Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

Chúa chết - Nhân chứng và người mai táng

                                    ( Tặng Mauri và Thánh Thư )


1. Các nhân chứng :
"Thưa Cha, con xin trao phó linh hồn con trong tay Cha". Nói xong Ngài trút hơi thở ( Lc 23,46 ). Đây là câu Kinh Thánh diễn tả đầy đủ giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu ( GS ). Đây là những giây phút Chúa chuẩn bị từ cõi vĩnh cửu để nhận lãnh. Chúa chết vì nhân loại. Có trải qua đau khổ và sự chết thì mới phục sinh. Có gì xảy ra trong những giây phút quan trọng ấy ?
Trời bỗng tối lại trong suốt mấy giờ đồng hồ, bức màn chia cách loài người với cõi Chí Thánh được mở tung, bị "xé ra làm đôi"( Lc 23,44-45 v Mt 27,45.51 v Mc 15,33.38 ). Người chỉ huy cuộc hành hình nói rằng : Người này thật là vô tội ( Lc 23,47 ), Người này thật là Con Thiên Chúa ( Mt 27,54b v Mc 15,39 ). Hay người này là con của thần linh. Nghĩa là : Đây không phải là phàm nhân. Cái chết của Chúa chứng minh Chúa là Đấng thần linh, có lẽ vì gương mặt của Chúa, vì lời cầu cuối cùng của Chúa, vì cảnh tượng trời đất lúc ấy. Không hiểu nhân chứng này về sau có tin Chúa không, hay chỉ tuyên bố một lời hay, một câu nói đúng mà thôi.
Đám đông dân chúng cũng là nhân chứng. Họ đã là nhân chứng trong lúc Chúa làm các phép lạ, bây giờ lại là nhân chứng khi Chúa trút linh hồn. Những người này đấm ngực trở về ( Lc 23,48 ). "Đấm ngực" là biểu lộ bực tức, hối hận, tuyệt vọng. Thế là hết, con người mà họ chiêm ngưỡng đã chết. 
Nhóm nhân chứng thứ ba là những người thân của Chúa GS. Họ đứng xa mà nhìn ( Mt 27,55 v Lc 23,49 v Mc 15,40 ).
Những người thân của Chúa mà phải "đứng xa mà nhìn", thấy có đau xót không nào ? Gỉa sử chúng ta có mặt ở đó thì chúng ta làm gì ?
Hôm nay khi nhắc lại câu chuyện Chúa chết bạn không cần bàn tán thêm bớt gì về câu chuyện ấy, bạn cũng không cần nhận định tuyên bố gì cả, bạn cũng chẳng cần giận những kẻ đã làm Chúa đau thương, bạn cũng không nên đứng xa mà ngó, tức là giữ thái độ "kính nhi viễn chi"( tôn kính nhưng giữ khoảng cách cho xa ).
Bạn chỉ cần làm hai điều sau đây :
        a. Hãy dâng lời cảm tạ Chúa về cái chết cao quý của Ngài để cứu chuộc chúng ta. Chúa đã thay chỗ cho bạn, đã trả nợ thay cho bạn.
        b. Hãy nói cho một người nào đó biết rõ ý nghĩa của cái chết này ( cố tìm cách nói về sự chết này cho ít nhất là một người ) vì đây là điều Chúa cho chúng ta nhớ và làm.

2. Người lo việc mai táng :
Khi Chúa còn sống, nhiều người trong hàng ngũ tu sĩ đạo Do Thái đã tin nhận Chúa, nhưng họ vì địa vị, vì quyền lợi, đã phải theo Chúa một cách kín đáo, ẩn giấu, hoặc là cải trang làm người khác để xen lẫn vào đám đông nghe lời Chúa dạy. Nicodemo và Giuse Arimath là hai nhân vật thuộc hàng Môn đệ bí mật này. Tại sao đến phút cuối cùng, họ công khai ra nhận xác Chúa và đem đi mai táng ? Đây là một việc làm giúp cho gia đình nạn nhân, vì như vậy mới có thể chôn cất tử tế. Giuse Arimath có quyền xin xác đem chôn vì ông là một luật gia, hay là quan tòa, "một thành viên của Thượng Hội Đồng"( Lc 23,50 v Mt 27,57 v Mc 15,43 ). Giuse Arimath còn nhường ngôi mộ của mình cho Chúa nữa. Ông không sợ sau này chết không có chỗ chôn, hoặc chôn vào một chỗ khác tệ hơn. Nicodemo thì đảm nhận phần thuốc thơm ( Jn 19,39 ). Có lẽ hai người nghĩ rằng liên hệ với Chúa khi Chúa còn sống mới nguy hiểm, lúc Chúa chết là hết, ai còn làm khó dễ nữa.
Thật ra cả hai đều là khéo léo bênh vực Chúa và tìm cách cứu cho Chúa khỏi bị tử hình, nhưng không được ( Lc 23,51 ). Họ đã vì tôn kính, yêu mến Chúa mà tẩm liệm Chúa và an táng Chúa.
Hành động của họ thật đáng khen và đáng quý. Không biết khi Chúa sống lại họ còn theo Chúa nữa không ?
Chúng ta đang theo Chúa như thế nào ? Lén lút hay công khai ? Không có người nào theo Chúa âm thầm lặng lẽ mãi được, sẽ có lúc phải xác nhận niềm tin trước mọi người, có khi bằng những việc mình làm. Hơn nữa, người theo Chúa thật, họ phải sống thật, không thể giả dối, không thể nào là người im lặng, vì như thế làm sao theo lời dạy của Chúa trong việc rao truyền sự chết và sự sống lại của Chúa được ?
Có lẽ xưa nay bạn vẫn đi nhà thờ, nhưng giữa vòng bạn bè chưa ai biết bạn theo Chúa. Bạn rất sợ họ chê cười hay hỏi vặn. Tôi không bảo bạn đến với một người nào xưng mình là Tin Lành hay Công Giáo, chuyện ấy không quan trọng, vì tôn giáo giải phóng con người chứ không phải tôn giáo làm khổ con người. Tin Lành hay Công Giáo cũng đều thờ phượng một Thiên Chúa. Tôn giáo nào không tìm gặp Thượng Đế, tôn giáo làm cho con người trở nên ngu muội thì nên tránh xa tôn giáo đó. Bạn hãy sống, hãy làm việc với tinh thần tự do, hãy nói năng cách nào để chứng tỏ rằng Chúa đã chết vì bạn, là đủ. Người ta sẽ biết, sẽ hỏi, và bạn có dịp nói về Chúa cho họ một cách đầy đủ hơn. Bạn thử xem.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp con rao truyền sự chết của Chúa cho người nào chưa biết đến ý nghĩa của sự hy sinh này.
Lạy Chúa, xin cho con sống xứng đáng với sự hy sinh cao quý của Chúa - máu Chúa đổ ra để cứu chuộc nhân loại, cho con biết công khai rao giảng Tin Mừng chứ đừng lén lút. Con xin để toàn bộ di sản các bài viết suy tư này cho Giáo Hội và các thế hệ đàn em con cháu mai sau.

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Thập giá và lời xin của tên trộm


1. Trên Thập tự giá :
Sách Phúc âm đã mô tả : "Khi đến một chỗ gọi là Núi Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây Thập tự "( Lc 23,33 v Mt 27,33 v Mc 15,22 v Jn 19,17 ). Trên Thập tự giá là lúc Chúa Giêsu ( GS ) cô đơn nhất. Hai bên Ngài là hai kẻ trộm cướp. Trước mặt Ngài là một đám dân đông không xa lạ, nhưng đã làm mặt lạ. Người nhạo cười, kẻ chế diễu, chỉ có một người tội lỗi bênh vực Chúa. Trong nỗi cô đơn đau đớn ấy, Chúa cầu nguyện : "Xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm"( Lc 33,34 ).
Có bao nhiêu người trên đời này dám so sánh nỗi cô đơn của mình với nỗi cô đơn của Chúa GS trên Thập giá ? Trong cái cô đơn tương đối, chúng ta đã làm gì ? Đã nói gì ? Chúng ta có cầu nguyện xin cho kẻ bạc đãi mình, sỉ nhục mình được tha thứ hay không ?
Trên Thập tự giá Chúa còn cầu nguyện cho kẻ khác. Chúng ta có cầu nguyện cho ai không ? Thường thì ta cầu nguyện cho người thân của mình. Chúa GS không cầu nguyện cho Đức Maria, Mẹ Ngài đứng ngay gần đó, nhưng Chúa cầu thay cho kẻ thù của Ngài. Chúng ta có kẻ thù nghịch không ? Có bao giờ chúng ta cầu nguyện thành thật cho họ không ? Hãy làm điều ấy để nhớ đến Chúa.
Nghĩ đến nỗi đau thương của Chúa, chúng ta hãy liên tưởng đến sự hy sinh của Ngài để tội chúng ta được bôi xóa, để chúng ta trở thành con người mới. Chúa tha thứ cho chúng ta thể nào, hãy tha thứ cho người khác thể ấy.

2. Lời xin kẻ tử tội :
Tại đồi Gô-gô-tha hôm ấy có hai tử tội, đại diện cho cả nhân loại. Một người trong cơn đau khổ nhìn sang bên cạnh nhiếc móc Chúa và cho là Chúa vô quyền ( Lc 23,39 ). Đây là thái độ thông thường của người đời : không tin và chỉ trích. Hoặc là thái độ của những người chỉ muốn Chúa có linh quyền giải cứu mình thoát khỏi hiểm nguy, đau ốm, tai nạn. Tất nhiên là dù cho Chúa có giải cứu thì nó cũng sẽ quên hẳn Chúa, bởi vì nó chỉ nghĩ đến chuyện tạm bợ, chỉ cầu Chúa cũng như cầu khẩn bất cứ thần linh nào, người nào; không cần biết Chúa là ai cả. Người thứ hai cũng ở bên cạnh Chúa, cũng chịu một cực hình, nhưng có một thái độ khác. Anh ta biết Chúa vô tội, Chúa là Đấng Siêu phàm. Anh ta xin Chúa cứu anh ta, không phải khỏi khổ hình Thập giá, nhưng khỏi hỏa ngục là nơi mình sắp phải bước vào. Người này có lòng tin Chúa và xin Chúa giải cứu phần hồn của mình, với câu nói rất cảm động : "Ông GS ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi"( Lc 23,42 ).
Mỗi khi gặp gian nan trong đời sống, chúng ta có thái độ nào với Chúa ? Trách Chúa, nghi ngờ Chúa vô quyền, về hùa với đám đông vô tín phỉ báng Chúa hay là xin Chúa nhớ đến chúng ta ? Chúa không cần trả lời thái độ của người thứ nhất, người nhiếc móc Chúa. Nhưng Chúa đã trả lời cầu xin của người thành tâm tin nhận Ngài. Người ấy tưởng còn lâu lắm Chúa mới nhậm lời, Chúa đã nói ngay : "Hôm nay"( Lc 23,43 )- "Hôm nay, ngươi ở cùng Ta trên Thiên Đàng ".
Chúng ta hãy tin Chúa như vậy, hãy cầu xin Chúa thành tâm như vậy để "hôm nay" chúng ta được an nghỉ trong quyền năng của Chúa, để ra khỏi nỗi đau thương của tâm hồn và của thân xác vì những khó khăn mà chúng ta đang gặp trong cuộc sống này.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ người khác và cầu nguyện cho kẻ bách hại con.
Lạy Chúa, hôm nay xin nhớ đến con, cho con được an nghỉ trong tay Chúa.
            Những suy tư bàng bạc tình cờ,
          Mà  cứ mãi  cho con  niềm mến
          Biết bao lần âm thầm Chúa đến
          Con ru hoài  trong một  giấc mơ...

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2022

Phiên tòa bất công

 
Mời đọc Kinh Thánh : Mt 26,59-66 v 27,11-44; Mc 14,55-64 v 15,2-32; Lc 22,66-71 v 23,1-34; Jn 18,19-39 v 19,16-24.
1. Sự buộc tội :
Bạn biết tại sao người ta cố tình trừ diệt Chúa Giêsu ( GS ) không ? Có thể là vì danh tiếng của Chúa, dân chúng theo Chúa đông đảo, lời dạy của Chúa thẳng và vạch rõ tội ác của giới lãnh đạo tôn giáo. Nhưng tại sao người ta không thấy việc làm của Chúa là hiển nhiên chứng minh Chúa có quyền năng ? Chúa là Con Thiên Chúa ( TC ), là con Đức Chúa Trời ? Chúng ta nên nhớ điều này, những người muốn trừ diệt Chúa thật sự không muốn tìm sự thật, nhưng họ chỉ muốn "chụp mũ" Chúa mà thôi; không muốn xét vấn đề tận gốc, chỉ muốn chấm dứt mọi hoạt động của Chúa; ngày nay đôi khi chúng ta cũng vậy. Điều khó khăn là họ không tìm ra tội của Chúa. Chúa cũng chẳng giấu diếm gì, Chúa đã công khai tuyên bố Ngài là Con TC và nhiều điều khác nữa. Tại sao họ phải cật vấn Chúa về danh hiệu Đấng Mê-si-a, Con Đức Chúa Trời ? Họ thật là mâu thuẫn ( x Lc 23,67-70 ).
Đối với tôi thì họ chẳng tìm được tội nào để kết án Chúa. Vì Chúa thật sự là Con TC, Chúa thật sự từ trời đến. Họ làm sao chối cãi được sự thực đó. Trong cuộc thẩm vấn, Chúa đã dồn họ vào chỗ nói rằng Ngài là Con TC. Đó là tội mà họ cho là họ đã tìm ra, xem như một sự buộc tội hiển nhiên.
Có lẽ từ khi tin Chúa đến nay, chúng ta không quan tâm đến danh hiệu "Con TC". Người ta lên án Chúa, giết Chúa chỉ vì danh hiệu này, họ cho là lộng ngôn, phạm thượng. Còn bạn thì sao ? "Con TC", danh hiệu ấy có làm bạn khó chịu không ? Bạn muốn quên đi, muốn nghĩ đến những điều đẹp hơn, hay hơn về Chúa chăng ? Hay bạn là người Phật giáo, người khác đạo, bạn không nhận biết TC mà bạn vẫn lên án Đức GS ? Bạn cũng như tôi, chúng ta bị hơn 1000 năm đô hộ giặc Tàu, chúng ta bị ảnh hưởng được các cha ông truyền lại, bị ăn sâu vào não trạng rồi đấy. Những phong tục tập quán quá nặng nề đang cản lối chúng ta đi. Thượng tọa Thích Chân Quang là người uyên bác, học sâu hiểu rộng, vậy mà khi giảng bài cho các tu sinh cũng cho rằng những việc làm của Chúa GS trong Phúc âm là chuyện thần thoại, nhất là việc Chúa GS chữa bệnh và Ngài sống lại.
Bạn nên nhớ rằng chính Con TC đã đến trên mặt đất này, đã bị loài người gọi đích danh để sỉ nhục và giết đi là vì chính bạn, vì tội ác của bạn.
Đứng trước mặt bạn bây giờ cũng như đứng trước tòa khi xưa, Chúa không cần nói gì nữa,"Ngài vẫn làm thinh" ( Jn 19,9 v Mt 26,63a v Mc 14,61 v 15,5 ), Chúa muốn chính bạn công nhận Ngài là Con TC. Như vậy nghĩa là bạn công nhận sự giáng thế, sự chết, sự chôn cất, sự sống lại và sự tái lâm của Con TC.
Điều còn lại sau cùng là bạn đối với Con TC hôm nay như thế nào ? Chúng ta có dám đón nhận và tuyên xưng hay không ?

2. Phiên tòa xảy ra :
Một phiên tòa La Mã, có quan án là Tổng trấn Philato, có công tố viên là nguyên cả hội đồng Do Thái giáo. Cáo trạng có hai phần : Thứ nhất là tội phạm chính trị, họ vu cáo Chúa xúi dân làm loạn, chống La Mã; thứ hai là tội phạm tôn giáo, Chúa xưng mình là Mê-si-a, là Vua. Philato điều tra xong, tuyên bố Chúa GS không vi phạm luật La Mã. Philato đẩy Chúa sang cho Herode để xử về vụ : "Vua Do Thái". Vua Herode cũng chẳng có bằng cớ gì, vì Chúa chẳng có chiêu binh mã, chẳng có đồn trại, chẳng có lực lượng gì đâu. Chính vua Herode cũng "không thấy người này có tội gì" nên ông ta đã nói : "Người này đã không làm điều gì đáng chết"( Lc 23,15b ).
Quan án dõng dạc tuyên bố : Bị cáo vô tội, tha bổng. Philato tưởng đã xong, vì theo lệ thường vào dịp lễ này Tổng trấn vẫn tha một tội nhân ( Lc 23,17 v Jn 18,39 ). Ba lần xác nhận Chúa vô tội, Philato đều bị đám đông gào thét chống lại. Họ đòi tha tên cướp Baraba là kẻ giết người trong một cuộc dấy loạn,và xử tử Chúa mặc dù Chúa vô tội ( Lc 23,18 v Jn 18,40 ; 19,14-16 ). Philato chịu thua, và Chúa GS bị tử hình ( Jn 19,6 ). Đúng như lời một người đã viết :

        Hôm qua Hosana, vạn tuế !
        Hôm nay: Đả đảo, đóng đinh ngay
        Sự  đời  sao  dễ  đổi  thay,
        Ăn  no  rồi  lại  phủi  tay  bội  tình !

Nhưng đây là giá mà Chúa GS phải trả để cứu chuộc nhân loại tội ác. Chỉ một mình Chúa trả giá này vì Chúa vô tội và Ngài yêu thương nhân loại.
Hôm nay bạn hãy nghĩ đến bản án này, một bản án đáng lẽ dành cho chính bạn hay tôi, vì chúng ta mới đáng tử hình, chúng ta mới phản nghịch Chúa Cao Cả, chúng ta đã phạm đủ điều vô luân đối với đồng loại. Nhưng Chúa GS vô tội, thánh khiết, đã bằng lòng nhận bản án tử hình ấy cho tôi và bạn được tha bổng.
Có bao giờ chúng ta quay lại cảm ơn Chúa vì Ngài đã im lặng lãnh án tử hình thay cho chúng ta không ?
Bạn có thể làm hơn thế nữa. Bạn hãy sống như người vừa được tha bổng, không bao giờ phạm tội nữa, và hãy giúp cho một người nào đó biết rằng người ấy cũng đã được tha bổng như bạn. Bạn đừng để ân nhân của bạn phải đau khổ vì bạn bao giờ cả nhé !

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa GS là Con TC, xin tha thứ sự vô tín, bất phục của con đối với Ngài, con xin tôn Ngài làm Chúa của con từ nay và mãi mãi.
Lạy Chúa, bản án của con Chúa đã nhận, Chúa đã chết thay cho con, xin cho con biết và nhớ mãi điều này để không đan tâm sa vào tội ác, phản bội ơn nghĩa Chúa. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.


Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

Trước giờ đau thương và người theo Chúa

( Tặng MK )



 1. Trước giờ đau thương :
Người ta thường nói đến lằn roi, những vết gai đâm, mũi đinh nhọn, lưỡi giáo bén làm thân Chúa rách nát...nhưng ít ai nghĩ đến cơn đau ở vườn Giết-sê-ma-ni trước khi quân thù vây bắt Chúa. Trời về khuya gần sáng, Chúa đi với các Môn đệ lên núi Ôliu vào khu vườn Giết-sê-ma-ni, mục đích chính là để cầu nguyện. Thật ra chỉ có Chúa Giêsu ( GS ) cầu nguyện, các Môn đệ thân tín : Phero, Gioan, Giacobe, và tám người khác tìm gốc cây ngã lưng, hoặc nằm ngang dọc trên đất, làm một giấc tự nhiên, thoải mái. Luca nói rằng họ ngủ mê vì buồn phiền ( Lc 22,45b ). Ngày nay một số bác sĩ cho là hợp lý vì có trường hợp buồn quá mà ngủ say. Tôi không nghĩ như vậy, vì tôi biết khi buồn, tôi trằn trọc và thức trắng cả đêm. Họ chỉ ngủ vì muốn ngủ, hoặc là Chúa vừa báo Nước Trời không có những chức quyền mà họ mong đợi, họ đâm ra chán nản, mặc cho giấc ngủ kéo đi. Ngủ kiểu này chẳng khác gì ngủ liều, hoặc quá mỏi mệt, như ngày xưa Tú Xương đã từng viết : "Ngủ quách sự đời thay đứa thức / Bên chùa thằng trọc đứng khua chuông".
Trong lúc ấy Chúa GS đau đớn, chiến đấu một mình. Chúa cầu nguyện ba lần, Chúa đau thương, cô đơn ngay gần bên những Môn đệ ngủ say. Những lời : trỗi dậy, tỉnh thức, cầu nguyện, cám dỗ, kẻo phải sa chước... không tác dụng gì cho những người đã ngủ say. Có người bảo : Nếu không thắng được giấc ngủ là trở ngại mà ta có thể chế ngự được, thì làm sao thắng được những trở ngại mà ta bất lực ?

            Nhân loại đang còn say giấc ngủ,
            Tìm nơi nao Lãnh tụ Tinh thần ?
            Ta  gõ  cửa  bao  lần  tự  nhủ :
            Bước vào phòng tiệc cưới Ngài ban.

Gỉa sử chúng ta có mặt trong vườn Giết-sê-ma-ni lúc ấy, chúng ta sẽ làm gì ? Chắc chúng ta sẽ lay mấy ông bạn ngủ say dậy, cho họ thấy từng giọt mồ hôi máu của Chúa vì đau thương mà đổ ra, gương mặt phấn đấu cam go của Chúa. Chúng ta sẽ có nhiều lời rất nặng để la mắng, quở trách những kẻ vô tình. Tôi mong bạn làm được như vậy. Nhưng tôi nghĩ nếu có tôi ở đó, tôi cũng đã ngủ vùi. Tại sao ? Vì tôi chưa thấy nỗi đau thương của Chúa, tôi không biết nỗi đau thương của Đấng Thánh từ cõi vinh quang sắp phải nhận hình án ghê gớm nhất của một tử tội.
Bây giờ thì khác, bạn và tôi đã hiểu rõ. Chúng ta làm gì được ? Chúng ta biết đón nhận lời Chúa dạy : "Hãy đứng dậy cầu nguyện, để khỏi sa vào sự cám dỗ"( Lc 22,46b v 40 ). Có sách dịch gọn hơn : "Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ". Cám dỗ gì lúc này ? Cám dỗ chối Chúa. Bạo lực vây quanh gây áp lực, lối cám dỗ này khi nào cũng dễ thực hiện, chực sẵn trong ta, chỉ có thể thắng được bằng cầu nguyện.
Đừng ngủ vùi trong chán nản, thất vọng hay buồn rầu. Cũng đừng ngủ vùi trong thú vui, thành công, giàu có ở đời này. Hãy cầu nguyện ít nhất mỗi ngày một lần để có thể đứng vững trong niềm tin và không chối Chúa. Ngày nay có nhiều người cũng dễ bỏ đạo để đi theo một khuynh hướng nào đó vì danh vọng, vì sự nghiệp chính trị.

2. Người theo Chúa :
Nói đến "Người theo Chúa" trước tiên ai cũng tưởng là các Môn đệ. Do vậy ta cần nói một chút về những con người này.
Không biết các môn đệ của Khổng Tử ra sao chứ các Môn đệ của Chúa thật là mệt ! Người nào cũng nói đến cái chết y như là chuyện chơi. Chúa thì khác, Chúa biết từng Môn đệ của Ngài : Anh thì "bạo phổi", anh khác "đa nghi", anh thì "mới thấy sóng cả đã ngã tay chèo", có anh coi tẩm ngẩm tầm ngầm mà đòi làm "quan đầu triều", anh khác thì làm bộ thương người mà máu tham hễ thấy tiền thì mê. Kinh Thánh chẳng mấy khi ghi lại các cuộc đàm thoại của họ, nhưng dường như hễ ngồi lại là cãi nhau, là đòi hơn thua.
Thánh Kinh ghi lại tất cả những điểm xấu của họ, chứ không tâng bốc họ như các bậc Thánh, vì thật sự là như vậy. Chúa chỉ muốn các Môn đệ biết rõ điều này :
        a. Họ chỉ là con người yếu ớt, dễ bỏ Chúa hơn là theo Chúa.
        b. Họ sẽ gặp muôn vàn thử thách khi đi rao giảng Phúc âm. Những ngày sắp tới của họ sẽ nguy nan vô cùng, họ sẽ phải đối phó với mọi khó khăn.
Các Môn đệ có vẻ tự tin lắm. Nhưng ta thử nhìn dưới cây Thập tự, lúc ấy gần trút hơi thở, Chúa chỉ thấy một người Môn đệ là Gioan, còn bao nhiêu trốn đi hết. Gioan cũng chả can đảm gì, vì nhờ quen thuộc nên không sợ bị làm hại thôi. Lúc Chúa GS bị trói ngoài sân thì ông vẫn đi đi lại lại trong dinh của quan Tổng Trấn ( x Jn 18,15-16 ).
Đó là con người của các Môn đệ, của tôi, của bạn.
Nếu chúng ta lấy sức của thân xác, của bản ngã mà quả quyết rằng mình sẽ trung kiên, mình sẽ làm điều này điều nọ cho Chúa, chúng ta sẽ thất bại ê chề. Chúng ta cần nhận rằng : mình thật yếu đuối, dễ thất hứa, dễ bỏ Chúa và hoàn toàn nhờ Chúa bảo vệ trợ giúp, chúng ta mới vượt qua được.
Trên đường đến đồi Gô-gô-tha người ta thấy một đám đông kéo đi, đám đông này gồm có quân lính La Mã, người trong Hội đồng Do Thái, các bậc lãnh đạo tôn giáo : mấy ông linh mục thời đó, dân chúng và những phụ nữ. Đám đông này vắng mặt các Môn đệ của Chúa, có thể họ đi thật xa để tránh bị nhận diện.
Thời nào cũng vậy, phụ nữ có lẽ liều hơn nam giới. Họ không sợ gì cả, đi ngay sát bên Chúa mà than khóc. Thật ra họ là Mẹ Chúa, dì Chúa, Maria Madalena, Maria vợ của ông Cleopas, những người thân của Chúa, có lẽ thêm một số các bà khác cùng đi. Họ đều khóc lóc thảm thiết. Chúa nhìn họ mà bảo rằng : "Đừng khóc vì Ta, nhưng hãy khóc về chính các ngươi và con cháu các ngươi"( Lc 23,28 ). Sau đó Chúa nói tiên tri về những việc sẽ xảy ra, gần cũng như xa.
Ta để ý đến các phụ nữ than khóc Chúa. Họ thương Chúa vô cùng. Một người con, một người cháu, một người Thầy sắp bị tử hình, vai vác thập tự nặng nề, đầu tuôn máu vì gai nhọn đâm thâu. Khóc thương là phải. Tuy nhiên Chúa bảo họ đừng khóc vì Chúa, nhưng hãy khóc về chính họ và con cháu họ. Không cần phải than khóc, lo buồn về Chúa, vì đây là con đường Chúa phải đi, việc Chúa phải làm, không ai cần thương khóc cho Chúa, vì Chúa sẽ Phục sinh.
Ngày nay mỗi mùa thương khó cũng có những người khóc vì cái chết của Chúa, vì máu, vì vết thương của Chúa, vì lưỡi đòng đâm xuyên qua cạnh sườn Chúa... Chúa cũng nói với người ấy rằng : "Đừng khóc vì Ta, nhưng khóc vì các con và con cháu của các con". Nghĩa là hãy khóc về nỗi đau thương của chính mình và con cháu mình. Nỗi đau thương của những người chưa hiểu được thương khó của Chúa là vì mình, là lối thoát cho mình.
Trong mùa thương khó này chúng ta hãy nghĩ đến nỗi đau thương vì tội lỗi chưa dứt bỏ của mình, nỗi đau thương về con, về cháu, về thân nhân chưa biết Chúa đã hy sinh cho họ. Hãy xưng tội và hãy nói cho một người thân của mình biết ý nghĩa cái chết của Chúa GS.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, đã bao lần con hứa trung thành với Chúa, nhưng xin giúp con làm một việc nhỏ là trung tín cầu nguyện với Chúa.
Lạy Chúa, nghĩ đến đau thương của con vì tội lỗi chưa dứt, và còn gây đau thương cho Chúa, làm cho Chúa buồn, con xin Chúa tha thứ tội lỗi cho con, con xin hứa hết lòng theo Ngài.
Lạy Chúa, xin cho con biết các nhược điểm của con để con hoàn toàn nương vào sức Chúa mà sống !

JB.SĨ TRỌNG.

Chùm thơ 71

HẬU COVID

Buổi sáng ăn gì chẳng thấy ngon,
Qua đêm giấc ngủ vẫn không tròn
Cơn  ho  cứ  đến  hành  thân  xác,
Chờ đợi  bình minh  gọi  sớm  hơn.



LOÀI CHÓ

Chó  là  loài  vật  thật  dễ  thương,
Có nghĩa còn hơn cả khách thường
Một mực trung thành luôn với chủ,
Cho dù  gặp phải  những  tai  ương.



BUÔNG THẢ

Thôi, suy nghĩ làm chi thêm ấm ức,
Một ngày dài với vạn nỗi sầu tuôn...
"Ngủ quách sự đời thay đứa thức,
Bên chùa thằng trọc đứng khua chuông"(*).

(*) Thơ Trần Tế Xương.



  TRĂNG SÁNG HIÊN NHÀ

Trăng  đã  vô  tình  gõ  cửa  ai ?
Phá tan giấc mộng một đêm dài
Ánh trăng lơi lả ngoài hiên vắng,
Gợi gió băn khoăn thắm nhụy lài.

JB.Sĩ Trọng.