Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2019

Kho báu và việc mình

1. Phát hiện kho báu (*) :

Có ai phát hiện kho báu mà không tìm cách để tậu ? Con người luôn tìm cách chiếm hữu những gì mình phát hiện được. Một số tôn giáo xuất hiện trên đời để đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người đi tìm nguồn hạnh phúc vĩnh cửu. Kho báu này chứa đựng những khát vọng ấy. 
Nước Trời là kho báu Thiên Chúa hứa ban cho nhân loại. Các Kitô hữu tin vào Thiên Chúa và ơn Cứu độ. "Kho báu" là dụ ngôn của Chúa Giêsu được chép trong Tin Mừng Matthêu, Dụ ngôn này minh họa về giá trị lớn lao của Nước Trời ( x Mt 13,44 ). Dụ ngôn Kho báu Thánh sử Matthêu viết hai câu, nhưng Kinh Thánh chỉ đánh số thành một câu, đã ngắn lại càng ngắn hơn. Rất kiệm lời mà lại rất phong phú, nói ít nhưng đôi khi ta phải suy nghĩ nhiều, vì có nhiều ý tiềm ẩn bên trong. Ở đây, giả thiết là có một người nào đó chôn giấu kho báu của mình vào trong ruộng trước khi qua đời. Do đó Nước Trời đôi lúc cũng ẩn kín, chứ không phải ai cũng nhìn thấy được. Thời gian sau, một người khác - có thể là người làm công - vô tình đào bới và gặp được kho báu. Anh ta vui mừng, chôn lại để giấu mọi người, rồi tìm mọi cách để mua cho bằng được thửa ruộng ấy, dù phải bán đi những gia sản hiện có, nhằm mục đích hợp thức hóa việc sở hữu kho báu, xem như mình đã "chiếm đoạt" được. Anh ta tự nhận thấy và so sánh giá trị giữa gia sản mình đang có không thể bằng kho báu mà anh ta tìm gặp. Một người muốn bán hết gia tài để tậu cho được kho báu, chứng tỏ anh ta là người đàng hoàng biết tôn trọng luật pháp : Anh ta muốn bỏ tiền ra mua, chứ không có ý đồ trộm lấy.
Kho báu trong dụ ngôn tượng trưng cho Nước Trời, mang ý nghĩa và giá trị to lớn hơn mọi của cải vật chất trần thế. Chỉ có những ai thực tâm tìm kiếm và ước muốn chiếm lấy như người làm công trong dụ ngôn mới hiểu được giá trị Nước Trời.
Chúa Giêsu không định nghĩa về Nước Trời, Ngài chỉ dùng những dụ ngôn để nói về Nước Trời. Dụ ngôn "Kho báu" nói lên niềm vui của một cuộc tìm kiếm thành công bất ngờ ngoài sự mong đợi, đặc biệt là kết quả của một cuộc dấn thân đòi phải dám mạo hiểm. Sự từ bỏ tất cả những gì mình đang có không phải là chuyện dễ, mà là một chọn lựa tự nguyện cùng với niềm vui lớn lao khám phá được. Thật khó mà nói một cách đầy đủ. Song, một phần nào đó, khi đọc dụ ngôn ngắn này ai cũng có thể cảm nhận được.

2. Lo chuyện của mình thôi :

Mong sao khi viết tiêu đề này thì đừng có ai hiểu lầm người viết là dạng người ích kỷ. Xin bình tĩnh đọc những chia sẻ dưới đây :
Một trong những quy luật đầu tiên trên con đường tâm linh là bạn phải để tâm hoàn toàn vào công việc của chính mình và không can thiệp vào chuyện của người khác - Đấy gọi là lo chuyện của mình thôi. Mà trên cuộc đời này, lo chuyện của mình thôi cũng đủ mệt rồi; lo chuyện của mình thôi chưa hết, thì giờ đâu đi lo chuyện của người khác ?
Thiên Chúa ban cho con người sự tự do lựa chọn và tự quyết định, vậy thì tại sao bạn lại xen vào chuyện người khác ? Nếu xen vào quá nhiều, coi chừng bạn bị điên đấy! Nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt là chuyện thường; có khi "bị rối loạn tiền đình", ăn không ngon, ngủ không yên ! Đã khám phá ra kho báu rồi mà vẫn thích tham dự vào việc của người khác thì có ngày cũng bị mất kho báu, đánh mất đi đời sống nội tâm của chính mình. Có khi "làm ơn" lại bị "mắc oán" nữa. Đức Hồng y FX Nguyễn văn Thuận viết trong cuốn "Đường hy vọng" rằng : "Qúa bận tâm có ngày sẽ mất nội tâm". Có thầy giáo vợ đau bệnh vẫn cứ đi lo việc của một dòng tu, để vợ ở nhà nhờ người khác chăm sóc... Một ngày nào đó ông ta cũng mỏi mệt, trở về nhà thì thấy vợ bệnh ngày một trầm trọng hơn.
Nhiều người với thiên ý, dầu không ai mời, vẫn cứ thích "húc đầu vào" chuyện nhà của người khác. Họ cứ nghĩ rằng họ làm như thế là tốt, họ chỉ giúp đỡ thôi, nhưng họ đang gây tác động phiền toái cho chính mình. Thật ra đây là ước muốn can thiệp vào đời sống của người khác, mà có lẽ không nên như vậy.
Sự can thiệp thường chỉ có hại nhiều hơn là có lợi vì những người quan tâm đến chuyện của người khác thường bỏ bê công việc của chính họ, một con sông được chia ra nhiều nhánh bao giờ cũng trở nên nông cạn hơn. Ai siêng năng, tài giỏi, không bỏ bê công việc của mình thì cũng "quá tải". Nói tóm lại, kẻ muốn sắp xếp công việc nhà người khác luôn là một kẻ thất bại trong đời, vì gia đình có ổn định thì bản thân họ cũng bệnh hoạn, chưa kể hạnh phúc riêng tư bị tổn thương, chưa kể trạng thái trở nên lý tính khô khan. Họ lo chuyện của mình thôi là được rồi.
Dĩ nhiên, cho người khác một lối suy nghĩ đúng đắn là điều tốt, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, ta cũng nên để cho họ được tự do, thoải mái. Đừng áp đặt họ - Thiên Chúa đang điều hành vũ trụ. Đừng áp đặt họ, và cũng đừng để cho ai áp đặt mình. Không có tiền bạc hay quyền lực nào mua được sự tự do và thanh thản của tâm hồn. ( Hơn 60 tuổi đời, nay tôi mới ngộ ra được điều này một cách thẳm sâu ).
Đời sống nội tâm cần un đúc cho chính mình, đừng bị chi phối hay bận tâm quá nhiều đến việc của người khác. Hãy để đầu óc mình êm ái, nhẹ nhàng, các dây thần kinh trung ương được nghỉ ngơi khi cần thiết. Tâm hồn phải thành một nơi thơ mộng thì Chim Bồ Câu mới đến đậu và làm tổ trên ấy được.

   (*)Nguyên văn dụ ngôn về Kho báu:"Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng.Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có để tậu cho được thửa ruộng ấy."( Mt 13,44 ).
Tiếp theo dụ ngôn này là dụ ngôn "Viên ngọc quý", cách diễn đạt từa tựa như trên, Thánh sử Matthêu cũng viết 2 câu, và Kinh Thánh đánh số thứ tự đúng 2 câu ( x Mt 13,45-46 ).

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét