn đang tích trữ của cải thiêng liêng. Chẳng phải cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè hay người hàng xóm, hay sự nghèo nàn, thất học, hay bất kỳ năng lực nào khác có thể khiến bạn mất đi chính mình một khi bạn biết cách suy nghĩ. Thánh Thần Chúa ở với bạn luôn mãi. Tư tưởng gắn liền với định mệnh con người bạn, bạn không thể chạy trốn đi đâu được.
    Ta biết rằng Kinh Thánh diễn tả khi Chúa Phục sinh, Ngài hiện ra, câu đầu tiên Chúa nói : "Bình an cho anh em !" - Chúa trấn an vì ngay lúc đó anh em chưa được bình an, anh em còn sợ hãi. Khi anh em gặp Chúa rồi, chạm đến Chúa rồi thì anh em không còn sợ hãi nữa, anh em mới thật sự bình an, quả là lúc đó anh em đã làm chủ được đời sống nội tâm. Hình ảnh tuyệt diệu nhất là Chúa "thổi hơi" để ban Thánh Thần như thuở ban đầu con người được Thiên Chúa tạo dựng, Chúa đã thổi hơi để ban sự sống.( x Jn 20,22 v St 2,7 )
    Xin nhắc lại một lần nữa : Tất cả đều nằm trong tầm tay bạn, không có ai khác ngoài bạn. Tư tưởng chính là định mệnh. Tư tưởng của bạn thế nào thì con người bạn thế ấy, cuộc đời bạn thế ấy. Tư tưởng nhà Phật có câu : "Đức năng thắng số" là vậy đó. Chúa Giêsu nói rằng : "Nước của Ta không phải thuộc về thế gian. Nếu nước của Ta thuộc về thế gian thì tôi tớ Ta sẽ đánh trận, và Ta khỏi phải bị nộp trong tay Israel"( Jn 18,36 ). "Con cái thế gian trong sự thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng"( x Jn 18,36 v Lc 16,8b ). Bạn đã hoàn toàn phú dâng cho Chúa thì bạn là con cái sự sáng, nên bạn hãy yên tâm để Thiên Chúa điều khiển mọi hoạt động trong cuộc đời bạn theo tư tưởng của Ngài, chắc chắn bạn sẽ được bình an. Mong rằng bạn đừng điều khiển ngược lại, vì như thế Thiên Chúa đâu còn làm thay cho bạn được nữa. Cứ lo âu hoài, cơ thể thấy hơi đau một tí, bệnh một chút cũng nghi nan, sợ hãi ! Bác sĩ đã giải thích, đã dặn dò rồi mà bạn không tin, còn tra mạng thì bạn còn thêm mệt trí. Nếu bạn chi li, cay như ớt thì càng khổ cho bạn thôi !- Ta nên nhớ rằng : Nhiều lúc cũng phải biết liều một chút thì Chúa mới can thiệp được. Có cái "kệ" mà đặt đúng chỗ thì cũng hay ! Đừng nghi ngờ quyền năng của Chúa, phải biết phó thác, biết tự mình giải phóng ra khỏi những ràng buộc của bệnh tật. Đừng nghĩ thấy chung quanh mình nhiều người bị ung thư rồi lúc nào mình cũng lo sợ về bệnh ấy. Đừng nghe người ta nói nhiều về bệnh này bệnh kia, rồi lúc nào cũng lo sợ về bệnh. Có lẽ ta cũng không nên kiêng cử quá : Một chậu hoa kiểng đem về nhà ta cũng sợ thuốc, một chiếc bong bóng treo trong nhà ta cũng sợ hơi độc, ăn một bữa ăn hải sản ta cứ sợ hóa chất...Như thế thì làm sao ta cảm thấy thoải mái được ? Không thoải mái là một trong những nguyên nhân gây bệnh, tự mình đã làm khổ cho mình rồi ! Chỉ nên cẩn trọng, chứ không nên kiêng cử quá, mà cũng đừng lạm dụng quá. Xem ti vi vượt giờ nghỉ trưa, chẳng khác nào uống vài lon bia giải khát mà bạn lại uống nhiều hơn - Tất cả đều có hại. Ai mắc chứng tật này thì niềm tin tôn giáo cũng không thể chữa lành được, khoa học cũng bó tay.
    Để phòng ngừa bệnh tật, không nên ôm đồm nhiều thứ, bạn nên chọn một thứ nào đó và giữ đều đặn; chẳng hạn đi bộ, đạp xe đạp, hoặc tập thể dục hằng ngày, hoặc có thể tham gia một môn thể thao nào đó thích hợp là tùy ý bạn. Đi bộ là môn thể dục dễ nhất thế giới có thể làm cho bạn điều hòa mọi hoạt động trong cơ thể, bạn nên dành thời gian cho nó mỗi ngày từ 30 - 40 phút là được. Bạn chọn tiêu chuẩn thấp nhất để dễ thực hiện.
    Lạc quan vui vẻ sống, đời người sẽ trẻ hơn, gởi hương thơm để gió quyện hòa, thoát khỏi nhiều bệnh tật và tăng thêm tuổi thọ. Không có bệnh thì cũng đừng thèm nghĩ tới bệnh làm chi. 

2. Cầu nguyện khiêm tốn và sự đáp ứng :
     Tôi viết những dòng này không biết đúng hay sai, nhưng đây là những trải nghiệm của bản thân.
    Càng cầu nguyện nhiều, càng quy hướng về Thiên Chúa nhiều ta càng được Thiên Chúa chúc phúc và ban ơn cho. Tuy nhiên, cách thức cầu nguyện phải như thế nào ? Chúa không tước bỏ hết những gì thuộc về con người, ai cần sống theo đấng bậc đó, nhưng con người phải biết thờ phượng Thiên Chúa. Vật chất phụng sự con người, con người phụng sự Thiên Chúa là chuyện tất yếu, hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên. Ai sống đời hôn nhân thì phải đầy đủ và trọn vẹn với đời sống hôn nhân, nhưng trong tinh thần phải biết thờ phượng Thiên Chúa. Ai sống đời tu trì, phải đầy đủ và trọn vẹn với đời sống tu trì. 
    Chúa biết tất cả mọi sự, những điều ta chưa nói ra thì Chúa cũng đã biết. Ta đừng làm phiền Chúa, bắt lổ tai Chúa phải nghe, "bị tra tấn" như lúc ta nghe những âm thanh không phù hợp với mình. Chính vì thế mà khi cầu nguyện ta không cần phải kể lể quá nhiều, hay đọc kinh dông dài. Thánh sử Matthêu ghi lại trong Tin Mừng lời Chúa Giêsu dạy về cầu nguyện như sau : "Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin"( Mt 6,7-8 ).
    Biết là Chúa nói như vậy, rõ ràng như vậy, nhưng có nhiều người vẫn thích đọc kinh dông dài.
    Kinh "Lạy Cha" là một bản kinh ngắn, dễ đọc( x Mt 6,9-13 v Lc 11,2-4 )- Chúa Giêsu muốn vậy. Chúa dạy các Môn đệ đọc kinh "Lạy Cha", đó chỉ là một ví dụ của Ngài mà thôi. Ngoài ra, con người muốn nói gì, thổ lộ điều gì là tùy ý. Không cứng nhắc, không bắt buộc. ( Khi dạy Giáo lý cho các Dự tòng, tôi luôn mời gọi họ học thuộc một số kinh cần thiết, trong đó có kinh "Lạy Cha", đồng thời khuyên họ biết cách cầu nguyện riêng ).
    Khám phá cơ bản Giáo lý của Đức Giêsu là sự hiện diện khắp mọi nơi của Thiên Chúa, và niềm tin rằng "Thiên Chúa là Tình yêu", Thiên Chúa vượt trên cả khoa học, Thiên Chúa không chỉ vượt trên vũ trụ của Ngài mà còn ngự ở khắp nơi. Không phải Thiên Chúa chỉ ngự trong nhà thờ, ra khỏi nhà thờ là không có Chúa nữa - Điều này rất sai, vì nếu như thế thì Chúa chẳng có thiêng liêng gì. Nhà thờ là nơi tập trung các nghi thức phụng vụ để thờ phượng Thiên Chúa, để lòng ta quy hướng về Chúa nhiều hơn, ngoài ra chúng ta có thể cầu nguyện bất cứ nơi nào cũng được, vì nơi nào cũng có Chúa cả. Chính sự cầu nguyện mở cánh cửa linh hồn khiến cho năng lực thiêng liêng có thể làm việc theo Thiên Ý nhiệm mầu để mang lại sự bình an và phúc lạc. Có can đảm nhìn vào nội tâm, chúng ta mới cảm nhận được sự yếu đuối của bản thân và cảm thông với những bất toàn của người khác. Những căn bệnh của thể xác thật ra chỉ là những bệnh tật của linh hồn biểu hiện trên thân thể, và khi linh hồn được chữa lành thì thân xác cũng lành lặn; linh hồn được thanh thản thì thân xác cũng thanh thản, ngược lại, linh hồn trĩu nặng thì thân xác cũng nặng nề, nhọc mệt không kém. Cầu nguyện không phải là trốn thoát thực tại đau khổ, nhưng là đưa thực tại đau khổ vào trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa, là dâng lên Ngài những đau khổ và xin Ngài sức mạnh để hướng dẫn ta vững bước trên đường đời. Làm việc theo Thiên Ý là một chiều kích sâu xa mang lại hiệu quả rõ rệt. Linh hồn được chữa lành nhờ Lời Chúa, Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho bạn.
    Linh hồn được ban cho sinh khí khi đến gần Thiên Chúa xuyên qua sự cầu nguyện và qua sự thay đổi cách cư xử để đạo đức, phẩm hạnh của một người trở nên hoàn toàn hài hòa với quy luật của Tạo Hóa. Hiệu quả của đời sống như thế này sẽ mang lại sức khỏe, bình an và tiến bộ tâm linh. Nếu bạn thật sự tin tưởng vào sự quan phòng, sự hiện diện của Thiên Chúa, bạn nên vui tươi phấn khởi. Ngay cả khi đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn hay đau khổ, bạn cũng nên hiểu rằng những điều đó chỉ là một tình trạng tạm thời.
    Hãy đối diện với thế giới bằng nụ cười...đối với loài người, mà trên hết là đối với chính bản thân bạn. Chúa không thích chúng ta tỏ ra thâm trầm. Đừng để những cảm xúc tiêu cực biểu lộ trên khuôn mặt bạn, vì như thế sẽ làm cho mọi người nhận thấy và nhàm chán. Chúa Giêsu bảo "ăn chay phải xức dầu thơm"( Mt 6,17b ) là thế đó. Nếu bạn lúc nào cũng mặt nhăn mày nhó, thì bạn nghĩ mình có thể thu hút được những gì từ thế giới này chăng ?
    Khi tôi nói bạn cười, đó có nghĩa là cười thật sự, không phải cười giả tạo, cười giả tạo là hình ảnh ngượng ngùng buồn thảm nhất trên trái đất. Thế nhưng có người luôn đeo mặt nạ, biểu hiện một nụ cười cứng ngắt, khô khan : "Vui thì vui gượng kẻo là / Ai tri âm đó mặn mà với ai ?"( Truyện Kiều ) - Đây không phải là cười.
    Hãy cười, dẫu nó đòi hỏi một ít nỗ lực lúc ban đầu, và giữ nụ cười đó trên môi cho đến khi nó trở nên tự nhiên, thánh thiện, bởi nó sẽ trở thành liều thuốc bổ dưỡng khích lệ thể xác và tinh thần. Đừng thiên về lý luận quá, lý luận để cho mình thỏa mãn là bạn tự vẽ ra một Thiên Chúa, chứ không phải là Thiên Chúa thật. Khi ta thiên về lý luận để ta thỏa mãn thì điều ấy chưa chắc đã đúng, vì ta làm việc theo ý ta chứ không phải theo ý Chúa. Mọi điều Thiên Chúa muốn đều tốt lành, Thiên Chúa tạo dựng nên vũ trụ Thánh Kinh đã nói rõ vậy, do đó ta phải để Thiên Chúa hành động theo ý muốn của Ngài. Không nên thiên về lý luận mà hãy để trái tim ta hòa vào nhịp đập và hơi thở của Chúa Thánh Thần.
    Chìa khóa thành công của Cầu nguyện là sự Bé nhỏ, Đơn sơ và Chân thành. Cảm thấy mình bé nhỏ khi đứng trước Đấng Tối cao; phải đơn sơ chứ không cần cầu kỳ, chuẩn bị hay bày trí gì cả; phải chân thành bộc lộ nỗi lòng của mình, cho dù lời nói có vụng về cũng được. Bất kỳ sự vẽ vời hay sửa soạn kỹ lưỡng nào cũng sẽ phá tan sự kết nối tâm linh và đưa đến thất bại.
    Ngay khi bạn bắt đầu chuẩn bị kỹ lưỡng, lúc đó bạn đang chuẩn bị tri thức của mình, và với tri thức bạn không thể đạt được sự kết nối tâm linh. Tri thức là một công cụ tốt trong phạm vi giới hạn của nó để làm việc, giao dịch chứ không phải để cầu nguyện, nên bạn không thể cầu nguyện một cách tri thức. Bất cứ khi nào đầu óc xen vào, đặc biệt là khi bạn cảm thấy mình là người khôn ngoan hay hiểu biết, bạn có thể mãn nguyện về chính mình, nhưng phải biết rằng lúc đó bạn không phải đang cầu nguyện. Nếu bạn quá buồn ngủ thì cũng không nên cầu nguyện vì lúc đó tâm trí của bạn chưa được mở ra. Cầu nguyện phải đi đôi với lòng yêu mến. Một trong những phương cách khám phá ra con người thật của mình là sự yên tĩnh suy tư và cầu nguyện, xin nhắc lại : Không phải vì cầu nguyện chúng ta tìm thấy đáp số cho những vấn đề nan giải, nhưng là đặt mình trong điều kiện thích hợp để trở về với nội tâm, để tiếp xúc với Đấng đang hiện diện trong tâm hồn mỗi người chúng ta, Ngài rất yêu thương và đồng cảm với chúng ta, biết quan tâm chia sẻ với chúng ta.
    Lý do mà con người thường đạt được sự đáp ứng kỳ diệu khi họ cầu nguyện trong những tình huống vô cùng khẩn cấp, là vì những lúc này họ rất Bé nhỏ, Đơn sơ và Chân thành. Trong môi trường thinh lặng cũng thế, họ có sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa là Cha yêu thương, gũi gần, lúc này họ cũng Bé nhỏ, Đơn sơ và Chân thành. - Đó là lúc "lên núi một mình" hoặc lúc "vào phòng đóng cửa lại" như Chúa Giêsu đã nói với các Môn Đệ.
    Thiết nghĩ, cũng đừng quên câu chuyện "Hai người lên đền thờ cầu nguyện" trong Tin Mừng Luca : Một người thuộc nhóm Pharisiêu, một người nghề thu thuế. Người Pharisiêu làm ra vẽ đạo đức, khoác lác, kể lể công trạng, dám so bì với người thu thuế trước mặt Chúa. Còn người thu thuế đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng : "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Theo Tin Mừng cho biết : Người này, khi trở về nhà thì được nên công chính, người kia thì không ( x Lc 18,10-14 ) - Ở đây ta cũng thấy người thu thuế đã trở nên Bé nhỏ, Đơn sơ và Chân thành. Dĩ nhiên, trở nên bé nhỏ tức là đã khiêm tốn, khiêm tốn thì bao giờ cũng tỏa hương thơm cho gió quyện hòa như là "hữu xạ tự nhiên hương" vậy.

3. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin cho con gởi một chút hương suy tư để gió của Chúa Thánh Thần quyện lấy, xin cho con biết cầu nguyện, tâm tình với Chúa, để lòng dạ con luôn hướng về Chúa, từ đó con yêu mến Chúa và yêu tha nhân tha thiết hơn vì con nhìn thấy Chúa ở trong tha nhân ạ !

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

Tâm tình mừng Giáng Sinh




















Bây giờ gần đến Lễ Giáng Sinh,
Con phải viết nên những tâm tình
Vẻ  đẹp  muôn  đời  ơn  Cứu độ,
Niềm  vui  cho  cả  vạn  sinh  linh.

Thiên Chúa Ngôi cao đã giáng trần,
Còn  gì  đâu  nữa  để  phân  vân
Tình  yêu  như  thế  là  tột  đỉnh :
Chấp nhận phận người sống gian truân.

Bò lừa - Hang đá ướt lạnh căm,
Máng cỏ Bélem - chỗ Chúa nằm
Đức Mẹ dịu dàng bên Con Trẻ,
Giuse nhìn ngắm, vẻ trầm ngâm.

Chan chứa tình Cha, động cõi lòng
Bầu trời sao sáng tỏa mênh mông
Mịt mù sương khói, nghe đâu đó :
Tiếng hát Thiên Thần vọng không trung.

Giây phút làm nên lịch sử vàng,
Loài người khao khát được bình an
Bấy lâu nhân loại chờ Chúa đến,
Cảm mến dâng tràn khắp thế gian.

Cơn  gió  về  khuya  rét  lắm  rồi,
Hài Nhi chưa ngủ, ngước nhìn ai?
Ánh sao đang chiếu vào Hang đá,
Giấc mộng  thiên thu  mãi  gọi mời.

JB.Sĩ Trọng.


Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Kho báu và việc mình

1. Phát hiện kho báu (*) :

Có ai phát hiện kho báu mà không tìm cách để tậu ? Con người luôn tìm cách chiếm hữu những gì mình phát hiện được. Một số tôn giáo xuất hiện trên đời để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người đi tìm nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Kho báu này chứa đựng những khát vọng ấy. 
Nước Trời là kho báu Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Các Kitô hữu tin vào Thiên Chúa và ơn Cứu độ. "Kho báu" là dụ ngôn của Chúa Giêsu được chép trong Tin Mừng Matthêu, Dụ ngôn này minh họa về giá trị lớn lao của Nước Trời ( x Mt 13,44 ). Dụ ngôn Kho báu Thánh sử Matthêu viết hai câu, nhưng Kinh Thánh chỉ đánh số thành một câu, đã ngắn lại càng ngắn hơn. Rất kiệm lời mà lại rất phong phú, nói ít nhưng đôi khi ta phải suy nghĩ nhiều, vì có nhiều ý tiềm ẩn bên trong. Ở đây, giả thiết là có một người nào đó chôn giấu kho báu của mình vào trong ruộng trước khi qua đời. Do đó Nước Trời đôi lúc cũng ẩn kín, chứ không phải ai cũng nhìn thấy được. Thời gian sau, một người khác - có thể là người làm công - vô tình đào bới và gặp được kho báu. Anh ta vui mừng, chôn lại để giấu mọi người, rồi tìm mọi cách để mua cho bằng được thửa ruộng ấy, dù phải bán đi những gia sản hiện có, nhằm mục đích hợp thức hóa việc sở hữu kho báu, xem như mình đã "chiếm đoạt" được. Anh ta tự nhận thấy và so sánh giá trị giữa gia sản mình đang có không thể bằng kho báu mà anh ta tìm gặp. Một người muốn bán hết gia tài để tậu cho được kho báu, chứng tỏ anh ta là người đàng hoàng biết tôn trọng luật pháp : Anh ta muốn bỏ tiền ra mua, chứ không có ý đồ trộm lấy.
Kho báu trong dụ ngôn tượng trưng cho Nước Trời, mang ý nghĩa và giá trị to lớn hơn mọi của cải vật chất trần thế. Chỉ có những ai thực tâm tìm kiếm và ước muốn chiếm lấy như người làm công trong dụ ngôn mới hiểu được giá trị Nước Trời.
Chúa Giêsu không định nghĩa về Nước Trời, Ngài chỉ dùng những dụ ngôn để nói về Nước Trời. Dụ ngôn "Kho báu" nói lên niềm vui của một cuộc tìm kiếm thành công bất ngờ ngoài sự mong đợi, đặc biệt là kết quả của một cuộc dấn thân đòi phải dám mạo hiểm. Sự từ bỏ tất cả những gì mình đang có không phải là chuyện dễ, mà là một chọn lựa tự nguyện cùng với niềm vui lớn lao khám phá được. Thật khó mà nói một cách đầy đủ. Song, một phần nào đó, khi đọc dụ ngôn ngắn này ai cũng có thể cảm nhận được.

2. Lo chuyện của mình thôi :

Mong sao khi viết tiêu đề này thì đừng có ai hiểu lầm người viết là dạng người ích kỷ. Xin bình tĩnh đọc những chia sẻ dưới đây :
Một trong những quy luật đầu tiên trên con đường tâm linh là bạn phải để tâm hoàn toàn vào công việc của chính mình và không can thiệp vào chuyện của người khác - Đấy gọi là lo chuyện của mình thôi. Mà trên cuộc đời này, lo chuyện của mình thôi cũng đủ mệt rồi; lo chuyện của mình thôi chưa hết, thì giờ đâu đi lo chuyện của người khác ?
Thiên Chúa ban cho con người sự tự do lựa chọn và tự quyết định, vậy thì tại sao bạn lại xen vào chuyện người khác ? Nếu xen vào quá nhiều, coi chừng bạn bị điên đấy! Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt là chuyện thường; có khi "bị rối loạn tiền đình", ăn không ngon, ngủ không yên ! Đã khám phá ra kho báu rồi mà vẫn thích tham dự vào việc của người khác thì có ngày cũng bị mất kho báu, đánh mất đi đời sống nội tâm của chính mình. Có khi "làm ơn" lại bị "mắc oán" nữa. Đức Hồng y FX Nguyễn văn Thuận viết trong cuốn "Đường hy vọng" rằng : "Qúa bận tâm có ngày sẽ mất nội tâm". Có thầy giáo vợ đau bệnh vẫn cứ đi lo việc của một dòng tu, để vợ ở nhà nhờ người khác chăm sóc... Một ngày nào đó ông ta cũng mỏi mệt, trở về nhà thì thấy vợ bệnh ngày một trầm trọng hơn.
Nhiều người với thiên ý, dầu không ai mời, vẫn cứ thích "húc đầu vào" chuyện nhà của người khác. Họ cứ nghĩ rằng họ làm như thế là tốt, họ chỉ giúp đỡ thôi, nhưng họ đang gây tác động phiền toái cho chính mình. Thật ra đây là ước muốn can thiệp vào đời sống của người khác, mà có lẽ không nên như vậy.
Sự can thiệp thường chỉ có hại nhiều hơn là có lợi vì những người quan tâm đến chuyện của người khác thường bỏ bê công việc của chính họ, một con sông được chia ra nhiều nhánh bao giờ cũng trở nên nông cạn hơn. Ai siêng năng, tài giỏi, không bỏ bê công việc của mình thì cũng "quá tải". Nói tóm lại, kẻ muốn sắp xếp công việc nhà người khác luôn là một kẻ thất bại trong đời, vì gia đình có ổn định thì bản thân họ cũng bệnh hoạn, chưa kể hạnh phúc riêng tư bị tổn thương, chưa kể trạng thái trở nên lý tính khô khan. Họ lo chuyện của mình thôi là được rồi.
Dĩ nhiên, cho người khác một lối suy nghĩ đúng đắn là điều tốt, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta cũng nên để cho họ được tự do, thoải mái. Đừng áp đặt họ - Thiên Chúa đang điều hành vũ trụ. Đừng áp đặt họ, và cũng đừng để cho ai áp đặt mình. Không có tiền bạc hay quyền lực nào mua được sự tự do và thanh thản của tâm hồn. ( Hơn 60 tuổi đời, nay tôi mới ngộ ra được điều này một cách thẳm sâu ).
Đời sống nội tâm cần un đúc cho chính mình, đừng bị chi phối hay bận tâm quá nhiều đến việc của người khác. Hãy để đầu óc mình êm ái, nhẹ nhàng, các dây thần kinh trung ương được nghỉ ngơi khi cần thiết. Tâm hồn phải thành một nơi thơ mộng thì Chim Bồ Câu mới đến đậu và làm tổ trên ấy được.

   (*)Nguyên văn dụ ngôn về Kho báu:"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng.Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để tậu cho được thửa ruộng ấy."( Mt 13,44 ).
Tiếp theo dụ ngôn này là dụ ngôn "Viên ngọc quý", cách diễn đạt từa tựa như trên, Thánh sử Matthêu cũng viết 2 câu, và Kinh Thánh đánh số thứ tự đúng 2 câu ( x Mt 13,45-46 ).

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Tư, 20 tháng 11, 2019

Khúc ca thời gian















Có thời gian con nước vèo trôi,
Những chiếc lá từ nguồn về phố
Có thời gian mang mầu cổ độ,
Một kiếp người giông tố qua đi.

Có thời gian lứa tuổi mùa thi,
Trang sách nhỏ bỏ vào ngăn cặp
Những chữ viết, lời thơ ghi khắc
Ghế nhà trường, bục giảng thầy cô.

Có thời gian con sóng nhấp nhô,
Thuyền cập bến còn nghe biển hát
Biển vẫn cứ đêm ngày dào dạt,
Để ru thuyền ngay giữa đêm trăng.

Có thời gian vạn nỗi băn khoăn,
Đưa em đến vùng trời thương nhớ
Bao kỉ niệm ngày xưa, hơi thở
Chất chồng lên tập vở cuộc đời.

Có thời gian ngàn vạn lá rơi,
Đất ưỡn ngực đưa tay nhẹ hứng
Lá mục nát âm thầm chịu đựng,
Làm mỡ màu nuôi sống lại cây.

Có thời gian như những áng mây,
Bay  lơ  lửng  tìm  về  vô  tận
Ngôi nhà nhỏ ven vùng thị trấn,
Nay trở thành góc quán cà phê.

Có thời gian đến chẳng ai chê,
Nhưng cuộc sống vẫn nhiều vất vả
Những bạn bè quen nhau mặc cả,
Gía  đất  cao  gây  sốt  bất  thường.

Có thời gian thêm những vấn vương
Tình  yêu  đến  với  đôi  trai  gái
Học Giáo lý xin làm Hôn phối,
Trong Thánh đường vời vợi uy nghi.

Có thời gian không nói năng chi,
Ai cũng hiểu mình già hơn trước
Rồi tháng năm như thầm biết được
Cuộc  đời  này  cõi  tạm  đó  thôi.

Có  thời  gian  vật  đổi  sao  dời,
Em đến thăm anh giữa mùa mưa lũ
Nghe tin Hồng Kông ngập tràn khói lửa
Đàn áp dân lành đổ máu tang thương.

Có thời gian dừng lại nhiều hơn,
Ta  suy  nghĩ  để  còn  phải  khóc
Tim   ta   xót   vì   bao   ấm   ức :
Cầu nguyện nhiều cho đất nước, anh em.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 19 tháng 11, 2019

Thời gian và thần tượng

1. Thời gian dành cho Thiên Chúa :

Thiên Chúa tạo dựng nên trời đất muôn vật, nên thời gian là của Thiên Chúa. Thiên Chúa cho con người sử dụng thời gian để giải quyết công việc, con người cũng phải có thời gian dành riêng cho Thiên Chúa. Thời gian dành cho Thiên Chúa phải được xem là quan trọng nhất.
Thời gian, nếu ta không tận dụng thì nó cũng sẽ qua đi. Thời gian đã trôi đi thì không bao giờ quay trở lại, do đó, đừng lãng phí thời gian, đừng để thời gian lướt nhanh một cách vô ích.
Trong một ngày nhiều công việc, thời gian có thể phải chia ra nhiều khoảng để thực hiện công việc. Một năm có 4 mùa, thời gian cũng được chia ra cho 4 mùa. Một tuần có 7 ngày Thiên Chúa định sẵn : Thiên Chúa làm việc trong 6 ngày và có một ngày Ngài nghỉ ngơi, sách Sáng thế đã nói rõ - Ngày nay thế giới áp dụng thuần thục, đều khắp; các nước tiên tiến nghỉ ngày Chúa nhật, có thể họ nghỉ luôn cả chiều thứ bảy.
Con người có thời gian làm việc thì cũng có thời gian nghỉ ngơi, điều đó hợp lý, nghỉ ngơi để tái tạo sức khỏe thì không phải là lãng phí. Một khoảnh khắc giải trí để thư giãn tinh thần cũng không phải là lãng phí. Thời gian dành cho Chúa trong ngày là thời gian quan trọng nhất của ngày ấy, không thể thiếu được. Nếu con người thật sự biết quan tâm đến đời sống tâm linh thì thời gian dành cho Chúa trong ngày có thể là 30, 40 phút ( bằng thời gian đi bộ, tập thể dục mỗi sáng ) hoặc lâu hơn, không nên ít hơn.Chìa khoá thực tiễn cho một đời sống khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc và sự tiến bộ tâm linh là đặt thời gian dành cho Chúa lên hàng đầu, có nghĩa là thời gian quan trọng nhất trong ngày. Chúng ta có thể trì hoãn hay hủy bỏ những công việc khác, nhưng không thể bỏ bê, xao nhãng hay quên đi thời gian mà chúng ta muốn dành cho Thiên Chúa. Đừng để công việc khác lấn át thời gian dành cho Chúa, thà bỏ dỡ mọi sinh hoạt khác còn hơn thiếu vắng thời gian dành cho Thiên Chúa trong ngày.
Thời gian dành cho Chúa không nhất thiết phải quy định cứng nhắc là một giờ nào đó trong ngày, tuy nhiên nếu sắp xếp được thì lại càng tốt. Điều quan trọng là chúng ta xem đó là thời gian cần thiết nhất trong 24 tiếng đồng hồ, và không điều gì có thể thay thế được, cho dù bận rộn cách mấy. Sở dĩ nói "không cứng nhắc" là để dễ thực hiện.
Thời gian dành cho Chúa là thời gian đọc Thánh Kinh, hay đọc một số sách đạo đức, sách suy niệm về đời sống tâm linh. Thời gian dành cho Chúa là cầu nguyện hoặc viết lách, những suy tư về Thiên Chúa. Thời gian dành cho Chúa là những lúc thỏ thẻ và tâm sự với Ngài, không cần dài dòng, không cần lặp đi lặp lại một cách quá đơn điệu nhàm chán. Thời gian dành cho Chúa đòi hỏi phải thẳm sâu, tâm hồn lắng xuống để nghe được tiếng Chúa nói.
Hình như Kinh Thánh có câu : "Sức mạnh của ngươi nằm trong sự yên tĩnh và tự tin"( Xin lỗi, quên xuất xứ ). Khi một người đạt tới trạng thái tâm thức yên tĩnh, đó là sự chân thật và bình an, thì sự cầu nguyện của người ấy sẽ có hiệu quả. Nhiều tín hữu Công giáo đã lẫn lộn giữa những phương tiện và cứu cánh, họ nghĩ rằng cầu nguyện một cách máy móc hay thực hiện một số nghi lễ nào đó là tiêu chuẩn cho một đời sống tâm linh. Không phải vậy ! Đời sống tâm linh là đời sống biết kết hợp thân mật với Chúa, luôn có thời gian dành cho Chúa.
Thiên Chúa là Cha. Thiên Chúa luôn gần gũi và yêu thương con người, con người có thời gian dành cho Thiên Chúa thì giữa con người và Thiên Chúa gắn bó mật thiết hơn. Tình Cha-Con trở nên ấm áp mặn nồng. Ước gì mỗi người chúng ta đều có thời gian dành cho Thiên Chúa.

2. Việc tôn thờ hình tượng :

Việc tôn thờ hình tượng hay thần thánh hóa vật chất ( gọi là thần tượng ) hiện nay khá phổ biến, hình như đâu đâu cũng có. Hình thức sùng bái thấp kém nhất là sự sùng bái ngẫu tượng, chứa đầy huyễn hoặc và mê tín dị đoan, như thờ Ông Địa, Ông Táo, Thần Tài, Dinh Cô, Bà Thím, Quan Công, Thổ Thần, Bà Chúa Sứ v.v...( chưa kể các con vật gọi là linh vật như : cóc, bò, voi, rắn... ). "Khi không để cho Thiên Chúa có quyền tối thượng, người ta dễ rơi vào việc tôn thờ ngẫu tượng và bằng lòng với những trấn an bần cùng" - ĐTC Phanxicô đã nói như thế với 8000 tín hữu và du khách hành hương trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư ngày 08.8.2018 ( theo Vatican News ). Trong Kinh Thánh Cựu ước đã mô tả Aharôn cho đúc tượng con bò vàng vì không phản bác lại lời xin của dân chúng; Thiên Chúa bừng khí nộ khi biết điều ấy và Môisê đã đập bia vỡ tan tành khi thấy Dân Chúa thờ tượng con bò vàng ( x Xh 32,1-35 ).
Sự tôn thờ thần tượng cũng không bị loại trừ khỏi những người đi nhà thờ đều đặn nhất, ngay cả trong số những người tu hành thành tâm nhất, chưa nói là mê tín... Họ tin tưởng rằng một món đồ vật chất nào đó có năng lực là làm cho nó trở thành một thần tượng. Họ không biết rằng tôn thờ thần tượng là từ chối năng lực huyền nhiệm của Thiên Chúa và là một sai lỗi hàng đầu trong 10 điều răn của Chúa.
Có nhà thờ nọ, trên một khoảng sân nhỏ đặt quá nhiều tượng. Người ta đến cầu nguyện, khi sốt sắng cầu nguyện với Đức Mẹ xong rồi, quay sang cạnh bên thấy có tượng Chúa Trái tim, ngước lên một góc khác thấy tượng Tổng lãnh Thiên Thần Micae, nhìn qua trái có tượng Thánh Giuse,... nhìn ngã nào cũng có tượng, cứ nghĩ rằng tượng nào cũng phải kính nên phải cúi đầu, một hồi người cầu nguyện thấy loạn cả óc, hoa cả mắt. Qủa thật là quá lạm dụng, không còn mang tính thiêng liêng mà chẳng còn có giá trị nghệ thuật, có nơi đặt lư hương, nhan khói và cả thùng đựng tiền dâng cúng.
Có người đi đường xa vừa chạy xe vừa lần chuỗi. Họ nghĩ như thế là tốt nhưng không biết rằng rất nguy hiểm vì bị phân tâm, thiếu tập trung vào việc điều khiển tay lái. Vừa chạy xe vừa lần chuỗi, chẳng khác nào vừa chạy xe vừa nghe điện thoại.
Có người đi hành hương, đem nước thánh về để trong lọ gần cả chục năm, vẫn tin đó là phép mầu có thể chữa lành bệnh, nên khi ai đó đánh rơi hoặc làm đổ thì họ rất buồn, họ không nghĩ rằng dù loại nước gì cũng phải lấy từ trong tự nhiên, cất quá lâu thì cũng dễ bị nhiễm khuẩn. Đau bụng mà uống vào sẽ rất nguy hiểm.
Chưa kể đến : Người xây nhà, kẻ mua xe mới... mời Cha Sở đến làm phép. Có chuyện thật buồn cười : Đầu năm học, tại một nhà thờ dâng Thánh Lễ thiếu nhi, tập trung cặp vở chất chồng lên một đống rồi linh mục Quản xứ rảy nước làm phép.
Dĩ nhiên, tôi không thích những việc làm trên vì tôi xem đó như là một sự mù quáng biến những phương tiện vật chất thành thần tượng và tỏ ra sùng bái một cách thái quá.
Có đôi vợ chồng đeo nhẫn cưới lâu ngày bị ôxi hóa, nhẫn bám vào ăn mòn da gây ngứa và làm tươm máu ngón tay, họ muốn cỡi ra cất nhưng cứ ngại vì đây là chiếc nhẫn đã được làm phép tại nhà thờ.
Hôn nhân thành công bởi hai vợ chồng yêu thương, tin tưởng, chia sẻ và gánh vác công việc lẫn nhau, chứ không mắc mớ gì đến cái nhẫn kim loại đã được làm phép đeo ở ngón tay.
Chúa yêu thương con người và muốn con người hoàn toàn tín thác vào Chúa chứ đừng ỉ lại vào sức riêng mình hay cậy dựa vào một thứ vật chất thần tượng nào khác.
Nên chăng, kiểm xem bạn có tôn thờ bất kì một thứ thần tượng nào không, nếu có thì hãy gỡ bỏ. Có thời gian dành cho Thiên Chúa thì việc tôn thờ hình tượng là không phù hợp, không mấy tốt đẹp, cần phải buông bỏ ngay. Phải sống đúng với điều răn thứ nhất trong 10 điều răn của Chúa : "Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự", không nhất thiết phải hình thức hay cầu kỳ.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Chùm thơ 51

VÀO CHÙA

Đi chơi với bạn vào Chùa,
Ngắm nhìn cảnh vật nên thơ dịu dàng
Tâm hồn một thoáng bình an,
Tháp Chùa ẩn kín trong làn khói sương.



TỰ VẤN

Niết bàn, địa ngục, nhân gian
Tìm đâu trong cõi địa đàng xa xăm ?
Lời kinh nhà Phật lạnh căm,
Môi khô đượm phải khói nhan cửa Chùa.






VỀ LẠI BẾN XƯA

Đi  xa  xứ,  trở  về  thăm  chốn  cũ
Bến đò xưa khách đứng đợi sang sông
Vầng trăng khuyết khi chiều lên núi Ngự
Bên cổ thành soi bóng nước mênh mông.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Huế mưa

Nghe  mưa  từ  Huế  khác  Sài gòn,
Mưa  cứ  âm  thầm  những  nỉ  non
Khúc  hát  năm  xưa  còn  đọng  lại,
Vọng buồn giai điệu Trịnh Công Sơn.

Huế mưa, lặp lại những phiến buồn
Kéo  dài  không  dứt,  lệ  sầu  tuôn
Khác nhau tâm trạng người thương nhớ
Mưa  Huế   luôn  là  nỗi   vấn  vương.

Có gì đẹp bằng trời mưa Huế,
Ẻo lả mà duyên, tựa nữ sinh
Em khóc, áo dài bay quyện gió
Ướt át sao như một chuyện tình.

Vẻ đẹp  Huế - Mưa trên tháp cổ :
Từ Đàm, Từ Hiếu...lịm trong mưa
Mưa vây kín tháp chùa Thiên Mụ,
Bên dưới con thuyền nhẹ lướt đưa.

Lai láng những ngày Đông của Huế,
Dầm dề không ngớt những cơn mưa
Vài chiếc xích lô đường Nguyễn Huệ
Dập  dìu  qua  phố  lúc  người  thưa.

Lê  Lợi  hai  hàng  cây  long  não,
Đắm mình tóc xỏa dưới cơn mưa
Tình  nhân  hẹn  hò,  mưa  ướt  áo
Nhắc  nhớ   về   em,  kỉ  niệm   xưa.

Tràng Tiền  mưa phủ trắng  đôi bờ,
Lặng   lẽ   tìm   em   giữa   Cố   đô
Khói thở sông Hương sương mờ mịt
Mưa  từ  An  Cựu  xuống  Lăng  Cô.

Xuyên suốt mưa : đường Trần Hưng Đạo
Rẽ   vào   Đại  Nội   ngắm   hồ  sen
Văn Lâu  chìm  lặng  trong  huyền  ảo,
Gió   lạnh    Ngọ  Môn    lấp   lánh   đèn.

Có  gì  đẹp  bằng  trời  mưa  Huế,
Thành phố nghiêng mình soi đáy sông
Đông  Ba,  Gia  Hội  nhìn  Diệu Đế
Trống gác lầu chuông đứng chạnh lòng.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2019

Lời trăng ngỏ

Trăng không cần tô màu triết lý,
Trăng chỉ thích bình dị mà thôi
Trời  trăng  sáng  tỏ  lứa  đôi,
Bao nhiêu câu chuyện tình tôi vẫn còn.

Thật tiếc cho người không thấy trăng
Núi  rừng  bỗng  chốc  hóa  xa xăm
Đốn  cây , đốn  củi  về  thành  phố
Để  lại  thiên  nhiên  trọi  trơ  nằm !

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 16 tháng 10, 2019

Tìm lại chốn xưa

Tuy buông bỏ nhưng lòng thương nhớ
Bạn  bè  tôi  ở  phố  rất  quen
Ngày trôi đi, đêm về đèn đỏ
Quán  cà  phê,  phở  gõ,  mái  rèm...

Trong những ngôi nhà nét cổ xưa,
Còn nghe âm hưởng gió giao mùa
Vài khách du lịch lang thang bước,
Ngắm chiếc đèn lồng treo sớm trưa.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Hình ảnh 2





Hương tuệ mà ta có thể tìm
Là mùi hương thật của đức tin
Thoảng trong cơn gió bình minh đến
Gợi ánh thiên thu vạn nỗi niềm.