Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Người giới thiệu ánh sáng

   

 Đọc Kinh Thánh : Jn 1,19-42; Mt 3,1-12; Lc 3,1-18.
 1. Dọn đường :
    Khởi đầu Phúc âm Gioan, Thánh Gioan Tông đồ nhấn mạnh cho độc giả biết Gioan Baotixita là ai ? Ông không phải là sự sáng, không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là Ê-li hiện thân, hoặc là một Đấng tiên tri mà từ lâu người Do Thái chờ đợi. Ông chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế và là người chỉ cho họ thấy sự sáng. Dầu nhiều người đã đến cùng ông với thái độ tôn kính, nhưng ông không hề sống trong ảo tưởng. Ông biết rõ mình là ai, ông cũng biết rõ sự kêu gọi và sứ vụ của mình.
    Nhiều khi đứng trước sự khen ngợi và tâng bốc của nhiều người, chúng ta quên mình là ai trước mặt Thiên Chúa ( TC ), quên đi ơn gọi của TC dành cho mình và xao lãng nhiệm vụ Ngài giao. Thái độ lầm lỡ của chúng ta cũng làm cho nhiều người sai lạc. Việc chúng ta cần làm là xét mình ăn năn, xin Ngài phục hồi địa vị của một người đầy tớ ngay lành hết lòng dọn đường cho Chúa, và chỉ cho người ta thấy ánh sáng chân trời mới, ánh sáng của sự sống từ nơi Chúa chứ không từ ai khác.
    Ngày nay TC không kêu gọi những người phục vụ Ngài phải có cách ăn mặc hoặc sống trong hoang mạc như Gioan ngày xưa để gây ấn tượng trên người khác, nhưng điều Ngài muốn là sự có mặt của chúng ta trong cộng đồng nào đó, sẽ đem lại sức sống cho những người sống quanh đó; đồng thời cũng thu hút nhiều người đến với Chúa, đặc biệt là giới trẻ mà phần lớn không biết định hướng cho tương lai.

2. Tinh thần vâng phục :
    Có một điều lạ là dầu Gioan là anh em bạn dì với Chúa Giêsu ( GS ), nhưng ông không hề biết rằng Ngài là Đấng Méssia. Phải chăng cả Đức Maria lẫn bà Êlizabet đều dấu kín trong lòng những điều tiên tri quý giá nói về sự ra đời của con mình ? Hay là cuộc sống trong hoang mạc đã khiến cho Gioan xa cách Chúa GS lâu ngày đến nỗi ông không nhận ra Ngài ? Hay là sự vâng phục của Chúa GS đối với cha mẹ quá trọn vẹn đến nỗi gia đình thân tộc của Ngài không hề biết được nguồn gốc thiên thượng của Ngài ? Dầu lý do gì chăng nữa, thì đã đến lúc mọi sự thay đổi.
    Dầu Gioan không biết Chúa GS là Đấng Kitô, nhưng TC đã cho ông biết một số điều, ông đã trung tín và từng bước vâng lời Ngài. Ông biết rằng TC đã sai ông dọn đường cho Đấng mà Ngài đã phán hứa. Ông cần mẫn kêu gọi mọi người phải ăn năn và làm phép rửa. Ông biết rằng TC sẽ bày tỏ cho ông một số điều về Đấng đó khi thời điểm đến. Ông cũng biết rằng Đấng đến sẽ mang lấy tội lỗi của loài người và ban Thánh Thần cho con cái Ngài ( Jn 1,32-33 ). Vì vậy ông đã lùi lại trong thái độ khiêm nhu hạ mình để Con TC được tôn cao ( Jn 1,27 ), chính Gioan nói : "Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi" ( Jn 3,30 ).
    Trên cơ sở những gì ông biết và mặc cho những gì ông không biết, Gioan vẫn tiến tới trong sứ vụ, dầu phải liều mình hay phải trả giá đắc. Ông làm như thế vì ông tin rằng TC chỉ định ông, Ngài sẽ tôn vinh chức vụ của ông. Rồi vào đúng thời điểm và theo cách của Ngài, chắc chắn Ngài sẽ tỏ bày về Đấng chịu xức dầu cho ông biết. Những sự chống đối và hư danh không làm cho ông nao núng xoay khỏi con đường của sự vâng phục trọn vẹn. Chúng ta thì sao ? Khi có những điều không hiểu về TC hay đứng trước những khó khăn, bắt bớ, hoặc những cám dỗ trong đời, chúng ta có thái độ nào ? Khước từ Ngài, xoay bỏ khỏi con đường hẹp, hay là cứ vững tin và từng bước khiêm tốn theo Ngài trong sự vâng lời ?

3.Đem người khác đến với Chúa :
    Đem người khác, giúp người khác đến với Chúa GS phải là hoài bão của  mọi người tin theo Ngài. Đây cũng là một việc làm đòi hỏi sự nhạy bén và khả năng thích ứng với hoàn cảnh cũng như từng đối tượng mà chúng ta muốn làm chứng, muốn giúp họ.
    Khi chỉ cho anh An-rê và một Môn đệ khác ( Gioan Tông đồ ) thấy Chúa GS, Gioan Baotixita không dùng tình cảm để mời gọi hay nài ép, cũng không lập luận dài dòng để thuyết phục họ đến với Ngài. Lời làm chứng của ông chỉ gói gọn trong một câu nói ngắn, nhưng đầy tính thuyết phục và đã khêu gợi sự hiếu kỳ khiến cho họ tìm đến với Chúa GS : "Đây là Chiên TC" ( Jn 1,36 v 29 ).
    Phêro lại đến với Chúa GS theo một cách khác. Ông là người chân chất và bộc trực, không thích nghe những lời gợi ý quanh co dài dòng. Vì thế, cách An-rê áp dụng để làm chứng cho Simon anh mình là giới thiệu tức thời và trực tiếp, sứ điệp của ông ngắn gọn : "Chúng tôi đã gặp Đấng Méssia" ( Jn 1,41 ). Phêro đã đáp ứng một cách tích cực khi An-rê làm chứng và ngay sau đó đã dẫn ông đến với Chúa GS.
    Trong khi làm chứng chúng ta cũng phải linh động và nhạy bén như thế, vì trong việc chứng đạo không có phương pháp bất di bất dịch nào. Nếu chúng ta nghĩ ngược lại và rập khuôn theo một cách nào đó, thì chúng ta có thể bị người ta cho là khờ dại và sẽ mất cơ hội truyền giáo. Đối với một số người thì chỉ cần một lời gợi ý khôn khéo và đúng thời điểm là đủ để khêu gợi sự tò mò của họ, một số khác đáp ứng tốt hơn đối với những thách thức trực tiếp, một số khác nữa thì cần những lập luận sắc bén và phải cần một thời gian dài họ mới đến với Chúa.
    Dầu là cách nào đi nữa, những người ra đi truyền giáo phải thật sự được gặp Chúa và có những kinh nghiệm sống động về Ngài. Không phải ngẫu nhiên mà hai Môn đệ của Gioan Baotixita đã hỏi chỗ ở của Chúa GS và ở lại cùng Ngài. Trong cái ngày đặc biệt đã làm thay đổi cả cuộc đời họ sau này, chắc chắn Chúa GS đã giảng dạy cho họ nhiều điều về chính mình Ngài và từ đó họ đã trở nên một nhân chứng sống về Chúa. Trong khi truyền giáo, chúng ta biết chắc rằng Chúa GS đồng hành với chúng ta bằng cách tự làm chứng về chính mình Ngài. Nói cách khác, Chúa thực hiện phần của Ngài, còn chúng ta phải thực hiện phần của chúng ta một cách trung tín. Gioan Baotixita giúp cho An-rê, An-rê giúp Phêro, Phêro giúp 3000 người vào Lễ Ngũ Tuần và đặt nền móng cho giáo hội trong tương lai, từ 3000 người ( Cv 2,41 ) lên 5000 người ( Cv 4,4 ); đến giáo hội ngày nay : các quốc gia, các dân tộc trên thế giới... Nhiều nước châu Phi đang sống trong tình trạng thiếu thốn, lạc hậu. Công-gô, An-gô-la... so với các nước giàu thì người dân ở đây đang rất khó khăn, họ luôn cần sự giúp đỡ; một số bản như Tuvili, Cawa, Mucuiu, Bango, Chilambo... người dân tin Chúa nhưng họ không có nhà thờ, trường học và cả cái ăn, cái mặc; họ vẫn sống lạc quan, luôn hướng lòng về Chúa, biết hát ca, nhảy múa và cầu nguyện dưới gốc cây hoặc trong những căn nhà lụp xụp ( xem từ Vlogs Công Giáp qua Youtube )

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa, xin giúp con luôn tận tụy với công việc Ngài giao và bày tỏ được sự sáng của Ngài cho nhiều người thấy.
    Lạy Chúa, dầu có nhiều điều con chưa biết về Ngài, nhưng xin giúp con luôn vững tin và vâng phục Ngài trọn cả cuộc đời con.
    Lạy Chúa, xin giúp con có được những kinh nghiệm sống động với Ngài, và cũng ban cho con sự nhạy bén cùng sự can đảm để làm chứng về Ngài cho người khác.

JB.SĨ TRỌNG.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2022

Mùa Vọng - Tiếng vọng từ vị Thánh Tiền Hô


1. Dọn lòng :
    Gioan Tiền Hô mặc y phục của một Tiên tri ( Xachari 13,4 ). Thế nhưng ông còn hơn một vị Tiên tri nữa ( Mt 11,9b ). Ngày nay Giáo Hội gọi ông là vị Ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước. Ông được gọi là Tiên tri Ê-li tái thế như hy vọng của người Do Thái xưa kia ( Mt 11,14 v Mt 17,10-13 ). Ông giảng cùng một sứ điệp cho cùng một đối tượng, cùng cử tọa như của Chúa Giêsu ( GS ). Gioan kêu gọi người nghe của ông ăn năn quay lại nếp sống đúng với giao ước đã lập với Thiên Chúa ( TC ), vì Nước của Ngài đã đến trong thân vị của Chúa GS. Nước TC hiện diện trong hiện tại trước mắt họ và sẽ thể hiện hoàn tất trong tương lai. Sách Giáo lý dành cho người Dự tòng thuộc GP Xuân Lộc, viết rằng : Nước TC hiện diện ở trần gian qua sự hiện diện của Chúa GS. Điều này phải giải thích, người mới theo đạo mới hiểu được.
    Trong ngày phán xét của TC, một người được sinh ra từ dòng dõi Apraham theo xác thịt, hay đã chịu phép rửa của Gioan, sẽ không ích lợi gì nếu người đó không ăn năn và có đời sống xứng đáng với sự ăn năn.
    Gioan đã dọn đường cho sứ vụ của Chúa GS. Chính bối cảnh giảng dạy của ông cho chúng ta thấy rõ hơn sự nổi bật việc giảng dạy của Chúa GS. Nếu Gioan chỉ thấy có sự công bình thánh khiết và đoán phạt của TC, thì Chúa GS dạy dỗ đầy đủ hơn về một TC giàu lòng thương xót và đầy ân sủng.
    Gioan Baotixita không phải loại diễn giả chúng ta thích nghe trong mùa Giáng Sinh. Ông là người nói thẳng, nói mạnh, rất mạnh và không hề nương tay. Ông gọi người nghe ông là "dòng dõi loài rắn độc" ( Mt 3,7b; Lc 3,7b ). Họ phải ăn năn, phải sống xứng đáng với sự ăn năn. Không ăn năn thì lưỡi rìu đoán phạt của TC sẽ chặt sạch, quăng vào lửa ( Mt 3,10; Lc 3,9 ). Sứ điệp của Gioan cũng kêu gọi mỗi chúng ta ngày nay dọn lòng bằng cách ăn năn tội lỗi, sửa lại những lỗi lầm để được Chúa thăm viếng trong mùa Giáng Sinh, và quan trọng hơn nữa là chuẩn bị đời sống để đón tiếp Chúa trong ngày tái lâm.
    Mùa vọng, âm vang tiếng vọng từ vị Thánh Tiền Hô nhắc nhở chúng ta dọn lòng đón chờ Đấng Cứu Thế.

2. Mong đợi :
    Đọc Tin Mừng Matthêu chương 24 và 25 xoay quanh vấn đề những ngày cuối cùng của thế giới và sự trở lại của Chúa GS. Riêng phân đoạn Kinh Thánh Mt 24,37-44 : Chính yếu dạy về sự tỉnh thức. Vì không biết trước ngày và giờ nên sẽ có người cảm thấy bất ngờ, như trong thời của Nô-ê. Sẽ có hai nhóm : Nhóm chuẩn bị tiếp Chúa và nhóm không chuẩn bị tiếp Chúa. Nhóm không chuẩn bị tiếp Chúa, thay vì tỉnh thức thì họ vẫn tỉnh rụi, có khi rơi vào tình trạng ngủ mê nữa là đằng khác. Câu 40,41 nói đến những sinh hoạt thông thường của cuộc sống hằng ngày. Bên ngoài nhiều người có vẻ rất giống nhau trong sinh hoạt nhưng có người chuẩn bị, có người không. Cách chuẩn bị không phải là tính ngày tháng Chúa sẽ trở lại mà là tỉnh thức, vì có ai biết ngày giờ nào Chúa đến đâu mà tính ( x Mt 24,36 v 24,42 ).
    Ở đây chúng ta học thấy rằng ý thức của mỗi người vô cùng quan trọng. Cùng một sinh hoạt mà đối với người này có thể chỉ là tiếp tục con đường lạc lầm, nhưng đối với người khác có thể là một nếp sống hướng về TC. Cuộc sống mỗi ngày có thể là chuỗi thời gian vô nghĩa mà cũng có thể là khung nhạc cho giai điệu vĩnh cửu.
    Chúa GS cảnh cáo về thái độ "ăn uống, cưới gã" như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu ( Mt 24,37-39 ). Ngài không lên án chính việc ăn uống cưới gã, nhưng cảnh cáo thái độ vô tâm, không muốn thấy sự mỏng manh của đời người và ý nghĩa đích thực của cuộc sống, không muốn nghe nói về sự thật sẽ được phơi bày trong ánh sáng Vị Thẩm Phán Tối Cao của nhân loại.
    Tỉnh thức không phải là thái độ cuống cuồng tính ngày tháng Chúa tái lâm. Tỉnh thức cũng không phải là thái độ căng thẳng chờ đợi mà không làm gì cả. Matthêu 24,43-51 cho thấy tỉnh thức là thái độ của người đầy tớ trung tín, khôn ngoan cai quản công việc nhà, chu cấp đầy đủ cho người khác trong phần nhiệm mình được giao phó. Người đó có thể nấu ăn, dọn dẹp hay ngủ nghỉ, ngay cả giải trí, mà vẫn sẵn lòng mong ước và vui mừng đón chủ về bất cứ lúc nào. Người đầy tớ này làm mọi việc vì cớ chủ mình. Thái độ này khác với thái độ lạm quyền, làm mọi sự theo ý riêng, chọn ảnh hưởng riêng, chìm đắm trong lạc thú sai lầm, như người đầy tớ nghĩ thầm : "chủ ta đến chậm, bèn đánh đập hành hạ kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống chè chén với phường say rượu" ( Mt 24,49 ). 
    Chúng ta sẽ mua sắm gì trong mùa Giáng Sinh ? Cùng bước vào thương xá, đâu là thái độ đua đòi thiển cận; đâu là thái độ tỉnh thức, trách nhiệm ? Sự tỉnh thức có thể được thể hiện qua những chi tiết, những hành động, những việc làm nhỏ bé để cấu thành thái độ của cuộc sống.
    Khi Gioan Baotixita xuất hiện, ông đã khơi dậy sự hiếu kỳ của nhiều người. Lối sống không biết sợ hãi và từ bỏ mình đi, khiến cho ông khác hẳn với những người đương thời. Trong một thời kỳ mà người ta chán ngấy loại tôn giáo nặng về hình thức và luật pháp, sự xuất hiện của ông đã mang lại một luồng sinh khí mới. Vì thế không lạ gì khi có nhiều người đã đến với ông, đến với ông như thế cũng phản ánh được nỗi lòng mong đợi về một Đấng Cứu thế để cách tân lề luật tôn giáo, cách tân cái đạo mà họ đã giữ theo truyền thống quá nặng nề.

3. Đón Đấng Cứu Thế : ( Phần này riêng tặng Mauri và Thánh Thư )
    Gioan Baotixita đi tù, cả Matthêu và Luca ghi lại lời của ông sai Môn đệ đến hỏi Đức GS : "Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác chăng ?" ( Mt 11,3 ; Lc 7,19 v 20 ). Thời ấy, Gioan mà còn nghi ngờ vậy huống chi chúng ta ngày nay. Chính vì thế ta cũng đừng trách gì có người chuyên nghiên cứu lịch sử thế giới nhưng họ vẫn chưa tin rằng Đức GS hiện diện trong lịch sử và Ngài chính là TC sai đến để cứu chuộc nhân loại. Thật đáng tiếc, nếu họ chỉ thấy lịch sử mà không thấy ơn cứu độ ! Hiểu biết về lịch sử mà không thấy giá trị đời sau ! Hãy cầu nguyện cách riêng cho họ.
    Gioan Baotixita không thấy sự phán xét nặng nề mà ông đã từng giảng, xảy ra như ông mong đợi ( Mt 3,11-12 ); sự quan tâm của Chúa GS đối với những thành phần cùng khốn và thấp kém trong xã hội, khiến cho Ngài không có một hình ảnh oai phong như Gioan đã tưởng. Chúa GS đã gián tiếp trả lời thắc mắc của ông bằng cách đề cập đến lời nói và việc làm của Ngài, như là bằng chứng cho thấy Ngài là Đấng Méssia đã hứa - Chúa GS nói rằng : đó là "những điều mắt thấy tai nghe" ( Mt 11,5-6 ; Lc 7,22-23 ). Đấng Cứu thế đấy mà, ta đợi chờ ngày Ngài Giáng Sinh. Vẫn có người chứng kiến những phép lạ, nhưng có thể nghi ngờ hay phủ nhận, vì họ không hiểu được ý nghĩa của những phép lạ này ( x Mt 12,9-12 v 22-24 ).
    Trước những nghi ngờ của Gioan, Chúa GS đã không gởi cho ông những giấy tờ thị thực để chứng minh địa vị của Ngài. Chúa đã nhắn lại cho Gioan điều Gioan cần nhất : Một tia hy vọng. Vâng, chính những kết quả tỏ lộ yêu thương và quyền năng của Chúa đã nói lên được cốt tủy sứ mạng Đấng Méssia đích thực.
    Câu hỏi từ khám tù của Gioan, một sứ giả dọn đường và giới thiệu Chúa GS cho dân chúng, hẳn làm chúng ta suy nghĩ sâu hơn về chỗ nương dựa thật sự của cuộc đời. Nhiều người hẳn cảm thấy gần Gioan, thích ông hơn khi nghe ông chia sẻ những nghi ngờ, những thắc mắc họ vẫn thường có trong cuộc đời. Nhiều lúc chúng ta không hiểu được chương trình của TC, những khúc mắc trong đời sống, và lắm khi chúng ta nghi ngờ Chúa, Đấng mà chúng ta từng tuyên xưng, từng làm chứng, từng rao giảng. Tuy nhiên, chúng ta cần yên lặng nhìn lại việc Chúa đã làm trên đời sống chúng ta cũng như qua bao nhiêu người khác. Nhiều cuộc đời đã được biến đổi, tìm thấy niềm vui và sức sống. Cách Chúa trả lời cho Gioan cũng là cách Chúa trả lời cho chúng ta trong những thắc mắc nghi ngờ mà chúng ta thường có trong cuộc sống gian trần.

4. Cầu nguyện :
    Lạy Chúa GS, xin Chúa cho con biết dọn lòng để kinh nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời.
    Lạy Chúa, trong mùa Giáng Sinh xin Chúa cho con biết sống khôn ngoan giữa cuộc sống đầy cám dỗ và dạy con biết tỉnh thức để chuẩn bị cho ngày Chúa đến.
    Xin Chúa giúp con càng ngày càng lớn lên trong sự hiểu biết về Chúa để không ngã lòng hay nghi ngờ khi đối diện với thử thách. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.



Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Lời tự tình sâu thẳm

Ta không viết thư tình qua giấy mực,
Chỉ viết bằng thổn thức của con tim
Thiên Chúa hiểu ta qua nhiều lúc,
Biết Ngài yêu nên cứ mãi kiếm tìm.

Ga tàu tất bật những tàu qua,
Có biết bao nhiêu kẻ không nhà
Thế gian cũng chỉ là nơi trọ,
Chốn về Quê Thật vẫn còn xa.

Gió đập cửa vào gây tiếng vang,
Vỡ tan từng mảng lụa không gian
Trời đang yên ắng ai ngờ được,
Chiến sự giao tranh, cảnh tương tàn !(*)

Ai sâu thẳm đón trăng về cố quận ?
Cõi lòng mình thao thức giữa đêm khuya
Nhìn đất nước tháng năm dài lận đận,
Cầu mong sao cuộc sống được yên hàn.

(*) Thời điểm cuộc chiến giữa Ukraina và Nga đang diễn ra khốc liệt, gây nên nhiều đau khổ cho người dân nơi đó và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

JB.Sĩ Trọng.