Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

Chúa Phục sinh và Sứ điệp Bình an

1.Lời báo trước và sự quả quyết :
Thật khó tin khi nghe Chúa nói : "Hãy phá Đền thờ này đi, nội trong 3 ngày Ta sẽ xây dựng lại" - Lúc ấy chẳng ai hiểu được Đền thờ chính là thân xác của Người. Các sách Tin Mừng cũng ghi lại nhiều lần Chúa Giêsu báo trước cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Ngài:  "Con người sẽ bị nộp vào tay người ta, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại"( x Mt 16,21 v Mc 8,31 v Lc 9,22 ). Nếu đọc kỉ ta thấy khi báo trước mầu nhiệm Phục sinh thì mầu nhiệm Thương khó Chúa nói rõ hơn, nhưng các Môn đệ lúc ấy cũng chẳng hiểu gì ( x Lc 18,32-33 v Mt 20,18-19 v Mc 10,33-34 ). Chúa Giêsu dùng lối nói ẩn dụ để chỉ về việc sống lại của Ngài : "Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không mục nát đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu mục nát đi, nó sẽ sinh được nhiều hạt khác"( Jn 12,24 ). Ngài còn liên hệ dấu lạ Ngôn sứ Giôna để các Môn đệ nhận biết, nhưng các ông vẫn mù tịt : "Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con người sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy"( Lc 11,30 v Mt 16,4 ). "Ông Giôna ở trong bụng kình ngư 3 ngày 3 đêm thế nào, thì Con người cũng sẽ ở trong lòng đất 3 ngày 3 đêm như vậy"( Mt 12,40 ).
Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha - Đây là bằng chứng hùng hồn, nhờ thế mà chúng ta có niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cửu. Không phải Chúa hiện ra một lần mà Chúa hiện ra nhiều lần với nhiều người trông thấy, có các tường thuật và nhiều nhân chứng. Thật vậy, chúng ta nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người thì chúng ta cũng nên một với Người, nhờ được sống lại như Người ( x Rm 6,4-5 ). Thánh Phaolô quả quyết : "Nếu Đức Kitô không trỗi dậy thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng... và anh em vẫn phải sống trong tội lỗi" ( 1 Cr 15,14-17 ).
Những ai tin Chúa sống lại thì tâm hồn họ có niềm hy vọng và sự can đảm hòa quyện vào nhau, còn kẻ không tin thì tìm mọi cách chối bỏ các chứng cứ như Thượng tế Caipha và Tổng trấn Philatô xưa kia tung tin đồn xuyên tạc với ý đồ đánh mất lòng tin của con người tin vào Chúa Phục sinh ( x Mt 28,12-15 ).
Thần Khí Thiên Chúa làm cho Chúa Giêsu sống lại, không những chấp cánh ước mơ cho nhân loại mà còn đem lại sự sống mới cho nhân loại, Thánh Phaolô quả quyết thêm : "Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết... thì Đấng ấy cũng làm cho thân xác anh em được sự sống mới"( Rm 8,11 ).
Sự sống mới là sự sống như thế nào ? Sự sống mới là sự sống bất diệt. Nhờ tin vào Đức Kitô Phục sinh mà con người hoàn toàn không còn lo sợ nữa. Con người biết đón nhận Thánh ý của Thiên Chúa, biết đón nhận nghịch cảnh và bình an trong mọi hoàn cảnh, tin tưởng vào sự sống đời sau chung hưởng hạnh phúc Nước Trời.
Nguyên tổ phạm tội, cả nhân loại đi vào cõi chết. Chúa Giêsu chiến thắng tội lỗi và tử thần trả lại sự sống cho nhân loại. Mầu nhiệm Chúa Phục sinh giúp con người thoát khỏi thân phận trở về cát bụi. Chính giá trị này mà sau khi Phục sinh Chúa đã nhắc lại điều Ngài đã báo trước đây, Thánh sử Luca hai lần ghi lại : "Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang quang của Người sao ?". "Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại" ( Lc 24,26 v Lc 24,46 ) - Lời này lại càng quả quyết để các Tông đồ mạnh dạn đi Rao giảng Tin Mừng.
Cuối cùng, để quả quyết hơn, vị Giáo Hoàng tiên khởi của Giáo Hội đã khẳng định : "Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa"( 1 Pr 1,21 ).

2.Sứ điệp bình an :
Lượt đi từ Kinh Thánh :
   .Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các Môn đệ ở, các cửa đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !"( Jn 20,19 ).
   .Các ông còn đang nói thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo : "Bình an cho anh em !"( Lc 24,37 ).
   .Tám ngày sau, các Môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín, Đức Giêsu đến đứng giữa các ông và nói : "Bình an cho anh em !"( Jn 20,26 ).
   .Người lại nói với các ông : "Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em"( Jn 20,21 ).
Không có Đại dịch nhưng các Môn đệ đã tự cách ly xã hội vì các ông sợ người Do Thái bách hại. Lúc đầu khi Chúa mới hiện ra, các Thánh Tông đồ ai cũng sợ, Chúa phán : "Bình an cho anh em", do đó sứ điệp Tin Mừng Phục sinh là sứ điệp bình an. Khi chạm đến Chúa Phục sinh rồi thì con người không còn lo sợ nữa. Vì vậy sứ điệp bình an rất quan trọng, có bình an thì các Tông đồ mới tiếp tục sứ mệnh của Thầy mình trao phó, mặc dù trước mắt là muôn vàn hiểm nguy. Nguy hiểm nhưng vẫn thấy bình an, bình an tâm hồn là thứ bình an lớn nhất vì biết có Thầy mình luôn ở bên cạnh, dù có chết đi nữa cũng để làm chứng cho việc Thầy mình đã Phục sinh.
Bình an là đời sống nội tâm nên không sợ đau khổ, không ai có thể cướp mất được. Người Môn đệ Chúa đã quyết chắc về đời sống đức tin, họ sẵn sàng chịu đựng những đau khổ, nếu có gặp những đau khổ thì cũng xem như thông phần đau khổ với Thầy mình trong những năm tháng Thầy mình đã trải qua, "chén đắng" Thầy mình đã uống trước.
Cảm động thay, trong mùa Đại dịch này, trong cảnh khốn khó có nhiều người kêu cầu cùng Chúa Phục sinh : "Lạy Chúa, xin ban bình an cho chúng con !". Có những nơi trên thế giới, từ đường phố đến công viên, bãi biển... người ta quỳ gối đưa tay và ngửa mặt lên trời để cầu nguyện. Một Thiên Chúa của họ thiêng liêng, hiện hữu bao quát, chứ không giới hạn ở nơi Thánh đường.
"Chính Chúa là bình an"( Ep 2,14 ). Bình an đến từ Thiên Chúa không như thế gian ban tặng. "Người đã đến loan Tin Mừng bình an: Bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần"( Ep 2,17 ). Đó là bình an tâm hồn, niềm vui nội tâm và tình yêu giữa thụ tạo với Đấng Tạo Hóa. Đây là quà tặng của Thiên Chúa dành cho những ai đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta được một niềm vui sâu xa, một sự bình an bên trong và hoàn toàn tự do.
Bất cứ ai liên kết với Thiên Chúa người ấy đều có sự bình an đích thực. Chúng ta hãy để sự bình an  của Chúa cư ngụ trong tâm hồn để Ngài cất bỏ sự lo âu phiền muộn. Chắc hẳn mỗi người chúng ta còn nhớ lời Chúa phán gần gũi và quen thuộc : "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi và bồi dưỡng"( Mt 11,28 ). Cùng đoạn, trong Tin Mừng Matthêu, câu 30, còn ghi nhận lời Chúa Giêsu nói : "Ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng".
Còn đâu đó, vẫn nghe tiếng chuông Thánh đường ngân vang. Mặc dù Thánh Lễ vắng bóng giáo dân tham dự tại Nhà thờ, nhưng Tin Mừng Phục sinh vẫn đến từng nhà. Chúng ta cùng cầu chúc cho nhau để mỗi người đón nhận được lời chúc Bình an của Chúa Phục sinh. Hy vọng rằng bình an nội tâm sẽ là nguồn sức mạnh, động lực để mỗi người cùng với sự hiện diện của Chúa Phục sinh và với nhau, vượt qua những khó khăn thử thách của hoàn cảnh hiện tại. Cầu chúc mọi người một mùa Phục sinh thánh thiện, ý nghĩa.

P/s : Mời đọc thêm bài "Chúa Giêsu giải mã sự sống và sự chết" trên nhãn "Bài suy niệm 5" của blog này.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

Mừng Chúa Phục sinh



















Con  mừng  vì  Chúa  đã  Phục sinh
Trong mộ, đêm khuya Chúa chuyển mình
Sáng  sớm  tờ  mờ  sương  đọng  giọt
Các   bà    vội   vã    chạy   ra   thăm.

Ngôi mộ không nhìn thấy xác Thầy
Cửa  mồ  tảng  đá  bật  ra  ngay
Các   bà   về   báo   Phêrô   biết,
Gioan  bước  đi cùng dưới ánh mai.

Ngôi  mộ  giờ  đây  thật  lạ  lùng,
Chỉ còn khăn liệm vải, dây băng
Thiên Thần cất tiếng loan tin mới :
Chúa đã Phục sinh, sống vĩnh hằng.

Con mừng vì Chúa đã Phục sinh,
Thế giới ngày nay đượm thắm tình
Nhân loại hưởng nhờ ơn Cứu rỗi,
Mọi điều như đã được phân minh.

Con  đón  Chúa  về  giữa  phố  hoa,
Nghiêng nghiêng vẻ đẹp ánh trăng ngà
Người đi mang dáng hồn sâu thẳm,
Gió  mát   Tin  Mừng   thổi  khơi  xa.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Lời Chúa - Nguồn ủi an trong cơn Đại dịch

Tính đến hôm nay, Covid 19 đã gây cho thế giới với bao đau thương : số người lây nhiễm gần 2 triệu và số ca tử vong vượt mức 80 ngàn.
Giữa mùa dịch Covid, tôi đang trở thành người "mất dạy". Các trường học đóng cửa, tình trạng học sinh nghỉ học dài hạn, không biết bao giờ các em mới cắp sách đến trường trở lại - Đây đang là nỗi buồn chung cả Thầy và trò. Tuy không dạy kiến thức văn hóa cho các em, nhưng tôi vẫn dạy Giáo lý oneline cho Dự tòng và một số Học viên học Giáo lý Hôn nhân - Đây lại là niềm vui vì mình có thời gian nhiều hơn để suy tư và học hỏi Kinh Thánh.
Tôi không khỏi chạnh lòng : Ngay giữa mùa Chay Thánh lại là mùa Đại dịch Covid 19 hoành hành làm cho thế giới điên đảo, số người chết và người bị nhiễm ngày mỗi tăng lên khủng khiếp. Thế giới vẫn chưa tìm ra được vắc xin và thuốc điều trị, nước nào có số lượng người lây nhiễm cao thì nước ấy số người chết kéo theo cũng không ít.

1. Đọc ý Chúa qua biến cố và nghịch cảnh :
Theo dõi thông tin mỗi ngày, tôi không khỏi bàng hoàng. Là người Công Giáo, đọc Thánh Kinh tôi hiểu được : Sự sống, sự chết đều nằm trong tay Chúa. Đau khổ là một mầu nhiệm nếu con người chấp nhận trải qua nó và xem nó là phương thế để đạt tới cứu cánh. Tất nhiên ai cũng hiểu phải vững lòng tin và vững lòng cậy trông vào Chúa.
Ta biết rằng : Thiên Chúa là Cha nhân từ và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Qủa thật như lời Thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất : "Anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi lo âu hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em"( 1 Pr 5,6-7 ).
Trở lại một số câu Kinh Thánh mà tôi đã dẫn trong bài trước. Từ sách Sáng thế Cựu ước cho chúng ta nghe được Lời Chúa : "Này, Ta ở cùng ngươi. Ngươi đi đâu, Ta sẽ theo gìn giữ đó"( St 28,15 ); "Đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi, phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn"( St 15,1 ).
Khi giông tố nghịch cảnh bắt đầu hú lên từng hồi và tai họa trút xuống không ngớt, Thiên Chúa sẵn sàng ban sự che chở. Chúa Giêsu trấn an chúng ta : "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ ( Mt 14,27 v Mc 6,50b v Jn 6,20 ) - Lời này được cả 3 Thánh sử Tin Mừng ghi lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus corona gây ra, thiên hạ chết la liệt mà Chúa nói như thế, chúng ta có yên tâm được không ?
Người có đức tin vững vàng thì chẳng có gì mà sợ. Mọi việc nằm trong tay Chúa. Ta hãy nghe thêm lời Chúa Giêsu phán sau đây :
"Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết : Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai : hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết : anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không ? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ"( Lc 12,4-7 ).
Có người nghĩ rằng Chúa làm phép lạ cho con người khỏi bệnh tật thì Chúa cũng làm phép lạ cho dịch bệnh biến mất, và ai cũng mong được như vậy. Nhưng Chúa có ra tay để làm cho dịch bệnh biến mất không ? Thiên Chúa toàn năng thì Ngài làm gì mà chẳng được, nhưng tại sao Chúa lại không làm ? - Đó là những vấn nạn con người đặt ra với ước muốn riêng mình, ý muốn Thiên Chúa thì đôi khi hoàn toàn khác với ước muốn con người. 
Chúa sẽ không làm phép lạ, Chúa chưa muốn tỏ vinh quang của Ngài vì Chúa thấy chưa mang được ý nghĩa cứu độ khi biến cố ấy chưa thức tỉnh được con người. Gía trị của ơn Cứu độ là giá trị mang lại sự sống vĩnh cửu chứ không phải chỉ mang lại cuộc sống tạm ở đời này mà thôi.
Khi nào con người được thức tỉnh ? Thực tại là một mâu thuẫn, cũng như ruộng lúa xen lẫn cỏ lùng và lúa mì, người chủ không thể nhổ cỏ vì ngại làm bật gốc lúa mì. Việc gì cũng phải từ từ. Chính Chúa cũng phải trải qua đau khổ và cái chết, sau đó Chúa Cha mới để cho Ngài phục sinh. Lazarô đau bệnh và chết, chị em Matta và Maria chạy đi tìm kiếm Chúa, Chúa vẫn thong thả, qua 2 ngày sau Ngài mới đến, Lazarô nằm trong mồ tới 4 ngày nhưng Chúa đã gọi anh ta trỗi dậy ( x Jn 11,1-44 ). Chúa có thể làm được mọi điều nhưng Ngài không thể làm được việc gì mà việc ấy chưa mang lại hiệu quả cứu độ. Chúa trải qua đau khổ vì tội lỗi loài người, vậy mà Chúa cũng đành gánh chịu, Ngài gánh chịu để ơn cứu độ được thực hiện.

2.Niềm an ủi có được do hy vọng dựa trên Kinh Thánh :
Ta biết rằng : Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với loài người. Tác giả của Kinh Thánh là Thiên Chúa vì Thiên Chúa đã chọn và linh ứng cho một số người viết nên Kinh Thánh. Kinh Thánh có lời ủi an cho những ai mong được an ủi. Phúc cho những ai tìm về với Kinh Thánh để tìm nguồn hy vọng và sự hướng dẫn trong những giai đoạn khó khăn :"Thiên Chúa là Đấng ủi an"( Rm 15,5 ), "Thiên Chúa yên ủi chúng ta trong cơn khốn khó"( 2 Cr 1,4 ). Chúa Cha đã phái Chúa Giêsu - Con Một của Ngài xuống thế gian để ban cho chúng ta hy vọng và niềm ủi an ( x Jn 3,16-17 ); Kinh Thánh còn mô tả Thiên Chúa là Đấng hằng ngày gánh gánh nặng của chúng ta, tức là Thiên Chúa sự Cứu rỗi của chúng ta ( x TV 68,19 ). Những người kính sợ Thiên Chúa có thể tin tưởng mà nói rằng : "Tôi hằng để Thiên Chúa đứng trước mặt tôi, tôi chẳng hề rúng động, vì Ngài ở bên hữu tôi" ( TV 16,8 ).
Những câu Kinh Thánh như trên cho thấy Thiên Chúa dành cho loài người tình yêu thương sâu đậm. Rõ ràng Thiên Chúa luôn ước muốn làm dịu nỗi đau của con người trong những lúc buồn khổ. Tác giả Thánh Vịnh viết : "Hãy trao gánh nặng ngươi cho Thiên Chúa, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công chính bị rúng động" ( TV 55,22 ).
Việc học Kinh Thánh cũng cho ta lòng tự trọng cần thiết để bền chí bất chấp những khó khăn riêng và để có một quan điểm tích cực về cuộc đời.
Khi lòng đau đớn vì một nguyên nhân nào đó, ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện với Thiên Chúa. Trong cơn Đại dịch, ngẫm đọc lại Lời Chúa - Điều này có thể cất đi gánh nặng của chúng ta.
Trong những cảnh ngộ cực kỳ khó khăn, đặc biệt khi sức khỏe bị nguy kịch, thông thường không một giải pháp nào giải quyết được mọi việc cho ổn thỏa. Với sức riêng có thể chúng ta không biết đích xác phải quay về đâu. Nhiều người thấy rằng sau khi làm tất cả những gì sức con người có thể làm, thì việc quay về Thiên Chúa qua lời cầu nguyện đem lại niềm an ủi lớn và đôi khi dẫn đến những giải pháp bất ngờ ( x I Cr 10,13-14 ).
Cuối cùng, ta nghe lời của Chúa Giêsu quả quyết : "Thầy nói với anh em nhiều điều, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian "( Jn 16,33 ).

3. Cầu nguyện :


"Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa là nơi chúng con ẩn náu khi gặp hiểm nguy, là Đấng chúng con tìm đến trong cơn hoạn nạn. Chúng con tin tưởng nài xin Chúa thương nhìn đến những người đang đau khổ, cho kẻ đã qua đời được nghỉ yên, và an ủi những ai đang ưu phiền. Xin Chúa chữa lành các bệnh nhân và ban bình an cho người đang hấp hối. Xin ban sức mạnh cho các nhân viên y tế, ơn khôn ngoan cho các nhà lãnh đạo và lòng can đảm đến với mọi người trong yêu thương, nhờ đó chúng con cùng nhau tôn vinh Danh Thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Con Chúa, Chúa chúng con, Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen !"
( Trích Lời nguyện "Thánh Lễ trong thời gian Đại dịch"của TGPSG  )
JB.SĨ TRỌNG.