Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Tiếng vọng ngàn xưa

 











Có hai câu Hán thi :

"Nhàn thâu loạn trật tư nghi nghĩa,
Nhất tuệ  thanh đăng  vạn  cổ  tâm."

Xin tạm dịch :

"Rảnh rang ngồi nhặt sách vải vung,
Suy nghĩ miên man chuyện thế trần
Bỗng thấy  ánh đèn  trong rọi  sáng,
Cổ   nhân    để   lại   vạn  tấm   lòng."

Các thư Phaolô và sách Phúc âm đã quá quen thuộc, hầu như ai cũng biết, nhất là khi tham dự Thánh Lễ tại nhà thờ. Một cuốn sách mà tôi ít đọc, tình cờ hôm nay lại đọc nó - Đó là sách Hô-sê ( Hs ). Chỉ xin trích dẫn một đoạn ngắn có liên quan trong bài viết này : Hs  2,1-5.

1. Dự báo - Những tia hy vọng :
"Dẫu vậy, số con cái Israel sẽ giống như cát bờ biển, không thể
lường, không thể đếm, và chính nơi mà đã bảo chúng nó rằng : Các ngươi chẳng phải là dân Ta, sẽ lại bảo rằng : Các ngươi là con cái của Thiên Chúa hằng sống."( Hs 2,1 )
Xin liệt kê những điều Chúa hứa với dân Israel. Niềm hy vọng của dân Israel ngày xưa có ý nghĩa gì đối với Giáo Hội ngày nay ?
Nước Do Thái đã phải trải qua những giai đoạn lịch sử đen tối. Đúng là nước mất nhà tan ! Tuy nhiên bởi lòng nhân từ của Chúa, Ngài hé mở cho họ tia sáng hy vọng. Chúa hứa rằng Chúa sẽ cho dân số họ được gia tăng, lãnh thổ sẽ được khôi phục, đất nước sẽ được thống nhất. Họ sẽ có lãnh tụ, Chúa sẽ là Chúa của họ, và họ là con dân Ngài.
Trải qua những biến chuyển lịch sử, có những lúc không ai có thể tưởng dân Do Thái sẽ còn. Tuy nhiên, Chúa vẫn giữ lời hứa của Ngài. Người Do Thái bị tản lạc khắp nơi trên thế giới, bị ngược đãi, kỳ thị.v.v... Hitler đã giết gần 6 triệu người Do Thái. Các nước Ả-rập với sức mạnh dầu hỏa, đã tìm cách xóa tên nước Do Thái khỏi bản đồ thế giới. Thế mà người Do Thái đã lập quốc, và nước họ mỗi ngày một hùng mạnh.
Ngày nay nước Chúa đã mở rộng. Hội Thánh là con dân Ngài. Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc bảo vệ Hội Thánh và làm cho Hội Thánh mỗi ngày một lớn mạnh. Chúng ta hãy sống trong khải tượng đó và dấn thân cuộc đời mình vào công cuộc mở mang nước Chúa.

2. Thông điệp khát vọng vô bờ :
Mối liên hệ giữa dân Israel và Đức Chúa Trời được mô tả thế nào qua hình ảnh người vợ ngoại tình ? Hậu quả nào họ phải gánh chịu ? Chúng ta được nhắc nhở điều gì về mối liên hệ của chúng ta với Chúa qua hình ảnh người vợ ngoại tình này ?
Một người đàn bà khi đã thương rồi họ có thể làm khuynh đảo mọi thứ, làm thay đổi cuộc sống của một nhà đạo đức.
Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay : Mấy câu đầu sách Hô-sê chương 2, Chúa trở lại cảnh cáo Israel một cách chi tiết hơn. Chúa ví Ngài như người chồng, Israel là vợ của Ngài và mỗi con dân nước ấy là con cái của Ngài. Israel giống như người vợ phản bội, bỏ chồng của mình là Chúa để chạy theo tình nhân là Ba-an, thần của người Ca-na-an, và sinh ra đám con hư hỏng.
Câu 4, Chúa kêu gọi con dân Chúa hãy "kiện" mẫu quốc ( mẹ ) của họ. Kiện ở đây không phải là lên án, buộc tội để đòi trừng phạt, nhưng là lên tiếng kêu gọi cảnh tỉnh. Mặc dù đa số dân Israel đã bội bạc, nhưng vẫn còn thiểu số trung thành với Chúa. Chúa kêu gọi thiểu số trung thành ấy hãy gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đồng bào của mình. Chúa yêu thương, Ngài không phải là người rình rập chờ cho con cái Ngài sai trái là giáng tai họa. Ngài kiên nhẫn sai đầy tớ Ngài lên tiếng cảnh tỉnh để người sai trái ăn năn hối cải. Nếu ta chịu ăn năn, từ bỏ việc làm độc ác của mình thì Chúa sẽ rộng lòng tha thứ. Còn nếu ta cứ ngoan cố theo con đường sai trái của mình, Chúa sẽ phải sửa phạt. Trong trường hợp người Israel, hình phạt dành cho họ sẽ là xấu hổ, nghèo đói, đau khổ ( x Hs 2,5 ).

3. Rút ra bài học :
Đó là tiếng vọng ngàn xưa, đi từ Cựu ước, nối kết hôm nay sẽ là : "Không phải Chúa chậm trễ thực hiện lời hứa như người ta tưởng. Nhưng Ngài chờ đợi, vì không muốn ai phải hư vong nên Ngài dành thêm thì giờ cho mọi người có dịp ăn năn" ( 2 Pr 3,9 ). 
Câu chuyện Israel cho ta nhiều bài học :
           - Chúa chúng ta rất nhân từ. Ngài kiên nhẫn chờ đợi để người có tội có cơ hội ăn năn hối cải. Hãy ăn năn hối cải, đừng chậm trễ.
          - Dầu là thiểu số, con cái Chúa đóng một vai trò rất quan trọng trong cộng đồng, xã hội mình đang sống. Chúng ta là muối của đất, là ánh sáng thế gian ( Mt 5,13 ), chúng ta có bổn phận lên tiếng truyền bá chân lý của Chúa và tích cực góp phần xây dựng để xã hội mình đang sống đỡ băng hoại hơn, tốt đẹp hơn.
          - Chúa dùng đời sống Hô-sê như một bài giảng sống, nhờ đó đồng bào ông dễ dàng hiểu sứ điệp của Chúa. Con cái Chúa cần học hỏi, trau dồi cách trình bày Phúc âm để mọi người dễ dàng thấu hiểu và tin nhận.

4. Cầu nguyện :
Chúa ơi, dù con phản nghịch, Chúa vẫn thương con, cứu con, đưa con vào địa vị con cái Ngài. Xin giúp con luôn nhận biết ơn thương xót này và sống đúng địa vị người con : Xây dựng và mở mang nước Chúa.
Cảm tạ Chúa vì tình yêu Chúa đã kiên trì chờ đợi con trở lại với Ngài. Xin giúp con trung thành và biết cách thuật lại kinh nghiệm về tình yêu của Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét