Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

Đầu óc bè phái

“Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. Đó là lời của Chúa Giêsu nói khi ông Gioan đến trình báo cho Ngài rằng: “ Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Nhưng Chúa Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy.” Các môn đệ đã ngăn cản một người nào đó đã nhân danh Thầy mà trừ quỷ, vì không thuộc nhóm môn đệ đi theo Chúa. Đó là biểu hiện của đầu óc bè phái, cục bộ.

Trừ quỷ là một việc làm có ích cho người bị quỷ ám, sao không khuyến khích người ta làm mà lại ngăn cản? Không biết người ấy có trừ được quỷ hay không, nhưng người ấy đã nhân danh Thầy, tức là họ đặt tin tưởng vào Thầy, mà đã đặt tin tưởng vào danh Thầy thì tức là người ấy không chống đối, mà không chống đối tức là ủng hộ: “ Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” Lý do các môn đệ ngăn cản người ấy nhân danh Chúa mà trừ quỷ vì người ấy không thuộc nhóm của Chúa là não trạng cục bộ sẽ dẫn đến đầu óc bè phái, phân cách, chia rẽ, ích kỷ, hẹp hòi. 

Các môn đệ của Chúa đã thiết lập một bức tường ngăn cách giữa người theo Chúa và những người tin nhưng chưa thuộc về nhóm đi theo Chúa. Đi theo Chúa, thuộc nhóm những người được tuyển chọn không phải là một đặc quyền, đặc lợi dành cho riêng ai để tự phụ, tự mãn, sống tách biệt phân cách với người khác, kết bè kết đảng, cô lập mình trong một tổ chức. 

Não trạng cục bộ là tạo tảng đá gây vấp ngã cho người khác, khi bất công, không công bằng trong cách đối xử, khi hạ thấp người khác, khi loại trừ kẻ khác, khi phê bình một cách bất công. 
Chúa lên án người có đầu óc bè phái. Ngài nói: “Ai cho anh em uống một chén nước, vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô thì người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” Như thế, dù không thuộc nhóm theo Chúa, nhưng đã hành động vì yêu thương, vì danh Đức Kitô thì họ cũng được thưởng công, và ngược lại một người đi theo Chúa, nhưng lại ngăn cản niềm tin của người khác hay làm cớ cho người ta vấp ngã,thì tội càng đáng phạt hơn. “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã thì thà buộc cối đá vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn.”. 
Ý Chúa muốn là con người đối xử với nhau bằng tình thương vì danh Chúa, vì lòng tin vào Ngài. Đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa của người khác là một trọng tội. Ngăn cản, cản trở niềm tin của người ta đến với Chúa bằng cách nào thì cũng là nguyên cớ cho người ta sa ngã.
Chúa Giêsu không đồng ý việc các môn đệ ngăn cản một người nào đó nhân danh Chúa mà trừ quỷ. Ngài cảnh giác các ông về mối nguy cơ muốn chiếm độc quyền về đức tin. Ngài không chấp nhận một cộng đoàn, một Hội thánh khép kín, kín cổng cao tường, trở thành một pháo đài, nhưng là phải mở rộng vòng tay đón tiếp bất cứ ai : “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”. 
Lời Chúa là một bài học về sự cởi mở và lòng bao dung với hết mọi người,vì Nước Trời không dành riêng cho ai, đồng thời cũng là lời cảnh báo cho ai tạo nên tảng đá vấp ngã cho người khác. 
Hoàng Trung USA

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Thiên thần là ai ?

Thiên Thần là ai? Thánh Augustino nói về các vị đó: “ Thiên Thần là tên gọi chỉ chức vụ chứ không chỉ bản chất. Nếu bạn tìm tên gọi chỉ bản chất của vị này thì đó là thiêng liêng. Nếu bạn tìm tên chỉ chức vụ thì đó là Thiên Thần; vị ấy là gì thì là thiêng liêng, vị ấy làm gì thì là Thiên Thần”. Dựa vào định nghĩa của Thánh nhân và Giáo lý Hội Thánh dạy, ta có thể biết được: các Thiên Thần là thụ tạo của Thiên Chúa, các Ngài thiêng liêng và vô số. Chỉ khi thực hiện một sứ mạng nào đó được Thiên Chúa giao phó, thì các Ngài mới có tên gọi như: Micae, Gabrie và Raphae.
Micae nghĩa là “Người giống Thiên Chúa” hoặc “Giống như Thiên Chúa”. Micae là Thiên thần đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng, là vị trưởng trong các Tổng lãnh Thiên Thần, có nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích, về sức mạnh, sự thật và chính trực. Micae bảo vệ chúng ta về thể lý, tâm lý và tình cảm. Ngài cũng giám sát mục đích sống của chúng ta. Chức năng chính của ngài là loại bỏ những điều xấu. Thiên Thần Micae cầm gươm lửa để bảo vệ chúng ta khỏi Satan và những điều tiêu cực. Khi có ngài ở bên, bạn có thể thấy lấp lánh ánh sáng xanh hoặc đỏ. Hãy cầu xin TLTT Micae nếu bạn thấy mình bị tấn công về tâm lý hoặc thiếu can đảm giữ lời hứa, thiếu động lực, thiếu lòng tin, thiếu can đảm, mất phương hướng, thiếu nghị lực, thiếu sức sống, thiếu tự tin, và cảm thấy bất xứng. TLTT Micae giúp chúng ta nhận biết mục đích sống và giúp bảo vệ.

Ngài giúp chúng ta hành động theo sự thật mà không thỏa hiệp với tính liêm chính và giúp chúng ta tìm ra bản chất và vẫn là chính mình. Ngài hay giúp đỡ nên khi gặp khó khăn trong công việc, khi bị chứng nghiện nào đó, khi bị bệnh, khi đau khổ, hoặc gặp ác mộng, hãy cầu xin Tổng lãnh Thiên Thần Micae!
Raphael nghĩa là “Sức mạnh Chữa lành của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa chữa lành”.
Chữ Rapha trong tiếng Do Thái nghĩa là “bác sĩ” hoặc “người chữa lành”. TLTT Raphael giúp chúng ta mau lành bệnh về thể lý và tinh thần nếu chúng ta cầu xin ngài. Kinh thánh kể chuyện ông Abraham khỏi đau sau khi ông chịu phép cắt bì. Bạn cũng có thể cầu xin TLTT Raphael thay cho người khác.
TLTT Raphael là người dễ gần gũi và vui vẻ nhất trong các Thiên thần. Ngài thường được vẽ là người vui vẻ nói chuyện với người khác. Ngài rất ngọt ngào, yêu thương, tử tế và hiền từ, khi bạn thấy những tia sáng xanh là ngài đang ở gần bạn.
Ngài thường hoạt động với TLTT Micae để trừ các thực thể xấu và luôn “hộ tống” mọi người ở khắp nơi.
Là người chữa lành, TLTT Raphael là “bổn mạng của các du khách” vì ngài đã giúp ông Tôbia trong cách hành trình. Hãy cầu xin TLTT Raphael khi bạn đi du lịch hoặc đi đây đi đó để được bình an trong chuyến đi. Ngoài ra, ngài còn giúp việc chuyên chở, cư trú và đồ đạc an toàn. Ngài cũng nâng đỡ các chuyến hành trình tâm linh, giúp tìm kiếm chân lý và hướng dẫn.
TLTT Raphael dạy ông Tôbia cách làm hương liệu và dầu thơm bằng cá và đã chữa khỏi mù cho người cha của ông Tôbia. Ngài được cầu xin giúp các y bác sĩ, các thầy thuốc, các nhà trị liệu và các bác sĩ phẫu thuật. Hãy cầu xin ngài nếu bạn là sinh viên trường y hoặc đang học chữa bệnh và xin ngài giúp bạn học tập tốt. Ngài không chỉ giúp chữa lành về thể lý và tâm lý, mà ngài còn chữa lành các vết thương lòng từ quá khứ.
Trong các lĩnh vực khác, TLTT Raphael còn giúp tìm lại những thứ bị thất lạc, giúp cai nghiện, giúp sáng suốt, tạo tình đoàn kết. Hãy cầu xin TLTT Raphael!
Gabriel nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa” hoặc “Thiên Chúa là Sức mạnh của tôi”.
Chỉ có TLTT Gabriel được mô tả là nữ giới trong nghệ thuật và văn chương, ngài là “sứ giả” và là một trong các TLTT có tên trong truyền thống Do Thái, được coi là một trong hai Thiên thần cao cấp theo truyền thuyết Do Thái giáo và Hồi giáo. Ngoài TLTT Micae, TLTT Gabriel là Thiên thần duy nhất được nhắc đến trong Cựu ước. Ngài là TLTT quyền thế và mạnh mẽ, những ai kêu cầu ngài sẽ cảm thấy muốn hành động và sẽ có kết quả tốt.
TLTT Gabriel là người đã truyền sứ điệp cho Thánh Êlidabét và Đức Mẹ Maria về việc thụ thai và sinh con, là Thánh Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu thành Nadarét. Nếu bạn sắp lập gia đình, hãy cầu xin TLTT Gabriel giúp bạn trong việc thụ thai, sinh sản và dạy dỗ con cái.
TLTT Gabriel có thể giúp chúng ta về nghệ thuật và giao tiếp. Ngài sẽ hành động như một huấn luyện viên, gợi cảm hứng và kích thích các nghệ sĩ, các nhà báo và những người làm việc về truyền thông, ngài giúp hành động một cách can đảm và mau mắn.
Ngài cũng giúp chúng ta nhận biết ơn gọi đích thực của mình. Hãy cầu xin ngài hướng dẫn nếu bạn đi không đúng đường tâm linh, nếu bạn muốn hiểu cuộc sống và mục đích sống. Nếu bạn dự định chuyển nhà, mua bán công to việc lớn hoặc muốn đổi nghề, hãy cầu xin TLTT Gabriel! (TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ AngelFocus.com)
Các Tổng lãnh Thiên Thần dù không phải tất cả đã trung thành với sứ mạng, vì một số đã sa ngã. Số còn lại các Ngài là những trợ thủ đắc lực cho mỗi người, Thánh Vịnh nói rằng: “ Các Ngài tay đỡ tay nâng, để bạn khỏi vấp chân vào đá”(Tv 90). Các Ngài thiêng liêng nên dễ dàng nâng đỡ và giúp con người làm lành lánh dữ, sống đẹp lòng Thiên Chúa.
Xin cho các Ngài luôn đồng hành và nâng đỡ các em lễ sinh, là những người phục vụ bàn thánh, đêm ngày tích cực và sốt sắng, cũng như hãnh diện về những công việc hết sức cao cả của mình.
Lm Giacobe Tạ Chúc

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

Câu chuyện 10

Trong một lễ Rửa tội, đến đoạn Linh mục hỏi một thụ nhân :
     - Con có từ bỏ ma quỷ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không ?
Bỗng nhiên anh ta ngước mắt lên nhìn Linh mục và nói :
    - Thưa Cha, Cha có bảo đảm chắc chắn là con được lên Thiên đàng không ạ ? Nếu không mà con nói ''từ bỏ'', mai mốt về dưới chúng nó ''đì'' con chết !

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Câu chuyện 9

Trên vỉa hè đường phố Luân Đôn có đặt tấm bảng và một cây bút để ai đi ngang qua thấy vậy đều có thể viết một câu nói lên chính kiến của mình. Một luật sư đi ngang qua, ông ta viết lên bảng :
     - Tôi là một luật sư, tôi sẽ biện hộ cho tất cả mọi người.
Một cảnh sát đi ngang qua, anh ta viết :
     - Tôi là một cảnh sát, tôi sẽ bảo vệ tất cả mọi người.
Một chính trị gia đi ngang qua, ông ta viết :
     - Tôi là một chính trị gia, tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của tất cả mọi người.
Một kiến trúc sư đi qua, anh ta viết :
     - Tôi là một kiến trúc sư, tôi sẽ vẽ nhà và xây nhà đẹp cho tất cả mọi người.
Một bác sĩ đi qua, vị bác sĩ viết :
     - Tôi là một bác sĩ, tôi sẽ chữa bệnh cho tất cả mọi người.
Một thầy tu đi ngang qua, thấy vậy thầy tu cũng quan tâm :
     - Tôi là một thầy tu, tôi sẽ cầu nguyện cho tất cả mọi người.
Một thường dân đi qua thấy trên bảng viết khá nhiều, anh ta lướt mắt đọc từ trên xuống dưới, rồi viết :
     - Tôi là một dân thường, tôi sẽ trả tiền cho tất cả các người.

Cải hối



Đức  Phật  đưa  tay  chỉ  lên  trời,
Thấy mình đứng giữa chốn chơi vơi
Trời  cao  có  Đấng  cao  hơn  cả,
Ngài chỉ mong manh kiếp phận người.

Từ  bỏ   ngai  vàng  để  bước  đi,
Đâu cần luyến tiếc nhớ thương chi
Trông  đời  đau  khổ  và  cơ  cực,
Đức  Phật  không  còn  bận  sân  si.

Đức Phật âm thầm chịu gió sương
Ngộ đời, chấp nhận lấy tang thương
Đồi cao trăng sáng, đêm đầy mộng
Lê gót phong trần khắp bốn phương.

Đức Phật trông chờ phút định tâm,
Không gian vời vợi trước ngàn năm
Khơi nguồn sự sống đầy viên mãn,
Thức dậy  trong tim  những  lỗi lầm.

Đức Phật đem thân nhập cõi thiền
Ước  rằng  mình  sẽ  hóa  Sư  Tiên
Ai ngờ  thân xác  càng  mang nặng,
Giấc mộng trăm năm hóa muộn phiền.

Đức   Phật   đi   vào   cõi   vô   vi,
Niết  bàn   tỏa  ngợp   ánh   từ  bi
Nghe trong tiếng gió âm thanh mới
Như   có   tiếng   ai   gọi   thầm   thì.

Đức  Phật  đưa  tay  chỉ  lên  trời,
Thấy rằng mình giới hạn mà thôi
Trời  cao  có  Đấng  cao  hơn  cả,
Ngài chỉ mong manh kiếp phận người.

JB.Sĩ Trọng.

Ýnghĩa phục vụ


Dù đã được Thầy tiên báo lần thứ hai rằng: “ Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông vẫn không hiểu và sợ không dám hỏi Ngài điều đó.Trong thâm tâm, họ vẫn nuôi hy vọng ngày Thầy sẽ lập vương quốc mới; vì thế, trên đường về nhà, họ xầm xì bàn tán với nhau. Khi về đến nhà Chúa Giêsu mới hỏi các ông: “ Dọc đường, anh em bàn tán chuyện gì vậy?” Hóa ra các ông xầm xì với nhau xem ai là người lớn hơn cả. Họ đang tranh cãi với nhau về địa vị xã hội. Họ đinh ninh Thầy sẽ làm vua và họ cũng sẽ được chức tước hay địa vị nào đó. Nhân dịp này, Ngài gọi nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ.” Thật vỡ mộng khi nghe Thầy bảo như thế! 

Tham vọng thì ai chẳng có. Chúa Giêsu không phá bỏ, cũng không lên án chính tham vọng, nhưng lên án thái dộ tham vọng bất chính. Người ta có thể nhân danh nhiều đối tượng, nhiều chủ trương, đường lối để phục vụ, nhưng khi tâm địa phục vụ của người ta không vì bác ái và khiêm tốn thì phục vụ lại trở thành phương tiện để người ta trục lợi cho cá nhân. Phục vụ không vì yêu thương là lừa dối. Phục vụ không vì bác ái là vụ lợi. Phục vụ không chân thành khiêm tốn là một lời lừa đảo trá hình. 

Chúa Giêsu là gương phục vụ: Ngài đã trở thành tôi tớ phục vụ. Phục vụ phải đi với khiêm nhường. Ngài là người hiền lành và khiêm nhường. Ngài đã đồng hóa mình nơi những người bé mọn như trẻ thơ, nơi những người nghèo đói, bị bách hại.
Có một vị tu sĩ già, đã nhiều năm cầu xin Chúa hiện ra để củng cố niềm tin của mình. Thế rồi, khi ông hoàn toàn tuyệt vọng thì một ngày kia, Chúa hiện ra với ông. Vị tu sĩ hết sức vui mừng.
Tuy nhiên, giữa lúc ông đang tâm sự với Chúa thì hồi chuông báo giờ phát gạo cho người nghèo vang lên. Hôm ấy lại chính là phiên trực của ông; nếu ông không đến thì những người nghèo đói kia sẽ phải đói cả một ngày. Ông bị giằng co giữa Chúa và đám dân nghèo.
Cuối cùng, ông quyết định tạm ngưng cuộc gặp gỡ với Chúa để đi phát gạo. Sau hơn một tiếng đồng hồ làm việc, ông trở về phòng; khi mở cửa, ông không thể tin vào mắt mình, bởi vì Chúa đang ở đó chờ ông.
Thế là ông qùy xuống và cảm tạ Ngài. Bấy giờ Chúa nói với ông: “ Giả như con không chịu đi phát gạo cho những người nghèo kia, thì Ta cũng chẳng ở lại đây chờ con đâu.”
Với cái nhìn của Thiên Chúa, người có chức quyền không phải để thống trị, nhưng là phục vụ người khác, là đem yêu thương đến với người cùng khổ, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an bình đến chốn bất công... Vì thế, Chúa đòi hỏi những người đứng đầu phải trở nên người rốt hết trong tinh thần phục vụ anh em. Sự cao trọng đích thực trong nước Thiên Chúa không phải ở chỗ thống trị người khác, nhưng là làm tôi tớ và phục vụ tha nhân.
Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống trong sự hòa hợp với kẻ khác. Phục vụ những người cao sang thì dễ hơn phục vụ những người hèn mọn. Nhưng khi chúng ta tiếp đón những người những “ anh em bé mọn nhất” là chúng ta tiếp đón chính Chúa vậy. 
Hoàng Trung USA

