Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Thập giá và lời xin của tên trộm


1. Trên Thập tự giá :
Sách Phúc âm đã mô tả : "Khi đến một chỗ gọi là Núi Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây Thập tự "( Lc 23,33 v Mt 27,33 v Mc 15,22 v Jn 19,17 ). Trên Thập tự giá là lúc Chúa Giêsu ( GS ) cô đơn nhất. Hai bên Ngài là hai kẻ trộm cướp. Trước mặt Ngài là một đám dân đông không xa lạ, nhưng đã làm mặt lạ. Người nhạo cười, kẻ chế diễu, chỉ có một người tội lỗi bênh vực Chúa. Trong nỗi cô đơn đau đớn ấy, Chúa cầu nguyện : "Xin Cha tha tội cho họ, vì họ không biết việc họ làm"( Lc 33,34 ).
Có bao nhiêu người trên đời này dám so sánh nỗi cô đơn của mình với nỗi cô đơn của Chúa GS trên Thập giá ? Trong cái cô đơn tương đối, chúng ta đã làm gì ? Đã nói gì ? Chúng ta có cầu nguyện xin cho kẻ bạc đãi mình, sỉ nhục mình được tha thứ hay không ?
Trên Thập tự giá Chúa còn cầu nguyện cho kẻ khác. Chúng ta có cầu nguyện cho ai không ? Thường thì ta cầu nguyện cho người thân của mình. Chúa GS không cầu nguyện cho Đức Maria, Mẹ Ngài đứng ngay gần đó, nhưng Chúa cầu thay cho kẻ thù của Ngài. Chúng ta có kẻ thù nghịch không ? Có bao giờ chúng ta cầu nguyện thành thật cho họ không ? Hãy làm điều ấy để nhớ đến Chúa.
Nghĩ đến nỗi đau thương của Chúa, chúng ta hãy liên tưởng đến sự hy sinh của Ngài để tội chúng ta được bôi xóa, để chúng ta trở thành con người mới. Chúa tha thứ cho chúng ta thể nào, hãy tha thứ cho người khác thể ấy.

2. Lời xin kẻ tử tội :
Tại đồi Gô-gô-tha hôm ấy có hai tử tội, đại diện cho cả nhân loại. Một người trong cơn đau khổ nhìn sang bên cạnh nhiếc móc Chúa và cho là Chúa vô quyền ( Lc 23,39 ). Đây là thái độ thông thường của người đời : không tin và chỉ trích. Hoặc là thái độ của những người chỉ muốn Chúa có linh quyền giải cứu mình thoát khỏi hiểm nguy, đau ốm, tai nạn. Tất nhiên là dù cho Chúa có giải cứu thì nó cũng sẽ quên hẳn Chúa, bởi vì nó chỉ nghĩ đến chuyện tạm bợ, chỉ cầu Chúa cũng như cầu khẩn bất cứ thần linh nào, người nào; không cần biết Chúa là ai cả. Người thứ hai cũng ở bên cạnh Chúa, cũng chịu một cực hình, nhưng có một thái độ khác. Anh ta biết Chúa vô tội, Chúa là Đấng Siêu phàm. Anh ta xin Chúa cứu anh ta, không phải khỏi khổ hình Thập giá, nhưng khỏi hỏa ngục là nơi mình sắp phải bước vào. Người này có lòng tin Chúa và xin Chúa giải cứu phần hồn của mình, với câu nói rất cảm động : "Ông GS ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi"( Lc 23,42 ).
Mỗi khi gặp gian nan trong đời sống, chúng ta có thái độ nào với Chúa ? Trách Chúa, nghi ngờ Chúa vô quyền, về hùa với đám đông vô tín phỉ báng Chúa hay là xin Chúa nhớ đến chúng ta ? Chúa không cần trả lời thái độ của người thứ nhất, người nhiếc móc Chúa. Nhưng Chúa đã trả lời cầu xin của người thành tâm tin nhận Ngài. Người ấy tưởng còn lâu lắm Chúa mới nhậm lời, Chúa đã nói ngay : "Hôm nay"( Lc 23,43 )- "Hôm nay, ngươi ở cùng Ta trên Thiên Đàng ".
Chúng ta hãy tin Chúa như vậy, hãy cầu xin Chúa thành tâm như vậy để "hôm nay" chúng ta được an nghỉ trong quyền năng của Chúa, để ra khỏi nỗi đau thương của tâm hồn và của thân xác vì những khó khăn mà chúng ta đang gặp trong cuộc sống này.

3. Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin giúp con tha thứ người khác và cầu nguyện cho kẻ bách hại con.
Lạy Chúa, hôm nay xin nhớ đến con, cho con được an nghỉ trong tay Chúa.
            Những suy tư bàng bạc tình cờ,
          Mà  cứ mãi  cho con  niềm mến
          Biết bao lần âm thầm Chúa đến
          Con ru hoài  trong một  giấc mơ...

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét