Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2019

Chùm thơ 47


XUÂN THẸN

Xuân đến xuân đi thật vội vàng,
Xuân đời chưa hết nỗi lầm than
Vườn rau nay lộc không còn nữa
Hưng thịnh ngày xưa bỗng lụi tàn.



NGƯỠNG MỘ

Tôi cảm người tôi thương mến hoài
Một  đời   vất  vả   chẳng   nhờ   ai
Tự  thân  vận  động  mà  nuôi  sống
Lửa  ấm   đức  tin   cháy   miệt  mài.



BẠN HỮU
( Tặng Long Lang thang )

Hai  thằng  toa  rập  rủ  nhau  đi ,
Chọc ghẹo thế gian, miệng cười khì
Bên tách  cà phê  cùng  khói thuốc,
Cuộn tròn  theo  vận nước  biến suy.



@ JADE

Xuân đi lặng lẽ không lời,
Để bao cánh én chơi vơi nửa chừng
Nỗi buồn ập đến sau lưng,
Niềm vui vỗ cánh ngượng ngùng bay xa.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2019

Thay đổi não trạng và chọn lựa

Suy nghĩ bao đời con người ta thường chuộng cái phúc hơn cái khốn. Ngày Tết ai cũng thường chúc nhau hạnh phúc, không ai chúc nhau gặp tai nạn khốn khó bao giờ. Nếu mở miệng ra nói những lời chúc gặp khốn, người ta sẽ nói rằng mình điên, có khi ta còn bị chửi nữa là đằng khác.
Tin Mừng có "Tám mối phúc thật", ta thường gọi là "Bát phúc", hay còn gọi là "Hiến chương Nước Trời", hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, Thánh sử Matthêu đề cập tới 9 cái "phúc thay", Thánh Luca thì nói tới 4 cái "phúc cho" và hoàn toàn đối nghịch với 4 cái "khốn cho"( x Lc 6,20-26 v Mt 5,1-12 ). Giáo Hội đúc kết lại thành "Tám mối phúc thật". "Tám mối phúc thật" là bài giảng của Chúa Giêsu trên núi, Thánh Gandhi khi đọc Kinh Thánh Công Gíao đã hoàn toàn thán phục bởi bài giảng này ( x Mt 5, 1-12 v Lc 6, 20-23 ).

Qủa thật, nếu Chúa Giêsu thay cái "khốn cho" bằng cái "phúc cho" và ngược lại, thì chắc thế giới này đã hoàn toàn đảo lộn, và giá trị ơn Cứu độ chả là gì cả ( chưa nói đến giá trị đạo đức ). Như vậy, ý Chúa Giêsu muốn nói gì ở đây ? Ngài có ý bài bác sự giàu sang không ? Hay Ngài muốn thay đổi tận gốc rễ cái nhìn và suy nghĩ quen thuộc của con người ? Điều ta dễ thấy ngày hôm nay : Bần cùng dễ sinh đạo tặc. Nếu đạo Công giáo toàn là những người nghèo đói xác xơ, bò lê bò lết, lăn lóc dọc đường, thì cũng không ai dám theo và dám vào đạo. Tuy nhiên, sự giàu có tạo nên những tầng lớp thống trị trong xã hội, ức hiếp dân nghèo, thì đây là tình trạng bất công cần lên án. Có lẽ Chúa Giêsu đã đụng chạm tới tầng lớp và hạng người này khi Ngài nói : "Người giàu có khó vào Nước Trời"- Câu nói này cả 3 tác giả Tin Mừng đều ghi lại : ( Mt 19, 23 v Lc 18, 24 v Mc 10, 23 ) và "Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi"( Mt 6,24 ).v.v...Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu đang sống, các Thầy Thông luật và nhóm Pharisiêu là những người quyền lực và giàu có, trong Tin Mừng Mt 23, 13-30 có 8 lần Chúa Giêsu rủa "Khốn cho các ngươi" và trong Tin Mừng  Lc 11, 37-53 có 6 lần Chúa Giêsu rủa : "Khốn cho các ngươi" - Cụm từ này hơi nặng, không khác gì chửi thẳng vào mặt. Tại sao Chúa Giêsu lại làm như vậy ?

Tôi không nghĩ thân phận con người là ''bèo dạt mây trôi" vì tôi thấy con người được Chúa yêu thương, quan phòng, chăn dắt và lo lắng mọi sự, sinh ra làm người là một vinh dự. Tôi nghĩ Chúa Giêsu không làm những chuyện "dở hơi". Và tôi cũng không nghĩ đây là sự thay đổi tốt xấu tự nhiên, như vẫn thường được nghe giải thích, vì như vậy ta không thể cắt nghĩa được tại sao "khóc lóc", "đói khát" là hạnh phúc, còn "sang giàu, phú quý, no nê, vui cười"...lại là khốn. Chúa Giêsu dùng từ như thế có quá lắm chăng ? Có phải là lối nói, là biện pháp tu từ phóng đại không ? ( Theo như cách học ngữ pháp ngày nay thường phân tích ).
Nếu Kitô hữu chúng ta hiểu rằng, Tin Mừng mà Đức Giêsu rao giảng được cả cuộc sống và cái chết của Người minh chứng ( Tôi có đề cập trong một số bài chia sẻ trước : Cả cuộc đời Chúa Giêsu là một bài giảng sống động...) - chắc chắn không phải là một bài học luân lý cao đẹp, mà là một mặc khải tự nhiên về một Thiên Chúa yêu thương và cứu độ. Và nếu, cũng Tin Mừng ấy, cứu cánh của cuộc sống từ đây sẽ không còn phải là "vinh thân phì gia" hay "giàu sang phú quý", mà là đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, thì điều gì dẫn tới việc đón nhận này mới chính là con đường dẫn tới hạnh phúc. Chỉ khi nào tiến tới lối suy nghĩ đó, não trạng đó, Kitô hữu chúng ta mới hoàn toàn được thuyết phục : Tại sao nghèo khó, đói khát, khóc than, bị ghét bỏ...lại được gọi là "phúc"( x Lc 6,20-2 v Mt 5,1-12 ) ? Trong khi giàu có, no nê, vui cười, khen tụng...lại bị cho là "khốn"( x Lc 6,24-26 ) ? Đừng đánh đổi giữa hai trạng thái này.
Ai dám nghĩ rằng, một người đang sống trong phú quý, sung túc, thành đạt và toại nguyện lại cần tới lòng thương xót ? Trong khi đối với một người đang rơi vào tình cảnh khó khăn, đói khổ, thất vọng hay bị khinh khi, thì mong đợi lòng từ bi xót thương, hẳn là điều đương nhiên ? Vấn nạn này được Ngôn sứ Isaia và Đức Giêsu công khai bày tỏ : "Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn"( Is 1,12 v Lc 4,18b ), Chúa Giêsu nêu rõ cái vinh dự ấy : "kẻ nghèo được nghe Tin Mừng"( Mt 11,5b ), Thánh Augustino lớn tiếng ngợi ca : "Ôi tội hồng phúc !" Và được Đức Mẹ hớn hở reo lên : "Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới" ( Lc 1,48 ). Cũng vậy, Thánh Phao lô mạnh dạn xác quyết : "Chính lúc tôi yếu đuối nhất là lúc sức mạnh Thiên Chúa tỏ rõ nơi tôi" ( 2 Cr 12,10 ). Trong tư cách một người phàm, ai trong chúng ta cũng mong muốn được giàu sang, no đủ, để được tự do thoải mái trong đời sống, điều ấy chẳng có gì là tội hay khốn cả. Nhưng trong tư cách Kitô hữu, người tin và đang đi tìm tình yêu Cứu độ của Thiên Chúa từ nhân, mà lại để cho mình thiếu vắng nhu cầu chạy tới lòng thương xót từ bi của Chúa, thì quả là "đại khốn" cho ta biết mấy, vì Chúa đã nói : "Con lạc đà chui qua lổ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa " ( Mt 19,24 v Mc 10,25 v Lc 18,24 ).
Thậm chí, nếu việc tu thân, việc rèn luyện nhân đức làm ta thấy mình cao đẹp, tốt lành hơn người, thấy mình đáng được "thưởng công bội hậu" ( như cách nói của nhiều người )...rồi từ đó thấy sự xót thương của Thiên Chúa là không cần thiết - Điều này nếu xảy ra cho bất kì ai, cho dù người ấy là Linh mục, tu sĩ, hay giáo dân...thì cũng đều "khốn cho kẻ ấy"( từ ngữ Kinh Thánh dùng ). Đơn giản là vì, chính lúc đó người ấy sẽ liệt mình vào hạng người "giàu có, no nê, vui cười, được mọi người ca tụng", hạng người mà trong Tin Mừng Chúa Giêsu lên tiếng nguyền rủa. Điều này có lẽ còn bất hạnh hơn cả trường hợp ta sa ngã phạm tội.

Chúa Giêsu luôn bênh đỡ người nghèo. Trong cái nghèo đáng quan ngại nhất là nghèo tinh thần. Thông thường những kẻ giàu có vật chất thì lại nghèo về tinh thần.
Người ăn xin là người nghèo về vật chất nhưng chưa chắc họ đã nghèo về tinh thần. Các quan chức nhà nước, họ giàu về vật chất, nhưng chưa chắc họ đã giàu về tinh thần. Thiên Chúa không chủ trương cho người ta nghèo và khổ về tinh thần, ngược lại, người nghèo mà được hạnh phúc là ở chỗ người đó được Thiên Chúa yêu thương, nâng đỡ, không để cho họ bị mất đi đời sống đức tin. Qủa vậy, Đức Giêsu được sai đến trần gian là để đem Tin Mừng Cứu độ cho người nghèo. Chúa thương và chúc phúc cho người nghèo. Xin nhắc lại một lần nữa, Ngài đã lấy lời Ngôn sứ Isaia để nói về mình : "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, Người đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó" ( Is 1,12 v Lc 4,18 ) - Từ "người nghèo khó" được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong toàn bộ Phúc âm, như muốn gởi một thông điệp người nghèo là đối tượng cần chú ý quan tâm nhiều nhất.
Tin Mừng Cứu độ cũng được cụ thể qua dụ ngôn "Khách được mời" trong Lc 14, 15-24. Dụ ngôn này mô tả bữa tiệc được chuẩn bị sẵn sàng thì những người khách được mời lại từ chối. Người thì viện lý do buôn bán bất động sản (  mới mua đất cần đi thăm ), người khác mới tậu năm cặp bò phải đi thử, người khác nữa mới cưới vợ không đến dự tiệc được...và họ nhất loạt xin kiếu. Cuối cùng, thành phần tham dự bữa tiệc là những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt; những người này có phúc ở chỗ không bị chi phối bởi những lý do bên ngoài, nhờ đó họ sẵn sàng đón nhận điều được ban là dự tiệc. Bữa tiệc trong dụ ngôn này ám chỉ bửa tiệc Nước Trời ( Lc 14,15 ). Ngược lại, người giàu lo vui hưởng hạnh phúc chóng qua đời này và không chọn hạnh phúc vĩnh cửu Nước Trời làm gia nghiệp, nên họ bị coi là người khốn. Cuộc đời ai cũng thế thôi, có ai sống mãi với thời gian và của cải mình sắm đâu, do đó cần biết chia sẻ và giúp đỡ người khác. Ta không thể thản nhiên vui chơi sung sướng khi bên cạnh ta còn có người nghèo đói. Làm việc bác ái, từ thiện, giúp đỡ người nghèo là việc tự nhiên, việc bổn phận, chứ không phải là một thách đố. 
Con người gắn liền với nhu cầu vật chất. Giàu có là điều kiện để sống, thế nhưng, Chúa Giêsu lại nói : "Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có". Ớn thật ! Lời nói này chắc chắn phải đụng chạm đến những người đang bon chen, chạy vạy, lo làm ăn, để tìm kiếm của cải vật chất. Càng dễ đụng chạm hơn với giới Lãnh đạo, như giới Lãnh đạo Do Thái xưa. "Thu trữ của cải thế gian mà mất linh hồn thì có ích gì ?" - Câu nói này cũng là câu nói của Chúa Giêsu ( Mc 8,36 ), lại càng đụng chạm hơn nữa.
Người thanh niên trong Tin Mừng Matthêu chương 19, Tin Mừng Luca chương 18 là người giàu có. Tuy anh nhận thấy Chúa là Đấng tốt lành và anh muốn theo. Nhưng chính cơ ngơi, gia tài của cải  anh có đã níu kéo anh lại, ràng buộc anh, không cho anh trở nên người môn đệ của Đức Giêsu ( x Mt 19, 17-22 v Lc 18, 18-23 ).

Một nhà thơ nữ đã viết :

"Có những lúc tôi mỉm cười tự hỏi
Gía trị con người đơn giản thế chăng ?
Người hợm hĩnh vì giàu sang của cải
Kẻ ngông cuồng với chức tước, tài năng !

Trong mắt Chúa, là Chủ của Vĩnh Hằng
Ngài bỗng thấy... họ như người xa lạ !
Phủi bụi đường, Người ra đi hối hả
Tìm dung nhan của bao kẻ đói nghèo".
                                   ( Teresa Trần )
Ngày nay, đời sống văn minh đưa con người đến chỗ đặt phương tiện sống lên trên con người. Nếu không cảnh giác, phương tiện trở thành mục tiêu hàng đầu khiến con người theo đuổi, đến nỗi con người là thứ yếu, từ đó đánh mất đi giá trị nhân bản. Giàu có mà đưa đến tình trạng như thế thì giàu có là một điều khốn.
Sống trong sự sung túc thịnh vượng nhiều khi là nguy cơ đánh mất những gì cao quý nhất là vậy. Giàu có, có thể là một điều tốt, nhưng không bao giờ giàu có được coi là điều tốt nhất. Đức Thánh Cha Fancis nói rằng : "Những người theo Chúa Kitô thì không để cho những ham muốn giàu có, danh vọng, nổi tiếng bám vào lòng mình. Tình yêu và sự dịu dàng của Chúa Giêsu đi trước chúng ta". Người ta vẫn quý sự bình an trong tâm hồn, quý sức khỏe, quý sự công chính hơn giàu có. Tiền bạc, của cải vật chất chả là gì đâu, những thứ ấy có giới hạn của nó, tất cả chỉ là phương tiện - Nó không thể làm cho người sở hữu sống mãi được. Giàu có không mua được tình yêu. Giàu có không mua được hạnh phúc. Giàu có thường làm cho con người trở nên kiêu căng tự phụ, giàu có là lý do dễ mất đức tin, đổ vỡ hạnh phúc. Nhiều khi giàu có còn là nguyên nhân gây nên lo lắng bất an, tội lỗi. Giàu có mà như thế thì giàu có là khốn. Anh em ruột mà tranh dành của cải, đòi chiếm dụng gia tài của cha mẹ để lại thì tình cảm anh em sẽ mất.
Đành rằng sống ở trần gian con người cần có tiền của vật chất làm phương tiện. Tuy nhiên, những gì phương tiện mang lại cho con người cũng chỉ là sung sướng hạnh phúc chóng qua, tạm bợ. 
''Phù hoa, phù hoa, mọi sự đều là phù hoa. Chỉ có thờ phượng Thiên Chúa là không phù hoa".( Sách Giảng viên ) 
Hạnh phúc thật là hạnh phúc vĩnh cửu trong Nước Trời, là chính Chúa. Mỗi người sẽ là phúc hay là khốn, là do mình chọn lựa.
Nếu một ai đó đặt Thiên Chúa  trên hết trong đời mình, người ấy sẽ không cảm thấy mình lo lắng quá mức về bất cứ việc gì, bởi vì họ thuộc về Thiên Chúa.
"Có gì đẹp trên đời hơn thế / Người yêu người sống để yêu nhau". Và trên hết, mỗi chúng ta cần có một tình yêu dành cho Thiên Chúa nữa, vì đời là cõi tạm. Thiên Chúa có quyền trên cả sự sống, sự chết và hạnh phúc của con người.
Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta - những ai có lòng yêu mến Ngài.

P/s : Viết sau khi tham dự Thánh Lễ  Chủ nhật và nghe bài Phúc âm Luca 6, 20-26 CN VI TN.

JB.SĨ TRỌNG.



Bài chia sẻ trong tờ Thông tin của Giáo xứ Chánh tòa Xuân Lộc :

                          CON ĐƯỜNG HẠNH PHÚC

Những lời Chúa nói trong Phúc Âm tuần này : Phúc cho các con vì nghèo nàn, đói khát, khóc lóc, bị thù ghét, bị trục xuất, bị phỉ báng và loại trừ...Tất cả những điều đó xem ra không lọt tai chúng ta. Và xem chừng cũng không ai muốn được Chúa chúc phúc theo kiểu trái ngược này. Vâng ! Chẳng ai thích nghèo, thích lang thang đói rách dọc đường phố, bị loại trừ, bị khinh chê. Thế mà Chúa lại chúc phúc, thì quả là "khó chấp nhận".
Phải chăng Chúa thích làm những chuyện dở hơi, chuyện ngược đời, chuyện không mấy ai tán thưởng ? Thưa không. Chỉ vì Chúa thích đứng về phía những người nghèo bé nhỏ, "thấp cổ bé miệng" ở đời. Ngài muốn mời mọi người đi vào con đường hẹp dẫn đến Nước Trời. Bởi vì con đường của Nước Trời luôn là con đường hẹp và nhỏ, không có chỗ cho sự dễ dãi, giàu sang hay thênh thang.
Chúa còn nhấn mạnh : Khốn cho những ai giàu có, được no nê đầy đủ, được vui cười thỏa thích, được vinh dự ở đời này. Những điều này nghe cũng thật chói tai, vi đây chính là đích phấn đấu, là lý tưởng của đời người. Ai cũng muốn mình giàu có, được no nê đầy đủ...nhưng thật ngược đời, đó là những điều không được Chúa trân trọng, mà còn nguyền rủa "khốn cho các ngươi"...
Tại sao vậy ? Thưa, vì sự giàu có, no nê, đầy đủ, vui cười...Tất cả những điều đó là những nguy cơ, dễ làm cho ta quên đi mục đích tối hậu của đời mình, dễ làm cho ta dừng chân ở những "thiên đường ảo", để rồi chính mình sẽ phải hối hận và nuối tiếc muôn đời, khi ra trước tòa Chúa phán xét.
Thiên Chúa là Cha giàu Lòng thương xót. Ngài luôn yêu thương con cái mình. Ngài chỉ muốn cho ta được hưởng ơn cứu rỗi và hạnh phúc đích thực. Vì thế, Ngài đã chỉ cho ta một con đường sống hạnh phúc đích thực và vững bền. Ngài không bao giờ muốn lừa dối ta. Con đường hạnh phúc đích thực của Chúa giới thiệu cho ta thật khó đi, vì phần nào nó trái với ước muốn tự nhiên của con người. Tuy khó, nhưng không phải là không thể, với những người muốn đi vào con đường hẹp của Nước Trời : "chỉ người nào có sức mạnh, mới thực sự xứng đáng với Nước Trời"( Mt 11,12 )
Kinh nghiệm cho thấy : Thật khó và rất vất vả cho những ai dám lội ngược dòng nước. Cũng vậy, con đường hẹp bao giờ cũng khó đi. Con đường chông gai lại càng ít người dám chấp nhận. Nhưng đó lại là con đường mà Chúa đã đi suốt cả cuộc đời, và Ngài đã chọn con đường hẹp ấy để cứu chuộc nhân loại. Như thế, con đường dẫn tới hạnh phúc đích thực tuy khó chấp nhận, nhưng lại là con đường sống. Có gian nan thử thách, có hy sinh Thánh giá, mới thực sự có lễ tế và lập nên công phúc. Người ta vẫn nói : "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt nào có hơn ai !". Vì thế, những lời chúc phúc của Chúa tuy có vẻ ngược ngạo và không dễ chấp nhận. Nhưng chính việc ta  dám chấp nhận và can đảm để sống, mới thực sự làm nên ý nghĩa cho đời này và đời sau.
Ai lại chẳng thích giàu sang, muốn đầy đủ, vinh dự suốt đời...Nhưng việc ta chấp nhận chia sẻ những điều ấy cho những người thiếu may mắn, đó mới là thách đố. Hơn nữa, Chúa muốn ta ý thức thân phận "bèo dạt mây trôi" của kiếp người, để ta đừng bám víu vào "những thứ hạnh phúc ảo" của trần thế này, mà quên đi cùng đích của đời mình.

Hoài niệm

BÀI 1

Xin đừng phổ nhạc thơ tôi,
Với bao câu chữ lệ đời vây quanh
Mắt tôi từng giọt long lanh,
Tình yêu nỗi nhớ Kinh thành năm xưa.



BÀI 2

Đêm  đêm  nghe  tiếng  gió  mơ hồ,
Hoài  niệm  nghĩ  về  một  Cố  đô
Nhớ lại những tháng ngày cắp sách
Với   bao   bạn   hữu   và   thầy   cô.


BÀI 3

Tháng Giêng tôi kịp về thăm,
Qua sông lở chuyến đò ngang mất rồi
Bên này đứng đợi em tôi,
Bên kia cỏ mọc vùng trời Hương Mai.



BÀI 4

Viết gì cho Huế chiều nay,
Khi mây giăng kín phủ đầy không gian
Môi khô khát nước thiên đàng,
Mắt  trần   tội  lỗi   bởi   ngàn   ưu  tư...




BÀI 5 : TỰ BẠCH

Anh  cạn  hết  rồi,  chẳng  viết  thơ
Chỉ  còn  suy  niệm  đợi  mong  chờ
Lắng nghe Lời Chúa trong thinh lặng
Để  dệt   cho  mình   những  ước  mơ...

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 13 tháng 2, 2019

Cô đơn

Ngày nay nhiều người sợ bị cô đơn. Nếu ở một mình họ sẽ không cảm nhận được mình nữa. Họ luôn cần có ai khác ở quanh họ, để họ cảm thấy bản thân vẫn còn tồn tại. Nhưng sự cô đơn cũng có thể là phúc lành. Không có sự cô đơn sẽ không thể có mối liên hệ nào với Thiên Chúa; và bạn sẽ không thể hiểu hết con người thật của mình.

Nhiều người nhẫm lẫn cô đơn với bị bỏ rơi, đơn độc và bị cô lập; nhưng cô đơn là một phần thiết yếu của mọi hành trình tâm linh. Tất cả các nhà sáng lập tôn giáo vĩ đại đều có một thời gian trong vùng hoang dã cách xa mọi người. Nếu có đủ can đảm để ở một mình, bạn sẽ khám phá ra rằng việc được ở hoàn toàn một mình cũng thật thú vị, bởi khi đó ta không phải thể hiện hay chứng minh bất cứ điều gì cho bất cứ ai, không phải biện minh cho chính mình.

Hoàn toàn một mình có ba ý nghĩa: Thứ nhất, bạn hoàn toàn hòa giải với chính mình. Ngày hôm nay chúng ta rất cần tới sự hòa giải và hiệp nhất với chính bản thân mình, khi mà trong cuộc sống chúng ta luôn cảm thấy bị giằng co bởi những thúc giục bên ngoài và những khuynh hướng bên trong. Với bản thể đa dạng mà ta khám phá ra trong mình, làm thế nào ta có thể tìm thấy sự hợp nhất của chính mình, để kết nối mọi thứ lại với nhau?
Ý nghĩa thứ hai của cô đơn là để ta cảm nhận được sự đoàn kết và hiệp thông sâu sắc với tất cả mọi người. Càng đối diện với sự cô đơn của riêng mình thì sự kết nối của tôi với người khác càng sâu sắc. Trong cô đơn, tôi khám phá ra chiều sâu nội tâm, nền tảng của bản thể tôi, và trong sâu thẳm tâm hồn tôi được kết nối chặt chẽ với tất cả mọi người. Ở đó tôi cảm thấy rằng, như Ovid (nhà thơ La Mã xưa) đã nói, không có ai là xa lạ với tôi, rằng tôi được kết nối với tất cả những người khác trong chính bản thân tôi.
Ý nghĩa thứ ba của sự cô đơn là, tôi cảm thấy tôi trở thành một với tất cả, với điều tối thượng, với chính nguồn gốc của mọi tạo vật. Friedrich Nietzsche đã nói: “Người biết đến sự cô đơn tuyệt đối sẽ biết được điều tối thượng”. Trải nghiệm ở một mình là một phần thiết yếu của con người. Dostoevsky cho rằng “Thỉnh thoảng ở một mình còn cần thiết cho chúng ta hơn cả ăn uống”. Trong sự cô đơn tôi cảm nhận được những giá trị thật sự của nhân loại, rằng tôi là một phần trong vạn vật, một phần trong tất cả sự sáng tạo thuộc về vũ trụ này, và cuối cùng là một phần trong Đấng Tối cao – cội nguồn của tất cả.
Bạn sẽ trải nghiệm nỗi cô đơn không phải là sự đơn độc mà là sự ấm cúng với cảm giác như đang ở nhà. Bạn ở trong ngôi nhà chứa đựng những mầu nhiệm bí ẩn, nơi Thiên Chúa Cô đơn sẽ dẫn bạn vào mầu nhiệm bí ẩn tối thượng định hình nên thế giới của chúng ta. Ở đó bạn không bao giờ một mình. Mầu nhiệm bí ẩn này, bao trùm lên tất cả, sẽ mang lại cho bạn ngôi nhà vĩnh cửu mà không ai có thể lấy đi khỏi bạn được. (Anselm Grun, From “50 Engel Fur Das Jahr”)

Thơ không vần

BÀI 1

Cơn cám dỗ đi trong lồng ngực,
Và thổn thức tự trái tim mình
Như giấc ngủ về đêm mỏi mệt,
Thấy thật  gần  khi  ngã  bờ lưng.


BÀI 2

Đất nước mình tội lắm phải không em,
Hoàn Kiếm đục ngầu, thanh gươm rỉ rét
Lê  Lợi  đấu  tranh  nằm  gai  nếm  mật,
Xác  rùa phơi giữa  phố  cổ  đông người.



BÀI 3


Cuộc sống quanh ta đời chật hẹp,
Chen chúc, giành giật, trộm miếng ăn
Kẻ   hiền   dễ   bị   người   ức   hiếp,
Chuyện phiếm mây trôi, chớ muộn phiền.


BÀI 4

Xuân về xua cánh én bay nhanh,
Một chút tình Xuân mãi ấm nồng
Vốn  quý   trên  đời   là  như  thế,
Bạn  tình   ta  vẫn   ở   trăm  năm.

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

Mùa Xuân, Tết và Năm mới


Tết Nguyên đán - Ngày lễ truyền thống của người Việt Nam. Vào dịp Tết mọi người sẽ được tạm thời nghỉ ngơi sau một năm dài làm việc và được vui chơi thỏa thích bên gia đình, bè bạn. Ai đi xa cũng tìm mọi cách để về đoàn tụ, đây cũng là một cơ hội để mọi người tận hưởng một khoảng thời gian đầm ấm, hạnh phúc. Có một vài khác biệt giữa những ngày Tết miền Bắc, miền Trung và miền Nam Việt Nam. Ở miền Bắc thì nhiều lễ hội bộc lộ sự mê tín dị đoan và thức ăn truyền thống ngày Tết là bánh chưng - một loại bánh nếp hình vuông, nhân thịt được gói trong lá dong. Đa số người ta thường mua bánh chưng kèm với vài cành đào như là một biểu tượng ngày Tết dùng để trang trí nhà cửa. Ở miền Trung và miền Nam, ít lễ hội hơn, người ta xem hoa mai, bánh tét là biểu tượng Tết. Bánh tét cũng được làm từ nếp, nhân phía trong có thể là đậu, chuối, hoặc thậm chí là thịt. Có nhiều nơi cũng làm cả hai loại, bánh tét và bánh chưng, cùng gói một loại lá.
Đêm giao thừa, hầu hết mọi gia đình đều tụ họp ăn bửa tối và làm nghi lễ truyền thống thắp nhang, cúng trà mứt để tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên. Vào ngày đầu năm, những đứa trẻ sẽ chúc những lời tốt đẹp nhất đến người lớn và nhận được tiền lì xì. Khoảng thời gian còn lại, mọi người có thể đi chùa, đi nhà thờ để cầu xin những việc tốt lành, bình an và sức khỏe trong năm mới. Tết là một dịp quan trọng để gia đình, bạn bè gần nhau sau một năm làm việc vất vả, và nó cũng tiếp thêm động lực để chúng ta có thể cố gắng nhiều hơn trong năm sau.
Có lẽ chữ Tết từ chữ "Tiết" mà ra, do cách nói bị trại đi của người Việt Nam mình, ngoại quốc hình như không có chữ Tết mà chỉ dịch từ thời khắc năm mới, hoặc " chúc mừng năm mới" là ra ý nghĩa Tân niên, chấm dứt một  năm cũ. Ngoài ra, chữ "Tết" còn có ý nghĩa chụm lại, thắt chặt lại, nói lên ý nghĩa đoàn tụ và sum vầy, gặp gỡ nhau trong những ngày đầu Xuân.

Kinh Thánh thì chẳng nói gì Tết hay Năm mới.Người Việt Nam ảnh hưởng sâu nặng văn hóa người Tàu nên đã sinh ra nhiều thứ quá, họ chúc nhau ngày Tết là bắt đầu một năm mới. Chúa Giê su chỉ chúc bình an sau khi Ngài Phục sinh là bắt đầu một sự sống mới, mang ý nghĩa cứu độ, chứ Chúa chẳng nói lời chúc gì khác trong những ngày miệt mài đi Rao giảng hay trừ quỷ, trừ tà. Như thế thì năm mới ở đâu ? Mùa Xuân ở đâu ? Bắt đầu từ điều gì ? Có chứ, là dấu hiệu thời tiết Thiên Chúa đã thiết lập, mốc thời gian chuyển tiếp đánh dấu hết thời điểm một năm và năm kế tiếp lại bắt đầu những tháng ngày để con người hòa cùng thiên nhiên vũ trụ, tiếp tục với sứ vụ làm người. Giao thừa là thời khắc đánh dấu trái đất quay quanh mặt trời tròn đủ 365 ngày, thời điểm chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới. Con người không biết bao giờ thời gian sẽ dừng lại, điều đó chỉ có Thiên Chúa biết mà thôi( x Mt 24,36 v Mc 13,32 ) vì Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên vũ trụ và thời gian.
Chắc chắn Kinh Thánh không nói gì về Năm mới, Kinh Thánh chỉ đề cập đến Trời mới và Đất mới ( x Kh 21,1-4 ). Song, chúng ta không quên sự kiện Chúa Giêsu vào Hội đường Nazarét, Ngài đọc Sách Thánh và Ngài Khai mạc Năm Hồng ân ( Lc 4,19 ). Có lẽ đây là niềm vui của chúng ta khi đón chào một Năm mới.
Năm Hồng ân Chúa Giêsu  khai mạc ngay tại nguyện đường Nazarét là một vùng đất nghèo, và sau đó thì Ngài bị xua đuổi, rồi dân chúng muốn xô Ngài rớt xuống vực thẳm ( Lc 4,28-29 ). Như thế thì có phải là Tết không ? Xin thưa là không. Có phải là mừng Xuân không ? Chưa hẳn, vì có thể thời điểm đó không phải là mùa Xuân ở vùng đất Palestina. ( Cần xem thêm toàn bộ mạch văn và câu chuyện ở Lc 4,16-30; Mt 13,53-58 v Mc 6,1-6 ). Chúng ta thường hay nói "Chúc Năm mới được nhiều Hồng ân của Chúa". Có người ấu trỉ chỉ cho rằng Hồng ân là tiền bạc, danh vọng, của cải vật chất, còn những việc Chúa cho thử thách, gian khó... để được ơn Cứu độ thì không phải là Hồng ân ư ? Chúa chỉ chúc bình an cho những người hoán cải, như vậy hoán cải là mùa Xuân. Khi nào con người được gặp Chúa là con người có mùa Xuân. Muốn được gặp Chúa thì con người phải biết hoán cải, phải biết ăn năn sám hối.
Giao Thừa, người ta cho là thời khắc linh thiêng, tôi chẳng thấy linh thiêng gì cả. Người Công Giáo có Thánh lễ Giao Thừa, Thánh lễ ấy cũng như bao Thánh lễ khác, chỉ khác một điều là mọi người đều hướng về để sốt sắng cầu nguyện cho năm mới được bình an, sức khỏe và nhiều thứ khác theo ước muốn tham lam. Nếu trong năm mới có gì bất an, ta nghi ngờ tình thương của Chúa sao ? Dĩ nhiên, ai cũng muốn bình an, đấy là theo cảm tính ! Ta cứ để mọi sự theo ý Chúa cả đi, đừng theo ý mình.

Đối với người Việt Nam, mùa Xuân đến, Tết gõ cửa nhà để người ta "xông đất"( theo tục lệ người Tàu ). Trẻ con mong chờ ngày Tết nhiều hơn người lớn vì chúng được lì xì, chúng được bánh kẹo, được áo quần mới.v.v... Người lớn mừng Tết theo truyền thống nhưng có nhiều điều phải lo toan, đặc biệt nặng nề về phong tục ăn sâu vào đầu óc đã hằng ngàn năm nay qua bao thế hệ. Có khi lời chúc chỉ là sáo rỗng trên môi nhưng ai cũng chúc nhau. Có chăng, niềm vui trao cho nhau, sự thân thiện, quý trọng nhau là điều cần thiết ? Nếu lời chúc không đi đôi với tâm tình cầu nguyện thì lời chúc đó cũng chả có ý nghĩa gì. Thiết nghĩ nên nhắc lại việc dùng đồng tiền lì xì cho trẻ nhỏ. Chúng ta không sắm được thiên đàng cho tuổi thơ, chỉ có Chúa ban cho chúng nó mà thôi vì tự thân chúng nó là Thiên Thần. Chúng ta chỉ biết gìn giữ, bảo vệ các em để may ra làm cho đời sống các em trở nên thánh thiện và tốt lành lớn lên theo thời gian, theo từng độ tuổi. Đừng bắt trẻ thơ phải biết khoanh tay mừng tuổi người lớn để được lì xì mà cho rằng đây là một hành động lễ phép, điều này trái với bản chất tuổi thơ và hoàn toàn phản giáo dục. Chúng ta không nên để tuổi thơ biết đồng tiền quá sớm, cần dạy cho chúng biết nhìn cuộc sống một cách trong sáng, hồn nhiên. Chúa Giê su nói : "Hãy để trẻ thơ đến với Ta, vì Nước Thiên Chúa dành cho những ai trở nên như trẻ thơ" (  Lc 18, 17; Mt 19,14 v Mc 10, 14 ).
Chúng ta nghĩ thế nào về câu nói ấy ? Chúa Giê su dang tay đón nhận các em bé trẻ thơ, trong khi các môn đệ thì xua đuổi các em ra xa "để khỏi làm phiền Thầy"(x Mc 10,13-15; Mt 19,13-15 v Lc 18,15-17 ). Đến lượt chúng ta ngày nay. Không phải trẻ em mà ngay người lớn vẫn còn quan niệm lì xì là để lấy hên.Có người dùng đồng tiền trao cho người khác rồi nói lì xì để lấy hên, tôi nghĩ chẳng hên xui gì cả, đó chỉ là trò bày đặt. Cái văn hóa ấy ảnh hưởng mấy ngàn năm nay là văn hóa Trung Hoa. Trong Tin Mừng không thể dùng đồng tiền trao cho người khác để lấy hên được vì ai cầm gươm sẽ chết vì gươm, ai ham tiền sẽ chết vì tiền, và tiền bạc thường dẫn đến sự tha hóa đạo đức, sự lừa thầy phản bạn như Giuđa Iscarios vậy. Các bậc làm cha mẹ thường chìu con theo ước muốn nhưng đi nhà thờ sinh hoạt Giaó lý thì họ không khuyên bảo để các em có ý thức tự nguyện. Các bậc phụ huynh ngày nay cũng rất ít đối thoại tôn giáo với các em.
Nhạc sĩ Trần Tiến viết rằng :
                        "Tuổi thơ đã đi qua,
                         Đời tôi đâu có ngờ
                         Từng đêm đứng trông chờ
                         Như chờ từng giấc mơ"...
Tuổi thơ đã đi qua thì không bao giờ quay lại được. Nếu lúc còn nhỏ chúng ta không quan tâm thì lớn lên theo bản tính ta khó mà giáo dục các em được tốt.

Tất cả những vấn đề nêu trên, phải chăng ta đã vi phạm truyền thống của tiền nhân ? Ta cần hội nhập và cách tân thì đúng hơn, ta không thể dựa vào truyền thống mà vi phạm giới răn của Chúa ( x Mt 15,2-3 ). Hội nhập nhưng không thể để mất đi cái cốt lõi của đời sống đức tin. 
Không gì sung sướng bằng một người có đời sống tự chủ. Chúa Giê su dạy các Môn đệ rằng : "Đừng đem gì khi đi đường; không gậy, không bị, không lương thực, không tiền bạc, thậm chí không một chiếc áo để thay".Nếu thế thì làm sao họ có thể rao giảng Nước Trời, nơi mà "người đứng cuối trở nên kẻ đứng đầu"? Trong đời sống, chẳng những chúng ta phải từng bước buông bỏ những thứ dư thừa, mà còn phải hành động sao cho phù hợp với giáo huấn của Chúa nữa chứ.
Sống tự chủ không có nghĩa là không biết đến giới hạn của mình và đòi hỏi mình làm những điều quá sức. Không ai trong chúng ta là một siêu nhân, nhưng là một hữu thể, một người đang học cách chuyển động tự do bằng cách mở đường dần dần. Một vật chuyển động nhanh dần đều hay chậm dần đều, đến một lúc nào đó cũng phải dừng lại. Một người tự chủ không lo lắng xem mình đứng đầu hay đứng cuối; và cũng chẳng lo lắng về quá khứ hay tương lai : Hoài bão của người ấy là sống ngày nào cho ra ngày ấy.
"Ai tra tay vào cán cày mà còn ngoảnh mặt lại đằng sau thì không xứng đáng vào Nước Trời". Hay nói cách khác : Ai cầm cày mà còn ngoái cổ lại thì không xứng đáng làm Môn đệ của Thầy Giêsu.
Trong Tin Mừng, đoạn nói về "hoa huệ ngoài đồng và chim muông trên trời", Chúa Giêsu nhiều lần lặp lại câu "Đừng lo lắng". Thái độ của những người mà Nước Trời dành cho họ phải là một thái độ tin tưởng. Họ phải được tự do khỏi mọi ràng buộc lo lắng và sợ hãi - Đấy là mùa Xuân của tâm hồn.


Ai có khả năng sống giây phút hiện tại, người ấy là người tự chủ. Vấn đề không phải là làm nhiều chuyện và đi khắp đó đây, bị thì giờ dồn ép vào công việc ngập đầu, nhưng là phải ở đúng nơi đúng lúc và nhất là phải biết sống từng giây từng phút của cuộc sống; sống trọn vẹn với thể xác, trí khôn, tâm hồn.Sống cái thực tế của hiện tại là như thế đó. Cần phải biết chỗ của mình và sống nơi ấy. Không ai có thể sống trọn vẹn và cảm thấy thoải mái, nếu không ở đúng chỗ của mình và người đó không thấy được mùa Xuân vĩnh cửu.
Đâu có phải Tết là dịp để ăn uống nhậu nhẹt say sưa. Ta cần có một chút suy tư về ngày Tết thì thấy rằng trong đạo năm mới là Năm Hồng ân. Chúa đồng hành với ta, cho ta giá trị yêu thương, giá trị cuộc sống và ơn Cứu độ, nó phụ thuộc vào thời gian đi đến ngày chung cuộc vì Tết thêm một tuổi là con người càng tiến gần về mồ. Có ai sống mãi mà không chết đâu, càng lớn tuổi càng già đi theo thời gian và năm tháng. Hãy sống trong hiện tại và tìm thấy những niềm vui từ những sự việc của ngày hôm nay để hướng về mai sau.
 Lắng nghe chim hót, nhìn nắng vàng trên cỏ xanh, ngắm mai vàng nở thắm trước sân...tất cả vẻ đẹp tại thế nhắc nhớ ta về một quê hương vĩnh cửu. Chúa Giê su nói rằng : "Nước Ta không thuộc về thế gian"( Jn 18,36 ). Điều đó có nghĩa là mùa Xuân vĩnh cửu không có ở trần gian. Tuy nhiên, cuộc sống trần gian thì lại liên quan đến cùng đích vĩnh cửu. Vậy chúng ta phải có một đời sống như thế nào để có được một mùa Xuân vĩnh cửu ? Thiên Chúa mời gọi mỗi người cần có ý thức sống lương thiện, sống đẹp lòng Chúa ở đời này thì đời sau chính là mùa Xuân vĩnh cửu - Mùa Xuân tràn ngập trong ánh sáng Tình yêu và ơn Cứu độ.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Xuân

Hồng chớm môi cười trong gió,
Mai  vàng  nở  nụ  hồn  nhiên
Nắng Xuân dường như mắc cở
Nhẹ   vờn   lên   cỏ   thần   tiên.

Chim  hót  trên  cành  ríu  rít,
Tình nồng chưa đậm men say
Trời Xuân sắc màu xanh biếc,
Mắt   em   hy  vọng   tràn  đầy.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

Chúc mừng năm mới














Xuân về xin kính chúc bình an,
Nhân đức siêu nhiên được vững vàng
Năm mới kính chúc đầy ân sủng,
May  mắn, hạnh  phúc  mãi  dâng  tràn.

JB.Sĩ Trọng.

Có cành đào và một cành mai,
Xin được chúc nhau sống miệt mài
Đừng để bao giờ mất ơn Chúa,
Hôm  nay  xen  lẫn  cả  Ngày  mai.