Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Đọc Kinh Thánh và những suy tư trong bận rộn

            Đọc Kinh Thánh : Lc 11,14-54.
 1. Niềm vui và hạnh phúc nơi ở mới :
    Đôi khi những kẻ ngoan đạo nhất lại là những kẻ bướng bỉnh không nhận ra công việc của Chúa. Đọc Tin Mừng Luca 11, 14-28 chúng ta thấy rõ. Sau khi chứng kiến phép đuổi quỉ, các viên chức trong Đền thờ vẫn giữ lòng nghi ngờ. Hiện tại trong Giáo Hội, chúng ta cũng vẫn thấy tình trạng này xảy ra vì một số tổ chức cá nhân vượt quyền hạn, và có khi bộc lộ sự cuồng tín thái quá.
    Nguyên nhân nào làm cho có sự phản ứng cả giáo quyền và dân sự ? Một cách khách quan để đánh giá : Đôi khi do lòng sợ hãi một quyền lực vô hình, hoặc không muốn để bị dẫn dụ lạc đường. Trong trường hợp này Chúa Giêsu ( GS ) biết rõ ý tưởng sai quấy của họ ( Lc 11,17a ) nên Ngài nghiêm chỉnh quở trách ( Lc 11,17-20 ). Muốn thấu rõ một biến cố nào đó có phải là phép lạ chân chính không thì hãy dựa vào Lời Chúa mà xét ( A-mốt 7,7 v I Jn 4,1-3 ). Khi chúng ta cảm thấy khó chịu trước một sự việc mới lạ vì trái với truyền thống hoặc niềm tin lâu đời của chúng ta thì hãy cẩn thận phân biệt ( dĩ nhiên phải cầu xin ơn Chúa soi sáng ). Có khi chúng ta phải thành thật nhận rằng có những việc chúng ta chưa hề thấy hoặc biết, nhưng nếu đó là sự việc từ Thiên Chúa ( TC ) thì chúng ta không được chống cự lại ( Cv 5,38-39 ). Thành tâm như vậy mới có thể kinh nghiệm được quyền năng Chúa sâu sắc hơn.
    Chúa GS cũng soi rõ thêm sự liên hệ giữa các phép lạ với chức vụ của các Môn đồ. TC có quyền phép tẩy xóa các ảnh hưởng xấu xa khỏi đời sống chúng ta như say xỉn, rượu chè; tham lam, ích kỷ; sắc dục, nặng nề; nóng nảy, cáu gắt; cộc cằn, hằn hộc... Nhưng phải "trang bị căn nhà" bằng những đồ đạt tốt đẹp phản ánh sự hiện diện của Chúa, chứ đừng để trống. Nếu không, ma quỉ sẽ tìm đến, rốt cuộc "tình trạng lại còn tệ hơn trước"( Lc 11,25-26 ). Khuynh hướng tự nhiên cũng không ngoài ý Chúa, Chúa cho tôi bán căn nhà cũ, mua lại một căn nhà khác, tôi phải nghĩ đến điều đó. Đọc Kinh Thánh ta nhìn thấy : Lúc người đàn bà nói lời ca tụng Chúa GS ( Lc 11,27 ) - thật ra đây là lời ca tụng Mẹ Ngài, thì Chúa dùng ngay cơ hội ấy để giảng thêm rằng phải trang bị căn nhà, phải lấp kín căn nhà bằng Lời TC, biết "lắng nghe và tuân giữ Lời Ngài" ( Lc 11,28 ) ( Ghi nhớ ngày chủ nhà bàn giao căn nhà mình mới mua ). Tôi nghe theo lời người anh, không nên đặt tượng trước sân vì sau này nếu đi xa, thay đổi cư trú thì khó di chuyển, người khác đến ở đôi lúc không phù hợp lại xảy ra những điều không tốt.
    Không phải hễ thấy đám đông thì Chúa GS hăng hái giảng dạy. Ngài chỉ chọn lúc nào người ta chịu nghe thì Ngài mới nói, nhất là nói những điều khó làm theo nhất ( Jn 6,60-66 ). Tại sao thế ? Chúa biết rằng người ta rất dễ dàng bị thúc đẩy làm những việc tốt để phục vụ cho mục đích sai.
    Chúa GS mạnh mẽ bảo rằng chỉ có sự thật lòng ăn năn, sự thật lòng ao ước theo Chúa mới là động cơ chính đáng cho mọi hành động của chúng ta. Dấu lạ Giô-na ( Lc 11,29-30 ) là động cơ duy nhất và chính đáng để thúc dục Ninivê ăn năn. Đời sống chúng ta thật rắc rối, có thể có nhiều lực động viên thúc đẩy ta hành động, nhưng phải tỉnh táo coi dấu lạ Giô-na là lực động viên lớn nhất của chúng ta. Vì "trong cuộc Phán xét có Nữ hoàng Phương Nam đứng lên cùng với những người của thế hệ này và Bà sẽ kết án họ"( Lc 11,31a ).
    Chúa GS nêu hai ví dụ trong Lc 11,33-36. Đèn để soi sáng. Mắt để nhìn sự vật. Sau khi nhìn sự vật thì lòng ta đáp ứng lại sự vật ấy, hoặc thuận hoặc nghịch, hoặc vui hoặc buồn khi nhận thấy sự vật ấy. Lúc ấy những tư tưởng của lòng ta lại được bộc lộ ra ở con mắt. Hôm nay mắt chúng ta bày tỏ tâm trạng của lòng ta thế nào ? Nếu chúng ta nhìn thẳng vào mắt của ai đó và nhận ra rằng đây là người được Chúa yêu, thì hẳn chúng ta sẽ rộn ràng vui sướng.
    Là Kitô hữu, chúng ta phải luôn luôn để Chúa GS làm nguồn động viên chính cho mọi hành động của chúng ta, dù có đi đâu, có thay đổi nơi ở. Ngay từ hôm nay, ta hãy để ánh sáng của Chúa chiếu rọi ra từ chính tấm lòng ta.
    Trong tim ta có nguồn thúc dục nào không ? Người chung quanh khi nhìn vào mắt ta, có thấy ta có sự phấn khởi bước theo Chúa không ? Chúa GS có là trung tâm cuộc sống của ta không ? Có những "sự cũ" nào chúng ta cần loại bỏ đi ? TC kêu gọi ta làm gì ? Đây là những điều chúng ta cần suy nghĩ kỹ, xét lại lòng mình hôm nay khi mình về một nơi ở mới.

2. Sống thẳng thắng, trong sáng :
    Cố làm cho ra vẻ một người tốt thì buồn chán lắm, nhưng được tha thứ thì thỏa thích vô cùng.
    Phân đoạn Kinh Thánh tôi muốn đề cập : Lc 11.37-54. Chúng ta thấy Chúa GS được mời dùng cơm tối với rất nhiều khách quý, nhưng Ngài làm phật lòng họ. Sau khi nghe Ngài sáu lần nặng lời quở trách, bắt đầu bằng chữ "khốn thay"( Có sách dịch là "Khốn cho các ngươi !" ) thì ai nấy đều yên lặng bất bình. Tại sao Ngài hành xử như vậy ?
    Trước hết các chức sắc của Đền thờ nêu cho Ngài những câu hỏi lắc léo tưởng rằng có thể gài bẩy được Ngài, nhưng Chúa GS khiến họ phải im tiếng, và thế là họ đâm ra ganh tị với Ngài. Ngài dùng lại câu chuyện của Gioan Tiền Hô ( Lc 3,7-14 ) để quở bọn họ. Bọn họ chỉ là hạng người giả hình và tham lam ( Lc 11,39 ). Họ theo luật pháp bề ngoài nhưng thật lòng thì chẳng kính mến TC và chẳng biết gì đến công bình ( Lc 11,42 ), do đó họ chống nghịch lại các sứ giả của TC ( Lc 11,47-49 ).
    Tội lỗi khiến ta như thế đó. Người ta có thể biện hộ : "Tôi quen như vậy rồi", hoặc "Họ làm như vậy nhưng thật ra lòng họ tốt lắm". Đừng biện hộ. Đừng giả hình.. Hãy xét chính lòng mình. Hãy nhớ lại chuyện cái dằm trong con mắt của mình ( Mt 7,3-5 ).
    Khi chúng ta nhận rõ được tội lỗi rồi thì chúng ta có thể có một trong hai thái độ. Hoặc là gạt bỏ công việc của Chúa ra khỏi đời sống ta như các vị khách kia, hoặc phục tùng Ngài. Thái độ nào cũng đều có những hậu quả lâu dài.
    Chúng ta cần để ý một điều : Chúa GS giận dữ nhưng Ngài vẫn nhận lời mời của người Pharisieu về nhà dùng bữa. Trước đó, ta còn nhớ có người hỏi Chúa GS : "Ai là người lân cận của tôi ?"( Lc 10,29 ). Đọc qua ẩn dụ hôm nay, ta cũng nên hỏi: "Ai là kẻ thù nghịch tôi ?" Làm hòa lại với một tín hữu trong Hội Thánh có thể khó hơn là đi đến với những người chống đối Phúc Âm, nhưng lại rất quan trọng trong sự làm chứng.
    Người Pharisiêu chú trọng đến việc làm sạch sẽ bề ngoài hơn là thanh tẩy bên trong ( Lc 11,39 ).
    Ngày nay người ta thường đòi hỏi chính phủ phải công khai hóa mọi thông tin cho dân chúng biết. Ai cũng muốn có tự do thông tin, có quyền biết mọi thông tin cần thiết. Cá nhân chúng ta cũng có khi e ngại không biết người xung quanh nói gì, nghĩ gì về ta. Còn chúng ta thì sao, nghĩ gì về người khác mà không công khai ra ? Nên nhớ rằng lòng dạ chúng ta, tư tưởng chúng ta Chúa biết hết cả ( Jn 2,25 ). Nếu những tư tưởng thầm kín của chúng ta mà được rao ra trên mái nhà ( Mt 10,27 ) thì sao ? Nếu vậy thì chắc ta bối rối lắm ? Nhưng dù không được rao ra thì những tư tưởng ấy vẫn có thể gây hại đến phẩm cách của ta, làm cho mối liên hệ với tha nhân xấu đi, và khiến nẩy sinh ra nhiều tội ác ( Mt 15,19 ).
    Khi chúng ta biết được tình yêu của TC đối với chúng ta cao sâu như thế nào, Ngài quý mến chúng ta như thế nào, thì tự nhiên chúng ta sinh lòng ao ước được Chúa vùa giúp để có đời sống tốt đẹp hơn, được ban cho quyền năng để làm một chứng nhân xứng đáng hơn, được sự khôn ngoan để biết tin cậy Ngài trong mọi sự. Khi có được lời hứa của TC thì ta còn lo ngại nỗi gì ? Ngài hứa cả đến sự ban cho lời nói khôn ngoan để bênh vực mình ! Vậy hãy sống vững vàng, sống ngay thẳng, trong sáng. Hãy để cho người xung quanh thấy TC đang vận hành trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy là cuốn sách thánh để dân ngoại nhìn và đọc. Người chung quanh ta, bạn bè và đồng sự của ta nhìn vào ta mà biết Chúa. Hãy để Chúa Thánh Thần uốn nắn ta theo ý muốn của Ngài.

3. Cầu nguyện :
    Lạy TC toàn năng, xin Ngài mở trí mở lòng con để con nhận biết những điều mới lạ Ngài ban cho trong năm mới này.
    Lạy Chúa, cầu xin Ngài cho con trở thành chứng nhân của Ngài, một chứng nhân tốt đẹp cả trong lời nói lẫn việc làm.
    Lạy Chúa, xin Thánh Thần Ngài soi dẫn để con hiểu được lòng con, xin cho con biết bày tỏ tình yêu thương bằng hành động và lời nói. Cũng giúp con tha thứ được người đã làm hại con như Ngài đã tha thứ con.
    Lạy Chúa, xin Ngài cho con cảm nhận được Thánh ý Ngài trong đời sống con, cho con phản ánh được vinh quang của Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.
    


Chùm thơ 70

ĐỌC BÀI CŨ

Lục  tìm  bài  cũ  đọc  cho  vui,
Đôi chút làm ta thấy ngậm ngùi
Những áng thơ tình tuy ráo mực,
Nhưng tình còn đọng mãi tinh tươi.



BÀI HÁT CHỢT NGHE

Năm tháng trôi qua, nhiều lưu luyến
Buồn  vui  kể  lại  chuyện  xa  gần
Bài   hát   đưa   ta   về   kỉ   niệm,
Thời gian  đong chiếc áo  phong trần.



NGƯỜI ĐỒNG HÀNH

Có Người từ mảnh đất xa xôi,
Đã  đến cùng ta giữa núi đồi
Sinh hoạt, nói cười rất giản dị
Tâm hồn vời vợi  tựa mây trôi.



TỊNH VÃNG

Trong giá băng của hồn trai cô tịch,
Giấc miên trường còn hội ngộ ghé thăm
Làm những việc vượt ra ngoài dự tính,
Tưởng  là  gần  nhưng  vẫn  cứ  xa  xăm.

JB.Sĩ Trọng.

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Tương giao với Chúa


                    "Ngọn nến thắp lên để nguyện cầu,
                Chảy dài dòng sáp lệ thương đau
                Lời kinh  ai đọc  nghe  nhức nhối,
                Khắc khoải  bây giờ  đợi  kiếp sau".
    Thông thường người ta khi cầu nguyện thường có tâm trạng đó, nhưng không phải thế. Cầu nguyện không phải là để được vụ lợi, để đợi kiếp sau. Cầu nguyện là để được kết hiệp thân mật với Chúa ở đời này. Cầu nguyện không nhất thiết là phải thắp nến. Bất cứ nơi nào ta cũng có thể cầu nguyện được.
 1. Đời sống Cầu nguyện :
    Đối với Chúa Giêsu ( GS ), cầu nguyện không phải là một công thức sáo mòn mà là một phần của đời sống, một sự tự do phát xuất từ con tim như những tâm sự, chuyện trò, hò hẹn để gặp gỡ Thiên Chúa ( TC ). Nếu có ai đó đến nhờ bạn chỉ giúp cho cách thức làm thế nào để được một đời sống cầu nguyện sâu sắc thì bạn sẽ trả lời thế nào ? Bạn sẽ giải thích thói quen cầu nguyện của bạn, tặng người ấy một quyển sách hay một băng đĩa dạy về cầu nguyện, hoặc giới thiệu đến một khóa hội thảo, tỉnh tâm.v.v... ? Tuy nhiên, bạn sẽ hỏi người đó có yêu mến Chúa không đã ? Tôi nghĩ, với những câu hỏi ấy, ta có thể trả lời : Hãy đơn sơ, ý mình nghĩ gì thì cầu nguyện nói ra thể ấy.
    Bài cầu nguyện chung : Mt 6,9-13 # Lc 11,1-4 được gọi là "Kinh Lạy Cha", các tín hữu khắp nơi trên thế giới "đọc" bao nhiêu thế kỷ nay. Nhiều người đã nghiên cứu phân tích bài cầu nguyện này. Để cho lời cầu nguyện của ta được hiệu nghiệm, cần chú ý hai điều : Trước hết phải nghĩ đến TC, bản chất của Ngài, sự thánh thiện, ý chỉ và vương quốc của Ngài ( Lc 11,2 ). Sau đó mới cầu xin những điều chúng ta đang thiếu thốn như thức ăn, sự tha thứ, sức lực để chống lại cám dỗ ( Lc 11,3-4 ). Sự cầu nguyện phải đặt nền trên sự ca ngợi và phục tùng Chúa. Không được như vậy thì sự cầu nguyện mất thăng bằng và do đó chẳng có hiệu quả gì.
    Sự dạy dỗ đầy quyền năng của Chúa GS về sự cầu nguyện là do đời sống cầu nguyện của Ngài. Các Môn đệ thấy Ngài cầu nguyện nên mới nghĩ rằng mình cũng cần phải cầu nguyện ( Lc 11,1a ), trước đây họ không thấy Chúa GS cầu nguyện thì chẳng bao giờ họ cầu nguyện, họ chỉ sống và làm việc theo cảm tính. Đọc các sách Phúc Âm, ta thấy nhiều lần Chúa GS nêu gương cầu nguyện : Mc1,35; Lc 6,12; Jn 17,1-24. Nếu chúng ta cảm thấy cầu nguyện khó khăn thì hãy cố gắng luyện tập mỗi ngày. Với thời gian chúng ta sẽ thấy ham thích trò chuyện với TC một cách tự nhiên.
    Chúa GS luôn hướng lòng trí đến ý chỉ của Chúa Cha nên Ngài thường xuyên cầu nguyện. Chúng ta phải dành những thì giờ nhất định trong cuộc sống bận rộn của chúng ta để dành cho sự cầu nguyện, những giây phút hẹn hò với Chúa. Đối với Chúa GS, tương giao với Cha Thánh trên trời là công việc thiết yếu nhất trên đời, nhiều khi trong một ngày làm việc vất vả tối đến Ngài phải tìm một nơi im vắng để cầu nguyện. Ai đọc Thánh Kinh cũng thấy rõ điều đó.

    2. Sự Cầu nguyện và chiêm nghiệm :
    Văn hào Kahlil Gibran người Ấn Độ viết rằng : "Không ai có thể lớn nếu Tình yêu chưa đi qua đời họ, nếu họ chưa lần nào cầu nguyện dưới chân Thần Tình ái". Vị Thần Tình ái của chúng ta là Đức GS Kitô.
    Muốn cầu nguyện có hiệu nghiệm thì hãy cầu nguyện mạnh dạn, kiên trì, hướng đến ý chỉ của TC, theo ý Chúa chứ không theo ý mình, vì chỉ có TC mới biết được những gì là tốt lành xảy ra trong hiện tại và tương lai.
    Chúa GS chỉ dạy các Môn đệ về sự cầu nguyện : Ngài dạy phải cầu nguyện mạnh dạn - Cầu nguyện mạnh dạn không có nghĩa là xin đủ các thứ viễn vông : dồi dào của cải, buôn bán phát đạt, trúng mánh phi vụ làm ăn... Trong các câu Lc 11,5-8 và Mt 6,8 v 26,42 Chúa GS dạy chỉ cầu xin những điều cần thiết thôi, đừng cầu xin cách ích kỷ theo ý riêng mình thông qua người khác để làm lợi cho mình. Đừng đưa ra một danh sách dài những nhu cầu của mình rồi bắt Chúa "cung ứng"; phải chiêm nghiệm Chúa, xem Chúa như đang hiện diện với mình. Hãy mạnh dạn cầu xin, Chúa GS dạy trong Luca 18,27 rằng : "Điều chi người ta không làm được thì TC làm được"- Mạnh dạn ở đây nghĩa là tin quyết và kiên trì ( Lc 11,9-10 ). TC có dư khả năng đáp ứng mọi nhu cầu đúng đắn của chúng ta, nhưng nếu chúng ta cầu xin điều gì vì lòng ích kỷ tham lam thì không thể gọi là cầu nguyện mạnh dạn được. Trong các câu 11-13 của Thánh ký Luca, Chúa GS giảng giải TC yêu thương ta như Cha yêu thương con vậy. Ngài thực sự yêu thương chúng ta, biết chúng ta có nhu cầu gì. Có khi chúng ta cầu xin một điều gì rất đúng đắn nhưng TC không nhậm lời vì Ngài thấy bất lợi trong tương lai, hoặc có thể TC ban cho ta một món quà khác còn quý hơn điều ta cầu xin. Đôi khi chúng ta hiểu sai rằng một vấn đề cầu xin nào đó là tốt, nhưng thật ra nó có thể là xấu. Điều cần thiết cho đời sống cầu nguyện của chúng ta là phải dành thì giờ chiêm nghiệm tình thương của TC, xin Thánh Thần soi dẫn để được hiểu biết ý chỉ của TC trong từng hoàn cảnh. Đặt đức tin vào TC yêu thương, cầu nguyện mạnh dạn và kiên trì, thì cầu nguyện của ta sẽ được nhậm lời ( Mt 17,20 ), tình yêu giữa ta và TC sẽ trở nên gắn bó dạt dào.

    3. Tâm tình :
    Lạy Chúa, xin dạy con biết sự tương giao với Ngài là nguồn sức mạnh cho con trong mọi công việc con làm. Con cảm tạ Chúa, vì Chúa luôn nghe lời con kêu cầu.
    Lạy Chúa, con không rõ Ngài phải hướng dẫn con cách nào đi qua cuộc đời này; nhưng điều con biết chắc là qua tình thương của Ngài, Ngài sẽ đem lại cho con điều tốt nhất. Amen !

P/s : Mời đọc thêm bài "Nơi chốn hẹn hò thơ mộng" trên nhãn Bài suy niệm 2 và bài "Tư tưởng, định mệnh và cầu nguyện" trên nhãn Bài suy niệm 5 của Blog này.

JB.SĨ TRỌNG.




Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Thiên Chúa làm những điều "kỳ quặc"


     Thiên Chúa vẫn cứ làm điều "kỳ quặc": Các Linh mục tù nhân mừng kỷ niệm ngân khánh
    Với Gioan Tông Đồ thì Ngài gọi Thiên Chúa là Tình Yêu ! Còn với tôi, tôi lại gọi Thiên Chúa là người làm điều "kỳ quặc". Và, như ai đó đã nói rằng "Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng compa".
    Thật vậy ! Nhìn lại dòng chảy lịch sử cứu độ, ta bắt gặp một Thiên Chúa làm nhiều điều và làm những điều mà chả ai có thể hiểu được. Có khi, Thiên Chúa lại làm điều mà nếu không cân nhắc, nếu không lắng đọng dễ rơi vào cảnh ngộ từ bỏ hay chặt chém Ngài. Đơn giản là vì có những điều mà lòng con người dễ chán nản khi đối diện với thử thách xem ra không còn gì để mất.
    Một Abraham đương đầu với Thiên Chúa bằng thử thách quá lớn nhưng rồi Abraham đã đáp lại niềm tin tuyệt vời và ông được gọi là cha của những kẻ tin.
    Một Giacob ngỗ nghịch và rồi ta thấy cuộc vật lộn đã trở thành khúc quanh quan trọng trong cuộc đời của Giacob. Trước đây, ông đã dựa vào những mánh khóe, những khả năng tự nhiên của mình để xoay xở, nhưng bây giờ ông phải đi theo sự hướng dẫn của thần linh, sự phù trợ và sự chúc lành của Thiên Chúa, sẽ giúp ông thành công qua lời cầu khẩn.
    Và rồi ta thấy Giacob đã nghiệm ra rằng: các thử thách lao nhọc ông phải chịu có ý nghĩa hơn cả cuộc đối đầu với thế giới và với loài người. Thiên Chúa chỉ ban phúc lành khi mà ông phải thi thố hết những sức lực của mình. Thiên Chúa không thể đội cho ông vòng triều thiên vinh quang trên đầu ông cho đến khi Người đánh cho ông trở nên khập khiễng. Cũng vậy, Thiên Chúa cũng chỉ tha thứ cho chúng ta là những tội nhân, khi ta biết ăn năn, hối cải trở về cùng với lòng thương xót của Người và Nước Trời cũng chỉ dành cho những kẻ đói khát sự công chính, những kẻ trung thành và kiên trì với Thiên Chúa cho đến cùng.
    Thế đó ! Một Thiên Chúa "kỳ quặc" vẫn có đó, còn đó và hiện diện trong cõi nhân gian với biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời để rồi những ai can đảm, phó thác thì sẽ được Thiên Chúa đáp trả thật cân xứng với niềm tin mà họ đã có.
    Ngày 3 tháng 6 năm 2019, Tổng Giáo Phận Hà Nội mừng kỷ niệm 25 năm linh mục của Đức Cha Laurenxô Chu Văn Minh và một số Cha khác nữa.
    Có lẽ chuyện mừng 25 năm cũng là chuyện nhiều Cha đã mừng, sẽ mừng và sắp mừng nhưng với quý Cha mừng 25 năm của Tổng Giáo Phận Hà Nội là điều đáng cho ta suy gẫm hơn ai hết.
    7 Cha chịu chức ngày này cách đây 25 năm thì ngoại trừ 1 Cha đã về nhà Chúa, còn lại 6 vị thì hết 5 vị phải đối đầu với bao thử thách của cuộc đời và tưởng chừng trở về gia đình vì đường đi phía trước tăm tối tựa đêm 30. Như lời của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Giuse Vũ Văn Thiên chia sẻ trong Thánh Lễ tạ ơn : "Các Ngài là những người từ đau khổ lớn lên mà đến bởi lẽ các Ngài đã trải qua bao năm tháng dài chờ đợi"
    Với Đức Cha Laurenxô thì cứ chờ đợi và chờ đợi mãi suốt 30 năm trời. Đức Cha chờ đợi nhiều năm và cuối cùng đạt được niềm hy vọng.
    3 Cha kia thì ăn cơm tù như cơm bữa và tù tội không cản đường bước đường tận hiến cho Chúa (20 năm, 16 năm và 13 năm). Và với linh mục Giuse Trịnh Ngọc Hiên quả là vất vả và cay đắng bởi lẽ phải tìm mọi cách để "hợp thức hóa" sứ vụ linh mục cũng như tiếp nối sứ mạng người giữ Đền Mẹ Hằng Cứu Giúp Thái Hà mang tên Giuse Ngọc Bích. Cha âm thầm như người mẹ hiền, như người thầy thuốc ẩn dật để được ở lại Thái Hà Ấp và lãnh sứ vụ linh mục cũng như là điểm tựa cho bao thế hệ trẻ sau này.
    Với Cha Laurenxô, không chỉ là linh mục của Chúa nhưng rồi Thiên Chúa lại cất nhắc Cha lên làm Giám Mục của Chúa.
    Ta cứ thử đặt ta là các Ngài thì ta sẽ khám phá ra một điều hay là các Ngài chịu đựng một cách không tưởng như Tôi Tớ Chúa mang tên Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
    Nếu căm hờn, nếu thù hận thì sẽ không có các linh mục như ngày hôm nay cũng như làm gì có được một Tôi Tớ Chúa Nguyễn Văn Thuận mà mọi người đang chờ mong Ngài được nâng lên hàng chân phúc.
    Thế nhưng rồi, với tất cả những đau khổ, các Cha vẫn đặt niềm hy vọng và trông cậy vào Chúa và Chúa đã ban cho các Cha hoa quả của sự hy sinh.
    Mừng 25 năm linh mục hôm nay, ta có cơ hội để lắng đọng tâm hồn để nhìn lại đời của mình. Có khi Thiên Chúa gửi đau khổ nào đó đến cho chúng ta và đến với chúng ta nhưng hãy nhìn Abraham, nhìn Giacob, nhìn các thánh tử đạo và nhất là nhìn vào gương sáng đời sống của Đức Cha Laurenxô và quý Cha mừng 25 năm của Tổng Giáo Phận Hà Nội để ta thấy rằng Thiên Chúa mãi mãi là một Thiên Chúa "kỳ quặc" và là một Thiên Chúa chuyên vẽ đường thẳng bằng compa. Có như vậy, ta hãy bình tâm trước những phong ba sóng gió của cuộc đời mà cứ hãy ký thác đường đời cho Chúa như tâm tình của Thánh Vịnh 37 : “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37,5).
    Thiên Chúa vẫn yêu thương và quan phòng mỗi người theo cách "kỳ quặc" của Ngài đó thôi. Chuyện quan trọng rằng ta có nhận ra tình thương ấy và để cho Chúa hoạt động trên đời chúng ta hay không mà thôi. Phần đáp trả là của chúng ta, Thiên Chúa vẫn là một Thiên Chúa yêu thương và tín thành.
    Bình tĩnh sống, đừng manh động và hãy để cho Chúa hành động trên đời của bạn.

St

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

BS Yersin


Nhân thảm hoạ Coronavirus, hãy đọc để nhớ về Ông, cả một đời người tận hiến, cứu người, một đại ân nhân của người Việt...!
ALEXANDRE YERSIN
Đầu năm 1943, ông đau nặng. Sáng sớm ngày 1/3/1943, ông bảo người hầu già nâng ông ngồi dậy, nhìn ra biển Đông, rồi nhắm mắt, bình thản ra đi ở tuổi 80 mà không có người thân nào bên cạnh. Ông để lại chúc thư, dặn hãy chôn cất ông ở Nha Trang để mãi được gần gũi những người ông yêu mến.
Cả xóm Cồn hôm ấy và mấy ngày liền sau đó không ai đi biển. Họ khóc như mưa trước cái chết của người ân nhân dành cả cuộc đời cho họ: "Thầy Năm qua đời, từ nay ai giúp đỡ chúng tôi đâu?". Nhà nhà đều bày bàn thờ với tấm hình ông ở nơi trang trọng nhất.
Ngày nay, cứ ngày 1/3 hàng năm, dân chúng trong vùng lại kéo đến viếng mộ ông.
Ông chính là Alexandre Yersin.
Ông là học trò của Luis Pasteur, người tìm ra vaccine. Khi tưởng chừng sắp được giải Nobel Y học tiếp theo về bệnh bạch hầu, ông quyết định ra đi. Ông lên tàu, làm bác sĩ trên tàu, rồi yêu mến mỗi lần tàu cặp bến Nha Trang. Ông chọn nơi đây làm nơi cư ngụ, chữa bệnh tại địa phương và dành những ngày nghỉ đi thám hiểm.
Ngày 21-3-1893, ông tìm ra cao nguyên Lang Biang. Nói cách khác, ông là "cha đẻ" của thành phố Đà Lạt.
Năm 1894, ông tìm ra chuột chính là nguyên nhân gây bệnh dịch hạch. Ông mở Viện Pasteur ở Nha Trang để bào chế vaccine giúp người Việt chống lại bệnh này.
Ông sống giản dị trong ngôi nhà gỗ nhỏ, nói tiếng Việt giỏi, ngày đêm có ai nghèo ốm đau ông đều tới chữa miễn phí.
Ông làm những dụng cụ đơn giản để dự báo thời tiết. Khi sắp có bão to, ông treo ngọn đèn rất sáng ở một cột cao ngay trên nóc nhà báo cho dân xóm Cồn biết mà không ra biển.
Ông bỏ tiền riêng thuê kéo ống nước về đặt máy nước nhiều nơi cho dân sử dụng.
Ông dành một tủ sách lớn cho bọn trẻ vào đọc. Ông chia bánh kẹo, dạy chúng thiên văn và dự báo khí tượng.
Năm 1902, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y Dược Hà Nội.
25 năm cuối đời, ông tập trung nghiên cứu di thực các loài cây ôn đới vào nước ta. Nhờ ông, ta có thêm su hào, bắp cải, cà rốt, xà lách, súp lơ... Và đặc biệt có thêm cà phê và cao su.
Nguồn: Internet.




Theo chân Chúa

Chúa vác con lên vai,
Đi qua nẻo đường dài
Dưới chân là cát trắng,
In đậm dấu chân Ngài.

Rồi  một  cơn  gió  lạ,
Mặt cát lại mịn màng
Người vẫn đi thong thả
Trong nắng chiều mênh mang.

Chúa đặt con trên vai,
Đi qua chặng đường dài
Miệt mài đôi chân bước,
Dẫu gặp nhiều chông gai.

Chúa cõng con trên lưng
Đi qua quãng đường rừng
Có  rất  nhiều  khe  suối,
Trong gió chiều lâng lâng.

Đồi cao kia Thánh giá,
Nhớ lại chuyện tình xưa
Vì yêu thương nhân thế,
Chúa chịu chết không thừa.

Cuộc đời bao phiền muộn
Con cũng đã sẵn sàng
Bước đi theo chân Chúa,
Dẫu đường đầy gian nan.

JB.Sĩ Trọng.