Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Hội nhập Tin Mừng

Khi thi hành hoạt động Truyền giáo của mình giữa các dân tộc, Giáo Hội tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và thực hiện tiến trình hội nhập văn hóa. Đây là một đòi hỏi đậm nét trong quá trình lịch sử của Giáo Hội, ngày nay đòi hỏi này trở nên cấp bách hơn.Tuy nhiên, ai cũng biết Kinh Thánh Tân ước chỉ rõ : Các Đấng Tiên tri thường bị người nhà mình và quê hương mình ghét bỏ... do đó phải biết hội nhập như thế nào cho phù hợp, đừng tước bỏ nền văn hóa nơi mà ta đặt chân đến. Có người dùng kiểu nói đùa vui : Chúa Giêsu sống độc thân vì khi đi Truyền giáo, Ngài đi hết nàng nọ đến nàng kia mà không nàng nào tiếp nhận Ngài.( Người Bắc nói chữ L ra chữ N ). Vùng đất Palestina xưa kia chắc cũng có những làng mạc, ruộng đồng như Việt nam vậy. Sở dĩ nêu chuyện vui này là để biết được việc hội nhập Tin Mừng không phải dễ dàng, không phải thuận lợi, không phải nơi nào cũng tiếp nhận. Kinh Thánh còn cho thấy Chúa Giêsu đã từng bị dân chúng đuổi ra khỏi hội đường, muốn xô Ngài rớt xuống vực thẳm, nên Ngài lẩn tránh họ và rẽ đi lối khác.


Qúa trình Giáo Hội thâm nhập vào nền văn hóa của các dân tộc đòi hỏi nhiều thời gian, đó không phải là thích ứng bên ngoài, vì hội nhập văn hóa có nghĩa là làm cho Kitô giáo ăn rễ sâu vào trong các nền văn hóa của con người, tẩy não các văn hóa lạc hậu : Như thế, đây là một tiến trình sâu xa và toàn diện, gắn liền với sứ điệp Kitô giáo, cũng như suy tư và nếp sống của Giáo Hội. Nhưng đó cũng là một tiến trình khó khăn, vì không được làm tổn hại đặc tính và sự toàn vẹn đức tin Kitô giáo bất cứ cách nào. Qua việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau, và đồng thời Giáo Hội dẫn đưa các dân tộc cũng như các nền văn hóa riêng của họ vào trong chính cộng đoàn Giáo Hội, Giáo Hội truyền thông cho các nền văn hóa ấy những giá trị của mình bằng cách đón nhận những gì là tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới các nền văn hóa từ bên trong. Về phần mình, qua việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chỉ rõ rệt về bản chất của mình và trở thành khí cụ thích hợp hơn cho sứ vụ của mình.



Các nhà Truyền giáo xuất thân từ những Giáo Hội và những xứ sở khác phải thâm nhập vào trong thế giới văn hóa, xã hội của những người mà mình được sai đến, bằng cách vượt qua những quy cách nơi môi trường gốc của mình. Vì vậy, họ phải học ngôn ngữ nơi họ tới làm việc, phải am hiểu phong tục tập quán của địa phương : bằng cách nhờ kinh nghiệm trực tiếp mà khám phá ra các giá trị ở đó. Chỉ với những am hiểu như thế, họ mới có thể trao cho các dân tộc ấy mầu nhiệm dấu ẩn một cách khả tín và có kết quả. Đối với họ, chắc chắn không phải là từ khước căn tính văn hóa của mình, nhưng là hiểu biết đề cao, cổ võ và Phúc âm hóa văn hóa của môi trường họ đang làm việc, và như vậy họ có thể tiếp xúc với môi trường đó bằng cách chấp nhận một kiểu sống trở thành dấu chỉ cho chứng tá Tin Mừng và cho tình liên đới với mọi người.



Qủa thật, Giáo Hội tiến bước theo con đường nhập thể, nhập thế của Đức Kitô để đem ánh sáng Tin Mừng đến với muôn dân. Chúa Kitô, Con Thiên Chúa cao sang, quyền phép, vậy mà Ngài đã hội nhập trong xã hội loài người, hòa mình vào phong tục, tập quán, tiếng nói của quê hương Do thái, cùng chia sẻ kiếp sống để loan báo Tin Mừng, làm biến đổi tận căn theo ánh sáng Tin Mừng, biến đổi trần gian nên thực tại Nước Trời, đây chính là sứ mệnh mà Ngài đã thi hành và mời gọi chúng ta.



Lạy Chúa Giêsu ! Nhờ Mẹ Maria đem Chúa  đến Việt nam, nhờ công cuộc truyền giáo của các Thừa Sai mà Giáo Hội đã hiện diện trong lòng dân tộc Việt nam của chúng con, mặc dầu cũng đã trải qua biết bao sóng gió thử thách. Tin Mừng của Chúa cũng đã hội nhập vào nền văn hóa của dân tộc Việt nam, do mệnh lệnh phổ quát của Chúa Giêsu : ''Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng khắp muôn dân'', mà sứ vụ đi đến với muôn dân thì không có giới hạn.

Là thành phần của Giáo Hội, trong tâm tình cảm tạ Chúa vì hồng ân được nhận biết Tin Mừng, được cứu độ nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng con cũng mong được mời gọi thực thi sứ mệnh Truyền giáo của Giáo Hội, làm sao để Tin Mừng thấm nhập ngày càng sâu đậm vào thơ ca, vào âm nhạc, vào nền văn hóa của dân tộc, để nhờ qua đó, dần dần được biến đổi cách thâm sâu bằng ánh sáng Tin Mừng mà chúng con gieo vãi ngõ hầu đáp lại phần nào sứ mệnh Giáo Hội đang lãnh nhận từ lệnh truyền của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho mọi hoạt động nhỏ bé của chúng con.

JB.SĨ TRỌNG.



Thứ Ba, 19 tháng 9, 2017

Bài ca Hy vọng

Mến tặng Pasi Kukkanen











Phong trần chưa thỏa một đời trai,
Anh  đã  đi  qua  tháng  năm  dài
Sức sống kiên trì, lòng nhẫn nại
Im  lìm   trong   ký  ức   miệt  mài.
Không thể  sánh gì  bằng  tuổi tác,
Uống ăn mầu nhiệm Đấng Thiên sai
Khe  khẽ  từng  lời  Ngài  dạy  bảo,
Khơi nguồn Hy vọng của tương lai
An  bình  cư  ngụ  hồn  sâu  thẳm,
Nghe được âm thanh Chúa gọi nài
E  ấp,  ngại  ngùng,  thầm  mơ  ước
Ngày mai,  xin được một  Ngày mai...

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

Về quê






Phượng hồng đã hết mùa hoa,
Anh về nhìn lại cảnh nhà năm xưa
Sương đêm thắm ướt mái chùa,
Lũy tre xanh mướt  gió đưa nhịp nhàng
Không gian tĩnh lặng mơ màng,
Ánh trăng chiếu sáng đình làng giữa thôn
Xe  băng  qua  mấy  ngõ  mòn,
Vườn  cây  đan  kín,  chập  chờn  lối  đi
Bước chân không ngại đường về
Nhưng lòng cứ mãi thương quê mình nghèo.

JB.Sĩ Trọng.



Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

Tôn giáo tốt nhất

Tôn giáo tốt nhất (Đối thoại giữa Đạt lai lạt ma và Leonardo Boff) - The best religion (A dialog between Dalai Lama and Leonardo Boff)
Trong một cuộc thảo luận bàn tròn về tôn giáo và tự do mà Đạt lai lạt ma và bản thân tôi đã được tham gia, vào giờ giải lao, tôi hỏi ông với vẻ vừa ác ý vừa quan tâm: “Thưa Lạt ma, tôn giáo tốt nhất là gì?”.
Tôi nghĩ ông ấy sẽ nói: “Phật giáo Tây Tạng” hay “Các tôn giáo phương Đông, vốn lâu đời hơn so với Kitô giáo”.
Đạt lai lạt ma dừng lại, mỉm cười và nhìn thẳng vào mắt tôi… khiến tôi ngạc nhiên vì tôi biết cái ác ý ẩn chứa trong câu hỏi của mình.
Ông trả lời: “Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa bạn lại gần Thượng đế nhất. Đó là một tôn giáo khiến cho bạn trở thành một người tốt hơn”.
Để thoát ra khỏi sự bối rối của mình trước một câu trả lời khôn ngoan như thế, tôi hỏi: “Điều gì khiến tôi trở nên tốt hơn?”.
Ông trả lời:
“Bất cứ điều gì làm cho bạn từ bi hơn,
biết lẽ phải hơn,
vô tư hơn,
yêu thương hơn,
nhân đạo hơn,
trách nhiệm hơn,
đạo đức hơn."
“Tôn giáo nào mang lại cho bạn những điều đó là tôn giáo tốt nhất”.
Tôi im lặng một lúc, ngạc nhiên và thậm chí hôm nay vẫn còn ngạc nhiên khi nghĩ đến lời đáp khôn ngoan và không thể chối cãi của ông:
“Này bạn, tôi không quan tâm về tôn giáo của bạn hay bạn có theo tôn giáo nào hay không.
“Điều thực sự quan trọng với tôi là hành vi của bạn trước mặt bạn bè, gia đình, công việc, cộng đồng, và trước thế giới.
“Hãy nhớ rằng, vũ trụ là tiếng vọng của hành động và suy nghĩ của chúng ta”.
“Quy luật về hành vi và phản ứng không chỉ áp dụng riêng cho vật lý. Nó cũng đúng với các mối quan hệ của con người. Nếu tôi hành động với từ tâm, tôi sẽ nhận được sự lành. Nếu tôi hành động với ác tâm, tôi sẽ nhận được sự dữ”.
“Những gì ông bà chúng ta dạy chúng ta sự thật thuần khiết. Bạn sẽ luôn luôn có những gì mà bạn mong muốn những người khác có được”.
“Hạnh phúc không phải là một vấn đề của số phận. Đó là vấn đề lựa chọn”.
Cuối cùng ông nói:
“Hãy thận trọng với suy nghĩ của bạn bởi suy nghĩ sẽ trở thành lời nói.
Hãy thận trọng với lời nói của bạn bởi lời nói sẽ trở thành hành động.
Hãy thận trọng với hành vi của bạn bởi hành vi sẽ trở thành thói quen.
Hãy thận trọng với thói quen của bạn bởi thói quen sẽ tạo thành tính cách.
Hãy thận trọng với tính cách của bạn vì nó sẽ tạo thành vận mệnh.
và vận mệnh của bạn sẽ chính là cuộc sống của bạn
... Và ...
Không có tôn giáo cao hơn Chân lý”.
*
In a round table discussion about religion and freedom in which Dalai Lama and myself were participating at recess, I maliciously and also with interest, asked him: “Your holiness, what is the best religion?”
I thought he would say: “The Tibetan Buddhism” or “The oriental religions, much older than Christianity.”
The Dalai Lama paused, smiled and looked me in the eyes …. which surprised me because I knew of the malice contained in my question.
He answered: “The best religion is the one that gets you closest to God. It is the one that makes you a better person.”
To get out of my embarrassment with such a wise answer, I asked: “What is it that makes me better?”
He responded:
“Whatever makes you
more compassionate,
more sensible,
more detached,
more loving,
more humanitarian,
more responsible,
more ethical.”
“The religion that will do that for you is the best religion”
I was silent for a moment, marveling and even today thinking of his wise and irrefutable response:
“I am not interested, my friend, about your religion or if you are religious or not.
“What really is important to me is your behavior in front of your peers, family, work, community, and in front of the world.
“Remember, the universe is the echo of our actions and our thoughts.”
“The law of action and reaction is not exclusively for physics. It is also of human relations. If I act with goodness, I will receive goodness. If I act with evil, I will get evil.”
“What our grandparents told us is the pure truth. You will always have what you desire for others.
Being happy is not a matter of destiny. It is a matter of options.”
Finally he said:
“Take care of your Thoughts because they become Words.
Take care of your Words because they will become Actions.
Take care of your Actions because they will become Habits.
Take care of your Habits because they will form your Character.
Take care of your Character because it will form your Destiny,
and your Destiny will be your Life
… and …
“There is no religion higher than the Truth.”

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2017

Tím Huế

Có một  mùa thu  trôi  rất nhanh,
Mùa thu trong ánh mắt long lanh
Mưa đan từng sợi xuyên mành trúc
Lá  rụng  êm  đềm  trên  cỏ  xanh.

Màu tím  sông Hương  tựa  áo dài,
Lướt qua Đại Nội nắng chiều phai
Hoàng hôn cùng tím màu nhung nhớ
Tím  cả  đỉnh  trời  núi  Thiên  Thai.

Ngự Bình  đang  hóng  gió  thu  qua,
Bến Ngự nghiêng nghiêng nón ai, và
Ngược dốc Nam Giao, trao chân mỏi
Nữ sinh  Đồng Khánh  đứng  nhìn  xa.

Tôi  muốn  về  thăm  Huế  một  lần,
Gặp  nhiều  bè  bạn  với  tình  thân
Ngắm người con gái vương mắt tím
Gởi Huế yêu thương bụi phong trần.

Túy Vân mây trắng quyện đài sim,
Bạch Mã lầu cao vọng tiếng chim
Thiếu bóng du khách tìm cảnh đẹp,
Rêu   phong   bờ  đá  ngủ  im  lìm(1).

Thiên An  mây tím phủ quanh đồi,
Tượng  Chúa  côn đồ  đập  tả tơi
Nức  nở   thông  reo  lời  bi  thiết,
Thủy  Tiên  hồ  lệ  chứa  đầy vơi(2).

Tím Huế, ngày xưa tím mộng mơ
Tím  chiều  vẻ  đẹp  Huế  nên  thơ
Ngọ Môn, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo
Ôm   ấp   linh   hồn   một   Cố   Đô.

Tím Huế giờ đây tím mênh mông,
Tím  tà  áo  tím, tím  dòng  sông
Thuận An bãi trống buồn cô quạnh
Vỹ Dạ đò ngang đứng chạnh lòng(3).

Tím Huế giờ đây tím ngậm ngùi,
Tiếc vì mất hết chuổi ngày vui
Văn Lâu lặng lẽ vào đêm vắng,
Để Huế khóc thầm dưới trăng côi.


Tôi thả  hồn trôi  theo  áng mây,
Khung trời xứ Huế tím chiều nay
Với bao kỉ niệm còn vương vấn,
Tím  Huế   làm  tôi   khó   tỏ  bày ...

(1)v(3) Thời điểm Formosa xả thải làm biển miền Trung ô nhiễm nặng nên vắng khách du lịch.
(2) Đất Tu viện Thiên An bị chiếm dụng gây những xung đột đáng tiếc. Phía sau Tu viện có hồ nước rất đẹp tên gọi là Hồ Thủy Tiên.

JB.Sĩ Trọng.