Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

Viết cho một người bạn(*)















Những phút dừng chân, bạn nghĩ gì?
Đời  người  có  lúc  phải  ngừng đi
Loanh quanh thế giới, khi nào hết ?
Lết  bết   đôi  chân   mộng  vẫn  ghì.

Một chút yêu thôi cũng thẹn thùng,
Nhưng làm cho bạn được bao dung
Vì  yêu, bạn  trở  nên  phong  phú
Gia  nghiệp  đời  sau  mới  lạ  lùng.


Bạn  hỡi,  bao  giờ  bạn  bước  đi
Với  ai,  rồi  bạn  phải  chia  ly ?
Thời  gian  bôi  xóa  tan  tất  cả,
Mặt   đất   vô   tư   lại   phẳng   lì.


Mong bạn đừng nên đóng cửa lòng,
Biển khơi lồng lộng, thoáng và trong
Thiên nhiên không thể làm thay đổi,
Khiến nước sông kia chảy ngược dòng.


Mong bạn đừng nên quá chán chường
Chân trời hy vọng tựa vầng dương
Ngày  mai  tỏa  sáng  tâm  linh  bạn,
Thả   gió   tha   hồ   đi   bốn   phương.

(*) Một người bạn sau khi bị tai biến, không còn đi lại được nữa, đã có tư tưởng thất vọng chán chường.


JB.Sĩ Trọng.


Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Đời sống nội tâm và sự thinh lặng


Sự kết hợp cá vị là cần thiết và gắn liền với đời sống nội tâm. Sự thinh lặng bao giờ cũng cần thiết cho đời sống nội tâm. Người sống nội tâm thì thích thinh lặng hơn những gì ồn ào bộc lộ ra bên ngoài, họ cầu nguyện không thách thức với Chúa hay đặt vấn đề với Mẹ, cho dù kết quả xảy ra thế nào họ cũng hoàn toàn chấp nhận, họ hoàn toàn vâng theo Thánh ý Thiên Chúa. 

Tình yêu phải vô vị lợi. Cầu nguyện phải là những giây phút tình tứ nhất, sống gần gũi và mật thiết với Chúa nhất. Đa số khách hành hương mang theo với tất cả lòng mến. Tuy nhiên vẫn còn một số ít người hành hương thường đưa ra những yêu cầu khi thực hiện chuyến đi, nếu không được như ý họ cảm thấy thất vọng và không mấy thiện cảm với nơi mà họ đặt chân đến.( Phần lớn đây là những người đức tin còn non nớt, hiểu biết còn nông cạn ). Thay vì tăng lòng mến thì họ lại xúc phạm một cách quá đáng làm mất đi giá trị thiêng liêng và sự nhiệt thành vốn có, gây ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của những người mới bước vào đời sống tôn giáo.

Đời sống nội tâm có thẳm sâu hay không là ở cung cách và lối sống của một con người, có thể họ đọc kinh ít nhưng cầu nguyện nhiều, lúc nào họ cũng nghĩ đến Chúa và tâm sự với Chúa, nhưng họ không lải nhải như dân ngoại( x Mt 6,7 ). Mọi nơi  trên thế giới này đều là điểm hẹn hò của họ với Đấng Tối cao. Với họ, Chúa không còn xa lạ nữa, Chúa không những là người Cha nhân từ mà Ngài còn trở nên người bạn gần gũi, thân thiết với họ, họ biết Cha họ biết rõ họ cần gì trước khi họ cầu xin (x Mt 6,8). Nguyên khí trong người họ đầy ắp, mạnh mẽ vì họ luôn có Chúa hiện diện. Đức tin thể hiện lòng tự tin của họ.

Có lẽ nhờ ơn Thánh Thần, họ an nhiên tự tại, tâm hồn như chiếm hữu sự bình an tuyệt đối, họ không bị chi phối bởi những áp lực bên ngoài nên không ai có thể quấy rầy họ được. Họ không thờ thần tượng, họ không thần tượng hóa vật chất. Họ có cái thú đam mê đó là suy gẫm và đọc Lời Chúa hằng ngày, họ đọc Lời Chúa nhiều hơn là đọc các kinh truyền tụng, hay các kinh thường lặp đi lặp lại trong sinh hoạt Gíao Hội. Chúa cho họ có được một phong thái thung dung, thoải mái. Họ biết lắng nghe người khác nhưng đời sống họ được uốn nắn bởi những tư tưởng của chính họ, tư tưởng được thấm nhuần bởi Phúc âm, chứ không phải bởi tư tưởng của một ai khác.

Sự gặp gỡ của họ với Thiên Chúa là Cha yêu thương luôn luôn là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải thế mà họ trở nên buồn bã, biệt lập, hay thiếu lạc quan. Trái lại, họ luôn vui vẻ, cởi mở và hòa đồng với mọi người, họ thương yêu người nghèo, muốn gặp gỡ và chia sẻ với người nghèo những gì họ có. Họ yêu thích trẻ thơ, muốn gần gũi vui đùa với trẻ thơ.Họ thường cho rằng : Bất kỳ một khó khăn nào cũng có một giải pháp, qua sự thay đổi tâm thức bằng cách cầu nguyện.

Một kinh nghiệm bản thân là họ không bao giờ hứa với ai điều gì, kể cả với Chúa,( mới nói ra nghe kỳ kỳ ! ) nhưng họ không hứa để khỏi bị thất hứa, họ cố gắng sống tốt và thực hiện những gì khả năng họ có thể làm được. Họ nhìn nhận những yếu đuối của bản thân và luôn cậy nhờ vào ơn Chúa. Không Tận hiến, không đọc kinh dâng mình, nhưng khi cầu nguyện họ đặt hết tâm trí và cõi lòng để quy hướng về Chúa.Chúa dẫn dắt họ nên họ có những khám phá diệu kỳ và trải nghiệm quý giá về đời sống tâm linh.

Họ không lên tiếng dạy đời, những dấu chỉ Chúa ban cho họ (người ta thường gọi là phép lạ), họ cảm nhận một cách thẳm sâu và không cần phải nói ra cho ai biết. Công việc hằng ngày dù vất vả, bận rộn đến mấy, họ cũng không quên đọc Lời Chúa. Cuộc sống dù có gì đi nữa họ cũng không nghi ngờ tình thương của Chúa. Chính Lời Chúa giúp họ kiên trì, can đảm và có thêm nghị lực để sống vững chải khi gặp những thử thách gian nan. Lời Chúa giúp họ trở nên quảng đại, an hòa và dễ chịu với mọi người. Ai khó chịu thì họ cần phải chịu khó nhiều hơn với người đó, vì họ có những khôn ngoan, khéo léo Chúa ban cho để cảm hóa người khác.

Sự kết hợp cá vị là cần thiết hơn cả. Người nào có đời sống kết hợp cá vị thân thiết với TC, người đó thấy TC rất gần gũi với mình. Lúc nào ta cũng gặp được Chúa và tâm sự với Ngài. Sự gặp gỡ có tính cách riêng tư này sẽ làm cho tình yêu ngày một lớn lên, trở nên sâu sắc và nhiệm mầu...êm đềm và diệu vợi...

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

Yêu Người có máu Y(*)


Tôi  kết  thân  Người  có  máu  Y,
Ra   đi   từ   độ   tuổi   xuân   thì
Thân Ngài chết treo trên Thập giá
Vẻ   đẹp   ân   tình   mãi   lưu   ly.

Máu  Y  là  máu  đậm  chất  Yêu,
Cho dẫu thời gian thay đổi nhiều
Người ấy một lòng luôn chung thủy
Mối tình Nhân loại - Đấng Cao siêu.

Tôi thấy đêm ngày được bình yên,
Tình yêu,  gạt  bỏ  hết  ưu  phiền
Yêu ai muôn thuở còn vương vấn,
Như  gã  si tình  chẳng  chịu  quên.

Tôi nhả lên đời những mộng mơ,
Để làm cuộc sống dệt nên thơ
Ứơc mơ đâu tốn nhiều chi phí,
Cũng chẳng làm ai phải dại khờ.

Từ ấy tôi sung sướng ngập tràn,
Tâm hồn  rộn rã  tiếng  ca vang
Tình  tôi  như  có  ai  chấp  cánh,
Sóng sánh bên tôi bước nhịp nhàng.

Tôi  ước  mong  Ngài  ở  với  tôi,
Qua bao năm tháng vẫn không rời
Tình  tôi  ấp  ủ  trong  thinh  lặng,
Réo rắc cung lòng gọi không ngơi.

Tôi  ước  mong Ngài  ở  bên  tôi,
Bất  kể  thời  gian  máu  lệ  đời
Xin  cứ  miệt  mài  bên  tôi  mãi,
Máu Ngài nhuộm thắm trái tim tôi.

(*) Tác giả tự ý nghĩ ra :''máu Y'' là máu Yêu, dòng máu của Yavê TC - Người đã chết, đã đổ máu ra vì yêu thương nhân loại, để cứu chuộc nhân loại.

JB.Sĩ Trọng.
Mùa Chay Thánh 2017.

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con biết con,
xin cho con biết Chúa.

Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa,
quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.

Xin cho con biết tự hạ,
biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa.
Ước gì con biết nhận từ Chúa
tất cả những gì xảy đến cho con
và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa.
Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa.
Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa.
Và  để  con  hưởng  nhan  Chúa  đời  đời. Amen.
(Thánh Âu-Tinh)

Comment của Duy An gioitreconggiao.org

Dòng máu Yêsu, dòng máu Y...
Mãi mãi yêu thương... mối tình si.
Đến nỗi Ngài trao ban tất cả...
Ngai Vương, tính mạng... chẳng còn chi !


Duy-an.

Thứ Tư, 15 tháng 3, 2017

Trái tim Chúa Giêsu ước muốn được mến yêu

Chúa Giêsu không cần chúng ta. Chúng ta có yêu Người hay không, Người cũng vẫn hạnh phúc, vẫn giầu sang, vẫn quyền phép như vậy. Tuy nhiên, như Thánh Tôma dạy, Người yêu chúng ta quá đỗi đến độ Người ước muốn tình yêu của chúng ta như thể nhân loại là Thiên Chúa của Người vậy, và như thể sự sống của Người lệ thuộc vào nhân loại. Ðiều này đã khiến Thánh Gióp phải kinh ngạc thốt lên: Con người là chi mà Chúa coi trọng, mà Chúa phải chú tâm đến như thế? (Gióp 7:17).
Lạ chưa? Có thể nào Thiên Chúa lại ước muốn và nài xin tình yêu của loài sâu bọ một cách thiết tha như thế? Chỉ cần Chúa cho phép chúng ta yêu mến Người đã là một ân huệ lớn lao rồi. Các bậc vua chúa trên trái đất này không tự hạmình để làm điều đó, nhưng Chúa Giêsu, Ðấng là Vua Trời cao cả, đòi chúng ta yêu mến Người: Các con hãy kính mến Chúa, là Thiên Chúa chúng con, với hết cả tâm hồn (Mt 22:37).
Người khẩn khoản nài xin tấm lòng của chúng ta: Con ơi, con hãy dâng lòng con cho Cha (Châm Ngôn 23:26). Nếu Người bị xua đuổi ra khỏi một linh hồn, Người sẽ không bỏ đi, nhưng Người đứng lại ở cửa lòng mà kêu gọi và gõ cửa để được vào lại: Ta đứng ở ngoài cửa và gõ (Khải Huyền 3:20). Tóm lại, Chúa Giêsu sung sướng được chúng ta yêu mến và cảm thấy được an ủi khi một người thưa với Chúa, và lập lại thường xuyên, "Lạy Chúa con, lạy Chúa con, con yêu mến Chúa."
"Tại sao Thiên Chúa yêu thương, nếu không phải là để chính Người được yêu lại"Thánh Bênađô nói thế. Và chính Thiên Chúa nói, Các con hãy yêu mến Ta và phụng sự Ta với hết cả tấm lòng và linh hồn. (Thứ Luật 10:12). Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng Người là một chủ chăn khi tìm được con chiên lạc đã mời gọi mọi người chung vui với mình: Hãy chung vui với tôi vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc (Luca 15:6). Người nói với chúng ta rằng Người là người Cha, khi đứa con hoang đàng trở về phủ phục dưới chân ông, ông không những chỉ tha thứ cho, mà còn âu yếm ôm hôn cậu. Chúng ta còn có thể không xúc động để đáp trả tình yêu của Thiên Chúa trước những lời mời gọi và đoan hứa như thế chăng?

Thánh Alphonso Liguori

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2017

Thầm lặng














Ngôn ngữ thầm lặng mà hay,
Tình yêu thầm lặng mà đầy chất thơ
Ai  ơi,  ai  chẳng  có  ngờ...?
Một  người  yêu  mãi  bến  bờ  gần  xa .

JB.Sĩ Trọng.

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

Thơ mùa Chay cho em

























Mùa Chay trong tiếng nói con tim,
Dâng Chúa Tình yêu những nỗi niềm
Anh mãi yêu Ngài ngôi tuyệt đẹp,
Cho dù bão thép cuộn bao phen .

Chốn thị phồn hoa đã mệt nhoài,
Người về lặng lẽ giữa đêm trôi
Thánh đường im ngủ cao tòa tháp
San sát bên nhau tiếng nói cười .

Hoa tím bằng lăng hết nở rồi,
Dọc đường chỉ có lá vàng rơi
Hằng ngày ra phố nhìn thăm thẳm
Chính lộ thời gian tắm gió đời.

Người ta đi lễ mặc áo màu,
Xưng tội còn chen cả trước sau
Thánh đường chuông đổ chiều hoang vắng
Liễu tóc buông lơi trắng bạc đầu .

Bên ấy có người con gái yêu,
E ấp góp mộng dưới sương chiều
Người đi không có màu son phấn,
Mang lấy tâm tư khát vọng nhiều .

Em hỡi, mùa Chay đến nhẹ nhàng
Tâm hồn bình lặng tặng bình an
Xé lòng em nhé , đừng xé áo
Xin Chúa ban cho phước ngập tràn.

Anh có nỗi buồn đất nước anh,
Rơi vào hoàn cảnh quá khó khăn
Em ơi cầu nguyện cùng anh với,
Mong Chúa thương trao những phúc lành.

Mùa Chay trong tiếng nói tâm linh,
Dâng Chúa Tình yêu của chúng mình
Em hãy yêu Ngài ngôi tuyệt đẹp,
Cho  dù  bão  táp  cuộn  lời  kinh .


JB.Sĩ Trọng.

Yếu đuối và mạnh mẽ

“ Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con ?”( Mc 15,34 v Mt 27,46 ) – Phải chăng, trong thân phận làm người yếu đuối và đau khổ đến cực độ nên Chúa Giêsu đã thốt lên lời thảm thiết như vậy ?

Nhìn thấy sự yếu đuối để biết Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến dường nào và Ngài phải chịu đau khổ đến dường bao !
Đức Mẹ cũng thế : Có đau khổ nào bằng khi thấy Con mình chết treo trên thập giá ?. Đứt ruột đi chứ! Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá để chứng kiến cảnh tượng ấy. 

Sự yếu đuối của Chúa chính là sức mạnh tình yêu mà Ngài đã mặc lấy, hóa nên thân phận con người. Tự chính Ngài tuôn trào ra thành một khúc ca bi tráng để nhân loại cùng lắng nghe những âm thanh diệu vợi.
Cảm ơn Chúa đã cho chúng ta nhận ra thân phận yếu đuối của mình để chúng ta không kiêu ngạo, để chúng ta được yêu và chúng ta biết ăn năn hối cải khi lỡ phạm tội. Tội nhiều được tha nhiều, tha nhiều tất được yêu nhiều.

Đức Thánh Cha Francis quá mạnh mẽ khi Ngài dám nói lên sự im lặng của mẹ Maria là sự yếu đuối khiêm tốn của một người mẹ - vừa là Mẹ Thiên Chúa, vừa là Mẹ nhân loại. Mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa vượt quá trí hiểu con người nên Mẹ phải im lặng. Đây chỉ là một cách nói chẳng khác gì Đức H.Y F.X Nguyễn Văn Thuận đã nói “ những khuyết điểm” của Chúa Giêsu, thật ra lại là những ưu điểm, phát xuất từ lòng bao dung độ lượng và tình yêu của Chúa mà chúng ta ai cũng cần học tập. Hiểu thẳm sâu là thế. Nếu có ai đó ngộ nhận, chống đối – cũng là một lẽ thường tình, chỉ tăng thêm phần hấp dẫn mà thôi.

Mình thích cách giảng ngẫu hứng của Đức Thánh Cha, Ngài khai triển ý từ bài giảng nhiều hơn là viết thành văn để đọc. Qủa là tài tình và uyên bác.
Đức Thánh Cha được bầu chọn là nhân vật của năm 2013, chắc chắn Ngài nổi tiếng vì có những khác lạ hơn những Gíao Hoàng tiền nhiệm, Ngài mới lên ngôi mấy ngày đã làm cho nhiều người thấy “nhột và khó chịu” ( xem bài “Nhột quá”, nguồn: http://gpphanthiet.com ). Thế nhưng, người ta cũng khó thay đổi não trạng. Người ta vẫn quen hưởng thụ, quen lối sống ích kỷ riêng mình : “ngựa quen đường cũ”. 

Mỗi người nhìn thấy sự yếu đuối để được khiêm tốn hơn và dễ cảm thông với người khác hơn. Nếu chúng ta tự cho mình là thánh, là đạo đức thì chúng ta khó có thể thông cảm hoàn cảnh khó khăn và sự yếu đuối của người khác. Đặt mình vào hoàn cảnh người khác là cách để chúng ta dễ thông cảm người khác và yêu thương họ.

Thiên Chúa biết trước nhân loại phạm tội nên Ngài có chương trình và hành động cứu chuộc, Ngài yêu nhân loại đến nỗi phải ban Con Một xuống để cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa yếu đuối ư ?
Thưa không, Thiên Chúa không yếu đuối, bản chất mạnh mẽ của tình yêu khiến Thiên Chúa phải làm thế.
Sự kiện Thiên Chúa nhập thế, nhập thể, cho chúng ta nhìn nhận một Thiên Chúa làm người là Emmanuel, là ý định từ thuở đời đời.

Cảm ơn Đức Thánh Cha đã cho chúng con thấy sự yếu đuối xuất phát từ tình yêu của Chúa để chúng con khiêm tốn và sống tốt hơn, nhờ thế mà chúng con mạnh mẽ hơn trong đức tin, biết vực dậy sau mỗi lần chúng con sa ngã. Chúng con luôn nhớ lời Chúa phán : “ Con hãy về nhà và từ nay đừng phạm tội nữa”( Jn 8,11 ).
Ước gì mỗi người đều có tình Chúa ấp ủ trong tim, để được ơn Chúa nâng đỡ, giữ gìn.

JB.SĨ TRỌNG.

Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Sài gòn trong tôi













Sài gòn không như Huế của tôi,
Bốn mùa mưa nắng bồi hồi chuyển giao
Thế là không đúng lắm sao ?
Đông về se lạnh, Xuân vào ấm hơn
Hạ thầm một chút môi thơm,
Nắng vàng óng ả nhảy vờn cành cây
Mùa thu chơm chớm heo may,
Lá thu rụng xuống ngập đầy lối đi
Công viên cỏ mọc xanh rì,
Lầu cao, khách sạn... uy nghi dáng chiều
Sài gòn, vẻ đẹp đáng yêu
Bạch Đằng soi bóng trăng thêu đỉnh trời
''Nhà Bè nước chảy chia đôi,''(*)
Dòng kênh Nhiêu Lộc mây trôi nhẹ nhàng
Bắt qua mấy nhịp cầu ngang,
Kể sao cho hết nỗi niềm riêng tư
Dịu dàng trong tiếng gió ru,
Đô Thành nhộn nhịp vẫn thư thả hồn
Long rong dưới ánh hoàng hôn,
Lòng tôi dào dạt tình thương Sài gòn.

(*) Câu ca dao quen thuộc:" Nhà Bè nước chảy chia hai / Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về''.

JB.Sĩ Trọng.




An Lão


( Mến tặng Thầy Hòa )












An Lão (*), quê nhà bạn hữu tôi
Chưa đi mà tưởng đến nơi rồi
Ghé mắt dõi tìm qua trang mạng
Thiên nhiên thu hút mãi không rời.

Đẹp sao quang cảnh của núi đồi,
Dốc triền cây lá mọc xanh tươi
Nhà dân san sát bên khe suối,
Có cả con sông chảy ngậm ngùi.

Cổng chào ngói đỏ nét dễ thương,
Nắng tỏa dài lên khắp miệt vườn
Có  lẽ  nơi  này  ai  chưa  tới,
Mới nhìn cũng đã bị vấn vương.

Những ngày Đông lạnh mịt mù sương
An Lão nằm yên giữa phố phường
Chào đón bình minh gieo nắng ấm,
Em  thơ  cắp  cặp  vội  đến  trường.

An Lão, miền sơn thủy hữu tình
Đêm Hè,lồng lộng ánh trăng lên
Bình an cho tuổi già không nhỉ,
Hay chỉ là vui với ngoại hình ?

An Lão, tôi  về  trong  cõi  mơ
Vì  chưa  tới  đó  được  bao  giờ
Chỉ nghe người kể và xem mạng
Cảnh đẹp nên thơ đến không ngờ.

An Lão, làm tôi rung động nhiều
Với bao hình ảnh thật đáng yêu
Ước  gì  tôi  đến  thăm  nơi  ấy,
Cùng bạn bè tôi thức ngủ nhiều.

(*) Một huyện phố miền núi thuộc tỉnh Bình Định.

JB.Sĩ Trọng.


Thứ Tư, 8 tháng 3, 2017

Nhớ Mẹ















Con mãi tìm về với Mẹ,
Thẳm sâu trong trái tim mình
Tình yêu khó mà kể lể,
Qua vài giọt lệ lung linh.

Mẹ ơi,
Con biết Mẹ thương con lắm
Về trời chắc Mẹ cũng thương
Cuộc đời, đi qua bến vắng
 Nhớ hoài dáng Mẹ trên nương.

JB.Sĩ Trọng.