Thứ Tư, 27 tháng 9, 2017

Hội nhập Tin Mừng

Khi thi hành hoạt động Truyền giáo của mình giữa các dân tộc, Giáo Hội tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau và thực hiện tiến trình hội nhập văn hóa. Đây là một đòi hỏi đậm nét trong quá trình lịch sử của Giáo Hội, ngày nay đòi hỏi này trở nên cấp bách hơn.Tuy nhiên, ai cũng biết Kinh Thánh Tân ước chỉ rõ : Các Đấng Tiên tri thường bị người nhà mình và quê hương mình ghét bỏ... do đó phải biết hội nhập như thế nào cho phù hợp, đừng tước bỏ nền văn hóa nơi mà ta đặt chân đến. Có người dùng kiểu nói đùa vui : Chúa Giêsu sống độc thân vì khi đi Truyền giáo, Ngài đi hết nàng nọ đến nàng kia mà không nàng nào tiếp nhận Ngài.( Người Bắc nói chữ L ra chữ N ). Vùng đất Palestina xưa kia chắc cũng có những làng mạc, ruộng đồng như Việt nam vậy. Sở dĩ nêu chuyện vui này là để biết được việc hội nhập Tin Mừng không phải dễ dàng, không phải thuận lợi, không phải nơi nào cũng tiếp nhận. Kinh Thánh còn cho thấy Chúa Giêsu đã từng bị dân chúng đuổi ra khỏi hội đường, muốn xô Ngài rớt xuống vực thẳm, nên Ngài lẩn tránh họ và rẽ đi lối khác.


Qúa trình Giáo Hội thâm nhập vào nền văn hóa của các dân tộc đòi hỏi nhiều thời gian, đó không phải là thích ứng bên ngoài, vì hội nhập văn hóa có nghĩa là làm cho Kitô giáo ăn rễ sâu vào trong các nền văn hóa của con người, tẩy não các văn hóa lạc hậu : Như thế, đây là một tiến trình sâu xa và toàn diện, gắn liền với sứ điệp Kitô giáo, cũng như suy tư và nếp sống của Giáo Hội. Nhưng đó cũng là một tiến trình khó khăn, vì không được làm tổn hại đặc tính và sự toàn vẹn đức tin Kitô giáo bất cứ cách nào. Qua việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội làm cho Tin Mừng nhập thể vào các nền văn hóa khác nhau, và đồng thời Giáo Hội dẫn đưa các dân tộc cũng như các nền văn hóa riêng của họ vào trong chính cộng đoàn Giáo Hội, Giáo Hội truyền thông cho các nền văn hóa ấy những giá trị của mình bằng cách đón nhận những gì là tốt đẹp trong các nền văn hóa đó và đổi mới các nền văn hóa từ bên trong. Về phần mình, qua việc hội nhập văn hóa, Giáo Hội trở thành dấu chỉ rõ rệt về bản chất của mình và trở thành khí cụ thích hợp hơn cho sứ vụ của mình.



Các nhà Truyền giáo xuất thân từ những Giáo Hội và những xứ sở khác phải thâm nhập vào trong thế giới văn hóa, xã hội của những người mà mình được sai đến, bằng cách vượt qua những quy cách nơi môi trường gốc của mình. Vì vậy, họ phải học ngôn ngữ nơi họ tới làm việc, phải am hiểu phong tục tập quán của địa phương : bằng cách nhờ kinh nghiệm trực tiếp mà khám phá ra các giá trị ở đó. Chỉ với những am hiểu như thế, họ mới có thể trao cho các dân tộc ấy mầu nhiệm dấu ẩn một cách khả tín và có kết quả. Đối với họ, chắc chắn không phải là từ khước căn tính văn hóa của mình, nhưng là hiểu biết đề cao, cổ võ và Phúc âm hóa văn hóa của môi trường họ đang làm việc, và như vậy họ có thể tiếp xúc với môi trường đó bằng cách chấp nhận một kiểu sống trở thành dấu chỉ cho chứng tá Tin Mừng và cho tình liên đới với mọi người.



Qủa thật, Giáo Hội tiến bước theo con đường nhập thể, nhập thế của Đức Kitô để đem ánh sáng Tin Mừng đến với muôn dân. Chúa Kitô, Con Thiên Chúa cao sang, quyền phép, vậy mà Ngài đã hội nhập trong xã hội loài người, hòa mình vào phong tục, tập quán, tiếng nói của quê hương Do thái, cùng chia sẻ kiếp sống để loan báo Tin Mừng, làm biến đổi tận căn theo ánh sáng Tin Mừng, biến đổi trần gian nên thực tại Nước Trời, đây chính là sứ mệnh mà Ngài đã thi hành và mời gọi chúng ta.



Lạy Chúa Giêsu ! Nhờ Mẹ Maria đem Chúa  đến Việt nam, nhờ công cuộc truyền giáo của các Thừa Sai mà Giáo Hội đã hiện diện trong lòng dân tộc Việt nam của chúng con, mặc dầu cũng đã trải qua biết bao sóng gió thử thách. Tin Mừng của Chúa cũng đã hội nhập vào nền văn hóa của dân tộc Việt nam, do mệnh lệnh phổ quát của Chúa Giêsu : ''Anh em hãy đi loan báo Tin Mừng khắp muôn dân'', mà sứ vụ đi đến với muôn dân thì không có giới hạn.

Là thành phần của Giáo Hội, trong tâm tình cảm tạ Chúa vì hồng ân được nhận biết Tin Mừng, được cứu độ nhờ ân sủng của Đức Kitô, chúng con cũng mong được mời gọi thực thi sứ mệnh Truyền giáo của Giáo Hội, làm sao để Tin Mừng thấm nhập ngày càng sâu đậm vào thơ ca, vào âm nhạc, vào nền văn hóa của dân tộc, để nhờ qua đó, dần dần được biến đổi cách thâm sâu bằng ánh sáng Tin Mừng mà chúng con gieo vãi ngõ hầu đáp lại phần nào sứ mệnh Giáo Hội đang lãnh nhận từ lệnh truyền của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho mọi hoạt động nhỏ bé của chúng con.

JB.SĨ TRỌNG.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét