Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Nghiệp mà không chướng


1. Hai người thành một :
    Có một lần trên chuyến xe từ thiện, tôi đi chung với những người Phật tử. Vào dịp cuối năm là mùa cưới hỏi, dọc đường thấy người ta che rạp khá nhiều và trang trí khá bắt mắt. Trên xe có một Phật tử nhìn thấy như vậy, anh ta thốt lên : "Đám cưới là tạo nghiệp". Tôi bèn hỏi : "Tạo nghiệp là sao ạ ?" Anh ta trả lời : "Nghiệp là nghiệp chướng. Tạo nghiệp là tạo nên những nghiệp chướng đau khổ ở đời này". Vị sư ngồi cạnh bên tôi nghe mà chẳng nói gì. Tôi nghĩ đây là quan điểm của người tín hữu Phật giáo. Hôm nay, bỗng nhiên nhớ lại câu chuyện, tôi muốn sử dụng từ ngữ ấy để đưa vào tiêu đề bài viết.
    Lâu lâu đọc lại Cựu ước một chút để suy tư, cũng thẳm sâu và cũng làm tăng thêm phần thú vị. 
    Có hai vấn đề mà nhiều người thường thắc mắc khi đọc về cuộc đời của Apraham, Giacop cũng như một số nhân vật khác trong Cựu ước là vấn đề đa thê và kết hôn trong vòng bà con.
    Như chúng ta đã biết, không phải tất cả những gì Thánh Kinh Cựu ước ghi lại là để chúng ta bắt chước và làm theo. Thánh Kinh ghi lại trung thực tất cả những gì đã xảy ra. Đối với người thời xưa, bà con lấy nhau là chuyện thông thường vì lúc đó chỉ mới có ít người và các gia đình sống rải rác từng vùng, không ai biết ai nhiều. Hơn nữa, vì hoàn cảnh sống và vì kinh tế, người ta cần sống gần nhau để chống lại thú dữ và mang những người bà con ở chung vào một chỗ để giúp đỡ lẫn nhau. Do đó không ai muốn gả con cho người lạ ở xa mà cũng không ai muốn cưới con gái của những nhóm người xa lạ về trong gia đình mình.
    Về vấn đề đa thê, Thánh Kinh không đề cao hoặc khuyến khích. Gia đình đầu tiên do Thiên Chúa ( TC ) tạo dựng chỉ có một người nam và một người nữ, chứng tỏ Chúa hàm ý gia đình chỉ có một vợ một chồng. Chúa Giêsu ( GS ) cũng nhắc lại điều này khi có người hỏi Ngài về vấn đề hôn nhân và ly dị. Câu trả lời của Chúa GS được Mathêu ghi lại như sau : "Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán : người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt"( Mt 19,4-6 v Êp 5,31 ).
    Vì đa thê không phải là ý định của Chúa dành cho loài người nên những người có nhiều vợ và những gia đình có con cái do nhiều bà vợ khác sinh ra, thường có nhiều xích mích lắm, có khi dẫn đến hận thù. Đây là điều chúng ta thấy rõ trong gia đình của Giacop. Ngoài hai bà vợ là Lê-a và Ra-chên, Giacop còn có hai hầu thiếp, các bà này ganh ghét và chèn ép nhau, chúng ta có thể tưởng tượng bao nhiêu chuyện nhức đầu Giacop phải phân xử mỗi ngày.
    Các bà vợ của Giacop sinh được 12 người con trai và một người con gái. Những người con này tuy sống dưới một mái nhà, nhưng vì khác mẹ nên cũng không yêu thương gì nhau mấy. Đọc những chương kế tiếp chúng ta sẽ thấy rõ những nan đề rắc rối mà Giacop gặp phải chỉ vì ông có quá nhiều vợ.
    Tóm lại, chúng ta có thể nói, dù Thánh Kinh không lên án rõ ràng vấn đề đa thê, chấp nhận bản năng yếu đuối của con người; nhưng với sự khôn ngoan Chúa ban cho, chúng ta cũng đã thấy rõ hậu quả tai hại của tập tục này. Hơn nữa, trong Tân ước Thánh Phaolo dạy : "Chồng phải yêu vợ như chính thân mình, còn vợ phải kính phục chồng"( Êp 5,28 v 22 ) - Lời dạy này cho thấy, chúng ta chỉ có thể dành tình yêu tuyệt đối và sự phục tùng cho một người vợ hay một người chồng mà thôi. Sách giáo lý Hôn nhân gọi một trong ba yếu tố mẫu mực của hôn nhân Công giáo này là "trung thành tuyệt đối"( xem Sách GLHN của GP Xuân Lộc, ở phần đầu, bài 1, trang 4 ).

2. Người được phước lành :
    Từ St 30,1-24 đến St 30,25-43 chúng ta thấy : Laban đã lợi dụng Giacop thế nào ? Laban nhận thức điều gì về Giacop ? Giacop đối xử với Laban ra sao ? Việc Giacop được thịnh vượng khích lệ chúng ta điều gì ? Riêng cá nhân tôi thấy có nhiều tình huống xảy ra giống những gia đình hiện nay.
    Trong số 2 người vợ và 2 hầu thiếp của Giacop, chỉ có Ra-chên là không có con. Nhưng cuối cùng Chúa nhậm lời cầu xin của Ra-chên và cho bà sinh được một đứa con trai, bà đặt tên là Giosep. Lúc Giosep ra đời thì khế ước giữa Giacop và Laban cũng chấm dứt : Giacop đã giúp việc cho Laban đủ 14 năm ( c 25-26 ).
    Khi Giacop mới đến, Laban không có con trai, có lẽ trong 14 năm đó Laban đã sinh được mấy người con trai ( St 31,1 ), Giacop biết sẽ không được thừa hưởng phần nào trong gia tài của Laban nên xin phép được trở về quê cũ để lo gây dựng gia đình riêng của mình. Giacop phải xin phép Laban, vì lúc này Giacop chẳng khác gì một nô lệ của Laban, phải có phép của chủ mới được ra khỏi nhà chủ. Điều này cho thấy Laban tuy là cậu ruột nhưng đã không đối xử với Giacop theo tình bà con máu mủ.
    Phân đoạn từ câu 27-31a cho thấy Laban không muốn cho Giacop ra khỏi vòng kiểm soát của ông. Vì thế ông không trả lời điều Giacop xin nhưng cứ nói vòng quanh để giữ Giacop ở lại giúp việc cho ông thêm một thời gian nữa. Laban biết rõ là nhờ Chúa ban phước cho Giacop mà ông được phát đạt, đây là lý do Laban muốn giữ Giacop lại.   
    Đề nghị của Giacop trong câu 32 được Laban chấp thuận ngay vì đây là điều hiếm có, thường chỉ có chiên màu trắng và dê màu đen, ít khi nào có dê màu trắng, ngày nay lai tạo nhiều nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, thời xưa thì không có, chỉ có chiên màu đen hoặc loại chiên và dê pha màu trắng đen. Laban nghĩ rằng Giacop sẽ không được bao nhiêu súc vật vì những loại súc vật ấy hiếm có. Hơn nữa, ông nghĩ ông có thể "chơi tay trên" Giacop bằng cách lựa những súc vật đó để riêng ra, và như thế ông nắm phần chắc rằng Giacop sẽ không được một con nào cả. Đọc phần này ta thấy Laban là người ích kỷ và nhiều thủ đoạn. Ông biết chính nhờ Chúa ban phước cho Giacop ông mới được giàu có, nhưng ông không biết ơn Giacop, trái lại ông còn làm đủ mọi cách để vừa lợi dụng vừa bắt chẹt Giacop.
    Tuy nhiên, câu cuối cùng trong phân đoạn này ghi rằng : "Người trở nên rất giàu, có nhiều bầy súc vật, tôi trai, tớ gái, lạc đà và lừa". Dù Laban không tử tế, dùng đủ mọi cách để lợi dụng Giacop, Chúa vẫn ban phước cho Giacop vì ông là người của Chúa, đã được Chúa chọn và ban phước đặc biệt. Đây là điều an ủi chúng ta rất nhiều. Khi ta đã thuộc về Chúa, là con của Chúa, không ai có thể ngăn cản phước lành của Chúa đến với chúng ta.
    Những nhánh cây Giacop để chỗ máng nước cho súc vật uống thật sự không có tác dụng gì. Giacop có nhiều chiên và dê có vằn có đốm chỉ là phép lạ Chúa làm để ban phước cho ông.

3. Trở về :
    Tại sao Chúa bảo Giacop trở về quê hương ? Giacop phản ứng thế nào ?
    Giacop thấy các con của Laban cũng như chính Laban đều có vẻ không tử tế với mình như trước, nên biết rằng đã đến lúc ông phải ra đi.
    Chính lúc đó Chúa cũng hiện đến và bảo Giacop trở về nhà của thân phụ ông. Đọc Kinh Thánh chúng ta còn nhớ mấy trăm năm trước Chúa đã hiện ra với ông của Giacop, tức là Apraham, và bảo hãy ra khỏi quê hương và đi theo Ngài. Tuy là hai mệnh lệnh khác nhau, nhưng cả Apraham và Giacop đều có phản ứng giống nhau, đều vâng lời Chúa truyền và lên đường ngay. Khi nghe rõ tiếng Chúa và biết rõ điều Chúa phán dạy, chúng ta nên vâng lời và thực hành ngay.
    Ngoài điểm vừa nêu trên, phân đoạn này còn cho chúng ta thấy những bài học sau :
        a. BH1 : Không phải nhờ sự tính toán của Giacop nhưng nhờ ơn lành của Chúa mà Giacop đã được một bầy súc vật đông đúc. Chúa có thể thực hiện những việc đi ngược lại với định luật thiên nhiên để ban phước cho con cái của Ngài, vì Chúa là Đấng Tạo Hóa nên Ngài có quyền trên thiên nhiên và vạn vật. Chúng ta không cần dùng mưu kế tính toán nhưng chỉ yên lặng phó thác mọi sự cho Chúa.
         b. BH2 : Những tính xấu của Laban chúng ta nên tránh :
            - Hay thay đổi : Trong thời gian 20 năm Giacop giúp việc cho Laban, ông đã 10 lần thay đổi công giá ( c 41 ). Ông cũng thay lòng đổi dạ, không đối xử tử tế với Giacop như trước vì thấy Giacop được Chúa ban phước nhiều hơn ông ( c 2 ).
            - Ích kỷ và giả dối : Khi biết tin Giacop đã đem vợ con ra khỏi nhà, Laban đuổi theo định bắt tất cả trở lại để Giacop tiếp tục phục vụ mình. Nhưng lúc gặp Giacop ông đã giả bộ nói rằng : "Sao trốn nhẹm, gạt và không cho cậu hay trước ? Có lẽ cậu đưa đi rất vui vẻ, tiếng hát, tiếng đàn và tiếng trống phụ đưa"( c 27 ).
            -Chính mình không giữ lời hứa nhưng lại lấy Chúa ra để dọa người khác bắt họ phải giữ lời hứa : Laban đã không giữ lời hứa và không đối xử tử tế với Giacop, nhưng lại buộc Giacop phải đối xử tử tế với con cháu của ông. Laban biết Giacop là người kính sợ Chúa nên đã lấy Chúa ra để dọa Giacop.
        c. BH3 : Chúa đã can thiệp và che chở cho Giacop. Dù Giacop không biết ông đang gặp khó khăn và chưa cầu xin, Chúa cũng đã can thiệp kịp thời để cứu ông. Điều này cho thấy khi chúng ta gặp hoàn cảnh khó khăn Chúa đều biết rõ và Ngài sẵn sàng can thiệp để cứu, dù chúng ta chưa cầu xin với Ngài.  

4. Lời kết :
    Tóm lại, mâu thuẫn và xung đột anh em bà con lúc nào cũng có, đời nào cũng có. Con người sinh ra tự gánh lấy những đau khổ, rồi tự cảm thấy mình như một nghiệp chướng. Nhưng có bàn tay Chúa can thiệp vào thì nghiệp ấy không còn là chướng nữa. Quan niệm về nghiệp chướng không phù hợp vì nó tự hạ thấp giá trị con người.
    Lạy Chúa, xin soi sáng con khi con học lời của Chúa trong Thánh Kinh, để con thấy rõ đâu là gương sáng cần noi theo, đâu là gương xấu con phải tránh đi.
    Cám ơn Chúa vì kinh nghiệm của Giacop khích lệ con rất nhiều. Xin giúp con nhớ rằng : Khi Chúa ở với con không ai có thể làm hại con hoặc ngăn cản những phước lành Chúa dành cho con.
    Xin cho con tránh được những tính xấu của Laban và đối xử với mọi người bằng tình thương chân thật. Xin cho con giữ vững lòng tin nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh vì biết Chúa thấy rõ tất cả và Ngài sẽ can thiệp để cứu giúp con.

JB.SĨ TRỌNG.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét