Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

Tây Nguyên vẫy gọi














Tôi ước mơ mình đến Ban Mê,
Nắng gió miền xa thúc dục về
Cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ quá,
Núi rừng, thác nước chảy mân mê.

Tôi nghe người kể đến Buôn Đôn,
Có  cả  đàn  voi  bước  dập  dồn
Qua suối, qua đèo, leo dốc đứng
Chiêng cồng rung tiếng vọng đầu thôn.

Lễ hội về đêm uống rượu cần,
Nhịp nhàng trai gái nhảy đều chân
Bập bùng ánh lửa cao nghi ngút,
Thu hút người xem tiến lại gần.

Tây Nguyên, tôi trải hết nỗi lòng
Huyền thoại hồ Lak, bến T'nưng
Dân   tộc   Bahnar ,  hồ   Ea Sup
Kỳ bí,  hoang sơ  đến  ngỡ  ngàng.

Tôi về thăm núi thẳm rừng sâu,
Sông nước Krông Nô chảy cuộn trào
Chim hót Nậm Nung(1) hờn với gió,
Tà Đùng(2) trăng  sáng  tỏ  đêm thâu.

Tôi lắng nghe hương vị ngọt ngào,
Chén  trà  rót  xuống  ở  đồi  cao
Sùng Đức bao phủ chè xanh biếc,
Bát  ngát  trời  mây  trắng  dạt dào.

Cà  phê  hoa  nở  thắm  bạt  ngàn,
''Chạm phải con đường dẫn anh sang"(3)
Lừng lựng hương thơm hồn đất Việt,
Lưng  gùi  vai  áo  mẹ  cưu  mang.

Tôi chọn nơi đây những con người,
Được  trời  đất  phú  vẻ  tinh  khôi
Nói cười chăm chỉ trong lao động,
Vải   khố  che   thân  suốt  một  đời.

Làm sao tôi đến với Tây Nguyên ?
Dù  phải  vượt  qua  mấy  dốc  triền
Tôi  để  hết  lòng  mình  yêu  mến,
Thả  hồn  theo  ước  mộng  ngày  đêm.

(1) Tên một khu rừng nguyên sinh.
(2) Tên gọi của một khu bảo tồn thiên nhiên.
(3) Lấy từ ý một câu hát của người Gia Rai.


JB.Sĩ Trọng.








Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

Cha dặn con gái

Con gái nghe cha dặn này 
- Có ai khen con đẹp, con hãy cảm ơn và quên đi lời khen ấy.
- Có ai bảo con ngoan, con hãy cảm ơn và nhớ ngoan hiền hơn nữa.
- Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy.
- Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ, con hãy đến bên và kề vai gánh giúp.
- Con hãy biết khen, nhưng đừng vung vãi lời khen như những cậu ấm cô chiêu vung tiền qua cửa sổ.
- Lời chê bai con hãy giữ riêng mình.
- Nụ cười cho người. Con hãy học cách hào phóng của mặt trời khi tỏa nắng ấm.
- Nỗi đau: Con hãy nén vào trong.
- Nỗi buồn: Hãy biết chia cho những người đồng cảm.
- Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn.
- Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui.
- Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại.
- Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa. Chẳng sao.
- Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp.
- Nhìn xuống thấp để biết mình chưa cao.
- Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ.
- Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay.
- Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều – những điều có nghĩa của trái tim.
- Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công.
- Những điều cha viết cho con – được lấy từ trái tim chân thật. Từ những tháng năm lao khổ cuộc đời. Từ bao đêm chơi vơi giữa sóng cồn. Từ bao ngày vất vưởng long đong.
- Cha viết cho con từ chính cuộc đời cha. Những bài học một đời cay đắng.
- Cha gởi cho con chút nắng. Hãy giữ giữa lòng con. Để khi con cất bước vào cuộc hành trình đầy gai và cạm bẫy. Con sẽ bớt thấy đau và đỡ phải tủi hờn.

Du lịch miền Tây (*)











Tôi không thích đến nơi sang trọng,
Thích về miền sông nước mênh mông
Qua  ghe, bến  đợi,  cà  phê  võng
Ngắm cánh cò bay trắng ngập đồng.

Miền Tây sông nước ướt vầng trăng,
Dừa đước lao xao trước gió ngàn
Cây trái miệt vườn xanh rợp bóng,
Con người chất phác, sống hồn nhiên.

Đêm xuống thuyền trăng chở ngập đầy
Câu hò ngọt lịm giữa trời mây
Tình ai thúc dục hồn vương vấn,
Rót  mật  yêu  thương  tại  chốn  này.

Tiền Giang con nước lớn theo mùa,
Chân bước lên xuồng, gió đẩy đưa
Nghe tiếng ngân nga đàn vọng cổ,
Vài   đôi   nam   nữ   hát   say   sưa.

Đi qua Cồn Phụng chuyến đò trưa,
Thăm viếng di tích ông Đạo dừa
Ghé  đất  Bến Tre  ăn  gỏi  cá,
Kẹo dừa, bánh pía, lẩu canh chua.

Về tới Cần thơ buổi xế chiều,
Nhà hàng Hoa Sứ bán cơm niêu
Qua  cầu  thả  bộ  vào  Đô  thị,
Ngắm cảnh hoàng hôn bến Ninh Kiều.

Sông nước miền Tây ơi có biết,
Tôi  về  thăm  lại  bến  phà  xưa
Theo mấy con đò qua kênh rạch,
Lòng đầy yêu mến, tưởng như mơ...

(*) Nhớ chuyến du lịch miền Tây, tour của Viettravel.

JB.Sĩ Trọng.







Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

66 câu chấn động thiền ngữ thế giới

1. Sở dĩ người ta đau khổ chính vì mãi đeo đuổi những thứ sai lầm.
2. Nếu anh không muốn rước phiền não vào mình, thì người khác cũng không cách nào gây phiền não cho anh. Vì chính tâm anh không buông xuống nỗi.
3. Anh hãy luôn cảm ơn những ai đem đến nghịch cảnh cho mình.
4. Anh phải luôn mở lòng khoan dung lượng thứ cho chúng sanh, cho dù họ xấu bao nhiêu, thậm chí họ đã làm tổn thương anh, anh phải buông bỏ, mới có được niềm vui đích thực.
5. Khi anh vui, phải nghĩ rằng niềm vui này không phải là vĩnh hằng. Khi anh đau khổ, anh hãy nghĩ rằng nỗi đau này cũng không trường tồn.
6. Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai.
7. Anh có thể có tình yêu nhưng đừng nên dính mắc, vì chia ly là lẽ tất nhiên.
8. Đừng lãng phí sinh mạng của mình trong những chốn mà nhất định anh sẽ ân hận.
9. Khi nào anh thật sự buông xuống thì lúc ấy anh sẽ hết phiền não.
10. Mỗi một vết thương đều là một sự trưởng thành.
11. Người cuồng vọng còn cứu được, người tự ti thì vô phương, chỉ khi nhận thức được mình, hàng phục chính mình, sửa đổi mình, mới có thể thay đổi người khác.
12. Anh đừng có thái độ bất mãn người ta hoài, anh phải quay về kiểm điểm chính mình mới đúng. Bất mãn người khác là chuốc khổ cho chính anh.
13. Một người nếu tự đáy lòng không thể tha thứ cho kẻ khác, thì lòng họ sẽ không bao giờ được thanh thản.
14. Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình, thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.
15. Hủy diệt người chỉ cần một câu, xây dựng người lại mất ngàn lời, xin anh “đa khẩu hạ lưu tình”.
16. Vốn dĩ không cần quay đầu lại xem người nguyền rủa anh là ai? Giả sử anh bị chó điên cắn anh một phát, chẳng lẽ anh cũng phải chạy đến cắn lại một phát?
17. Đừng bao giờ lãng phí một giây phút nào để nghĩ nhớ đến người anh không hề yêu thích.
18. Mong anh đem lòng từ bi và thái độ ôn hòa để bày tỏ những nỗi oan ức và bất mãn của mình, có như vậy người khác mới khả dĩ tiếp nhận.
19. Cùng là một chiếc bình như vậy, tại sao anh lại chứa độc dược? Cùng một mảnh tâm tại sao anh phải chứa đầy những não phiền như vậy?
20. Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì anh hiểu nó quá ít, anh không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi anh hiểu sâu sắc, anh sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong tưởng tượng của anh.
21. Sống một ngày là có diễm phúc của một ngày, nên phải trân quý. Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân.
22. Tốn thêm một chút tâm lực để chú ý người khác, chi bằng bớt một chút tâm lực phản tỉnh chính mình, anh hiểu chứ?
23. Hận thù người khác là một mất mát lớn nhất đối với mình.
24. Mỗi người ai cũng có mạng sống, nhưng không phải ai cũng hiểu được điều đó, thậm chí trân quý mạng sống của mình hơn. Người không hiểu được mạng sống, thì mạng sống đối với họ chính là một sự trừng phạt.
25. Tình chấp là nguyên nhân của khổ não, buông tình chấp anh mới được tự tại.
26. Đừng khẳng định về cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn.
27. Khi anh thành thật với chính mình, thế giới sẽ không ai lừa dối anh.
28. Người che đậy khuyết điểm của mình bằng thủ đoạn tổn thương người khác, là kẻ đê tiện.
29. Người âm thầm quan tâm chúc phúc người khác, đó là một sự bố thí vô hình.
30. Đừng gắng sức suy đoán cách nghĩ của người khác, nếu anh không phán đoán chính xác bằng trí huệ và kinh nghiệm, thì mắc phải nhầm lẫn là lẽ thường tình.
31. Muốn hiểu một người, chỉ cần xem mục đích đến và xuất phát điểm của họ có giống nhau không, thì có thể biết được họ có thật lòng không.
32. Chân lý của nhân sinh chỉ là giấu trong cái bình thường đơn điệu.
33. Người không tắm rửa thì càng xức nước hoa càng thấy thối. Danh tiếng và tôn quý đến từ sự chân tài thực học. Có đức tự nhiên thơm.
34. Thời gian sẽ trôi qua, để thời gian xóa sạch phiền não của anh đi.
35. Anh cứ xem những chuyện đơn thuần thành nghiêm trọng, như thế anh sẽ rất đau khổ.
36. Người luôn e dè với thiện ý của người khác thì hết thuốc cứu chữa.
37. Nói một lời dối gian thì phải bịa thêm mười câu không thật nữa để đắp vào, cần gì khổ như vậy?
38. Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm.
39. Quảng kết chúng duyên, chính là không làm tổn thương bất cứ người nào.
40. Im lặng là một câu trả lời hay nhất của sự phỉ báng.
41. Cung kính đối với người, là sự trang nghiêm cho chính mình.
42. Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả.
43. Đến là ngẫu nhiên, đi là tất nhiên. Cho nên anh cần phải “ tùy duyên mà hằng bất biến, bất biến mà hằng tùy duyên”.
44. Từ bi là vũ khí tốt nhất của chính anh.
45. Chỉ cần đối diện với hiện thực, anh mới vượt qua hiện thực.
46. Lương tâm là tòa án công bằng nhất của mỗi người, anh dối người khác được nhưng không bao giờ dối nổi lương tâm mình.
47. Người không biết yêu mình thì không thể yêu được người khác.
48. Có lúc chúng ta muốn thầm hỏi mình, chúng ta đang đeo đuổi cái gì? Chúng ta sống vì cái gì?
49. Đừng vì một chút tranh chấp mà xa lìa tình bạn chí thân của anh, cũng đừng vì một chút oán giận mà quên đi thâm ân của người khác.
50. Cảm ơn thượng đế với những gì tôi đã có, cảm ơn thượng đế những gì tôi không có.
51. Nếu có thể đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.
52. Nói năng đừng có tánh châm chọc, đừng gây thương tổn, đừng khoe tài cán của mình, đừng phô điều xấu của người, tự nhiên sẽ hóa địch thành bạn.
53. Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình.
54. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó.
55. Đa số người cả đời chỉ làm được ba việc: Dối mình, dối người, và bị người dối.
56. Tâm là tên lừa đảo lớn nhất, người khác có thể dối anh nhất thời, nhưng nó lại gạt anh suốt đời.
57. Chỉ cần tự giác tâm an, thì đông tây nam bắc đều tốt. Nếu còn một người chưa độ thì đừng nên thoát một mình.
58. Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ này, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.
59. Nếu anh có thể sống qua những ngày bình an, thì đó chính là một phúc phần rồi. Biết bao nhiêu người hôm nay đã không thấy được vầng thái dương của ngày mai, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành tàn phế, biết bao nhiêu người hôm nay đã đánh mất tự do, biết bao nhiêu người hôm nay đã trở thành nước mất nhà tan.
60. Anh có nhân sinh quan của anh, tôi có nhân sinh quan của tôi, tôi không dính dáng gì tới anh. Chỉ cần tôi có thể, tôi sẽ cảm hóa được anh. Nếu không thể thì tôi đành cam chịu.
61. Anh hi vọng nắm được sự vĩnh hằng thì anh cần phải khống chế hiện tại.
62. Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh.
63. Người khác có thể làm trái nhân quả, người khác có thể tổn hại chúng ta, đánh chúng ta, hủy báng chúng ta. Nhưng chúng ta đừng vì thế mà oán hận họ. Vì sao? Vì chúng ta nhất định phải giữ một bản tánh hoàn chỉnh và một tâm hồn thanh tịnh.
64. Nếu một người chưa từng cảm nhận sự đau khổ khó khăn thì rất khó cảm thông cho người khác. Anh muốn học tinh thần cứu khổ cứu nạn, thì trước hết phải chịu đựng được khổ nạn.
65. Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp. Vạn vật đều cung ứng cho ta, nhưng không thuộc về ta.
66. Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ.
Nguồn : Sống Tin Mừng Tình yêu.

Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Phép lạ LAVANG (*)















Lễ Hiện xuống con về thăm đất Mẹ,
Gió xôn xao, nắng rải nhẹ ngang đầu
Ơn phép lạ nhiệm mầu con khó kể,
Cả   đoàn  người,  ai  để   ý  gì  đâu !

Bầu trời xanh, vẫn trong xanh thăm thẳm
Nơi Linh đài - Thánh Lễ Mẹ tôn nghiêm
Mắt Mẹ hiền trao bao câu đằm thắm,
Lòng con đây quên hết những ưu phiền.

Tán cây rợp, che khuất màu nắng Hạ
Một khoảng trời lúc ấy thật bình yên
Con ngước mắt nhìn xuyên qua kẻ lá :
Hình chim câu mây trắng đẹp thần tiên.

Mẹ  La  Vang,  bao  lần   con   ghé  đến,
Nhưng lần này Chúa mặc khải cho con :
Thánh Linh Ngài - tăng thêm tình cảm mến
Niềm  hân hoan  choáng ngợp  cả  tâm hồn.

Về thăm Mẹ trong những ngày tháng Hạ,
Qúa  vội  vàng,  con  đã  đến  rồi  đi
Chưa  kịp nói  những lời  yêu  đáp trả,
Mà   Mẹ   ơi,  sao   Mẹ   quá   diệu   kỳ !

Mẹ quan tâm đến từng người con cái,
Không nói ra Mẹ cũng hiểu nỗi lòng
Đời trai trẻ con đây nhiều vụng dại,
Mẹ  dịu dàng  luôn  che chở  đỡ nâng.

Con cảm tạ tình yêu riêng của Mẹ,
Chúa thương ban như thể chỉ một lần
Con  ghi  nhớ  và  âm  thầm  lặng  lẽ,
Tháng ngày dài bên Mẹ, những bước chân ...

(*)Ghi nhớ phép lạ trong lễ Hiện xuống năm 2015 tại Thánh địa La Vang.
P/s: Hình minh họa St qua Internet chứ không phải hình chụp ở La Vang.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

Triết lý đơn giản của Mẹ Têresa

Mẹ Têrêsa Calcutta nói về tình yêu
“Nếu bạn xét đoán ai, bạn sẽ không còn thì giờ để yêu thương họ”. “Bạn phải cho đi những gì làm bạn bị thiệt thòi. Như thế, cho đi không chỉ những gì dư thừa, nhưng những gì bạn không thể sống nếu không có, những gì bạn thật sự yêu thích. Như thế, món quà của bạn trở thành một hy sinh, có giá trị trước mặt Thiên Chúa.”
“Tôi luôn luôn nói rằng, tình yêu khởi sự từ gia đình trước đã, và sau đó mới đến thành phố hay đô thị. Yêu thương những người ở xa chúng ta thì dễ, nhưng yêu thương những người sống với chúng ta hay ngay cạnh chúng ta thì không luôn dễ dàng.”
Mẹ Têrêsa Calcutta nói về nghèo đói
“Sự nghèo đói khủng khiếp nhất chính là sự cô đơn, bị bỏ rơi và cảm nhận không được yêu thương”
“Căn bệnh trầm trọng nhất của thời nay không phải là bệnh phong hủi hay bệnh lao, mà là sự cảm nhận bị ruồng bỏ”.
“Trên thế giới, người đói khát tình yêu thì nhiều hơn người đói khát cơm bánh”. “Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng nghèo đói là đói khát, thiếu áo quần, không nhà ở. Sự nghèo đói lớn nhất là bị bỏ rơi, không ai chăm sóc, không được hưởng sự yêu thương. Loại nghèo đói này cần được giải quyết ngay từ những tổ ấm gia đình”
Mẹ Têrêsa Calcutta nói về chiến tranh
“Tôi chưa bao giờ sống trong cảnh chiến tranh nhưng tôi đã chứng kiến nạn đói và sự chết chóc.
Tôi tự hỏi : 'Họ đã cảm nhận điều gì khi họ gây ra chiến tranh?'
Tôi không thể hiểu nổi. Họ đều là con cái Thiên Chúa. Tại sao họ lại làm như vậy ? Tôi không hiểu nổi”
“Hãy làm ơn chọn lựa đường lối hòa bình…!
vì trong chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi, sẽ có người thắng kẻ thua trong cái cuộc chiến mà chúng ta đều sợ hãi, nhưng rồi chẳng thể và chẳng bao giờ có thể biện minh cho những nỗi đau và chết chóc do bom đạn gây ra”
Mẹ Têrêsa Calcutta nói về phá thai
“Phá thai chính là giết người. Trẻ nhỏ là quà tặng của Thiên Chúa.
Nếu bạn không muốn có nó, hãy giao em bé cho tôi !”. “Sự phá hoại nền hoà bình kinh khủng nhất chính là việc phá thai, vì nếu người mẹ nhẫn tâm giết chính con mình thì bạn cũng có thể giết tôi và tôi có thể giết bạn, vì giữa chúng ta chẳng có mối liên hệ nào”. “Chính thật là sự nghèo nàn khi quyết định đứa trẻ phải chết để bạn được sống theo ý bạn”
Mẹ Têrêsa Calcutta nói về phục vụ Chúa
“Tôi chỉ là cây bút chì của Chúa, để Ngài gởi bức thư tình yêu của Ngài cho thế giới”. “Tôi không cầu nguyện cho sự thành công, tôi cầu nguyện cho sự trung tín”
“Nhiều người lầm lẫn công việc và ơn gọi. Ơn gọi của chúng ta là yêu mến Chúa Giêsu”
“Mỗi người trong số họ, chính là Chúa Giêsu cải trang”
“Cần phải nói ít đi, vì điều rao giảng chưa phải là điều được đón nhận. Vậy ta phải làm gì ? Hãy cầm lấy cây chổi để quét nhà cho một ai đó, công việc ấy đã đủ để rao giảng”.
Mẹ Têrêsa Calcutta nói về cầu nguyện
“Không cầu nguyện, tôi không thể làm việc dù chỉ nửa giờ. Tôi có được sức mạnh của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện”
“Có quá nhiều đau khổ trong các gia đình ngày nay trên toàn thế giới, nên cầu nguyện thật là quan trọng, và tha thứ cũng thật quan trọng. Người ta hỏi tôi phải khuyên bảo thế nào cho đôi vợ chồng đang gặp khó khăn, tôi luôn luôn trả lời 'Cầu nguyện và tha thứ'; và cho những thanh thiếu niên từ những mái nhà đầy hung bạo: 'Cầu nguyện và tha thứ'; và cho những người mẹ cô độc không được gia đình hỗ trợ: 'Cầu nguyện và tha thứ'. Hãy nói : 'Lạy Chúa, con yêu Chúa. Lạy Chúa, con hối lỗi. Lạy Chúa, con tin ở Chúa. Lạy Chúa, con tín thác vào Chúa. Xin giúp con yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng con'.”

CỨ LÀM
Khi bạn làm điều tốt, thiên hạ cho bạn là điên rồ.
Điều đó không quan trọng, bạn cứ làm điều tốt!
Khi thực hiện các mục tiêu của mình, bạn gặp các người bạn không tốt hay gặp kẻ thù. 
Điều đó không quan trọng, bạn cứ thực hiện!
Người ta quên ngay lập tức việc tốt bạn vừa mới làm,
Điều đó không quan trọng, bạn cứ làm việc tốt!
Tính ngay thẳng và chân tình làm cho bạn mong manh yếu đuối,
Điều đó không quan trọng, bạn cứ ngay thẳng và chân tình.
Những gì bạn để hàng năm để xây dựng, có thể sẽ bị phá hủy trong giây lát,
Điều đó không quan trọng, bạn cứ xây dựng!
Bạn giúp người khác mà họ lại quay lại ghét bạn,
Điều đó không quan trọng, bạn cứ giúp!
Bạn cống hiến điều tốt nhất của mình cho người khác, nhưng họ đối xử xấu với bạn,
Điều đó không quan trọng, bạn cứ cống hiến điều tốt nhất của mình.

Mẹ Têrêxa


Thứ Hai, 12 tháng 9, 2016

Bình yên lễ hội















( Tặng 2 Linh mục: Micae Nguyễn Be 
   và Micae Nguyễn Chí Hùng )

Mẹ về, đem Chúa đến Việt Nam
Văn hóa ôm ấp các đình làng
Có lũy tre xanh, con đò mộng
Thánh đường vời vợi giữa đồi nương.

Tôi lắng tai nghe tiếng trống đồng,
Đêm  Hè  lễ  hội  cạnh  bờ  sông
Hát ru, đùa múa, khèn-chiêng-púa(*)
Trai gái đua nhau uống rượu cần.

Có  ánh  trăng  mờ  nhẹ  nhẹ  lên,
Sương rơi phủ xuống luống rau mềm
Thác rừng rào rạt trong đêm vắng,
Hoa  trắng  cà  phê  nở  ngát  hương.

Tôi lắng tai nghe tiếng núi rừng,
Hòa cùng lễ hội với cồng chiêng
Nhà sàn san sát, trăng buông tắm
Nhảy sạp chia đều những bước chân.

Có tiếng côn trùng rúc dịu êm.
Đêm Hè vẻ đẹp đón trăng lên
Đỉnh đồi ướt đẫm trăng lai láng,
Huyền bí, hoang sơ...mặt đất hiền.

Mẹ về, đem Chúa đến Việt Nam
Trải rộng yêu thương khắp mọi miền
Câu  hát,  câu  ru  lời  Chúa  dạy
Ruộng đồng, nương rẫy...trẩy bình yên.

(*) Ba loại nhạc cụ của dân tộc miền núi.


P/s: Bài thơ này con cũng xin kính tặng Cha Giuse Trần Sỹ Tín và xin được tặng những ai đang làm công tác giảng dạy, phục vụ ở những vùng xa xôi hẻo lánh thuộc các dân tộc ít người.

JB. Sĩ Trọng.







BA VÀ NĂM

BA CHIẾC CHÌA KHOÁ CỦA ĐỜI NGƯỜI: 

1- Chấp nhận.
2- Thay đổi.
3- Rời bỏ.
Đã không chấp nhận được hãy thay đổi, không thể thay đổi hãy rời xa.
Người lạc quan luôn vui cười mà quên mất oán hận; người bi quan chỉ lo oán hận quên nụ cười. Vẻ đẹp thực sự đâu phải nhan sắc thuở thanh xuân, mà là một trái tim biết rộng mở.
Nếu một người đối xử tốt với bạn, đó là vì bạn đối xử tốt với họ, có người tốt với bạn, là vì hiểu được lòng tốt của bạn. Điểm đến cuối cùng của tình yêu hay tình bạn không phải kề bên, mà là thấu hiểu… Hãy tìm một người luôn có thể vừa đồng hành vừa chuyện trò được với bạn, bất kể lúc nào, bất kể khi nào. 
Đừng hi vọng mọi người có thể hiểu được bạn, bởi mỗi người mỗi khác, trên thế giới đâu ai giống ai. 



NĂM ĐIỀU QUÝ GIÁ Ở ĐỜI NGƯỜI: 


1- Nhận sai.
Con người thường không chịu thừa nhận lỗi sai của mình, gặp chuyện thường đổ lỗi cho người khác, cho rằng bản thân mình mới là đúng, thực chất khi bạn không chịu nhận sai bản thân bạn đã sai rồi. Khi biết nhận sai bạn sẽ chẳng mất điều gì, ngược lại còn thể hiện lòng độ lượng, thừa nhận sai để rút ra bài học cho bản thân, đây cũng là cách tu dưỡng bản thân.
2- Uyển chuyển.
Răng thì cứng, lưỡi lại mềm, khi đã đến cuối đời người, răng cũng dần dần rụng mất, nhưng lưỡi thì vẫn ở lại. Bởi thế, biết sống uyển chuyển mới có thể trường thọ, quá cứng nhắc sẽ chỉ chịu thiệt thòi. Tâm tính dịu dàng là bước tiến bộ lớn nhất trong tu dưỡng, chỉ có như vậy con người mới có thể sống vui khỏe, sống lâu.
3- Nhẫn nhịn.
Sống trên đời chỉ cần biết nhẫn nhịn đúng lúc, sẽ giúp sóng yên biển lặng, nhường một bước mọi việc êm xuôi. Nhẫn, vạn sự đều có thể hóa giải. Có thể vui vẻ mà nhẫn nhịn, sẽ nhìn thấu những tốt xấu, thiện ác, được mất ở đời, thậm chí biết tiếp nhận nó.
4- Giao tiếp.
Thiếu mất giao tiếp, sẽ dễ nảy sinh các vấn đề, gây đến hiểu lầm, tranh chấp, vì vậy phải biết thấu hiểu.
5- Buông tay.
Đời người cũng như những chiếc vali, lúc cần thì nhấc lên, khi không cần thiết tự biết đặt xuống. Nếu bạn cứ mãi cứng đầu không đặt xuống sẽ giống như khi xách một chiếc vali thật nặng, mãi mãi không thể thoải mái tự do.

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Nhớ Xuân Dưng (*)














Một ngày nắng dịu đến Xuân Dưng
Xe chạy băng qua giữa cánh rừng
Gỉa  tị  đón  chào,  hoa  nở  trắng
Bến phà  đứng đợi  khách sang sông.

Tôi lắng tai nghe tiếng gió ngàn,
Vỗ về  lưng  núi, tạt  đồi  hoang
Con đường lồi lõm, đêm mưa ướt
Lác đác  nhà  dân chạy thẳng hàng.

Con  người tôi gặp ở nơi đây,
Có kẻ còng lưng với luống cày
Đất đá  một thời  đầy  gió bụi,
Buông làng khai phá bởi đôi tay.

Cái nghèo chưa vượt khỏi gian nan,
Những mẹ già nua chẳng họ hàng
Con  cháu  tong  teo  vì  thiếu  sữa,
Người suy dinh dưỡng, cảnh lầm than.

Có những nhà tranh dột nát nhiều,
Có  nhà  che  tạm  cột  vách  xiêu
Lương  dân  vất  vả,  đời  cơ  cực
Khó  để  thoát  ra  khỏi  cảnh  nghèo.

Trẻ  em  đi  học  phải  qua  phà,
Đưa rước hằng ngày chỉ có Cha(**)
Lái chiếc xe cùn, thấy tội nghiệp
Thế mà cũng đến được trường xa.

Nhà nguyện nơi đây chỉ tạm thời,
Cột  kèo  đan  chéo, lợp  tôn  thôi
Giáo  dân  đi  lễ  mùa  mưa nắng,
Ghế  gỗ,  nền  đất   thế   chỗ  ngồi.

Bao giờ  tôi trở  lại  Xuân Dưng ?
Để ngắm tràng hoa, nhánh lộc vừng
Được biết dân mình chưa hết khổ,
Lòng  đầy  yêu  mến,  lệ  rưng  rưng ...


(*) Một xã vùng sâu vùng xa thuộc huyện Định Quán, Đồng Nai.
Viết để nhớ kỉ niệm những chuyến đi từ thiện tại đây.
(**) Vào thời điểm này linh mục Chánh xứ là Cha Micae Nguyễn Chí Hùng, trước đây đã từng làm Cha Phó của Giáo xứ Chánh Tòa Xuân Lộc.

JB. Sĩ Trọng.

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Diễn văn Mẹ Teresa nhận giải Nobel hòa bình

Như đã đưa tin, Chúa nhật 04-09-2016, vào lúc 10g30 giờ Roma (tức 15g30 giờ VN), Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ cử hành Thánh lễ phong hiển thánh cho Mẹ Teresa Calcutta. Nhân dịp này, chúng tôi xin gởi đến quý vị bài diễn văn 19 phút Mẹ phát biểu tại Oslo City Hall, Na Uy nhân dịp Mẹ tiếp nhận giải Nobel Hòa Bình vào 10-12-1979.
Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của Mẹ đã được VietCatholic chuyển ngữ.
Dịp này, Mẹ Teresa đã đọc một bài diễn văn với câu mở đầu như sau: “Chúng ta hãy cùng nhau cám ơn Thiên Chúa vì dịp may đẹp đẽ này trong đó, chúng ta hết thảy được công bố niềm vui loan truyền hòa bình, niềm vui yêu thương nhau và niềm vui nhìn nhận rằng những người nghèo nhất trong các người nghèo đều là các anh chị em của chúng ta”.
Sau đó, Mẹ mời cử tọa cùng đọc Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi với Mẹ. Rồi nói tiếp:
“Thiên Chúa yêu thương thế giới đến nỗi đã ban Con của Người và Người ban Người Con Ấy cho một trinh nữ, Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, và lúc Người Con này chào đời, Trinh Nữ đã vội vàng ban Người cho người khác. Nhưng lúc đó, Trinh nữ làm gì? Ngài làm công việc của một nữ tỳ, chỉ thế thôi. Chỉ loan truyền niềm vui yêu thương phục vụ ấy thôi. Còn Chúa Giêsu Kitô thì yêu thương quý vị và yêu thương tôi, Người hiến sự sống Người cho chúng ta và như thể như thế chưa đủ, Người nói tiếp: Hãy yêu như Thầy đã yêu chúng con, như Thầy đang yêu thương chúng con bây giờ; nhưng chúng ta phải yêu thương ra sao, yêu thương bằng cách cho đi. Vì Người đã cho ta sự sống của Người. Và Người tiếp tục cho đi, Người tiếp tục cho đi ngay ở đây, khắp nơi trong đời ta và trong đời người khác.
Chết cho chúng ta chưa đủ với Người, Người muốn chúng ta yêu thương nhau, thấy Người ở trong nhau, đó là lý do khiến Người nói: Phúc cho người có lòng trong sạch, vì họ sẽ thấy Thiên Chúa.
Và để chắc chắn chúng ta hiểu điều Người muốn nói, Người dạy ta rằng vào giờ chết, ta sẽ bị phán xét về việc ta đã đối xử ra sao với người nghèo, người đói, người trần truồng, người vô gia cư, và Người biến Người thành người đói, người trần truồng, người vô gia cư, không chỉ đói cơm bánh, mà đói yêu thương, không chỉ trần truồng vì thiếu áo mặc, mà còn trần truồng vì mất nhân phẩm, không chỉ vô gia cư vì thiếu căn phòng để sống, mà còn vô gia cư vì bị lãng quên, không được yêu thương, không được chăm sóc, không là ai đối với ai cả, quên cả thế nào là tình yêu nhân bản, thế nào là đụng chạm nhân bản, thế nào là được một ai đó yêu thương, và Người nói rằng: các con làm bất cứ điều gì cho một trong các anh em bé nhỏ của Thầy này là các con làm cho Thầy.

Trở nên thánh thiện đối với tình yêu trên quả là điều đẹp đẽ, vì sự thánh thiện không phải là một xa xỉ phẩm của một số ít người, nhưng là bổn phận của mỗi người chúng ta, và nhờ tình yêu này, chúng ta có thể trở nên thánh thiện. Đối với tình yêu thương nhau này và hôm nay khi tôi lãnh giải thưởng này, bản thân tôi quả là người hết sức bất xứng, và tôi, vì từng thề khấn khó nghèo để hiểu người nghèo, tôi đã chọn sự nghèo khó của người ta. Nhưng tôi rất biết ơn và hạnh phúc được nhận nó nhân danh những người đói khát, những người trần truồng, những người vô gia cư, què quặt, mù lòa, phong cùi, tất cả những người cảm thấy không được ước muốn, yêu thương, chăm sóc, bị quăng bỏ ra ngoài xã hội, những người đã trở thành gánh nặng cho xã hội và bị mọi người hạ nhục.
Nhân danh họ, tôi chấp nhận giải thưởng. Và tôi chắc chắn rằng giải thưởng này sẽ đem tới một tình yêu hiểu biết nhau giữa người giầu và người nghèo. Đây là điều Chúa Giêsu vốn nhấn mạnh rất nhiều, đây là lý do khiến Chúa Giêsu xuống trần gian, để công bố tin mừng cho người nghèo. Và qua giải thưởng này cũng như qua tất cả chúng ta đang tụ họp nhau nơi đây, chúng ta muốn công bố tin mừng cho người nghèo rằng Thiên Chúa yêu thương họ, chúng ta yêu thương họ, họ là một ai đó đối với chúng ta, cả họ nữa cũng đã được dựng nên bởi cùng một bàn tay yêu thương của Thiên Chúa, để yêu thương và được yêu thương”.
Mẹ cho rằng "người nghèo của chúng ta là những người vĩ đại, đáng yêu, họ không cần sự thương hại và thiện cảm của chúng ta, họ cần tình yêu hiểu biết của chúng ta. Họ cần chúng ta tôn trọng; họ cần điều này: chúng ta cư xử với họ một cách xứng đáng. Và tôi nghĩ đấy là điều họ cần hơn cả". Mẹ kể lại câu truyện Mẹ đem từ đường phố về một người đầy giòi, chỉ còn bộ mặt là tương đối sạch sẽ. Ấy thế nhưng khi được đem về căn nhà dành cho người hấp hối, ông đã nói câu này: “Tôi đã sống như một con vật ở ngoài phố, nhưng giờ đây tôi sẽ được chết như một thiên thần, được yêu thương và chăm sóc”. Sau đó, ông đã qua đời một cách tốt đẹp. “Ông đã về nhà Chúa, vì chết chỉ là về nhà Chúa. Và ông đã hưởng được tình yêu ấy, được ước muốn, được yêu thương, được là một ái đó với một ai đó vào giây phút cuối cùng, mang mãi niềm vui ấy trong đời mình”.
Nhân dịp này, Mẹ đề cập tới nạn phá thai: “Tôi muốn chia sẻ với tất cả quý vị nhân tố hủy diệt hòa bình hơn cả đó là tiếng kêu của đứa trẻ vô tội chưa sinh ra. Vì nếu một bà mẹ có thể sát hại chính đứa con còn ở trong bụng mình, thì còn gì để quý vị và để tôi không giết lẫn nhau? Ngay trong Thánh Kinh cũng đã có lời này: Dù người mẹ có thể quên con mình, thì Ta cũng sẽ không quên con. Ta đã khắc ghi con trong lòng bàn tay Ta. Dù người mẹ có thể quên, nhưng ngày nay hàng triệu trẻ em chưa sinh đang bị sát hại. Và chúng ta không nói gì. Trên báo chí, quý vị đọc số người này người nọ bị giết, bị diệt, nhưng không ai nói đến hàng triệu trẻ nhỏ từng được tượng thai cùng lúc với quý vị và tôi, để hưởng sự sống của Thiên Chúa, và chúng ta không nói gì, chúng ta cho phép nó diễn ra. Đối với tôi, những quốc gia nào hợp pháp hóa phá thai là những quốc gia nghèo nàn nhất. Họ sợ trẻ nhỏ, họ sợ các trẻ chưa sinh, và đứa trẻ phải chết vì họ không muốn nuôi thêm một đứa trẻ, giáo dục thêm một đứa trẻ, đứa trẻ phải chết”.

Nhắc lại niềm vui của Gioan Tẩy Giả, trong bụng mẹ, nhảy mừng vì nhận ra Hoàng Tử Hòa Bình tới thăm, Mẹ kêu gọi: “Và hôm nay, tại đây, chúng ta hãy làm một cuộc cách mạng mạnh mẽ, chúng ta sẽ cứu mọi trẻ nhỏ, mọi trẻ nhỏ chưa sinh, cho các em cơ hội được sinh ra. Và điều chúng tôi đang làm, chúng tôi đang chống phá thai bằng việc nhận con nuôi, và Thiên Chúa nhân lành chúc phúc cho việc làm này một cách tốt đẹp đến nỗi chúng tôi đã cứu được hàng ngàn trẻ em, và hàng ngàn trẻ em tìm được mái ấm, nơi các em được yêu thương, được ước muốn, được chăm sóc. Chúng tôi đã đem rất nhiều niềm vui tới những mái nhà không có con và do đó, hôm nay, ở đây, tôi xin Đức Vua trước mặt tất cả quý vị, những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tất cả chúng ta hãy cầu xin để được ơn can đảm ủng hộ trẻ em chưa sinh, đem lại cho trẻ em cơ hội yêu thương và được yêu thương, và tôi nghĩ, với ơn thánh của Thiên Chúa, chúng ta sẽ đem lại hòa bình cho thế giới”.
Mẹ nói với cử tọa rằng Na Uy giàu có, khó có những gia đình thiếu cơm bánh, nhưng chắc chắn có những gia đình có người “không được ước muốn, yêu thương, chăm sóc, bị bỏ quên, không có tình yêu”. Theo Mẹ, "tình yêu bắt đầu từ nhà và tình yêu muốn chân thực phải làm ta đau". Mẹ kể lại câu chuyện cậu bé Ấn giáo 4 tuổi ở Calcutta, nghe tin Mẹ không có đường, đã về nói với cha mẹ sẽ nhịn ăn đường trong ba ngày để có đường biếu Mẹ Teresa. Mẹ nhận định: em bé này “đã yêu bằng một tình yêu lớn lao, em đã yêu đến lúc nó làm em đau". Và đây là điều tôi muốn đề xướng với quý vị, để quý vị thương yêu nhau cho tới lúc nó làm quý vị đau, nhưng quý vị đừng quên rằng còn rất nhiều trẻ em, rất nhiều người nam nữ không có những điều quý vị có. Và xin quý vị nhớ thương yêu họ cho tới lúc tình yêu này làm quý vị đau”.
Cái đau trên người nghèo cũng nêu gương cho ta. Mẹ thuật lại cho cử tọa nghe câu truyện: “Một tối kia, có người đến cho tôi hay có một gia đình Ấn giáo với 8 đứa con chưa có gì ăn đã khá lâu và yêu cầu tôi giúp đỡ họ. Tôi liền mang cơm đến cho họ ngay, và kìa người mẹ, kìa khuôn mặt những đứa nhỏ, mắt sáng lên vì đói. Bà mẹ lãnh cơm từ tay tôi, chia đôi và đi ra ngoài. Khi bà trở lại, tôi hỏi bà: Bà đi đâu vậy? Bà làm gì vậy? Và câu bà trả lời tôi là: họ cũng đói. Bà biết nhà hàng xóm, một gia đình Hồi giáo, cũng đói.
“Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả, không hẳn bà ấy cho họ cơm, nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết là trong sự đau khổ của bà, trong cái đói của bà, bà còn biết một ai khác đang đói, và bà có can đảm chia sẻ, chia sẻ yêu thương”.
Mẹ kết luận: “Và đó là điều tôi muốn nói, tôi muốn quý vị thương yêu người nghèo, và đừng bao giờ quay lưng với người nghèo, vì khi quay lưng với người nghèo, quý vị quay lưng với Chúa Kitô. Vì Người đã tự biến Người thành người đói ăn, thành người trần truồng, thành người không nhà, để quý vị và tôi có cơ hội thương yêu Người, vì Thiên Chúa ở đâu? Thiên Chúa thương yêu chúng ta ra sao? Nói rằng: lạy Chúa, con thương yêu Chúa không đủ, mà phải nói: lạy Chúa, con thương yêu Chúa ở đây. Tôi có thể vui hưởng điều này, nhưng tôi xin hy sinh. Tôi có thể ăn đường này, nhưng tôi xin hy sinh nó. Nếu tôi có thể ở lại đây suốt ngày suốt đêm, quý vị sẽ ngạc nhiên (được nghe) những điều đẹp đẽ của người ta trong việc chia sẻ niềm vui cho đi. Thành thử, tôi cầu xin cho quý vị để sự thật sẽ đem lời cầu nguyện vào gia đình quý vị, và nhờ lời cầu nguyện, chúng ta sẽ tin rằng Chúa Kitô ở trong người nghèo. Và khi tin thật như thế, chúng ta sẽ bắt đầu thương yêu. Và khi thương yêu cách tự nhiên, chúng ta sẽ ráng làm một điều gì đó. Trước nhất trong gia đình, rồi hàng xóm, rồi khắp nước và khắp thế giới. Và chúng ta hãy cùng nhau chung lời cầu nguyện, xin Thiên Chúa ban can đảm cho chúng ta để chúng ta bảo vệ trẻ em chưa sinh ra, vì trẻ em là quà phúc vĩ đại nhất Thiên Chúa ban cho gia đình, cho quốc gia và cho toàn thế giới. Xin Thiên Chúa chúc phúc cho quý vị!”


Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Mẹ Têresa

"Không chỉ có cái đói về của ăn nhưng còn đó cái đói về tình thương yêu
Không còn chỉ là sự rách rưới về cái mặc nhưng là sự trần truồng về phẩm giá con người.
Không chỉ là không còn chốn nương thân bên căn nhà nhỏ nhưng là sự ruồng rẫy của mọi người."


Hướng đến ngày ĐTC Phanxico phong Hiển thánh cho Mẹ Teresa : 04-9-2016.