Chủ Nhật, 23 tháng 1, 2022

Đọc Kinh Thánh và những suy tư trong bận rộn

            Đọc Kinh Thánh : Lc 11,14-54.
 1. Niềm vui và hạnh phúc nơi ở mới :
    Đôi khi những kẻ ngoan đạo nhất lại là những kẻ bướng bỉnh không nhận ra công việc của Chúa. Đọc Tin Mừng Luca 11, 14-28 chúng ta thấy rõ. Sau khi chứng kiến phép đuổi quỉ, các viên chức trong Đền thờ vẫn giữ lòng nghi ngờ. Hiện tại trong Giáo Hội, chúng ta cũng vẫn thấy tình trạng này xảy ra vì một số tổ chức cá nhân vượt quyền hạn, và có khi bộc lộ sự cuồng tín thái quá.
    Nguyên nhân nào làm cho có sự phản ứng cả giáo quyền và dân sự ? Một cách khách quan để đánh giá : Đôi khi do lòng sợ hãi một quyền lực vô hình, hoặc không muốn để bị dẫn dụ lạc đường. Trong trường hợp này Chúa Giêsu ( GS ) biết rõ ý tưởng sai quấy của họ ( Lc 11,17a ) nên Ngài nghiêm chỉnh quở trách ( Lc 11,17-20 ). Muốn thấu rõ một biến cố nào đó có phải là phép lạ chân chính không thì hãy dựa vào Lời Chúa mà xét ( A-mốt 7,7 v I Jn 4,1-3 ). Khi chúng ta cảm thấy khó chịu trước một sự việc mới lạ vì trái với truyền thống hoặc niềm tin lâu đời của chúng ta thì hãy cẩn thận phân biệt ( dĩ nhiên phải cầu xin ơn Chúa soi sáng ). Có khi chúng ta phải thành thật nhận rằng có những việc chúng ta chưa hề thấy hoặc biết, nhưng nếu đó là sự việc từ Thiên Chúa ( TC ) thì chúng ta không được chống cự lại ( Cv 5,38-39 ). Thành tâm như vậy mới có thể kinh nghiệm được quyền năng Chúa sâu sắc hơn.
    Chúa GS cũng soi rõ thêm sự liên hệ giữa các phép lạ với chức vụ của các Môn đồ. TC có quyền phép tẩy xóa các ảnh hưởng xấu xa khỏi đời sống chúng ta như say xỉn, rượu chè; tham lam, ích kỷ; sắc dục, nặng nề; nóng nảy, cáu gắt; cộc cằn, hằn hộc... Nhưng phải "trang bị căn nhà" bằng những đồ đạt tốt đẹp phản ánh sự hiện diện của Chúa, chứ đừng để trống. Nếu không, ma quỉ sẽ tìm đến, rốt cuộc "tình trạng lại còn tệ hơn trước"( Lc 11,25-26 ). Khuynh hướng tự nhiên cũng không ngoài ý Chúa, Chúa cho tôi bán căn nhà cũ, mua lại một căn nhà khác, tôi phải nghĩ đến điều đó. Đọc Kinh Thánh ta nhìn thấy : Lúc người đàn bà nói lời ca tụng Chúa GS ( Lc 11,27 ) - thật ra đây là lời ca tụng Mẹ Ngài, thì Chúa dùng ngay cơ hội ấy để giảng thêm rằng phải trang bị căn nhà, phải lấp kín căn nhà bằng Lời TC, biết "lắng nghe và tuân giữ Lời Ngài" ( Lc 11,28 ) ( Ghi nhớ ngày chủ nhà bàn giao căn nhà mình mới mua ). Tôi nghe theo lời người anh, không nên đặt tượng trước sân vì sau này nếu đi xa, thay đổi cư trú thì khó di chuyển, người khác đến ở đôi lúc không phù hợp lại xảy ra những điều không tốt.
    Không phải hễ thấy đám đông thì Chúa GS hăng hái giảng dạy. Ngài chỉ chọn lúc nào người ta chịu nghe thì Ngài mới nói, nhất là nói những điều khó làm theo nhất ( Jn 6,60-66 ). Tại sao thế ? Chúa biết rằng người ta rất dễ dàng bị thúc đẩy làm những việc tốt để phục vụ cho mục đích sai.
    Chúa GS mạnh mẽ bảo rằng chỉ có sự thật lòng ăn năn, sự thật lòng ao ước theo Chúa mới là động cơ chính đáng cho mọi hành động của chúng ta. Dấu lạ Giô-na ( Lc 11,29-30 ) là động cơ duy nhất và chính đáng để thúc dục Ninivê ăn năn. Đời sống chúng ta thật rắc rối, có thể có nhiều lực động viên thúc đẩy ta hành động, nhưng phải tỉnh táo coi dấu lạ Giô-na là lực động viên lớn nhất của chúng ta. Vì "trong cuộc Phán xét có Nữ hoàng Phương Nam đứng lên cùng với những người của thế hệ này và Bà sẽ kết án họ"( Lc 11,31a ).
    Chúa GS nêu hai ví dụ trong Lc 11,33-36. Đèn để soi sáng. Mắt để nhìn sự vật. Sau khi nhìn sự vật thì lòng ta đáp ứng lại sự vật ấy, hoặc thuận hoặc nghịch, hoặc vui hoặc buồn khi nhận thấy sự vật ấy. Lúc ấy những tư tưởng của lòng ta lại được bộc lộ ra ở con mắt. Hôm nay mắt chúng ta bày tỏ tâm trạng của lòng ta thế nào ? Nếu chúng ta nhìn thẳng vào mắt của ai đó và nhận ra rằng đây là người được Chúa yêu, thì hẳn chúng ta sẽ rộn ràng vui sướng.
    Là Kitô hữu, chúng ta phải luôn luôn để Chúa GS làm nguồn động viên chính cho mọi hành động của chúng ta, dù có đi đâu, có thay đổi nơi ở. Ngay từ hôm nay, ta hãy để ánh sáng của Chúa chiếu rọi ra từ chính tấm lòng ta.
    Trong tim ta có nguồn thúc dục nào không ? Người chung quanh khi nhìn vào mắt ta, có thấy ta có sự phấn khởi bước theo Chúa không ? Chúa GS có là trung tâm cuộc sống của ta không ? Có những "sự cũ" nào chúng ta cần loại bỏ đi ? TC kêu gọi ta làm gì ? Đây là những điều chúng ta cần suy nghĩ kỹ, xét lại lòng mình hôm nay khi mình về một nơi ở mới.

2. Sống thẳng thắng, trong sáng :
    Cố làm cho ra vẻ một người tốt thì buồn chán lắm, nhưng được tha thứ thì thỏa thích vô cùng.
    Phân đoạn Kinh Thánh tôi muốn đề cập : Lc 11.37-54. Chúng ta thấy Chúa GS được mời dùng cơm tối với rất nhiều khách quý, nhưng Ngài làm phật lòng họ. Sau khi nghe Ngài sáu lần nặng lời quở trách, bắt đầu bằng chữ "khốn thay"( Có sách dịch là "Khốn cho các ngươi !" ) thì ai nấy đều yên lặng bất bình. Tại sao Ngài hành xử như vậy ?
    Trước hết các chức sắc của Đền thờ nêu cho Ngài những câu hỏi lắc léo tưởng rằng có thể gài bẩy được Ngài, nhưng Chúa GS khiến họ phải im tiếng, và thế là họ đâm ra ganh tị với Ngài. Ngài dùng lại câu chuyện của Gioan Tiền Hô ( Lc 3,7-14 ) để quở bọn họ. Bọn họ chỉ là hạng người giả hình và tham lam ( Lc 11,39 ). Họ theo luật pháp bề ngoài nhưng thật lòng thì chẳng kính mến TC và chẳng biết gì đến công bình ( Lc 11,42 ), do đó họ chống nghịch lại các sứ giả của TC ( Lc 11,47-49 ).
    Tội lỗi khiến ta như thế đó. Người ta có thể biện hộ : "Tôi quen như vậy rồi", hoặc "Họ làm như vậy nhưng thật ra lòng họ tốt lắm". Đừng biện hộ. Đừng giả hình.. Hãy xét chính lòng mình. Hãy nhớ lại chuyện cái dằm trong con mắt của mình ( Mt 7,3-5 ).
    Khi chúng ta nhận rõ được tội lỗi rồi thì chúng ta có thể có một trong hai thái độ. Hoặc là gạt bỏ công việc của Chúa ra khỏi đời sống ta như các vị khách kia, hoặc phục tùng Ngài. Thái độ nào cũng đều có những hậu quả lâu dài.
    Chúng ta cần để ý một điều : Chúa GS giận dữ nhưng Ngài vẫn nhận lời mời của người Pharisieu về nhà dùng bữa. Trước đó, ta còn nhớ có người hỏi Chúa GS : "Ai là người lân cận của tôi ?"( Lc 10,29 ). Đọc qua ẩn dụ hôm nay, ta cũng nên hỏi: "Ai là kẻ thù nghịch tôi ?" Làm hòa lại với một tín hữu trong Hội Thánh có thể khó hơn là đi đến với những người chống đối Phúc Âm, nhưng lại rất quan trọng trong sự làm chứng.
    Người Pharisiêu chú trọng đến việc làm sạch sẽ bề ngoài hơn là thanh tẩy bên trong ( Lc 11,39 ).
    Ngày nay người ta thường đòi hỏi chính phủ phải công khai hóa mọi thông tin cho dân chúng biết. Ai cũng muốn có tự do thông tin, có quyền biết mọi thông tin cần thiết. Cá nhân chúng ta cũng có khi e ngại không biết người xung quanh nói gì, nghĩ gì về ta. Còn chúng ta thì sao, nghĩ gì về người khác mà không công khai ra ? Nên nhớ rằng lòng dạ chúng ta, tư tưởng chúng ta Chúa biết hết cả ( Jn 2,25 ). Nếu những tư tưởng thầm kín của chúng ta mà được rao ra trên mái nhà ( Mt 10,27 ) thì sao ? Nếu vậy thì chắc ta bối rối lắm ? Nhưng dù không được rao ra thì những tư tưởng ấy vẫn có thể gây hại đến phẩm cách của ta, làm cho mối liên hệ với tha nhân xấu đi, và khiến nẩy sinh ra nhiều tội ác ( Mt 15,19 ).
    Khi chúng ta biết được tình yêu của TC đối với chúng ta cao sâu như thế nào, Ngài quý mến chúng ta như thế nào, thì tự nhiên chúng ta sinh lòng ao ước được Chúa vùa giúp để có đời sống tốt đẹp hơn, được ban cho quyền năng để làm một chứng nhân xứng đáng hơn, được sự khôn ngoan để biết tin cậy Ngài trong mọi sự. Khi có được lời hứa của TC thì ta còn lo ngại nỗi gì ? Ngài hứa cả đến sự ban cho lời nói khôn ngoan để bênh vực mình ! Vậy hãy sống vững vàng, sống ngay thẳng, trong sáng. Hãy để cho người xung quanh thấy TC đang vận hành trong đời sống chúng ta. Chúng ta hãy là cuốn sách thánh để dân ngoại nhìn và đọc. Người chung quanh ta, bạn bè và đồng sự của ta nhìn vào ta mà biết Chúa. Hãy để Chúa Thánh Thần uốn nắn ta theo ý muốn của Ngài.

3. Cầu nguyện :
    Lạy TC toàn năng, xin Ngài mở trí mở lòng con để con nhận biết những điều mới lạ Ngài ban cho trong năm mới này.
    Lạy Chúa, cầu xin Ngài cho con trở thành chứng nhân của Ngài, một chứng nhân tốt đẹp cả trong lời nói lẫn việc làm.
    Lạy Chúa, xin Thánh Thần Ngài soi dẫn để con hiểu được lòng con, xin cho con biết bày tỏ tình yêu thương bằng hành động và lời nói. Cũng giúp con tha thứ được người đã làm hại con như Ngài đã tha thứ con.
    Lạy Chúa, xin Ngài cho con cảm nhận được Thánh ý Ngài trong đời sống con, cho con phản ánh được vinh quang của Ngài. Amen !

JB.SĨ TRỌNG.
    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét