Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Ba tôi

Đầu thiên niên kỷ Ba đi,
Cuối thiên niên kỷ có gì còn không ?
Ba đi trời lạnh mùa Đông,
Thánh Đường dâng lễ áo hồng tiễn đưa.
  *
*   *
Gương mặt Chúa giống Ba tôi quá,
Nên lúc nào cũng nhớ cũng thương
Chúa không phải là ai xa lạ,
Đi cùng tôi trên mọi nẻo đường.

Lúc còn nhỏ tôi thường đi tắm,
Với Ba tôi nơi giếng quê làng
Đêm trăng sáng làm tôi say đắm
Ánh trăng vàng tỏa chiếu mênh mang.

Ba tôi có hàm râu quai nón,
Ánh mắt cười hiền hậu dễ thương
Lông mày rậm, làn da xạm nắng
Bởi thời gian, qua những vô thường.

Người yêu Chúa như tôi yêu Chúa,
Sách Thánh Kinh thường gối trên đầu
Trước khi ngủ lật ra và hứa :
Chỉ cần tìm để thuộc vài câu.

Sống giản dị, không cần phô diễn
Những suy tư bất chợt, nhiệm mầu
Bạn bè đến hay đùa vui miệng
Nghịch cùng nhau thấm ý cười lâu.

Ba tôi sống yêu đàn con nhỏ,
Đứa nào ngoan, Ba bảo nhẹ nhàng
Có điều dở khiến Ba đau khổ,
Ba âm thầm chịu đựng chẳng than.

Ba cầu nguyện vào lúc đêm vắng,
Ngước mắt nhìn lên ánh trăng khuya
Ba tưởng tượng trời cao thăm thẳm,
Gẫm tình yêu Thiên Chúa vô bờ.

Bao  kỉ  niệm  ngày  xưa  Ba  có,
Còn   bây  giờ  Ba  lại   đi  xa
Về  bên Chúa  niềm vui  khôn tả
Và   con   thơ   nay   đã   tuổi  già.

P/s : Nhớ thương Ba quá nên viết bài này, với lời lẽ mộc mạc.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Hoài cổ

Ai người muốn nói lời yêu,
Trải qua năm tháng bóng chiều phân vân
Thuyền đi chưa cập bến gần,
Trăng trôi mây lượn giữa vần thơ xưa
Nắng trời rải lộ vàng mơ,
Ươm màu nỗi nhớ Kinh đô thuở nào
Rêu phong đá cổ hồn trao,
Sông Hương núi Ngự đậm vào trong anh
Thời gian sao kịp trôi nhanh ?
Cho anh mãi nhớ dáng hình Mẹ Cha...

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2017

Bài học ngàn vàng

Ngày xửa ngày xưa ở vương quốc nọ có một đức vua trên đường vi hành, tình cờ đã nghe được từ một ông lão rao bán rằng: "Có một bài học đáng giá ngàn vàng", ai bỏ ra một ngàn lượng vàng thì ông ta sẽ bán cho cái đạo lý đó... Nhiều người nghe thấy lạ thì tò mò đi theo dò hỏi, tuy nhiên gạn hỏi thế nào ông lão cũng chỉ nói: "Ai trả đủ một ngàn lượng vàng thì kẻ đó mới được biết bí mật của “bài học”. Bởi vậy nhiều người cho là lão bị điên, vì họ nghĩ chẳng có bài học nào đắt đến như vậy.
Ngày ngày ông lão cần mẫn đi như một người bán rong và rồi tiếng rao của lão cũng đến tai nhà vua. Vua ngạc nhiên vội cho cận thần theo dõi và được mật báo rằng, ông lão có hành tung như một vị hiền triết - cốt cách khoan thai, đời sống chuẩn mực, đàng hoàng, lời ăn tiếng nói không thừa một chữ, biểu hiện của người siêu phàm, thoát tục...
Nhà vua cả mừng, bèn giả dạng thường dân đến gặp và hỏi ông lão rằng, bài học gì mà lão rao bán đến một nghìn lượng vàng? Ông lão nói: Đây là bài học mà có thể làm cho người ta thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời, vượt qua khỏi những lầm lỗi và có thể đạt tới tột đỉnh vinh quang...
Nghe xong, nhà vua vẫn còn bán tín bán nghi nên bỏ về, nhưng lòng cứ ray rứt bởi sức hấp dẫn của ý nghĩa bí ẩn của bài học đáng giá ngàn vàng ấy. Rồi nhà vua quyết định mở ngân khố lấy ra một ngàn lượng vàng rồi hạ chỉ mời ông lão vào hoàng cung. Ông lão cả mừng vì nhận ra đức vua chính là người hôm trước đã gặp và hỏi lão về bí mật của bài học đáng giá ngàn vàng. Vua nói: Ta chấp nhận hoặc bị lừa mất một ngàn lượng vàng hoặc thật sự sẽ được một bài học vô giá.
Nói đoạn, nhà vua truyền cho quan Thủ ngân chất đủ một ngàn lượng vàng trước mặt ông lão. Nhận đủ số vàng, ông lão cung kính dâng lên đức vua một vuông lụa viết vỏn vẹn 12 chữ: "Khi làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả của nó".
Đọc xong 12 chữ ấy, đức vua có cảm giác như mình đã bị lừa, nhưng lời vua nặng tựa Thái Sơn, nên không kịp rút lại, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Còn ông lão thì lặng lẽ chất vàng vào túi vải, cung kính bái tạ vua rồi rời khỏi kinh thành.
Từ đó nhà vua cứ bị ám ảnh bởi 12 chữ: "Khi làm việc gì, phải suy nghĩ đến hậu quả của nó" và nếu nhà vua chỉ mua câu nói này, với một lượng vàng thì chắc hẳn Người đã quên bài học này từ lâu. Nhưng đằng này, mỗi chữ trị giá tới 100 lượng vàng. Nghĩ vậy, đức vua vừa tức giận, vừa tiếc công quỹ và câu nói nặng ngàn vàng đó đã nhập vào tâm nhà vua tự bao giờ, để rồi mỗi khi nhà vua làm việc gì đều suy nghĩ đến hậu quả của nó.
Từ khi đức vua mua “bài học ngàn vàng” thì cả triều đình nhận ra nhà vua thay đổi từng ngày. Đức vua trầm tĩnh hơn, khôn ngoan hơn, công tư phân minh, phân định mọi việc sáng suốt, ngồi trên ngai vàng trong hoàng cung mà đoán định tình hình ở biên cương như thần... Đất nước từ đó bắt đầu cường thịnh.
Thần dân thì mừng vui vì đời sống được an lành, thịnh vượng. Nhưng chính nhà vua lại không nhận ra điều đó, ông chỉ bị ám ảnh bởi bài học ngàn vàng và Người luôn tự nhủ: "Khi làm việc gì cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của nó". Nhờ vậy mà nhân cách nhà vua được tu chỉnh, đức vua không còn là một nhà vua tầm thường kế vị ngai vàng, thích hưởng thụ như ngày xưa mà giờ đây làm việc gì Người cũng suy nghĩ cho dân, cho nước.



Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Chùm thơ 25

NHÀ VẮNG

Chiều nay gọi điện chẳng gặp ai,
Chuông nhạc vang lên tiếng đổ dài
Nhà vắng không người, buồn thảm thiết
Tối   trời,   điện   cúp,   chó   nằm   nhai.*

*Chó nằm nhai hạt điều ran muối.


PHẦN LAN

Một đất nước thế nào tôi không biết,
Nhưng con người ở đó thật dễ thương
Cái lạnh mùa Đông, tuyết phủ ngập đường
Sáng   sớm   gặp  nhau   vẫn   chào   vui   vẻ.


MẶT PHẲNG VÀ BỜ

Mặt phẳng hay bờ, bờ hay mặt phẳng?
Nửa nào cũng có dính điểm chung
Bên  này  biên  giới  nằm  đưa  cẳng,
Xỏa   tóc   bên   kia   đến   tận   cùng.


NGÕ PHỐ

Thời tiết giao mùa, cơn nắng hanh
Cây xanh nghiêng lá, gió nghiêng cành
Trời  xanh  tô  điểm  làn  mây  trắng,
Ngõ   phố   đi   về   trưa   vắng   tanh.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Tuyến lệ mắt em *




















Mắt em khô tuyến lệ rồi,
Làm sao em khóc để vơi nỗi buồn ?
Khi trời nắng đổ mưa tuôn,
Màu xanh của lá, mảnh vườn của mây
Em đi qua lại chốn này,
Như tìm kỉ niệm những ngày ấu thơ
Nỗi buồn ẩn kín trong mơ,
Mắt em giờ đã tình cờ gặp anh
Vẫn còn vẻ đẹp long lanh,
Bờ mi trĩu nặng chuyển thành hồn nhiên
Mong sao em hết ưu phiền,
Niềm  vui  tuyến  lệ  bình  yên  đong  đầy.

* Ghi nhớ ngày MK đi khám mắt, BS BV Mắt cho rằng : Mắt bị khô tuyến lệ nên cần phải nhỏ thuốc và uống thuốc điều trị.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2017

Con người, sự sống và giá trị vĩnh cửu.

Chúa Giêsu xưng mình là Con người, qua một vài cách nói của Ngài để tiêu biểu cho một A-đam mới của nhân loại - Từ "Con người" này đáng viết hoa đàng hoàng, Kinh Thánh nhiều lần nhắc đến và làm như vậy :
          ."Con người đi theo lời đã chỉ dẫn, nhưng khốn cho kẻ nào phản bội lại Con người, thà đừng sanh nó ra còn hơn."( Mt 26,24 v Mc 14,21 v Lc 22,22 )
          ."Khi các ông treo Con người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng làm theo ý muốn của Cha Tôi."( Jn 8,28 )
          ."Như chớp lóe từ phương Đông đến phương Tây, cuộc  quang lâm của Con người cũng sẽ vậy."( Mt 24,27 v Lc 17,24 )" Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con người được mặc khải."( Lc 17,30 )
          ."Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con người sẽ đến."( Mt 24, 44 )
           .''Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người." ( Mc 10,45 v Mt 20,28 ).

Chúa Giêsu vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật. Là người thật nên Ngài đã chịu đựng những đau khổ, chia sẻ trọn vẹn thân phận và cuộc sống con người. Cái ý nghĩa lớn lao ở đây là Ngài làm một Con người đúng nghĩa. Mọi hành vi, cử chỉ của Chúa Giêsu đều mang ý nghĩa cứu độ.Ta muốn sống đúng với ý nghĩa con người, không gì khác là hãy nhìn vào chân tướng của Đức Giêsu - Một con người được sinh ra ở một làng quê, thuộc một quốc gia trên thế giới này, một con người bằng xương bằng thịt thật sự, chứ không phải vẽ vời, hoặc thần thoại hóa hay thêu dệt nên.


Có người cho rằng : Đạo nào cũng là đạo, miễn sao sống tốt là được. Xin thưa : Nếu bạn không có đạo, bạn cũng phải sống tốt vậy. "Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy"( Rm 3,28 ). Vấn đề đặt ra là : Sự sống đời đời, quê hương vĩnh cửu. Chết rồi sẽ đi về đâu ? Khi tuổi đã xế chiều, thật với lòng mình, ai cũng có một chút thắc mắc : Sống trên đời này để làm gì ? Sẽ còn lại gì sau khi chết ? Làm người ai cũng có một quê hương, đạo nào tôn thờ Đấng có quyền trên sự sống và sự chết, đạo ấy đáng cho ta suy nghĩ và chọn lựa. Đấng có quyền trên sự sống và sự chết phải là Đấng Toàn năng - Duy chỉ có Tạo Hóa.

"Không ai có thể lớn nếu Tình yêu chưa đi qua đời họ, nếu họ chưa lần nào cầu nguyện dưới chân  thần Tình ái."( Kahlil Gibran )
Chắc chắn rồi, Đấng Toàn năng bản chất của Ngài phải là sự thiện.Tạo Hóa là vị Thần Tình ái. Ngài tạo dựng nên mọi sự tốt lành xuất phát từ tình yêu thương của Ngài, các loài thụ tạo Ngài phú bẩm cho khả năng sinh trưởng và phát triển. Con người không những có hồn và xác, mà còn có cả lý trí và ý chí tự do. Con người nên giống hình ảnh của Tạo Hóa chứ không thể nào nên giống con vật này, con vật kia được( x St 1,26 ).Ai tự cho rằng mình tuổi thân, tuổi ngọ, tuổi dậu, tuổi mùi ...tuổi con này, con kia, tin theo đó, hoặc cho rằng nguồn gốc con người từ loài khỉ tiến hóa - Qủa là dại dột ! Người đó tự hạ thấp giá trị của mình.
Tuổi Con người là CON NGƯỜI, vì Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài. Ôi thật cao trọng và đáng quý ! Tự hào, vinh dự và hãnh diện biết bao !. Con người là Con người, con người không thể hóa kiếp thành con này, con kia được.


Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim : Từ Ađam-Evà, từ thời Apraham, Môi sê, Eli, các Tổ phụ ...đến Đức Phật, Khổng Tử, Trang Tử,...đến Việt Nam : Huỳnh Phú Sổ, Phạm Công Tắc, Ông Đạo Dừa ...Có ai dám tuyên bố : "Ta là sự sống lại và là sự sống."( Jn 11,25 )? Xin nhắc lại : Có ai dám nói câu ấy không ? - Duy chỉ có Đức Giêsu. Câu nói này không phải vô tình nhưng hữu ý, vì nó có ý nghĩa cứu độ.Một Con người tỏ ra quyền năng như thế mà ai lại không muốn chạy đến để xin được cứu mình ? Đuốc đã thắp lên rồi, chỉ đường cho đi  mà không đi, tự thổi tắt đuốc, nhỡ chui vào bụi rậm cũng đành chịu thôi, không ai cứu được trong màn đêm đen tối ấy.

Một Phao lô luôn tìm cách bách hại những người đi theo Đức Giêsu, vậy mà ông đã quả quyết : "Nếu Đức Giêsu chết đi mà không sống lại thì sự rao giảng của người Kitô giáo trở nên vô vọng và điên rồ." Phao lô còn đem cả cuộc đời mình đi rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu Phục sinh ( Sau biến cố ngã ngựa ở Đamas.)
Làm sao ta không tin được ?( Điều này nếu viết đầy đủ thì quá dài ).


"Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây"( Lời nhạc Trịnh Công Sơn ).Ảnh hưởng Tây thì ít, ảnh hưởng Tàu thì nhiều. Các Đấng Thừa sai đến Việt Nam truyền đạo, họ không phải là "giặc" vì họ lo việc truyền đạo. Rất tiếc, thời ấy một số người ngộ nhận cho rằng : Đạo Công giáo là tà giáo. Nguyễn Đình Chiểu trong "Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc" có viết : "Sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn". Nguyễn Đình Chiểu hiểu lầm quá lớn. Không ai bắt buộc người dân phải "quăng vùa hương, xô bàn độc" - đó chẳng qua là cách nghĩ ác của người mình. Miền Bắc bao nhiêu năm sống dưới chế độ CS, người dân vẫn còn tin vào những phong tục cổ truyền, mê tín dị đoan, họ không phải là vô thần; hằng nghìn người chen chúc nhau, đạp nhau, xô đẩy nhau để xin ấn, bốc xăm, xem quẽ, dâng cúng tiền bạc, đốt nhang cầu khẩn, cầu may ở các chùa. Miền Nam thì có lễ hội Lăng Ông, Bà Chúa Sứ, Dinh Cô.v.v...đây là những lễ hội tào lao. Nếu ai cũng cầu và được "lộc"thì thôi chẳng cần phải làm gì, chỉ ngồi không cũng có ăn. Bụt, thần, ma quỉ... "vơ đũa cả nắm" để thờ, với tất cả lòng sùng kính. Não trạng con người Việt Nam đến hôm nay vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng Nho giáo và tục lệ người Tàu ( Do 1000 năm nô lệ chăng ? ). Có người Công giáo trên facebook đã post lên những bài chia sẻ như : "Ăn Tết Đinh Dậu xong, 5 con giáp này sẽ được hưởng lộc trời." hoặc "Xem tử vi 2017 chính xác và chi tiết tới từng tuổi" hoặc ''Ai khổ thì khổ, 5 con giáp này hễ cứ đói kém là tiền bạc tự động tìm đến''( fb của Linh Giang, Diệu Liên Ngô, Phạm thị Lan ).v.v...Thế mà có người vẫn tin, vẫn hưởng ứng, tỏ ra đồng tình, like để cổ võ...Chưa kể đến những điều mê tín dị đoan, liên quan đến bói toán, tin những điều vớ vẩn về ngày giờ, tốt xấu khi xây nhà, cưới hỏi hoặc khi làm một việc gì đó. Đây là cách sống hoàn toàn trái với giáo huấn của Chúa Kitô và Giáo Hội.

Giờ nào cũng của Chúa, ngày nào cũng của Chúa. Nếu ta sống tốt thì giờ nào cũng tốt, ngày nào cũng tốt. Cám ơn Chúa đã cho chúng ta thời gian, cho chúng ta mặt trăng, mặt trời để phân định ngày đêm, năm tháng. Chúa tạo dựng nên vũ trụ và Ngài quan phòng hợp lý.
Có người thờ Chúa như một người cõi âm : Cũng bàn thờ, nhang khói nghi ngút, tượng ảnh tùm lum. U ám ngay cả cõi lòng !(Tháng kính Đức Mẹ, đi thực tế đọc kinh theo từng gia đình, tôi chứng kiến bao cảnh tượng này). Họ không thấy sự hiện diện gần gũi, thân mật của Chúa. Họ không biết rằng Ngài là Đấng hằng sống và hiển trị. Lời Chúa Giêsu đã hứa cách đây hơn 2000 năm : "Thầy ở với các con mọi ngày cho đến Tận thế."( Mt 28,20 ) Chúa Phục Sinh là Ngài sống lại cả hồn và xác, và Chúa không bao giờ chết nữa, Ngài sống miên viễn với thời gian.Thánh Linh Ngài hằng ngự trị. Ngài không phải là một bóng ma. "Con người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người".( Jn 13,31 )


Tiếng "Ephata" Chúa cũng đã phán cách đây hơn 2000 năm, nhưng ngày nay một số con mắt còn nhắm lại, một số cõi lòng vẫn đóng kín, họ biết rồi nhưng họ không chịu mở ra để đón nhận ơn cứu độ.


...(Còn nữa. Hẹn gặp lần sau. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi người trong năm mới.)

JB.SĨ TRỌNG.