Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Tiếng vọng ngàn xưa

 











Có hai câu Hán thi :

"Nhàn thâu loạn trật tư nghi nghĩa,
Nhất tuệ  thanh đăng  vạn  cổ  tâm."

Xin tạm dịch :

"Rảnh rang ngồi nhặt sách vải vung,
Suy nghĩ miên man chuyện thế trần
Bỗng thấy  ánh đèn  trong rọi  sáng,
Cổ   nhân    để   lại   vạn  tấm   lòng."

Các thư Phaolô và sách Phúc âm đã quá quen thuộc, hầu như ai cũng biết, nhất là khi tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ. Một cuốn sách mà tôi ít đọc, tình cờ hôm nay lại đọc nó - Đó là sách Hô-sê ( Hs ). Chỉ xin trích dẫn một đoạn ngắn có liên quan trong bài viết này : Hs  2,1-5.

1. Dự báo - Những tia hy vọng :
"Dẫu vậy, số con cái Israel sẽ giống như cát bờ biển, không thể
lường, không thể đếm, và chính nơi mà đã bảo chúng nó rằng : Các ngươi chẳng phải là dân Ta, sẽ lại bảo rằng : Các ngươi là con cái của Thiên Chúa hằng sống."( Hs 2,1 )
Xin liệt kê những điều Chúa hứa với dân Israel. Niềm hy vọng của dân Israel ngày xưa có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội ngày nay ?
Nước Do Thái đã phải trải qua những giai đoạn lịch sử đen tối. Đúng là nước mất nhà tan ! Tuy nhiên bởi lòng nhân từ của Chúa, Ngài hé mở cho họ tia sáng hy vọng. Chúa hứa rằng Chúa sẽ cho dân số họ được gia tăng, lãnh thổ sẽ được khôi phục, đất nước sẽ được thống nhất. Họ sẽ có lãnh tụ, Chúa sẽ là Chúa của họ, và họ là con dân Ngài.
Trải qua những biến chuyển lịch sử, có những lúc không ai có thể tưởng dân Do Thái sẽ còn. Tuy nhiên, Chúa vẫn giữ lời hứa của Ngài. Người Do Thái bị tản lạc khắp nơi trên thế giới, bị ngược đãi, kỳ thị.v.v... Hitler đã giết gần 6 triệu người Do Thái. Các nước Ả-rập với sức mạnh dầu hỏa, đã tìm cách xóa tên nước Do Thái khỏi bản đồ thế giới. Thế mà người Do Thái đã lập quốc, và nước họ mỗi ngày một hùng mạnh.
Ngày nay nước Chúa đã mở rộng. Hội Thánh là con dân Ngài. Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc bảo vệ Hội Thánh và làm cho Hội Thánh mỗi ngày một lớn mạnh. Chúng ta hãy sống trong khải tượng đó và dấn thân cuộc đời mình vào công cuộc mở mang nước Chúa.

2. Thông điệp khát vọng vô bờ :
Mối liên hệ giữa dân Israel và Đức Chúa Trời được mô tả thế nào qua hình ảnh người vợ ngoại tình ? Hậu quả nào họ phải gánh chịu ? Chúng ta được nhắc nhở điều gì về mối liên hệ của chúng ta với Chúa qua hình ảnh người vợ ngoại tình này ?
Một người đàn bà khi đã thương rồi họ có thể làm khuynh đảo mọi thứ, làm thay đổi cuộc sống của một nhà đạo đức.
Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay : Mấy câu đầu sách Hô-sê chương 2, Chúa trở lại cảnh cáo Israel một cách chi tiết hơn. Chúa ví Ngài như người chồng, Israel là vợ của Ngài và mỗi con dân nước ấy là con cái của Ngài. Israel giống như người vợ phản bội, bỏ chồng của mình là Chúa để chạy theo tình nhân là Ba-an, thần của người Ca-na-an, và sinh ra đám con hư hỏng.
Câu 4, Chúa kêu gọi con dân Chúa hãy "kiện" mẫu quốc ( mẹ ) của họ. Kiện ở đây không phải là lên án, buộc tội để đòi trừng phạt, nhưng là lên tiếng kêu gọi cảnh tỉnh. Mặc dù đa số dân Israel đã bội bạc, nhưng vẫn còn thiểu số trung thành với Chúa. Chúa kêu gọi thiểu số trung thành ấy hãy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đồng bào của mình. Chúa yêu thương, Ngài không phải là người rình rập chờ cho con cái Ngài sai trái là giáng tai họa. Ngài kiên nhẫn sai đầy tớ Ngài lên tiếng cảnh tỉnh để người sai trái ăn năn hối cải. Nếu ta chịu ăn năn, từ bỏ việc làm độc ác của mình thì Chúa sẽ rộng lòng tha thứ. Còn nếu ta cứ ngoan cố theo con đường sai trái của mình, Chúa sẽ phải sửa phạt. Trong trường hợp người Israel, hình phạt dành cho họ sẽ là xấu hổ, nghèo đói, đau khổ ( x Hs 2,5 ).

3. Rút ra bài học :
Đó là tiếng vọng ngàn xưa, đi từ Cựu ước, nối kết hôm nay sẽ là : "Không phải Chúa chậm trễ thực hiện lời hứa như người ta tưởng. Nhưng Ngài chờ đợi, vì không muốn ai phải hư vong nên Ngài dành thêm thì giờ cho mọi người có dịp ăn năn" ( 2 Pr 3,9 ). 
Câu chuyện Israel cho ta nhiều bài học :
           - Chúa chúng ta rất nhân từ. Ngài kiên nhẫn chờ đợi để người có tội có cơ hội ăn năn hối cải. Hãy ăn năn hối cải, đừng chậm trễ.
          - Dầu là thiểu số, con cái Chúa đóng một vai trò rất quan trọng trong cộng đồng, xã hội mình đang sống. Chúng ta là muối của đất, là ánh sáng thế gian ( Mt 5,13 ), chúng ta có bổn phận lên tiếng truyền bá chân lý của Chúa và tích cực góp phần xây dựng để xã hội mình đang sống đỡ băng hoại hơn, tốt đẹp hơn.
          - Chúa dùng đời sống Hô-sê như một bài giảng sống, nhờ đó đồng bào ông dễ dàng hiểu sứ điệp của Chúa. Con cái Chúa cần học hỏi, trau dồi cách trình bày Phúc âm để mọi người dễ dàng thấu hiểu và tin nhận.

4. Cầu nguyện :
Chúa ơi, dù con phản nghịch, Chúa vẫn thương con, cứu con, đưa con vào địa vị con cái Ngài. Xin giúp con luôn nhận biết ơn thương xót này và sống đúng địa vị người con : Xây dựng và mở mang nước Chúa.
Cảm tạ Chúa vì tình yêu Chúa đã kiên trì chờ đợi con trở lại với Ngài. Xin giúp con trung thành và biết cách thuật lại kinh nghiệm về tình yêu của Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 23 tháng 4, 2021

Chùm thơ 65

 NGỦ TỈNH 

Hồi đêm gió lớn với mưa to
Đã  thế  mà ta  vẫn  ngủ  khò
Nếu có động đất và sấm sét
Chắc là ta cũng chẳng phải lo.


PHẬN NGƯỜI

Ta  thả   hồn  ta   vào   hạt  bụi
Tưởng rằng mây khói dễ vỡ tan
Nhưng trong thực tế ta gần gũi,
Đi tới  thiên thu  với  gió  ngàn.



CHIỀU BẮC ÂU
( Tặng con yêu )

Hoàng  hôn  lặng  lẽ  giữa  trời  Âu,
Trọng vọng câu kinh hát nguyện cầu
Thánh thót giáo đường vang chuông đổ
Thư    tình    chạm   ngỏ   ý   lời   sâu...



GIÂY PHÚT BÌNH YÊN
( Tặng Trần thị Trúc Linh )

Trần thế chìm sâu vào giấc ngủ,
Thị thành đêm xuống ánh trăng nghiêng
Trúc khoe dáng đẹp cùng liễu rủ,
Linh  cảm  mình  đang  được  tọa  thiền.



GIỌT MẾN

Viết  từ  cảm  xúc  con  tim,
Bao lời thơ để kiếm tìm Chúa yêu
Nghe như khúc hát ban chiều,
Lâng lâng nỗi nhớ gợi nhiều mến thương.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Tom ốm nặng

Nửa khuya thức dậy để xem chừng
Chú chó mà mình cưng thật cưng
Bị  ốm  mấy  ngày  nằm  la  liệt,
Giờ thì thoi thóp, mắt rưng rưng !

Thôi biết làm sao được nữa rồi,
Lòng thương, thương quá cũng chịu thôi
Ngày mai bồng nó đi thầy thuốc
Mong ước phần nào bệnh sẽ vơi.

Tom đã bao năm sống với mình,
Lúc còn bé nhỏ  dáng thoi xinh
Và  nay  đã  đến  lúc  già  yếu,
Chắc   nó  sẽ   về   với   cõi  âm.

Đau xót làm sao khi ngắm nhìn
Nôn  ra  rồi  lại  cứ  nằm  im
Ánh mắt thân thiết như người thật
Thương quá  làm tôi  thót  cả tim !

JB.Sĩ Trọng.



Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

Chúa - Nguồn ủi an trong dịch bệnh


Khi lệnh giãn cách ban hành không biết kéo dài bao lâu, nhưng học sinh nghỉ học, thầy giáo nghỉ dạy. Trong khoảng thời gian này ta phải làm gì ? Tôi nghĩ : Tôi dành thì giờ để gặp gỡ Chúa và viết suy niệm; học ngoại ngữ, làm vườn, giải trí, uống cà phê, nghe nhạc tại nhà.
Tính đến thời điểm này, Covid 19 đã gây cho thế giới biết bao tổn thất đau thương : Số người lây nhiễm hơn 140 triệu, số ca tử vong vượt mốc 3 triệu người. Trong những ngày gần đây các nước : Ấn Độ, Thái Lan, Myama, Campuchia, số ca nhiễm lại tăng tới mức chóng mặt, làm cho chính phủ các nước này phải hoảng hốt. VN cũng đáng lo ngại vì có một số ca nhiễm từ Campuchia đi qua đường biên giới, Phú Quốc, rồi vào đất liền, về các tỉnh phía Nam... Và ai cũng biết: nước nào có số lượng người lây nhiễm cao thì nước đó số người chết cũng không ít. Dịch Covid 19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan, Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-COV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine, có tiêm ngừa nhưng vẫn chưa bảo đảm an toàn, có trường hợp vaccine chích ngừa 2 mũi mà người ta vẫn chết. Ấn Độ là nước sản xuất vaccine, chiếm 60 % vaccine thế giới, nhưng con người ta vẫn chết từ 3 đến 4000 người mỗi ngày. Thật khủng khiếp ! Đúng là một Đại dịch, không biết bao giờ mới chấm dứt được.

1. Đọc ý Chúa qua biến cố và nghịch cảnh :
    Trong mùa COVID này, mỗi sáng chúng tôi ra công viên đi bộ, miệng bịt khẩu trang và không tiếp xúc với ai. Gặp người quá quen thân, thói quen thông thường chào và bắt tay, nhưng giờ chỉ mỉm cười và nói lời xin lỗi vì mùa dịch nên không bắt tay được, người kia cũng hiểu và cảm thông. Trong hoàn cảnh khó khăn thì ai cũng phải chấp nhận vậy. 
    Theo dõi thông tin mỗi ngày, tôi không khỏi bàng hoàng. Là người Công Giáo, đọc Thánh Kinh tôi hiểu được : Sự sống, sự chết đều nằm trong tay Chúa. Đau khổ là một mầu nhiệm nếu con người chấp nhận trải qua nó và xem nó là phương thế để đạt tới cứu cánh. Tất nhiên ai cũng hiểu phải vững lòng tin và vững lòng cậy trông vào Chúa.
    Ta biết rằng : Thiên Chúa ( TC ) là Cha nhân từ và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Qủa thật như lời Thánh Phêrô viết trong thư thứ nhất : "Anh em hãy tự khiêm tự hạ dưới bàn tay uy quyền của Thiên Chúa, để Người cất nhắc anh em khi đến thời Người đã định. Mọi lo âu hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em"( 1 Pr 5,6-7 ). Trong trích dẫn này, câu 7 từa tựa như của Tv 55,23 : "Hãy trút nhẹ gánh lo vào tay Chúa, Người sẽ đỡ đần cho".
    Trở lại một số câu Kinh Thánh mà tôi đã dẫn trong bài trước. Từ sách Sáng thế Cựu ước cho chúng ta nghe được Lời Chúa : "Này, Ta ở cùng ngươi. Ngươi đi đâu, Ta sẽ theo gìn giữ đó"( St 28,15 ); "Đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi, phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn"( St 15,1 ).
    Khi giông tố nghịch cảnh bắt đầu hú lên từng hồi và tai họa trút xuống không ngớt, Thiên Chúa sẵn sàng ban sự che chở. Chúa Giêsu trấn an chúng ta : "Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ" ( Mt 14,27 v Mc 6,50b v Jn 6,20 ) - Lời này được cả 3 Thánh sử Tin Mừng ghi lại.
Trong bối cảnh dịch bệnh do virus Corona gây ra, thiên hạ chết la liệt mà Chúa nói như thế, chúng ta có yên tâm được không ?
Người có đức tin vững vàng thì chẳng có gì mà sợ. Mọi việc nằm trong tay Chúa. Ta hãy nghe lời Chúa Giêsu phán sau đây :
"Anh em là bạn hữu của Thầy. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy chỉ cho anh em biết hãy sợ ai: Hãy sợ Đấng đã giết rồi lại có quyền quăng vào hỏa ngục -Anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt TC. Tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý hơn muôn vàn chim sẻ"( Lc 12,4-7 ).

2. Ơn cứu độ và ý loài người :
    Có người nghĩ rằng xưa kia Chúa làm phép lạ cho con người hết bệnh tật thì ngày nay Chúa cũng làm phép lạ cho dịch bệnh biến mất, và ai cũng mong được như vậy. Nhưng Chúa có ra tay để làm cho dịch bệnh biến mất không ? Kẻ ác vẫn ngang nhiên hành động và muốn che dấu tội ác của mình ( một nhà khoa học Trung Quốc tại Mỹ đã lên tiếng tố cáo và cho rằng nguồn gốc virus corona là từ Vũ Hán ), TC toàn năng thì Ngài làm gì mà chẳng được, nhưng tại sao Chúa lại không trừng phạt kẻ ác ?- Đó là những vấn nạn con người đặt ra với ước muốn riêng mình, ý muốn TC thì đôi khi hoàn toàn khác với ước muốn con người.
    Gía trị ơn cứu độ là giá trị mang lại sự sống vĩnh cửu, chứ không phải chỉ mang lại cuộc sống tạm bợ ở đời này. Chúa sẽ không làm phép lạ, Chúa chưa muốn tỏ vinh quang của Ngài vì Chúa thấy chưa mang được ý nghĩa cứu độ, biến cố ấy chưa thức tỉnh con người; con người đam mê hưởng thụ, quá đầy đủ họ chẳng cần nghĩ đến Chúa nữa thì làm sao Chúa có thể ra tay làm "phép lạ" ? Bệnh nhân không tin bác sĩ thì làm sao bác sĩ dám cấp thuốc điều trị bệnh cho họ ?
    Khi nào con người được thức tỉnh ? Thực tại lại là một mâu thuẫn, cũng như ruộng lúa xen lẫn cỏ lùng và lúa mì, người chủ không thể nhổ cỏ vì ngại làm bật gốc lúa mì. Việc gì cũng phải từ từ. Chính Chúa Giêsu cũng phải trải qua đau khổ và cái chết, sau đó Chúa Cha mới làm cho Ngài sống lại. Lazaro đau bệnh và chết, chị em Matta và Maria chạy đi tìm kiếm Chúa, Chúa vẫn thong thả, qua 2 ngày sau Ngài mới đến, Lazaro nằm trong mồ tới 4 ngày nhưng Chúa đã gọi anh ta trỗi dậy( x Jn 11,1-44 ). Chúa có thể làm được mọi điều, nhưng Ngài không thể làm được việc gì mà việc ấy chưa mang lại kết quả và ý nghĩa cứu độ. Chúa trải qua đau khổ vì tội lỗi loài người, vậy mà Ngài cũng đành gánh chịu, Ngài gánh chịu để ơn cứu độ được thực hiện. Đức Cha Giuse Nguyễn Năng, TGM Gp Sài Gòn, trong một Thánh Lễ trực tuyến, Ngài có giảng rằng : "Theo Chúa thì phải vác thập giá. Chúa đến trong trần gian không phải là để xóa đau khổ, Chúa không xóa đau khổ đâu. Chúa bảo chúng ta phải đau khổ, phải vác thập giá, phải hy sinh. Đau khổ không phải là thuốc độc đâu. Có một cách để chứng tỏ một ly nước không phải thuốc độc, là gì ? - Là người đó phải uống trước, sau đó mới đưa cho ta uống, Chúa Giêsu đã uống trước, Ngài uống "chén đắng", đắng nhưng không độc, thuốc đắng giã tật"- Nhờ thế mới mang lại ơn cứu độ.
    Chúng ta phải cảm tạ TC vì Ngài đã quan tâm làm phép lạ chữa lành, hồi phục thế nhân, nhưng không vì thế mà Chúa phải luôn luôn làm phép lạ cho một ai đó khi họ cầu xin - Điều này thật khó nói. Chúng ta sẽ chấp nhận khi chúng ta hiểu được ý nghĩa ơn cứu độ ( như đã trình bày ở phần trên ).

3. Thánh Lễ trong mùa Đại dịch :
    Khi một số quốc gia tuyên bố tạm đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ có đông người tham dự giữa cơn đại dịch, đã có nhiều tiếng nói chỉ trích và cười cợt vang lên. Nhiều người không hiểu tại sao phải đến nỗi đình chỉ Thánh Lễ. Họ đặt câu hỏi: Chẳng phải khi con người hãi sợ và hoang mang là lúc họ cần đến Chúa và Thánh Lễ nhất đó sao ? Đình chỉ Thánh Lễ phải chăng chỉ là dấu chỉ của sự nhượng bộ vì sợ hãi ? Chẳng phải đó là dấu hiệu của việc thiếu tin tưởng và phó thác vào sự quan phòng của Chúa ? Có người còn nhìn việc không dám cử hành Thánh Lễ giữa cơn đại dịch như là dấu chỉ thất bại của niềm tin tôn giáo trước biến cố tai họa và đau khổ của nhân loại. Một số người nối kết chuyện các Giáo Phận tự ý đóng cửa nhà thờ với việc cấm đạo ở những nước độc tài. Nhiều người quá khích còn diễn dịch xa hơn khi cho rằng việc đình chỉ Thánh Lễ là quyết định của Satan đang hoạt động trong Giáo Hội…
    Hẳn đây phải là tiếng nói của những người giàu lòng đạo đức. Hơn nữa, có thể những tiếng nói này đều xuất phát từ ý tốt, từ lòng yêu mến Giáo Hội và yêu mến Thánh Lễ. Tuy nhiên, cần đủ bình tâm hơn để suy xét lại những tình cảm đạo đức ấy thì mới có thể có một cái nhìn quân bình và thiêng liêng thật sự. Bằng không, lòng tin theo cảm tính luôn có nguy cơ dẫn người ta đi sai đường.
    Thánh Lễ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ Thiên Chúa với tư cách là một cộng đoàn. Nói cách khác, Thánh Lễ không chỉ là nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, mà còn là nơi con người gặp gỡ nhau. Chiều kích cộng đoàn và yếu tố con người quan trọng đến độ nếu không giải quyết được những khúc mắc từ yếu tố con người, rất khó để chúng ta có thể dâng Lễ lên trước tôn nhan Thiên Chúa. Chẳng hạn, Đức Giê-su có lần dạy rằng nếu một người muốn dâng lễ vật trước bàn thờ Thiên Chúa, mà chợt nhớ ra mình còn có chuyện bất hoà với người anh em của mình, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em, rồi trở lại dâng lễ vật của mình cho Thiên Chúa (x. Mt 5,23-24). Lời dạy của Đức Giê-su không có nghĩa là việc dâng lễ vật trước bàn thờ Thiên Chúa không quan trọng, nhưng việc ấy vẫn có thể tạm hoãn lại, cho đến khi những khúc mắc từ phía con người được giải quyết.
Khúc mắc mà cả thế giới đang phải đối mặt bây giờ là chuyện lây nhiễm theo cấp số nhân của bệnh dịch. Khi hội họp đông người trong một không gian hẹp, nguy cơ bệnh dịch bị lan truyền và nhân rộng là điều không ai có thể phủ nhận. Giáo Hội Công Giáo luôn xác tín rằng Thánh Lễ là tâm điểm trong đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu. Nhưng Giáo Hội chưa bao giờ dạy rằng Thánh Lễ là một cử hành phép thuật có khả năng giúp con người miễn nhiễm khỏi bệnh dịch. Nhà thờ cũng không phải là nơi bất khả xâm phạm đối với virus. Thế nên trong hoàn cảnh hiện tại, cần phải lắng nghe tiếng nói của những người có chuyên môn hơn là chỉ hành động theo cảm tính đạo đức. Tinh thần trách nhiệm và cảm thức về sự liên đới không cho phép chúng ta nhắm mắt làm ngơ như thể không có chuyện gì xảy ra. Như thế, ở những nơi xảy ra bệnh dịch, tạm đình chỉ việc cử hành Thánh Lễ có đông người tham dự là một quyết định đúng đắn và khôn ngoan.
    Dẫu vậy, cần phải minh định rằng ở đây không phải là không cử hành Thánh Lễ mà là Thánh Lễ được cử hành theo một cách khác. Trong hoàn cảnh bất khả kháng, người tham dự Thánh Lễ không thể họp nhau thành một cộng đoàn đông đúc tại nhà thờ, nhưng vẫn có thể hiệp thông để theo dõi và tham dự Thánh Lễ qua các phương tiện truyền thông. Không nên quên rằng đây thật ra là cách tham dự Thánh Lễ thường xuyên của các bệnh nhân, những người già, hay những người bại liệt. Họ là những người không đến nhà thờ được vì lý do sức khoẻ, và phải tham dự Thánh Lễ từ xa. Không ai nói rằng họ “mất Thánh Lễ”, hoặc họ tham dự Thánh Lễ như thế là không xứng đáng trong hoàn cảnh của họ. Vì vậy, ở những vùng tâm điểm của dịch bệnh, khi mọi người bị cách ly và việc cử hành Thánh Lễ bị tạm đình chỉ, đây là thời điểm đặc biệt mà cả những người “khoẻ mạnh” cũng được mời gọi thông phần tham dự Thánh Lễ từ xa. Đây là cách hiệp thông hữu hiệu để cầu nguyện cho mình và cho cả thế giới. Đây cũng là cách các Kitô hữu cộng tác hữu hiệu với những người có trách nhiệm trong việc đề phòng bệnh dịch lây lan, tránh gây thêm nhiều hậu quả nghiêm trọng.
    Dĩ nhiên, vẫn có nhiều người đạo đức muốn được tham dự Thánh Lễ một cách trực tiếp và bình thường. Họ có lo sợ, nhưng vẫn sẵn sàng đến tham dự Thánh Lễ đông người và cho rằng như thế mới là hết lòng đặt trọn niềm tín thác vào Chúa Quan Phòng. Nếu những người này còn được sống trong vùng đảm bảo an toàn thì không sao. Nhưng nếu chung quanh mọi người đều đang phải cố gắng làm hết sức có thể để cách ly, để hạn chế đi lại và tiếp xúc, để không làm bệnh dịch lây lan… thì việc “tuyên xưng đức tin” theo lòng đạo đức thái quá sẽ là rất sai lầm. Đó không phải là tín thác. Đúng hơn, đó là thử thách Thiên Chúa.
    Trong Mùa Chay Thánh ta đã nghe kể lại việc Chúa Giê-su chịu cám dỗ. Thánh Mát-thêu kể rằng trong cơn cám dỗ (Lc 4,9-12) quỷ đưa Đức Giê-su lên nóc cao của Đền Thờ, nghĩa là đẩy Người vào chốn nguy hiểm, rồi thách Người nhảy xuống. Lý luận của ma quỷ là thế này: phải tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vì chính Thiên Chúa sẽ sai thiên thần của Người gìn giữ, nâng đỡ và không để cho kẻ tín thác vào Người bị tổn hại gì. Đức Giê-su đương nhiên không chiều theo lối thách thức đầy ngạo mạn như thế. Đây là câu trả lời của Người: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Lc 4,12).
4. Lòng tin và sự mù quáng :
    Rất nhiều người hiểu sai lầm về sự quan phòng của Thiên Chúa, cứ cho rằng Chúa quan phòng theo kiểu sẵn sàng ra tay thực hiện phép lạ để cứu những người đang gặp nguy hiểm. Đương nhiên, Thiên Chúa quan phòng là điều những người có đức tin không thể chối cãi. Nhưng quan phòng không có nghĩa là Thiên Chúa phải làm tất cả, và con người không cần làm gì. Biết có nguy hiểm mà người ta vẫn cố chấp lao đầu vào nguy hiểm, thì sự cố chấp ấy không thể nhân danh niềm tin vào sự quan phòng, chẳng khác nào con phù du lao đầu vào ngọn đèn đang cháy. Sự mù quáng ấy chẳng khác nào hơn 30000 người dân Ấn Độ tham gia lễ hội, lao xuống sông Hằng tắm, rồi sau đó ôm nhau mà chết. Một cách cụ thể, trong thời gian này, sự quan phòng của Thiên Chúa được thể hiện qua hướng dẫn của những người có chuyên môn, qua lời khuyên và chỉ dẫn của những người có thẩm quyền. Một người tín thác vào Thiên Chúa là người biết cộng tác với những hướng dẫn thiết thực ấy để không trở nên sai lầm vì chủ quan hoặc vì đạo đức cuồng tín. Sau khi đã làm tất cả những gì có thể trong khả năng của mình, lúc đó con người mới có thể bình an đặt trọn vẹn mọi sự vào trong bàn tay quan phòng yêu thương của Thiên Chúa.
    Khôn ngoan theo truyền thống Kinh Thánh dạy rằng con người không được nại vào Danh Thiên Chúa để giải quyết chuyện của con người. “Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng” ( Xh 20:7, Đnl 5:11 ). Con người không được ỉ lại vào Thiên Chúa để bào chữa cho những hành vi chính mình. Một thanh niên ăn bún gánh, ăn xong bỏ chạy không trả tiền, làm cho người bán phải la lên: "Trời ơi là trời, sao không trả tiền cho tui ?"- Thế là Trời bị oan. Anh thanh niên đó không trả tiền, chứ đâu phải là Trời không trả tiền. Có những người rất dễ kéo Chúa vào để đổ lỗi cho bất cứ chuyện gì. Cả khi chính mình là người sai lầm và gây ra hậu quả, họ vẫn trách Chúa tại sao không quan phòng phù trợ. Đó là dấu chỉ của những đức tin và lòng đạo đức chưa trưởng thành: giống như con nít, hay hờn dỗi và thích đổ lỗi, chứ không biết nhận trách nhiệm về mình.
    Trong thời gian qua, để trấn an nhau, người ta chuyền nhau bức hình Chúa Giê-su với dòng chữ: “Đừng lo bị nhiễm Virus Corona, vì đã có Chúa ở cùng”. Cần phải trấn an nhau để tránh tâm lý hoảng loạn là điều nên làm. Tuy nhiên, nếu không khéo, điều người ta đang làm không phải là trấn an mà là dùng niềm tin sai lầm và lòng đạo đức thái quá để ru ngủ nhau. Nói rằng mình có Chúa ở cùng nên không sợ bị nhiễm virus, vậy phải giải thích thế nào với những người đã bị nhiễm virus ? Chúa không ở cùng họ hay sao ? Có Chúa – không lo bị nhiễm virus, là một công thức rất trẻ con, vừa phản khoa học vừa phản đức tin. Đừng nại vào Danh Chúa một cách bất xứng như thế!
    Cha Anthony de Mello kể lại một câu chuyện ngắn như sau. Có một chàng trai trẻ tìm đến với một nhà thông thái để xin học về Thiên Chúa. Chàng trai bước vào căn lều của nhà thông thái và thưa:
- Thưa thầy, con là người tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Để chứng minh điều đó, con đã để con lừa của con bên ngoài mà không cần phải cột dây lại, dù con biết ở đây có nhiều kẻ trộm cắp. Con tin Chúa quan phòng sẽ giúp giữ con lừa của con.
Nhà thông thái ngước mắt lên nhìn chàng trai rồi hỏi:
- Này con, từ bao giờ mà Thiên Chúa bị biến thành kẻ giữ lừa cho con thế ?
Này bạn là người đạo đức thái quá và cuồng tín, từ bao giờ Thiên Chúa bị giản lược thành tấm bùa hộ mệnh chống virus cho bạn thế ?
( xem "Taking Flight" của Lm Anthony de Mello trang 108, câu chuyện số 123  ).
5.Niềm an ủi dựa vào Kinh Thánh :
    Chúa Giêsu phán : "Chỉ có một việc quan trọng mà thôi"( Lc 10,42a )- Đó là lắng nghe Lời Chúa. Ta biết rằng: Kinh Thánh là Lời TC nói với loài người. Tác giả Kinh Thánh là TC vì TC đã chọn và linh ứng cho con người viết nên Kinh Thánh. Kinh Thánh có lời ủi an cho những ai mong được an ủi. Phúc cho những ai tìm về với Kinh Thánh để tìm nguồn hy vọng và sự hướng dẫn trong những giai đoạn khó khăn : "TC là Đấng ủi an"( Rm 15,5 ), "TC yên ủi chúng ta trong cơn khốn khó"( 2 Cr 1,4 ). Chúa Cha đã phái Chúa Giêsu - Con Một của Ngài xuống thế gian để ban cho chúng ta hy vọng và niềm ủi an ( x Jn 3,16-17 ); Kinh Thánh còn mô tả TC là Đấng hằng ngày gánh gánh nặng của chúng ta, tức là TC sự cứu rỗi của chúng ta ( x Tv 68,19 ). Những người kính sợ TC có thể tin tưởng mà nói rằng: "Tôi hằng để TC trước mặt tôi, tôi chẳng hề lay chuyển vì Ngài ở bên hữu tôi"( Tv 16,8 ).
    Những câu Kinh Thánh như trên cho thấy TC dành cho loài người tình yêu thương sâu đậm. Rõ ràng TC luôn ước muốn làm dịu nỗi đau của con người trong những lúc buồn khổ. Tác giả Thánh Vịnh viết: "Hãy trao gánh nặng ngươi cho TC, Ngài sẽ nâng đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công chính bị lung lay chao đảo"( Tv 55,22 ).
    Việc học Kinh Thánh cũng cho ta lòng tự trọng cần thiết để bền chí bất chấp những khó khăn riêng và để có một quan điểm tích cực về cuộc đời.
    Khi lòng đau đớn vì một nguyên nhân nào đó, ta có thể tìm an ủi qua lời cầu nguyện với TC. Trong cơn Đại dịch, ngẫm đọc lại Lời Chúa - Điều này có thể cất đi gánh nặng của chúng ta.
    Trong những cảnh ngộ cực kỳ khó khăn, đặc biệt khi sức khỏe bị nguy kịch, thông thường không một giải pháp nào giải quyết được mọi việc cho ổn thỏa. Với sức riêng có thể chúng ta không biết đích xác phải quay về đâu. Nhiều người thấy rằng sau khi làm tất cả những gì sức con người có thể làm, thì việc quay về với TC qua lời cầu nguyện đem lại niềm ủi an lớn và đôi khi dẫn đến những giải pháp bất ngờ ( x I Cr 10,13-14 ).
    Cuối cùng, ta nghe lời của Chúa Giêsu quả quyết : "Thầy nói với anh em nhiều điều, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian "( Jn 16,33 ). 
"Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi"( Jn 14,27 ).
JB.SĨ TRỌNG.

Nguồn tham khảo :
       -Thánh Kinh Cựu và Tân ước.
       -Trung tâm mục vụ TGP Sài Gòn.
       -Cuốn "Taking Flight" của Cha  Anthony de Mello.