Câu chuyện 8

Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia, một trong hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy liền bắt cô bé, lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn: “Trả được thù rồi”.
 Ngày qua tháng lại, thấm thoát mười mấy năm, cô gái đã có chồng con. Một hôm, có một tên ăn mày tới xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ chặt tay mình, vội vàng trở vào nhà biểu đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ kia ăn no rồi, người đàn bà đưa bàn tay cụt ra cho hắn coi và nói : “Tôi cũng trả được thù rồi.” Tên ăn mày xúc động khóc ngất. Riêng bà kia vì đã trở lại đạo nên hiểu rằng” Nếu kẻ thù mình đói, hãy cho nó ăn, khát hãy cho nó uống...” (Rm 12, 20)

Qua mẹ lời ru

Mẹ ơi, con nghe lời dịu ngọt
Tiếng mẹ ru thánh thót dâng trào
Vọng từng câu hát ca dao,
Cánh cò bay lả đụng vào tim con.

Mẹ ơi, con nghe lời chua xót
Tiếng ai than như rót vào hồn
Âm thầm trong buổi hoàng hôn
Nỗi lo mất nước mãi còn rứt ray.

Mẹ ơi, con nghe lời buồn tủi
Tiếng nấc xao xốn tận đáy lòng
Ngắm nhìn vẻ đẹp non sông,
Nhớ bao câu hịch vẫn bồng bềnh trôi.

Mẹ ơi, con nghe lời bi thiết
Lời cha ông kêu gọi năm nào
Tự hào là giấc chiêm bao,
Mẹ ru con ngủ khát khao mong chờ...

JB.Sĩ Trọng.

Câu chuyện 7

Một ô tô đi ngang qua trạm kiểm soát, bất ngờ một viên cảnh sát từ trong trạm bước ra thổi còi ra hiệu lệnh để ô tô dừng lại. Bỗng nhiên viên cảnh sát này chạy vào nói nhỏ với một cảnh sát bên trong trạm :
     - Lần trước tao thổi xe này rồi, ông ta nói ông là bạn học của Sếp...nên tao đã cho đi.
     - Sếp mình hồi xưa đâu có đi học, làm gì có bạn học. Ông ấy nói sai... Xét !...

Chùm thơ 44

ĐỘNG CẢM

Khi nước mắt ướt đẫm môi cười,
Dòng lệ nhỏ tuôn tràn khắp nẻo
Khi cơn gió âm thầm muốn réo,
Chính là lúc xao động lòng người.



BUÔNG BỎ

Biết  bao  nhiêu  việc,  dễ  gì quên
Việc nhỏ, việc to...việc sang hèn
Chỉ  cần  buông  bỏ  là  xong  hết,
Đêm  đến,  ta  vào  giấc  ngủ  yên.



DỐI TRÁ

Cuộc  đời   đen  trắng   lắng   tai  nghe,
Điệp khúc ''yêu thương''- những chú hề
Nói được nhưng lòng không rộng được
Gỉa   vờ   miệng   nổ   để   khoan   khoe.



GỞI LẠI

Cuộc  đời  tôi  gởi  lại  đây,
Những trang thơ viết không dày không thưa
Đọc xa thấy cũng không thừa,
Đọc   gần   có   lẻ   người   ưa   kẻ   hờn !

JB.Sĩ Trọng.



Cây Thập giá

Đa minh Phạm Xuân Uyển SDB
Vào đầu thế kỷ thứ tư, thánh Helena, mẹ của hoàng đế La Mã Constantinô đến Giêrusalem để tìm kiếm các nơi linh thiêng mà Ðức Kitô đã từng đặt chân đến. Thánh nữ san bằng đền Aphrodite (thần Hy Lạp) mà truyền thống cho rằng được xây trên phần mộ của Ðấng Cứu Thế, và sau đó Constantinô đã xây Ðền mộ Thánh lên trên. Trong cuộc đào xới, các công nhân tìm thấy ba Thập giá. Truyền thuyết nói rằng một Thập giá được coi là của Ðức Giêsu vì Thập giá ấy chữa lành một phụ nữ đang hấp hối khi Thập giá chạm vào bà.
Ngay sau đó, Thập giá ấy trở nên mục tiêu cho sự sùng kính. Vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh ở Giêrusalem, theo lời một nhân chứng, Thập giá được lấy ra khỏi hộp đựng bằng bạc, và được đặt trên bàn cùng với tấm bảng nhỏ có ghi hàng chữ mà Philatô đã ra lệnh treo trên đầu Ðức Giêsu. Sau đó "từng người một đến kính viếng; tất cả đều cúi đầu; trước hết họ dùng trán sau đó dùng mắt để chạm đến Thập giá và tấm bảng; và sau khi hôn kính Thập giá họ mới lui bước."
Cho đến ngày nay, các Giáo hội Ðông phương, Công giáo cũng như Chính thống giáo đều cử hành ngày tôn kính Thánh Giá vào tháng chín để kỷ niệm ngày cung hiến Ðền mộ Thánh. Ngày lễ này được du nhập vào niên lịch Tây phương trong thế kỷ thứ bảy sau khi hoàng đế Heraclius khôi phục được Thập giá này khỏi tay người Ba Tư mà họ đã chiếm đoạt vào năm 614, trước đó 15 năm. Theo một truyện kể, vị hoàng đế định tự mình vác Thập giá ấy vào Giêrusalem, nhưng không thể nào tiến bước được cho đến khi ông cởi bỏ phẩm phục sang trọng vua chúa và trở nên một người nghèo hèn đi chân đất.
Lời Bàn
Ngày nay Thập giá là biểu tượng chung cho Đức tin Kitô hữu. Biết bao thế hệ các nghệ nhân đã biến Thập giá thành một sản phẩm nghệ thuật để rước hoặc mang trên người như đồ trang sức. Ðối với con mắt của các Kitô hữu tiên khởi, Thập giá không đẹp đẽ gì. Nó được dựng bên ngoài các cổng thành, trên đó có treo xác chết như đe dọa bất cứ ai không tuân lệnh nhà cầm quyền La Mã - kể cả các lạc giáo không chịu thờ cúng các tà thần của người La Mã. Mặc dù các tín hữu đề cập đến Thập giá như một khí cụ trong sự Cứu chuộc, ít khi Thập giá xuất hiện trong nghệ thuật Kitô giáo cho đến sau khi Constantinô ban bố sắc lệnh khoan dung.
Lời trích
"Thập giá Ðức Kitô thật tráng lệ là dường nào! Nó đem lại sự sống chứ không phải cái chết; sự sáng chứ không phải tối tăm; thiên đàng chứ không phải sự mất mát. Ðó là mảnh gỗ mà trên đó Chúa Giêsu, như một chiến sĩ cao cả, bị thương tích nơi chân tay và cạnh sườn, nhưng nhờ đó đã chữa lành các thương tích của chúng ta. Cây trái cấm đã tiêu hủy chúng ta, bây giờ một cây khác đem lại sự sống cho chúng ta" (Theodore Studios)

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2018

Tĩnh tuệ

Tĩnh tuệ 1

Đức Phật khoanh chân ngồi,
Nhìn đời không thấy chán
Võ  trường  người  đo  ván
Thắm   lệ,   máu,   mồ   hôi.


Tĩnh tuệ 2

Đức Phật khoanh chân ngồi,
Đưa   tay   chỉ   bầu   trời
Nói   rằng   trên   cao   ấy
Có   Đấng     lớn   hơn    tôi.


Tĩnh tuệ 3

Từ trường dương sóng lệ
Chễm chuệ nắng bồng lai
Ánh mắt hướng về trời,
Chờ  bình  minh  vỗ  cánh.


Tĩnh tuệ 4

Muốn hiểu sao thì hiểu
Ai không hiểu thì thôi
Đừng bắt ai phải hiểu
Trên gánh nặng cuộc đời.

JB.Sĩ Trọng.

Tiếng vọng quê hương













Một thời trăng gió kết hôn nhau,
Tôi say ngắm không gian trời xanh thẳm
Tôi mê mệt bên ánh chiều ngàn dặm,
Theo dòng sông trôi lượn ở quê nhà.

Rồi một thời tôi phải đi xa,
Quê hương chỉ âm thầm vọng tưởng
Quê hương những tháng ngày vất vưởng
Rốn cắt, khi tuổi mẹ chưa già...

Giờ đây tôi có một quê hương,
Mới nói, người nghe thấy lạ thường
Vĩnh cửu - Quê trời, tôi hiểu được
Tâm hồn tràn ngập nắng yêu thương.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Tôi yêu tiếng nước tôi

















Tôi yêu tiếng Việt nước tôi,
Cưu mang truyền thống bao đời cha ông
Dịu dàng như những dòng sông,
Bờ tre, giếng nước, ruộng đồng thảnh thơi
Vọng  lời  ru  tiếng  à  ơi,
Mẹ  tôi  thường  hát  đưa  nôi  mỗi  chiều
Mại mềm, uyển chuyển, đáng yêu
Câu  thơ  tôi  kết  trăm  điều  ví  von
Những vần, những điệu...mãi còn
Bao nhiêu âm hưởng nhẹ nhàng, êm tai
Cánh diều theo gió khoan thai,
Âm thanh, chữ viết ghi hoài trong tim
Đi  quanh  thế  giới  để  tìm,
Đâu ra thứ tiếng dễ thương thế này
Tôi yêu tiếng Việt hôm nay,
Kết tinh vẻ đẹp tháng ngày giao duyên
Thân quen, phổ quát ba miền
Ai ai cũng hiểu, chẳng thêm bớt gì
Ngôn  từ  sách  vở  chép  ghi,
Truyện Kiều, câu Hịch, Sử thi...loan truyền
Lẽ  nào  tôi  nỡ  bỏ  quên,
Đổi thay sao được một nền văn chương
Không ai có thể xem thường,
Làm  sai  thứ  tiếng  linh  hồn  Việt  Nam.

JB.Sĩ Trọng.



Thứ Bảy, 8 tháng 9, 2018

Trả lời của Viện Ngôn ngữ học

TRẢ LỜI CHÍNH THỨC CỦA VIỆN NGÔN NGỮ HỌC
về đề xuất cải cách chữ Việt của ông Bùi Hiền
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học
Hội đồng khoa học của Viện Ngôn ngữ học đã họp (mở rộng) thảo luận về đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiển, sau đó đã tổng hợp các ý kiến để báo cáo lên lãnh đạo cấp trên.
Ý kiến của Hội đồng khoa học Viện Ngôn ngữ gồm có 3 phần:
- Vài nét về lịch sử phát triển của chữ Quốc ngữ (bao gồm những điểm bất cập và những đề nghị cải tiến, sửa đổi trước đây)
- Những bất hợp lí trong đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền
- Kết luận của Viện Ngôn ngữ học

Với tư cách là Viện trưởng, tôi là người tổng hợp các ý kiến của Hội đồng khoa học mở rộng, tôi cũng trao đổi ý kiến với một số chuyên gia về ngữ âm, chữ viết có uy tín như GS Nguyễn Văn Lợi, PGS Hoàng Dũng …Vì đây là nội dung được gửi lên lãnh đạo cấp trên (chắc không có ai là nhà ngôn ngữ học) nên cách viết phải giản dị, tuy nhiên vẫn không tránh được một số thuật ngữ chuyên môn. Sau đây là những nôi dung được tổng hợp:
1. Vài nét về lịch sử phát triển của chữ Quốc ngữ:
Chữ Quốc ngữ được hình thành trong khuynh hướng chung của các giáo sĩ Tây Phương muốn Latin hóa các chữ Á Đông nằm trong địa bàn truyền giáo của họ. Quá trình xây dựng chữ Quốc ngữ là một quá trình lâu dài, với sự góp sức của nhiều người, trong đó có người Việt Nam.

Các tài liệu cho thấy vào thế kỉ 17, chữ Quốc ngữ đã có một diện mạo khá ổn định, gắn với việc xuất bản cuốn Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum) của linh mục Alexandre de Rhodes tại Roma, năm 1651.
Có thể nói, thế kỷ 17 với sự ra đời của Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latin (Dictionarium Annamaticum Lusitinum et Latinum) của Alexandre de Rhodes đã đánh dấu diện mạo hiện đại của chữ Quốc ngữ. Thế kỷ 18, 19, chữ Quốc ngữ tiếp tục hoàn thiện và có hình thức như ngày nay.
Chữ Quốc ngữ là loại chữ ghi âm tương đối khoa học. Tuy nhiên nó vẫn có nhiều điểm không hoàn hảo như tất cả bộ chữ ghi âm khác. Ở diện mạo hiện nay, chữ Quốc ngữ vẫn tồn tại một số nhược điểm sau đây:
– Cùng một âm nhưng được ghi bằng những con chữ khác nhau. Ví dụ, 3 chữ cái “c”, “k” và “q” đều được dùng để ghi âm /k/, chữ “y” và “i” đều được dùng để ghi âm /i/;
– Âm đệm có lúc ghi là “u”, có lúc ghi là “o”;
– Các nguyên âm đôi có cách ghi lưỡng khả, phụ thuộc vào vị trí của nguyên âm đôi trong âm tiết, ví dụ: iê/yê/ia/ya, ươ/ưa, uô/ua;
– Vị trí đánh dấu thanh không theo nguyên tắc nhất quán: lúc thì đánh vào âm chính, lúc thì đánh ở giữa âm tiết cho cân đối.

Đây chính là lí do trong một thời gian dài, liên tục có những ý kiến cho rằng cần phải cải tiến chữ Quốc ngữ trên nhiều phương diện khác nhau:
1. Năm 1902, một Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ đã được thành lập (do Jean Nicholas Cheon đứng đầu).
2. Năm 1956, ở Miền Nam, Uỷ ban Ngôn ngữ cũng đưa ra đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ; năm 1973 Uỷ ban Điển chế Văn tự cũng ra đời.
3. Ở Miền Bắc, Hội thảo Cải tiến Chữ Quốc ngữ được tổ chức năm 1960.
Từ đó đến nay đã có nhiều hội thảo khoa học tiếp tục đề cập đến chuyện cải tiến chữ Quốc ngữ. Gần đây nhất, trong ba cuộc hội thảo lớn về chữ Quốc ngữ (năm 2015 tại Phú Yên, năm 2016 tại Bình Định và tại Quảng Nam) đều có những tham luận nói đến những nhược điểm và ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, vấn đề cải cách chữ quốc ngữ đã từng được bàn đến nhiều lần, trên nhiều phương diện và đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền không phải là một ý kiến mới trong giới ngôn ngữ học.
Tuy nhiên, ngôn ngữ nói chung và chữ viết nói riêng là một sản phẩm của cộng đồng và mang tính quy ước. Chính cộng đồng sẽ quyết định sự phát triển của chữ viết, chứ nó khó lòng bị chi phối bởi ý chí, nguyện vọng hay đề xuất của một cá nhân hoặc bị cưỡng bách thực thi bởi một mệnh lệnh hành chính. Chính vì thế, cho dù đã có những Hội nghị về cải tiến chữ Quốc ngữ với hàng loạt các đề xuất của các nhà ngôn ngữ học nhưng tất cả đều không được áp dụng vào thực tế.
Cho đến nay, đại đa số các ý kiến đều cho rằng, mặc dù có những nhược điểm như trên, chữ Quốc ngữ vẫn là một loại chữ ghi âm rất tốt, và hiện nay vẫn đang thực hiện tốt chức năng là chữ viết thống nhất của nước Việt Nam, dùng để ghi lại tiếng Việt vì những lí do sau đây:
- Thứ nhất, chữ Quốc ngữ có đủ khả năng để ghi lại toàn bộ các âm có thể có trong tiếng Việt hiện đại. Không có một âm nào trong tiếng Việt lại không thể dùng chữ Quốc ngữ ghi lại.
- Thứ hai, chữ Quốc ngữ đã phát triển đến giai đoạn ổn định, được cả cộng đồng chấp nhận và sử dụng một cách tự nhiên, mang tính quy ước và phổ cập.
- Thứ ba, chữ viết của một ngôn ngữ không đồng nhất với ký hiệu ngữ âm quốc tế, nó còn ẩn chứa cả văn hoá nữa. Cho nên, không nhất thiết phải áp dụng nguyên tắc “một âm vị ghi bằng một kí tự và ngược lại”.Về nguyên tắc, ngôn ngữ (âm thanh) luôn biến đổi theo thời gian, trong khi chữ viết lại cố định, cho nên qua thời gian bao giờ cũng có sự vênh nhau giữa âm vị cần ghi và ký tự dùng để ghi.
Dĩ nhiên, nhằm giúp chữ Quốc ngữ thực hiện tốt chức năng của mình, giới ngôn ngữ học hiện đang rất quan tâm đến vấn đề chuẩn hóa chính tả (quy chuẩn cách viết), cách viết tên riêng gốc tiếng nước ngoài (đề nguyên dạng, phiên âm hay chuyển tự), tên riêng gốc ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đây là những vấn đề mà việc giải quyết một cách triệt để đòi hỏi cần phải ban hành Luật Ngôn ngữ ở Việt Nam.

2. Những bất hợp lí trong đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền:
2.1.Về mặt pháp lí :
PGS.TS Bùi Hiền coi tiếng Việt là tiếng Kinh: “Tạm thống nhất lấy tiếng Hà Nội làm cơ sở ngữ âm cho việc xác định bảng chữ cái tiếng Việt (tiếng Kinh)…(tr.3 của Bản đề xuất)”. Điều này vi phạm nguyên tắc bình đẳng dân tộc bởi Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam coi tiếng Việt là Ngôn ngữ Quốc gia có nghĩa là của chung toàn dân tộc (Nation) Việt Nam chứ không chỉ của một tộc người. Ngoài ra, về mặt pháp lí, hiện nay chưa có văn bản chính thức nào của Nhà nước quy định tiếng Hànội là tiếng chuẩn.

2.2.Về mặt khoa học:
Phương án đề xuất Cải tiến chữ quốc ngữ mà PGS.TS Bùi hiền nêu ra rất lộn xộn, chắp vá và hoàn toàn không mang tính khoa học. Điều này thể hiện ở các điểm dưới đây:
– Thứ nhất, đã là nghiên cứu khoa học không thể có cách diễn đạt mơ hồ như ” Tạm thống nhất ..”. Việc xác định tiếng nói vùng nào của Việt Nam làm chuẩn chính âm hiện chưa đươc khẳng định.
– Thứ hai, PGS.TS Bùi Hiền đã có những nhầm lẫn cơ bản về mặt ngôn ngữ học. Trong tiếng Việt, tiếng Hànội không phải là tiếng có thể đại diện cho một diện mạo ngữ âm trung thực và khách quan của tiếng Việt. Trên thực tế, tiếng Việt có nhiều vùng phương ngữ, thổ ngữ khác nhau với các biến thể đặc điểm ngữ âm, từ vựng khác nhau. Như vậy, nếu chỉ dựa vào hệ thống ngữ âm tiếng Hànội để làm cơ sở cải tiến chữ viết thì không phản ánh trung thực và đầy đủ ngữ âm tiếng Việt. Đề nghị của PGS.TS Bùi Hiền sẽ làm tăng vọt số lượng các từ đồng âm, đồng tự, gây khó khăn cho việc đọc hiểu văn bản.
– Thứ ba, PGS.TS Bùi Hiền không phân biệt được các khái niệm ngữ âm – âm vị học, không phân biệt được âm và chữ. Các con chữ mà ông đưa ra không liên quan gì tới đặc điểm ngữ âm của nó.
Ông chưa nhận diện đầy đủ về hệ thống ngữ âm – âm vị học tiếng Việt. Bảng 16 nguyên âm được đề cập trong phần 2 của Bản đề xuất là không có cơ sở khoa học khi cho rằng có các âm vị /e, ɔ, o/ dài trong đối lập với /e, ɔ, o/ ngắn. Nhiều ví dụ dẫn ra khiến người đọc băn khoăn về sự tồn tại của nó trong tiếng Việt hay tính phổ biến của nó. Tác giả liệt kê âm vị /y/ trong đối lập với /i/ cũng hoàn toàn không có cơ sở khi không đưa được các cặp đối lập tối thiểu âm vị học mà lại dẫn ra các biến thể chữ viết “ti”~ “ty”.
Điều này còn được thể hiện khi tác giả xử lí trường hợp nguyên âm đôi /uo/ và tổ hợp bán nguyên âm /w/ + âm chính /o/ giống nhau (trường hợp “cuốc” và “quốc” được thống nhất ghi thành “kuok”, hay “cua” và “qua” được thống nhất ghi thành “kuô” theo phương án của tác giả). Ví dụ này cho thấy ông đã đi ngược lại với nguyên tắc “một chữ ghi một âm và ngược lại” của chính mình.
Bên cạnh đó, cách trình bày của ông trong Bản đề xuất cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về cách kí hiệu phiên âm quốc tế: phiên âm âm vị học được quy định chung của thế giới là trong gạch chéo /…/, và phiên âm ngữ âm học được quy định chung của thế giới là trong móc vuông […]. Nếu đã không hiểu được các khái niệm căn bản nhất (âm tố, âm vị, ngữ âm học, âm vị học,…) thì sao có thể bàn tới việc xây dựng (hay cải tiến, cũng như sử dụng) chữ viết cho ngôn ngữ của một cộng đồng dân tộc?
– Thứ tư, PGS.TS Bùi Hiền không có sự hiểu biết về từ nguyên học và ngữ âm lịch sử tiếng Việt. Các chữ cái c-k-q tuy dùng để ghi cùng một âm vị /k/, chữ cái d, gi, r để ghi cùng một âm vị /z/, ch-tr để ghi cùng một âm vị /c/ trên bình diện đồng đại (nếu theo hệ thống ngữ âm tiếng Hànội) song về lịch sử chúng ghi các phụ âm khác nhau trong tiếng Việt ở thời kì xuất hiện chữ Quốc ngữ (Thế kỉ 17). Sở dĩ các linh mục dùng chữ d để ghi cái âm /z/ thời đó vì khi đó đối với các từ ghi “da”,“dì” trong tiếng Việt thì cái con chữ “d “này được dùng ghi một âm có đặc điểm về phát âm gần với phụ âm được ghi “d” trong nhiều ngôn ngữ ở châu Âu. Việc nhập ch- tr và ghi bằng con chữ “c” cũng vậy
– Thứ năm, đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền đi ngược lại hoàn toàn xu hướng chung của các nước sử dụng tự dạng Latin. Không có bất kì bộ chữ có tự dạng Latin nào sử dụng chữ cái “w” để ghi âm vị /ŋ/. Đề nghị dùng “w” thay cho “ng” sẽ phá vỡ tính hệ thống trong quan hệ giữa âm và chữ, khiến người học khó học, khó nhớ. Cách làm này khiến người nước ngoài vốn quen với các hệ chữ viết tự dạng Latin khó tiếp nhận chữ Quốc ngữ, vì thế gây khó khăn cho việc phổ biến tiếng Việt, chữ Việt (chữ Quốc ngữ) ra quốc tế.
Tương tự, không có bộ chữ có tự dạng Latin nào sử dụng con chữ “q”để ghi âm vị /tʰ/. Bên cạnh đó, việc tạo nên một con chữ mới để thể hiện phụ âm /ɲ/, không thể gõ trên bàn phím máy tính gây khó khăn lớn trong việc sử dụng trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Điều này vi phạm nguyên tắc tiện dụng trong xây dựng chữ viết.
– Thứ sáu, tác giả còn đề xuất thêm tới 04 con chữ cái mới trong phương án cải tiến của mình. Điều này cho thấy hệ chữ viết của ông không tiết kiệm, gọn nhẹ hơn so với phương án cũ.
– Thứ bảy, học tiếng Việt, chữ Việt là quyền lợi và trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam thuộc các dân tộc khác nhau. Đề nghị cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền làm cho chữ Quốc ngữ trở nên khác xa chữ viết của một số ngôn ngữ dân tộc thiểu số (phần lớn dựa trên tự dạng Latin), vì thế gây cho khăn cho người dân tộc thiểu số tiếp thu chữ Quốc ngữ.

2.3. Về mặt thực tiễn
Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền sẽ làm vô hiệu hóa một kho văn liệu khổng lồ với các ấn phẩm được viết bằng chữ Quốc ngữ, làm đứt gẫy sự liên tục văn hóa của cả một dân tộc. Nếu muốn lưu giữ và truyền tải khối tri thức, văn hóa của dân tộc cho các thế hệ sau, chúng ta sẽ phải tổ chức in ấn, chế bản lại. Đây là một việc làm cực kì tốn kém. Không chỉ có thế, sự thay đổi này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh… do thay đổi toàn bộ hệ thống văn bản, giấy tờ, dữ liệu hiện hành đang được công nhận trên toàn thế giới.
Với tư cách là một loại chữ viết ghi lại ngôn ngữ dân tộc, trải qua những phát triển lịch sử, chữ Quốc ngữ ngày nay đã trở thành một tài sản văn hóa vô cùng quý giá của người Việt. Bản kiến nghị của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là mong muốn của một cá nhân, hoàn toàn không xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Chúng ta chưa có những điều tra về nguyện vọng của xã hội về vấn đề này nhưng những phản ứng của cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã cho thấy điều đó. Chữ viết, sau khi được xã hội thừa nhận là tài sản chung của mọi người. Xã hội chưa có nhu cầu thay đổi thì cá nhân không thể tùy tiện đề xuất thay đổi, đặc biệt là những đề xuất đó lại rất thiếu cơ sở khoa học như đã phân tích ở trên.
Mặt khác, bản thân hệ thống chữ Quốc ngữ hiện hành vẫn đang thực hiện rất tốt vai trò của mình trong đời sống của xã hội nước ta. Mặc dù có một số bất hợp lí nhưng những bất hợp lí này là có thể chấp nhận được và không cản trở đến quá trình giao tiếp bằng tiếng Việt. Vì vậy, bất cứ một sự cải tiến nào cũng sẽ làm đảo lộn mọi lĩnh vực trong xã hội.

3. Kết luận
Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền như đã phân tích là ý kiến của một cá nhân có thể có xuất phát từ mục đích tốt nhưng lại thiếu kiến thức chuyên môn; hiểu biết chưa toàn diện về ngữ âm học, ký tự học nên thiếu tính khoa học và thực tiễn, không có tính khả thi. Trong tình hình chữ Quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, Viện Ngôn ngữ học cho rằng hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kì cải tiến nào đối với chữ Quốc ngữ.

Trung thu nhớ mẹ

Trung Thu trăng hẹn đúng giữa mùa,
Tháng Tám miền Nam lại  ướt  mưa
Tiếng trống ''cắc bùm'' ngang ngõ phố,
Đầu   lân   rao   bán   chẳng   ai   mua.

Nhớ mẹ ngày xưa chốn quê nghèo,
Trung thu  đèn  xếp  mẹ làm treo
Được  ăn  cơm nếp  cùng  chè đậu,
Nhảy múa  theo lân  chạy  vòng vèo.

Quê  nhà   chỉ   có   thế  thôi  mà !
Trẻ  nhỏ  nô  đùa  miệng  hát  ca
Trăng tròn tran trác trời trong trẻo
Vẻ  đẹp  thiên  nhiên  nét ngọc ngà.

Mẹ   ở   hiên   nhà   đứng   ngó   ra,
Nhìn   xem   lũ   trẻ   ở   quê   ta
Tuy nghèo nhưng ấm tình thôn xóm
Cho    kẻ   đi    xa   mãi    nhớ   nhà.

JB.Sĩ Trọng.