Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

Tác giả những câu thơ tưởng là ca dao



    Dân gian truyền miệng có mấy câu nói về ba ông Tú :            
            "Tú Xương, Tú Mỡ, Tú Be
            Trong ba ông ấy nên nghe ông nào ?
            Nhân dân bàn tán xôn xao :
            Trong ba ông ấy, ông nào cũng nghe."
Ông nào cũng nghe vì ông nào nói cũng đúng, ông nào nói cũng có lý cả. Cả ba ông đều là những nhà thơ trào phúng, dùng ngòi bút của mình để châm biếm xã hội. Thời nào cũng vậy, xã hội luôn có cái để trào lộng, để châm biếm. Tú Xương sinh năm 1870, người làng Vị Xuyên, tỉnh Nam Định. Xuất thân nhà nghèo, con đông, nghề dạy học lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn. Thơ ông nổi tiếng, nhưng giản dị, bình dân và linh hoạt. Nhiều sáng tác trình bày tâm sự đau đớn, xót xa, ngạo đời, ngỗ nghịch. Thế nhưng, trong bài "Sông Lấp", ta không ngờ Tú Xương lại có cách viết thật dễ thương, mới đọc tưởng chừng như đó là những câu ca dao :
            "Sông kia rày đã nên đồng,
            Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
            Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
            Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò."
Đây cũng là một lời tiên đoán trước về thời cuộc, về sự thay đổi "tang điền biến vi thương hải" của cuộc đời dâu bể mà sự thật ngày nay ai cũng dễ trông thấy. Không nhất thiết phải là lục bát, với cách viết hiện đại hơn cũng có thể nói được : Lối mòn xưa bây giờ phố xá / Người đầu rừng cuối rú tìm nhau. Nơi tôi ở trước đây là nương rẫy, bây giờ nhiều nhà cửa, tiệm tạp hóa, quán cà-phê và quán nhậu mọc lên. Đất đai trở thành tài sản quý báu, trái đất không nở ra mà con người sanh ra ngày càng đông, khắp nơi nhà máy và khu công nghiệp cũng mọc lên, bất động sản ngày mỗi tăng giá.
Lời bài thơ không chỉ đơn giản, dễ nhớ, mà còn chứng tỏ rằng : đằng sau những câu thơ trào phúng, thích mỉa mai diễu cợt xã hội, Trần Tế Xương còn nói lên tâm trạng tiếc nuối quá khứ đã xa và bất lực trước thời cuộc.

    Lục bát vẫn quen thuộc nhất, hai câu thơ quí hơn vàng ngọc, khá thân thiện, hầu như ai cũng biết, ta thường nghe trong lời mẹ hát ru con giữa buổi trưa hè tưởng chừng như ca dao :
            "Hỡi cô tát nước bên đàng,
            Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi."
Thưa, không phải là ca dao. Hai câu này nằm trong bài thơ "Tiếng hát trong trăng" của nhà thơ Bàng Bá Lân viết năm 1934. Đúng là xưa, tác giả sinh năm 1912. Xưa, mà lại quá hay, quá đẹp nên ai cũng tưởng là ca dao. Xin đăng lại nguyên bài trong tập "Tiếng thông reo" xuất bản năm 1934 :
            "Trời cao mây bạc trăng tròn
            Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non
            Diều ai gọi gió véo von,
            Cành xoan đùa ánh trăng xoan dịu dàng
            Hỡi cô tát nước bên đàng,
            Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi ?"

Tương tự như trường hợp "Tiếng hát trong trăng" của Bàng Bá Lân, ta sẽ gặp bốn câu thơ sau đây là của Á Nam - Trần Tuấn Khải trong bài "Nhớ quê nhà", rất nhiều người lầm nó là ca dao :
            "Anh đi anh nhớ quê nhà,        
            Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
            Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
            Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao."

    Tôi có người bạn đồng nghiệp gốc Bình Định, dạy bộ môn Hóa-Sinh, trong bài viết này tôi muốn trích dẫn những câu sau để tặng :
            "Ai về Bình Định mà coi,
            Đàn bà xứ nẫu cầm roi dạy chồng
            Múa cây nhị khúc bên dòng
            Sông Côn đất võ tiếng đồn còn vang"
Cũng như những trường hợp trên, mới nghe tưởng chừng ca dao, nhưng thật ra đó là khổ thơ thứ 10 của bài thơ "Tên gọi những dòng sông" của nhà thơ Phan Hòa ( cùng tên với người bạn đồng nghiệp của tôi ).

    Văn hóa Tàu lại ảnh hưởng sâu đậm vào nền văn hóa Việt Nam vì dân tộc VN hơn 4000 năm văn hiến, thì hơn một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ. 
    Bốn câu sau đây ai cũng thuộc nằm lòng, ngay thời tiểu học đã học qua sách giáo khoa nên ai cũng tưởng là ca dao :
            "Cày bừa đang buổi ban trưa,
            Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
            Ai ơi bưng bát cơm đầy,
            Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần."
Thật ra, bốn câu thơ trên nằm trong bài thơ "Mẫn nông" của Lý Thân, một nhà thơ Trung Quốc, chẳng qua thời đó hoàn cảnh sống của người dân nước họ cũng giống dân mình :
            "Sừ hòa nhật đương ngọ
            Hãn trích hòa hạ thổ
            Thùy tri bàn trung xan
            Lạp lạp giai tân khổ."
Ngày xưa, lúc còn thơ bé, được ông bà dạy rằng "Hạt gạo là hạt ngọc của trời". Thắc mắc vì sao ? Ông bà trả lời cho biết vì vất vả lắm mới làm ra được hạt gạo. Ăn một chén cơm là bao nhiêu mồ hôi nước mắt, bằng sự cực nhọc của người nông phu suốt ngày trên ruộng lúa. Đúng là "dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần".

    Thời canh nông chưa phát triển, người nông dân VN lao động rất khổ sở với những công cụ thô sơ, đời sống nhọc nhằn phản ánh qua ca dao :
            "Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
            Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa".
Cả chồng và vợ đều phải ra đồng, làm lụng chân lấm tay bùn như thế mới có được miếng cơm manh áo, rồi nuôi con ăn học. Ca dao diễn tả đúng hiện thực, hai câu thơ ấy lại có mặt trong bài  "Về làng" của nhà thơ Nguyễn Duy. Nó nằm trong khổ thơ thứ ba, nhà thơ đã đổi chữ "trên", "dưới" thành chữ "vẫn"; vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh :
            "Chiến tranh như trận cháy làng,
            Bà con ta trắng khăn tang trên đầu
            Vẫn đồng cạn, vẫn đồng sâu
            Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa
            Đường làng cây cỏ lưa thưa, 
            Thanh bình từ ấy sao chưa có gì ?"

    Hồi còn nhỏ, quê nhà buổi trưa thanh vắng, tôi từng nghe tiếng hát ru em của mẹ tôi với những câu sau đây :
            "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
            Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
            Xanh kia thăm thẳm từng trên,
            Vì ai gây dựng cho nên nỗi này ?"
Mẹ tôi thuộc lòng, Mẹ tôi không biết là của ai. Lớn lên đi học, vào học cấp hai, rồi PTTH, tôi mới biết đó là những câu mở đầu trong tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của Đặng Trần Côn. "Chinh phụ ngâm" hay còn gọi là "Chinh phụ ngâm khúc" là một kiệc tác của văn học VN được viết bằng chữ Hán, ra đời vào khoảng năm bốn mươi của thế kỷ 18, giữa lúc chữ Nôm đang phát triển cực thịnh. TS Phan Huy Ích - Một quan đại thần thời ấy có công dịch thuật và chuyển thành thơ song thất lục bát, một thể thơ rất gần gũi và dễ đọc với người dân Việt. "Chinh phụ ngâm" là khúc ngâm của người vợ có chồng đi chinh chiến, kể về nỗi khổ, nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhung khi hai người phải sống xa cách. Một tác phẩm, một khúc ngâm đầy tính ướt lệ mà theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Xuân Hãn, "từ thành thị đến nông thôn, không mấy ai mà không biết một vài câu".

    Ở miền Nam thì không ai mà không biết bài hát "Còn thương rau đắng mọc sau hè". Rau đắng là loại rau thường ăn kèm với bún chả cá hoặc bánh canh cá lóc. Ở Long Khánh, hai món ăn này có bán tại đường Thích Quảng Đức và đường Trần Phú. "Còn thương rau đắng mọc sau hè", nghe mấy câu sau ai cũng tưởng là ca dao, vì nó mang âm hưởng dạt dào của dân ca Nam bộ :
            "Trời mưa nước ngập ruộng sâu,
            Cá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
            Mưa là mưa lũ mưa dầm,
            Hẹn mùa, rau đắng mọc quanh thềm nhà".
Bài hát "Còn thương rau đắng mọc sau hè" được Nhạc sĩ Bắc Sơn sáng tác, dựa trên cảm hứng từ một bài thơ rất dài có trích đoạn ở trên của Thi sĩ Nguyệt Lãng viết vào năm 1972. Nhạc sĩ Bắc Sơn sinh ngày 25.12.1931 tại Long Thành, Đồng Nai. Ông vừa mới qua đời ở Thủ Đức.

    Có lần tôi đến một xóm đạo vùng quê, nghe tiếng hát của một bà cố ru cháu :
            "Kiếp phù sinh, tháng ngày vắn vỏi
            Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng
            Một cơn gió thoảng là xong,
            Chốn xưa mình ở cũng không biết mình."
Tai nghe, cùng với giọng hát, cứ tưởng là ca dao. Thật ra, xuất xứ những câu trên nằm trong Thánh vịnh 103, câu 15-16. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi tìm thấy từ nguồn Kinh Thánh. Tương truyền, Thánh vịnh do vua David viết nên, nhờ cảm hứng bởi Chúa Thánh Thần. Hội Thánh Công giáo đã dùng các Thánh vịnh làm lời cầu nguyện, hát khen trong Phụng vụ bởi vì những lời ấy diễn tả thái độ mà mọi người cần có trước mặt Thiên Chúa.
Trong Kinh Thánh, do cảm thụ Tin Mừng, người làm thơ có những câu thơ được viết theo thể thơ lục bát nên cũng từa tựa như ca dao :

B1.    MUỐI
( Mt 5,18 )

Anh em là muối cho đời,
Nếu muối mất mặn thì thôi còn gì
Trở thành vô dụng, quăng đi
Người ta chà đạp, tiếc chi cũng đành !


B2.   MEN
( Mt 13,33 )

Nước Trời như chuyện nắm men,
Một người phụ nữ muốn đem về dùng
Trộn vào ba đấu bột chung,
Đến   khi   bột   ấy   dậy   bùng  cả  lên.


B3.    ĐÈN
( Mt 5,15-16 v Lc 11,33 )

Nước Trời như một ngọn đèn,
Đặt ngay trên đế, chớ đem xuống thùng
Mọi người ánh sáng soi chung,
Ai   ai   cũng   thấy   và   cùng   sẻ   chia.


B4.   VIÊN NGỌC QUÝ
( Mt 5,13 )

Nước Trời giống chuyện thương gia,
Tìm viên ngọc quý, thấy và ra đi
Quyết lòng bán cả gia chi,
Mua  viên ngọc  ấy  đem về giữ riêng.


