Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Trò chung

Gần gần kèn đám ma,
Xa xa nhạc đám cưới
Vui buồn thay nhau đổi,
Cái trò chung phận người.



Trò riêng

Chó đã quen tiếng đời,
Nên không cần phải sủa
Cho  dù  đời  đen đúa,
Chó  vẫn  cứ  nằm  yên.

JB.Sĩ Trọng.



'' Ông WTO''.

MONG NƯỚC MÌNH CÓ NHIỀU "QUAN"
NHƯ TRƯƠNG ĐÌNH TUYỂN
Ngô Minh
Nhắc đến Bộ trưởng Trương Đình Tuyển , người dân ai cũng nhớ hình ảnh ông tại những phiên đàm phán gia nhập WTO, những phiên trả lời chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp hàng năm của Quốc Hội khoá XI. Ông nói việc nước, việc đại sự mà làu làu như việc nhà . Ông bao giờ cũng trực diện, thẳng thắn không rào đón, nói năng rất hào hứng. Nắm và phân tích sâu sắc tình hình thương mại đất nước và quốc tế một cách vanh vách với các số liệu dẫn chứng thuyết phục. Nhưng ông lại nói vo, không chuẩn bị trước văn bản . Nhiều lần nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã khen ngợi ông sau các phiên trả lời chất vấn. Còn cử tri cả nước khi xem truyền hình nghe ông nói ai cũng thích thú tán thưởng . Nhắc đến bộ trưởng Trương Đình Tuyển, mọi người đều nhớ hình ảnh người chèo lái con thuyền Việt Nam trong các dịp ký kết Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ, đàm phám để Mỹ giành cho Việt Nam quy chế thương mại vĩnh viễn ( PNTR) ; đàm phán đa phương , song phương về WTO vô cùng căng thẳng, gay cấn và mưu mẹo. Ông đã nhiều lần bỏ ra khỏi phòng đàm phán. Ông đã tuyên bố với phái đoàn WTO rằng, Việt Nam không thể vào WTO với bất cứ giá nào. Nhiều người gọi ông là “ông WTO”. Việc kết thúc đàm phán vào đêm 26/10/2006, mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO 7/11/2006, trước Hội nghị thuợng đỉnh APEC Hà Nội 2006, có lẽ là chiến công lớn nhất cuộc đời làm quan của ông. Nhìn vẻ mặt rạng rỡ của ông trong lễ kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 150 của WTO ở Giơnevơ Thuỵ Sĩ hôm 7/11, ta hiểu được ông đã sung sướng hạnh phúc như thế nào trước thắng lợi vang dội đó của đất nước. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là “tư lệnh” Việt Nam trong 14 phiên trường kỳ đàm phán kéo dài 11 năm, trực tiếp là 8 năm 2 tháng và 26 ngày ròng rã . Công lao và tâm huyết đó nhất định sẽ được lịch sử ghi nhận.
“Chất quan” của ông WTOTrương Đình Tuyển là chất ham học,ham đọc, chất liêm sĩ thể hiện rất đậm nét trong công việc và sinh hoạt hàng ngày của ông. Tôi là phóng viên báo Thương Mại, mấy lần theo đoàn tháp tùng Bộ trưởng đi công cán ở miền Trung. Quê vợ tôi lại ở Nghệ An, mỗi lần tôi về thăm, bố vợ tôi, nguyên phó bí thư, chủ tịch một huyện đã nghỉ hưu từ thời bao cấp, kể rất nhiều giai thoại về bí thư tỉnh uỷ Trương Đình Tuyển. Nhờ thế mà tôi biết nhiều nét tính cách đặc biệt của ông Bộ trưởng lòng dạ thẳng ngay này. Một lần Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đi máy bay từ TP Hồ Chí Minh ra Huế để họp với các doanh nghiệp trên địa bàn. Tôi thường trú ở Huế nên theo xe của Sở Thương mại về sân bay Phú Bài đón ông. Khi bộ trưởng xuất hiện ở cửa máy bay, tôi thấy ông một tay xách cặp, một tay ôm vào ngực một chồng dày nào tài liệu, sách và báo xuống cầu thang máy bay. Hình như trên máy bay ông mãi đọc tài liệu, đọc báo, nên khi máy bay dừng , ông quên sắp xếp vào cặp. Thấy đoàn Huế ra sân bay đón, ông quên mất là mình đang ôm chồng tài liệu, ông giơ tay chào, thế là tài liệu bay tung toé khắp nơi. Cậu Thìn lái xe và tôi phải chạy đuổi theo gió để nhặt lại. Thế mà lên xe ông lại tiếp tục đọc. Khi mở cửa xe để vào khách sạn, ông lại làm rơi chồng tài liệu một lần nữa . Ông tranh thủ đọc và đọc chăm chú từng phút như thế, chả trách ai hỏi gì ông cũng biết , nói năng , trả lời đâu ra đấy.
Khi ngồi chủ trì cuộc họp, ông ít khi cà vạt, com lê, Ở nhiều cuộc Hội nghị Thương mại hàng năm, kể cả khi đón thủ tướng hay phó thủ tướng về làm việc với Bộ, tôi cũng ít thấy ông com lê cà vạt. Hình như ông không thích loại y phục lễ lạc gò bó này. Ngồi họp, tay ông chống má, mắt lim dim như ngủ. Mặt ông hốc hác, phong trần. Nhưng khi nào có đại biểu nào đó nói ý gì đó “có vấn đề”, ông ngồi thẳng đậy, mở cuốn sổ trước mặt ghi ghi , rồi lại ngồi lim dim lắng nghe. Có lần tại cuộc họp với doanh nghiệp Thương mại Quảng Trị , anh Nguyễn Thế Phiệt, giám đốc Công ty Thương mại huyện miền núi Hương Hoá đọc bản báo cáo viết sẵn cho Bộ trưởng nghe tình hình công ty của mình. Đang nghe, bỗng ông Tuyển rời vị trí đến đứng cạnh anh Phiệt, vỗ vai xin ngắt lời . Ông Tuyển hỏi :
- Anh là giám đốc hay cán bộ công ty?”.
Anh Phiệt mặt tái mét, run như cầy sấy:
- Dạ, báo cáo Bộ trưởng, em là giám đốc ạ !
- Giám đốc sao không nhớ việc công ty mà phải đọc báo cáo viết sẵn. Đưa bản này cho nhà báo Ngô Minh. Tôi hỏi gì anh trả lời nấy, được không ? Anh xem, tôi là Bộ trưởng, công việc cả ngành mà họp với các anh tôi có đọc bài viết sẵn bao giờ đâu !
Sau đó giám đốc nào lên cũng mở sổ ra và nói, không đọc bài viết sẵn nữa. Bữa ấy tôi mừng thầm có được một lúc chục bản báo cáo, kiến nghị, lại khỏi phải ghi chép số liệu. Thời kỳ này, khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang “ đấu tranh” chuyện “hai giá”. Tức là giá máy bay, giá tham quan du lịch, giá dịch vụ điện nước cho người nước ngoài đều cao hơn giá cho người trong nước gấp gần chục lần. Trong cuộc toạ đàm với các doanh nghiệp ở Huế , ông giám đốc Công ty xi măng Lucvaxi ở Huế, người Hông Kông, đứng lên đỏ mặt nói rất căng thẳng về vấn đề “hai giá”, đòi Chính phủ Việt Nam phải cùng một giá dịch vụ ngay tức khắc. Tôi thấy bộ trường Trương Đình Tuyển ghi chép mấy câu, rồi đến gần ông giám đốc người Hồng Kông , giải thích một cách thông minh bất ngờ và thú vị :
- Thưa ngài giám đốc, là thành viên Chính phủ, tôi hiểu tâm trạng bức xúc của Ngài. Tôi cũng rất bức xúc. Nhưng theo tôi biết thì Chính phủ Việt Nam đang cân nhắc giữa việc điều chỉnh “một giá” dịch vụ cho người nước ngoài với việc điều chỉnh lại tiền lương khởi điểm cho lao động Việt Nam làm trong các công ty liên doanh, hay 100% vốn nước ngoài. Vì mức lương khởi điểm 50 “đô” là rất thấp so với các nước trong khu vực. Theo ngài thì điều chỉnh cùng một lúc ,hay cái gì trước cái gì sau ?
Ông giám đốc liên doanh người Hông Kông sau khi nghe dịch đã chắp tay vái vái :” Tôi hiểu, tôi hiểu. Xin ngài xá cho!”. Đó là sự đối đáp thông minh, nhạy cảm rất cần thiết của nhà đàm phán trong đấu tranh với đối tác nước ngoài để giành giật từng điểm có lợi cho đất nước về kinh tế.
Ông Tuyển là người không thích quan cách. Tôi đến phòng Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An của ông, tôi thấy góc phòng có bếp ga, song nồi, chén bát. Tôi ngạc nhiên hỏi :” Thế không có ai phục vụ cho anh à ?”. Anh cười :” Làm sao phải có thêm một người phục vụ ! Mình ăn được thì nấu được chứ” . Ông tự đạp xe đạp đi chợ Vinh mua thực phẩm về nấu lấy ăn. Nấu một bữa, ăn cả ngày. Ngày nghỉ cuối tuần , không họp hành gì , ông nhảy tàu hoả ra Hà Nội với vợ con. Tôi nghe anh em cán bộ tỉnh uỷ Nghệ An kể, văn phòng tỉnh uỷ trang bị cho ông cái tủ lạnh, nhưng ông không nhận. Ông chỉ đề nghị mua cái bình gas, hết bao nhiêu tiền ông trả. Trong lúc bí thư, chủ tịch nhiều tỉnh , huyện, giám đốc các sở đi xem bóng đá phải là xe con , dù nhà chỉ cách sân vận động cây số. Còn bí thư tỉnh uỷ Trương Đình Tuyển vẫn đạp xe đạp ra sân vận động xem bóng đá .
Ông Tuyển là người thẳng thắm và liêm khiết, rất tiết kiệm của công. Khi ông được điều về làm bí thư Nghệ An, lãnh đạo tỉnh bàn nhau định phân phối đám đất và xây nhà cho ông theo tiêu chuẩn chung. Khi hỏi ý liến ông, ông gắt :” Tôi đã có nhà ở Hà Nội rồi”! Trong lúc đó nhiều ông quan tìm mọi cách để biến nhà công vụ thành nhà riêng. Dịp Đại hội Đảng bộ các huyện, văn phòng tỉnh uỷ Nghệ An bố trí xe con cho Bí thư, các phó bí thư, các Trương ban. Còn anh em chuyên viên thì đi chung xe 16 chỗ ngồi. Đó là “tập tục” xưa nay, nên họ không cần hỏi ý kiến Bí thư mới. Đến giờ xuất phát , thấy xe con, xe ca đỗ san sát trong sân, ông Tuyển ngạc nhiên hỏi :” Xe đi đâu mà nhiều thế này”. Một ông văn phòng thưa :” Thưa anh, xe đi Đại hội huyên…”. Ông đỏ mặt phán :” Các xe con về. Còn tất cả lên xe ca. Tiền đâu mà xe cộ rầm rầm thế?”. Lần khác, ông nhận được giấy mời dự Đại hội Đảng bộ huyện nọ. Đúng giờ ông nhờ một anh cán bộ chở xe máy xuống huyện. Toàn Ban chấp hành huyện uỷ vì không biết mặt bí thư mới, nên cứ ra cổng để đón đoàn xe của tỉnh uỷ về dự Đại hội. Chờ mãi, đến khi thấy chiếc xe ca chở quan chức tỉnh về, hỏi ra thì mọi người mới chưng hửng : Bí thư tỉnh uỷ mới đang ngồi đọc tài liệu trong hội trường đại hội từ lâu rồi! Lên dự Đại hội Đảng bộ một huyên miền núi, sau khi bầu báng xong, kết thúc hội nghị, huyện uỷ chiêu đãi rất thịnh soạn . Cuối bữa tiệc, Bí thư tỉnh uỷ hỏi Bí thư huyện uỷ mới :” Ông làm sao có nhiều tiền mà chiêu đãi nhiều người thịnh soạn thế này ?”. Ông bí thư huyện tái mặt :” Dạ thưa anh, bốn năm năm mới có một lần”. Ông Tuyển nghiêm sắc mặt :” Tiền là tiền thuế của dân, miền núi lại nghèo, dân đang đói, ông không xót sao ? Còn đi dự đại hội xã thì họp xong là ông chuồn, vì ngại xã phải mời cơm. Rủ anh em cùng đi về dọc đường ăn quán. Khi ăn quán ông thường giành “quyền” trả tiền vì “ Lương tôi cao hơn các cậu” . Bà con tiểu thương bán thực phẩm chợ Vinh do xem tivi nên biết mặt ông Tuyển. Khi mua rau, cá, ông hỏi bà con “có bán đắt không đấy ?”.Bà con trả lời ngay :” Làm bí thư tỉnh uỷ mà tự đi chợ nấu ăn , là bà con biết “loại” người nào rồi. Bà con thương lắm, tin lắm, không bán đắt mô !”. Ông Tuyển về làm bí thư Nghệ An chưa trọn nhiệm kỳ, mà có huyện miền núi như Tân Kỳ ông đến thị sát tới 3 lần.Ông đi cơ sở không bao giờ báo trước. Không bao giờ để huyện hay nông trường, nhà máy lo chỗ ngủ, đãi đằng cơm nước, mà tất cả đều do Văn phòng tỉnh uỷ chuẩn bị theo sự chỉ đạo của ông.
Người dân Nghệ An còn kể nhiều giai thoại nữa, như chuyện ông Tuyển cứ sau mỗi cái Tết lại nộp vào ngân quỹ của tỉnh hàng tỷ đồng. Đó là tiền mà các quan chức Nghệ AN mang ra Hà Nội “chúc Tết” gia đình Bí thư ông khi ông không ở nhà. Ông bắt vợ nhận và cho vào một cái hòm, như “hòm công đức”.v.v..
Thời về làm Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An, “chất quan” dân giã, bộc trực và khí khái đó rất kỵ rơ với một loạt ông quan liêu, tham nhũng, say xỉn, hạch sách nhân dân, tiêu tiền dân như nước… ở các huyên đã có tới sáu bí thư , phó bí thư huyện uỷ đã bị ông Tuyển cách chức. Nghe tin này, dân Nghệ An ai cũng hởi lòng hởi dạ.
Đó là những câu chuyện thật đã thành giai thoại về Trương Đình Tuyển mà bố vợ tôi và các lão thành cách mạng Nghệ An rất hay kể. Giai thoại là chuyện dân gian, được dân tin yêu thế nào, phải là “chất quan” thế nào mới có nhiều giai thoại đọng lại trong lòng dân như thế. Về chuyện xe cộ , tôi cũng mục sở thị nhiều lần về “chất quan” Trương Đình Tuyển. Một lần Đoàn công tác bộ Thương mại từ Huế ra Quảng Trị. Sở thương mại tỉnh cho hai chiếc xe đến chở đoàn. Một chiếc xe con bốn chỗ và một chiếc xe 22 chỗ ngồi. Bộ trưởng Trương Đình Tuyển ra khỏi khách sạn, lên thẳng chiếc xe ca ngồi vào vị trí thứ hai sau lưng lái xe. Lãnh đạo tỉnh thiết tha đề nghị Bộ trưởng xuống đi xe con . Ông cười bảo :” Các ông vẽ chuyện. Đây ra Đông Hà xe này chở đoàn còn rộng, đi thêm xe con làm gì cho tốn !”. Từ Quảng Trị ra Quảng Bình cũng diễn ra cảnh tượng đó. Lần này thì Bộ trưởng nổi nóng đuổi anh lái xe con :“ Em đưa xe về ngay!”. Những cử chỉ bình dân, thân tình như vậy tôi chưa bao giờ thấy ở những ông quan tỉnh, quan bộ. Họ “một bước là ngựa xe đứng đi quân hầu chật”, nhậu nhẹt luôn có “em út” kề cạnh đến lúc say xỉn, còn lái xe con thì “đỗ bên ngoài chờ thủ trưởng”! Đêm đó ra Đồng Hới, sáng hôm sau, anh Hải thư ký bộ trưởng đưa cho ông Tuyển hai cây thuốc “ba số” do lái xe Quảng Trị gửi lại, nói là “ Chi cục Quản lý thị trường Quảng Trị biếu”. Dù là người rất nghiện thuốc lá, nhưng nghe chuyện đó ông trợn mắt :” Ai lại đi bắt thuốc lá lậu rồi biếu Bộ trưởng bao giờ ! Nhưng xe họ đi rồi nên chia hết cho mọi người trong đoàn để biết mùi hàng lậu thơm tho thế nào“. Tôi nói :” Em không hút thuốc, lấy làm gì”. Ông Tuyển cười :” Nhà thơ không hút cũng phải nhận để tặng bạn thơ nghiện”.
Ấn tượng nhất đối với tôi là bộ trưởng Trương Đình Tuyển rất yêu văn chương và quý mến các nhà văn. Ông thân thiết và hay đàm đạo văn chương với các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Trần Cương….Mỗi lần vô Huế ông đều gọi cho tôi. Khi ông mới lên bộ trưởng, cái tên Phùng Quán vẫn gây sự sợ sệt đối với nhiều người. Thế mà ông dám mời nhà văn Phùng Quán đến cơ quan Bộ Thương Mại đọc thơ. Vào Huế , dù họp hành cấp tập, tối đến ông vẫn bảo tôi rủ mấy anh chị nhà thơ Huế như Nguyễn Khắc Thach, Mai Văn Hoan, Hồ Thế Hà…đến chỗ ông ở để gặp gỡ và đọc thơ cho vui. Trong những cuộc như thế, ông chăm chú nghe thơ anh em và say sưa đọc những bài thơ mới của mình cho đến tận khuya.
Ông là thi sĩ đích thực. Thơ ông rất tâm trạng, rất mới, chứ không như “thơ lãnh đạo” xưa nay. Trong tuyển thơ tạp chí Sông Hương 20 năm ông có bài thơ được chọn. Bài thơ in trên tạp chí này từ năm 1992 : Sáng mai rồi trở dậy, gió triều lên / Con thuyền cũ đưa em về bến cũ / Tôi một mình bên bờ hoang sóng vỗ / Hoàng hôn mờ phủ tím cánh buồm xa…( Cánh buồm xa…). Ông có hàng mấy trăm bài thơ chép trong sổ tay. Có lần ở Đông Hà, Quảng Trị, tỉnh uỷ, UBND tỉnh chiêu đãi. Sau mấy vại bia là tiết mục văn nghệ của các em xinh đẹp. Nghe ba cô gái Quảng Trị hát, máu thơ nổi lên, không phân biệt quan hay dân, bộ trưởng Tuyển đứng lên “xin đáp lễ” bằng thơ. Ông say sưa đọc một lúc đến năm bài thơ của mình. Toàn những bài thơ tâm trạng rất hay. Thơ ông da diết, trí tuệ . Bài thơ viết trong chuyến đi thăm lăng mộ Taj Mahal, Di sản thế giới ở Ấn Độ ông có bài thơ “ Viết ở lâu đài Batmahal”. Xin được chép nguyên văn :
Tôi đến thăm lâu đài Batmahan
Đọc những trang văn
Trên nền đá trắng
Tôi bồi hồi nghe bao chuyện buồn vui
Đã truyền đi tiếng vọng
Kiếp người !
Bátmahan sừng sững giữa trời
Pho sử đá ghi cảnh đời nghịch lý
Vua khóc vợ xây đền đài kỳ vỹ
Tôi khóc người thợ đá
Đá ơi !
Và sông Hằng nước mắt cứ đầy vơi
Ông còn có nhiều câu thơ hay khác như Không đa mang cũng phong trần / Không đam mê cũng đôi lần liêu xiêu… Sang Nga, đi bên sông Nê Va gặp cô gái Hồi choàng khăn che mặt, ông viết :”Mắt mồ côi anh gặp mắt em rồi”. Có lần một số Tết báo Thương Mại có in một bài thơ ông viết tặng vợ nhưng ký một bút danh khác. Bài thơ ghi công vợ bao năm về quê chăm lo việc họ, việc nhà, “ Còn anh năm tháng hành nghề phiêu diêu”. Tôi hỏi :” Sao anh làm bộ trưởng lại gọi là “hành nghề phiêu điêu ?”. Anh cười :” Luật pháp, chính sách mình chưa chặt, còn nhiều kẽ hở để bọn xấu lợi dụng, nên làm bộ trưởng bây giờ “chết” lúc nào không biết, không phiêu diêu là gì nữa !”. Ông Tuyển có cả một tập thơ tình yêu. Toàn những bài không có đầu đề. Đó là những bài thơ “ khóc” một cuộc tình thời trai trẻ. Hai người yêu nhau thời sinh viên, nhưng không ai dám thổ lộ. Khi ông đi bộ đội trở về Hà Nội lấy vợ, trong nột chuyến tàu điện Hà Nội thì gặp nàng . Tình cảm lại dâng trào :
Tuổi hai mươi đôi môi đỏ mọng
Em trao cho ai những chiếc hôn đầu
Dẫu rất yêu em
Anh chỉ được hôn lên mái tóc
Cái e ấp này chẳng tại anh đâu…
Hay:
Vụng về và chậm muộn
Sao cứ nhiều đam mê
Thu có còn đủ nắng
Cho xôn xao mùa về…
Gần đây nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo có đọc cho tôi nghe mấy câu thơ mới của Trương Đình Tuyển phác hoạ rất đúng chân dung của ông :
Tôi khảo cổ chính tôi và thấy
Một xấp dày ngu ngơ…
“Ngu ngơ” nghĩa là không biết những mánh lới để chạy chức chạy quyền ăn tiền ăn đất. Cái “chất ngu ngơ” đó là chất kẻ sĩ, chất thi sĩ không màng danh lợi. Nghe nói vừa qua, có vị quan cấp trên có gợi ý ông Tuyển lên làm chức cao hơn, nhưng ông từ chối, không dám nhận. Ông mong mỏi sau đàm phán WTO xong , được nghỉ việc quan để về viết hồi ký, làm thơ. Hồi ông đang bộ trưởng Thương Mại lần thứ nhất , tôi hỏi ông :” Sao anh không xuất bản thơ mình? Thơ anh có chất lắm”. Ông cười nheo mắt :” Mình in thơ bây giờ thiên hạ sẽ bảo Bộ trưởng lấy “tiền chùa” in thơ à ! . Mặc dù mình không thèm làm việc hạ tiện đó, họ vẫn cho là như thế, đúng không?. In thơ thì vội gì. Nàng thơ bỏ mình mới sợ, Đúng không nhà thơ Ngô Minh ?“. Vâng, ông bảo không xa nữa đâu, khi về hưu ông sẽ in một tập thơ dày gồm ba phần : Thơ cho mọi người. Thơ cho một người . Và thơ cho mình…
Vâng, cái “chất quan” Trương Đình Tuyển cũng là chất thơ làm xúc động lòng người, làm dân tin yêu, cảm phục. Ôi giá mà tất cả các “quan” của ta ai cũng có “chất quan” giống như “ông WTO” Trương đình Tuyển...
( Bài đã in trên ANTG đầu tháng 7-2018 có cắt một số đoạn vì dung lượng trang. Đây là bản gốc)

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Phần Lan cuối tháng 7

*Tặng con yêu.

Hình như thời tiết nóng mùa này,
Vàng chiều vội vã lướt cành cây
Hoàng hôn đến muộn khi đêm tới
Giấc ngủ mong chờ đón nắng mai.

Bất chợt lao xao tiếng nhạc rừng,
Một màu sương xám phủ sau lưng
E   ấp   tà   áo   em   che   mắt,
Để động thiên thu, gió ngập ngừng.

Người dân chở chó chạy lòng vòng,
Trời đẹp, êm đềm cảnh núi sông
Đất  nước  yên  hòa  và  mát  dịu,
Nói cười lanh lảnh vọng hư không.

Văng vẳng chuông ngân tháp thánh đường
Ru hồn tịch lặng những hàng dương
Đứng  nơi  đất  khách  lòng  em  bỗng
Thương   nhớ   quê   nhà,  gọi   cố   hương !

P/S : Ba viết tâm tình thay con, không biết có đúng với cảnh thật bên ấy không ?

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Ba, 24 tháng 7, 2018

Huế ngậm ngùi

Tôi ngắm hoa vàng trên cỏ xanh,
Mai hồng sương đọng giọt long lanh
Lối  đi  quen  thuộc  giờ  đây  đã,
Vắng bóng người xưa bên cổng thành.

Nhà Đồ, Thượng Tứ, Cửa Đông Ba
Mấy  chú  chim  câu  đậu  mái  nhà
Bảng lảng chiều buông lưng Núi Ngự
Văn  Lâu  còn  vọng   tiếng   hò  xa...

Sông Hương dòng nước chảy ngậm ngùi
Thong thả du thuyền chạy thảnh thơi
Một  nét  không  gian  buồn  cô  tịch,
Tràng Tiền phượng vỹ đứng chơi vơi.

Đập Đá đò đưa khách vãng lai,
Qua Cồn cơm hến đợi chờ ai ?
Chè bắp nóng hổi múc ra chén,
Mấy  mệ  già  nua  khăn  áo  dài.

Ơi Huế làm tôi thương nhớ nhiều,
Kể sao cho xiếc chuổi ngày yêu
Huế tình sâu thẳm tôi đong lấy,
Mang đậm trong hồn chút lãng phiêu.

JB.Sĩ Trọng.







Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

Phân biệt Lm thật và giả

CÁCH PHÂN BIỆT LINH MỤC THẬT VÀ LINH MỤC GIẢ
👇👇👇👇👇👇👇
(Lời dạy của Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục Hà Nội)
Linh mục quyết định đời sống Đạo của 1 giáo xứ.
Linh mục làm sao, giáo dân làm vậy.
Linh mục đạo đức thánh thiện, giáo dân đạo đức thánh thiện. Linh mục hách dịch trịch thượng, giáo dân kiêu ngạo ngông nghênh.
Linh mục cũng là người quyết định về hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa tốt lành thánh thiện hay bị méo mó biến dạng là do Linh mục
LINH MỤC ĐI TRƯỚC, DÂN BƯỚC THEO SAU
Linh mục thánh thiện, giáo dân sốt sắng.
Linh mục sốt sắng, giáo dân bình thường.
Linh mục bình thường, giáo dân tầm thường.
Linh mục tầm thường, giáo dân bỏ đạo.
Giáo dân bỏ đạo, nhà thờ đóng cửa.
XIN TẠM GỌI LINH MỤC THẬT LÀ NHỮNG LINH MỤC NHƯ LÒNG CHÚA MONG ƯỚC VÀ NHƯ LÒNG DÂN CHÚA MONG CHỜ
XIN TẠM GỌI LINH MỤC GIẢ LÀ NHỮNG LINH MỤC CỦA THẾ GIAN, TIỀN BẠC VÀ QUYỀN LỰC.
Những nơi có nhiều ơn gọi đi tu, thường là những nơi có cha xứ thánh thiện. Còn những nơi ít ơn gọi đi tu, thường là do cha xứ không ra gì.
Chức Linh mục rất cao trọng & vinh dự. Vinh dự đến nỗi được gọi là Chức Thánh. Vì Linh mục chính là 1 Đức Giê-su khác.
Tuy nhiên:
VINH DỰ CÀNG LỚN, TRÁCH NHIỆM CÀNG CAO.
Như chính Chúa Giê-su đã phán:
AI ĐƯỢC GIAO NHIỀU, THÌ SẼ BỊ ĐÒI NHIỀU.
Giao 10 nén, phải sinh lời 10 nén.
Nếu không sinh lời, thì sẽ bị Chúa Giê-su cảnh cáo rất đanh thép: Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng." (Mt 25,30)
Ngài còn cảnh cáo: "Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.( Lc 6,26)
Ngài lại phán rằng: Kìa có những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”( Lc 13,30)
Rồi Ngài minh định: Không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. (Mt 10,26)
Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật.(Ep 5,7).
Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá trở nên những Linh mục của Ngài. (x Mt 3,9).
Có người nói lý do có nhiều Linh mục giả là vì: "Chủng viện chỉ dạy các Chủng sinh làm cha chứ không dạy làm con."
Không biết điều đó có đúng không?
CÁCH PHÂN BIỆT LINH MỤC THẬT VÀ LINH MỤC GIẢ:
Linh mục thật thì luôn là 1 Đức Giêsu khác. Còn Linh mục giả thì lại quá khác Đức Giêsu.
Linh mục thật là phiên bản 2 của Đức Giêsu, còn Linh mục giả thì "Bye Bye" Đức Giêsu.
Linh mục thật thì mang vào mình mùi Chúa và mùi chiên, mùi hôi và mùi thơm. Còn linh mục giả thì mang vào mình mùi tiền và mùi quyền.
Linh mục thật thì ngày càng nên giống Chúa Giêsu. Còn linh mục giả thì ngày càng bị thế gian khống chế.
Linh mục giả thì có bộ sưu tập hoành tráng và đẳng cấp về chim thú, cây cảnh, đồ cổ, hàng độc và động vật quý hiếm... Còn linh mục thật thì có bộ sưu tập đầy tràn các nhân đức thánh thiện, tình yêu thương và vinh dự rửa tội cho rất nhiều tân tòng.
Linh mục giả thì luôn lợi dụng và lạm dụng Chức Thánh cho mục đích ích kỷ của cá nhân mình. Còn linh mục thật thì luôn nỗ lực nâng niu và trân trọng Chức Thánh cho Chúa và cộng đoàn dân Chúa.
Linh mục thật thì ngày càng sống đúng Phúc Âm. Còn Linh mục giả thì ngày càng sống phản Phúc Âm.
Linh mục thật thì làm cho dân Chúa được lợi. Còn Linh mục giả thì lợi dụng dân Chúa cho túi tiền và quyền lực của mình.
Linh mục thật thì luôn viết sẵn di chúc và chuẩn bị sẵn sàng cho giờ chết đột ngột của mình để nỗ lực sống tốt lành thánh thiện. Còn linh mục giả thì sống trôi nổi không biết đến ngày mai, không biết sẽ đi đâu về đâu.
Linh mục thật thì vâng lời vô điều kiện Đức giám mục đi bất kỳ giáo xứ nào, bất cứ thời gian nào, kể cả vùng xâu vùng xa, kể cả là giáo xứ nghèo nàn lạc hậu, vùng ven hẻo lánh, vì Chúa ở khắp mọi nơi. Còn linh mục giả thì bất tuân chống đối bài sai hoặc không hài lòng với sự sắp xếp của Đức Giám mục. Hình như giáo xứ đó không có Chúa?
LINH MỤC GIẢ THÌ NGÔNG NGHÊNH, VÊNH VÁO, NGẠO NGHỄ VỀ CHỨC LINH MỤC CỦA MÌNH. CÒN LINH MỤC THẬT THÌ HOẢNG LOẠN, RUN SỢ, KHIÊM NHƯỜNG VÌ MÌNH LÀ LINH MỤC.
Linh mục thật thì mọi vinh quang và danh dự đều quy về Chúa. Còn linh mục giả thì mọi vinh quang và danh dự đều quy về mình.
Linh mục thật thì chăm chỉ ngồi tòa Giải tội để sẵn sàng đón con chiên lạc. Còn linh mục giả thì chăm chỉ thể dục thể thao và vui chơi quá mức.
Linh mục thật thì chân thành thẳng thắn chỉ ra cái sai của giáo dân, để họ ngày càng sống đẹp lòng Chúa. Còn linh mục giả thì dùng câu từ mĩ miều để vuốt ve họ.
Linh mục giả thì sống phong cách hưởng thụ, ăn trên ngồi trốc. Còn linh mục thật thì nỗ lực sống khiêm nhường phục vụ.
Linh mục thật thì rất ngại ngùng khi được gọi là "Cha". Còn linh mục giả thì tự hào kiêu hãnh khi được gọi như vậy.
Linh mục thật thì luôn chỉ cho người ta thấy Chúa để chúc tụng, để ca ngợi và tôn vinh Chúa. Còn linh mục giả thì luôn chỉ cho người ta thấy mình để tôn vinh, để ca ngợi và chúc tụng mình.
Linh mục thật thì sắm xe ôtô vừa đủ để đi mục vụ vì dân Chúa còn nghèo đói. Còn linh mục giả thì sắm xe siêu sang đẳng cấp để ra oai với đời trong khi bần dân đói khổ.
Linh mục thật thì đơn sơ, khiêm nhường, nghiêm trang và cung kính trên bàn Thánh. Còn linh mục giả thì ngông nghênh, vênh váo, ngạo nghễ, hách dịch và trịch thượng.
Linh mục thật thì lo lắng xây dựng giáo xứ trên nền tảng sám hối, bác ái, công bằng, yêu thương, khiêm nhường và tha thứ. Ngài luôn nỗ lực xây dựng Giáo xứ trên nền đá. Nghĩa là mến Chúa và yêu thương tha nhân như chính mình. Còn linh mục giả thì chỉ lăm lăm xây cất, tiệc tùng, trống kèn rước phách om sòm inh ỏi xáo rỗng và trang trí lộng lẫy hình thức phô trương lòe loẹt bề ngoài. Linh mục giả chỉ xây dựng Giáo xứ trên nền cát. Nghĩa là chỉ chú trọng trang trí hình thức bề ngoài. Càng thùng đặc càng thanh tịnh. Càng thùng rỗng càng kêu to. Rồi sẽ bị sụp đổ tan tành.
Linh mục thật thì nói như Chúa đã nói và làm như Chúa đã làm. Còn linh mục giả thì nói khác Chúa đã nói và làm khác Chúa đã làm.
Linh mục giả thì biểu diễn nghệ thuật trên bàn Thánh. Vô xạ ép ra hương. Còn Linh mục thật thì tỏa hương thơm nhân đức trên bàn Thánh. Hữu xạ tự nhiên hương.
Linh mục thật thì chỉ nhận mình là chiếc bình sành dễ vỡ. Còn linh mục giả thì luôn nhận mình là một siêu thần tượng thượng đẳng.
Linh mục giả thì luôn bị chính quyền sỏ mũi, dắt mũi theo ý họ. Còn linh mục thật thì khôn khéo đàm phán với chính quyền để dân Chúa được lợi.
Linh mục thật thì luôn nhận mình chỉ là tội nhân rất cần lòng thương xót của Chúa. Còn linh mục giả thì luôn vỗ ngực tưởng bở tự phong cho mình là một thánh nhân.
Linh mục thật thì luôn phục vụ trong âm thầm khiêm tốn. Còn linh mục giả luôn phục vụ trong khoe khoang kiêu ngạo.
Linh mục thật thì Giáo dân tiếc khi chuyển xứ mới, đi dân Chúa nhớ, ở dân Chúa thương. Còn linh mục giả thì Giáo dân xin mời cha đi nhanh cho nước nó trong.
Linh mục thật thì sống đơn sơ, khó nghèo. Còn linh mục giả thì sống rườm rà, khó mà nghèo.
Linh mục thật thì thích sự phê bình chỉ trích để nhìn lại mình và canh tân. Còn linh mục giả thì chỉ thích được nịnh hót & tâng bốc hão lên tận 9 tầng mây xanh rồi bị ngã xuống cách đau đớn.
Linh mục thật thì thường nghĩ đến bàn Tiệc Thánh. Còn linh mục giả thì chỉ nghĩ đến bàn tiệc nhậu.
Linh mục thật thì làm cho Giáo dân tâm phục khẩu phục. Nói phải củ cải cũng nghe. Còn linh mục giả thì làm cho Giáo dân khẩu phục nhưng tâm không phục. Nói sai ai mà nghe nổi.
Linh mục thật thì luôn cầu nguyện đấm ngực sám hối. Còn linh mục giả thì luôn cầu nguyện vỗ ngực kể công.
Linh mục thật thì luôn cầu xin Chúa Thánh Thần để chuẩn bị kỹ lưỡng bài giảng cho dân Chúa. Còn linh mục giả thì lười biếng không chịu chuẩn bị và giảng luyên thuyên thao thao bất tuyệt.
Linh mục thật thì luôn giảng ngắn gọn, trọng tâm, xúc tích, đầy đủ. Còn linh mục giả thì luôn giảng dài, giảng dai, giảng dở.
Linh mục thật thì làm cho dân Chúa về nhà nhớ lời Chúa dạy bảo. Còn linh mục giả thì làm cho dân Chúa về nhà chỉ thấy nhớ lời mình quát mắng. Lời cha át cả lời Chúa.
Linh mục thật thì cho rằng nhà thờ to đẹp uy nghi lộng lẫy là do mình với cộng đoàn dân Chúa cùng xây. Linh mục giả thì chỉ nhận là công lao của cá nhân mình.
Linh mục giả thì chỉ chơi với đại gia nhà giàu đẳng cấp. Còn linh mục thật thì chơi với tất cả mọi tầng lớp xã hội.
Linh mục giả thì cao siêu kênh kiệu như ông quan xã. Còn linh mục thật thì khiêm nhường ân cần phục vụ như Đức Giêsu.
Linh mục thật thì yêu thích Ánh Sáng. Còn linh mục giả thì đam mê Bóng Tối.
Linh mục thật thì dùng tình thương để cảm hóa dân Chúa. Còn linh mục giả thì dùng quyền để thống trị họ.
Linh mục thật luôn sẵn sàng phục vụ vì Chúa và các Linh hồn. Còn linh mục giả thì chỉ phục vụ cho cái tôi & lợi ích của mình.
Linh mục thật thì luôn bám vào Chúa và Đức Mẹ. Còn linh mục giả thì luôn bám vào của cải và quyền lực thế gian.
Linh mục thật thì coi các Linh mục khác như anh em ruột. Còn linh mục giả thì coi Linh mục khác như kẻ thù.
Linh mục thật thì Thánh lễ là vô giá. Còn linh mục giả thì Thánh lễ phải có giá.
Linh mục giả thì có thời gian đi chơi mà không có thời gian đến thăm hỏi và xức dầu cho bệnh nhân sắp qua đời, bắt phải khiêng bệnh nhân đến nhà thờ mới ban Bí tích Xức dầu. Còn linh mục thật thì luôn sẵn sàng đến tận nhà người bệnh trao Bí tích bất kể ngày đêm.
Linh mục giả thì mở miệng ra là TIỀN TIỀN TIỀN. Còn Linh mục thật thì mở miệng ra là TÌNH TÌNH TÌNH.(tiền bạc và tình thương)
Linh mục giả thì dâng Lễ một cách vô hồn như cái đài, như cái máy, như cái Tivi. Còn linh mục thật thì dâng Lễ sốt sắng, thánh thiện, sống động và lắng đọng tâm hồn dân Chúa.
Linh mục thật thì luôn thiếu thời gian. Còn linh mục giả thì luôn thừa thời gian.
Linh mục giả thì có đến 3 bài giảng trong 1 Thánh lễ nhưng chủ đề chẳng ra đâu vào đâu. Còn linh mục thật thì chỉ có duy nhất 1 bài và những lời nhắc nhở ngắn gọn.
Linh mục giả thì luôn ngự ở trên núi cao, cao vút khiến giáo dân không ai với tới. Còn linh mục thật thì khiêm nhường cúi mình xuống sống chung với mọi người và thậm chí rửa chân cho họ như Chúa Giêsu.
Linh mục thật thì thành tâm đấm ngực ăn năn sám hối 9 lần. Còn linh mục giả thì không thèm đấm ngực ăn năn sám hối.
Linh mục thật thì luôn nỗ lực cố gắng kéo ơn Chúa xuống cho dân Chúa và giúp dân Chúa nhận ra sâu sắc tình yêu & lòng thương xót Chúa. Còn linh mục giả thì kéo dân ra xa Chúa và họ chỉ nhận ra được cái tôi to lớn của chính mình.
Linh mục thật thì được học và luôn hành. Còn linh mục giả thì được học nhưng lại không hành.(Thực hành điều đã học)
Linh mục giả thì luôn vỗ ngực cho mình to nhất Giáo xứ. Còn Linh mục thật thì cho rằng Chúa mới là to nhất Giáo xứ.
Linh mục giả luôn nói thì giỏi nhưng làm thì dở. Còn linh mục thật thì làm giỏi rồi nói giỏi.
Linh mục giả thì say mê hút nghiện rượu, thuốc. Linh mục thật thì say mê hút lấy Ơn Chúa từ Bí tích Thánh Thể.
Linh mục giả thì phân hóa tầng lớp kẻ giàu với người nghèo. Còn linh mục thật thì kết nối họ với nhau.
Linh mục giả thì cậy vào sức mình và tài năng của mình. Còn linh mục thật thì cậy vào Ơn Chúa và Sức Mạnh Chúa.
Linh mục giả thì coi chức Linh mục là của riêng mình. Còn Linh mục thật thì coi chức Linh mục là của Chúa và của hết thảy mọi người.
Linh mục thật thì dạy Kinh Thánh và Giáo lý. Còn linh mục giả thì chỉ dạy điều nọ luật kia của riêng cá nhân mình.
Linh mục thật thì say mê Kinh Thánh, Kinh Phụng vụ và Kinh Mân côi. Còn linh mục giả chỉ say mê nịnh hót đầu môi, yến tiệc linh đình và chơi bời du lịch.
Linh mục thật thì luôn lo lắng bắc những nhịp cầu kết nối sự đoàn kết yêu thương. Còn linh mục giả thì phá những nhịp cầu để tạo ra phe nọ nhóm kia.
Linh mục giả thì chỉ nghĩ đến tiền bạc. Còn linh mục thật thì chỉ nghĩ đến tình thương.
Linh mục thật thì cử hành Bí tích. Còn linh mục giả thì bán Bí tích.
Linh mục thật thì rao giảng lời của Chúa và làm như Chúa đã làm. Còn linh mục giả thì nói lời của cá nhân mình và làm theo ý của riêng mình.
Linh mục thật thì công bằng không thiên tư tây vị bất cứ ai. Linh mục giả thì nhận quà đút lót của dân Chúa để ban ân nọ huệ kia.
Linh mục thật thì luôn quy tụ cộng đoàn Giáo xứ thành 1 gia đình. Còn linh mục giả thì gây chia rẽ cộng đoàn Giáo xứ thành phe nọ nhóm kia.
Linh mục thật thì rao giảng về sám hối, tỉnh thức, hiền lành và khiêm nhường và luôn thực hành. Còn linh mục giả thì rao giảng kiêu căng hách dịch trịch thượng.

Linh mục thật thì chuyên chăm cầu nguyện, sám hối, gặp gỡ, chia vui sẻ buồn, an ủi mọi người không phân biệt sang hèn và chăm chỉ giải tội. Còn linh mục giả thì chỉ thích dùng tiền dân Chúa đi chơi bời du lịch, ăn uống tiệc tùng và thích các cuộc giải trí vô bổ tốn thì giờ.
Linh mục thật thì tất cả là Hồng Ân của Chúa. Linh mục giả thì nhận tất cả là công lao của mình.
LINH MỤC GIẢ NHƯ NGƯỜI MÙ DẮT NGƯỜI MÙ, CẢ HAI SẼ LĂN CÙ XUỐNG HỐ.
LINH MỤC THẬT NHƯ NGƯỜI SÁNG DẮT NGƯỜI SÁNG, CẢ HAI SẼ ĐẾN BẾN VINH QUANG.
LINH MỤC THẬT THÌ LUÔN SỐNG ĐỨC KHÓ NGHÈO, KHIẾT TỊNH VÀ VÂNG PHỤC.
LINH MỤC THẬT THÌ LUÔN TIN ĐIỀU ĐÃ ĐỌC, DẠY ĐIỀU ĐÃ TIN VÀ THI HÀNH ĐIỀU ĐÃ DẠY.
Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn Linh mục giàu có vào nước Thiên Đàng.
Thánh Têrêsa Avilla cảnh cáo các LINH MỤC GIẢ cách kinh hoàng & run sợ: NỀN HỎA NGỤC ĐƯỢC LÁT BẰNG SỌ CÁC VỊ LINH MỤC.
LINH MỤC KHÔNG THỂ CHO GIÁO DÂN THỨ MÀ LINH MỤC KHÔNG CÓ.
LINH MỤC CHỈ CÓ THỂ CHO GIÁO DÂN THỨ MÀ LINH MỤC CÓ.
LINH MỤC GIẢ CHO DÂN CHÚA ĐỒ GIẢ
LINH MỤC THẬT CHO DÂN CHÚA ĐỒ THẬT
TẠI SAO ĐẠO CHÚA PHÁT TRIỂN HAY KHÔNG PHÁT TRIỂN? TẠI SAO GIÁO DÂN MẠNH ĐỨC TIN HAY MẤT ĐỨC TIN? XIN QUÝ VỊ HÃY NHÌN KỸ VÀO ĐỜI SỐNG VÀ HỎI CÁC VỊ LINH MỤC.
Đó là lý do số Linh mục ngày càng đông mà số Giáo dân vẫn dậm chân tại chỗ.
👇👇👇👇👇👇👇
NHIỀU GIÁO DÂN GẶP CHÚA DỄ HƠN GẶP LINH MỤC.
Vô lý quá! Tại sao vậy?
VÌ CHÚA THÌ LUÔN Ở TRONG NHÀ THỜ, CÒN LINH MỤC THÌ Ở TRÊN NÚI CAO. CAO QUÁ KHÔNG VỚI TỚI ĐƯỢC.
GẶP CHA KHÓ HƠN GẶP CHÚA.
Linh mục là một Đức Giê-su khác. Vậy kính xin các Linh mục đừng quá khác Đức Giê-su.
Đức Giê-su luôn hiền lành và khiêm nhường. Vậy kính xin các Linh mục cũng luôn nỗ lực sống hiền lành và khiêm nhường.
Lời Chúa dạy các Linh mục cần ghi khắc là:
Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.
Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.
Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20, 26-28)
Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá trở nên những Linh mục của Ngài. (x Mt 3,9).
Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy.
Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên.
Như thế, Khi vị Mục Tử tối cao xuất hiện, anh em sẽ được lãnh triều thiên vinh hiển không bao giờ hư nát. ( 1 Pr 5, 2-4)
“Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa. Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường”.(Hc 3.18-20)
Xin cộng đoàn dân Chúa tha thiết cầu cho các Linh mục thành khẩn gần Chúa và chân thành gần dân Chúa hơn nữa, để hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng xót thương và thánh thiện luôn được phản chiếu ngày càng sống động và rõ nét nơi các Linh mục, hầu cho Danh Chúa ngày càng cả sáng. Amen.
Và xin cầu cho nhau.

Chủ Nhật, 22 tháng 7, 2018

Vị ngọt thiên đường

Hoang dại đời người hoang dại luôn
Trăng sao không thấy rõ thiên đường
Đưa  tay  với  lấy  trời  vô  tận,
Gió lộng  ru hồn  khắp  bốn phương.

Thiên đường không phải ở đâu xa,
Tại  thế  là  nơi  phố  chợ  nhà
Ngay chính tâm hồn mình đã có,
Thiên đường khúc hát mãi ngân nga.

Thiên đường đang ở, ở trong tôi
Chiếu dọi ngày đêm ánh sáng Trời
Ân sủng tình Ngài : Hương dịu ngọt,
Thấm từng miên giọt đọng đầu môi.

JB.Sĩ Trọng.

Thánh Lễ - Cao điểm đời sống đạo































TẠI SAO NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LUÔN KHAO KHÁT ĐI LỄ HÀNG NGÀY ?
​Một bà cụ kia rất thánh thiện, đạo đức nhưng lại bị đau chân không tự đi Lễ được.
Bà nhờ con dâu chở đi Lễ hàng ngày và thường nói với con dâu:
"Con à, cuộc đời không có Chúa thì vất đi hết.
Đẹp rồi cũng ra đất. Xinh rồi cũng thành bùn.
Giàu rồi cũng không đem đi được nổi 1 xu.
Sang rồi cũng chẳng có ích lợi nghĩa lý gì.
Có làm vương làm tướng rồi cũng sẽ về với cát bụi. Có đẳng cấp và hoành tráng mấy đi nữa rồi cũng phải trở về với cõi hư vô. Có sở hữu cả thế giới thì cũng phải tay trắng ra đi.
Chết là hết con ạ.
“Vì nếu người ta sở hữu cả thế gian, mà phải thiệt mất Linh hồn của mình, thì có ích lợi gì?” “Người ta sẽ lấy gì mà đổi lấy Linh hồn mình?” (x Mt 16,26).
Vì sẽ có lúc, con muốn đi mà cũng không đi được đâu. Như Mẹ đây này, giờ muốn tự đi cũng không đi được.
Có con chở đi nên mẹ vẫn còn rất may mắn. Nhiều người bị liệt khao khát đi Lễ mà không bao giờ đi được nữa. Quá muộn rồi.
Rồi con cứ nhìn các ngôi mộ mà xem. Những người nằm trong đó có muốn đi thì cũng không bao giờ đi được nữa. Quá muộn rồi.
Hơn nữa, ta không biết ngày nào, giờ nào Chúa gọi ta về, biết đâu ngày mai thì sao?
Giám mục cũng chết, Linh mục cũng chết, Tổng thống cũng chết, ông thầy cũng chết, bà sơ cũng chết... ai rồi cũng phải chết.
Giờ chết trẻ, chết đột ngột, chết bất ngờ, chết ngỡ ngàng nhiều quá, nhiều vô kể.
Thậm chí 18 đôi mươi đã chết, khỏe cũng lăn đùng ra chết, sáng đang khỏe chiều đã chết, đêm ngủ sáng dậy đã chết, nên ta cần nhanh chóng đi Lễ hàng ngày để Chúa ban ơn và để đền tội.
Nhưng hãy luôn đi Lễ cách thành tâm, cung kính, khiêm nhường và sốt sắng thì mới có hiệu quả.
Con cứ lo các việc của Chúa, Chúa sẽ lo các việc của con.
Mẹ rất cám ơn con, vì nhờ có con mà Mẹ mới được đi Lễ hàng ngày.
Mai sau mẹ có được vào Thiên đàng thì một phần cũng nhờ ở con. Rồi mẹ sẽ phù hộ cho con".
Con còn nhớ lời Chúa Giê-su phán chứ?
“Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ của mình”. (Mt 5, 23-24).
Nếu không thì việc dâng LỄ của con sẽ trở nên hết sức vô nghĩa, và sẽ không thể đẹp lòng Chúa được.
Kính thưa quý bà con cô bác!
​Chính những câu nói tuy đơn giản, nhưng thực tế và sâu sắc đó đã khắc sâu vào tâm trí cô con dâu thảo hiền của bà cụ và cô ấy đã say mến Thánh Lễ từ đó.
Thánh Lễ là trung tâm điểm và cao điểm nhất của đời sống Đạo.
Đi Lễ là để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau.
Đi Lễ là để nghỉ ngơi phần xác và nuôi dưỡng phần hồn.
Đi Lễ là để lắng nghe lời Chúa dạy cho cuộc sống ta bớt nhàm chán và sai lầm, thêm lạc quan và có ý nghĩa.
Đi Lễ là để được rước Mình Máu Thánh Chúa để Chúa làm chủ tâm hồn và cuộc đời.
Đi Lễ là để được Chúa chúc lành và tuôn đổ muôn ơn phúc.
Đi Lễ là để được Chúa ban cho sức mạnh để vượt qua cám dỗ, thử thách và đau khổ.
Đi Lễ là để được Chúa ban cho niềm vui, bình an và hi vọng.
Đi Lễ là để cầu cho ông bà tổ tiên, người thân bạn hữu được rỗi Linh hồn.
Vân vân và vân vân...
Thánh Anselmo nói: Dâng 1 Thánh Lễ sốt sắng khi còn sống, ơn ích hơn cả ngàn Thánh Lễ khi đã qua đời.
NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI BIẾT SAY MÊ THÁNH LỄ.
NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI KHÔNG BỎ LỄ CHÚA NHẬT.
NGƯỜI CÔNG GIÁO KHÔN NGOAN LÀ NGƯỜI LUÔN DỰ LỄ SỐT SẮNG.
ĐI LỄ LÀ ĐI CHO MÌNH. AI ĐI LỄ NGƯỜI ẤY ĐƯỢC ƠN.
Chính Thánh Augustino đã khuyên:
Hãy chăm sóc tốt thể xác nếu bạn muốn sống lâu. Nhưng hãy chăm sóc tốt linh hồn, vì có thể bạn sẽ chết vào ngày mai.
Hãy chăm sóc Linh hồn tốt hơn thể xác, vì thể xác thì sẽ hư nát, còn linh hồn thì mãi bất tử.
Hãy đi Lễ ngay, vì rất có thể ngày mai bạn không còn cơ hội đi Lễ đâu. Cuộc đời ai biết đâu ngày mai?
Nhưng hãy luôn đi Lễ cách khiêm nhường, khao khát, thành tâm và sốt sắng thì mới có hiệu quả.

Chùm thơ 39

HÈN NHÁT

Đạp nhau giữa phố đông người,
Chen nhau chiếm chỗ nói cười linh tinh
Màn đêm buông xuống rập rình
Nỗi  lo,  nỗi  sợ  bóng  mình  chìm  sâu.



THẲNG TÍNH VÔ TƯ

Thật thà, chất phác, thẳng  ro  ro
Chúc tụng, khen lao  chi  lắm  trò
Đụng chạm đến ai đành phải chịu
Tối  về   nằm  ngủ  ngáy  pho  pho.



    CHUYỆN ĐÁNG BUỒN

Chuyện đau lòng nghĩ lại long đầu
Anh  em  mà  thật  khó  nhìn nhau !
Gia  tài   cha  mẹ   ra   tay  chiếm,
Chẳng  nghĩ  đến  gì  hậu  quả  sau !



HÀ TIỆN

Đừng sống mà ăn tiếc của đời,
Vì làm như thế hại thân thôi
Đời nay dư dật nhiều cơm áo,
Lắm kẻ chung quanh dở khóc cười.



THÂN PHẬN

Em đừng sai vặt thêm sặt vai,
Thân phận anh đây đã mệt nhoài
Sống một kiếp người bao tủi nhục
Không tham danh vọng, chẳng nhờ ai.

JB.Sĩ Trọng.



Thư ngỏ gửi Thượng tế Caipha

Kính thưa ngài Thượng Tế!
Tôi kính cẩn chào ngài, vì ngài là vị lãnh đạo cao cấp nhất của Do Thái giáo. Ngài được mọi người Do Thái coi như là vị đại diện của Giavê. Miệng ngài phán ra lời nào, thì mọi tín đồ phải cúi đầu vâng phục...
Nhưng sau khi đọc và nghiền ngẫm kỹ bốn cuốn Tin Mừng, tôi phải rút lại mọi sự kính trọng đối với ngài. Chắc là ngài phải bứt tóc, giật râu, nổi cơn thình nộ và ra vạ tuyệt thông cho tôi. Đành chịu vậy, vì tôi không thể làm khác được.
Đây là bức chân dung của ngài mà tôi đã tìm được trong bốn cuốn Tin Mừng.
1. Vầng trán của ngài vừa cao vừa rộng, chứng tỏ ngài rất thông minh. Quả vậy:
Sau khi cho Ladarô phục sinh từ cõi chết, uy tín của Thầy tôi lên đến tận trời xanh. Quần chúng từ trí thức đến bình dân đều bỏ ngài mà theo Thầy của tôi. Ngài thất thế hoàn toàn. Thế mà ngài đã lật được thế cờ 180 độ. Ngài chỉ cần nói có một câu thôi: "Nếu các người cứ theo ông Giêsu, thì quân đội La Mã sẽ đến phá hủy cả đền thờ lẫn dân tộc... Các người không hiểu gì cả, các người cũng chẳng nghĩ đến điều lợi hại này là: thà để một người chết thay cho dân, còn hơn là để toàn dân bị tiêu diệt".
Không một người Do Thái nào có đủ can đảm để nhìn thấy đền thờ và dân tộc bị hủy diệt. Họ tin và yêu Thầy của tôi lắm, nhưng đành quay mặt đi, không dám theo Thầy tôi nữa. Ngài thắng lớn, thắng tuyệt đối.
Thầy tôi bị lôi ra tòa. Ngài ngồi ghế chánh án. Ngài nắm chắc trong tay án tử hình cho Thầy của tôi. Ngài tố Thầy của tôi về tội cố ý phá đền thờ. Nhưng ngài bị hớ, vì hai chứng nhân khai không đồng nhất. Người thứ nhất khai rằng: "Tên Giêsu này tuyên bố hắn sẽ phá đề thờ và sẽ xây lại trong ba ngày". Người thứ hai khai rằng: "Tên Giêsu này tuyên bố: "Các ông cứ phá đề thờ này đi, tôi sẽ xây lại trong ba ngày"."
Hai chứng nghịch nhau ở chỗ "Tôi phá" và "Các ông cứ phá". Thế là ngài thua. Nhưng ngài lại lật thế cờ. Ngài chất vấn Thầy tôi: "Tôi nhân danh Thiên Chúa để hỏi ông: "Ông có phải là Con Thiên Chúa không?" Thầy tôi trả lời ngay: "Đúng. Tôi là Con Thiên Chúa."
Thầy tôi tuyên bố như thế trước mặt công nghị đông nghịt hội trường. Thế là ngài không cần hai chứng nhân nữa. Ngài tuyên bố ngay: "Phạm thượng! Tử hình!". Ngài lại thắng, thắng quyết định.
Tổng trấn Philatô muốn tha bổng Thầy của tôi, nhưng lại sợ ngài, vì ngài dọa tố cáo ông ta về tội đồng lõa với tên phản bội, tự xưng là Vua Do Thái. Ông ta càng sợ hơn nữa, vì bà vợ khuyến cáo ông ta không được nhúng tay vào vụ giết Thầy tôi là người vô tội.
Ngài khôn lắm. Ngài hứa với Philatô rằng:
"Máu nó đổ lên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi; chúng tôi chịu". Y như vớ được phao bảo hộ, Philatô bèn rửa tay tuyên bố: "Tôi vô tội trong vụ đổ máu người này."
Thế là ông lại thắng. Thắng đậm.
Thầy tôi bị giết oan. Còn ông thì sướng quá. Sướng hơn trúng số độc đắc.
2. Cặp mắt của ngài thì ti hí. Tròng trắng thì trắng dã. Tròng đen thì hấp háy.
Ca dao Việt Nam chúng tôi dạy rằng:
"Những người ti hí mắt lươn;
Trai thì trộm cướp; gái buôn chồng người."
Theo kinh nghiệm của tôi thì, mắt trắng dã là mắt của người tàn ác; mắt hấp háy là mắt của người xảo quyệt và gian tham.
Như vậy ngài là mẫu người vừa gian tham, vừa gian ác. Bốn cuốn Tin Mừng đã minh chứng điều đó.
Thầy Giêsu của tôi rất hiền từ, rất bao dung. Ký giả Matthêu đã ví von rằng: "Cây sậy dập, ngài không nỡ bẻ bỏ; tim đèn bốc khói, ngài không nỡ giập đi." Thế mà hôm ấy Người đánh đuổi bò và chiên của lái buôn, xô đổ bàn ghế của người đổi tiền, đá bay lồng chim câu và tuyên bố gay gắt: "Không được biến nhà Cha Ta, nơi cầu nguyện, thành sào huyệt của bọn trộm cướp." Tại sao vậy?
Thầy của tôi không nhắm thương buôn, mà nhắm các ngài. Các ngài đã thương mại hóa đền thờ của Chúa. Các ngài đã biến Giavê thành phương tiện kinh doanh. Tội ấy là tội bán Trời, dân gian Việt Nam tôi bảo thế. Mà tội bán Trời thì to tày Trời.
Ngài hãnh diện vì đã kêu án tử cho Thầy của tôi theo đúng Luật Môsê. Nhưng thật ra thì ngài đã kêu án tử hình vắng mặt cho Thầy tôi cùng với Ladarô từ mấy ngày trước đó. Tòa án xử Thầy tôi vào đêm thứ năm ấy chỉ là một vở tuồng trơ trẽn, bất chấp luật của Môsê. Thầy tôi bị kết án tử hình trước khi ra tòa. Ôi, một trò đùa của tư pháp ghê tởm! Ôi luật rừng đáng nguyền rủa!
Ngài ngồi ghế chánh án. Ngài chất vấn Thầy tôi về giáo lý và môn đệ. Thầy tôi trả lời đúng luật rằng: "Tôi không giảng lén lút. Tôi giảng công khai trong đền thờ và các hội đường. Xin ngài đừng hỏi tôi. Xin hãy hỏi những thính giả đã nghe tôi giảng". Thầy tôi nói đúng, vì lời của Người khai ra cũng phải có hai người làm chứng theo luật dạy. Vậy mà ngài để cho đệ tử của ngài tát vào mặt Thầy của tôi. Tát bị cáo ngay trước tòa như thế, thì còn gì là luật pháp. Vậy mà ngài làm thinh.
Sau khi bãi tòa, ngài đi ngủ, để cho bọn lâu la của ngài dày vò Thầy của tôi y như mèo cồ vờn chuột lắt. Chúng nó nhổ nước miếng vào mặt Thầy của tôi. Chúng nó bịt mắt Người, rồi vả mặt và còn đùa giỡn: "Hãy doán mò xem ai đã đánh mi đấy". Hỏi rằng trên đời này có ngành tư pháp nào tồi tệ như thế không? Ngài chẳng thèm biết. Mà nếu ngài biết, thì ngài mừng thầm trong bụng. Ôi, lương tâm của một nhà lãnh đạo tinh thần!
Khi ngài dẫn độ Thầy của tôi ra tòa án chánh trị, ngài giấu nhẹm tội "phạm thượng" theo luật đạo. Ngài chụp mũ cho Thầy tôi ba tội chánh trị: phá rối trật tự an ninh công cộng; xúi dân không nộp thuế cho nhà nước; tự xưng vương và âm mưu lật đổ chánh quyền.
Ngài biết trước rồi: nếu tố Thầy tôi về tội tôn giáo, thì tổng trấn Philatô sẽ cho là chuyện nội bộ tôn giáo. Ông sẽ không xét xử và không duyệt "y án", chính vì vậy mà ngài phải dối trá. Tôi không ngờ rằng cái lưỡi thượng tế của ngài lại không có xương và lại có nhiều đường lắt léo đến thế.
Ngài lấy tiền đền thờ để mua chuộc Giuđa phản Thầy. Giuđa bán tội để có tiền. Còn ngài dùng tiền để mua tội. Ngài và Giuđa cùng đểu giả như nhau.
Giuđa hối hận trả 30 đồng tiền dơ bẩn cho ngài. Ngài không bỏ tiền ấy và quỹ đền thờ. Ngài bảo tiền ấy là tiền máu. Ngài trích quỹ đền thờ lấy 30 đồng để mua máu. Bây giờ ngài lại chê nó là tiền máu không nên bỏ vào quỹ đền thờ. Lật lọng đến thế là cùng.
Ngài là thượng tế, là thầy tối cao của Do Thái giáo. Nhưng ngài là người dối trá cao cấp. Thầy Giêsu của tôi đã phục sinh, ngài biết và tin, nhưng ngài cố tình vùi dập chân lý. Ngài đã lấy nhiều tiền từ quỹ đền thờ để bịt miệng bọn lính canh, bắt chúng phải khai là xác của Thầy tôi bị đánh cắp. Ngài cũng đã quyết định dùng một số tiền lớn hơn gấp bội để bịt miệng tổng trấn Philatô. Ôi! hèn ơi là hèn!
Kính thưa ngài Thượng Tế.
Những ân oán ngài đổ lên đầu Thầy của tôi, Người biết trước hết rồi. Đó là con đường khổ giá mà Người đã chọn như một quy luật muôn thuở. Quy luật ấy là "Từ khổ giá đến vinh quang"; "Từ thọ nạn đến phục sinh". Chúa Cha đã an bài như thế. Thầy của tôi chỉ ước mong "ý Cha thể hiện."
Những âm mưu đen tối của ngài, Thầy của tôi cũng đã nắm gọn trong bàn tay. Người không trốn chạy, Người không chống đối. Người như con trừu lặng lẽ đi vào lò sát sinh. Người là alpha. Người là ômêga. Người biết sau lò sát sinh sẽ là gì rồi.
Thấy Thầy tôi lặng lẽ, tôi không không kể tội của ngài nữa. Tôi chỉ xin ngài nhìn lại hình của Thầy của tôi đang quằn quại trên khổ giá. Tôi chỉ xin ngài lắng nghe lời đầu tiên Thầy của tôi thốt ra khi Người sắp tắt thở:
"Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm".

Lm Pio Ngô Phúc Hậu.
Ảnh: Jesus before Caiaphas

Điều lạ

Nghĩ sâu hơn một chút,
Những giây phút tuyệt vời
Bên  ngàn  hoa  cúc  nở,
Có   đóa   hồng   nhẹ   rơi.


Khích lệ

Đừng  mệt  mỏi  khi  ta  đang  còn  sống,
Đang còn yêu, Thiên Chúa đang ở cùng
Sáng thức dậy : Nhìn bình minh, nắng ấm
Ta   dịu   dàng   và   cố   gắng   vươn   lên.

JB.Sĩ Trọng.

Mục đích tìm kiếm Thiên Chúa

Việc tìm kiếm Thiên Chúa không phải là tìm kiếm một cái đích nào đó ở phía trước. Đó là việc tìm kiếm cội nguồn, đó là việc tìm kiếm các không gian từ nơi bạn đã đến. Một ngày nào đó bạn phải quay trở lại với cội nguồn. Khi bạn bước ra khỏi cội nguồn của bạn, bạn đã vô thức. Tôn giáo là một cuộc hành trình trở lại - và tất cả các bạn đều đã đến với một vé khứ hồi. Nhưng thời gian này, sẽ trở lại, bạn sẽ được hoàn toàn nhận thức, cảnh giác, tỉnh thức. Và đây là mục đích của toàn bộ cuộc hành hương: hoàn thành vòng tròn từ vô thức đến ý thức, từ bóng tối đến ánh sáng, từ cõi chết đến cõi vĩnh hằng. Toàn bộ mục đích của chúng ta là đây.
*
The search for God is not the search for some goal ahead. It is the search for the origins, it is the search for the space from where you have come. One day you have to go back to your origins. When you came out of your origins, you were unconscious. Religion is a return journey – and you all have come with a return ticket. But this time, going back, you will be going fully aware, alert, conscious. And this was the purpose of the whole pilgrimage: to complete the circle from the unconscious to consciousness, from darkness to light, from death to eternity. This is the whole purpose of our being here. (Osho)


Bản dịch của Hà Nguyễn.