B5.   LƯỚI CÁ
( Mt 13,47-48 )

Nước Trời như chiếc lưới kia,
Thả tung xuống biển gom về cá tươi
Lưới bắt đủ loại cá rồi,
Người ta ngồi nhặt, lựa coi thế nào
Cá tốt bỏ giỏ, bỏ bao
Cá không sử dụng đổ nhào, ném đi.


B6.   HẠT CẢI
( Mt 13,31-32 v Mc 4,30-32 v Lc 13,18-19 )

Nước Trời giống hạt cải kia,
Khi gieo xuống đất, ô kìa mọc nhanh :
Hạt tuy nhỏ bé, mỏng manh,
Nhưng thành cây lớn lá cành xum xuê
Chim trời thích thú rủ rê,
Đậu  vào  làm  tổ, bay  về  nghỉ  ngơi.


B7.   MẮT
( Mt 6,22-23 )

Mắt là đèn sáng của thân,
Nếu mắt ta sáng, toàn thân sáng ngời
Nếu mắt ta xấu, thôi rồi !
Toàn  thân  tăm  tối  rối  bời  tâm  can.


B8.   LUẬT NHÂN QUẢ
( Mt 7,16-20 )

Vả nào có trái trên găng ?
Cây nào trái xấu chặt quăng lửa lò
Bụi gai không thể hái nho,
Nhìn xem hoa quả nhận ra con người.

    Nói gì thì nói, ta cũng không thể nào quên được người Nhạc sĩ tài hoa gạo cội, có trái tim yêu quê hương tha thiết với nhiều ca khúc có nhiều vần thơ lục bát, chiếm lĩnh lòng người qua những năm tháng sống ở VN cũng như hải ngoại. Người Nhạc sĩ ấy là Phạm Duy. Ông sáng tác Tình ca từ năm 1952, "Tình ca" là tình yêu của một người VN đối với quê hương đất nước mình. Yêu nước chính là yêu tiếng Việt, tiếng cha sanh mẹ đẻ của mình, yêu tiếng ru của mẹ của bà, tiếng hò ngoài đồng, tiếng hát và cả tiếng khóc tiếng cười theo mệnh nước nổi trôi. Cũng chính vì thế mà "Tình ca" Phạm Duy có nhiều câu từa tựa như ca dao. "Tình ca" của Phạm Duy, trong ba lời nhạc đều có ba khổ thơ lục bát ở phần kết :
            "Một yêu câu hát truyện Kiều,
            Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta
            Và yêu cô gái bên nhà,
            Miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên"

            "Người yêu thế giới mịt mùng
            Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam
            Làm sao chắp cánh chim ngàn,
            Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau".

            "Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
            Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
            Ruộng xanh tươi tốt quê nhà,
            Lòng tôi đã nở như là cánh hoa".

Wao ! Không những giản dị mà còn chất phát, chân thành. Tôi tin rằng những câu trên, người VN chắc có nhiều người thuộc. Ngôn ngữ thì cụ thể, giai điệu thì dạt dào. Phạm Duy đi vào hồn đất nước như một huyền thoại ca dao, chẳng khác nào nhạc sĩ An Thuyên từng gọi "ca dao em và tôi" - một tình yêu sâu thẳm, đậm đà.

     Kinh Thánh nói rằng có những cái không truyền thống nhưng lại trở nên rất truyền thống, cụ thể như :
            "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,
            Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai ?"
Hai câu trên cũng thường nghe trong lời mẹ hát ru con nên cứ tưởng là ca dao, xin thưa có liên quan tới câu thứ 3210 trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Người dân VN từ trẻ đến già, hầu như ai cũng biết đến Truyện Kiều của Nguyễn Du. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những kiệt tác truyện thơ của nền văn học VN. Tiếng Việt và thể thơ lục bát đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của nghệ thuật thi ca. Ai trong chúng ta cũng từng được lớn lên từ câu Kiều qua lời ru của bà, của mẹ. Truyện Kiều dường như đã in sâu vào tiềm thức con người Việt, từ những câu đầu của tác phẩm :
            "Trăm năm trong cõi người ta,
            Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
            Trải qua một cuộc bể dâu,
            Những điều trông thấy mà đau đớn lòng."
Đúng là mang cả một triết lý thẳm sâu, gần gũi với con người, qua mọi thời đại đều dễ cảm thông chia sẻ. Với lời thơ lục bát nghe như một khúc ca dao, mà Phạm Duy đã đề cập: "Một yêu câu hát truyện Kiều". Đến đây ta thấy tâm hồn lớn và tư tưởng lớn lại gặp nhau, Nguyễn Du viết "Trăm năm trong cõi người ta" hoặc "Trải qua một cuộc bể dâu" thì Sa Giang Trần Tuấn Kiệt viết "Trăm năm là mấy trời giông bão", Kim Ân viết "Trải qua bao cuộc khóc cười", còn Bùi Giáng thì lại viết "Trăm năm trong cõi sinh tồn", Phạm Nghiên viết "Trăm năm vạn giấc mơ qua", Nguyễn Anh Sơn viết "Trăm năm một cõi đi về" và "Trăm năm xin gởi kiếp này..." Cũng là "Trăm năm", hay "Trải qua", nhưng mỗi người có mỗi cái khác, suy tư cho đến ngàn đời...

    Tôi muốn trích dẫn lời phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn VN, trong một Ngày Hội thơ VN :
"Hãy để thi ca ngự trị mãi trong đời sống tinh thần của con người VN, trên mảnh đất thiêng liêng của dân tộc mình. Hãy để thi ca mang khát vọng về cái đẹp và tự do đến với mọi số phận ở mọi miền đất nước, mọi xứ sở của yêu thương, kỳ vĩ, bất khuất và đầy kiêu hãnh này. Xin các nhà thơ cũng hãy cất lên bản hòa âm đất nước ! Xin tất cả những người yêu thơ ca hãy bước lên để đón nhận, để hưởng thụ, bằng vòng tay, bằng trái tim, bằng tâm trí mình, đón nhận những vẻ đẹp của dân tộc. Và một trong những vẻ đẹp đó là thi ca VN."

    Tác giả những câu thơ tưởng là ca dao thì nhiều nhiều lắm, không thể nào biết hết. Đi suốt dọc dài lịch sử, trong dân gian có những câu ca dao trên cả tuyệt vời, truyền tụng từ đời này sang đời khác :
            "Cô kia cắt cỏ bên sông,
            Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây
            Sang đây anh nắm cổ tay,
            Anh hỏi câu này : Có lấy anh không ?"

            "Nước đầu cầu khúc sâu khúc cạn,
            Chèo qua Nhập Cảng đến Vạn Kim Long
            Sương sa gió mát lạnh lùng,
            Thuyền đi ngược sóng chạnh lòng đôi ta."

            "Sáng trăng trải chiếu hai hàng,
            Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ
            Quay tơ thì giữ mối tơ, 
            Dầu năm bảy mối cũng chờ mối anh."
    
            V.v...và v.v...
    Những câu trên, người viết bài này cũng không biết được tác giả là ai. Ca dao VN có nhiều câu bất hủ, âu trong dân gian cũng có những nhà thơ nhà văn nổi tiếng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, đưa thơ ca của mình vào sự cảm thụ của dân chúng, bên cạnh đó họ được người dân yêu mến, mặc dù tạm thời người ta không biết tên không biết tuổi. Nổi tiếng mà không ai biết tên biết tuổi, sao gọi là nỗi tiếng được ? Thưa, vẫn nỗi tiếng như thường, vì những câu thơ của họ vẫn sáng trong, vẫn hiền hậu, vẫn sống mãi với thời gian, đi vào lòng dân chúng như những khúc ca ngọt ngào.

JB.SĨ TRỌNG.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét